Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Thầy Phaolô Hiền (.?.-1946)



Ngày 22/06/1967, Đức Thánh Cha Phaolô VI ban Sắc chỉ Qui Dei Benignitate thiết lập giáo phận Ban Mê Thuột gồm 3 tỉnh: Đăklăk (Gp Kontum), Quảng Đức và Phước Long (Gp Đà Lạt). Giáo phận mới trải rộng trên diện tích 21.723 km2 với dân số 290.800 người, gồm: người Kinh, Thượng, Mường, Nùng, Thái. Đồng thời với Tông sắc "Qui omnium Catholicae", Đức Thánh Cha Phaolô VI đã bổ nhiệm linh mục Phêrô Nguyễn Huy Mai (Sinh 03/07/1913-Lm 29/06/1941-Gm 15/08/1967-Qđ 04/08/1990) làm giám mục tiên khởi giáo phận Ban Mê Thuột. Ngài được tấn phong giám mục ngày 15/8/1967, tại Sài Gòn; Tựu chức Gm BMT ngày 22/08/1967. Khi thành lập, giáo phận có 55 linh mục, 33 giáo xứ với 56.719 giáo dân.
Nhân dịp mừng kỷ niệm Kim Khánh thành lập giáo phận Ban Mê Thuột (22/06/1967- 22/06/2017), và cũng là dịp tạ ơn 80 năm thành lập Giáo xứ Ban Mê Thuột - Gx Thánh Tâm (Nhà thờ Chính tòa) BMT ngày nay (30/03/1937-30/03/2017), chúng tôi xin đóng góp một vài sưu tầm nho nhỏ cùng hiệp thông với niềm vui lớn của Gp BMT và Gx Thánh Tâm-nhà thờ Chính tòa BMT." 

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, cây, đám mây và ngoài trời
Nhà thờ Chính tòa BMT (Gx Thánh Tâm) 2017

_________________________________________________

THẦY PHAOLÔ HIỀN (.?.-1946)


                                        Thầy Phaolô Đỗ Hữu Hiền (.?.-1946)

1. Đôi nét về gia đình và ơn gọi truyền giáo.
THẦY HIỀN, tên đầy đủ là Phaolô Đỗ Hữu Hiền, sinh năm ? [1], nguyên quán thuộc giáo họ Hòa Mục, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Cha là ông Câu Tỏ (gọi theo tên con); mẹ không rõ tên.
Gia đình ở giáo họ Hòa Mục, Phù Cát, Bình Định, gồm 10 anh chị em:

Thứ 2: Đỗ Thị Tỏ (tức bà Câu Chân ở giáo họ Suối Nổ),
       3: Đỗ Thị Rạng (tức bà Ba Phú ở giáo họ Suối Nổ),
       4: Đỗ Thị Ngời (tức bà Bốn Hoan ở thị trấn Phù Mỹ)
       5: Không rõ tên
       6: Không rõ tên
       7: Không rõ tên
       8: Cha Micae Đỗ Thiên (Lm giáo phận Qui Nhơn). 
       9: Không rõ tên
      10: Đỗ Thiều (tức ông Câu Vang ở giáo họ Hòa Mục)
      Dư: Đỗ Hữu Hiền 
Thầy Hiền là em út, thứ dư, nên khi lên Kontum còn được gọi là ông Dư Hiền ở Kontum.
Sinh ra và lớn lên trong một họ đạo kỳ cựu và gia đình truyền thống đạo đức, cậu Phaolô Đỗ Hữu Hiền đã dâng mình cho Chúa trong Hội Thầy Giảng của Gp Qui Nhơn. Hội Thầy Giảng đã có từ lâu đời, do cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) lập từ năm 1630 ở Gp Đàng Ngoài...Gp Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) thời ĐC Cuénot Thể có Hội Thầy Giảng đào tạo các thầy đi giúp các cha sở trong việc truyền giáo. Các thầy phải giữ 3 lời khấn: "Suốt đời phụng sự Hội Thánh - Không bao giờ lấy vợ - Vâng lời Bề trên hoặc các Linh mục". Đến năm 1926, cha Sion Khâm (sau làm Gm Kontum) đã thay thế Hội Thầy Giảng bằng "Dòng Sư Huynh Thánh Giuse". Qua thời gian tu học trở thành Thầy giảng thực thụ, thầy Hiền nhiệt thành ra đi đem Tin Mừng đến cho mọi người.
Nối gót người anh thứ tám là cha Micae Thiên, thụ phong Lm năm 1895, tình nguyện lên truyền giáo Kontum vào năm 1910, phụ tá cha Guerlach Cảnh tại giáo xứ Tân Hương 1910-1912 và giúp mục vụ một số nơi khác như họ Phương Hòa 1912 [2]…thầy Hiền cũng nung nấu ước nguyện được phục vụ Chúa tại miền Cao Nguyên này.
Vào những năm 1918-1923, thừa sai Demeur (cố Ngự) đang phục vụ tại trung tâm Kontum (Tân Hương 1905-1908; về Đồng Phó một thời gian 1909-1913; rồi trở lại Trường Kuênot 1914-1918) đã theo lệnh Bề trên (cha Kemlin Văn) xuống lập một họ đạo mới ở Pleiku, do giai đoạn này có nhiều đợt người Việt di dân lên Cao Nguyên. Từ 1923-1928, cố Ngự xin Bề trên đi thành lập một họ đạo mới ở Mang Yang cách Pleiku độ 60 km về phía tây, rồi ngài đến An Khê cách đó 40 km về hướng tây nữa [3]. Thầy Hiền thời gian này có lẽ đã xin phép rời khỏi Hội Thầy Giảng để về lập gia đình, và đi theo giúp Cố Ngự tại Mang Yang, nơi điểm truyền giáo mới.  


Thầy Hiền vốn là người đạo đức, cần cù, làm việc gì cũng chu đáo nên đã giúp các cha xây dựng điểm truyền giáo Mang Yang-An Khê ngày một phát triển vững chắc, được các cha tin tưởng, thương mến.
Về gia đình riêng của thầy Hiền, chúng ta không rõ thầy đã lập gia đình vào năm nào? Vợ thầy là bà Nguyễn Thị Khanh (con ông Trùm Khanh ở giáo họ Gò Găng, huyện An Nhơn, Bình Định; bà Khanh là cháu kêu cha Khiêm, Gp Qui Nhơn, là chú ruột). Hai vợ chồng sinh được 2 đứa con là:
1-    Mátthêu Đỗ Duy Hiền (tức ông biện Hai ở giáo họ Phú Yên, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai).
2-    Maria Mađalêna Đỗ Thị Đức
Trong gia tộc hiện nay có ông Giuse Đỗ Duy Nhơn, sinh năm 1933, là con ruột của ông Đỗ Duy Hiền, gọi ông Thầy Hiền (Đỗ Hữu Hiền) bằng ông nội. Gia đình ông Đỗ Duy Nhơn (tức ông Câu Nhơn) hiện sinh sống tại Gx Châu Khê, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.
Còn bà Maria Mađalêna Đỗ Thị Đức (đã qua đời), ở Kontum, lấy chồng là ông Văn Ngọc Cúc, tức thầy Cúc Gx Tân Hương, một người tu xuất từ Chủng viện Thừa sai Kontum. Con cái ông bà thầy Cúc ở Tân Hương như gia đình ông Văn Ngọc Tổng (qđ) & bà Đáng (bà Đáng, 86 tuổi, là con dâu của bà Đỗ Thị Đức & ông thầy Cúc, hiện cư ngụ đường Kapakơlơng, Tp Kontum), bà Văn Thị Vẹn (hiện định cư Australia), bà Văn Thị Binh (hiện cư trú tại đường Nguyễn Trãi, Phường Thống Nhất, tỉnh Kontum, thuộc Gx Tân Hương)…

2. Thầy Hiền và việc thành lập Họ đạo Banmêthuột năm 1934.

Ngày 18/01/1932, Giáo phận Kontum được thành lập, gồm ba tỉnh: Kontum, Pleiku, Đăklăk và một phần lãnh thổ Attâpư thuộc Lào. Toà Thánh bổ nhiệm cha Bề trên Martial Jannnin Phước làm giám mục tiên khởi giáo phận Kontum, hiệu toà Gadara. Lễ phong chức Gm ngày 23/06/1933 tại nhà thờ chính tòa Kontum.
Ngày 29/01/1934, ngài đến kinh lý Ban Mê Thuột - Đăklăk lần đầu tiên (cùng đi với Đức Cha có cha Corompt Hiển, cha Crétin Xuân và cha Lê Đình Ban) và tìm khu đất để lập họ đạo với số giáo dân khoảng 50 người, trực thuộc địa sở Plei Pơo (La Sơn, Pleiku ngày nay), lúc đó do cha Phaolô Lê Đình Ban làm quản xứ.
Họ đạo Mang Yang thời đó cũng thuộc quyền coi sóc của cha sở Plei Pơo là cha Ban. Tuy về nhà lập gia đình, nhưng thầy Hiền vẫn còn giữ tinh thần Thầy giảng, nên khi cha Ban nhờ thầy vô Ban Mê Thuột, thay ngài, để giúp đỡ Họ mới, thầy sẵn sàng ngay. Thầy Hiền lên Kontum lãnh ý Đức Cha, nhận thơ giới thiệu và lên đường đi Ban Mê Thuột.

Thầy đến nhiệm sở ngày 11/05/1934. Thầy và bổn đạo Ban Mê Thuột cùng đồng tâm nhất trí cất Nhà nguyện Giáo họ. Nhưng công trình không thể bắt đầu vì đất đai chưa có giấy phép, do thông cáo của Tòa Khâm sứ Trung kỳ (Pháp) tại Huế, đình chỉ tất cả việc cấp đất thành phố cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, và phải đợi chỉ thị mới của Phủ Toàn quyền Đông Dương...!
Đức Cha Jannin lại đưa Thầy Hiền qua Ban Mê Thuột lần nữa để tiếp xúc với đồng bào Êđê, học tiếng và dạy đạo cho họ. Nhưng công việc lại bị cản trở vì thông cáo của Tòa Khâm sứ Trung kỳ cấm truyền đạo cho người Thượng trong tỉnh Đăklăk cho đến khi có chỉ thị mới!
Tuy có lệnh cấm cấp đất thành phố, nhưng bổn đạo Ban Mê Thuột cứ nôn nóng làm Nhà nguyện trên khu đất đã nhường cho Giáo phận Kontum, dù chưa có giấy tờ chính thức... Và ngày 15.8.1934, một Nhà nguyện mái tranh vách đất đã được dựng lên. Năm 1936, Thầy Hiền thay mặt Giáo phận Kontum hướng dẫn Bổn đạo dựng lại nhà thờ bằng gỗ sao. (Đến năm 1965, các Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn đã xây một Nhà nguyện mới trên nền Nhà nguyện tiên khởi này. Hiện nay nó thuộc phạm vi của Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh).
...Trải qua bao khó khăn, nhiều khi đau ốm do thủy thổ khắc nghiệt, thầy vẫn kiên định, vâng lời Đức Cha Kontum để duy trì và phát triển Họ đạo. 
Và đến ngày 30/03/1937, chính Đức Cha Jannin Phước đã đến chủ sự lễ bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn làm cha sở tiên khởi và nâng Họ Ban Mê Thuột thành Giáo xứ Ban Mê Thuột, thuộc Hạt Ban Mê Thuột, Gp Kontum.
Do lao tác cật lực trên cánh đồng truyền giáo BMT, thầy Hiền gần như kiệt sức và bị ốm rất nặng, phải xin tạm về dưỡng bệnh tại gia đình ở Mang Yang, đi chữa bệnh tại Bình Định...
Thầy Phaolô Đỗ Hữu Hiền qua đời vào năm 1946 [4].


Minh Sơn biên soạn
17/03/2017


Bà Văn Thị Binh, 83 tuổi, cháu gọi thầy Hiền bằng Ông ngoại, hiện cư ngụ tại 
đường Nguyễn Trãi, Tp Kontum. 
(Ảnh: LMSơn chụp và phỏng vấn ngày 15/02/2017)

 ______________________________________
[1] và [4] Theo Bà Văn Thị Binh, 83 tuổi: Mẹ của bà (tức bà Đỗ Thị Đức, con ruột của thầy Đỗ Hữu Hiền) mất năm 1996, lúc 96 tuổi; Ông Nguyễn Duy Hiền (cậu bà Binh) lớn hơn bà Đức 3 tuổi. Nên ta có thể suy đoán ông Nguyễn Duy Hiền sinh khoảng 1896. Không rõ thầy Hiền sinh năm nào!?
Bà Binh cũng cho hay ông ngoại bà là thầy Hiền mất vào năm 1946, trong chiến tranh Pháp-Nhật.
[2] x. Cha Micae Thiên, "Tiểu sử các Giám mục, Lm truyền giáo và phục vụ Gp Kontum đã qua đời", Lê Minh Sơn , Kontum 2015, tr. 196.
[3] Tiểu sử cha Jean-Pière Demeure, Văn khố MEP.

Tài liệu tham khảo:
-Dựa theo “Tập bản thảo Gia phả Ông Câu Tỏ, Hòa Mục, Phù Cát, Bình Định”, lưu hành nội bộ 01.01.2010, do Martinô Nguyễn Quang Phúc, tức Phùng soạn thảo tại Sài gòn.
-Tài liệu của ông Đamianô Lê Văn Triều, BMT, bản viết tay 31.12.1980. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét