Tin mới :
SA MẠC TÔNG ĐỒ ĐỘI TRƯỞNG CHỦ ĐỀ: “THẮP SÁNG TÌNH YÊU GIA ĐÌNH”
_____________________________________________
ĐÔI NÉT LỊCH SỬ GIÁO XỨ TÂN ĐIỀN
(Giáo Phận Kontum)
“Có những hạt lúa rơi vào đất tốt,
nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm,
hạt được sáu chục, hạt được ba chục.”
Mt 13, 8.
Nhà thờ Tân Điền
I. BỐI CẢNH
LỊCH SỬ MỘT VÙNG ĐẤT
Từ xa xưa, Tây Nguyên là vùng đệm, một thời là nơi giao tranh giữa các
bộ tộc. Do địa hình và chủng tộc, người Lào đã có quan hệ lâu đời và sâu với
các dân tộc ở Tây Nguyên: Bản Đôn ở Đăk Lăk, Mường Hon ở cụm núi Ngok Linh…đến
ngày nay còn mang nhiều dấu vết của Lào.
Vùng đất Tân Điền thuộc xã Đoàn Kết nằm ở phía tây nam của thành phố
Kontum, từ xa xưa đã có quan hệ khá mật thiết với người Lào. Cánh đồng Hà-Ghẹt[1],
cánh đồng lớn nhất của tỉnh Kontum, nằm cách thành phố Kontum 5 km thuộc thôn 5
xã Đoàn Kết, hiện nay vẫn còn vết tích những “ụ gò mối” được cho là “mồ mả xưa”
mà người dân nơi đây gọi là “Mả Lào” ; hoặc trong lúc cày ruộng người dân đã
phát hiện nhiều hiện vật như “ghè Lào”, “ché Lào”, những “xâu hạt cườm” vốn là
đồ trang sức của cư dân Lào xưa.v.v. ; hay trong các buôn làng người dân tộc
trong vùng trước đây từng lưu giữ nhiều bộ chiêng Lào…
Đây có thể là một làng người Lào đến định cư đã lâu đời trong vùng bình
nguyên rộng lớn này, cũng có thể là vết tích của những người Lào chạy dạt vào
đây do hệ quả của các cuộc chiến tranh bộ lạc ngày xưa…[2]
Tập quán lâu đời của người Lào là canh tác lúa nước. Có thể họ cũng đã từng
khai phá lợi thế của vùng đất trũng này để làm ruộng.
Cánh đồng Hà-Ghẹt, thôn 5, xã Đoàn Kết được
gắn với truyền thuyết là “Ruộng Lào” nơi vị Tù Trưởng –
cha nàng Brai cai quản xưa kia.
Về sau, khi cư dân đến khai phá và sinh sống nơi vùng đất này, họ thường
gọi nơi đây là “Ruộng Lào”.
II. THỜI KỲ
SƠ KHAI
Khi các cơ
sở công giáo đầu tiên đã được cha Do và các vị thừa sai thiết lập trên Miền
Kontum, những tín hữu người Kinh từ miền xuôi theo chân các ngài lên Kontum làm
ăn sinh sống đã đến cư ngụ tại làng Gò Mít (Tân Hương ngày nay). Những cư dân
này đã khám phá ra vùng đất Ruộng Lào, lúc bấy giờ chỉ là một đồng cỏ hoang
dại. Mùa nắng, ngoài những vùng trũng sình lầy cỏ xanh quanh năm, còn lại
thì cỏ khô héo, đất nứt nẻ. Nhưng về mùa mưa nước ngập trắng đồng, chim
cá sinh sôi phát triển nhiều vô kể. Điều kiện thiên nhiên ưu đãi rất dồi dào,
cùng với sự thích hợp cho việc canh tác lúa nước nên một số người đã cùng nhau
đến đây khai khẩn và lập chòi cư ngụ.
Năm 1871, linh mục Phêrô Nguyên ở trung tâm Rơhai (Gò
Mít-Tân Hương) đã qua bên kia sông Dak Bla lập làng Dak Kiă gần con suối Dak Kiă
giáp ranh với Tân Điền ngày nay. Trong vài năm, làng Dak Kiă trở nên hưng thịnh
nhờ những cánh đồng tươi tốt màu mỡ, dễ canh tác. Cha Nguyên đã làm nhà thờ cao
ráo rộng rãi, nhà xứ và lán trại…Đến năm 1877, cha Nguyên theo lệnh Bề trên
phải trở về phụ trách trung tâm Rơhai, nên dần dần làng Dak Kiă tan rã[3].
Nhưng một số người vẫn trụ lại, cộng với số dân mới đến định cư đã lập nên làng Phương Hòa (1892). Dân làng
Phương Hòa đã đi vào sâu trong hướng phía tây để khai khẩn đất đai làm ruộng nước:
“Làng Phương Hòa bên kia sông Bla gần Kontum bây giờ nhơn số hơn
300. Làng này xưa vốn là người Tân Hương theo cha Cận (P. Nicolas) qua lập đó
cho dễ làm ruộng, vì bên trong có chỗ gọi là ruộng rộng và tốt dễ phá ruộng. Đến
sau người ta đến thêm lần lần, và sau nầy chắc còn đông hơn”.[4]
Năm 1903, họ đạo Phương Hòa được thành lập trực thuộc trung
tâm Rơhai (Tân Hương), do cha Nicolas Cận (MEP) coi sóc[5].
Cha Nicolas đã đưa thêm giáo dân sang vùng này, cộng với số di dân từ Quảng Nam ,
Quảng Ngãi, Bình Định lên lập nghiệp, nên số giáo dân trong vùng ngày một tăng
thêm.
Để thuận tiện cho công việc đồng áng, một số giáo dân vào canh
tác tại Ruộng Lào đã dựng chòi ở lại. Những Kitô hữu này thường qui tụ đọc kinh
tối với nhau, nên đã cùng nhau dựng nên một nhà nguyện nhỏ bằng tranh nứa, trên
một vị trí cao ráo, bao quát, chính giữa các trang trại. Vị trí nhà nguyện đầu
tiên này nằm trong khu vực trường Trung học Cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, thuộc thôn 5, xã
Đoàn Kết hiện nay[6].
Năm 1921, họ đạo Phương Hòa được nâng lên thành giáo xứ với
cha sở tiên khởi là cha Phêrô Irigoyen (Hương)[7],
Ruộng Lào lúc
bấy giờ đã được công nhận là một xóm đạo trực thuộc giáo xứ Phương Hòa. Số giáo
dân lúc ấy khoảng độ dăm ba chục người.
III. THÀNH LẬP HỌ ĐẠO RUỘNG LÀO 1933
Cha Phêrô Irigoyen (Hương)
Năm 1933 đã ghi dấu mốc quan trọng đối với cộng đoàn
tín hữu Ruộng Lào: Họ đạo Ruộng Lào được thành lập, thuộc địa sở Phương Hòa, do
cha Irigoyen (Hương) phụ trách[8]. Lúc
này Họ Ruộng Lào đã có Ban chức việc hoàn chỉnh với ông Câu họ và quí ông Biện.
Quí chức việc thời kỳ đầu có ông Câu Trần Tính (tức ông câu Hai), về sau có ông
Câu Phạm Nhơn (còn gọi Câu Thuận hay câu Câu Đàn).v.v.
Ngày 21/04/1935, cha Irigoyen qua đời sau 14 năm phục vụ địa sở. Đức
Giám mục đã bổ nhiệm cha Phêrô Trần Ngọc Thích tiếp nối coi sóc địa sở Phương
Hòa, bao gồm họ Ruộng Lào, Plei Hơnor, Plei Rơhai,
Plei Groi và Kon Hara Kơtu. Tổng số tín hữu người Kinh cả Phương Hòa và Ruộng
Lào vào năm 1936 là 517 người[9].
IV. THỜI KỲ
PHÁT TRIỂN
Thập niên 1940 trở đi là thời kỳ phát triển cả về tôn giáo
lẫn hành chính.
Từ năm 1942 đến 1949, họ Ruộng Lào lúc bấy giờ đã có
thêm khoảng 20 giáo dân trưởng thành của 5 gia đình từ làng Phụng Sơn về gia
nhập[10],
cùng với số người công giáo từ miền đồng bằng lên lập nghiệp nên số lượng tín
hữu trong họ đạo đã tăng lên. Năm 1948, số giáo
dân họ Ruộng Lào là 174 người[11].
Họ đạo có thêm cha Micae Hiâu (Hóa) đến phụ tá (1946-1949). Do nhu cầu tôn
giáo, cha Phêrô Thích đã cho phá dỡ nhà nguyện
cũ, di dời về vị trí bây giờ và dựng lên một nhà thờ mới lát ván rầm, rộng 8
mét, dài 15 mét. Đồng thời ngài cũng dựng lên một nhà xứ (quen gọi là nhà vuông).
Ngôi nhà thờ mới này được thánh hiến vào năm 1950, chọn Thánh Cả Giuse làm tước
hiệu của Nhà thờ, cũng là thánh bổn mạng của họ đạo, lễ mừng vào ngày 19/03
hằng năm.
Về hành
chính, dân chúng đã làm nhà cư ngụ rộng khắp các khu vực trong làng Tân Điền,
trải dài từ cánh đồng Hà-Ghẹt vào đến tận Dốc Xã Cảnh (đường vào xã Ia Chim). Đầu
thập niên 1950, ấp Tân Điền được thành
lập, thuộc xã Phương Hòa. Họ Ruộng Lào từ đây cũng được gọi là họ Tân Điền,
theo tên gọi hành chính của ấp Tân Điền thời đó.
Về tên gọi
Tân Điền, theo ông Nguyễn Hữu Phú, trong tập “Tân Hương, làng Việt đầu tiên trên xứ Thượng” có ghi như sau:
“Sau Tân Hương, nhiều
làng xã người Kinh được thành lập. Trừ các làng Trung Lương, Lương Khế, Võ Lâm
được khai sinh theo đà phát triển của tỉnh, hầu hết
các làng xã khác đều do số dân được các Cha đưa lên lúc đầu làm nòng cốt.
Riêng các xã ấp: Tân Thành, Tân Điền
(1954), Tân Cảnh (1956), Tân Phú (1958) đã được thành hình do chính người dân
Tân Hương đứng đầu hoặc làm nòng cốt, cho nên lấy chữ “Tân” đứng đầu, để nhớ đến
làng Mẹ là Tân Hương.”[12]
(x. Nguyễn Hữu Phú, “Tân Hương,
làng Việt đầu tiên trên xứ Thượng”, bản đánh máy chữ tháng 10.1974.)
Cũng trong năm
1950, Đức Giám mục đã bổ nhiệm cha Antôn Nguyễn Đình Nghĩa đến phụ trách họ đạo
Ruộng Lào[13].
Như vậy, cùng với việc khánh thành ngôi nhà thờ mới, chọn thánh bổn mạng mới là
Thánh Cả Giuse (bổn mạng cũ theo địa sở Phương Hòa là Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội)
và có linh mục riêng biệt phụ trách, họ đạo Tân Điền trên thực tế đã trở thành
một Chuẩn Giáo xứ[14].
Cha Antôn Nguyễn Đình Nghĩa
Mọi việc đang trên đà tiến
triển thì ngày 05/09/1960, Cha Già Phêrô Dương Ngọc Đáng đã ra đi trong sự tiếc
thương của cộng đoàn tín hữu của ngài.
Từ thời gian
này, họ đạo Tân Điền lại bước sang một khúc quanh mới, trong nỗ lực vươn lên
sống và làm chứng Tin Mừng Chúa Kitô, hướng đến tương lai.
V. HƯỚNG ĐẾN
TƯƠNG LAI
Sau khi cha
sở Phêrô Dương Dương Ngọc Đáng qua đời, họ đạo Tân Điền không có cha sở phụ
trách riêng, nên trở lại thuộc quyền quản trị của cha sở Phương Hòa.
+Giai đoạn 1960-1967,
họ đạo được Cha Gioakim Chế Nguyên Khoa coi sóc.
+Từ
1967-1969, cha Gioakim Nguyễn Thúc Nên phụ trách. Cha Gioakim Nguyễn Thúc Nên đã
tiến hành xây dựng ngôi nhà thờ Tân Điền thứ 2, thừa kế nét gỗ của nhà thờ cũ
do cha Phêrô Dương Ngọc Đáng dựng trước kia, và bản vẽ do Gioakim Chế Nguyên
Khoa để lại. Kết cấu khung sườn nhà thờ bằng gỗ, mái đóng rui, mè và lợp ngói vảy.
Ngôi nhà thờ được làm theo kiểu hình thánh giá, có hai cánh hai bên. Công trình
chưa hoàn thành thì cha Gioakim Nguyễn Thúc Nên được thuyên chuyền đi nơi khác.
+Cha Giuse
Trần Trí Tuệ đến phụ trách giáo xứ từ năm 1969-1983. Vừa nhận nhiệm sở, cha
cùng với giáo dân tiếp tục hoàn thiện ngôi nhà thờ đang còn dang dở. Cha Giuse
cho đóng bàn thờ mới, chuộc một tượng Thánh
Giuse đặt trên máng thượng trước tiền đường nhà thờ và đặt mua một chiếc chuông
đồng từ Sài Gòn về để sử dụng cho đến ngày nay. Và cũng từ đó, lệ kéo chuông
báo tử trong họ đạo được thực hiện và duy trì cho đến bây giờ. Ngôi nhà thờ đã
được Đức Cha Phaolô Seitz (Kim) làm phép thánh hiến vào năm 1970. Ngoài ra, cha
còn dựng một cây Thánh Giá bằng gỗ cà-chít rục (chết khô) cổ thụ, đường kính
hơn 1m, cao khoảng 25 mét trong khuôn viên nhà thờ. Vào những ngày lễ lớn cha
cho treo cờ Tòa Thánh trên đỉnh, cả một vùng đều nhìn thấy rõ, trông rất uy nghi.
Những năm
sau 1975 là những năm cực kỳ gian khó. Linh mục bị hạn chế đi lại. Mặc dù cha
Giuse Trần Trí Tuệ tìm mọi cách để chăm sóc đoàn chiên Tân Điền, nhưng do hoàn
cảnh, cộng đoàn tín hữu vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhiều “tông
đồ giáo dân” đã không quản ngại khó khăn gian khổ cộng tác với chủ chăn trong
công việc mục vụ giai đoạn này. Để ngôi nhà thờ được tồn tại, một số giáo dân
nhiệt thành đã duy trì việc đọc kinh tối thường xuyên ở nhà thờ và luôn giữ
vững nề nếp phụng vụ trong giáo xứ.
+Năm 1983,
Cha Simon Phan Văn Bình được bổ nhiệm chính xứ Phương Hòa kiêm Tân Điền
(1983-1997). Sau nhiều năm thiếu bóng linh mục vì luôn bị chính quyền cản trở, ngôi
Thánh Đường cũng đã xuống cấp trầm trọng. Cha Simon và quý chức việc phải đóng
cọc lõi kè nền móng và giăng giữ các vách khỏi bị đổ sập. Sau khi vườn tiêu
không thành, Cha Simon đã tái tạo lại khuôn viên nhà thờ bằng một màu xanh hoa
viên.
+Giai đoạn
1997-2010, cha Giuse Đỗ Hiệu được bổ nhiệm về thay cha Simon Phan Văn Bình. Cha
sở Giuse Đỗ Hiệu đã quan tâm lo lắng cả về đời sống tinh thần lẫn cơ sở vật
chất cho giáo xứ. Cầu nguyện và đời sống nội tâm được cha chú trọng đặc
biệt. Vừa nhận nhiệm sở, cha đã bãi bỏ ngay thói quen tổ chức ăn uống tốn
kém nơi nhà tang vốn đã thành lệ trói buộc giáo hữu xưa nay. Cha tổ chức tĩnh
tâm cho các giới, cổ võ tôn kính Lòng Chúa Thương Xót…Vào ngày 24/07/1998, cha
đã tiến hành khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới (nhà thờ thứ 3 hiện nay). Sau
8 tháng thi công, ngày 19/03/1999, giáo xứ Tân Điền đã hân hoan đón chào ĐGM
Giáo phận Phêrô Trần Thanh Chung cùng với 24 Linh mục về đồng tế thánh hiến
ngôi nhà thờ mới. Cha Giuse cũng đã xây dựng Nhà xứ, 2 dãy nhà giáo lý
và một nhà kho, khởi công ngày 12/01/2009, khánh thành ngày 08/11/2009.
Sau 13 năm tận tụy phục vụ
giáo xứ, đến ngày 28/11/2010, cha Giuse Đỗ Hiệu được thuyên chuyển đến giáo xứ
Tân Hương. Nguyện vọng của vị chủ chăn và cộng đoàn dân Chúa là một thời gian
không xa, chuẩn giáo xứ Tân Điền sẽ được nâng lên thành giáo xứ thực thụ, có
cha xứ và có tên giáo xứ trong sổ bạ của Giáo Phận.
+Cha Luy
Nguyễn Quang Vinh được bổ nhiệm về địa sở Phương Hòa, tiếp tục coi sóc giáo xứ
Tân Điền (từ 28/11/2010 đến nay 2013).
Cha Luy đã kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức
sẵn có của giáo xứ. Cha đã khéo léo kết
hợp giữa giáo dục đạo đức và nâng cao trình độ tri thức cho giáo dân. Mọi hoạt
động đang trong chiều hướng phát triển tốt đẹp…
Cha Luy Nguyễn Quang Vinh
Đức Cha Micae - Thánh lễ ban phép Thêm Sức
VI. VÀI NÉT VỀ GIÁO XỨ TÂN
ĐIỀN HIỆN NAY 2013
Ranh giới giáo xứ Tân Điền hiện nay gói gọn trong xã Đoàn Kết, thuộc
Thành phố Kontum, có trục Tỉnh lộ 671 chạy qua xã Đoàn Kết và xã Ia Chim và các
đường giao thông liên thôn, tiếp giáp với 01 phường và 05 xã: phía đông giáp
phường Nguyễn Trãi (giáo xứ Phương Hòa), phía nam giáp xã Hòa Bình (giáo xứ
Trung Nghĩa), phía tây giáp xã Ia Chim và xã Đăk Năng (giáo xứ Plei Jơdrâp…),
phía bắc giáp xã Ngọc Bay và Vinh Quang (bên này sông). Xã đoàn Kết là một xã
thuần nông, người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp chiếm tỷ lệ 98%, còn lại một
số hộ buôn bán nhỏ lẻ, hàng năm số người từ địa phương khác đến tạm trú làm ăn
theo thời vụ rất đông. Hiện nay giáo xứ
Tân Điền có 5 Xóm giáo thuộc các thôn 5, 6 và 7 của xã Đoàn Kết[1] và
Xóm giáo Stêphanô thuộc Ia Chim:
-Xóm giáo Mân Côi (thôn 5)
-Xóm giáo La Vang (thôn 5)
-Xóm giáo Fatima (thôn 6)
-Xóm giáo Lộ Đức (thôn 7)
-Xóm giáo Stêphanô (Ia Chim)
Tổng số giáo dân khoảng 2.100 người.
Ngoài ra còn có làng dân tộc Plei H’nor[2] (hướng
gần Ia Chim) thời gian trước đây cũng về nhà thờ Tân Điền để được chăm sóc mục
vụ.
Quí chức việc qua các thời kỳ có các vị như:
Ông câu Trần
Tính (Câu Hai), thời kỳ đầu ;
Ông câu Phạm
Nhơn (câu Thuận hay câu Đàn) làm việc rất lâu, mãi đến thời cha Gioakim Nguyễn
Thúc Nên ;
Các ông biện
như biện Thiên, biện Bảo, biện Tuệ…
Hiện nay là
các ông câu Nguyễn Chánh ; quý ông biện Ngô
Đình Quyền, Nguyễn Văn Nhanh, Phạm Trung Kỳ.v.v.
Năm 2013, Giáo xứ Tân Điền kỷ niệm 80 năm thành lập họ đạo (Ruộng Lào
1933-2013), 63 năm Chuẩn giáo xứ Tân Điền (1950-2013). Trải qua bao thăng trầm, cộng đoàn
giáo xứ vẫn giữ vững đức tin, sống chứng tá Tin Mừng và làm triển nở hạt giống Lời Chúa trên mảnh đất thấm đượm mồ
hôi nước mắt của bao thế hệ tín hữu. Nếu như thuở sơ khai chỉ với vài ba giáo
dân đến khai khẩn lập chòi nơi vùng đất Ruộng Lào xưa kia, trải qua 80 năm hành
trình đức tin can trường và sống động, giáo xứ Tân Điền ngày nay đã vượt qua
con số 2000 tín hữu, xấp xỉ số tín hữu của giáo xứ Phương Hòa kề cận. Đó thật sự
là một hồng ân cao quí Chúa đã ban cho giáo xứ! Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Cả
Giuse, cộng đoàn giáo xứ tin tưởng Thiên Chúa sẽ ân ban một mùa gặt dồi dào
trên “cánh đồng ruộng mới”-giáo xứ Tân Điền, ngay hôm nay và trong suốt hành
trình tương lai.
Phêrô Minh Sơn
Lễ
Thánh Têrêxa HĐGS, 1.10.2013
CHÚ THÍCH:
[1]
Cũng có khi viết là Hà-Gặt. Tuy nhiên theo những bản đồ điền thổ thời Pháp thuộc
về vùng đất này còn lưu giữ tại các gia đình ở Tân Điền, đều ghi là Hà-Ghẹt.
Ngoài ra trong vùng Tân Điền-Ia Chim còn có các địa danh như Hà Dul, Hà Giay, Hà
Măt, Ba Voi.v.v.
[2] Sự tích “Ruộng Lào” còn được gắn với truyền thuyết về một câu chuyện tình được nhiều thế hệ người dân nơi đây biết đến: Câu chuyện tình đẹp và buồn giữa nàng Brai con của tộc trưởng Lào và chàng trai J’Lưng dân tộc Bahnar sống ở thượng nguồn sông Dak Bla…Sau khi nàng Brai không thuyết phục được chàng J’Lưng, nàng quay trở về và từ đó bị ốm và chết trong sự buồn bã nhớ nhung…
(x. “Như lạc vào chốn xưa”, Tường Lam, www.kontum.gov.vn).
[3] x. Cha Ban và Cha Thiệt, Kể sự cha Nguyên lập làng Dak Kiă, “Mở Đạo Kontum”, Nhà in Qui Nhơn 1933 tr.189-190.
[4] x. Cha Ban và Cha Thiệt, sđd tr.234.
[5] x. Echos de la Mission, Địa phận Kontum, số tháng 2-3-4/1948, tr.5.
[6] Theo lời kể của các vị bô lão tại Tân Điền 8/2013 (x. Vài nét về giáo xứ Tân Điển, Philip Phương, gx Tân Điền 2013).
[7] x. Echos de la Mission, Địa phận Kontum, số tháng 2-3-4/1948, tr.5.
[8] x. Echos de la Mission, Địa phận Kontum, số tháng 2-3-4/1948, tr.5.
[9] x. La Mission des Pays Mois en 1937.
[10] Làng Phụng Sơn do cha Simon Nguyễn Diện lập năm 1924 ở vùng gần Ia Ly, gốc cũng bởi người Tân Hương và Phương Hòa. Tuy nhiên làng không phát triển, và một số đã quay lại gia nhập vào các làng khác.
[11] x. Echos năm 1949, tr.6.
[12] Tên gọi “Tân Cảnh” do Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung đặt ra phiên âm theo tên làng dân tộc Dak Tơkan. Tuy nhiên về cư dân người Kinh ở Tân Cảnh thời kỳ đầu vẫn do nòng cốt là dân Tân Hương đến lập nghiệp.
[13] Cha Antôn Nguyễn Đình Nghĩa đang dạy học tại TCV Thừa sai Kontum đã đến giúp mục vụ từ cuối năm 1949 (x. Tiểu sử cha Antôn N.Đ. Nghĩa)
[14] Theo Giáo luật Điều 516, Triệt 1: “Trừ khi luật đã dự liệu cách khác, chuẩn giáo xứ được đồng hóa với giáo xứ ; chuẩn giáo xứ là một cộng đoàn Kitô hữu nhất định trong giáo hội địa phương được ủy thác cho một tư tế như là chủ chăn riêng của chuẩn giáo xứ ấy, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt chưa được thiết lập thành giáo xứ.” (x. Bộ Giáo luật 1983, HĐGMVN, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2007).
[15] Xã Đoàn Kết trước đây có tất cả 7 thôn (từ 1 đến 7). Từ khi chia tách Phường Nguyễn Trãi, xã Đoàn kết chỉ còn lại các thôn 5, 6 và 7 (các thôn 1, 2, 3, 4 thuộc Phường Nguyễn Trãi).
[16] Làng Plei H’nor nguyên ngày xưa ở cạnh con suối H’nor, đầu làng Phương Hòa (vị trí sân banh cũ). Làng H’nor tòng giáo năm 1900 và trực thuộc TT Rơhai, đến năm 1921 thuộc địa sở Phương Hòa (x. Echos tháng 2-3-4/1948, tr.5). Khoảng trước năm 1975, Plei H’nor đã di dời vào xã Đoàn Kết vị trí hiện nay (gần Ia Chim).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét