(TT&VH Cuối tuần, 30/04/2009) - Những “tác phẩm điêu khắc” của Ker Tik khiến chúng tôi ngạc nhiên bao nhiêu thì câu chuyện của “nghệ nhân Ker Tik” làm chúng tôi ngẩn ngơ bấy nhiêu. Thay vì một câu chuyện ly kỳ và nhiều chương về một nghệ nhân điêu khắc, chuyện của Ker Tik giản đơn đến mức nhiều người có thể thất vọng: thuở nhỏ cùng cha sang Lào bán nồi đất, lớn lên đi bộ đội, khi làng làm nhà gươl thì tự nhiên thích vẽ và chạm khắc, nhiều người xem thích, và một số bài báo bắt đầu tôn vinh Ker Tik thành “nghệ nhân”, thậm chí “lão nghệ nhân”, dù ông năm nay mới 63 tuổi và còn rất rắn rỏi!
“Sự nghiệp” điêu khắc của Ker Tik cũng giản dị lắm: ngoài các tác phẩm ở nhà gươl của làng mình, ông có làm tượng ở nhà gươl văn hóa theo lời mời của Trung tâm Văn hóa Dân gian Huế và nhà gươl văn hóa cho trung tâm huyện Tây Giang (như đã kể ở trên). Tôi chưa có cơ hội được xem tác phẩm của Ker Tik ở Huế, nhưng thú thật, ngắm những chạm khắc của Ker Tik ở nhà gươl trung tâm huyện Tây Giang, thay cho những kinh ngạc là thất vọng, thay cho hứng thú là sự vô cảm, thay cho hình ảnh một nghệ sĩ tài hoa là một người thợ vụng về!
Nếu không sống và hiểu người Tây Nguyên nói chung, cũng như dân tộc Cơ Tu của Ker Tik, sẽ không thể hiểu được nghịch lý ấy. Ngay cả nhà văn Nguyên Ngọc, được xem như một “người Tây Nguyên gốc Kinh”, mà cũng từng “hố” về chuyện này (ông đã kể lại trong bài viết Tượng gỗ rừng già, in trong tập Tản mạn nhớ và quên, NXB Văn nghệ - TP.HCM 2005). Một lần trở lại Tây Nguyên, trong một bữa rượu, vì quá mê bức tượng gỗ được một thanh niên Tây Nguyên tạc, ông ngỏ lời muốn đổi hoặc muốn mua về Hà Nội để làm kỷ niệm. Người thanh niên Tây Nguyên ấy đã phản ứng dữ dội trước lời đề nghị bị coi là “rất khiếm nhã” này, tới mức buổi rượu phải tan. Chính ông Núp (anh hùng Núp của Đất nước đứng lên) giúp nhà văn hiểu mình đã mắc sai lầm. “Ở Tây Nguyên không có người nghệ sĩ chuyên nghiệp. Người ta không làm nghề nghệ thuật. Nghệ thuật tuyệt đối không phải là một nghề. Nghệ thuật là đời sống, cách sống, thế thôi. Là hơi thở. Là không khí” - ông đã viết như thế về những “nghệ sĩ của rừng xanh”.
Với người Tây Nguyên, nghệ thuật là một thứ thuộc về tâm linh, không để bán. Thường thì trong những dịp thiêng liêng như dựng nhà rông của người Bana, nhà gươl của người Cơ Tu, người ta... làm nghệ thuật. Tượng nhà mồ, một trong những nghệ thuật điêu khắc được ngưỡng mộ của một số dân tộc Tây Nguyên, đều được tạo nên trong những cơn phấn khích tự nhiên của những nghệ sĩ dân gian bất kỳ trong làng. Nhiều nghệ sĩ trong số ấy chỉ tạo ra một tác phẩm duy nhất trong đời!
Trở lại với chuyện Ker Tik, dù nổi tiếng trong và ngoài tỉnh Quảng Nam như vậy (ngoài Huế, ông còn được mời về TP.HCM trình diễn một lần tại Lễ hội Văn hóa các Dân tộc Việt Nam) nhưng ông chỉ là “nghệ sĩ điêu khắc” duy nhất của làng K’Non 2. Các làng Cơ Tu khác ở Tây Giang, Đông Giang (cư trú dọc theo biên giới Việt - Lào) đều dựng những ngôi nhà gươl của mình nhưng người được phép dựng nhà gươl và trang trí cho nhà gươl của làng duy nhất phải là người của làng - đó là một luật lệ của người Cơ Tu.
Đối với người Cơ Tu, nhà gươl không đơn thuần là một ngôi nhà chung của làng, nó là trái tim, là linh hồn của làng, là một thế giới linh thiêng, tất cả các buôn làng người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có nhà gươl. Chị Phan Thị Xuân Bốn, giảng viên Văn hóa học, khoa Văn hóa du lịch, ĐH Quảng Nam, người đã sống 27 năm gắn bó với người Cơ Tu, cho chúng tôi hay, người Cơ Tu có thể làm nhà bằng gỗ tạp để ở, chấp nhận lợp nhà mái tôn (vì rừng tranh ngày càng hiếm), nhưng vẫn tập trung hàng trăm tấn gỗ để làm nhà gươl và có thể mất hàng năm trời vẫn phân công nhau kiếm đủ cỏ tranh về lợp mái nhà gươl. Đó là nơi hội đồng già làng họp bàn và phán quyết những vấn đề hệ trọng mang tính sống còn của cộng đồng, nơi tổ chức các lễ hội truyền thống của buôn làng như: Lễ ăn mừng lúa mới, Lễ ăn thề kết nghĩa anh em, Lễ ăn mừng được mùa... Đó là nơi dành cho những thanh niên Cơ Tu chưa vợ, những người đàn ông góa vợ hàng đêm đến ngủ. Ở đó già làng dạy họ cách săn bắn, làm rẫy và cả cách... tán gái. Đó là nơi cư ngụ của thần linh, tổ tiên và ông bà...
Sự linh thiêng của nhà gươl đối với người Cơ Tu cũng giống như nhà dài của người Ê Đê, nhà rông của người Ba Na, Xê Đăng, với nét độc đáo trong kiến trúc là cây cột cái ở giữa nhà luôn có hình khắc giống với hình trên cột đâm trâu được xem như biểu tượng trung tâm của làng (độ to, nhỏ của cột cái này cho biết uy quyền và sức mạnh của làng). Vách nhà gươl được điêu khắc, chạm trổ hình ảnh của các con vật gắn bó với người Cơ Tu như: trâu, tắc kè, trăng, kỳ đà, thằn lằn... và cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng... Nhà gươl được xem là “bảo tàng mỹ thuật” của người Cơ Tu... Và vì là linh hồn của làng, nên nhà gươl của làng này phải do đích thân người dân của làng ấy dựng nên. Ker Tik dù có nổi tiếng đến mấy cũng chỉ làm cho nhà gươl làng ông, và những làng Cơ Tu khác lại có những Ker Tik của họ.
Người Cơ Tu ở Quảng Nam có không ít những bàn tay tài hoa như Ker Tik. Đến Quảng Nam, chúng tôi được nghe kể về Bhiriu Pố, một “cao thủ cô đơn trên đỉnh A Dương”, nghệ nhân điêu khắc dân gian nổi tiếng ở xã Lăng, cũng thuộc Tây Giang. Có bằng đại học, đến khi thôn Arâh của Bhiriu Pố dựng nhà gươl thì ông mới “ra tay xuất thần” tới hàng trăm tác phẩm. Bên cạnh những hình ảnh sinh hoạt truyền thống và các con vật linh thiêng của người Cơ Tu như thuồng luồng, chim kơlang..., điêu khắc của Bhiriu Pố khá “hiện đại” với nhiều hình ảnh của đời sống miền xuôi, nơi ông đã từng có thời gian gắn bó (điều này khiến một số người Cơ Tu không thích điêu khắc của Bhiriu Pố vì nó không thuần Cơ Tu lắm). Cũng như Ker Tik, tác phẩm của Bhiriu Pố thuộc về làng, không triển lãm hay mua bán.
Cũng bởi điêu khắc nhà gươl của người Cơ Tu gắn với linh hồn của mỗi thôn, làng, nên người Cơ Tu tin rằng chính linh hồn của làng đã tạo nên linh hồn cho các tác phẩm điêu khắc. Ra khỏi làng K’Non 2 của mình, vẫn Ker Tik ấy, nhưng những nét vẽ và chạm khắc của ông trở nên vô hồn! Chừng nào làng Cơ Tu còn, nhà gươl Cơ Tu còn, tức là không hết những nghệ sĩ điêu khắc dân gian như Ker Tik, như Bhiriu Pố! Và sẽ là sai lầm nếu cố gắng “nhân bản” các điêu khắc của Ker Tik, của Bhiriu Pố như “nhân bản” các tác phẩm theo cách hiểu lâu nay của chúng ta về nghệ thuật chuyên nghiệp.
Phong trào khôi phục và bảo tồn nhà gươl ở huyện Tây Giang bắt đầu từ những năm cuối thập kỷ 1990, trước khi có chủ trương đúng đắn của tỉnh Quảng Nam khôi phục nhà làng truyền thống, được các già làng, trưởng thôn và bà con dân làng đồng tình ủng hộ. Việc khôi phục lại nhà gươl đồng nghĩa với việc khôi phục lại và tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Cơ Tu trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam . Đi dọc Trường Sơn những ngày cuối tháng Ba, nhìn bóng dáng những nhà gươl vươn cao giữa ráng chiều đầy kiêu hãnh, thấy thật ấm lòng, như có một ngọn lửa đang nhen trở lại giữa bếp tro tàn.
Tất nhiên, vẫn có nhiều chuyện rất buồn, tương tự như chuyện người ta đưa người nghệ sĩ của rừng xanh Ker Tik về xuôi làm tượng “thuê” và xem như đã “copy” được cái hồn của điêu khắc dân gian Cơ Tu... Như nhà gươl do người Kinh xây tặng đồng bào Cơ Tu ở huyện H.V, bằng bê tông, lai tạp. Như những nhà gươl biến thành hội trường, nơi đám đàn ông tụ tập để... nhậu thay vì để học hỏi.v.v. Những nhà gươl đang đánh mất sự linh thiêng, đang nhạt dần yếu tố cộng đồng trong các làng Cơ Tu, những tác phẩm tạo hình đầy tính bản địa, hoang dã của người Cơ Tu từ bao đời nay cũng theo đó mà mai một... Và số phận những nghệ sĩ của rừng xanh chưa thể kết thúc ở đây.
Phạm Thị Thu Thủy
Ảnh Trần Công Minh
Ảnh Trần Công Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét