Vào năm Duy Tân thứ 7, tức năm 1913, vua Duy Tân đã cho sáp nhập các tỉnh hạt ở Tả Kỳ, thiết lập tỉnh Kon Tum và cho thành lập Sở Đại lý ở Buôn Ma Thuột.
Bản đồ Darlac ngày ấy
Lâu nay khi nghiên cứu chính sử của triều Nguyễn, các nhà nghiên cứu thường thông qua hệ thống thư tịch quan trọng như Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều chính biên toát yếu… Đây là những bộ sử hết sức quan trọng do Quốc sử quán của triều Nguyễn biên soạn, ghi chép mọi vấn đề của lịch sử văn hóa của Việt Nam dưới các triều vua nhà Nguyễn. Các tỉnh Tây Nguyên thường ít được ghi chép trong chính sử; dưới các triều vua trước như Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức khu vực Tây Nguyên thường được gọi chung là Thủy Xá và Hỏa Xá. Tuy nhiên, dưới thời vua Duy Tân thì chính sử của triều đình đã ghi chép lại việc hình thành một số tỉnh ở Tây Nguyên. Trong sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên của Quốc sử quán biên soạn từ năm 1922 – 1942 dưới triều vua Thành Thái và Duy Tân có ghi chép về một số những thông tin về các tỉnh ở Tây Nguyên, trong đó có việc vua Duy Tân cho thành lập Sở Đại lý ở Buôn Ma Thuột. Bộ sách này được lưu giữ ở thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) và là một bản chép tay duy nhất bằng chữ Hán và có cả chữ Nôm ghi tên người, tên địa danh… với gần 1.700 trang viết tay. Một số địa danh ở đây được phiên dịch theo bản chép bằng chữ Hán – Nôm nên có phần khác với cách ghi bây giờ.
Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên cho biết: Vua Duy Tân đã cho sáp nhập các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên. Nội dung của vấn đề này nằm ở điều 1850 năm Duy Tân thứ 7 (1913). Cụ thể như sau: “Thay đổi sáp nhập các tỉnh hạt ở Tả Kỳ và thiết lập tỉnh Kontum, Toàn quyền đại thần nghị định chiểu chỉ dụ ngày 20-10-1911 Tây lịch nói về quyền hành của Đông Dương toàn quyền đại thần cùng san chỉnh việc Hộ chính và chính trị ở Đông Dương, chiểu nghị định ngày 25-11-1899 và nghị định ngày 20-5-1901 Tây lịch, lập riêng tỉnh Phú Yên và Phan Rang, chiểu nghị định ngày 25-7-1904 thiết lập tỉnh Pleikou Đê Man, chiểu nghị định ngày 12-6-1907 triệt bãi tỉnh Pleikou Đê Man, lại chiểu ngày tháng năm ấy trích tỉnh Pleikou Đê Man sáp nhập vào các tỉnh Bình Định, Phú Yên cùng đặt Sở Đại lý tại Kontum cùng Cheo Reo, chiểu nghị định ngày 22-11-1904 trích Darlac thuộc quản lý của Khâm sứ Pháp ở Lào sáp nhập vào Trung Kỳ, đã bàn bạc duyệt hợp án khoản thi hành.
Khoản 1: tỉnh Phú Yên thuộc Công sứ Bình Định cai trị, tỉnh Phú Yên ấy đặt một Sở Đại lý, lấy Tham biện hạng ba hoặc hạng bốn sung vào nhưng việc chính trị và đề hình không có gì thay đổi.
Khoản 2: tỉnh Phan Rang nghĩ nên triệt giảm, tỉnh ấy kể từ chỗ giáp giới Cam Ranh cùng cửa biển Ninh Châu trở về phía Nam thuộc tỉnh Bình Thuận trở về phía bắc thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện đặt một Sở Đại lý ở Phan Rang thuộc tỉnh Bình Thuận.
Khoản 3: Tỉnh Pleikou Đê Man nay đặt làm một tỉnh tên Kontum, chiểu theo pháp luật bản xứ cai trị, các hạt Cheo Reo, Kontum cùng Darlac đều thuộc về tỉnh ấy thống hạt, nhưng Darlac nên lập Sở Đại lý ở Ban Mê Thuột, tới như Sở Đại lý ở Kontum thì nghĩ triệt bãi”. (Sở Đại lý là cơ quan người Pháp lập ra để đại diện cho chính quyền ở địa phương - N.H.K)
Về việc tách nhập Đắk Lắk với Lào, một số văn bản của Pháp lúc bấy giờ cũng ghi lại việc này. Theo nghị định 2-11-1899, đề nghị của Khâm sứ Lào là đặt ở Lào một khu vực hành chính được chỉ định bằng tên Cục cảnh sát Darlac và bao gồm tất cả phần của tỉnh Stung – treng giới hạn ở phía Bắc bởi giải phân thủy giữa các lưu vực sông Tiamal và sông Tiaba, dòng Srépok cho tới Pak-Ladrang, dải phân thủy giữa các lưu vực của Nam – Ladrang và của Nam-Liéou. Bên cạnh đó tiểu khu hành chính ở Bản Đôn lập ra bởi nghị định ngày 31-1-1899 được bãi bỏ (tiểu khu hành chính thuộc về quyền quản lý của quân đội, hay là khu vực nhỏ do quân đội quản lý). Đến năm 1904, thừa lệnh của Toàn quyền Đông Dương, Tổng lãnh sự Đông Dương Broin đã ký nghị định ngày 22-11-1904 về việc tỉnh Darlac được tách khỏi lãnh thổ của Lào và được đặt dưới quyền hành chính và chính trị của Khâm sứ Trung Kỳ. Như vậy, tỉnh Đắk Lắk ngày nay (còn ghi theo tiếng Pháp là Darlac) được thành lập theo nghị định ngày 22-11-1904 của Toàn quyền Đông Dương và tách khỏi Lào, đặt dưới quyền cai trị của Khâm sứ Trung Kỳ. (Trước đó, vào cuối thế kỷ 19, Đắk Lắk thuộc địa phận đại lý hành chính Kon Tum và bị thực dân Pháp nhập vào Lào). Đến ngày 9-2-1913, tỉnh Đắk Lắk trở thành một đại lý hành chính trực thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập cùng ngày (Sở Đại lý đặt tại Buôn Ma Thuột) như chỉ dụ của vua Duy Tân.
Toàn văn nội dung của lời dụ được biên soạn vào năm Duy Tân thứ 7 là một chứng cứ xác thực để làm rõ vấn đề: Tuy thời gian này vua Duy Tân là một vị phế đế, song ảnh hưởng của vương triều Nguyễn và nhiệm vụ biên soạn Quốc sử của nhà Nguyễn vẫn được tiếp tục. Mặc dù trải qua binh biến nhưng việc ghi chép lịch sử vẫn được coi trọng. Điều đó khẳng định rằng, chủ quyền dân tộc vẫn không rơi hết vào tay người Pháp, bởi khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ vẫn được coi là đặt dưới sự quản lý của Toàn quyền Đông Dương và lâu nay các nhà nghiên cứu đều cho rằng những sự kiện lịch sử ở đây chỉ được người Pháp ghi chép thông qua quá trình cai trị.
Thông qua tư liệu Hán Nôm này, chúng ta có thêm một tư liệu quý để nghiên cứu, đánh giá được đầy đủ hơn về lịch sử văn hóa của các tỉnh Tây Nguyên Việt Nam dưới hai triều vua Thành Thái và Duy Tân được trọn vẹn hơn.
Theo Nguyễn Huy Khuyến (Báo Đắk Lắk điện tử)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét