Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Xin lễ cho các linh hồn thai nhi và mồ côi!? - Câu hỏi trong tháng cầu cho các linh hồn.


-Có cần xin lễ cho các thai nhi và các linh hồn mồ côi không? (Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn)

-Về việc xin lễ cho các linh hồn mồ côi và thai nhi. (Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn)
-------------------------------------------------------------------------------------

I/ Có cần xin lễ cho các thai nhi và các linh hồn mồ côi không?

Hỏi : Xin cha giải đáp ba thắc mắc sau đây : 1.Có cần xin lễ cầu cho các thai nhi bị giết vì phá thai không ? 2.Có cần xin lễ cầu cho các linh hồn mồ côi không ? 3.Có cần xin lễ đời đời để cầu cho ai không ?
thainhi.jpg  
Trả lời : 
(Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn)

1. Về việc cầu nguyện cho các thai nhi
 :
Các thai nhi là những bào thai đã bị giết trong lòng mẹ vì phá  thai ( abortion)

Đây là một tội ác phạm đến điều răn thứ Năm cấm giết người của Thiên Chúa đã truyền cho con người phải tuân giữ từ thời Cựu Ước cho đến nay.

Sự sống là quà tặng linh thánh ( sacred gift) Thiên Chúa ban cho những người được mời sống ơn gọi gia đình để cộng tác với Chúa trong Chương Trình sáng tạo, tức là làm cho có thêm nhiều người trên trần thế này, như Chúa đã truyền cho Adam và Eva xưa kia. Lênh truyền đó như sau:
 
Hãy sinh sôi nẩy nở cho thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất.” ( St  1:28) 
Để thi hành mệnh lệnh trên của Thiên Chúa, tuyệt đối cấm sát sinh vì bất cứ lý do gì. Phải tôn trọng sự sống từ khi được thụ thai ( conception) cho đến cái chết tự nhiên ( natural death) trên giường bệnh. Do đó, phá thai là giết chết một sự sống, dù mới được hình thành trong lòng mẹ một hai tháng hay tám chín tháng.Đây là một tội ác phạm đến Thiên Chúa là Nguồn mạch sự sống của con người và mọi sinh vật trên trần thế này. 

Vì thế, ai phạm tội phá thai hay giúp người khác phá thai có kết quả thì lập tức bị vạ tuyệt thông tiền kết ( x giáo luật số 1398) dành cho Đức Thánh Cha quyền tháo gỡ mà thôi. Nhưng đặc biệt trong Năm Thánh lòng thương xót đang diễn ra trong Giáo Hội cho đến ngày 20 tháng 11 năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép các linh muc trong toàn Giáo Hội được tha tội này cho các  hối nhân để giúp họ nhận lại tình thương của Chúa, sau  khi đã lỡ đánh mất vì phạm tội phá thai.

Riêng đối với các thai nhi bị giết, thì chắc chắn các thai nhi này hoàn toàn vô tội vì chưa được sinh ra , lớn lên và có thể phạm tội được. Tuy nhiên, chúng vẫn  phải  chịu hậu quả của tội  nguyên tổ do  Adam và Eva để lai, nhưng không được rửa tội để tẩy xóa hậu quả này  thì đó hoàn toàn không phải lỗi của chúng. Đó là  lỗi của  kẻ đã giết chúng, không cho chúng cơ hội được  sinh ra để được rửa tội. Vì  không phải là  lỗi của chúng, nên chắc chắn Chúa cũng không thể bắt lỗi các thai nhi bị giết về sự thiếu sót  ngoài ý muốn này .

Vả lại, xin lễ chỉ có giá trị xin tha các hình phạt hữu hạn ( temporal punishment ) cho các linh hồn đang còn được thanh lọc trong Luyên Tội ( Purgatory) chứ không có giá trị tha tội Tổ Tông và các tội cá nhân cho người còn sống hay đã qua đời.. Như vậy,  càng không có lý do để xin lễ cầu cho các thai nhi.

Các thai nhi bị giết oan uổng này chắc chắn vẫn được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.  Cho nên, ta không  cần phải  lo cho phần rỗi của chúng , để phải xin lễ cầu cho chúng,  như nhiều người không am hiểu đang làm. Tôi quả quyết là các thai nhi bị giết oan uổng nên  được Chúa thương xót  nhiều hơn để đón nhận vào chốn an nghỉ đời đời với Người. Kẻ có tội là những ai đã xin phá thai hay giúp người khác phá thai có kết quả. Các thai  nhi là những nạn nhân đáng thương của những  kẻ  vô tâm ,vô luân đã giết hại chúng, khiến chúng không có cợ hội được sinh ra làm con người trên trần thế này.. Như thế, không cần phải xin lễ cầu cho chúng.

Các linh mục có bổn phận giải thích cho giáo dân để đừng nhận tiền xin lễ cầu cho các thai nhi như người ta đã và đang  làm ở nhiều nơi.Thực hành này hoàn toàn không hợp lý xét theo đức tin, giáo lý và thần học  của Giáo Hội.
2. Có linh hồn nào mồ côi không
 ?
Khi nói linh hồn mồ côi là nói theo suy nghĩ của người đời. Tức là nói đến các linh hồn không  có thân nhân còn sống để cầu cho người thân đã mất.

Nhưng thực tế là Giáo Hội vẫn cầu xin cho mọi tín hữu đã ly trần trong mọi Thánh Lễ, dù không có ai xin lễ cầu cho các linh hồn này. 

  Sau  đây là bằng cớ cụ thể : 

Trong các Kinh Nguyện Tạ Ơn ( Thánh Thể) I, II, III,và IV đọc trong Thánh Lễ, Giáo Hội hằng ngày cầu chung cho các tin hữu đã ly trần như sau:

   “ Xin Chúa cũng nhớ  đến  anh  chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã y trần trong tình thương của Chúa’
Xin cho hết thẩy được vào hưởng ánh sáng tôn nhân Chúa
…” ( KNTT II) 
Dù không có ai xin lễ, thì linh mục vẫn đọc lời cầu xin trên đây để cầu cho tất cả mọi tín hữu đã ly trần, tuy  không có ai xin lễ cầu cho họ..

Nếu có ai xin lễ cầu cho linh hồn nào,  thì có thêm lời nguyện riêng như sau:

  “ Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là …. mà ( hôm nay) Chúa đã gọi ra khỏi đời này về với Chúa. Xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa  thì cũng được sống lại như Người.”

Như thế rõ ràng cho thấy là Giáo Hội không chỉ cầu nguyện riêng cho những linh hồn có thân nhân còn sống xin lễ cầu cho, mà còn cầu nguyện chung cho hết mọi tín hữu đã ly trần trong đó có những linh hồn không có thân nhân còn sống  xin lễ cầu cho.Nghĩa là không có linh hồn nào được coi là “ mồ côi” vì không có ai cầu nguyện cho  cả.

Tóm lại, ai có lòng tốt xin lễ cầu cho các linh hồn đã ly trần thì đó là việc bác ái đáng khuyến khích. Nhưng  đừng nói xin cầu cho các “linh hồn mồ côi”, vì thật ra không có linh hồn nào bị coi là mồ côi đúng nghĩa  trong kinh nguyện của Giáo Hội
3. Về việc xin lễ đời đời
 :
Vấn đề này tôi đã đôi lần nói đến. Nay xin được nhắc lại như sau:

Trước hết, từ ngừ “đời đời” (eternal)  được dùng trong Giáo Hội để chỉ:
a. trước hết tình trạng ơn phúc vĩnh cửu với Chúa trên Thiên Đàng

b. hay phải xa cách Chúa vĩnh viễn trong nơi gọi là hỏa ngục (hell). 

. Các linh hồn đang được hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng , thì không cần ai cầu nguyện cho nữa. Ngược lại, linh hồn  nào đã xa lìa Chúa vĩnh viễn trong hỏa ngục thì không ai có thể  làm gì để cứu giúp được nữa, vì không có sự hiệp thông nào giữa các Thánh ở trên trời, hay giữa  các tín hữu còn sống trên trần gian với các người đã xa lìa Chúa trong hỏa ngục. (x SGLGHCG số 954-55, 1033).

Như vậy xin lễ đời đời để cầu cho ai ? 

Không cần cầu cho các Thánh ở trên Thiên Đàng mà cũng không thể giúp ích gì cho các linh hồn trong hỏa ngục như đã nói ở trên.Chỉ còn các linh hồn trong Luyện tội mới cần được giúp đỡ của các Thánh  trên Thiên Đàng và các tín hữu còn sống  trên trần gian mà thôi.

Nhưng các linh hồn  này  chỉ ở Luyện tội  có thời hạn thôi,  chứ  không ở đây vĩnh viễn  đời đời , như những người đã xa lìa Chúa trong  hỏa ngục. 

Như vậy,  không cần phải  xin lễ đời đời cầu cho các linh hồn trong Luyện Tội vì không ai phải ở đây đời đời như các người trong chốn hỏa ngục.

Vả lại, ai có thể sống đời đời trên trần gian này để dâng lễ đời đời cho người khác ? Nhà Dòng nào , linh mục nào có thể  “ sống đời đời” để dâng lễ đời đời cho ai để hưởng bổng lễ cao của người xin Lễ ???

Như thế, rõ ràng đây  là việc làm  lừa dối  và sai lạc giáo lý chỉ vì mục đích  kiếm tiền mà thôi. Không ai ngăn cấm hay giới hạn việc xin lễ cầu cho các linh hồn đã ly trần. Nhưng không thể đặt ra cái gọi là “lễ đời đời” với bổng lễ cao ( có nơi đòi 20,000 hay  30,000 dollars )   của người giáo dân không am hiểu giáo lý của Giáo Hội về việc cầu cho người đã ly trần. Bao lâu con cháu hay thân nhân của người quá cố còn sống, thì cứ cầu nguyện và xin lế cầu cho thân nhân đã ly trần, vì không ai biết được linh hồn nào  đã được vào Thiên Đàng rồi  hay đã xa lìa Chúa trong hỏa ngục, hoặc đang còn phải thanh lọc trong Luyện Tội. Do đó, cứ xin lễ cầu cho các người đã ly trần, nhưng không thể  xin lễ đời đời để cầu cho các linh hồn nơi luyện tội,  vì các linh hồn không ở đây đời đời mà chỉ ở có thời hạn theo sự công bằng Chúa đòi hỏi mà thôi.

Cũng liên quan việc xin lễ cầu cho người quá cố, phải nói rõ môt lần nữa là  tiền bạc không bao giờ có thể mua được Nước Thiên Đàng cho ai.Chúa không bao giờ luận phạt hay ban phúc cho ai vì có người đã bỏ ra nhiều tiền để xin lễ hay dâng cúng vào nhà thờ, nhà Dòng ... Tiền xin lễ  chỉ giúp ích cho các  linh mục dâng lễ,  chứ không ảnh hưởng gì đến việc phán xét của Chúa cho một hay nhiều linh hồn. Xin nhớ kỹ điều này để đừng ai lầm tưởng là bỏ nhiều tiền ra xin lễ, xin cầu nguyện thì được ích lợi thiêng liêng nhiều  hơn người nghèo không có tiền xin lễ.

Nếu một người, khi còn sống đã thực tâm yêu mến Chúa, yêu thương tha nhân, thực thi công bằng, bác ái và đã ra đi trong ơn nghĩa Chúa, thì dù không có ai cầu nguyện cho, thì cũng không thiệt thòi gì về phần rỗi.Ngược lại, một người đã bỏ quên Chúa  để  chạy theo những quyến rũ của thế gian và ma quỷ và không biết ăn năn sám hối trước khi chết, thì dù cỏ ai bỏ ra hàng triệu đô la xin lễ cầu cho thì cũng vô ích mà thôi. Chắc chắn như vậy.

Như thế, ai gây cho người khác ngộ nhận là bỏ ra nhiều tiền xin lễ, xin cầu nguyện thì linh hồn được mau vào hưởng Thánh Nhan Chúa,  hơn là không có tiền xin lễ. Gây ngộ nhận như vậy, để lấy nhiều tiền xin lễ của giáo dân   là phạm tội “mại thánh=simonia” theo giáo lý và giáo luật của Giáo Hội.( x. Giáo luật số 1380) . 

Tội mại thánh là  tội vô tình hay cố ý lấy tiền của ai để  ban một bí  tích hay dâng lễ cầu cho ai.( giáo luật trên đây). Do đó, linh mục không được phép đòi tiền ai để rửa tội, giải tội, sức dầu hay  chứng hôn phối, hoặc cử hành lễ nghi an táng.

Nhưng nếu thân nhân  người nhận các bí tích hay thánh vụ nói trên tự ý  tặng tiền cho, thì  được phép nhận. Lại nữa,  linh mục chỉ được phép nhận bổng lễ ( mass stipend) theo qui định của giáo quyền địa phương, ( ở Tông Giáo Phận Galveston-Houston, tiền xin lễ qui định là 5 dollars mỗi thánh lễ)  chứ không được phép đòi bổng lễ cao hơn mức qui định, hay từ chối dâng lễ vì có bổng lễ thấp. Thêm nữa, nếu người xin lễ không có tiền xin lễ,  thì linh mục vẫn được mong đợi dâng lễ cho người ta, dù không có bổng lễ ( tiền xin lễ) ( x. giáo luật số 945&2) 

Tóm lại, linh mục không  được  lợi dụng thánh chức của mình để làm tiền ai trong bất cứ trường  hợp nào.Ai vi phạm thì bị coi là phạm tội mại thánh, vì đã biến việc phục vụ  thiêng liêng của mình thành hoạt động thương mại trần thế.

Ước mong  những giải đáp trên thỏa mãn các câu hỏi đặt ra.

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

II/ Về việc xin lễ cho các linh hồn mồ côi và thai nhi
- Có một số người xin lễ “cầu cho các linh hồn mồ côi” nhưng một số người khác lại cho rằng không có linh hồn nào mồ côi cả vì Giáo Hội luôn cầu nguyện cho họ.
- Tương tự, một số người xin lễ “cầu cho các thai nhi”, nhưng người khác lại cho rằng các thai nhi vô tội thì đương nhiên được vào thiên đàng rồi, cần gì phải xin lễ cầu nguyện cho các em đó nữa.
Cha nghĩ sao về hai điểm trên?
(Lớp 2 Thần học Học viện Mến Thánh Giá TPHCM).

Trả lời: (Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn)
Đây là hai câu hỏi trong tháng các linh hồn đáng cho chúng ta quan tâm.
1. Về việc xin lễ cho các linh hồn mồ côi
1.1. Trước hết, có lẽ ta cần xác định từ ngữ “mồ côi” theo quan điểm bình dân và theo quan điểm thần học.
Mồ côi theo nghĩa thông thường: chỉ tình trạng bị chết cha hoặc mẹ, hay cả hai, khi còn nhỏ dại (Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, 2005, NXB Đà Nẵng).
Mồ côi theo nghĩa thiêng liêng: chỉ tình trạng bị chết cha mẹ hay người thân, không được ai nhớ đến để cầu nguyện cho.
1.2. Theo nghĩa thiêng liêng này thì không có linh hồn tín hữu nào mồ côi cả vì luôn có một sự hiệp thông của các thành phần trong Giáo Hội với tín hữu đã qua đời.
Sách Giáo l‎ý Hội Thánh Công giáo dạy rằng: “Sự kết hợp giữa những người còn đi đường (Giáo Hội lữ hành trần thế) với các anh em đã an nghỉ trong bình an của Đức Kitô không hề bị gián đoạn, mà trái lại, theo đức tin trường tồn của Hội Thánh, sự hợp nhất đó còn được tăng cường bằng việc truyền thông cho nhau những lợi ích thiêng liêng” (x. Giáo l‎ý Hội Thánh Công giáo, NXB Tôn giáo, 2010, số 955, 954).
Bởi biết rất chắc chắn rằng có sự hiệp thông như thế trong toàn Nhiệm Thể của Chúa Giêsu Kitô nên ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết sức thành kính nhớ đến những người đã qua đời và bởi vì ‘dâng hy lễ để đền tội cho những người đã chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi, là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện’ (2Mcb 12,45), nên Hội Thánh cũng dâng lời cầu cho họ (CĐ Vat.II, Hiến chế Tín l‎‎ý Lumen Gentium, số 50). Lời cầu nguyện của chúng ta cho họ không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu của họ cho chúng ta nên hữu hiệu” (Giáo l‎ý Hội Thánh Công giáo, số 958).
1.3. Tuy nhiên, đối với những linh hồn không phải là tín hữu, chưa thuộc về Hội Thánh Công giáo, lại không có người thân nào cầu nguyện cho, họ thật sự là những linh hồn mồ côi.
Nếu chúng ta căn cứ vào lời định nghĩa Hội Thánh như là cộng đoàn của những người tin vào Đức Kitô (x. Giáo l‎ý Hội Thánh Công giáo, số 751-752) hay “Giáo Hội là nơi Thiên Chúa ở với con người” (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 60), chúng ta sẽ thấy còn rất nhiều linh hồn đã qua đời không phải là những tín hữu.
Số tín hữu theo Kitô giáo hiện nay chưa đạt được 30% dân số thế giới. Nhiều người vô thần và các tôn giáo đa thần không có chung niềm tin vào Đức Kitô như chúng ta. Vì thế, sau khi chết, họ thật sự là những linh hồn mồ côi cần chúng ta quan tâm để cầu nguyện dâng lễ cho họ. Để rồi nhờ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, họ được thanh luyện và hưởng hạnh phúc trọn vẹn với Chúa. Lời cầu nguyện của ta sẽ nối kết họ vào đại gia đình Thiên Chúa để cùng hiệp thông ân phúc cho nhau (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 959).
2. Về việc xin lễ cầu nguyện cho các thai nhi
Các thai nhi chết trong bụng mẹ vì nhiều nguyên nhân: có những thai nhi chết do bệnh tật, do sự vô tình không biết của người mẹ; có những thai nhi chết do cha mẹ cố tình phá thai, do những người thân yêu khác như họ hàng, bạn bè xúi giục; hoặc do định chế xã hội quy định khiến cho họ sợ bị mất tiền lương, bị hạ thấp điểm thi đua, bị mất quyền lợi trong tổ chức… chắc chắn khi chết như thế, các thai nhi hoàn toàn vô tội, được Chúa thương xót và cho hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa.
Tuy nhiên, đối với những thai nhi bị chết vì cha mẹ hay người thân cố tình phá thai, có lẽ ta có thể nhìn dưới khía cạnh nhân vị để thấy vẫn cần cầu nguyện xin lễ cho các em.
Nhiều bà mẹ hay người lớn đã nghĩ rằng thai nhi được vài ngày hay vài tuần tuổi, chưa mang hình đạng con người, thì chưa phải là con người. Nếu có phá thai cũng không phải là tội giết người, nên không ý thức về tội ác mình phạm.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dạy rằng: “Quyền được sống là quyền của đứa trẻ được lớn lên trong bụng mẹ ngay từ khi thụ thai cho tới khi chết một cách tự nhiên, cũng là điều kiện để có thể thi hành tất cả các quyền khác như quyền được hiểu biết sự thật, quyền sống trong gia đình hợp nhất, quyền lao động, quyền lập gia đình, quyền tự do tôn giáo… và đặc biệt coi mọi hình thức phá thai là tội ác và bất hợp pháp (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 155,233).
Ngay từ lúc thụ thai, khi trứng của người mẹ và tinh trùng của người cha tạo nên bào thai, bào thai ấy đã là một con người với tất cả phẩm giá của con người . Con người ấy là hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1,26-27; Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 34) với tinh thần mở ra với siêu việt, mở ra với Đấng Vô Biên là Thiên Chúa, với tha nhân và mọi thụ tạo khác (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 130).
Chính khả năng tinh thần này của thai nhi khiến chúng ta hiểu em có thể nhận biết rằng cha mẹ và những người khác đang muốn loại trừ em, tiêu diệt em và em bất lực trước hành động tàn ác của họ. Em đau buồn, sợ hãi và có thể oán hận họ. Nếu chúng ta ở vào trường hợp của em chắc ta cũng oán hận, căm ghét những kẻ giết hại mình như thế. Vì vậy, thai nhi có thể chết trong tâm trạng buồn tủi, oán hận. Điều này nói lên một phần nào tinh thần của em cũng cần được thanh tẩy để hoàn toàn thanh thản trong việc kết hợp với Chúa.
Trong kinh nghiệm cá nhân của tôi, tôi gặp những trường hợp các thai nhi đã nhập vào người mẹ hay người anh, người chị trong gia đình để nói lên niềm đau khổ và oán hận ấy. Sự kiện này không xảy ra cho mọi cuộc phá thai vì Chúa rất nhân từ và thương xót nên Ngài an ủi các thai nhi và ban thưởng cho sự chịu đựng của các em. Tuy nhiên, đây cũng là một vài dấu hiệu Chúa cho phép xảy ra để ta hiểu được một số linh hồn thai nhi cần gì.
Trong những trường hợp phá thai đó, ngoài việc xưng tội xin lỗi Chúa, tôi thường nhắc nhở các bà mẹ, các người có liên quan trong việc phá thai đó nên xin lỗi và hoà giải với thai nhi bị giết hại để tinh thần các em được an ủi, nhẹ nhàng, siêu thoát. Đồng thời cũng xin lễ cầu nguyện cho các em để nếu còn vướng mắc chút gì, các em được hoàn toàn trong sạch trước mặt Chúa.
Như thế, việc cầu nguyện, xin lễ cho các thai nhi không phải là vô ích trong đời sống hiệp thông của người Kitô hữu.


Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

---------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét