Nguyễn Dư
|
quan tây và các hương chức ta trong một lễ hội dân gian Bắc Việt |
Cách đây gần 20 năm, tôi được ông anh giới thiệu một gia đình người Pháp đang sống ở làng Ambialet, gần tỉnh Albi. Ông anh cho biết là gia đình này còn giữ được nhiều đồ cổ và hình ảnh Việt Nam
Tôi liên lạc xin gặp cụ Simone Peyrin.
Cụ Simone và anh con traiYvon tiếp tôi trong căn phòng khách ấm cúng. Giữa phòng kê bộ salon Việt Nam bằng gỗ gụ chạm trổ hoa lá, cành nho quấn lượn quanh dơi nai. Trên vách phía trước treo một tấm trướng bằng lụa thêu, màu sắc vui tươi, hoa văn và chim muông viền xung quanh mấy đại tự . Phía đối diện kê chiếc tủ kính dài đựng chén đĩa, bên trên tủ là bộ chuông, khánh bằng đồng. Cạnh tủ dựng một chiếc mâm đồng rất to chạm trổ li ti, chiếc chân đèn được đục đẽo tỉ mỉ thẳng từ một thân cây, không ghép nối v.v. Chúng tôi chuyện trò thân mật. Cụ Simone tỉ tê kể lại những kỉ niệm thời thanh xuân sống ở Việt Nam, bên cạnh chồng là ông Charles Peyrin...
Charles Peyrin sinh năm 1895 trong một gia đình nhà binh. Cha và chú ông là sĩ quan quân đội. Lớn lên ông cũng tình nguyện phục vụ nhà binh, tham dự đại chiến lần thứ nhất tại chiến trường đông bắc nước Pháp.
Năm 1920 ông được gửi sang Việt Nam.
Tại Việt Nam, Charles Peyrin được giao trách nhiệm đi chụp ảnh cho cơ quan vẽ bản đồ (service de cartographie). Trong mấy năm liền, ông có dịp đi rất nhiều nơi, từ vùng Việt Bắc vào tới miền Nam. Ông đã từng cư trú tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lai Châu, Nha Trang, Tây Nguyên, Sài Gòn, Mỹ Tho, vùng biên giới Cao Miên v.v. Tới đâu ông cũng chụp rất nhiều ảnh, chụp cho cơ quan và chụp riêng cho chính mình.
Năm 1925, Charles Peyrin trở về Pháp, lấy cô Simone. Năm 1926 cặp vợ chồng trẻ cùng trở lại Việt Nam. Ông tiếp tục công việc cũ. Ông bà sinh người con trai đầu lòng Marcel-Paul tại Hà Nội. Cuối năm 1933, quan ba (capitaine) Charles Peyrin cùng vợ con hồi hương. Về Pháp, Ông tiếp tục phục vụ nhà binh cho đến ngày về hưu. Ông bà sinh thêm người con trai Yvon.
Charles Peyrin mất năm 1972, chôn tại làng Ambialet.
Kho ảnh tư của Charles Peyrin, nói đúng hơn là kho âm bản bằng kính, có khoảng hơn 1000 tấm. Ảnh chụp tại Việt Nam chiếm độ hai phần ba. Ngoài mấy chục tấm chụp cỡ lớn (9x12 cm và 13x18 cm) phần còn lại là cỡ 6x6 cm. Điểm đặc biệt của bộ âm bản này là được chụp bằng máy ảnh được trang bị 2 ống kính. Mỗi tấm kính 6x13 cm được chụp và tráng ra thành 2 âm bản 6x6 cm tương ứng với góc nhìn của mắt phải và mắt trái. Cho vào máy đặc biệt, soi lên sẽ thấy hình nổi (stéréo).
Toàn bộ số âm bản của Charles Peyrin chụp và tráng tại Việt Nam này chưa hề được rửa ra giấy lần nào. Chúng ngủ im hơn 50 năm trong mấy cái hộp ẩm mốc, bụi bặm. Một số bắt đầu bị tróc, bị rách. Có vài tấm bị vỡ, sứt mẻ. Tất cả bị bỏ quên trong một xó gác xép.
|
vẽ bản đồ
|
Lần trước gặp cụ Simone tôi e ngại không dám mượn nhiều. Chính cụ cũng hơi lúng túng và kín đáo tỏ ý không muốn cho mượn những tấm chụp cộng đồng người Pháp vì không hay ho, bổ ích gì đối với người Việt Nam. Tôi không kèo nài và chỉ lựa nhanh được khoảng hơn 100 tấm âm bản.
Lúc bắt tay vào rửa ảnh, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là ảnh nên phóng lớn cỡ nào? Rửa thử vài tấm thì nhận ra rằng máy ảnh thời đầu thế kỉ 20 còn thô sơ, chưa có các bộ phận đo ngắm chính xác. Nhiều máy không có điều chỉnh vận tốc hoặc nếu có thì cũng chỉ có một hai vận tốc chậm. Độ nhạy của émulsion orthochromatique (Lumière, Agfa, Aschrom, Guilleminot) cũng rất bị giới hạn. Trong điều kiện khó khăn như vậy mà chụp được một tấm ảnh có bố cục cân đối, đường nét rõ ràng, sắc độ tương phản trung bình, thì ngoài tài của nhiếp ảnh gia còn phải trông cậy một phần vào may mắn. Ngược lại, bố cục lệch lạc, đường nét chao mờ, sắc độ đậm nhạt quá đáng thường hay xảy ra. Hậu quả dễ hiểu là ảnh hình vuông thường có bố cục lỏng lẻo. Tôi quyết định cắt bỏ những chỗ trống rỗng. Ảnh hình chữ nhật có bố cục chặt chẽ, hài hòa hơn. Điều cốt yếu là nội dung tuyệt đối không bị thay đổi.
Tôi chọn khổ giấy 24x30 cm gần giống hình vuông. Vừa đủ lớn mà không quá cồng kềnh, tốn kém. Giấy tốt, thuốc hay, tay quen, nên khâu rửa ảnh ra giấy tương đối nhanh. Nói là nhanh nhưng cũng phải mất cho mỗi tấm khoảng nửa giờ loay hoay rửa thử vì chất lượng các tấm âm bản rất chênh lệch nhau. Tấm thì mờ nhạt, tấm thì đen kịt. Khâu tu sửa ảnh mới đòi hỏi nhiều thời gian vì hầu như tấm âm bản nào cũng bị mốc, trầy xước, có vết tay. Trung bình mỗi tấm ảnh cần độ vài giờ trang điểm, tẩy xóa, nhưng thỉnh thoảng gặp tấm "bỏ thì thương, vương thì tội", hư hỏng nhiều quá, thì phải mất một hai ngày mới xong.
Tôi bỏ ra vài tháng lau chùi, rửa và tu sửa xong hơn 100 tấm ảnh. Ảnh được đem đi trưng bày triển lãm ba lần, cho bạn bè Pháp mượn dùng làm tài liệu thảo luận, trình bày về đề tài Thực dân Pháp tại Việt Nam.
|
mộ Francis Garnier |
Thế rồi bẵng đi một thời gian tôi không để ý đến kho ảnh Charles Peyrin nữa. 100 tấm cũng tạm đủ ! Mới đây, năm 2000, nhân dịp trao đổi với mấy người bạn thì được biết dường như tại Việt Nam đang có nhu cầu tìm kiếm những hình ảnh ngày xưa.
Tôi sực nhớ đến cụ Simone...
Lần gặp gỡ này vắng mặt cụ Simone, cụ mất rồi. Yvon vui vẻ tán thành ngay ý muốn khai thác hết kho ảnh của tôi. Cảm động hơn nữa là Yvon khoán trắng toàn bộ số âm bản cho tôi. Muốn làm gì thì làm. Tôi cám ơn sự tin cậy của Yvon bằng lời hứa sẽ làm sống lại những kỉ niệm của ông bà Peyrin. Tôi hồi hộp chở về nhà một hòm cộng thêm mấy hộp lớn chứa đầy những hình ảnh Việt Nam!
So với kho ảnh của Albert Kahn (Villages et villageois au Tonkin, Conseil général des Hauts de Seine, 1986), hay của Pierre Dieulefils (Thierry Vincent, Pierre Dieulefils,1998) và một số bưu ảnh ngày xưa (Jean Noury, L'Indochine avant l'ouragan, 1984) thì kho ảnh của Charles Peyrin chiếm một vị trí khá đặc biệt, bổ túc cho những kho ảnh kia. Với tư cách là một sĩ quan đi chụp ảnh cho nhà binh ông được tiếp xúc dễ dàng với các quan chức thực dân, lui tới những nơi mà không phải ai cũng tới được. Lúc rảnh rỗi, ông lại là một người chụp ảnh nghiệp dư giàu kinh nghiệm, say mê ghi lại những sinh hoạt của dân thường bản xứ và của cộng đồng thực dân Pháp.
Những người đi tìm kiếm tài liệu ngày xưa sẽ gặp lại vài khu phố Hà Nội, cảnh quan xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Thấy được cầu Long Biên, bến cảng Hải Phòng, Sài Gòn. Nhiều làng quê, nhiều sắc dân miền núi... Múa rồng, rước thánh, chọi trâu, hội tây... Người viết sử tìm được mộ Francis Garnier và một số nhân vật khác của thời kì Pháp đi xâm chiếm thuộc địa.
Vật đổi sao dời.
Nhìn đống âm bản hư hỏng đôi lúc băn khoăn, lưỡng lự. Nhưng rồi lại tự động viên tinh thần cố tiếp tục làm cho xong. Bù lại, có những giây phút được bay nhảy, thả hồn theo đồi núi trập trùng mây khói. Nhớ những nương chiều, nhớ sông nước mênh mông văng vẳng tiếng hát sông Lô, sông Thao. Qua đèo vượt suối, ghé thăm bản làng, quê nghèo lam lũ. Cũng có lúc phải nén cơn xúc động, bụng bảo dạ đừng nghĩ đến cảnh trước mắt, cứ cố làm cho đẹp, cho xong tấm ảnh.
Con đường thiên lí dài hun hút nhưng đã thấy thấp thoáng lũy tre quê nhà. Mai đây chúng ta sẽ có một kho ảnh khá quan trọng mang dấu tích Việt Nam hồi đầu thế kỉ 20.
Thật là lẩm cẩm. Trong lúc mọi người đổi mới thì mình lại đi bới cái cũ. Chả hiểu tại sao, chả biết để làm gì ?
Mình đang ôm trong tay dấu vết của một thời nên quên hay hình bóng của một thời phải nhớ ?
Mong rằng những kỉ niệm, những hình ảnh này sẽ đến được với nhiều người Việt Nam đang sống trong nước hay đang lưu lạc khắp năm châu.
Nguyễn Dư
(Lyon, 3/02)
|
những người giúp việc vẽ bản đồ? |
|
dựng lều giữa cánh đồng |
|
xe kéo quan Tây trên phố |
|
đám rước - có lẽ ở Hà Nội |
|
gánh nước thuê |
|
ra chợ |
|
chợ làng |
|
gánh hàng rong và xe thổ mộ |
|
mua bán cá trên biển khi thuyền về |
|
phu chèo thuyền |
|
tát nước vào ruộng |
|
choi trâu |
|
vật trước sân đình |
|
diễu hành duyệt binh bằng xe đạp |
|
duyệt binh |
|
hồ gươm |
|
cầu Long Biên |
|
gia đình người dân tộc vùng cao Bắc Việt |
|
viên chức nhỏ vùng cao Bắc Việt |
|
quan Tây và nguoi Thượng |
|
quan Tây và nguoi Thượng |
|
người Thượng |
|
một người Thượng chết, có lẽ do vết thương ở ngực |
|
mang người chết về làng |
|
đầu trâu săn được (dân Thượng) |
|
bắt cá bằng nôm |
|
cầu Thê Húc |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét