Nhà văn Tô Hoài, một trong những cây viết tên tuổi của nền văn học cận đại ở Việt Nam, vừa qua đời sáng 6/7 tại Hà Nội, thọ 94 tuổi.
Ông tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại huyện Thanh Oai, Hà Nội, và lớn lên tại làng Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Đông (nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Sáng tác nhiều ở các thể loại khác nhau như truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, kịch bản phim, v.v..., nhưng có lẽ 'Dế Mèn Phiêu Lưu Ký' mà ông viết hồi năm 1941 là một trong những tác phẩm của ông gắn bó với nhiều thế hệ bạn đọc thiếu niên Việt Nam nhất.
Tác phẩm này cũng từng được dịch ra hàng chục thứ tiếng.
'Vợ Chồng A Phủ', một sáng tác khác của ông, được đưa vào giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa phổ thông và được dựng thành phim ở Việt Nam.
'Cách nhìn chính thống'
Năm 1992, hồi ký 'Cát Bụi Chân Ai' của ông đã gây ồn ào dư luận khi đưa ra chân dung một số nhà văn thuộc hàng 'vai vế'.
Trong hồi ký, ông có nhắc tới Nhân văn Giai phẩm, một chủ đề luôn được coi là nhạy cảm, tuy cách ông đề cập, nhận định vấn đề được đánh giá là chính thống, phù hợp với cái nhìn của giới chức.
Gần đây hơn, tác phẩm 'Ba Người Khác' mà ông viết về thời cải cách ruộng đất, cũng gây tiếng vang ít nhiều. Được biết tiểu thuyết này được viết xong từ 1992 nhưng tới 2006 mới được phép in.
Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng nhiều giải thưởng văn học, gồm Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (1996), Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1956, Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội (1970), Giải thưởng Hội Nhà văn Á - Phi (1970).
Tin ông qua đời chỉ trong vài giờ đồng hồ thu hút hơn nửa triệu người xem trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt, với hàng chục ngàn người bấm nút Likes, hàng ngàn người tham gia bình luận và hơn một ngàn người bấm nút Shares.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét