Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

TRUYỆN CỔ TÂY NGUYÊN TRONG TƯƠNG QUAN TRUYỆN CỔ ĐÔNG NAM Á





TRUYỆN CỔ TÂY NGUYÊN TRONG TƯƠNG QUAN TRUYỆN CỔ ĐÔNG NAM Á
                                                                                            Lê Hồng Phong


1.Huyền thoại Tây Nguyên và những motif chung Đông Nam Á:
Trong huyền thoại Đông Nam Á rất phổ biến motif cây. Huyền thoại Mường có motif cây si sinh thành nhiều thứ, trong đó có motif cây sinh chim, chim sinh bầu. Người Việt có bọc trăm trứng trăm con; người Mường có bầu trăm trứng. Hai dân tộc đều có truyền thuyết chứa đựng chi tiết sinh ra nhiều người miền xuôi, người miền núi. Huyền thoại Mường có 3 trứng nở ra Lang Đá Cần, Lang Đá Cài, và nàng Vạ Hai Kịp. Tiếp đó là motif hôn nhân anh em ruột; Lang Đá Cái lấy Vạ Hai Kịp… Dịt Dàng tìm cây Chu, chặt cây.
Cùng motif cây lạicó những motif nhỏ. Huyền thoại Lào, Ê Đê, Chăm, K’Ho… cũng đều xuất hiện motif chặt cây thần – cây che mặt trời, che sự sống cộng đồng. Chặt cây, máu cây sinh thú, cây có máu như người, người như cây, như thú, máu như người, người như cây sinh thú, sinh người. Cây thuốc đá Keo reng của người Mường, cây thuốc tiên của Cuội (Việt - Mường), cây hồi sinh, gậy hồi sinh (Sơn Tinh), cây lúa có hạt lớn tự về nhà (Ê Đê, Việt…), cây sống lại, cây sinh người (Mạ, K’ Ho), cây bản mệnh của người (Ê Đê), cây vận mệnh dân tộc (Chăm), cây lúa từ phân chim (K’Ho), từ hạt bám kẽ chân mà người lấy được lúa thần (Indonesia), cây tre hoặc măng sinh ra người (Malaysia, Philippin)…
Ở Tây Nguyên cao 2000m cũng có huyền thoại lụt với sự phổ biến của motif lụt và motif bầu, có motif bầu - mẹ. Trong 307 dị bản do Đặng Nghiêm Vạn sưu tầm và công bố, các dân tộc Tây Nguyên rất ít motif bầu - mẹ so với type (kiểu) truyện quả bầu Lào mà Nguyễn Tấn Đắc đã khái quát. Ở truyện cổ Lào, Trời làm lụt, ba ông Khún đóng thuyền lên trời tránh lụt, trờI cho trâu, trâu chết, mọc dây bầu một quả (motif bầu, motif cái duy nhất), chọc thủng bầu, các bộ tộc Lào chui ra, chặt cây đa, giết đại bàng cứu sự sống cộng đồng. Theo huyền thoại Mạ, K’Ho (Nam Tây Nguyên) thì sau nạn lụt, anh chị em - cặp duy nhất sống sót cũng tương tự nhiều huyền thoại khác ở Đông Nam Á, mà cơ bản sinh ra ba dân tộc: Kon Prum (Chăm), Kon Chau (người Thượng) và Kon Yoan (Việt)… Tính chất chung của huyền thoại Lào và huyền thoại Tây Nguyên trước hết là ở lớp văn hoá muộn của nó; người Thượng phải tiếp xúc với Chăm, Việt thì mới bổ sung thêm lớp văn hoá mới vào huyền thoại của mình; cũng như sự thống nhất ba bộ tộc Lào Thưng, Lào Lùm, Lào Xủng trong một nước Lạn Xạng đã được biểu hiện vào trong huyền thoại tộc người của Lào… Do vậy, huyền thoại Đông Nam Á dù cổ xưa, cũng không hoàn toàn quá xa thời đại chúng ta sống.
Với huyền thoại Philippin, Sicalak và Sicabai là cặp đầu tiên được sinh từ măng tre, vẫn là motif cây sinh người trong tổng thể motif cây. Giã gạo, trời xa đất, lược thành trăng, lò lửa thành mặt trời. Ở huyền thoại nam Tây Nguyên: bầu trời từ lưng trâu, mặt trăng từ sừng trâu…; mặt trời, mặt trăng đều được rèn bởi N’ Đu. Mặt trời, lò lửa có nét gần nhau về màu đỏ, sức nóng, khả năng đốt cháy; tục giữ lửa, thờ lửa cũng gắn với thờ mặt trời, cả hai đều cần cho sự sống. Người có phép kêu mưa, gọi gió, giữ gương thiêng, được tôn xưng và tin tưởng như một thủ lĩnh tín ngưỡng (Pơtao Ea, Pơtao Pui) mà chúng ta quen dịch thoát là vua !
Mặt trời trong huyền thoại Philippin buồn, đòi lấy vợ, con gái thủ lĩnh tự nguyện lấy thần để ánh sáng mạnh lên cho cộng đồng sinh sống. Người Tây Nguyên cũng quan niệm về mặt trời với tính chất nhân hoá như vậy. Đó là một thế giới khác vừa như người vừa hùng mạnh hơn người, thế giới mặt trời gồm nhiều “người - mặt trời” có già, trẻ, gái, trai, có thủ lĩnh là mơtao, pơtao mặt trời. Mô hình tổ chức cộng đồng người chi phối xã hội thần linh. Trình độ tư duy nguyên thuỷ chi phối cách hình dung về thế giới thần, quan hệ thần - thần, thần – ma, thần và ma với người…
Có núi lửa ở Philippin là do người vi phạm điều cấm (tự tiện leo núi, dám nhìn núi vàng núi bạc). Người R’măm Tây Nguyên cho rằng đất sụp (núi lửa tiền sử Tây Nguyên) là do ăn thịt heo thiêng ! Người Mạ và K’Ho cho rằng người ta có thể đuổi ma ra khỏi người – ma, để người – ma thành người thường, trong khi đó, ai ăn con heo – ma sẽ thành người – ma.
Huyền thoại Miến có nhiều mặt trời thiêu huỷ thế giới:  biển dâng tận trờI (motif lụt). Ba anh em: Sun - Mặt trời - Mặt trăng ghét nhau, Sun đuổi theo hai anh đòi lại thuốc bất tử, che lấp nhau thành nhật thực, nguyệt thực… Người nam Tây Nguyên quan niệm trăng, trời tìm nhau, che lấp nhau… thành nhật thực, nguyệt thực.
Người Miến quan niệm có bốn vị thần đầu tiên xuống trần, nặn bốn cặp đầu tiên bằng đất, hong lửa thần, thành bốn chủng trắng, đỏ, tối, đen. Người Tây Nguyên cũng được nặn ra bằng đất màu, sống trong hang rồi chui lên trên…(Ê Đê, M’nông, K’ho, Mạ…) Loại người thứ nhất chết trong hồng thuỷ, các tộc người hiện nay là loài người thứ hai. Tổ tiên người Miến đến từ cõi trời Dan với các bama bất tử, Tây Nguyên theo tín ngưỡng đa thần (các Yang, Yàng). Dan – Yan – Yang, Yàng là các từ cùng gốc? Điều này phải cậy nhờ các nhà ngôn ngữ học lịch sử.
Motif thỏ cung trăng có trong huyền thoại San và Miến của Mianma: thỏ bạc ngồi nhà thuỷ tinh 15 cửa, mỗi đêm mở 1 cửa, 15 ngày mở 15 cửa, tiếp tục đóng lần lượt mỗi đêm thêm 1 cửa thì được một tháng. Ở huyền thoại Trung Quốc có Hậu Nghệ, Hằng Nga và cây trường sinh trên cung trăng; huyền thoại Mường có cây đa và chú Cuội, còn huyền thoại Tây Nguyên chưa thấy thỏ và cây bất tử. Thở có rất nhiều trong truyện cổ tích Tây Nguyên nhưng tính chất ngụ ý pha tính chất hài.
Người Indonesia quan niệm trời đất ban đầu là một khối do ánh sáng, bọt biển, hơi nước (văn hoá biển), nhưng là nhất thể, hỗn độn, bãng lãng, bời lời như huyền thoại Hy Lạp, Việt, Mường… Trời sinh nhiều con, con của trời khóc nhớ thành sương, con của trờI giận thành bão… Người Mạ, K’Ho cho rằng tổ tiên - thần linh ban đầu hoá thân sáng tạo: Kblop thành cá, KB’ la thành muối, K’los thành sắt…
II.Cổ tích Tây Nguyên và những motif chung Đông Nam Á:
Các motif cổ trong huyền thoại vẫn duy trì theo những cách khác nhau trong cổ tích. Đó là các motif cây trong đó có phổ biến là motif cây si, đa, bầu; motif chim; motif thần xuất hiện để thử thách, giúp đỡ con người; motif mới như mồ côi, mang lốt, biến hoá, kết hôn, motif dũng sĩ diệt ác thú cứu người đẹp qua type truyện Thạch Sanh, motif con chung con riêng qua type truyện Tấm Cám rất phổ biến ở Đông Nam Á.
Kiểu (type) truyện Thạch Sanh thuộc loại phổ biến nhất Đông Nam Á, đã được Nguyễn Bích Hà nghiên cứu thành công trình riêng, có kế tục Hoa Bằng, Cao Huy Đỉnh, Hoàng Tiến Tựu…Kiểu truyện này có nhiều motif chung: motif dũng sĩ; motif cây đa; tín ngưỡng và tục tế thần tự nhiên bằng người sống; motif diệt ác thần (chằn tinh, đại bàng, mãng xà) cứu người; motif cô gái câm, motif tiếng đàn (tiếng hát) đuổi thú, đuổi thù cứu cộng đồng; motif kết hôn, lên ngôi… Người Việt có thêm niêu cơm thần – khát vọng no đủ của cư dân lúa nước, trong motif tha thức chung của Đông Nam Á, người Việt để Thạch Sanh tha thứ mẹ con Lý Thông, nhưng trên đường về lại bị sét đánh, hoá thân thành bọ hung.
Kiểu truyện mồi coi với quan hệ chị em khác mẹ cũng phổ biến ở khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, người Việt và các dân tộc phía Bắc khá gần nhau ở mâu thuẫn chị em cùng cha và mâu thuẫn dì ghẻ - con chống; người Chăm lại mâu thuẫn con đẻ - con nuôi; người Mạ cũng có motif chị em con cô con cậu, chưa đặt vấn đề dì ghẻ đúng như trình độ phát triển của một xã hội cuối mẫu hệ (Ít và Dong)…
Cùng type (kiểu, truyện nhưng các dân tộc ở Đông Nam Á cũng có những điểm khác biệt nhất định: mẹ Chăn Tha (Lào) hoá thân thành rùa vàng, thành bồ đề - biểu tưởng Phật giáo; Tấm (Việt - Việt Nam) biến hoá nhiều kiếp, có Phật xuất hiện nhưng với danh xưng Bụt đậm nét dân gian; truyện cổ Mạ thì nhân vật không hoá thành xoan, thị… mà thành chim, trúc, măng, dưa leo, quýt…Không gian cư trú canh tác, tín ngưỡng và quan hệ với tự nhiên chi phối chi tiết cây trong motif cây và nhiều motif khác.
Sự tha thứ là motif chung của cổ tích Tây Nguyên cũng như hầu hết cổ tích Đông Nam Á; trong khi đó, Tấm của người Việt lại trừng phạt em và dì ghẻ, nhưng không phải là vấn đề bàn ở đây. Xét về các motif chung, các nội dung tín ngưỡng, phong tục, quan hệ thiện – ác… trong truyện, cả sự kết thúc truyện, lại thấy truyện cổ Tây Nguyên, cổ tích Chăm gần gũi Đông Nam Á hơn.
Sự phổ biến của nhân vật mồ côi trong cổ tích giúp chúng ta xem xét lại một số quan điểm chung về sự ra đời và phát triển của thể loại cổ tích, về nội dung đấu tranh giai cấp của truyện mồ côi nói riêng cổ tích nói chung. Yếu tố thần kỳ cũng rất đậm đặc trong cổ tích nhiều nước, khiến chúng ta không thể lấy thần kỳ làm tiêu chí phân loại cổ tích được. Các tín ngưỡng nguyên thuỷ bản địa, các phong tục, các lễ hội, các lĩnh vực văn hoá vật chất và tinh thần được phản ánh trong cổ tích làm cho cổ tích Đông Nam Á hàm chứa những giá trị văn hoá rất phong phú.

III. Truyện hài - ngụ ngôn Tây Nguyên so vớI Đông Nam Á

Ở Tây Nguyên rất phổ biến type truyện mà các nhân vật là động vật như thỏ, rùa, khỉ, cọp, voi… mà người kể chuyện gọi trân trọng là ông thỏ (pàng pài), ông cọp (pàng klìu)… Về cơ bản, truyện không chú trọng đến đời sống hay tập tính loài vật, mà thông qua các động vật và quan hệ vật - vật để ngụ ý một vài đặc điểm của con người và quan hệ người - người theo hướng ngụ ngôn.
So sánh với truyện cổ Đông Nam Á thì chất ngụ ngôn ở đây chưa cao, chưa súc tích, chưa cô đọng. Dung lượng truyện rất lớn, hành động nhân vật lặp đi lặp lại theo các motif bắt chước, motif mẹo lừa, motif khôn - dại. Đồng thời với yếu tố ngụ ngôn là sự kết hợp với yếu tố hài. Chúng tôi cho rằng, với Tây Nguyên, truyện hài và truyện ngụ ngôn chưa phát triển thành hai thể loại độc lập mà đang trong quá trình vận động, đang ở giai đoạn tiền thể loại: tiền - truyện hài và tiền - ngụ ngôn. Trong khi đó, truyện ngụ ngôn ở một số dân tộc Đông Nam Á đã phát triển với tư cách một thể loại ngắn, tính ngụ ý cao, tính chất hài vẫn còn nhưng dù sao cũng đã có một thể loại truyện cười riêng.
Trong truyện cổ Thái Lan, có truyện về loài chim mà kết cấu tương tự truyện về thỏ, và truyện về rùa của Tây Nguyên. Độ kết dính giữa các tiểu truyện cũng còn khá lỏng lẻo mà khi thay đổi trật tự một số tiểu truyện, giá trị toàn hệ thống cơ bản được giữ nguyên. Tuy nhiên, từng tiểu truyện về loại chim có thể được kể độc lập với tính chất ngụ ngôn của nó; còn từng tiểu truyện về rùa hay về thỏ ở Tây Nguyên thì tính chất hài trội hơn bài học ngụ ngôn.
Với người Việt (Việt Nam), người Khmer (Việt Nam và Campuchia), và người Lào (Việt Nam và Lào) đều có chung một tiểu loại truyện trạng (Trạng Quỳnh, Xiêng Miệng, Thơ Mênh Chây…). Truyện trạng Đông Nam Á có sự tương đồng về kết cấu hệ thống, tính chất liên hoàn xâu chuỗi thông qua nhân vật chính; có một số motif chung mà chưa biết nước nào mượn của nước nào: Thuốc ngon cơm, gà trống không biết đẻ, Nhờ phận cung nữ… trong Xiêng Miệng rất gần gũi với Món ăn mầm đá, Sao sáng xứ thanh, Rau cải tiến chúa trong Trạng Quỳnh; cả Lào và Campuchia đều chung nhau các motif: Tôi không dám nhặt; Tôi nhặt tất cả… Và trong truyện trạng của ba dân tộc, chủ thể của ba quốc gia này đều có những chuyện lỡm sứ Tàu, vua Tàu… Tuy nhiên, về phương diện nào đó, truyện về thỏ hay truyện về rùa của Tây Nguyên vẫn có nét chung về tính chất đồ sộ, kết cấu lỏng lẻo, về tính chất liên hoàn, tính chất hài như truyện trạng (Trạng Quỳnh, Xiêng Miệng, Thơ Mênh Chây, Cuội…) ở Đông Nam Á. Phải chăng truyệng Trạng có tiền thân từ truyện thỏ, rùa? Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu thêm để sáng tỏ tiến trình phát triển các thể loại truyện cổ Đông Nam Á.
IV.Nguyên nhân sự tương đồng của truyện cổ Tây Nguyên và Đông Nam Á.
1.Các dân tộc có cùng gốc tộc người hoặc cùng vùng cư trú ngày xưa khiến kho tàng truyện cổ của họ có thể có nhiều nét chung.
Nhiều nhà nghiên cứu đã nổ lực dựng lại hệ thống huyền thoạI Việt - Mường cổ (Phan Ngọc – Phan Đăng Nhật). Tuyển tập huyền thoại Đông Nam Á mà chúng tôi đang khảo sát cũng coi Đẻ đất đẻ nước là huyền thoại Việt Mường … là theo quan điểm Việt và Mường cùng gốc. Một bộ phận người Nguồn từ Quảng Bình vào cư trú ở Lâm Đồng, năm 1999, đoàn sưu tầm của chúng tôi đã ghi được hàng chục đơn vị hát Đúm của họ về tình yêu mà không cần phiên dịch, bởi cư dân này nói bằng thứ tiếng Việt - Mường cổ, gần phương ngữ Nghệ Tĩnh ngày nay. Phải chăng, trong quá khứ, Nguồn cũng từ Việt - Mường mà ra? Các bộ phận Thái bao gồm Thái (Trung Quốc), Thái (Việt Nam), Thái (Thái Lan)… có lẽ cũng vậy; rất tiếc chúng tôi chưa đủ tư liệu để so sánh truyện cổ của các cộng đồng này.
2.Các dân tộc di cư, xen cư, giao lưu văn hoá có thể dẫn tớI sự tương đồng về thể loại, kiểu truyện, tác phẩm hay motif
Trong kho tàng truyện cổ Lào đã tồn tại các truyện: Nàng Xip xoỏng (Mười hai cô gái), Khăm pha (Mồ côi), Khăm pha – nàng Ngà (Mồ côi và nàng Ngà), Bò mi pho (Không có cha)… Những truyện này đã được sưu tầm, in ấn. Tháng 1 – 2000, Đoàn sưu tầm văn học dân gian tại Bản Đôn cũng thâu lượm được dị bản của các truyện này tại vùng cư trú của người Lào (và các cư dân nói tiếng Lào) có quốc tịch Việt Nam. Tính chất giao lưu văn hoá trong cộng đồng dân tộc Bản Đôn là có thật, nhưng trước đó, sự chuyển cư của người Lào từ Lào qua Việt Nam đã khiến cho trong tổng thể truyện cổ Tây Nguyên hay truyện cổ Việt Nam có bộ phận truyện cổ Lào với những nét tương đồng nhất định với truyện cổ Lào tại Lào, và có lẽ tại cả một số nước khác trong vùng Đông Nam Á.
3.Các dân tộc và truyện cổ của họ cùng chịu ảnh hưởng một nguồn văn hoá chung nào đó theo những đường thẳng và vòng khác nhau cũng là một trong những nguyên nhân của sự tương đồng văn hoá và văn học.
Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn và các tôn giáo Ấn. Chính thế mà truyện cổ Thái Lan lại xuất hiện nhiều nhân vật tu sĩ, đạo sĩ theo cả hai hướng thiện và ác. Trong đó còn thấy nhân vật Cò thông thái Ấn Độ, cu gáy Ấn Độ, thần điểu Garuda, Garuda diệt rắn Naga… Truyện cổ Chăm và văn hoá Chăm có Po Naga – Mẹ xứ sở, Ôn Gru (một chức sắc tôn giáo)… Truyện cổ Tây Nguyên và văn hoá Tây Nguyên có Nak Grài - thần rắn sáng tạo ra sông; suối; Po Grù (thầy tu, thầy giáo, người săn được 30 con voi trở lên…)…Ấn Độ có tuyển tập ngụ ngôn Panchatantra nổi tiếng, và các dân tộc Đông Nam Á cũng vay mượn theo mức độ khác nhau để có Munlatantai và Nangtantai (Lào), Tantri (Indonesia), Nangtantai (Thái Lan)…
Như vậy, tôn giáo Ấn và văn hoá Ấn có thể sang các nước ở Đông Nam Á trực tiếp; trong khi cũng tôn giáo ấy và văn hoá ấy lại lên Tây Nguyên của Việt Nam gián tiếp qua con đường văn hoá Chăm, Lào… Xét bề mặt, văn hoá một dân tộc có thể đến một dân tộc khác bằng con đường tôn giáo; nhưng suy cho cùng là văn hoá một dân tộc có thể đến một dân tộc khác qua văn hoá nếu nghĩ rằng khởi thuỷ mọi tôn giáo đều ra đời trên cơ sở văn hoá nguyên thuỷ, và nếu công nhận tôn giáo cũng là một trong những lĩnh vực văn hoá đặc thù trong tổng thể văn hoá. Nhiều cư dân Tây Nguyên theo Tin Lành và Công giáo, khiến cho huyền thoại tộc người của họ ít nhiều có xáo trộn bởi một số chi tiết ngoại lai, thì ông Phật lại có mặt trong truyện cổ Lào Bản Đôn (Việt Nam), và ông ấy cũng được dân gian hoá thành Bụt trong cổ tích người Việt…
4.Sự giống nhau ngẫu nhiên giữa các dân tộc cùng trình độ. Cùng kéo dài một cách bất thường tư duy nguyên thuỷ, tín ngưỡng nguyên thuỷ, tổ chứ xã hội nguyên thuỷ mạt kỳ… cùng phải đặt ra những câu hỏi, những vấn đề cần giải quyết tương tự như nhau cũng có thể làm xuất hiện những nét tương đồng ngẫu nhiên trong truyện cổ, trong văn hoá giữa các dân tộc cho dù không cùng nguồn gốc, không giao lưu. Nói ngẫu nhiên vì chưa giao lưu, không chung nguồn gốc, không chịu ảnh hưởng cùng một nguồn, nhưng xét trong tiến trình phát triển con người, phát triển văn hoá nhân loại thì những vấn đề chung cần giải quyết như nhau trong thời điểm lịch sử khác nhau của từng dân tộc lại là tất nhiên, là mang tính quy luật.
V.Tiểu kết:
1.Sự tương đồng trong khu vực văn hoá Đông Nam Á là có thật, cơ tầng văn hoá chung dẫu có chịu tác động bởi các nền văn minh lớn, nhưng vẫn có cái nền gốc chắp thêm cành lá mới. Những giá trị truyền thống là không thể phủ nhận, cần phát huy; nhưng cũng có những nhược điểm cần khắc phục của khu vực: văn hoá viết chưa đột phá để vượt lên hiện đại hoá; dựa vào nền tảng văn hoá dân gian để phát triển là đúng nhưng không được nệ cổ; tích cũ của dân tộc, của khu vực, của văn hoá Ấn chi phối văn học nghệ thuật truyền thống, chi phối lối kết công thức chưa làm thoả mãn thị hiếu công chúng hiện đại.
2.Từ tảng nền văn hoá chung, các dân tộc Đông Nam Á có triển vọng hội nhập, cùng phát triển, kể cả giao lưu nghiên cứu và phát triển nghiên cứu trong sự phát triển toàn diện và thịnh vượng chung của khu vực văn hoá.
3.Các dân tộc còn có nhiều cái độc đáo làm nên bản sắc từng dân tộc để không hoà tan, để vừa nhận, vừa cho, tạo sự hài hoà khu vực và nhân loại. Do phải đi tìm cái chung mang tính khu vực. Do phải đi tìm cái chung mang tính khu vực, nên bài viết tạm gác lại cái riêng để tìm hiểu nét tương đồng là chính. Cần tiếp tục so sánh văn hoá, văn học hai dân tộc hoặc hai quốc gia trong Đông Nam Á để khẳng định cái chung và cái độc đáo của từng dân tộc, từng quốc gia Đông Nam Á.

TAY NGUYEN’S FOLK TALENTS AND IT’S RELATIONS TO SOUTHEAST ASIAN FOLK TALES

LE HONG PHONG

The article first explores legends of Tay Nguyen and the Southeast Asia through major motifs: tree, flood, foetus, etc.
Common motif of folk tales of Tay Nguyen (Central Highlands of Vietnam) and the Southeast Asia are also presented, from motifs originating from legends to new motifs: tree, foetus, knights, mute girl, singing instrument, sisters, marriage, ascending the throne, etc.
The article also introduces a set of inter – genre tales: Tay Nguyên’s humour – fable and its relations to fable, humorous stories, truyen trang (folk of first laureates of doctorate) of Vietnam and the Southeast Asia.
The similarities in the folk tales of the ethnic group as well as the multi – ethnic countries can be explained by the common ancestry origins, cultural exchanges, the same cultural influence or by coincidence.
The article mainly focuses on the similarity between folk tales of various ethnic groups rather than the characteristics of each culture and literature. The latter issue shoud be explored in more details to highlight the unity in diversity in the cultures of the region.

TÀI LIỆU THAM KHẢO.
1.       Giải mã truyện cổ Lào theo phương pháp tiếp cận văn hoá học (Phạm Đức Dương), t/c Văn học, H., số 1/ 1998, tr 51 – 58.
2.       Hợp tuyển văn học Lào (Tuyết Phượng và … biên soạn, dịch), Nxb, VH, H., 1981.
3.       Huyền thoại về nạn hồng thuỷ và nguồn gốc tộc người (Đặng Nghiêm Vạn), Nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, t1, Nxb VHDT, H., 1997, tr 803 – 863.
4.       Huyền thoại Mạ - K’Ho (Lê Phong), Một số vấn đề văn học Việt Nam, Nxb. Văn học, H., tr 15 – 36.
5.       Panchatantra (Huỳnh Ngọc Trảng… dịch), Nxb. Trẻ, Tp. HCM, 1987.
6.       Thạch Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong cổ tích Việt Nam và Đông Nam Á (Bích Hà), Nxb. GD, H, 1998.
7.       Thần thoại Đông Nam Á (Trương Sĩ Hùng biên soạn), Hội Văn Nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng, 1988.
8.       Truyện cổ Thái Lan (Ngô Văn Doanh… tuyển soạn), Nxb. Trẻ, Tp. HCM 1990.
9.       Truyện cổ tích Mạ - K’Ho qua tư liệu điền dã ở Lâm Đồng (Lê Phong), giữ gìn và phát huy tài sản văn hoá các dân tộc ở Đông Nam Bộ, Nxb. KHXH, H., 1998, tr 270 – 296.
10.   Truyện trạng Đông Nam Á (Trương Sĩ Hùng biên soạn), Sở VHTT Gia Lai – Kontum, 1987.
11.   Văn học Ấn Độ, Lào, Campuchia (Lưu Đức Trung…), Nxb. GD, H., 1989.
12.   Vặn học các nước Đông Nam Á, Viện Đông Nam Á xuất bản, H., 1983.
13.   Về phương pháp so sánh trong nghiên cứu văn hoá dân gian (Chu Xuân Diên), Tập san Khoa học, ĐHTH Tp. HCM, số 1/ 1994, tr 45 – 55.
14.   Về các nền văn học dân tộc ở Đông Nam Á (Nguyễn Tấn Đắc), Tạp chí VH, H., số 8/1995, tr 2 – 4.
Nguồn: www.hcmussh.edu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét