Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên ở Carnaval nhiệt đới Paris




Âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên ở Carnaval nhiệt đới Paris

Những màn lắc tay-vai và hông khỏe khoắn, những điệu múa chim công ấn tượng, những bộ trang phục cầu kỳ, rực rỡ trên nền âm nhạc sôi động đã tạo nên một bữa tiệc về sự đa dạng văn hóa tại lễ hội Carnaval nhiệt đới Paris 2014, diễn ra chiều 5/7, tại quảng trường Léon Blum, trung tâm thủ đô Paris, Pháp.
Âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên ở Carnaval nhiệt đới Paris
Hòa tấu cồng chiêng kết hợp với điệu nhảy duyên dáng của thiếu nữ Tây Nguyên. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Lần thứ hai tham gia Carnaval nhiệt đới Paris, năm nay, đoàn Việt Nam mang đến lễ hội thông điệp về bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam được thể hiện qua các tiết mục hòa tấu của đội cồng chiêng dân tộc Ba Na, đến từ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.


Dừng lại trước khán đài gồm các quan chức Tòa thị chính Paris và các vị đại sứ, đoàn Việt Nam đã trình diễn tiết mục cồng chiêng với những âm thanh linh thiêng và mạnh mẽ, những điệu nhảy nhịp nhàng, dẻo dai của các thiếu nữ Tây Nguyên.

Màn trình diễn đã đưa người xem trở về một không gian săn bắn và làm rẫy, không gian lễ hội của các dân tộc Tây Nguyên. Màn trình diễn cũng mang lại cho khán giả những cảm xúc và trải nghiệm tuyệt vời về một loại hình âm nhạc dân tộc đặc sắc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể vào năm 2005.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, bà Trần Thị Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao tỉnh Kon Tum cho biết bộ cồng chiêng mang đến Carnaval lần này đã có từ 300 năm trước, các nghệ nhân biểu diễn tại đây là những người nông dân hàng ngày vẫn lên nương lên rẫy, nhưng vẫn thường xuyên luyện tập vào những lúc rảnh rỗi để có thể biểu diễn vào các dịp lễ hội như mừng gặp nước, mừng lúa mới…

Theo bà, thông điệp mà đội cồng chiêng muốn gửi gắm đến bạn bè quốc tế là tại vùng đất Tây Nguyên, cồng chiêng là hình thức sinh hoạt cộng đồng, là hơi thở cuộc sống, cho phép kết nối con người với thiên nhiên; các dân tộc Tây Nguyên luôn quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đó.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng bày tỏ vui mừng vì các hội đoàn người Việt Nam tại Pháp, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp phối hợp cùng các hội đoàn khác và các đoàn nghệ thuật trong nước đã tham gia tích cực vào lễ hội Carnaval nhiệt đới Paris 2014.
 

Đoàn diễu hành của Việt Nam tiến vào khán đài. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Đại sứ khẳng định: "Chúng ta mang đến lễ hội hình ảnh một đất nước Việt Nam hiện đại và phát triển, giàu truyền thống và bản sắc văn hóa, đề cao thống nhất trong đa dạng. Sự tham gia của đoàn Việt Nam cũng nói lên đóng góp tích cực và hiệu quả của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp cũng như tại Paris đối với đời sống văn hóa và kinh tế của nước sở tại."

Quan điểm trên cũng được bà Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris chia sẻ khi nói về sự hòa nhập tuyệt vời của cộng đồng người Việt Nam tại Paris trong bức tranh tổng thể đa dạng sắc tộc ở Kinh đô Ánh sáng.

Lễ hội Carnaval nhiệt đới Paris được tổ chức vào tháng Bảy hàng năm với chương trình diễu hành qua nhiều tuyến phố, do các nhóm đại diện đến từ các nền văn hóa khác nhau đã trở thành hoạt động không thể thiếu của đời sống văn hóa Paris. Năm nay, gần 40 đoàn nghệ thuật tập hợp khoảng 4.000 nghệ sỹ-quần chúng đã tham gia Carnaval.

Các nghệ sỹ đã biểu diễn trên các tuyến phố từ quảng trường Nation, đi qua các đại lộ Voltaire, Roquette, Phillippe Auguste sau đó lại quay về điểm xuất phát trên quãng đường có chiều dài tổng cộng là 4,5km trong phạm vi quận 11.

Lễ hội mang đến bầu không khí rộn rã của các vùng đất nhiệt đới đầy nắng và gió với mùa màng và cây trái phong phú, tươi tốt. Các trang phục nhiều màu sắc và âm thanh sôi động kết hợp hài hòa hai yếu tố di sản và sáng tạo đã mang đến những giây phút thư giãn cho người dân Paris.

Xuất hiện giữa công chúng Pháp với những âm sắc khỏe khoắn nhưng sâu lắng của đại ngàn, đội cồng chiêng Tây Nguyên đã được công chúng Paris thưởng thức với sự ngưỡng mộ, chia sẻ và đồng cảm. Đây thực sự là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá cho sự đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam.

Theo Bích Hà - Vietnam+

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét