Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

CUỘC LỄ PHONG CHỨC ĐỨC CHA TARDIEU (PHÚ) tại Qui Nhơn (Bình –Định). Ngày mồng một tháng Mai năm nay (1930)



"...Hôm nay, để làm quà cho anh em các Giáo phận Nha Trang, Qui Nhơn, Kon Tum, Đà Nẵng cùng chung Địa phận Mẹ Qui Nhơn xưa, xin gửi đến bài viết của một linh mục Sài Gòn, tự xưng là Thomas Gia Định,  trong  Tuần báo Nam Kỳ Địa phận số 1097, ngày 15 tháng 5 năm 1930, hai tuần sau lễ phong chức Giám mục của Đức cha Tardieu Phú.  Bài viết được minh họa bởi một số photo của anh Phong, không gì bằng. Một hình ảnh hơn trăm bài viết, hình như người ta thường nói vậy. Phút chốc hình và bài viết giúp chúng ta biết tường tận một số các nhân vật đạo đời có mặt hôm đó như quan Tổng đốc Bình Định Vương Tư Đại, hay công sứ Qui Nhơn Patau… Ngoài ra những chi tiết phụ mà hay như “họ Diêm”, làng làm muối nay thành Hộ Diêm, năm 1930 trên đồi Chánh tòa Nha Trang, chỉ có nhà cha sở, chưa có nhà thờ “đá”.
Xin cám ơn báo Nam Kỳ Địa Phận và tư liệu của anh Phong. Bây giờ xin mời quí vị sống lại một thời xa xưa."
Lm ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG, Đà Nẵng 04 THÁNG 9 NĂM 2014.
Nguồn: http://antontruongthang.com/
_________________________

CUỘC LỄ  PHONG CHỨC ĐỨC CHA TARDIEU (PHÚ)

tại Qui Nhơn (Bình –Định).

Ngày mồng một tháng  Mai  năm nay (1930)


Copy of DSC00372
NHÀ THỜ  ” họ DIÊM”

Tôi gặp thơ Đức cha Tardieu mời và đặng phép đi chầu lễ phong chức, thì tôi vui mừng, rán đợi ngày 28 Avril ra Qui Nhơn một chuyến cho biết xứ, hầu gặp các cha đã quen biết khi các đấng ấy đi lính, mà tôi gặp năm 1914, tại nhà thờ nhà nước (Cathédrale) Saigon, là lúc tôi ở đó. Bỡi vì tôi chứa rõ đàng đi nước bước, nên tôi viết thơ hỏi thăm cha Piquet (Lợi) ở họ Diêm, gần Phanrang. Cha Piquet tử tế, cũng như cha Bongain là cha sở Bàrịa khi trước vậy. Cha đánh giây thép bảo tôi mua giấy xe lửa ra gare Bà-láp. Xe tới đó là 4 giờ chiều. Có cha đến chờ tôi tại đó, và người cầm máy xe hơi đem tôi vô họ Diêm. Tôi gặp một nhà thờ đương xây gần rồi. Nhà thờ trộng mà coi phía sau giống hình nhà thờ nhà nước (Cathédrale) Saigon. Tôi nghỉ tại nhà người đêm đó, đến sáng người cũng cầm máy xe hơi đưa tôi thẳng ra Nha-trang. Có cha Le Darré cũng đi một lượt. Tới Nha-trang ngó trên nỗng cao có nhà cha sở Vallet. Người xây dựng rất tốt và chắc chắn lắm. Giống kiểu một chateâu bên tây, và sau người sẽ làm nhà thờ nối trước nhà người ở bây giờ đó: cũng là cha tài trí thật hẵn hòi, không kiếm lợi cho mình. Tôi xin vẽ sơ qua cho quí vị xem coi chút: Từ Saigon xe lửa chạy ra đến Nha-trang một ngày đàng, ngày sau bắt xe hơi leo qua leo lại, lên dốc xuống đèo, đèo cả đèo con, hơn chín mười cái, thôi đà hêt sức, rán tới tại Qui-nhơn cũng hết một ngày nữa. Hai bên thấy dãy núi, hòn cao hòn thấp, dựng theo mé chơn trời.Ở trên xe hơi liếc xem hai bên rất nên xinh đẹp chỗ cao nơi thấp, ruộng nương rẫy bái, trồng tỉa coi cũng ngộ. Tới Qui-nhơn rồi, muốn lên nhà trường  Làng-sông, phải đi một đỗi nữa lối mười cây số (Km). Tới đó lại phải qua suối lớn, có đò đưa bộ hành; bước lên bờ suối, phải thả bộ một đỗi nữa, cũng lới hơn một cây số, thì thấy thánh đường nhà trường Latinh nhỏ, là nơi phong chức cho Đức cha mới.
Khi vừa tới sân thì thấy nhiều cung nguyệt, cờ đang đua phất tứ phía, đến thờ ở giữa, hai lầu từng nhà trường hai bên, trau giồi thật là đẹp  đẽ nguy nga. Ở đó thì có cha Bề trên Định, cha David (Yên) tiếp rước khách vui vẻ tử tế lắm, có cha Chân phụ lo hết mọi sự trong ngoài.  Lối năm sáu giờ ban mai, đã thấy thiên hạ đạo ngoại vô số, chực đó cho đặng đến giờ hầu xem lễ nhạc rước và phong chức cho Đức cha mới thể nào.
Vốn nhà thờ nhà trường không rộng lớn bao nhiêu, nên chật trong chật ngoài, chen chơn đà không lọt. Nơi cung thánh vào lễ nhạc, Đức cha Khâm sứ phong chức, có hai cha hầu, Đức cha Munagorri, người Iphanho, dòng Đôminicô, giám mục Bùi Chu (Bắc -kỳ) và Đức cha Chaize, là Đức cha Phó Hànội, hầu lễ nhạc chứng sự.
Dưới cung  thánh có các viên quan phần đời, như quan công sứ Patau, ông Vương tư Đại, tổng đốc Bình- định, ông Bang tri phủ Tuy-phước, Qui-nhơn, cùng các bà đầm v.v. cũng nhiều.
Hai bên các cha tây nam gần đủ mặt. Bọn nhạc học trò Latinh đại tiểu cũng đông, xướng ca êm ái dịu dàng rập ràng nhờ cha David (Yên) luyện tập đã thành nghề.
DSC01407 - Copy
Khi hoàn tất các lễ nhạc thì đã 9 giờ một khắc. Bấy giờ Đức cha mới  ra khách, thì thiên hạ nam phụ lão ấu  rùng rùng tề tựu mừng rỡ xướng ca, pháo nỗ vang trời… Cha  David giữ việc nhà trường đã lo dọn một phòng riêng, lối 11 giờ rưỡi hầu đãi các quan công sứ cùng các quan và các cha tây chút rượu khai vị (aperitif). Cụng ly chuyện vãn vui vầy. Một lát, các ông, các bà đều kiếu lui về, chỉ còn lại quan công sứ Patau, quan tổng đốc và quan tri phủ Tuy-phước ở lại dự tiệc  bữa trưa 12 giờ. Đúng 12 giờ đỗ chuông nhựt một xong, cac Đấng Giám mục, các cha và quí ông vào phòng cơm rộng lớn, đãi tiệc trọng thể. Cha David  sắp dọn một bàn riêng trọng hơn để đãi các Đức cha, các cha Bề trên, các cha tuổi tác và các cha phương xa đến chầu lễ. Cũng có dọn hai bàn phân biệt: các cha tây địa phận một bàn dài và các cha bổn quôc một bàn.
Vậy nơi bàn ngang hạng nhứt, hai bên tả hữu Đức Khâm sứ thỉ có ông công sứ Patau, quan Tổng đốc, đối diện Đức Khâm sứ bên kia thì Đức cha Tardieu.
Hai bên tả hữu người thì có Đức cha Chaize và Đức cha Munagorri; đoạn săp theo thứ tự. Có cha Chabanon là bạn hữu cùng Đức cha mới hồi còn nhỏ, cha Bề trên Gagnaire, cha Bề trên Labiausse, cha Jannin Bề trên Kontum, cha Dalaine Bề trên Vinh ( Nghệ-an), cha Decoopman ký lục Đức cha Saigon, cha Louison ở nhà hội Saigon, cha Gueno Qui-nhơn, cha Lemasle ở Huế, cha sở Gia-định( Saigon), cha Vallet cha sở Nhatrang và thầy Bề trên trường Gagelin. Ấy là chư vị ngồi tiệc bàn giữa, gần mãn tiệc thấy một tấm bản treo trên cao, có hiệu Đức cha mới đề it chữ như vầy:
“Scio enim Cui credidi.” nghĩa là : Tôi đã phú mình trông cậy đấng tôi biết. (Timothée 1, 12, có một tấm bản khác thấy hai hành chữ bắng vàng.
“Dominus amavit eum et ornavit eum: Chúa đã thương người  và đã trau dồi người ra xinh tốt.”
Đức cha Khâm sứ đứng dậy xem chữ viết trên tấm bản, rồi đọc và giảng theo câu ấy một bài rất hay, ám hạp mấy lời ấy, thiệt rất tài. Dứt rồi có cha Saulot (Lượng) xướng lên một bài rất dài đúng đắn, làm cho các cha hưng tâm khoái chí vỗ tay nhiều lắm.
Tiếp đó có một cha già thay mặt các cha bổn quốc, đọc một bài tiêng Annam chúc mừng cám ơn cũng giỏi đáng khen. Sau hết Đức cha Tardieu (Phú) giảng một bài rất tốt ý vị về đời về đạo rất động lòng, Đức Khâm sứ lắng nghe, ưng ý, hưng tâm và mũi lòng liền đứng dậy cầm ly rượu chúc cho Đức cha mới : Ad multos annos. Hết thảy mọi người chúc mừng hỉ hoan phỉ chí.
Copy of Copy of scan0026
Mãn tiệc nghỉ ngơi, 4 giờ chiều tựu chụp hình chung trước cửa thánh đàng, đoạn uống chút rượu bọt giải khát. Khi đến 6 giờ đổ chuông  làm phép Mình Thánh Chúa, hát Te Deum cám ơn Chúa.
Tám giờ tối đốt pháo bông khéo léo, xong rồi bãi cuộc lễ, làm cho ai nấy lòng trí mọi người có mặt trong cuộc lễ nầy cảm động và gắn nhớ không hề quên đặng, ngoại đạo lấy làm long trọng.
Ấy là cuộc phong chức Đức cha Tardieu , tôi doãn tắt lại cách thật thà đơn sơ  theo sự tôi đã nghe đã thấy rõ ràng, không thêm không bớt, cho quí vị đặng tường tri và miễn chấp, bấy lời cẩn ký nay kính.
Thomas Gia-định.
22 année SEMAINE RELIGIEUSE N0 1097.
Nam Kỳ Địa phận 15 Mai 1930,  trang 312- 315.
(Nguồn: http://antontruongthang.com/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét