Có nhiều bạn trẻ thắc mắc: Trong chuyến thăm mục vụ đến các Giáo phận tại Việt Nam của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli - Đại Diện Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, từ Nam ra Bắc thấy mỗi nơi treo băng rôn chào đón Đức Tổng khác nhau: có Giáo phận viết là “Chào mừng Đức Khâm Sứ Toà Thánh”, nơi khác “Chào mừng Vị Đại Diện Toà Thánh”, nơi khác nữa là “Chào mừng Đức Sứ Thần Toà Thánh”…Và trong diễn văn hay lời phát biểu, cả 3 chức danh này được sử dụng lẫn lộn. Vậy đâu là chức danh thực thụ của ngài, vì theo các bạn được biết, 3 chức danh Sứ Thần, Khâm Sứ và Đại Diện Toà Thánh đều có ý nghĩa khác nhau theo chức vị và theo nhiệm vụ.
Nhóm bạn trẻ ấy đã tự tìm hiểu và trao đổi với nhau. Sau đây xin ghi lại những nội dung chính mà các bạn đã đưa ra trong lúc cùng nhau thảo luận.
Trước hết, chúng ta nhắc lại một cách khát quát về một số cấp bậc ngoại giao của Toà Thánh, do chính Đức Tổng giới thiệu, đã được truyền thông đại chúng đề cập nhiều trong thời gian qua (x.Tổng hợp chuyến viếng thăm GH Việt Nam của ĐTGM Leopoldo Girelli, WHĐ ngày 3.05.2011):
* Sứ thần Tòa Thánh (Apostolic Nuncio): Về ngoại giao, Sứ Thần Tòa Thánh là vị đại diện Tòa Thánh xét như một quốc gia bên cạnh chính phủ nước sở tại (tương đương với đại sứ). Còn về mục vụ, ngài là vị đại diện Đức Giáo Hoàng bên cạnh Giáo hội Công giáo sở tại.
* Khâm sứ Tòa Thánh (Apostolic Delegate): Về ngoại giao, Khâm sứ Tòa Thánh không phải là đại diện Tòa Thánh bên cạnh chính phủ sở tại như các đại sứ vì chưa có quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai bên. Còn về mục vụ, ngài là vị đại diện Đức Giáo Hoàng bên cạnh Giáo hội Công giáo sở tại. Tuy nhiên, ngài được chính phủ sở tại nhìn nhận như một pháp nhân và từ đó có đủ tư cách và thuận lợi ra vào quốc gia đó để làm việc với Giáo hội Công giáo địa phương.
* Đại diện Tòa Thánh (Apostolic Representative): Về mặt ngoại giao và mục vụ, vị Đại diện Tòa Thánh cũng có vai trò tương tự như hai chức danh ở trên. Tuy nhiên, ngài chưa được nhìn nhận hoàn toàn như một pháp nhân và chưa được rộng quyền ra vào làm việc với Giáo hội Công giáo sở tại một cách hoàn toàn tự do. Vì thế, vị Đại diện Tòa Thánh (đặc biệt ở Việt Nam) cần thông báo cho phía sở tại về ngày giờ đến, nơi đến và công việc sẽ làm với Giáo hội Công giáo địa phương. Đây là một vai trò tạm thời để chuẩn bị cho vai trò Khâm sứ Tòa Thánh và Sứ thần Tòa Thánh.
Như vậy, Sứ Thần Toà Thánh là chức vị cao nhất của một vị đại diện Toà Thánh tại một quốc gia hay vùng lãnh thổ. Trong trường hợp cụ thể Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli:
1.Về chức vị:
Tuy Đức Tổng không phải là Sứ Thần Toà Thánh tại Việt Nam (trong lịch sử chưa từng có Toà Sứ Thần tại Việt Nam), nhưng ngài là Sứ Thần Toà Thánh tại Inđônêxia (từ 13/04/2006), tại Đông Timor (từ 10/10/2006), tại Singapore (từ 13/01/2011) và kiêm Sứ Thần Toà Thánh bên cạnh hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), cho nên theo chức vị cao nhất, ngài là một Sứ Thần Toà Thánh. Hơn nữa, ngài là Sứ Thần Toà Thánh tại Singapore, kiêm Đại Diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam - hay nói cách khác, về mặt mục vụ tôn giáo, Giáo Hội Việt Nam “trực thuộc” Toà Sứ Thần Singapore, nơi là trụ sở của Đức TGM Leopoldo Girelli.
Trong thư gởi Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn của Việt Nam ngày 13/01/2011 từ Toà Sứ Thần Singapore, Đức Tổng Girelli thông báo về việc ngài được bổ nhiệm làm Đại Diện Toà Thánh tại VN, cuối thư ngài ký tên: LEOPOLDO GIRELLI, Apostolic Nuncio (Sứ thần Toà Thánh) (x. nguyên văn bức thư bằng tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt trên trang web của Tổng GP Tp. HCM).
Chính vì thế, khi chào đón “Đức TGM Leopoldo Girelli, Sứ Thần Toà Thánh”, đó là chào đón ngài theo chức vị cao nhất của ngài.
2.Về nhiệm vụ:
Điều này mới quan trọng. Khi Đức Thánh Cha chỉ định một Đại Diện của Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam =Representative of the Holy See in Vietnam (theo Thông báo của Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ngày 26/06/2010), thì vị đại diện này có những nhiệm vụ gì? Ngài sẽ là một đại diện về ngoại giao [Sứ Thần Toà Thánh (Apostolic Nuncio)], hay chỉ có nhiệm vụ liên lạc giữa Toà Thánh và Giáo Hội Việt Nam mà thôi [Khâm sứ Tòa Thánh (Apostolic Delegate)]?
Nếu Đức Tổng Girelli đảm nhận cả hai nhiệm vụ: ngoại giao và mục vụ, thì xét trên bình diện hành sự, ngài đang thi hành trách vụ của một Sứ Thần Toà Thánh.
3.Tuy nhiên, trong Thông báo của Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh không nói chính phủ Việt Nam cũng sẽ cử một đại diện tương tự như Toà Thánh đã làm. Điều này cho phép chúng ta suy đoán rằng, đây có thể là một quyết định đơn phương của Toà Thánh với sự đồng ý của chính quyền Việt Nam , chứ không phải là một quyết định song phương. Nếu chỉ là một quyết định đơn phương từ phía Toà Thánh, thì vị Đại Diện TT (Đức Tổng Girelli) sẽ thiên về là một Khâm Sứ Tòa Thánh có nhiệm vụ phụ trách về quan hệ giữa Toà Thánh và Giáo Hội địa phương (Apostolic Delegate), chứ không hẳn là một Sứ Thần TT (Apostolic Nuncio) có nhiệm vụ ngoại giao.
Trong cuộc gặp gỡ với các Đức giám mục Việt Nam tại Trung tâm Mục vụ Sài Gòn, sáng thứ ba 26/04/2011, Đức TGM Đại diện Tòa Thánh giải thích rõ ràng về nhiệm vụ của ngài trên cơ sở các điều khoản 362-367 của bộ Giáo luật 1983. Với tư cách Đại diện không thường trú, ngài được Chính phủ Việt Nam nhìn nhận như Đặc sứ của Đức giáo hoàng đối với Giáo hội Việt Nam, nhưng không thực thi nhiệm vụ ngoại giao (vì tiến trình thiết lập bang giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam chưa hoàn tất) (x. WHĐ, 27.04.2011).
Nếu vậy thì ngài là vị Khâm Sứ Toà Thánh ("chưa có nhà"!), đến VN tiếp nối một hoạt động đã có từ trước và đã bị gián đoạn kể từ ngày 19/12/1975, ngày Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre rời khỏi Việt Nam . Thành ra thấy có nơi căng biển "chào mừng Đức Khâm Sứ Toà Thánh".
Tóm lại, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli là Sứ Thần Toà Thánh, hay Khâm Sứ Toà Thánh, hay Đại Diện Toà Thánh tại Việt Nam là tuỳ theo cách nhìn nhận chức vị và nhiệm vụ mà gọi khác nhau mà thôi. Dù sao, Đại Diện Toà Thánh chỉ là chức vụ tạm thời, chuẩn bị cho 2 chức vụ kia. Còn về mục vụ thì Đức Tổng đang thi hành sứ mạng Sứ Thần hay Khâm Sứ rồi!
Có lẽ thế mà Đức Tổng Leopoldo Girelli Đại Diện Đức Thánh Cha được gọi bằng nhiều chức danh khác nhau như vây.
(Kết thúc cuộc thảo luận của các bạn trẻ)
kontumquehuongtoi ghi lại ngày 10/09/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét