Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

NHỮNG HOA RỪNG ĐẦU TIÊN TRÊN CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN



Krongblah xin giới thiệu với cả làng chuyên đề sau đây, do Ban Truyền Thông Gp Kon Tum đăng trong trang blog : gpkontum.wordpress.com

NHỮNG HOA RỪNG ĐẦU TIÊN TRÊN CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN

  Đó là những TÂN TÒNG NGƯỜI DÂN TỘC  ĐÃ LÃNH NHẦN BÍ TÍCH THÁNH TẨY vào năm 1853 : GIUSE NGUI và GIOAN PAT là hai Tân Tòng  tại Trung Tâm truyền giáo KONTRRANG vào ngày 16 tháng 10 năm 1953 và ông GIUSE HMUR, một con người đầy cương quyết, thẳng thắn trong hành động, xác tín khi theo Chúa. Cho dù gặp nhiều thử thách và cám dỗ, ông vẫn can trường, trung kiên, và bền chí để lứơt thắng. Ông đã lãnh Bí Tích Thánh Tẩy tại trung tâm truyền giáo KON KƠXÂM vào ngày 28 tháng 12 năm 1853.
GPKONTUM (18.08.2012) KONTUM



NHỮNG HOA RỪNG ĐẦU TIÊN
TRÊN CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN

Người Việt Nam thường nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”.
Tương quan “Nhân” và “Thiên” được thể hiện rõ nét trong sứ vụ của các Tông đồ. Thật vậy, trước khi về trời, Chúa Giêsu đã để lại cho các Tông đồ sứ mệnh loan báo Tin Mừng: “Vậy các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, rửa tội cho họ, nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, dạy họ giữ hết mọi điều Ta đã truyền cho các ngươi” (Mt 28,19-20).
Trung thành với sứ mệnh cao cả đó, Giáo Hội đã đem Tin Mừng đến muôn dân qua mọi thế hệ. Tin Mừng Chúa Kitô đã được loan truyền cho người Việt Nam từ xa xưa, ít nhất vào thời Hậu Lê [1], với muôn vàn khó nguy thử thách. Vào tiền bán thế kỷ XVII, các linh mục Dòng Tên truyền giáo vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi chẳng những giảng đạo cho người Kinh, mà còn quan tâm đến đông đảo người dân tộc vùng phía tây, vượt núi đến vùng dân cư Hrê, Sơđăng, nhưng không thu được kết quả. Sau khi Toà Thánh giao cho Hội Thừa sai Paris đảm trách truyền giáo vùng Đông Dương, Cha Bề trên Courtaulin tiếp tục truyền giáo cho số người dân tộc này vào hạ bán thế kỷ XVII, nhưng kết quả cũng không được là bao, vì thời cuộc và vì thiếu nhân sự…[2]
Đức cha Stêphanô Cuénot Thể, Giám mục Địa phận Đàng Trong, quyết tâm thực hiện chương trình rao giảng Tin Mừng cho anh em dân tộc phía tây Địa phận Tông toà của ngài. Vả lại vì hoàn cảnh Giáo Hội địa phương của ngài bị cấm cách dưới các triều đại Thiệu Trị, đặc biệt Tự Đức (1846), ngài đã nhiều lần thử cho người tìm đường lên Cao Nguyên. Dù bị thất bại nhiều lần, ngài đã quyết tâm gởi thầy Sáu Do tìm cách đưa các linh mục Thừa sai tìm cách lên rừng núi Tây Nguyên này để đem Ánh Sáng Tin Mừng Chúa Kitô cho cư dân ít người vào năm 1848. Sau những lần lặn suối trèo non, nguy hiểm nơi anh em đông bào của mình, hoặc nơi dã thú, bất chấp những bệnh tật, Đoàn Truyền giáo đã đến vùng Kontum ngày nay vào năm 1852. Ngay đầu năm 1852, Đoàn Truyền giáo cắm lều trên mảnh đất truyền giáo Tây Nguyên, và được vị Đại diện Tông toà, Đức cha Cuénot, phân chia các điểm truyền giáo cho các vị thừa sai như sau:
- Cha Combes (Cha Bê), bề trên vùng truyền giáo, phụ trách vùng Kon Kơxâm, lo cho dân cư Bahnar thuộc vùng Đông - Bắc.
- Cha Dourisboure (Cha Ân) phụ trách điểm truyền giáo Kontrang, lo cho cư dân Sơđăng.
- Cha Desgout (Cha Đề) và thầy phó tế Phanxicô Xavie Nguyễn Do phụ trách điểm truyền giáo Rơhai, lo cho người Bahnar - Rơngao.
- Cha Fontaine (Cha Khâm) phụ trách điểm truyền giáo Plei Chư, lo cho người Jrai.
Chúng tôi xin trình bày những hoa trái đầu tiên trên cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên, những người tin Chúa và được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy tại hai điểm truyền giáo: Kontrang và Kon Kơxâm.[3]
I. Điểm Truyền giáo KONTRANG
1. Đầu năm 1852, Cha Dourisboure Ân được chỉ định đảm nhiệm điểm truyền giáo Kontrang, cửa ngõ vào vùng đất của bộ lạc Sơđăng, địa điểm trao đổi mua bán gữa người Sơđăng, Rơgao và Lào... Ngài cư ngụ chung với gia đình ông Lam gồm 50 người trong một ngôi nhà lớn và dài: ồn ào, phức tạp... Ngài gặp thời kỳ đói khổ, bị bệnh tật, cô độc... Một nỗi buồn thấm thía xâm chiếm tâm hồn ngài, giữa một gia đình đông đúc, ồn ào đến nỗi ngài không sao cầm trí đọc kinh nguyện. Nhưng rồi một hôm, thấy trong nhà nhốn nháo, nhiều người đổ xô đến góc đối diện, ngài hỏi thăm mới biết có một em bé còn bú sắp chết. Ngài vội vã chạy đến, thấy em đang hấp hối ngài chụp lấy bầu nước rửa tội cho em trước những con mắt ngạc nhiên của mọi người. Vài phút sau em tắt thở. Ngài vừa hiến dâng cho Chúa đoá hoa tuyệt đẹp đầu tiên thuộc bộ lạc Sơđăng. Ngài cảm thấy tất cả những cô đơn, buồn chán đều tan biến hết. Của lễ đầu mùa dâng cho Chúa.
Tôi lanh lẹ chụp lấy bầu nước lạnh gần đó và tôi làm phép Rửa Tội cho em bé, Cha Dourisboure ghi trong nhật ký. Phúc thay em bé dường như nó chỉ nhận xong ơn này rồi tắt hơi vài phút sau đó: Linh hồn bay thẳng lên trời. Hãy đi bình an - tôi nói thêm - hỡi thiên thần bé nhỏ, nhưng ít nữa là trên đó, hãy nhớ đến tôi nghe. Có cần nói rằng cơn cám dỗ buồn phiền chán nản trong tôi đã biến đi đâu mất chăng? Tôi đã trở lại với chiếc chiếu của tôi, và tôi đã khóc thật sự, khóc vì sung sướng, khóc vì biết ơn. Tôi đã cứu được một linh  hồn - tôi lẩm bẩm - tôi đã cứu được một linh hồn bằng giá máu của Chúa Giêsu Kitô[4].
2. Cha Dourisboure chung sống trong gia đình ông Lam một thời gian, và được gia đình tin yêu. Đặc biệt ông Lam và bé Ngui con ông quý mến Cha. Khi Cha rời khỏi nhà ông Lam để đi đến ở nhà mới, tại đây mỗi ngày Cha đều dâng Thánh lễ, cuộc sống dễ chịu hơn. Đó là niềm an ủi cao cả nhất mà chính ngài đã thốt lên: “Nhưng hằng ngày tôi có Chúa Giêsu Kitô đến viếng thăm; và những ai ở trong một hoàn cảnh giống như tôi mới biết được phương thuốc thơm linh diệu dường nào”.[5]
Cha cầu nguyện, ân mọi nỗi khổ đau để cầu nguyện cho các anh em dân tộc được ơn trở lại đạo. Chúa đã thương nhận lời ngài cầu xin.
3. NGUI và PAT là hai tân tòng Sơđăng đầu tiên
a. NGUI
Ngui là con út của ông Lam, ông chủ của một ngôi nhà lớn. Chính trong nhà này, Cha Dourisboure đã tá túc khá lâu.
Ngui lúc đó vào khoảng 12 tuổi. Ngày ngày Ngui thường hay luẩn quẩn bên Cha, là đứa bé rất thông minh và thường hay nhận xét..., luôn để ý đến các giờ kinh nguyện, cử chỉ của Cha. Ngui thường hay trầm ngâm nhìn Cha, vài phút rồi lại bỏ đi, không nói tiếng nào... bản tính em cũng nóng nảy nhưng có lòng tốt và dễ cảm xúc.
Em rất quyến luyến và đầy lòng quý mến Cha. Nhờ đó, Cha luôn trò chuyện với em để rồi từ từ với thời gian, Cha đã hướng em về đạo Chúa.
Là con cái Chúa, con người em hướng về đời sau, vì cuộc đời này chỉ làm cho cuộc sống có ý nghĩa khi vươn đến cuộc sống đời sau viên mãn hơn: tìm gặp được Thiên Chúa, là Cha Yêu Thương, sống trong tình nghĩa của Ngài là nền tảng đức tin của em. Em vẫn có một tâm thức tôn giáo cổ truyền, sợ hình phạt của Yang. Nhưng khi em hiểu được Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại, yêu thương dân tộc em, yêu thương chính bản thân em, thì em đựơc giải thoát khỏi vướng mắc của mọi sự sợ hãi. Em mong mỏi ngày được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội để tình yêu em được trọn vẹn cho Chúa.
Các kinh thường ngày Cha đã dịch ra tiếng Sơđăng giúp cho em hướng tâm hồn trẻ thơ liên kết với Chúa. Em có thói quen đọc kinh hằng ngày.
Trong suốt 2 tháng, chiều nào em cũng đến với Cha, nơi nhà mới làm. Nhờ Chúa Thánh Thần tác động mạnh mẽ, em đã tin vững vàng về mọi chân lý Đức tin mà Cha đã hướng dẫn em. Ngui có tâm hồn cởi mở và sắc bén. Em có thể phân định được những điều sai trái, những mê tín dị đoan nơi các cuộc chuyện trò của anh em bà con dân làng.
Một hôm cha nói với Ngui:
Bây giờ con tin Chúa như Cha đã tin; con cũng tin có thiên đàng, có hoả ngục, con tin có sự sống lại. Thế nhưng, Cha chỉ nói cho con biết các điều đó, điều mà Cha không thể chỉ cho con thấy tận mắt. Con đã không xem thấy Thiên Chúa, con đã không nghe thấy tiếng tru tréo của những kẻ bị án phạt dưới hoả ngục; con cũng không tham dự vào cuộc hoà tấu của các Thiên Thần... Thế mà sao mà con tin tất cả những điều giống như Cha vậy. Cha cũng không hơn gì con. Cha cũng chưa xem thấy các điều đó, nhưng dù sao Cha cũng được học biết các sự ấy từ thuở nhỏ...”.[6]
Ngui đã bộc lộ tâm tình đơn sơ thoạt dầu mới gặp gỡ và nghe Cha nói về Chúa, về đạo:
Lúc con đến nghe Cha nói chuyện lần đầu tiên - Ngui trả lời với tôi - con đã chỉ đến chơi cho qua thời giờ và không có một chút ước đoán nào về Chúa và Đạo của Người cả. Lúc Cha nói chuyện với con, thoạt đầu con không tin Cha, sau lần lần con mới thấy lay chuyển, nhưng con rất nhiều nghi hoặc. Những nghi hoặc này cũng lần hồi biến đi và không hiểu tại sao bây giờ con tin vững vàng mạnh mẽ như chính mắt con xem thấy, mặc dù con chưa từng thấy Chúa.”[7]
b. PAT
Lại thêm một bông hoa nữa dâng cho Chúa, em tên là PAT. Gia đình Pat ở trong vùng gần Kon Kơxâm. Tại Kon Kơxôn, dân làng đang có chiến tranh kéo dài nhiều năm với dân làng Hơ Jơi.
Một hôm, dân Hơ Jơi được sự yểm trợ của Sơđăng, họ kéo nhau đến tấn công vào giữa ban trưa. Các gia đình trong làng Kon Kơxôn đều vắng mặt. Họ đi làm ngoài cánh đồng. Hôm đó, gia đình Pat ở nhà, không đi làm. Ông bà nội, các anh chị em của Pat, người bị giết chết, còn kẻ khác bị bắt trói bán sang Lào.
Cha của Pat đã muốn trả giá thật đắt mạng sống của mình. Ông buộc trên lưng thằng bé Pat, lúc đó Pat mới biết đi, với một tấm khăn theo kiểu người Thượng thường làm và ông xông vào giữa quân địch, tay cầm lao. Nhưng không lâu ông đã ngã quỵ, mình đầy vết đâm chém.
Những kẻ thắng trận đã đem Pat đi, nuôi nó trong vài năm để bán được giá hơn, rồi bán nó tại Kontrang.
Đúng vào lúc Cha dọn sang nhà mới, lúc đó Pat ở lại với Cha. Tất cả đều là ân huệ. Chính ân huệ mà Chúa đã trao phó trong tay Cha giúp em được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy với Ngui.
Ngui rất quý người bạn nhỏ của mình. Qua đời sống tốt lành của Cha, Ngui đã hấp thụ được mộ lòng đạo đức, thương người. Nhờ đó, Ngui đã gây được nhiều âm hưởng thánh thiện cho Pat.
Rồi một hôm, Cha ngồi đọc sách ở ngăn bên, còn Ngui và Pat nằm chơi trên một chiếc chiếu, vị Thừa sai nghe Ngui nói với Pat:
“Phải thú nhận rằng Chúa thương mày nhiều lắm Pat ạ!” - Ngui nói - “Nếu không, mày là một kẻ nô lệ, và còn ở với cha mẹ thì làm sao biết Chúa. Vì ở đó không có ai dạy mày, mày sẽ rớt vào hoả ngục. Mày có nghĩ chút nào về hoả ngục không? Phải, Chúa đã yêu thương mày rất nhiều”.
Một lần khác, Ngui tâm sự với Pat:
Ban đêm khi tao đi ngủ, tao luôn luôn sợ chết trong đêm. Ôi! Tao muốn được chịu Phép Rửa biết chừng nào!
Qua cách ăn nết ở, chẳng bao lâu Ngui đã phản ánh được các chân lý thánh mà em đã học và đã tin. Bẩm sinh Ngui hay nóng nảy, dễ nổi giận, nhưng nay Ngui rất hiền hoà. Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy em có sự thay đổi lạ lùng. Thực sự em đã được đổi mới trong Chúa Kitô. Với ơn Thánh, em trở nên một con người mới giữa lớp trẻ nhỏ lứa tuổi của em. Em đã ảnh hưởng đến Pat rất sâu đậm.
Pat đến tuổi khôn đã hiểu được sự gương mẫu và bổn phận của mình trong đời sống làm con Chúa.
c. Ngày diễm phúc mong chờ: Ngui và Pat lãnh nhận Phép Rửa
Ngày diễm phúc cho hai em Ngui và Pat cũng là niềm hạnh phúc nhất mà Cha Dourisboure hằng mong đợi. Đây là những đoá hoa rừng đầu tiên dâng cho Thiên Chúa. Thật là một vinh dự lớn lao để nói lên hoa quả tốt lành của Cha từng gieo trồng hạt giống Tin Mừng trên mảnh đất Tây Nguyên, nay đã hé nở cho một thời kỳ đầy hứa hẹn. Ngày đáng ghi nhớ: 16-10-1853, hai trẻ lãnh Bí tích Thánh Tẩy, với tâm tình của Cha Dourisboure như sau:
Đây là hai đứa trẻ đầu tiên mà tôi đã sinh ra cho Chúa nơi các dân tộc Thượng. Và đó cũng là hạnh phúc vĩ đại đầu tiên của tôi nơi miền thượng. Tôi đã đặt tên thánh cho Ngui là Giuse và Pat là Gioan, vị Tông đồ yêu dấu của Chúa Giêsu”.[8]
Để chia sẻ niềm hân hoan vô bờ bến này, Cha Dourisboure Ân mời Cha Combes, Bề trên vùng truyền giáo đến tham dự ngày hai em trở nên con cái Chúa. Khi lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, nét mặt hai em ngời sáng, vui tươi. Chính nhờ lòng đạo đức mà hai em đã lôi kéo, ảnh hưởng bao nhiêu tâm hồn trẻ thơ trên vùng cư dân Sơđăng về cho Chúa và Giáo Hội. Đó là những đoá hoa hồng đầu tiên vùng cư dân Sơđăng dâng cho Chúa
II. Điểm Truyền giáo KON KƠXÂM
Cha Combes Bê, Bề trên vùng truyền giáo Tây Nguyên, phụ trách điểm truyền giáo Kon Kơxâm, hằng mong mỏi trước khi nhắm mắt được rửa tội cho một số dự tòng hoặc mươi em bé trong giờ nguy tử. Thiên Chúa đã nhận lời ngài cầu xin và lòng nhiệt tình của ngài đối với Nước Trời. Một con người bảo vệ điểm truyền giáo Kon Kơxâm cũng là người đầu tiên lãnh Bí tích Thanh Tẩy tại điểm truyền giáo này: ông Hmur
Ông Hmur
Là người có nhiều đức tính tốt, ông đã bảo vệ truyền giáo về mọi mặt. Đặc biệt hơn, trong những năm mất mùa đói khổ, ông phải đi dến các buôn làng xa để giúp mua gạo về cho đoàn truyền giáo. Trong khi đó, gia đình ông vẫn là một gia đình nghèo khó như mọi người dân trong buôn làng của ông. Vợ chồng ông không có con. Ông có người em gái goá chồng tên là Hmon, có bé trai tên là Tốt, được ông Hmur nhận làm con nuôi. Cả gia đỉnh ông Hmur gồm 4 người được ghi đầu tiên vào số tín hữu tiên khởi của điểm truyền giáo này.
Nhiều lần, Cha Combes nói: “Anh em hãy xem, ông Hmur sẽ là tân tòng đầu tiên của tôi”.[9]
Giuse Hmur, một con người đầy cương quyết, thẳng thắn trong hành động, xác tín khi theo Chúa. Cho dù gặp nhiều thử thách và cám dỗ, ông vẫn can trường, trung kiên, và bền chí để lứơt thắng.
III. Thay lời kết
Chúng tôi vừa trình bày những thành quả trên cánh đồng Truyền Giáo Vùng Tây nguyên, một kết quả khiêm tốn nhưng vĩ đại, bao gồm biết bao mơ ước và công sức, bằng những phương thức huấn đạo độc đáo và sáng tạo.
1. Hiện diện. Các vị truyền giáo rao giảng Lời Chúa cho anh em dân tộc chưa hề biết sử dụng chữ viết. Họ nhận thức sự việc bằng trao đổi và trò chuyện, nói cách khác bằng hiện diện sống dộng của vị thừa sai. Đòi hỏi phía các linh mục thừa sai trau dồi tiếng nói bản xứ thông thạo. Đó là công tác hàng đầu của các vị thừa sai. Đồng thời họ cần tính kiên trì, phương pháp trao đổi khôn ngoan và thân tình, dựa trên một đời sống đạo đức. Người dân tộc không có tác phẩm bằng văn tự, họ không đòi hỏi tác phẩm; họ có tâm tình và đòi hỏi mối liên hệ giữa những người biết tôn trọng và thành thật. Đức tin đến với họ qua “Ex auđitu”, bằng đôi tai - tiếng dân tộc bahnar gọicái tai  là don , mà don cũng đồng nghĩa    lòng, là con tim nữa.
2. Ban ngày người dân tộc vắng nhà, vào rừng làm rẫy, tìm thức ăn. Nhưng khi mặt trời lặn, sắp khuất trên kia núi họ về nhà. Đêm đến, bên đóng lửa, gia đình cùng bè bạn hút thuốc, chuyện trò. Người thì kể chuyện, kẻ thì say mê theo dõi. Họ có những câu chuyện huyền thoại được truyền từ cha ông đến con cháu. Họ được dạy dỗ qua tiếng nói của truyền thống, và qua các bô lão trong buôn làng và được đón nhận bằng “don” bằng tai, “dăp don” bằng lòng, thuận tình.
3. “Bă Yang” trong truyền thống văn hoá Tây Nguyên
Cái truyền thống vừa là chướng ngại, vừa có cơ sở thiết yếu để Lời Chúa đến với người dân tộc. Phải anh hùng lắm mới dám ra khỏi truyền thống, tựa như máy bay cần sức đẩy vượt khỏi sức hút trái đất, dứt bỏ những mê tín, hao tốn trong việc cúng tế các loại Yang: Yang tốt giúp ích cho cuộc sống dân làng cũng có, Yang gây tai hại cho buôn làng cũng nhiều, nên đặt ra các thói tục kỵ uý, làm lu mờ Thiên Chúa là “Bă Yang” - Thiên Chúa là Cha - yêu thương, yêu thương những con người nghèo. Nhưng người không có truyền thống sẽ vô thần, man rợ. Trong truyền thống văn hoá Tây Nguyên, Chúa ban những mặc khải cơ bản, những phạm trù tôn giáo, những lương tri nền tảng tiếp nhận Lời Chúa. Sức hút của nam châm thực hiện khi chúng ở thế cần thiết. Vai trò của thừa sai là giúp cho những người dân tộc biết xoay khía cạnh truyền thống đúng hướng về Thiên Chúa là Cha yêu thương, về đời sống huynh đệ, đời sống vĩnh hằng, thưởng phạt, nền luân lý siêu tự nhiên... Các vị truyền giáo giữ vai trò như những cục than hồng của tình yêu Thiên Chúa, nhen nhúm lên ngọn đèn sáng, rồi nhiều ngọn đèn trên khắp buôn làng. Những tân tòng đầu tiên có những đóm lửa đó đang leo lét sáng từ những truyền thống tốt đẹp, được các vị thừa sai gạt bỏ những đống tro phủ lấp và thổi lên bằng hơi thở của Thần Khí của Thiên Chúa.
4. “Cái nhìn”, dụng cụ của hiểu biết, cho người ta một sự quan sát kỹ lưỡng một đối tượng đã được nghe, được đối xử như một tĩnh vật. Cái bộ mã bên ngoài có thể làm lệch cái nhìn. Nhưng nhìn với cặp mắt yêu thương, chân tình, cái nhìn đức tin mang dấu ấn của một chứng từ sống động sẽ đưa vào con tim chính đời sống của người làm chứng. Anh em tân tòng đầu tiên gặp Chúa qua cái nhìn cuộc sống hy sinh, đạo đức, chứng tá của các vị thừa sai. Các ngài rao giảng Lời Chúa bằng lời và bằng cuộc sống, có sức thuyết phục và biến đổi anh em dân tộc đang cùng chung sống với ngài đến Bí tích Thanh Tẩy và đến Bàn Tiệc Thánh Thể.
5Những đòi hỏi của cái vô thức tập thể
Thế giới của người dân tộc nói chung là cái tổng thể có kết - ít nhất theo buôn làng - ở đó con người đóng một vai trò như một sợ chỉ đan chéo trong một tấm vải, rút từng sợi ra, nó mong manh. Ra khỏi nếp suy nghĩ tập thể, họ sẽ yếu và tự đánh mất con người họ như họ bỏ làng vào rừng sống một mình. Dấn thân cá nhân là liều lĩnh, là điên khùng hoặc là anh hùng. Thường là điên theo kiểu phê phán của dân làng. Người dự tòng cũng có những cái ray rứt, dằn vặt như vậy. Điều đó khó cho việc truyền giáo. Truyền giáo không chỉ đến để cứu rỗi cho từng người riêng rẽ, nhưng còn và trước tiên biến đổi cả tập thể, một xã hội, một truyền thống. Trong việc trở lại của những người dân tộc đầu tiên thật anh hùng là ở chỗ đó. Nói đúng hơn, sự trở lại của họ là một hồng ân của Chúa thương ban cho vùng truyền giáo, cũng như chính việc các vị thừa sai sống trong rừng sâu nước độc, nơi dân tộc, là một điều lạ lùng vậy. Chính cái lạ lùng sau đánh động tâm hồn một số anh em dân tộc hoá thân sự lạ lùng đó nơi chính bản thân họ: trở nên người Kitô hữu. Theo Chúa Kitô, họ được giải phóng khỏi những áp chế của nỗi sợ hãi các Yang, làm tê liệt được sức khống chế mê tín để trở con người tự do và trút khỏi những tốn phí vì cúng bái do bơjâu đòi hỏi... Như ông Hmur đã nói trong ngày lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy: “Vĩnh biệt với tất cả mọi của cúng tế, vĩnh biệt gà, heo, dê, và trâu...”.[10]
Một số vị thừa sai như “nhúm men” trộn lẫn vào một khối bột vùng Tây Nguyên, đã làm nên sự nghiệp mở đạo thành công trên vùng dân tộc này, trong thời kỳ khó khăn, với những phương thức sáng tạo.
    Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn






[1]  Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, XXXIII, 6B.
[2] x. A. Launay, “Histoire de la mission de Cochines 1658-1823, trong documens histoiriques I, 1658-1728”, Paris1926, tr. 166-167, trong đề mục L’ Essaie d’vanglisation des sauvages. Projets  et travaux de M. De Courtautin.
[3] Phần trình bày sau dựa vo “Les Sauvages BAHNARS”, của Cha Dourisboure, Paris 1929.
[4] Ibid., tr. 98.
[5] Ibid.
[6] Ibid, tr. 133-134.
[7] Ibid., tr. 134.
[8] Ibid., tr. 145.
[9] Ibid., tr. 136.
[10]  Xem Dourisboure, chương 14


XIN  KÍNH MỜI xem hoặc tải bản PDF tại:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét