- Có một số người xin lễ “cầu cho các linh hồn mồ côi” nhưng một số người khác lại cho rằng không có linh hồn nào mồ côi cả vì Giáo Hội luôn cầu nguyện cho họ.
- Tương tự, một số người xin lễ “cầu cho các thai nhi”, nhưng người khác lại cho rằng các thai nhi vô tội thì đương nhiên được vào thiên đàng rồi, cần gì phải xin lễ cầu nguyện cho các em đó nữa.
Cha nghĩ sao về hai điểm trên?
(Lớp 2 Thần học Học viện Mến Thánh Giá TPHCM).
Trả lời: ( Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn)
Đây là hai câu hỏi trong tháng các linh hồn đáng cho chúng ta quan tâm.
1. Về việc xin lễ cho các linh hồn mồ côi
1.1. Trước hết, có lẽ ta cần xác định từ ngữ “mồ côi” theo quan điểm bình dân và theo quan điểm thần học.
Mồ côi theo nghĩa thông thường: chỉ tình trạng bị chết cha hoặc mẹ, hay cả hai, khi còn nhỏ dại (Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, 2005, NXB Đà Nẵng).
Mồ côi theo nghĩa thiêng liêng: chỉ tình trạng bị chết cha mẹ hay người thân, không được ai nhớ đến để cầu nguyện cho.
1.2. Theo nghĩa thiêng liêng này thì không có linh hồn tín hữu nào mồ côi cả vì luôn có một sự hiệp thông của các thành phần trong Giáo Hội với tín hữu đã qua đời.
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy rằng: “Sự kết hợp giữa những người còn đi đường (Giáo Hội lữ hành trần thế) với các anh em đã an nghỉ trong bình an của Đức Kitô không hề bị gián đoạn, mà trái lại, theo đức tin trường tồn của Hội Thánh, sự hợp nhất đó còn được tăng cường bằng việc truyền thông cho nhau những lợi ích thiêng liêng” (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, NXB Tôn giáo, 2010, số 955, 954).
“Bởi biết rất chắc chắn rằng có sự hiệp thông như thế trong toàn Nhiệm Thể của Chúa Giêsu Kitô nên ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết sức thành kính nhớ đến những người đã qua đời và bởi vì ‘dâng hy lễ để đền tội cho những người đã chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi, là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện’ (2Mcb 12,45), nên Hội Thánh cũng dâng lời cầu cho họ (CĐ Vat.II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 50). Lời cầu nguyện của chúng ta cho họ không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu của họ cho chúng ta nên hữu hiệu” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 958).
1.3. Tuy nhiên, đối với những linh hồn không phải là tín hữu, chưa thuộc về Hội Thánh Công giáo, lại không có người thân nào cầu nguyện cho, họ thật sự là những linh hồn mồ côi.
Nếu chúng ta căn cứ vào lời định nghĩa Hội Thánh như là cộng đoàn của những người tin vào Đức Kitô (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 751-752) hay “Giáo Hội là nơi Thiên Chúa ở với con người” (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 60), chúng ta sẽ thấy còn rất nhiều linh hồn đã qua đời không phải là những tín hữu.
Số tín hữu theo Kitô giáo hiện nay chưa đạt được 30% dân số thế giới. Nhiều người vô thần và các tôn giáo đa thần không có chung niềm tin vào Đức Kitô như chúng ta. Vì thế, sau khi chết, họ thật sự là những linh hồn mồ côi cần chúng ta quan tâm để cầu nguyện dâng lễ cho họ. Để rồi nhờ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, họ được thanh luyện và hưởng hạnh phúc trọn vẹn với Chúa. Lời cầu nguyện của ta sẽ nối kết họ vào đại gia đình Thiên Chúa để cùng hiệp thông ân phúc cho nhau (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 959).
2. Về việc xin lễ cầu nguyện cho các thai nhi
Các thai nhi chết trong bụng mẹ vì nhiều nguyên nhân: có những thai nhi chết do bệnh tật, do sự vô tình không biết của người mẹ; có những thai nhi chết do cha mẹ cố tình phá thai, do những người thân yêu khác như họ hàng, bạn bè xúi giục; hoặc do định chế xã hội quy định khiến cho họ sợ bị mất tiền lương, bị hạ thấp điểm thi đua, bị mất quyền lợi trong tổ chức… chắc chắn khi chết như thế, các thai nhi hoàn toàn vô tội, được Chúa thương xót và cho hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa.
Tuy nhiên, đối với những thai nhi bị chết vì cha mẹ hay người thân cố tình phá thai, có lẽ ta có thể nhìn dưới khía cạnh nhân vị để thấy vẫn cần cầu nguyện xin lễ cho các em.
Nhiều bà mẹ hay người lớn đã nghĩ rằng thai nhi được vài ngày hay vài tuần tuổi, chưa mang hình đạng con người, thì chưa phải là con người. Nếu có phá thai cũng không phải là tội giết người, nên không ý thức về tội ác mình phạm.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dạy rằng: “Quyền được sống là quyền của đứa trẻ được lớn lên trong bụng mẹ ngay từ khi thụ thai cho tới khi chết một cách tự nhiên, cũng là điều kiện để có thể thi hành tất cả các quyền khác như quyền được hiểu biết sự thật, quyền sống trong gia đình hợp nhất, quyền lao động, quyền lập gia đình, quyền tự do tôn giáo… và đặc biệt coi mọi hình thức phá thai là tội ác và bất hợp pháp (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 155,233).
Ngay từ lúc thụ thai, khi trứng của người mẹ và tinh trùng của người cha tạo nên bào thai, bào thai ấy đã là một con người với tất cả phẩm giá của con người . Con người ấy là hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1,26-27; Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 34) với tinh thần mở ra với siêu việt, mở ra với Đấng Vô Biên là Thiên Chúa, với tha nhân và mọi thụ tạo khác (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 130).
Chính khả năng tinh thần này của thai nhi khiến chúng ta hiểu em có thể nhận biết rằng cha mẹ và những người khác đang muốn loại trừ em, tiêu diệt em và em bất lực trước hành động tàn ác của họ. Em đau buồn, sợ hãi và có thể oán hận họ. Nếu chúng ta ở vào trường hợp của em chắc ta cũng oán hận, căm ghét những kẻ giết hại mình như thế. Vì vậy, thai nhi có thể chết trong tâm trạng buồn tủi, oán hận. Điều này nói lên một phần nào tinh thần của em cũng cần được thanh tẩy để hoàn toàn thanh thản trong việc kết hợp với Chúa.
Trong kinh nghiệm cá nhân của tôi, tôi gặp những trường hợp các thai nhi đã nhập vào người mẹ hay người anh, người chị trong gia đình để nói lên niềm đau khổ và oán hận ấy. Sự kiện này không xảy ra cho mọi cuộc phá thai vì Chúa rất nhân từ và thương xót nên Ngài an ủi các thai nhi và ban thưởng cho sự chịu đựng của các em. Tuy nhiên, đây cũng là một vài dấu hiệu Chúa cho phép xảy ra để ta hiểu được một số linh hồn thai nhi cần gì.
Trong những trường hợp phá thai đó, ngoài việc xưng tội xin lỗi Chúa, tôi thường nhắc nhở các bà mẹ, các người có liên quan trong việc phá thai đó nên xin lỗi và hoà giải với thai nhi bị giết hại để tinh thần các em được an ủi, nhẹ nhàng, siêu thoát. Đồng thời cũng xin lễ cầu nguyện cho các em để nếu còn vướng mắc chút gì, các em được hoàn toàn trong sạch trước mặt Chúa.
Như thế, việc cầu nguyện, xin lễ cho các thai nhi không phải là vô ích trong đời sống hiệp thông của người Kitô hữu.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét