Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Cánh Rừng Thời Nhỏ (tản văn) - Tác giả: Trang Y Hạ



“…Tuy là vùng đất của người Thượng và núi rừng - nhưng ai đã từng lên vùng đất ấy sinh sống một thời gian thì không thể nào quên. Ngược lại vẫn ray rức nhớ thương cho dù không còn người thân nào ở đó.

Trang Y Hạ theo cha mẹ lên Kontum từ năm 1957, lúc còn quá nhỏ. Sống bên người Thượng - người Kinh thời ấy thật thà lắm, nhưng tiếp xúc với người Thượng mới thấy họ càng "thánh thiện" hơn. Cho nên giữa người Kinh và người Thượng không có gì gọi là xung đột, sống chung rất hài hòa. Trừ một số ít người vì tham lam thì không nói làm chi.

Hiện tại TYH không còn người thân ở Kontum, chỉ còn bạn hữu và người con Đỡ Đầu, năm 2006, TYH có trở về thăm cháu (chỉ ở một đêm) như đã viết trong: "Nghe Nhạc Huỳnh Trọng Tâm - Nhớ KonTum". Năm vừa rồi bốn cô em gái có về Kontum thăm bảy ngày (các cô sinh ở Kontum mà) ! Một thời tuổi thơ, dòng sông tuổi thơ... Làm răng mà quên được phải không anh Sơn.

TYH gởi đến anh một bài (tản văn) "Cánh Rừng Thời Nhỏ" viết về một thời còn nhỏ ở với người Thượng…Nói ngay ra TYH cũng chẳng phải là người viết chuyên nghiệp. Cốt là ghi lại những gì tai nghe mắt thấy và kỷ niệm một thời đã sống trên vùng đất nguyên sinh ấy…”. 

                                                   (Trang Y Hạ, thư ngày 18.6.2013)


Kontumquêhươngtôi xin trân trọng giới thiệu.


                         Cánh Rừng Thời Nhỏ
                                          (tản văn)

                                             Trang Y Hạ

     Thời nhỏ, tôi mê những cánh rừng huyền bí và ao ước sẽ được vô rừng nhưng trong đầu lúc nào cũng sợ lạc và muông thú sẽ bắt ăn thịt. Tôi nằng nặc xin cha cho tôi đi theo ông vô rừng để xem ông cùng mọi người phá rừng làm rẫy. Nơi phá rẫy là đám rừng cây rậm xen kẻ những bụi tre le mà bụi nào bụi nấy thật là to tướng. Đất phá rẫy màu đen do phù sa con sông Dakpsi từ hướng làng Konhring chảy ra bồi lắng... Sau khi khai phá xong phân chia thành khoảnh và đất đã thuần thục  mọi người kêu là đất "nà". Đất nà trông cây gì cũng tốt cho nhiều trái mà không cần phân bã. Chẳng hạn như: Chuối - một cây chuối khi trỗ có thể cho vài chục nải là chuyện thường. Còn thân cây bắp cao vượt quá đầu người, cây nào cũng cho ba trái trong một cây. Đó là thời gian từ những năm 1957...

     Trước ngày phá rẫy tôi thấy mẹ tôi sắm sửa thức ăn cũng như hoa quả nhang đèn. Cha tôi và mọi người đem vô khu rừng đã chọn trước. Xúm nhau dọn một chỗ đất trống, trải tấm chiếu xuống bày lễ vật lên. Cha tôi rót rượu, thắp nhang đèn khấn vái xin "Thần Rừng - Thần Đất" cho phép...! Chỉ có phá rẫy mới - mới làm thủ tục nầy. Người Thượng cũng có tục cúng Giàng trước khi xuống giống của họ. Họ cúng hằng năm. Lễ cúng Giàng xuống giống tổ chức linh đình - thường thường là hai ngày hai đêm. Họ ăn uống, nhảy múa vui chơi theo điệu cồng chiêng xập xình vang cả núi rừng.

     Những lúc nghỉ ngơi. Tôi nghe cha tôi nói với mọi người rằng: Người kinh chúng ta quen làm lúa nước. Nay làm lúa trên đồi, trên gốc cây, khó khăn quá! Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Đất rừng nầy không phải của mình. Những người Thượng họ gặp mình cứ lặng lẽ bỏ đi không một lời chào, thậm chí một cái nhếch môi cũng không có. Như vậy đủ hiểu rằng họ không thích chúng ta ở chốn nầy; mà nghĩ cũng đúng thôi - lãnh địa của họ tồn tại từ nghìn năm nay, tự nhiên có "người lạ" không mời mà đến. Họ cũng buồn chứ!

     Tôi còn nhỏ không hiểu lý do tại sao ăn của rừng mà phải khóc ? Tôi muốn hỏi cha tôi nhưng sợ cha tôi - dù cha tôi có nói tôi cũng không đủ trình độ để hiểu sự việc lắc léo bên trong.

     Tháng ba là tháng dọn rẫy, ai có rẫy mới thì đốt, lửa cháy khói bay mù trời, ai làm lại rẫy cũ cũng phải dọn và đốt. Những ngày nầy bầu trời âm u tỏa màu nắng vàng nhạt. Lửa cháy cành cây nhỏ và lá khô, thân cây lớn và vừa còn tươi chỉ bị cháy sém đen thui vẫn để nằm ngổn ngang trên mặt không cần phải gom đốt. Khi một vài cây mưa đầu mùa trút nước xuống là tất cả mọi người đều ra rẫy, kể cả trẻ em cũng phải nghỉ học để tham gia xuống giống lúa, mì. Làm lúa rẫy đất cứng lại nhiều rễ cây, không thể dùng cuốc để cuốc. Người Thượng dùng cây chày gỗ để thọt lỗ, phụ nữ trẻ em tay cầm ống tre nứa có hạt giống bên trong vừa trút ra bỏ hạt vừa lấp lỗ.

     Mưa xuống các gốc cây trên rẫy mọc mầm. Thú rừng rất thích. Ban đêm - con nai, con mang... ra ăn những mầm non đó. Người Thượng đặt bẫy bắt thú... Người Kinh không biết đặt bẫy, chỉ một vài người lính Dân-Vệ đội đèn mang súng đi bắn.

     Người Kinh lên Dinh Điền những năm đầu làm rẫy cũng bắt chước họ gieo giống như vậy. Đến mùa lúa chín người Thượng đi tuốt lúa chứ không có gặt như người kinh. Người Thượng mang cái gùi phía trước bụng và hai tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi. Sở dĩ họ tuốt là vì họ không có dụng cụ và phương tiện gặt đập.

     Thung lũng vùng Konhring - sông Dakpsi là đồng ruộng rộng chạy tới chân núi "nghìn lẻ một". Đỉnh núi cao nghìn lẻ một thước so với mặt biển. Nơi đây cũng từng xãy ra những trận đánh lớn - một vựa lúa chính cho toàn vùng Dakto. Ruộng do người Thượng làm chủ. Cũng có một vài gia đình người kinh họ đến lập nghiệp từ rất lâu ở bên cạnh làng Konhring. Nhưng ruộng của họ rất ít. Từ năm 1957. Vùng Dakto có hai xã Dinh Điền được thành lập. Đó là xã Diên Bình nằm trên trục Quốc Lộ 14, cách Tân Cảnh khoảng sáu cây số nằm gọn trong thung lũng giữa hai làng người Thượng - Konhring và Dakrao, có dòng sông Dakpsi chảy ngang qua xã. Người dân thôn một và thôn hai là người Quảng Nam, thôn Ba người Bình Định. Xã thứ hai là xã Tri Lễ trên tỉnh lộ 512, nằm giữa Tân Cảnh và Cầu Dakmot (nơi đây cũng có làng người Thượng mang tên làng Dakmot). Người Kinh cũng chỉ làm rẫy và một số rất ít buôn bán. Riêng xã Diên Bình ruộng nhiều nhưng thuộc quyền sở hữu của người Thượng vì họ có bằng khoán từ thời Pháp và được công nhận dưới thời đệ nhất và đệ nhị Việt Nam Công Hòa.

     Những người đi di dân lên Dinh Điền hoàn toàn tự nguyện, được chính phủ trợ cấp thực phẩm trong tám tháng. Dụng cụ canh tác các loại cũng như cây giống, hạt giống được chính phủ cung cấp đầy đủ. Đất rừng ủi san bằng phẳng chia cho mỗi gia đình một công rưỡi đất ở, còn đất canh tác mổi người được phân phối hai công tây - bất kể lớn hay nhỏ. Sau nầy ai khai phá thêm thì không tính.

    Chính phủ xây Trường Học, Chợ, Thư Viện, Nhà Thờ, Chùa, Nhà Bảo Sanh, Trạm Y tế. Khi bệnh nặng hay tai nạn có xe chuyển về Bệnh Viện tại thị xã Kontum. Thuốc men, nằm viện hoàn toàn miễn phí. Học sinh phổ thông cũng hoàn toàn miễn phí, được phát sách vở, viết...

    Thời đệ nhất cộng hòa chính phủ khuyến khích trồng cây cao su. Vốn trồng cây chính phủ cho vay không lấy lãi, khi nào cây cao su cho mủ, chính phủ thu mua và trừ dần dần, phân bón, cây giống chính phủ cho chuyên viên kỹ sư hướng dẫn. Người dân trồng cây chỉ lo chăm sóc. Sau cuộc cách mạng 1963, tất cả rừng cao su bị đốt cháy sạch. Trong số đó có một số rừng cây đã chuẩn bị lấy mủ. Nguyên nhân do đâu mà cháy ? Chẳng ai biết và cũng không thấy ai nhắc đến nữa.

     Khi tôi đã là chàng thiếu niên mười mười ba mười bốn tuổi. Trong lúc rỗi rảnh hay nghĩ hè, tôi học làm thợ đi ghép cây cao su. Chính phủ trả công bằng gạo (đi ghép một buổi). Đến khi cây cao su cháy hết tôi lại đi trồng rừng ngay trên đất cao su đã cháy. Bởi dưới tuổi lao động nên tôi lấy "thẻ căn cước" của cha tôi để ghi danh. Lần đầu tiên tôi mới thấy cái vườn ươm cây quá rộng nằm khoảng giữa Tân Cảnh và Dakto. Tôi cũng đã từng thấy vườm ươm cây cao su non - nhưng quá nhỏ. Đi trồng cây tiền công mỗi ngày Chính Phủ trả cho (Hai mươi lăm đồng) một ngày. Hai tuần trả một lần. Ai không muốn lấy tiền thì lấy gạo cũng được. Cây trồng đa phần là cây thông. Vào mùa nắng dọn cỏ rác thật sạch đề phòng lửa cháy.

     Trong nhóm tôi có một anh người Thượng. Không biết anh ở làng nào? Tôi hỏi anh cũng chẳng nói. Anh chơi đàn guitar rất hay! Anh có một xấp bản nhạc in sẵn đóng trong một cái bìa giấy carton và cây đàn.  Anh có tên đặt theo người kinh là: Trần Quãng Tám. Tên Thượng của anh dài quá tôi không nhớ nổi. Anh nói tiếng kinh không thua gì người kinh. Anh có bằng trung học. Thời ấy, người Việt ở quê ai có bằng trung học cũng đã hãnh diện lắm rồi đừng nói chi là người Thượng. Chính Phủ ưu ái cho người Sắc Tộc. Học sinh đỗ bằng trung học được đi sĩ quan - thay vì phải có tú tài một, tú tài hai như người kinh. Tôi thắc mắc và hỏi anh làm sao học đến trung học mà khi còn nhỏ anh chưa biết nói tiếng người kinh? Anh cười nói: - "Tôi học chữ của tôi. Tiếng Việt là ngoại ngữ. Cũng như anh học chữ Việt của anh - còn tiếng Anh, Tiếng Pháp... là ngoại ngữ. Nghe anh trả lời như vậy. Tôi cảm thấy mình thật là ấu trĩ quá! Chỉ có vậy mà tôi không hiểu!

     Kể từ hôm đó tôi lân la nghe anh đàn và nói chuyện với anh. Tôi bắt đầu quan tâm đến tính cách cũng như sinh hoạt hằng ngày của anh. Tôi mua cuốn tập nhờ anh dạy chữ Thượng và tập nói tiếng Thượng của anh. Anh dạy cho tôi tiếng Bahnar vở lòng. Chúng tôi trở thành đôi bạn thân lúc nào chẳng hay - dù anh lớn hơn tôi bốn tuổi. Đến khi hết mùa trồng rừng anh mời tôi về làng của anh cho biết. Làng anh ở gần cuối đường Nguyễn Huệ, thị xã Kontum. Làng Konhngoi thì phải...? Từ nhà anh đi ra sông Dakbla thật gần, anh dẫn tôi ra sông tắm và câu cá... Mấy ngày ở nhà anh, cha mẹ anh cho ăn cái gì tôi ăn hết cái đó. Không khi nào tôi tỏ thái độ khen hay chê - ngon hay không ngon. Cha mẹ anh quý mến tôi! Tối đến mẹ anh giăng mùng, cho tôi ngủ. Cái gì cũng mới và sạch sẽ.

     Tôi đem chuyện nầy hỏi anh tại sao phải đem đồ mới cho tôi nằm, khi tôi đi về phải giặt tốn công?
    
     Anh từ tốn nói:
   
    - Người Thượng chúng tôi không cầu kỳ về ăn uống. Chỗ ngủ cũng vậy. Nhưng nhà nào cũng sắm: Mền, mùng chiếu, gối mới để trong nhà. Khi nào có khách quý mới đem ra mời khách ngủ. Họ thích nhà mình họ mới xin ngủ lại. Tôi chia tay anh trở về nhà và hẹn năm sau đi trồng rừng.

     Gia đình tôi lên Kontum lập nghiệp theo chương trình di dân - hoàn toàn tự nguyện. Những ngày đầu tiên gặp giao tiếp với người Thượng hơi có chút ngỡ ngàng, dần rồi cũng quen. Nơi tôi ở là thung lũng, ruộng nhiều, hầu hết là người Thượng khai phá từ lâu đời. Họ làm lúa loại giống sáu tháng - một năm chỉ làm một vụ.

    Mùa thu hoạch bắp họ thường gùi bắp trái còn tươi ra bán cho người kinh. Thời gian đầu người kinh mới đến chưa có bắp. Lần đầu tôi mới biết sự thật thà đến tội nghiệp của họ. Trái bắp họ lột bớt vài lớp vỏ bên ngoài, trái nào cũng đều nhau. Buổi sáng có hai vợ chồng người Thượng gùi bắp vô nhà tôi chào bán. Mẹ tôi trả giá năm đồng một trái. Họ không chịu bán và gùi đi. Chừng một tiếng đồng hồ sau, hai vợ chồng quay trở lại và nói với mẹ tôi:

    - "Bà ôi! Tôi đi lâu mỏi cái chân lắm, mà người nào cũng nói: Năm đồng như bà nói... Nên tôi không ưng bán. Tôi trở lại đây bán cho bà, bà là người trả năm đồng trước".

     Mẹ tôi và tôi sững sờ và thương cái tính quá thật thà của họ. Vậy là mẹ tôi mua hết và còn dặn lần sau nếu có bán thì gùi đến sẽ mua tiếp.

     Người Thượng chỉ để gùi xuống đất khi đã bằng lòng giá bán. Còn không được thì họ quay đi. Lý do thứ nhất: Một gùi bắp nặng trung bình cũng bốn mươi đến năm mươi ký. Mỗi lần gùi phải quỳ xuống đất choàng hai dây vào vai, chồm người về phía trước, chống tay lên đầu gối lấy sức đứng lên. Khi để xuống cũng phải quỳ gối xuống, ngửa lưng ra sau. Tội nhất là phụ nữ vì họ mang váy xà rông hay còn gọi "eng", nên họ khép nép mỗi khi để gùi xuống trông thật tội nghiệp. Thứ hai: Người Thượng một khi họ đã đem bán thứ gì là ở nhà họ tuyển lựa rất kỹ. Mười cái như chục, không cần phải lựa nữa. Họ rất tự hào tính chân thật của họ. (có thể xem thử khi họ đang đứng) Một khi thuận mua, thuận bán, họ để xuống là đếm giao hàng và tính tiền. Một số người kinh đổi ý lại đổ bung ra lựa... Làm như vậy không khác nào nghi ngờ họ độn thứ xấu bên trong. Lòng tự trọng của họ bị tổn thương. Họ tự ái gùi đi không bán nữa - dù có năn nỉ... Có kẻ chơi nghịch lợi dụng lúc họ khòm lưng đứng lên ở phía sau còn rút mấy trái bắp đem vô nướng ăn. Họ sẽ không bao giờ bán lần thứ hai cho người đó. Đi ngang nhà cũng không ngó vô. Chủ nhà có kêu cũng im lặng mà đi. Khi tính tiền phải đổi tiền đưa cho họ, chứ họ không biết thối tiền. Phải nói rõ từng mệnh giá tiền cho họ hiểu, bằng không dù có đi về nhà họ cũng đem tiền trở lại hỏi.

     Một lần vào những ngày sau tết hai cha con tôi vô rừng chặt cây đót. Đến giờ ăn trưa, gặp hai cha con người Thượng ngồi nghỉ bên gốc cây. Cha tôi thấy hai người chẳng có gì ăn. Cha tôi lấy đòn bánh tét cắt ra làm hai, cầm lại đưa cho họ và nói:
    
     - Mời ông ăn thử, ngon lắm đó!

       Hai cha con người Thượng nói:

     - "Ông muốn cho, hai đứa tôi cũng muốn ăn"!

     Ăn xong người cha nói gì đó với người con. Người con chạy đi chừng khoảng hai mươi phút trở lại đưa cho cha tôi một con kỳ đà. Thì ra cha con họ đi gom thú rừng mắc bẫy. Người Thượng chẻ tre lồ ô đan vách làm hàng rào thấp cao ngang bụng dài hàng vài cây số ngoằn nghoèo trong rừng để làm bẫy sập bắt thú rừng là chuyện muôn thuở của họ. Tính cách của người Thượng là vậy đó. Họ không muốn mang ơn ai. Cái gì cảm thấy không ưng cái "bụng" là im lặng bỏ đi. Không thèm ngó ngàng, có cho họ quà họ cũng không thèm lấy.

     Người Thượng rất thích uống rượu, kể cả phụ nữ có con. Người kinh mở quan bán tạp hóa trong đó có bán rượu (cũng có bán chịu) Và trả bằng hoa màu sau khi thu hoạch mùa màng. Họ thích uống rượu đế của người kinh, họ uống say có nhiều người về làng không nổi. Cha xứ buộc những ai bán rượu cho Người Thượng uống say thì cha không giải tội và cho rước lễ, kể cả người uống say. Người Thượng rất ngoan đạo, biết nghe lời các ông Cha. Họ bỏ uống. Nhưng vì lợi nhuận cao - một số ít người kinh lén bán, dĩ nhiên cũng có người lén uống. Buôn bán với người Thượng phải nói rằng rất lời. Có người còn tìm hiểu nhu cầu của họ và chở hàng hóa đến tận làng bán cho họ. Người Kinh buôn bán tham lam lợi dụng sự thật thà của người Thượng.

     Trong xóm tôi có người buôn bán với người Thượng mà giàu lên rất nhanh, vàng trữ cả lon guigoz. Họ mua mắm muối, gia vị, hàng hóa rẻ, phân lẻ ra từng bọc nhỏ - bỏ lên xe đạp vào làng Thượng bán với giá... cắt cổ và mua lại nông sản, gia súc của người Thượng với giá rẻ mạc". Người trong thôn ai cũng biết và xầm xì: "buôn bán kiểu đó là quá ác". Người ấy không chịu nổi tiếng chì tiếng bấc của những người trong xóm nên bán nhà ra đi. Một thời gian sau trở thành nghèo sống lang thang. Người ta lại nói:

   - Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt !

     Thông thường ai cũng nghĩ người Thượng ăn dơ. Thật ra người Thượng không ăn dơ. Con gì, rau gì... họ cũng nấu chín, trừ nước là họ uống trực tiếp từ nước suối. Nước suối rất trong và ngọt. Người Kinh chúng ta quen thói "trịch thượng kiêu ngạo" có từ trong máu. Hễ thấy người Thượng, người Miên, Lào, Khờ me... Đều tỏ ý khinh khi không dám lại gần.

     Người Thượng quanh năm làm rẫy, có số rất ít làm ruộng - họ tự cung tự cấp lương thực cho chính gia đình họ. Kể cả may mặc họ cũng tự dệt vải, vải của họ hoa văn khá đẹp. Tự trao đổi nguồn thực phẩm với người trong làng. Họ không có họp chợ hay xách giỏ đi chợ hằng ngày như người kinh. Ngoài cơm ra, thức ăn của họ là thịt thú rừng họ tự săn bắn, gia súc heo, bò, gà, dê, họ nuôi bằng cách thả rông. Họ đánh bắt cá, cua, ếch, nhái chuột, rắn, kiến, mối, cào cào, châu chấu. Tất cả bỏ vô ống tre nấu chung với các loại rau rừng: Măng tre le, rau dớn, lá giang, lá é...  nấu thành một món cháo sền sệt, để nguội bốc ăn với cơm. Không ăn canh lỏng bỏng như người kinh. Thịt thú rừng hay các loại khác nếu ăn không hết, họ xâu treo lên giàn bếp như một món thịt hun khói, khi cần ăn đem xuống nướng... Cũng có một vài món ăn người Thượng không nấu chín mà người yếu bóng vía thấy không dám ăn. Giống như người Kinh ăn tiết canh, uống máu dê, máu rắn hay các loại gỏi cá sống, thịt heo sống trộn với bột thính vậy.

     Tôi rất thích cơm nấu bằng ống tre, cơm dẻo nhưng khi bốc ăn lại không dính tay. Đặc biệt và hấp dẫn hơn là cơm nếp cũng nấu bằng ống tre thì không chê vào đâu được, ăn kèm với món thịt dê bằm giống như thịt chà bông của người Kinh. Người Thượng trước khi ăn họ rửa tay sạch sẽ.

     Về mùa khô người Thương hay đi thuốc cá. Họ dùng một thứ vỏ cây rừng có tên gọi là: Cây Chẹo. Họ lột rất nhiều vỏ cây chẹo nầy mang xuống đoạn sông hoặc suối cạn, tiếp đến họ chặt một cây gỗ thật dài để làm cái đe bắc ngang qua đoạn sông hay suối. Hàng chục người phụ nữ tay cầm khúc cây vừa bằng nắm tay, lấy vỏ cây chẹo để lên trên cây đe gỗ. Cứ vậy mà đập... Vỏ cây chẹo tiết ra chất màu đỏ, sôi bọt trắng như bọt xà bông hòa vào trong dòng nước. Các loại cá Trắng, cá Đá, cá Lòng tong uống phải thứ nước của cây chẹo bị say phình bụng nổi lờ đờ trên mặt nước, các con cá lớn thì lơ lửng... tất cả trôi về cuối dòng, ở đấy đã có tấm lưới giăng từ trước. Moi người gom lại cho vào gùi đem về.

     Người Thượng có lý do để biện hộ cho sự ăn bốc của họ và họ thắc mắc: Hột cơm Chúa cho tốt lắm! Sạch lắm! Tại sao người kinh không lấy cái tay bốc mà ăn như chúng tôi ? Con "c.." nó dơ lắm mà người Kinh lại dùng cái tay cầm nó?

     Người Thượng - đàn ông - đóng khố, đi chân trần, đầu không đội nón, cổ đeo cây Thánh Giá Chúa. Đàn ông cũng xỏ lỗ tai, căng tai, để đeo vòng như phụ nữ. Đi rẫy, đi săn - cái xà gạc lúc nào cũng dựa trên vai. Bên hông còn có một con dao nhỏ có bao đựng - chạm khắc hoa lá cành, muông thú rất là nghệ thuật. Thời năm 1957, Cà răng và căng tai chỉ còn sót lại ở những người già. Lớp trẻ sau nầy bỏ cà răng, chỉ xỏ lỗ tai để đeo khoen như phụ nữ người Kinh. Con trai một số cũng xỏ lỗ tai như đàn ông da trắng.

     Người phụ nữ Thượng mặc xà rông "eng" khi còn con gái thì mặc áo có nhiều hoa văn rất đẹp. Khi có chồng, có con cũng ở trần như đàn ông và cũng đi chân trần. Trên cổ đeo nhiều sợi dây chuyền đủ màu sắc. Cổ tay đeo nhiều vòng bằng đồng, từ nhỏ đến lớn. Nếu ai xin ở họ một cái vòng ấy làm kỷ niệm. Nếu họ "ưng cái bụng" thì họ sẽ cho nhưng cho cái khác, không bao giờ lấy cái có sẵn trong cổ tay ra mà cho.

     Người phụ nữ vừa đẻ xong là bồng con xuống sông tắm, họ có một thứ lá cây làm thuốc uống sau khi sanh rất hay. Người kinh muốn biết mà không bao giờ biết được. Họ chẳng bao giờ nói ra. Ở trên rẫy họ có chỗ tắm kín đáo trong dòng suối dành riêng cho phụ nữ, họ xúm nhau tắm trước khi về làng.

     Do ở trần, dang nắng - nên da họ có màu nâu sậm hoặc lợt. Mùi "đặc trưng là... khét nắng" tỏa ra từ tóc cho đến da! Ngồi gần họ thì sẽ được "thưởng thức" cài mùi ấy. Có nhiều người không hiểu nên cho rằng họ ở dơ... Rõ là họ bị hàm oan!

     Những buổi chiều trên đường từ rẫy đi về làng. Người ta thường thấy các ông bà già Thượng cõng trên lưng nông sản hoặc củi đầy gùi, họ bước đi nặng nề, mệt nhọc... Trong khi đó con trai, con gái và cháu của họ đi phía sau - trên gùi rất nhẹ. Thấy vậy, thắc mắc... Thì được trả lời:

     - Chúng tôi cũng muốn giúp nó. Nhưng nó nói: Nó già rồi, nó phải làm nhiều để nó chết. Nó không ưng chúng tôi giúp cho nó đâu. Giúp nó - nó hờn - nó không ăn, nó cũng chết.

     Người Thượng họ cũng thương con của họ một cách đặc biệt như vậy đấy, họ lao động nhiều - như một sự hy sinh để cho con được thảnh thơi. Họ không có tiền bạc, của cải để cho con. Họ chỉ có tấm lòng thương yêu bao bọc cho con được vui chơi khỏe mạnh.

     Người Thượng sống với nhau rất hài hòa, trật tự. Không ăn cắp, không chửi lộn đánh nhau. Gia súc nuôi thả rông trong làng nhưng không lẩn lộn của ai. Lúa suốt để tại chòi trên rẫy. sử dụng bao nhiêu đem về bấy nhiêu. Không ai lấy trộm của ai. Ngoài tính chân thật của họ ra, họ còn là những con chiên ngoan đạo, rất biết vâng lời theo Thánh Kinh.

     Ngày xưa những nhà truyền giáo đến để truyền đạo Công Giáo. Họ học tiếng nói, chữ viết, cùng ăn, cùng ở với người Thượng. Khai hóa họ nhưng không bao giờ đồng hóa họ. Nhưng có đồng hóa họ cũng không được. Người Thượng họ rất tự ái và tự hào rất cao. Họ biết những cái mới lạ từ người kinh mang lại - một phần nào có lợi cho họ. Nhưng họ không bao giờ xin, nếu "ưng cái bụng" quá thì trao đổi. Còn không dù đem tới tận nhà cho họ, họ cũng không bao giờ nhận. Họ không muốn mang ơn một ai

    Trong những thập niên sáu mươi, sáu lăm hai bên đường trên quốc lộ 14 từ Kontum chạy lên đến Toumorong, Dakpet, Daksut. Và ngược vô Tri Lễ, Ben Hét - rừng rậm đến sát mé lộ. Mùa mưa thì mây mưa âm u dai dẳng hàng nửa tháng không thấy mặt trời. Khi trời tạnh mây mưa vẫn kìn kịt bao quanh những ngọn núi, còn mùa nắng sương mù dày đặc, chín mười giờ sáng mới thấy mặt trời và buổi chiều khoảng ba bốn giờ bầu trời đã tối sầm, lạnh lẽo. Mỗi buổi sáng tôi đều nghe tiếng con chim công kêu: tố hộ...tố hộ...! Không cần ai kêu dậy mọi người cũng biết trời sắp sáng. Nhìn ra ngoài hiên những giọt sương nặng hạt rơi từ mái tranh lộp độp. Và, tiếng loài chim gõ kiến vang xa cả làng đều nghe. Cọp beo thỉnh thoảng vào làng bắt trộm heo bò... Buổi tối, thỉnh thoảng người lính Dân Vệ với cây súng "ga líp..." đội đèn đi dọc hai bên đường bắn nai, mang mển, chồn hương...

     Từ đầu năm 1965, chiến tranh càng ngày càng leo thang, Cộng quân dựa vào rừng rậm hai bên đường để phục kích các đoàn xe quân sự. Chính phủ phát quang từ mé lộ vào rừng khoảng ba mươi thước. Những cánh rừng thông bạc ngàn do chúng tôi trồng, bây giờ cũng cháy rụi, cỏ tranh và gai mắc cỡ mọc lên. Phi Trường Phượng Hoàng cơi nới rộng ra cho những chuyến bay C-130, C47, Caribou và các loại trực thăng chở dụng cụ chiến tranh và binh lính Mỹ Việt đáp xuống. Con đường quốc lộ 14 được tráng nhựa. Những đoàn xe công voa chạy liên tục ngày đêm chở phương tiện chiến tranh.

     Những ngôi làng người Thượng ở sâu trong rừng, an ninh càng ngày càng không được bảo đảm. Chính phủ khuyến khích vào ấp Dân Sinh, ấp Đời Mới... Di dời ra ở chung quanh: Chi Khu quận Dakto, Dakmot, cuối sân bay Phượng Hoàng, Konhring, Konhnong. Chương trình định cư do các đoàn cán bộ XDNT thực hiện. Họ được tài trợ chi phí di đời, cấp phát tấm tôn lớp nhà, tiền mặt và các phương tiện mưu sinh tương đối đầy đủ. Nhưng nơi ở mới đối với họ không được thoải mái, vì xa nguồn nước xa rẫy. Cái mà người Thượng lo ngại là cảm thấy như bị "cầm tù" không còn tự do, tự tại giữa núi rừng hằng ngày đi lại mà không bị ai dòm ngó, tai nghe tiếng chim, tiếng gió, tiếng nước chảy mà không bị ai quấy rầy. Trong khi Ấp dân Sinh, Ấp Đời Mới chung quanh đều có hàng rào, tháp canh...! Và cuối cùng là họ cảm thấy như là ăn xin của người Kinh mà bất đắc dĩ họ phải chịu mang ơn mà không biết làm sao trả cho hết. Tệ hơn nữa là Cộng quân pháo kích vô làng nhằm phá vỡ chương trình định cư. Điển hình là trận đánh vào làng Konhnong và Konhring, gây tang thương chết chóc. Do đó một số ít bỏ về làng cũ, hoặc ban ngày về làng cũ, ban đêm trở ra làng mới. Đó là điều tối kỵ đối với người Thượng. Từ nghìn năm nay họ sống tự tại yên ắng giữa đại ngàn với muông thú. Nay tách họ ra không khác gì tách cá ra khỏi nước.

     Người Thượng có thói quen sống chung trong một đại gia đình. Gồm từ ông bà, cha mẹ, con, cháu, chắt. Họ làm một dãy nhà sàn thật dài có khi dài đến hàng bốn năm chục thước, họ ngăn vách chừa cửa để qua lại, mỗi ngăn là một bếp, mỗi bếp là một gia đình. Con cháu chạy nhảy vui đùa suốt dãy nhà thật thoải mái. Trước đầu nhà đều có một sàn gỗ chắc chắn, có khi lợp mái che hoặc để lộ thiên, một cái thang bằng cây để leo lên sàn vô nhà. Trên sàn để cối và chày giã gạo, dưới sàn là súc vật nuôi thả rông và chứa củi. Khi dời làng những nhà hoạch định không nghĩ đến tục lệ lâu đời nầy, chia họ ra từng gia đình làm vỡ đi tính "cộng đồng gia tộc" từ nghìn đời nay. Vậy là họ không "ưng cái bụng" !

     Người Thượng ưa âm nhạc, thích rộn ràng múa nhảy theo điệu cồng chiêng trong các cuộc vui chơi lễ hội... Ngược lại trong đời sống hằng ngày - họ lại thích thầm lặng, yên ắng với núi xanh, sông suối mây trời. Họ không thích lối sống quá ồn ào bận bịu của người kinh.

     Người Kinh ở quận DakTo chủ yếu là hai xã Diên Bình và Tri Lễ, số dân khoảng năm ngàn người. Dân từ Bình Định và Quảng nam, đa phần nghèo khổ, thiếu ruộng đất từ nguyên quán, họ chủ yếu làm nông nghiệp, quanh năm chỉ đủ ăn. Còn Tân Cảnh dân số vào khoảng vài ngàn người, một phần là vợ lính của Trung Đoàn 42. Người dân chủ yếu kinh doanh, buôn bán chạy xe taxi... Cây công nghiệp như: cao su, cà phê, chè... không phát triển. Đất đai rộng mênh mông mà nhu cầu sử dụng đất đai thì rất ít, nên không có xãy ra tranh chấp đất đai gay gắt với đồng bào Thượng. Hơn nữa một số dân người kinh bỏ đi vì chiến sự càng ngày càng ác liệt...

     Nhìn chung thì việc người Kinh lên cao nguyên lập nghiệp qua chương trình di dân, tuy số dân không nhiều. Nhưng đồng bào Thượng vẫn lấy làm khó chịu cho những ông khách không mời mà đến trên lãnh thổ của họ đã ở từ bao đời nay. Ngoại trừ những người truyền giáo thời Pháp và một số người kinh đi theo các vị truyền giáo. Nhưng những số người Kinh nầy cũng rất ít. Họ sống gần như hòa vào tập tục của đồng bào Thượng. Họ học nói tiếng thượng, cũng mang gùi đi rẫy, cũng ăn uống như những gì đồng bào Thượng ăn. Họ tham gia vào các sinh hoạt của người Thượng mà không khi nào ép buộc người Thượng phải theo phong tục người Kinh. Khai hóa chứ không bao giờ tỏ ra kinh khi, xem thường hay cưỡng bách đồng hóa người sắc tộc.

     Chính phủ cũng biết chuyện đồng bào Thượng không ưa người Kinh đến ồ ạt. Trong việc giản dân trong lãnh thổ tất nhiên phải có những va chạm. Chính phủ không đàn áp họ hay bật tín hiệu cho cấp dười đàn áp hoặc đồng hóa bắt buộc họ phải theo văn hóa người Kinh, mà ngược lại chính phủ tìm hiểu ý muốn của đồng bào và có chương trình nâng đỡ cuộc sống của họ về vật chất cũng như tinh thần. Được hưởng quyền lợi bình đẳng như người Kinh. Xây bệnh viện, trường học và bảo tồn văn hóa của đồng bào Thượng. Người Thượng vẫn học tiếng người Thượng của họ, và được tham gia vào quân đội hay chính quyền như người Kinh. Người Thượng vẫn tự trị và coi sóc buôn làng. Ông Già Làng vẫn là người coi như - đại diện về "hành pháp và luật pháp" trong làng. Chính phủ không đặt một cơ quan hay một viên chức hành chánh người Kinh nào bên cạnh làng để giám sát an ninh hay theo dõi.

     Người Thượng cũng biết câu "Ăn của rừng rưng rưng nước mắt" ! Người thượng họ cũng biết khóc thương cho cái rừng của họ. Cái rừng cho họ cây tre làm nhà, cho họ đất làm rẫy để có lúa, mì để sống, cho họ thú rừng chim muông để họ săn bắn, cho họ rau để họ ăn, cho sông suối để họ uống và tắm giặt, cho cá họ ăn nữa... Họ biết cho cái rừng nghĩ ngơi, không triệt phá rừng bừa bãi. Họ đi lấy măng cũng không bao giờ họ lấy sạch măng trong một bụi tre. Đến khi thay rẫy mới - khi đốt rẫy họ khoanh vùng không cho cháy lan hủy hoại rừng. Mỗi khi xuống suối hay vòi nước gần làng để tắm, người Thượng đều làm dấu Thánh Giá trước khi tắm - như  một lời cảm ơn và tưởng nhớ... Trong đạo công giáo không có buộc phải làm dấu khi xuống nước tắm, chỉ làm dấu và đọc kinh trước khi ăn cơm.

     Đồng bào Thượng từ bao đời đã biết rừng là linh thiêng là nguồn thực phẩm dồi dào nuôi sống họ, tựa như giòng huyết mạch chảy trong tim họ. Họ biết rừng giữ nước và lọc cho nguồn nước sông suối tinh khiết. Rẫy của họ lúc nào cũng xa sông suối và lưu vực đầu nguồn. Đứng trên đồi nhìn xuống thung lũng thấy nơi nào có rừng cây rậm rạp là biết nơi đó có sông và những dòng suối lớn nhỏ chảy ngang qua. Cũng chính nơi đó họ tắm rửa sạch sẻ, mát mẽ sau một ngày làm rẫy mệt nhọc trước khi đi về nhà. Rừng chảy trong huyết quản của họ, từ khi mới chào đời trẻ con người Thượng đã được người mẹ cõng đi làm rẫy suốt ngày, cũng dầm mưa dang nắng, ăn ngủ ngay trên lưng người mẹ. Lớn lên thành những chàng trai, cô gái dạn dĩ mạnh khỏe đủ sức chiến đấu với thú dữ, ma thiêng, nước độc. Họ ăn của rừng nhưng biết nâng niu và bảo tồn, họ ăn của rừng nhưng họ không để cho rừng khóc vì họ. Ngược lại họ khóc cảm ơn cái rừng đã che chở cho họ tồn tại từ hàng nghìn năm nay.

     Họ thuộc đường đi, nước bước trong rừng cũng như người chuyên nghề đi biển đánh cá. Tôi đã từng đi theo họ săn bắn vui chơi. Nếu bỏ tôi một mình trong rừng tôi sẽ không biết đường về nhà, nhưng với người Thượng chuyện ấy thật dễ dàng.

     Tôi đã từng bị lạc trong rừng một lần, nếu không có anh bạn người Thượng đi kiếm chắc tôi sẽ bị thú dữ ăn thịt. Vào rừng có sự hấp dẫn không cưỡng được đó là sự khám phá, tìm kiếm mà không biết tìm kiếm cái gì. Thấy cái gì cũng huyền bí..., những âm thanh của gió, tiếng hót của loài chim và những tia nắng lung linh chiếu xiên qua kẽ lá thật ngoạn mục ! Không ai mời gọi nhưng từng bước chân dò dẫm... cứ đi - cứ đi... đi mãi để rồi quên mất lối về. Tâm trạng khi đó là hoảng loạn, tim đập mạnh, chân tay quờ quạng chạy loanh quanh. Nỗi sợ càng tăng thì mắt càng mờ và khó tìm lối ra.

     Tại làng Konhring người Thượng cũng có trồng cây cà phê, đa phần là cà phê mít, trong những khu rừng cây rậm rạp gần làng Người Thương dọn hết những cây bụi nhỏ - họ trồng cây thơm dày vào những cánh rừng bạc ngàn đó. Hàng năm, khi chấm dứt mùa mưa vào cuối tháng mười hay đầu tháng mười một. Lúc nầy những cây đót đã trở bông trắng rừng và cũng là mùa gió lạnh khủng khiếp. Buổi sáng sương mù nặng hạt, có khi suốt ngày âm u. Một cái chợ nho nhỏ dựng lên bên đường quốc lộ 14 (ngả ba Konhring) với vài chục cái sạp bằng gỗ. Những cô gái người Kinh từ Tân Cảnh, Diên Bình đến ngồi thu mua những bó đót của người Thượng và người Kinh buổi chiều mang từ rừng ra bán.

     Ra tết chừng một tháng là chấm dứt mùa đót. Tiếp đến mùa thơm. Mùa thơm chỉ người Thượng mới có, người Kinh chưa biết trồng. Chợ thơm tấp nập đông vui suốt ngày, bởi người Thượng lo thu hoạch cho xong sớm để lo làm rẫy. Mùa thơm cũng là mùa hẹn hò trai gái, sau khi hết mùa thơm cũng có vài cuộc tình dang dở hay làm đám cưới là chuyện thường - có cả những cuộc tình Kinh-Thượng !

     Trên địa bàn quận Dakto chỉ có mỗi một cái chợ - đó là chợ Tân cảnh. Chợ nằm trên triền đồi, dân số gồm lính, vợ lính và dân thường. Có một "Hí Viện" lâu lâu mới có một đoàn cải lương về hát, hoặc một đoàn chiếu phim di động về giúp vui bà con. Có một sân túc cầu, các cửa tiệm kinh doanh các loại hàng tạp hóa... Chợ chỉ đông vào buổi sáng sớm cho đến trưa là tan.

     Hàng nông sản cung cấp cho chợ gồm hai xã người kinh là Diên Bình và Tri Lễ. Người dân tự gánh nông sản đi bộ chứ không có xe đò, xe lam. Từ Diên Bình lên Tân Cảnh sáu cây số. Từ Tri Lễ trên trục tỉnh lộ 512 ra Tân Cảnh cũng khoảng sáu cây số. Đường đá gập ghềnh, hai bên rừng cây rậm rạp chạy ra sát mé đường, nên người dân chuẩn bị nông sản vào gánh chiều hôm trước, ngủ sớm. Không có đồng hồ họ chỉ canh theo tiếng gà gáy, nếu trời không có mây thì nhìn sao trời mà đoán giờ. Có một lần đoán sai giờ mà xãy ra một trường hợp rất thương tâm:

     Thôn một xã Diên Bình muốn lên Tân cảnh phải đi qua cây cầu gỗ bắt qua sông Dakpsi. Nơi đây có hai trạm gác hai bên đầu cầu do đồn lính dân vệ canh giữ đề phòng mấy ông du kích về gài mìn đánh sập. Những người gánh hàng nông sản đi bán thường đi từng tốp chín đến mười người. Lý do là qua khỏi Thôn Ba một đoạn là đến cái dốc làng Dakrao, cách Tân cảnh chừng ba cây số. Nơi cái dốc nầy có lắm cọp hay ra chặn bắt người rất nguy hiểm. Trời tối lẫn sương mù dày đặc, thông thường bà con phải thắp đuốc mới thấy đường mà đi, vì đường đất đá dăm lởm chởm, một số bà con không dép đi chân đất. Đêm đó anh trăng mờ mờ bà con tưởng trời sáng, gà thấy vậy cũng gáy vang. Bà con sợ trễ buổi chợ lật đật gánh chạy qua cầu mà không đốt đuốc như mọi lần. Trong đồn hoảng hốt tưởng du kích mò vô đặt mìn nên bắn...! Khi mọi người la oái oái... Thì ra mới có một giờ sáng! Đạn xuyên qua vai một người dân. May là đạn từ súng Carbine M1, chứ như súng: AK hay M16 là nát xương rồi !

     Xã Diên Bình và làng Konhring gần nhau, hằng ngày qua lại gặp nhau trao đổi cho nhau từ hàng hóa cho đến nông phẩm và các loại rau rừng. Ban đêm hay buổi sáng tinh mơ vẫn nghe tiếng giã gạo vọng vào trong màn sương rơi lạnh lẽo, hay tiếng chuông nhà thờ làng Konhring giục giã kêu gọi con chiên đi lễ.

      Tại làng Konhring, chính phủ xây một Bệnh Viện rất lớn có nhiều giường nằm. Đảm nhận và chăm sóc bệnh nhân là các dì nữ tu Công Giáo nhằm chủ yếu chữa bệnh cho đồng bào Thượng, tuy nhiên người Kinh ở xã Diên Bình đau ốn hay sinh đẻ cũng có thể vào xin chữa bệnh. Tôi không bao giờ quên vị nữ bác sĩ da trắng còn trẻ đến làm việc tại bệnh viện. Nữ bác sĩ về làm việc không bao lâu nhưng để lại trong lòng mọi người Kinh cũng như Thượng một sự luyến tiếc, nhớ thương bởi sự chăm sóc bệnh nhân tận tình, tràn đầy yêu thương như một người mẹ chăm sóc con của mình. Nhưng thật bất hạnh trong một chuyến tự lái chiếc xe Landrover về thị xã Kontum, đi đến cầu Tri Đạo bị trúng mìn cả xe và người tan xác.

     Cha mẹ tôi có mở một cái quán nho nhỏ tại nhà. Buổi chiều những người Thượng đi làm về thường hay ghé mua rượu uống và một vài thứ mắm muối... Trước kia thì họ uống rượu tại chỗ, khi về họ thường té ngã dọc đường nên Cha Quản Xứ cấm. Nay thì bán cho họ một ly xoay chừng uống tại chỗ. Nhưng đa phần mua đem về nhà vợ chồng cùng uống. Người Thượng biết cái tết của người Kinh. Người Kinh nào buôn bán thường ngày với họ thì họ ra chúc tết. Tết đến cha mẹ tôi gói hàng trăm đòn bánh tét, còn rượu đương nhiên phải có. Ngày mở hàng đầu năm họ xúm nhau vô nhà chúc tết, còn mua mở hàng hay không là không thành vấn đề. Quà mời đầu năm mừng lời chúc tết của họ là một ly rượu xoay chừng và một khoanh bánh tét cho mỗi người bất kể lớn hay nhỏ. Không phải cho như vậy là "giữ khách" đâu. Người Thượng tính tình phóng khoáng và sòng phẳng, họ không bao giờ chịu ràng buộc vào bất cứ sự mua chuộc hay ân nghĩa nào. Đối với họ tất cả là có qua có lại, không thích là đi mua chỗ khác.

     Tôi rất nhớ những tháng năm tuổi thơ cùng bạn học vui đùa trên dòng sông Dakpsi, bao lần đi theo trường dã ngoại bên bờ sông vào mùa cạn nước. Đi theo những người kéo trũ cá, đi theo người chú đi săn thú ban đêm. Đi theo những người bạn Thượng lấy măng và hái rau dớn, chặt cây giang hái lá dong về gói bánh tét. Hay giúp cha đi giũ vỏ cây đay trên sông vào mùa đông lạnh cóng người. Tôi nhớ những cánh rừng bạc ngàn sâu thẳm trong nắng chiều, trong sương mù buổi sáng và mọi người cầm dao rựa lần theo dấu chân con cọp đêm hôm qua lẻn vô xóm bắt heo... Tôi nhớ người bạn Thượng dẫn tôi đi vô trong rừng sâu thăm bẫy thú, nướng thịt thú ăn giữa rừng. Và cuối cùng tôi không bao giờ quên tiếng con chim công tố hộ và con chim mỏ kiếng vào buổi sáng thật sớm núi rừng còn ẩn mình trong sương đã hót và gõ lên từng tràng âm thanh trong suốt làm cho con người và vạn vật đều trở mình thức dậy cho một ngày mới.


Trang Y Hạ
tặng các em gái

    



    



    



    

       

    

    

       



     

    

    

    








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét