Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Thách thức của nhà thờ Đức Bà trước cuộc đại tu




TTO - Nếu tình trạng hư hỏng của nhà thờ Đức Bà kéo dài thêm có thể gây nguy hiểm cho giáo dân và khách tham quan. Thậm chí, có thể nguy hiểm cho cả những người đi ngang qua khi có gió mưa.
Những tia nắng sớm mùng 1 tết Nhâm Thân 2012 ở Nhà thờ Đức Bà - Ảnh: C.M.C.
Những tia nắng sớm mùng 1 tết Nhâm Thân 2012 ở Nhà thờ Đức Bà - Ảnh: C.M.C.
Tuy nhiên, “Bây giờ chúng tôi chưa thể nói được gì. Bởi vì còn quá nhiều việc chưa được giải quyết hoặc chờ ý kiến của bề trên” - linh mục Hồ Văn Xuân, trưởng ban trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nói.

Mái có thể sập
Và như lời của linh mục Hồ Văn Xuân, cho đến nay dường như công việc kiểm định các hạng mục do Công ty cổ phần Kiểm định xây dựng Sài Gòn với người chủ trì kiểm định là kỹ sư Hoàng Phong và các chuyên gia gồm các kỹ sư Nguyễn Tường Giang, Trần Minh Hải, Tôn Hoàng Vũ và kỹ thuật viên Tiêu Chí Hây thực hiện vẫn chưa hoàn toàn hoàn tất.
Bên cạnh đó, đơn vị quản lý dự án là Công ty Artelia, trụ sở chính tại Pháp, sau khi khảo sát nhà thờ, tổng giám đốc công ty này Bruno d’Arcangues đã đề nghị trùng tu đồng bộ công trình: tháp chuông, mái ngói, tường, điện nước, âm thanh ánh sáng, hệ thống phòng cháy chữa cháy và thông gió.
Đối với tường nhà thờ, các chuyên gia sau khi khảo sát đã đề nghị trám trét lại những phần gạch bị bong tróc bằng cách dùng gạch cũ xay ra làm vật liệu trám trét. Tất nhiên những phần viết vẽ cũng cần làm sạch.
Riêng nóc nhà thờ, bộ phận bị hư hỏng nặng nhất, các chuyên gia sau khi khảo sát đã đề nghị phải trùng tu tháp, đặc biệt là phần mái và khung.
Nếu không với chấn động của âm thanh khi đánh chuông có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến tháp. Thậm chí, việc rớt những tấm tôn của mái chuông xuống khi gió, mưa có thể ảnh hưởng đến những người đi qua nhà thờ.
Khi thiết kế, người ta đã bố trí cầu thang, lan can sắt trên nóc nhà thờ để việc bảo trì được thuận lợi.
Trong suốt lịch sử tồn tại, mái nhà thờ đã được sửa chữa, chống dột nhiều lần. Hiện nay vùng mái ngói chính của nhà thờ có khoảng 6 loại ngói khác nhau, mà nhiều nhất là ngói Phú Hữu (một địa danh ở quận 9 hiện nay).
Số lượng ít hơn là ngói Đồng Nai (thường gọi là ngói Biên Hòa) và ngói của thương gia Vương Đại với thương hiệu Wang Tai-Saigon.
Số ngói nhập từ Pháp về khi xây dựng nhà thờ do Marseille st. André France sản xuất thì chuẩn mực cao hơn nhưng hiện còn lại chỉ có 4.900 viên.
Đáng nói là phần lớn ngói hiện nay không còn sản xuất nữa. Đặc biệt là phần ngói âm dương, một loại ngói Việt Nam trăm phần trăm vốn được sản xuất để lợp mái nhà của người Sài Gòn xưa, nay không còn nơi nào sản xuất. Để có ngói thay thế, chắc chắn người ta phải đặt một số nhà máy sản xuất và tất nhiên như vậy giá cả không rẻ lắm.
Hiện nay các vùng mái ngói bị bể nhiều, gây dột nặng khi trời mưa ảnh hưởng rất lớn đến nhà thờ. Không chỉ vậy, việc bị mưa dột khiến tường nứt, gạch mục bể, các đà bằng thép gỉ sét và laphông nhà thờ cũng bị ảnh hưởng nặng. Thậm chí có nơi nhà thờ phải tạm dùng tôn nhựa thay thế mái ngói vì bị bể quá nhiều.
Đây cũng là phần quan trọng nhất của nhà thờ cần được nhanh chóng trùng tu. Nếu để chậm mái nhà thờ có thể bị... sập!
Trên đây là những hạng mục quan trọng của nhà thờ rất cần được trùng tu. Song còn vài hạng mục đáng chú ý khác rất cần được trùng tu dù không cấp bách nhưng cũng không thể để chậm nữa.
Mất bao lâu và hết bao nhiêu?
Trùng tu trong bao lâu và tốn chi phí bao nhiêu vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp từ phía ban trùng tu nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn.
Nhà thờ Đức Bà năm 1966 - Ảnh: Tom Briggs
Nhà thờ Đức Bà năm 1966 - Ảnh: Tom Briggs
Với sự hư hỏng khá nhiều của nhà thờ như đã mô tả, đòi hỏi một sự trùng tu lớn, kéo dài nhiều thời gian và tất nhiên với chi phí không nhỏ.
Song cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì về đơn vị thi công, chưa biết phương pháp lựa chọn đơn vị thi công như thế nào. Do đó cũng chưa thể có thời gian cụ thể việc trùng tu sẽ bắt đầu, kết thúc khi nào và kéo dài trong bao lâu.
Về chi phí nói như tổng giám mục Bùi Văn Đọc trong thư kêu gọi đóng góp cho việc trùng tu Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn: “Kinh phí và thời gian thực hiện được các đơn vị thẩm định là sẽ rất lớn và có thể kéo dài trong nhiều năm”.
Chính vì vậy mà ông đã kêu gọi “Vì lợi ích lớn lao của Hội thánh, cách riêng của tổng giáo phận, xin anh chị em thêm lời cầu nguyện và rộng tay giúp đỡ để công việc trùng tu nhà thờ Đức Bà từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn chúa”.
Trao đổi với linh mục Hồ Văn Xuân sáng 24-10-2015 về việc vận động quyên góp cho quỹ trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, chúng tôi được ông cho biết “Hiện nay Tòa tổng giám mục giáo phận Sài Gòn chỉ có chủ trương quyên góp trong nội bộ tu sĩ và giáo dân chứ chưa có chủ trương mở rộng ra các tầng lớp khác”. Việc quyên góp “nội bộ” đợt 1 này kéo dài từ đầu tháng 9 tới ngày 31-12-2015.
Thiển nghĩ, đến nay thì nhà thờ Đức Bà Sài Gòn không chỉ là “tài sản” của giáo hội mà còn là tài sản chung của mọi người Việt, đặc biệt là người Sài Gòn. Bởi nhà thờ không chỉ là nơi người Công giáo đến làm lễ, cầu nguyện mà nơi đây còn là một biểu tượng của Sài Gòn, một địa chỉ du lịch cho mọi người khi đến thăm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Theo chúng tôi, việc đóng góp “mỗi người một chút” để bảo vệ di tích này đứng vững thêm một hai trăm năm nữa là điều cần và nên làm.
Lên dây cho đồng hồ - Ảnh: N.C.T.
Lên dây cho đồng hồ - Ảnh: N.C.T.
Đó là đồng hồ cổ ở mặt trước nhà thờ. Đồng hồ nầy nằm giữa hai tháp chuông, cao 21m, cách mặt đất, hiệu R.A do Thụy Sĩ chế tạo năm 1887, cao 2,5m, dài 3m và ngang 1m, nặng hơn 1 tấn. Đến nay, qua hơn 100 năm sử dụng, kim dài và kim ngắn của đồng hồ vẫn không hề hấn gì, chưa cần chỉnh sửa.
Đồng hồ có một trục ngang dài 3m để gắn kim giờ, kim phút nối với bộ máy cơ của đồng hồ đặt bên trên vòm của nhà thờ. Để điều chỉnh đồng hồ, phía sau máy có một đồng hồ cỡ như một đồng hồ gia đình bình thường. Chỉ cần điều chỉnh đồng hồ nhỏ này là đồng hồ lớn cứ thế mà chạy.
Trước đây, một tháng lên dây đồng hồ một lần, song từ năm 1973 do quả tạ nặng 600kg gắn vào dây cót bị đứt và được thay bằng quả tạ nặng 60kg nên phải lên dây đồng hồ mỗi tuần.
Và dụng cụ để lên dây đồng hồ là một tay quay giống tay quay máy xe hơi hay máy nổ. Đồng hồ có hệ thống chuông riêng nhưng từ lâu đã bị hư không hoạt động được nữa.
* Một vài số liệu và hình ảnh trong loạt bài này chúng tôi trích từ Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn qua dòng thời gian 1880-2015, nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2015.
Xem thêm một số hình ảnh nhà thờ Đức Bà trên bưu thiếp xưa:
C.M.C. sưu tầm
C.M.C. sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét