Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

THÔNG BÁO VỀ KẾT QUẢ CUỘC THI GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2013




THÔNG BÁO VỀ KẾT QUẢ CUỘC THI 
GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2013

(BẢN TIN 11 - GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2013)
 

Gửi đến độc giả bốn phương bản kết quả cuộc thi Giải Viết Văn Đường Trường 2013, tôi xin được chia sẻ để quý vị rõ hơn về mục đích cuộc thi.

Đầu tháng Bảy vừa qua, tôi có dịp về thăm Cha Hoành Sơn Hoàng Sĩ Quý tại nhà hưu dưỡng Dòng Tên, Thủ Đức. Nói chuyện văn chương, ngài bảo ngày xưa nhiều người thích làm thơ. Chỉ nguyên trong lớp ngài ở bậc trung học, với dăm chục học sinh, đã có đến ba thi đàn, tức ba nhóm làm thơ. Mùa hè 1965, vừa xong lớp đệ tam (lớp 10 ngày nay), chẳng phải thi cử gì cả, tôi nhập cuộc vào nhóm bút của một số bạn trẻ Công giáo ở Tuy Hòa, và được quen biết hai nhóm bút khác, cùng giao lưu, chuyền cho nhau những tập nội san chép tay nắn nót, trong đó có cả những bài bút chiến rất nghiêm túc về chuyện văn chương… Năm 1967, tôi nhập học Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt thì thấy nơi các lớp đàn anh đã có ít là bốn nhóm dịch thuật.

Bốn mươi năm sau thì khác hẳn, tìm cho ra người cầm bút rất khó. Được giao phụ trách mục vụ văn hóa giáo hạt Bình Định của giáo phận Qui Nhơn, tôi đi tìm vài anh em thích văn thơ cùng làm việc cho vui, tìm mãi mới được gần 5 người. Ở hạt Phú Yên ít hơn và ở hạt Quảng Ngãi còn ít hơn nữa.

Đã đến thời kỹ thuật số, viết lách làm gì! Cổ võ chuyện văn thơ lúc này quả là lỗi thời, lạc điệu! Tuy nhiên nếu chẳng còn mấy ai đọc sách thì vẫn còn đông đảo những người mê cải lương, thoại kịch, phim truyện và cả phim hoạt hình. Như thế thì vẫn phải tìm kiếm và đào tạo những người thích văn thơ, có khả năng viết kịch bản cho những thứ ấy để góp phần loan báo Tin mừng.

Do đó, cùng lúc tôi thực hiện hai cuộc vận động.

Cuộc vận động thứ nhất dành cho các bạn trẻ đang lứa tuổi học giáo lý phổ thông tại Giáo phận Qui Nhơn, với giải sáng tác văn thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn (1865-1874) được tổ chức hằng năm.

Cuộc vận động thứ hai không biên giới, dành cho người lớn và sinh viên Công giáo Việt Nam khắp nơi. Lúc đầu là các cuộc thi Sen Giữa Lầy, Nhánh Huệ Nước Trời, tiếp đến là bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo. Sau thơ, đến văn: Giải viết văn đường trường kéo dài tới năm 2018. 2018 là kỷ niệm 400 năm Tin mừng đến với Qui Nhơn tại giáo điểm Nước Mặn, cho nên đó là một cột mốc cho anh em ở Qui Nhơn rủ nhau cùng nỗ lực.

Đã cao niên mà mỗi năm còn ôm cả hai cuộc thi văn thơ cũng là một cách để đấu tranh chống lại bệnh tật và giành lại sức làm việc.

Sau bốn năm, tôi nghiệm ra rằng trên cánh đồng bỏ hoang khô cháy này nếu có người chăm sóc thì cây cỏ rồi cũng sẽ mọc lên. Với những cuộc thi văn thơ cho học sinh giáo lý Giáo phận Qui Nhơn bốn năm qua, đã có 157 em đạt giải, một số em đạt giải bốn năm liền. Năm nay, 106 trong các em ấy đã tham gia ba ngày hội trại hành hương tập huấn. Hơn 20 em đã xong bậc phổ thông, đang theo Đại học hoặc Cao đẳng. Dù mới là bước đầu, đã thấy lóe lên hy vọng. Các em quen biết nhau và cùng động viên nhau viết văn thơ, chia sẻ niềm xác tín phát huy tài năng để loan báo Tin mừng. Một số em đã mạnh dạn tham gia Giải Viết Văn Đường Trường và ba em đã đạt được giải triển vọng: Thân Thị Hồng Kiều, Ngô Gia Hy và Trịnh Thị Huyền Trân. Đó là một dấu hiệu đầy an ủi (Xem http://gpquinhon.org/qn/news/dang-duc-tuan/).

Em Maria Trịnh Thị Huyền Trân không có tên trong các danh sách đạt giải của Giải Đặng Đức Tuấn bốn năm qua nhưng lại là một thành quả bất ngờ của giải này. Cuối tháng Tư 2013, một vị Trưởng ban Văn hóa Giáo xứ khi nộp bài các em dự cuộc thi 2013, đã đưa cho tôi hai truyện ngắn của Huyền Trân, viết trên giấy thi 2011. Em đã góp bài nơi ông nhưng ông quên nộp cho Ban Tổ chức. Nay thì em đã lên bậc Đại học, không còn quyền dự thi Giải Đặng Đức Tuấn nữa. Thấy cả hai câu chuyện đều rất hay, tôi gọi điện cho Huyền Trân, đề nghị em gửi dự thi Giải Viết Văn Đường Trường năm nay; và cả hai truyện ngắn em viết khi học lớp 11 ấy đều đạt điểm của giải triển vọng.

Cuộc thi Giải Viết Văn Đường Trường 2013 có 24 tác giả dự thi hợp lệ, trong đó 5 tác giả đạt giải chính thức và 10 tác giả đạt giải triển vọng. Cả con số lẫn phẩm chất các tác phẩm còn khiêm tốn, tuy nhiên đã là một khích lệ lớn cho người tổ chức. Có những tác giả tuổi còn rất trẻ. 4 trong 5 tác giả đạt giải chính thức đã có những chùm truyện, hy vọng sẽ có thể ấn hành tuyển tập riêng trong một ngày không xa. Như thế, kéo dài tới 2018, kỷ niệm 150 năm sinh nhật Linh mục Phêrô Lục (1868-1927), tác giả truyện Hai Chị Em Lưu Lạc (Imprimerie de Quinhon 1927), chắc hẳn các cuộc thi này sẽ đóng góp được cho văn học Công giáo Việt Nam một điều gì đó.

Xin chân thành cám ơn quý vị giám khảo, các ông Trần Như Luận (Hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Định), Nguyễn Thanh Xuân (Hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Định), Lê Hồng Bảo (Chủ nhiệm chuyên san Vườn Ôliu, Mạng Lưới Dũng Lạc), Nguyễn Một (Hội Nhà Văn Việt Nam), nữ Tiến sĩ Glassey-Trầnguyễn Trangđài (Tác giả thơ và văn tại Hoa Kỳ) và Lm Minh Anh (Tác giả và dịch giả thuộc Tổng Giáo phận Huế).

Theo chương trình, lễ trao giải sẽ được thực hiện trong dịp cử hành ngày Năm Đức Tin của giới cầm bút tại Nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn, chiều 21-9-2013. Ngày 22-9-2013, kỷ niệm 101 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, sẽ có cuộc dã ngoại viếng mộ nhà thơ và họp mặt trao đổi về văn thơ Công giáo tại Qui Hòa, nơi nhà thơ đã sống những tuần lễ cuối đời.

Để cổ vũ việc sáng tác truyện ngắn và kịch bản Công giáo, tất cả 24 tác giả dự thi hợp lệ của năm 2013 (dù không có tác phẩm đạt giải) đều được mời tham dự sinh hoạt trên đây. Chúng tôi sẽ có thư mời gửi đến từng tác giả.

Một lần nữa xin chân thành cảm ơn các trang truyền thông Công giáo và những người đã ủng hộ cuộc thi, các tác giả, quý vị giám khảo và quý độc giả đã quan tâm đến cuộc thi. Trên hết, xin cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời.

Quy Nhơn, dọn mừng lễ Mẹ Lên Trời, 14-8-2013

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ
Tòa Giám Mục Qui Nhơn
116 Trần Hưng Đạo, Tp Qui Nhơn
ĐTDĐ: 0935-424-449; gopnhattho@yahoo.com

KẾT QUẢ GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG LẦN I - 2013
 
GiảiTác giảBút danhGiáo phậnNăm sinhTác phẩmMã số bài
IDương Duy TânTrăng LàngNha Trang1988Một niềm tin13-011
Điều kỳ diệu13-028
Gieo hạt13-010
IIĐinh Thị Thu HằngSài Gòn1979Chuông chiều13-020
IIPhêrô Nguyễn Hoàng HảiNguyễn Hoàng HảiNha Trang1989Một lần vấp ngã13-042
Người con cả13-005
Không hối tiếc13-004
IIIPhanxico Xavie Trần Văn QuảngFX Trần Cao MạiDòng Chúa Cứu Thế1980Gieo mầm sự sống13-025
Cây hoàng phi điệp13-003
IIIMarie Paul Trần Thị Kiều ThuSơn Thù DuDòng Mân Côi1979Mạch nước ngầm13-015
Phút 90-113-051
TVAnna Trần Thị SứCần Thơ1974Chị13-041
TVMaria Nguyễn Thị HuyềnBùi Chu1979Trở về13-050
TVAntôn Trần Văn DũngTrần DũngVinh1986Cocktail đen13-047
TVTrần Thị Huyền VânMaria Khánh VânVinh1976Đường tu13-049
TVGiuse Phạm Đình DuyNhạn ĐìnhNha Trang1982Khi Chúa thương13-027
TVMaria Trịnh Thị Huyền TrânQui Nhơn1994Màu hồng cuộc sống13-044
Nắng lửa tháng Năm13-043
TVMicae Trần văn Hiểnhienboy94Vinh1994Nỗi đau của Chúa13-006
TVMaria Thân Thị Hồng KiềuDollyQui Nhơn1993Trong lòng bàn tay13-019
TVNguyễn Thị Minh ThúyTippiHuế1989Khi chúng tớ học bài giáo lý vỡ lòng13-026
TVPhêrô Ngô Gia HyQui Nhơn1994Cuộc Đời Của Chiếc Bánh Chầu13-048


Giải nhất
MỘT NIỀM TIN
TRĂNG LÀNG

Chị đã khóc. Lần đầu tiên trên sân khấu, chị khóc nức nở, ấm ức. Sau đêm hoạt cảnh Giáng Sinh, mọi người khen chị lần đầu đóng kịch mà nhập vai dễ sợ, có thể đi làm diễn viên được. Chị cười, tại bữa giờ bỏ công sức tập dợt, tự dưng, đến lúc diễn lại cắt điện, tức điếng nên khóc luôn chứ nhập vai nhập vở gì đâu. Chị nói vậy thôi chứ chị biết tại sao nước mắt chị chảy trên sân khấu.
Chị có chồng, ba con trai. Chị làm giáo viên. Chồng chị là công nhân nhà máy đường, làm lâu năm lương lá hai vợ chồng tặn tiện cũng đủ sống, đủ chu cấp cho các con ăn học. Đức tin của chị được nung đúc từ thuở trẻ thơ ngày ngày theo bố đi lễ nhà thờ. Lớn lên chị hát ca đoàn, hát cho đến bây giờ. Con chị học giỏi, ngoan và đạo đức. Chị tự hào các con chị. Trong xóm, đứa nào lì lợm, học hành bê tha, mẹ chúng đều bảo, tới xem ba đứa con bà Nhàn kìa, học hành năm nào cũng lãnh thưởng, mẹ bảo đâu làm đấy, ra đường gặp xóm làng chào hỏi, dạ thưa, thấy mà ghiền. Đứa con đầu của chị học năm thứ tư. Hồi còn ở Giáo xứ, giúp lễ, hội Giu-ni-o, chỉ có điều hát dở ẹc, giọng lạc giáo nên không hát ca đoàn. Học hành thì số một, ai tặng quyển sách nào thì mừng húm. Cả ngày đâm đầu vào sách vở nên có vẻ chậm và hơi mọt sách. Đứa con giữa học không giỏi lắm, năm thứ hai Trường Cao đẳng. Nó hơn anh nó sự lanh lợi, bóng đá, bóng bàn gì chơi cũng được, ai nhờ vả cũng lanh tay lẹ chân, đạo đức thì không chê vào đâu được, con chị đứa nào cũng vậy. Đứa út vào lớp 12. Học hành giỏi như anh cả, thể dục thể thao lanh lợi hơn hẳn anh ba, nó từng đạt huy chương bạc bóng đá của Tỉnh lứa tuổi phổ thông. Nó làm đội trưởng đội bóng của trường, chân dẻo và ngoặt bóng không chê vào đâu. Nó lợi thế có mẫu mã tốt tướng, có tài thu hút nhóm bạn nên mỗi độ văn nghệ của trường, nó lên sân khấu chưa cần hát hò gì là cả nhóm ồ, hố lên rộn rã. Nó hội tụ các tài năng của hai anh nó. Hai anh nó mắc cỡ với chuyện tặng quà, viết thiệp chúc mừng mẹ những ngày lễ, còn nó thì làm một cách tự nhiên. Chị biết tính các con chị, mỗi đứa đều có cách thể hiện tình cảm riêng với chị. Đứa nào cũng hiếu thảo, nhưng chị vẫn thấy thích cách bày tỏ tình cảm của nó, thích những buổi sinh nhật lãng mạn của chị do nó với chồng chị tổ chức. Nó biết làm mẹ vui, biết làm bố hài lòng. Thỉnh thoảng chị đem những tấm thiệp chúc mừng ngày phụ nữ của nó ra xem, rồi chị lại cười tủm tỉm với những lời chúc của nó. Chị tự hào vì người ta biết nó là con chị. Nhiều khi, chị nghĩ cách dại khờ, nó đừng lớn lên, nó lớn sẽ có vợ, sẽ san sẻ tình thương cho vợ như chồng chị đang dành tình thương cho chị vậy. Cũng có lần chị nghĩ bụng sẽ chọn vợ cho nó, chị sẽ chọn cách cẩn thận, chọn người con dâu cho xứng với nó và yêu nó hơn nó yêu con dâu. Chị tự hào về nó hơn hai anh nó, thương nó hơn hai anh nó, dù chị biết điều này không phải chút nào. Các anh nó biết mẹ quý nó nhưng chẳng ganh tị vì nghĩ nó xứng đáng, vì nó luôn tỏ ra kính trọng với hai anh. Cái xóm chị, mấy bà ai cũng ước được có một gia đình hạnh phúc như chị, con ngoan, giỏi giang, đạo đức, chồng thì hiền lành yêu vợ hơn cả yêu bản thân. Nhưng chị, chị có nỗi khổ riêng.
Anh lấy chị và theo đạo. Công việc ở nhà máy của anh cũng không được thong thả để tham dự lễ lạc ngày thường, nhưng lễ Chúa Nhật anh không bỏ. Chị cũng không trách anh chuyện ấy. Với một người trở lại thì giữ lễ ngày Chúa Nhật là tốt rồi, mà thi thoảng anh cũng đi lễ ngày thường với chị những khi nghỉ việc. Anh hay hỏi chị về giáo lý, những câu hỏi của anh đậm màu lý luận. Kiểu câu hỏi này dù có trả lời một thì cũng lộ ra hai điều muốn hỏi tiếp, phải chi anh dừng lại ở lời giải thích của chị và tin là đủ rồi, đằng này anh lòng vòng hỏi đến tận xương tủy. Chị có phải là linh mục đâu. Anh không phải là hạng người so đo tính toán thiệt hơn chuyện giữ đạo nhưng thấy điều trái lý là bụng muốn hỏi, muốn bất bình. Chị sợ kiểu bất bình của anh. Bữa đi lễ về anh nói, sao thấy kì quá đi, Chúa nói đong đấu nào thì trả đấu nấy, mà những người ở hiền lành thì hay mất trộm, nhiều người đạo đức sốt sắng thì bị người khác ăn hiếp. Chị không giải thích cho anh, chị biết giải thích thế nào anh cũng vặn hỏi, mà chị thì không đủ giáo lý làm cho anh thuyết phục. Chị biết tính anh vậy, con người anh hay suy tư và đi tới cái tận cùng mới thôi. Niềm tin người mới theo đạo có thể lung lay từ những thắc mắc vụn vặt, những bất bình không ai tháo gỡ. Nhiều bữa hàng xóm xả nước phân heo qua vườn hôi đến khó chịu, anh qua nói đôi lời, trúng bà hàng xóm hồ đồ: “Thải bên vườn, tại mưa gió nó chảy qua, thích thì vác đơn mà kiện”. Cái giọng thách thức, chua chát của bà làm anh tức lộn gan, muốn cho bà tát tai thì chị bảo, kệ, họ ngửi trước, ngửi nhiều hơn mình, đến lúc bà ta chịu không nổi nữa thì tự đào hầm giải quyết thôi. Anh tức cái kiểu giữ đạo của chị, phải nhịn nhục giữ tình xóm nghĩa làng. Mà anh thấy bất bình hỏi thì chị không giải thích được. Khi nào chị cũng kết thúc bằng câu “có điều Chúa làm cho ta mà không nhận ra”. Nhiều hôm anh nghĩ bụng, chắc khi nhận ra thì đã già đát, xuống mồ rồi. Tình cảm vợ chồng đôi khi cũng bất hòa ở chỗ đó.
Hai đứa lớn đi học. Chỉ còn thằng út ở với chị. Ngoan ngoãn, học giỏi, đạo đức sốt sắng như chị. Chị thương nó, muốn giữ nó cho mình, chị sợ một ngày nào đó nó cũng bỏ chị đi, bỏ chị lại với anh trong ngôi nhà trống vắng không tiếng học bài rôm rả, không trò ngỗ nghịch của đám nhỏ bạn nó tới chơi, bỏ chị vào Sài Gòn học. Chị cố giữ nó bên mình, cố nắm chặt nó không để nó buông khỏi vòng tay chị. Chị nắm thời khóa biểu, lịch học thêm, giờ chơi với bạn. Thằng nhỏ không một tiếng phàn nàn, nó để mẹ giám sát. Chị có cảm giác nó sẽ ra đi thật, chị muốn chăm sóc cho nó trước khi rời khỏi vòng tay của chị. Cái áo, cái quần, đôi tất giữ ấm chị đều mua cho nó, cố để ý thời trang của đám học sinh thế hệ 9X, chị cố không để cho nó ăn mặc lạc lõng, ngộ ngộ trước đám bạn của nó. Cái mũ lưỡi trai khắc chữ “nobody I love” chị cũng mua cho nó. Một ngày, chị thấy trong người trống vắng, bất an. Chị nôn nóng nó đi học về, chỉ để gặp mặt nó, có vậy thôi. Chị bắc bếp chiên khoai lang cho nó, đây là món nó yêu thích. Chị chờ, và chờ. Đã quá giờ tan trường rồi, chị chạy lại đầu xóm ngộ nó đang la cà nhà đứa bạn. Không thấy. Chị sốt ruột, như điều gì đó xảy ra với con chị. Chị nhận điện thoại, bên kia giọng run run, vội vã nhưng không rõ tiếng, “Thằng Khoa chết đuối trên suối rồi cô ơi”. Chị ngã quỵ xuống, không còn biết gì nữa. Lớp nó được nghỉ hai giờ văn, cả bọn nam kéo nhau lên suối, và trong sự vội vã, nó trượt chân té xuống hồ, trước khi mất tích dưới mặt nước, nó ngoắt ngoảy tay vang lên mấy tiếng: “mẹ, mẹ…” . Chị khóc, khóc đến cạn kiệt sức, khóc như thể khóc lần cuối trong đời chị vậy. Một ngày, hai ngày, ba ngày, nước mắt đã cạn. Chị biết chị cần tỉnh táo, tỉnh táo để anh còn niềm tin mà sống, tỉnh táo để hai đứa con chị còn lòng trí mà học, mà sống cho tương lai. Anh không khóc thành dòng lệ, nhưng lòng anh đau, đau như ai đó lấy mũi dao đâm vào tim vậy.
Anh cũng có nỗi nhớ của mình. Thi thoảng anh lại nghe nó gọi: “ Bố, làm ván cờ hè ? Làm xong bài tập rồi”. Ngồi uống nước trà thấy hai cha con đèo nhau vào shop hoa, nó cười với anh, đưa tay chỉ, mẹ thích hoa này nè. Hết tiết, chị chẳng muốn về nhà, lang thang đâu đó cho thời gian trôi đi. Chị sợ ngôi nhà rộng rãi của mình, nó lạnh lẽo và trống vắng đến ớn lạnh. Đứng, ngồi… khi nào cũng thấy bóng dáng thằng nhỏ. Đi qua phòng thấy nó đang ngồi say sưa làm bài, ngồi vào bàn ăn thấy nó và cơm vội vã ngon lành, chị lại thẫn thờ. Chị muốn mình bận bịu suốt ngày để quên đi hình bóng nó, quên để hai vợ chồng không còn rầu rĩ khi ngồi vào bàn ăn nữa.
Chị không thích đóng kịch lắm, chị nói sân khấu nó có vẻ không thiệt bụng, nhưng Giáng Sinh này chị nhận vai, vai vợ ông Gióp. Chị muốn cho khuây khỏa, muốn quên đi mọi muộn phiền. Suốt một tuần, cơm tối xong là chị lên nhà thờ tập kịch. Chị có rủ anh đi nhưng anh không thích. Anh còn một ẩn khuất chưa giải được. Anh còn bám víu, tại sao vợ con anh thánh thiện thế, anh cũng không bê tha kinh nguyện mà sao Chúa đối xử với gia đình anh như vậy. Chị cũng muốn cho anh tin vào tình thương của Chúa nhưng chị không giải thích được. Tối, chị lại đi tập kịch. Anh càm ràm, cái giọng có vẻ khó chịu, cau có: “ Em còn tin Chúa đến bao giờ nữa, đến thằng con trai Chúa cũng lấy đi, vậy mà em còn kịch cợi gì nữa, đến bao giờ thì em tỉnh ngộ đây?”. Chị không cãi, không trách anh. Đức tin của một người trở lại chị không đòi hỏi nhiều. Chị chỉ biết sống với niềm tin của mình, niềm tin Chúa sẽ không để con người thiệt thân. Nhưng chị linh tính có điều không tốt, chị biết anh sẽ làm một điều gì đó. Cái tính của anh chị biết.
 Anh quảy một ba lô bước ra khỏi cổng, không biết đi đâu và đi bao lâu, có thể là mãi mãi. Hôm trước khi anh đi, trước đêm Giáng Sinh, chị đã giằng co đôi ba câu với anh về cái chuyện nhà thờ nhà thánh. Bình thường anh đâu có tính thiệt hơn, chỉ tại thấy Chúa bất công, lấy đi người con trai hợp tính hợp tình với anh, mà chị thì cứ đeo bám, cứ tin Chúa nhân từ, một hai là chuyện nhà thờ, công tác nhà thờ. Anh đi không lời chửi, không gào thét, anh yêu chị và không muốn chị đau khổ. Đi để chị tỉnh thức với niềm tin mãnh liệt của mình, chỉ thế thôi. Chị nhìn anh từng bước qua rào cổng, không níu kéo, không van nài, không phẫn nộ, nhưng chị thấy lòng trống vắng, mất mát, đau đớn. Chị biết không thể níu kéo anh, mà níu kéo, van nài thì chẳng khác gì đánh rơi đức tin cho anh thấy.
Ông Gióp bước ra, nhìn những đứa con ngoan ngoãn với đàn gia súc của mình liền cảm tạ Thiên Chúa. Ông đang cười nói với vợ bên mâm cơm thì người đầy tớ hốt hoảng chạy vào báo tin chiên, dê, bò, lừa, bị quân Sơ-va giết chết; các tôi tớ và những người con của ông cũng bị lửa từ trời thiêu cháy, không còn sống một ai. Ông đau khổ sụp lạy Thiên Chúa mà thưa, “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng danh Đức Chúa”. Chị bước ra trong vai vợ ông Gióp. Tức tối và nóng giận. Chị không cầm được lòng mình nữa, nói như trút giận, nói cho hết những ấm ức trong lòng: “Thế này rồi mà ông còn ca tụng Thiên Chúa của ông hà?”. Chị quỵ ngục xuống, khóc, khóc nức nở, tức tửi, khóc như trút bỏ. Chị không khóc cho cảnh trong kịch bản nhưng chị khóc cho lòng mình, khóc cho cảnh đời của mình. Chúa đã lấy đi của chị tất cả, “con trai vàng” của chị, người chồng của chị.
Đêm Giáng Sinh, nhà nhà quây quần, người thân tay trong tay nói cười hớn hở, sánh bước đến nhà thờ đón Chúa giáng sinh. Chị trở về nhà, cô đơn, hiu quạnh. Chị nhìn qua máng cỏ, bên góc phòng khách, Chúa Hài Đồng nằm lạnh lẽo, rồi thì thầm đôi lời. Chị cố buông lỏng người nằm dài xuống giường, không hình dung đến cảnh Noel ngày mai mọi người tưng bừng tiệc mừng, vui chơi. Chị thấy lòng mình chảy qua một cảm xúc bồn chồn, một điều gì đó sẽ đến với chị rất mơ hồ, chị không rõ vui hay buồn. Chị thiếp đi trong giấc ngủ.
 Một ngày Giáng Sinh sắp qua đi, chị vẫn ở mãi trong phòng. Tiếng chó sủa, không dồn dập, không đay nghiến. Ăng ẳng, quấn quýnh và mừng rỡ. Người đàn ông yêu thương của chị bước qua cánh cửa. Ánh mắt ngỡ ngàng, chị choàng tay qua thắt lưng ôm lấy anh. Nước mắt lại chảy tràn. Chị không hỏi anh, không cần biết lý do anh trở về nhà. Chị cố siết chặt vòng tay không để anh tuột khỏi một lần nữa.
Hai đứa con nhảy dựng lên khi gặp anh, đứa nhỏ ôm vai, đứa lớn hí hửng hỏi thăm mẹ, chúng đang hạnh phúc, vô tư như cánh diều cứ vút bay mặc cho thằng bé dưới đất cố gỡ những đoạn dây rối mà ngày hôm qua vội vã quấn thu. Thấy khuôn mặt con trẻ hạnh phúc anh không nỡ cho nó biết chuyện của mình. Anh biết cõi lòng chúng sẽ tan nát, vỡ vụn và đau khổ khi biết anh bỏ nhà đi. Giọt cà-phê đắng ở một góc quán nhỏ Sài Gòn đủ làm anh tỉnh táo để suy nghĩ, để thấy giây phút này anh đang mất mát, giây phút này vợ anh đang đau khổ, đang thiếu một bờ vai nâng đỡ; để thấy vợ anh đảm đang, nết na không như cô hàng xóm hỗn xược với chồng, thấy các con anh ngoan hiền, thấy anh đang có một gia đình mà mọi người mơ ước. Bởi đâu? – anh hỏi lòng mình. Rồi tự trả lời: “Chẳng phải do chuyện kinh nguyện sớm tối làm cho vợ anh trở thành người mẹ tốt, người vợ đáng yêu đó sao. Nếu không kinh nguyện, lễ lạc sốt sắng thì các con liệu có ngoan ngoãn, đỗ đạt như vậy không”. Giọt cà phê đắng ấy làm anh nhận ra hạnh phúc đang ở bên mình. Hạnh phúc đó bởi đâu? Chẳng phải bởi Chúa đó sao? Anh trở về tìm hạnh phúc của mình.
Anh cũng không nói cho chị biết lý do trở về, chỉ thỏ thẻ bên tai chị khi nước mắt đang ướt trên bờ vai: “Hạnh phúc ở bên ta, Chúa làm mà ta không nhận ra. Em đã đúng”.

Giải nhì
CHUÔNG CHIỀU

ĐINH THỊ THU HẰNG

Ba vị đạo sĩ lên đường. Bấy giờ, ngôi sao họ đã nhìn thấy ở phương Đông lại hiện ra, dẫn lối cho họ đến tận nơi ở của Hài Nhi mới dừng lại... (trích Kinh Thánh)
Bà cụ ngủ rồi. Cô gái gấp sách, đặt lên bệ cửa sổ. Thoáng chút gió. Cô đóng bớt một cánh cửa. Sắp hết chiều. Nắng muộn trốn trong những cụm mây đỏ ối hắt ra lửng lơ giữa trời, trông như những dòng tơ mảnh, thoáng thấy thoáng không. Ước gì bây giờ được nghe một tiếng chuông giáo đường! Cô gái bật cười. "Mình lại bị "lây" bà cụ mất rồi". Cô quay sang dém chăn cho bà. Bà nằm trên chiếc ghế mây. Chiếc ghế có hai chân hình cánh cung thuôn dài, cong cong như kiểu bập bênh ngựa gỗ. Ghế bập bênh và ngựa gỗ. Một cách nào đó, về già chính là trở lại tuổi thơ. Chẳng thế mà gần đây bà lại bảo cô đọc Kinh Thánh cho bà nghe. Kinh Thánh, một dạng cổ tích của người Do Thái. Cô nghĩ thế. Đọc Kinh Thánh, một cách xem cổ tích kiểu người già đây mà!
– Mấy giờ rồi chị! Đã chuông chưa!
Bà cụ đột ngột tỉnh giấc.
– Hơn năm giờ bà ạ! Chuông từ lúc nãy rồi!
– Thế à?
Cô không biết bà có buồn hay không, bởi gương mặt người già, vốn đã được định hình bằng những nếp nhăn, thật khó để nhận ra chút cau mày phật ý.  Ngày cô nhận việc chăm sóc bà, chị con gái chỉ vào chiếc máy hát cũ:
– Chốc chốc thì bật cho bà nghe nhé!
Trong máy có cuộn băng thu sẵn tiếng chuông nhà thờ.
– Ngày xưa nhà tôi ở khu Công giáo. Không theo đạo nhưng mẹ tôi nghiện nghe chuông lễ. Nếu không vì làm ăn thua lỗ phải bán căn nhà ấy thì... – Chị con gái chép miệng – Cũng may, bà già rồi, mắt, tai nghễnh ngãng cả...
Nhưng chẳng mấy khi cô bật cái máy ấy. Cô không thích dối người khác. Cô luôn nghĩ cái thật bao giờ cũng hơn. Thế nên cô dành thời giờ đưa bà đến những nhà thờ quanh vùng. Chiều hiu hắt, một già một trẻ cạnh nhau. Chuông xao xác đổ, như từng cơn ký ức dội xuống lòng. Bà ứa nước mắt. Tấm màng mờ nhoè bao năm bọc lấy con ngươi bỗng như mủn ra. Bà trông rõ ràng một vùng đồi đất nâu bạc phếch, những vạt cây còi cọc cháy nắng. Gió lơ phơ đẩy những xác cầu gai xơ xướp lăn tồng tộc. Một thiếu nữ rón rén chạy. Gương mặt rất quen. Có vẻ như cô đang theo dấu người con trai đi phía trước. Chàng trai ấy vì hình dáng thanh mảnh quá nên như hoà vào trong nắng chói loa loá. Bất ngờ anh quay lại. Không trông rõ mặt, chỉ biết khoé miệng vẽ một nét cười...
Rồi chuông ngưng. Chút thanh âm rắc trong thinh không đã tan mất. Lại chẳng một chút sáng, lại mắt như đêm đen, sợi dây ký ức bị cắt dứt, bà dò dẫm trong nhớ nhớ, quên quên...
– Tối rồi! Mình về bà nhé! Cháu sẽ đọc Kinh Thánh cho bà nghe!
Cô gái với tập sách trên bệ cửa sổ, giở ra.
– Hôm qua cháu đọc đến đoạn nào nhỉ? Đây rồi! Ba vị đạo sĩ lên đường. Bấy giờ, ngôi sao họ đã nhìn thấy ở phương Đông lại hiện ra, dẫn lối cho họ đến tận nơi ở của Hài Nhi mới dừng lại...
Một kết thúc có hậu! Các câu chuyện cổ tích bao giờ cũng kết thúc có hậu! Cuối cùng ba kẻ có lòng cũng tìm được minh Chúa của mình. Nhờ ánh sao soi đường. Còn bà, những tiếng chuông ấy có dẫn bà tìm được ký ức?
Khuya vắng. Cô gái mở cửa sổ. Trời rất trong. Sao chi chít thắp bừng cả một vùng cổ tích. Ai nấy đều ngủ. Bà cụ cũng ngủ. Không, họ đang thức đấy chứ! Họ thức trong những giấc mơ. Mỗi giấc mơ là một cuộc hành trình. Và trong hành trình của chính mình thì người ta không ngủ. Người ta thức để chờ một ánh sao dẫn đường. Mọi cuộc hành trình đều cần một ánh sao dẫn đường. Cô gái khép cửa sổ. Cô cầu mong một ánh sao dẫn đường sẽ rơi vào giấc mơ của bà cụ. Nhưng cô đâu biết bà đang tiếp tục hành trình của mình theo những nhịp chuông rung. Mỗi nhịp chuông rung là một lớp phong toả ký ức xưa cũ lại bong ra. Mỗi nhịp chuông rung là một tiếng gõ vào cánh cửa quên lãng. Cứ gõ, gõ mãi cho đến lúc trí nhớ xuất hiện. Phải rồi, bà nhớ có một miền quê nghèo; một ngôi nhà thờ lớn bằng vài ba mảnh sân nhà, vách đóng cọc tre và mái lợp lá; một vị linh mục già; một chú giúp lễ trẻ măng dáng người mảnh khảnh... và một thiếu nữ ngoại đạo thường lén theo sau chú giúp lễ mỗi lần trông thấy chú có việc đi qua làng...
Cô gái giơ tay ra phía ngoài hiên. Trời đang mưa. Chiều nay cô đưa bà đi nghe chuông thì gặp mưa. Cô xoay lưng chắn mưa cho bà. Ngọn đèn đường nhập nhoạ vài vệt sáng loang trên lưng áo cô. Còn bà cụ hoàn toàn chìm trong tối. Không có những tiếng chuông bà hoàn toàn chìm trong tối. Mơ hồ quên, nhớ. Vô định như những hạt mưa rải giữa trời...
Cô gái cúi nhìn nhìn đồng hồ trên tay. Chắc phải còn lâu mới về nhà được. Mưa chưa ngớt. Không khí hoai nồng mùi ẩm mốc. Bậc thềm trú mưa hẹp lại vì có thêm người. Một chị phụ nữ dẫn một bé gái tấp vào. Cô bé phụng phịu, rơm rớm nước mắt. Chị phụ nữ cau mày:
– Còn đứng đó hờn dỗi gì nữa! Cái tội trốn học giáo lý là lớn lắm nhé! Lát nữa về mẹ sẽ méc ba đánh đòn!
Cô bé vung tay, giậm chân.
– Nhưng giáo lý khó lắm! Con đã thức mấy đêm rồi mà vẫn không thuộc!
Cử động của cô bé làm những chiếc chuông nhỏ trang sức trên vòng tay, vòng chân phát ra tiếng leng keng. Tiếng động rất nhỏ, tiếng chuông rất nhỏ, nhưng trong một giây không gian xung quanh bất ngờ im ắng, bà cụ bỗng nghe ra một chuỗi ngân nga xao động vỗ về. Bà lại thấy người thiếu nữ ấy. Cô đang vơ vẩn ngó nghiêng dưới nền đất, thi thoảng lén xoay sang nhìn người con trai đang cắm cúi ghi chép gì đó từ trong sách ra một quyển tập.
– Em vẫn chưa thuộc bài giáo lý tuần trước à?
Chàng trai ngừng tay, ngẩng lên nhìn thiếu nữ. Cô lập tức cúi gằm mặt, ấp úng.
– Khó, khó quá! Em chẳng hiểu gì cả, làm sao mà thuộc! Tại sao Chúa Trời lại có ba ngôi? Tại sao đến ba ngôi vẫn chỉ là một Chúa? Tại sao Cha, Con và Thánh Thần lại ngang bằng nhau?
Chàng trai khẽ mỉm cười:
– Này em, ngày còn bé em có chơi rước đèn trung thu không? À, hoặc là buổi tối nhà em có thắp nến không?
Thiếu nữ không trả lời, chau mày nhìn chàng trai lom lom. Chàng trai buông bút, hướng mắt lên mỏm đồi xa, nơi cây thánh giá được dựng đơn sơ đang đứng yên trầm mặc.
– Có bao giờ em tách được ánh sáng và sức nóng ra khỏi ngọn nến không? Có bao giờ cây nến cháy mà lại không ánh sáng, không có sức nóng toả ra không? Thiên Chúa ba ngôi chính là như thế. Ba ngôi, nhưng chỉ một Chúa mà thôi!
Mỗi lần ngồi một mình trong tối, thiếu nữ lại thắp một ngọn nến. Kìa giọt sáp lung linh đang nhảy nhót giữa tim đèn hay chính là ánh mắt anh mỗi khi giảng giải Kinh Thánh. Lòng vẩn vơ những mối cảm xúc phiền phức, thiếu nữ hết giở rồi lại gấp tập sách giáo lý, không hay ngọn nến đã cháy đến giọt cuối cùng.
Bà cụ ngồi yên trong tối. Khách trú mưa hết vào lại ra. Một chiếc xe máy đang lượn là vòng vèo chợt rẽ vào hiên. Người đàn ông cầm lái lảo đảo bước xuống, moi chiếc di động đang reo ầm ĩ ra khỏi túi, bật nút, hét toáng lên:
– Gọi gì mà gọi hoài! Nghỉ lễ một bữa thì có làm sao! Đang nhậu ngon lành! Làm mất hứng không!
Điện thoại vừa ngắt, lại ngay lập tức đổ chuông. Người đàn ông vất luôn chiếc điện thoại xuống đường, leo lên xe máy, lảo đảo chạy đi. Thật lạ, chuông lần này đổ thật lạ, sa sả cứ như là... Có lần bà cụ đã nghe một thiếu nữ nói với một chàng trai bằng giọng điệu này.
– Anh thật là...! Lễ lạy ngày nào chẳng giống ngày ấy? Hơn kém gì nhau mà quan với chẳng trọng!
Chàng trai im lặng bỏ đi. Thiếu nữ mấy lần định giơ tay với rồi lại thôi. Tuổi trẻ mà, trăm suối ngàn sông có khi cạn chỉ vì một câu nói! Được ít lâu, thiếu nữ theo gia đình đi xa. Niềm nao nức say mê học đạo nhạt dần trước ồn ào, rộn rã phố thị. Chờ khi trai trẻ qua rồi, đi gần giáp một vòng đời người, lại quay về những ước mong thơ trẻ. Muốn đọc một đoạn Kinh Thánh. Muốn nghe chuông lễ chiều chiều. Muốn thắp nến ngồi học giáo lý. Muốn về xem lễ một lần trong ngôi nhà thờ lợp mái lá trên gò đồi đất nâu.
Lại có người ghé vào trú mưa: một ông cụ và một chú bé. Ông cụ đẩy chú bé vào trong, dùng tay vuốt bớt nước sũng trên vai áo cậu. Cậu bé tháo chiếc túi vải đang đeo, dỡ những thứ bên trong ra: một quyển sách, chai dầu, chiếc chén đồng, cái chuông nhỏ... Cậu vắt ráo cái túi, lại lần lượt bỏ từng thứ một vào bên trong. Cầm chiếc chuông nhỏ, cậu hoa tay lắc lắc liên hồi. Ông cụ từ tốn.
– Đừng nghịch nữa con! Làm phiền mọi người!
Cậu bé nheo mắt.
– Mong cho mau hết mưa Cha nhỉ! Kẻo lỡ buổi tĩnh tâm tối mất!
Ông cụ gật đầu, nhè nhẹ xoa đầu cậu bé.
 Tiếng chuông, lại cả tiếng nói nữa, quen quá! Bà cụ ngoảnh lại, run rẩy.
– Ông, ông đấy phải không?
Bà nhoài người lên phía trước, những muốn nắm níu những xưa cũ vừa tìm lại. Cô gái vội đỡ lấy bà.
– Bà, bà gọi cháu ạ?
Bà cụ loay hoay.
– Ông ấy, ông ấy đâu!
Cô gái nghiêng sang ông cụ, nói khẽ.
– Mắt bà cháu bị loà! Mà dạo gần đây cụ lại có vẻ như mong ngóng ai đấy! Ông thông cảm ạ!
Ông cụ gật đầu, cúi xuống, nắm nhẹ tay bà lão.
– Vâng, là tôi đây! Là tôi đây mà!
Bà cụ hết khóc lại cười.
– Bây giờ tôi vào đạo có được không ông? Có kịp không ông?
Bà bỗng nấc lên, rồi không nói nữa. Ông cụ bảo cậu bé lấy chiếc chén đồng ra hứng nước mưa trước hiên. Ông đổ nước trên trán bà và đọc:
– Tôi rửa bà nhân danh Cha và Con và Thánh Thần...
Qua mấy phút yên tĩnh, cô gái nhận ra bà cụ đã không còn thở nữa. Bà đã đi. Một hành trình mới. Một miền đất mới. Chắc chắn bà sẽ đến nơi. Cô nghĩ thế. Bà đã gặp được ánh sao dẫn đường rồi.

Giải nhì
MỘT LẦN VẤP NGÃ

NGUYỄN HOÀNG HẢI

Chị ngã xuống một con đường gập ghềnh lở lói. Trước khi mọi thứ xung quanh nhòe dần và biến vào bóng tối, chị còn thấy khuôn mặt con mình. Khuôn mặt con u ám đầy nỗi đau nhưng đôi mắt vẫn sáng, và hình như con đang mỉm cười.
Chị sinh ra trong một gia đình ngoan đạo. Ba chị làm ông biện ngày hai buổi đến nhà thờ. Mẹ chị là một cô giáo hết sức nghiêm khắc. Hằng ngày chị mặc áo dài trắng chấp chới đi trên đường làng đến nhà thờ, làm bao chàng thanh niên ngơ ngẩn nhìn theo. Rồi chị lên thị xã học, con tim mở cửa. Chị không ngờ tình yêu, thứ mà ba mẹ chị vẫn cấm đoán lại đẹp mê hồn đến thế. Mười tám tuổi chị bỏ trường bỏ nhà đi theo tiếng gọi của con tim. Bữa chị bị tình phụ quay về, ba chị cầm kéo rượt theo. Bắt được chị trên một đám ruộng bì bõm nước, ông sởn đi mái tóc dài của chị. Mất mái tóc chị không đến nhà thờ. Ba mẹ chị cũng không ép, bởi ra khỏi nhà, người ta sẽ nhìn mái tóc kì dị của chị, và những ánh mắt đó như những lời buộc tội tàn nhẫn, cay độc. Tóc ngắn rồi cũng dài, nhưng chị vẫn không đi lễ, vì cái bụng dưới lớp áo đã trồi lên. Chị không đủ can đảm bước trên con đường dẫn đến nhà thờ. Con chị là dấu hiệu của sự sống, của tình yêu, nhưng đồng thời cũng là một nỗi cay đắng mà chị phải nuốt lấy. Không ai biết vào những buổi trưa, khi xóm làng ngủ mệt trong cái nắng oi ả của mùa hè, chị lủi thủi tới nhà thờ. Chị ngồi đó và khóc.
Chị làm mẹ năm mười chín tuổi. Người đời chê trách mãi cũng chán, người ta lại bồng ẵm nựng nịu con chị. Hôm chị bồng đứa bé đỏ hỏn tới nhà thờ cha xứ bị sổ mũi. Cha vô ý nhỏ một giọt nước mũi lên cái má trắng hồng của thằng bé. Cha cười, nói chắc sau này nó đi tu. Chị đặt con tên Tâm.
Mười tám tuổi Tâm bị người ta tông gãy chân. Đang lò mò ra khỏi cơn mê, Tâm nghe ông ngoại chép miệng, nói tiếc quá chừng, tưởng đâu thằng bé đi tu. Tiếp theo là tiếng thở dài của chị.
Cũng may Tâm chỉ bị thương nhẹ. Chân hết đau nhưng vẫn để dấu tật nguyền. Mỗi lần đến nhà thờ tụi con nít xúm nhau chọc: “Tâm cà thọt, Tâm cà thọt”. Thấy Tâm không phản ứng, chúng chọc miết cũng chán bỏ đi chơi. Ở đó có một tâm hồn đang giãy giụa, đau đớn trong một thân xác bất động. Tâm vẫn đến nhà thờ mỗi ngày, nhưng tình yêu Chúa trong Tâm đã hao hụt ít nhiều. Có bữa Tâm giáng một cái tát vào mặt thằng bé mới năm tuổi vì nó vống cổ lên kêu “Tâm cà thọt”. Chị đứng đó, chết lặng bởi con mình đang chảy máu. Vết thương trong lòng con chưa lành mà mấy đứa con nít vô tình cứ khơi ra.
Tâm thôi nhà thờ. Chị đau khổ nhìn những nỗi đau của mình ngày xưa nay lại viết lên cuộc đời con. Nhưng chị đã ra khỏi, đã bỏ lại dĩ vãng, còn con chị bao giờ mới hết đau? Làm sao bỏ được dáng đi tật nguyền ấy? Làm sao bịt hết miệng của mấy đứa con nít và những người vô tâm?
Chiều đó Tâm nhìn vào góc tường tối và nói với chị: “Con bỏ đạo, Chúa gì mà bất công”. Chị nghe từng lời như một vết cứa lên ruột gan. Trong bóng tối, con chị đang khóc, nhưng hình như nước mắt không chảy, chỉ có đôi vai run run. Nó úp mặt vào giữa hai đầu gối. Chị nhận ra lưng con mình đã cong từ bao giờ, cong để cúi mặt xuống đất, khỏi ngước mặt lên nhìn đời. Chị đặt nhẹ bàn tay lên lưng con, nghe từng đốt sống lưng gồ lên đâm vào những ngón tay của mình. Chị muốn nói với con rằng Chúa không bất công, rằng Chúa luôn yêu thương con, nhưng chị không biết nói từ đâu?
Có nên kể cho con nghe về một bệnh viện phụ sản nơi cha của Tâm đã từng dẫn chị đến. Bữa đó cha Tâm nắm chặt tay chị, nói em mà không bỏ cái thai thì tôi bỏ em. Bữa đó chị đã dợm chân bước vào, nhưng nhìn thấy cây thánh giá nhỏ trên chiếc áo thường phục của một nữ tu, chị đã vùng khỏi tay cha Tâm mà chạy. Có phải nên kể cho Tâm nghe, không có cây thánh giá đó, chắc Tâm sẽ không bao giờ được thấy ánh sáng, được sống vui vẻ mười mấy năm qua. Có phải nên kể cho Tâm nghe, khi chị mang thai, mọi người đều xa lánh, chỉ có cha sở quan tâm. Ngài vẫn khép hờ cửa nhà thờ mỗi trưa, để chị có thể dễ dàng vào ngồi với Chúa. Chắc Tâm cũng không biết hồi nhỏ Tâm gầy yếu, đau ốm xanh xao. Có bữa sốt cao phải đem đi cấp cứu. Mọi người trong khu giáo đã góp tiền cho Tâm đi viện và đọc kinh cầu nguyện cho Tâm qua khỏi cơn nguy kịch… Nhiều lắm, nhiều lắm, Tâm cũng biết, nhưng bây giờ nỗi đau quá lớn. Nhưng chị không muốn Tâm mất Chúa trước khi nỗi đau trong lòng Tâm nguôi ngoai.
Chị sẽ kể hết, chỉ chừa lại chuyện ở bệnh viện phụ sản, chị không muốn chuyện đó làm nỗi đau trong lòng Tâm lớn hơn. Chị sẽ nói cho Tâm biết Chúa không bất công, bắt đầu từ bữa trưa chị đến nhà thờ khóc. Rồi ngày Tâm chào đời, cha sở đã tới thăm, nói Tâm mau lớn lên nhà thờ đánh chuông với ông ngoại. Chị nghe tiếng ba chị nghẹn ngào khóc, hạnh phúc không nói nên lời. Tâm có biết rằng hôm đó chị đã hồi sinh, đã thấy nhớ nhà thờ, nhớ Chúa đến rơi nước mắt…
Trong bóng tối chị nghe tiếng con thở rất khẽ. Chị đã rót vào tâm hồn con cuộc sống của mình, tình yêu đối với Chúa của mình, vì chị nghĩ điều đó là cần thiết cho một tâm hồn đang hoang mang, trống rỗng.
Tâm lao ra bóng tối và chị chới với đuổi theo. Chị cảm thấy như mình vừa sống lại một cuộc đời, đã mệt mỏi kiệt sức vì nhớ lại những quãng đời đầy hối tiếc, chị ngã xuống. Cũng may khi tỉnh lại, chị đã thấy con mình bên cạnh. Đúng là khuôn mặt con đang mỉm cười. Đến lượt Tâm kể cho chị nghe, rằng Tâm đã đi xưng tội và cảm thấy nhớ Chúa như thế nào…


Giải ba
GIEO MẦM SỰ SỐNG

FX TRẦN CAO MẠI

Ngồi đợi gần nửa giờ đồng hồ vẫn chưa thấy đò xuất hiện, tôi bồn chồn như lửa đốt trong lòng. Nhìn đồng hồ, tôi nghĩ đi máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn còn nhanh hơn đi xe đò từ Sài Gòn về quê tôi.
Cần Giờ quê tôi cách trung tâm Sài gòn có mấy chục cây số nhưng do ngăn sông cách đò phải mất mấy tiếng mới về đến nhà. Từ hồi lấy chồng xa đến giờ, tôi ít khi về thăm quê. Có khi cả năm không về nhà lần nào! Sau khi tốt nghiệp đại học, rồi duyên số đẩy đưa, tôi lấy chồng xa.
Nay, em trai gọi điện báo mẹ đau nặng khó có thể qua khỏi. Tôi phải xin nghỉ việc để về quê. Cha tôi mất sớm, mình mẹ tần tảo nuôi năm chị em chúng tôi nên người. Tôi là đứa con gái đầu tiên trong làng học lên đến đại học. Điều này là niềm tự hào của mẹ tôi.
Cách nhau con sông Long Hầu, vậy mà bên này sông khác bên kia một trời một vực. Bên này huyện Nhà Bè điện, nước, đường, trường học, trạm xá khá đầy đủ còn bên kia vẫn thiếu nước, chưa có điện, đường thì lầy lội, ổ gà ổ voi…
Nghe đâu người ta sắp mở đường, xây cầu để phát triển vùng biển quê tôi thành trung tâm du lịch gì đó. Tôi cầu mong cho có cái cầu, con đường hẳn hoi để dân huyện tôi dễ dàng bắt nhịp cuộc sống cùng các huyện thị khác của Thành phố.
Nghĩ đến đây, tôi ngẩng mặt lên nhìn sang bên kia một màu xanh ngút ngàn chân trời của cánh rừng đước trải dài vô tận. Tôi có cảm giác lo sợ không biết màu xanh kia, sự bình lặng, yên ả của quê hương tôi có còn nữa hay không? Xã hội càng văn minh nếu không được chuẩn bị tốt sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề phát triển khập khiễng. Tự dưng tôi cảm thấy tiếc nuối nếu một ngày nào đó với sự phát triển quá mức sẽ làm lụi tàn những cánh rừng kia. Một sự giằng co giữa cái bình yên của cuốc sống và sự ồn ào của đô thị không biết bên nào tốt hơn xảy ra trong tâm hồn tôi.
Bành bạch kêu đều đặn, chiếc đò rẽ nước đi tới. Ngồi trong khoang dành cho hành khách, tôi hướng mắt nhìn ra bên ngoài. Sự mênh mông của sông nước làm tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ trước sự bao la của đất trời. Mỗi lần đi phà, hay đò tôi rất thích một mình thinh lặng ngắm nhìn sự diệu vợi của thiên nhiên. Từ lâu rồi, mỗi lần như thế hình ảnh anh lại hiện về trong tâm trí tôi:
“người đâu gặp gỡ làm chi
trăm năm biết có chuyện gì hay không.”
***
Chuyện đến với tôi đã hơn mười năm rồi. Nhưng tôi vẫn còn nhớ như in mọi tình tiết êm đềm đó. Lúc ấy tôi đang là sinh viên năm cuối đại học. Cũng tại bến đò này, nhưng hồi đó chưa có đò máy, chỉ có đò chèo bằng tay. Vui thì bác chèo đò ở bên này, buồn thì bác ở bên kia nên nhiều hôm phải đợi cả tiếng đồng hồ mới đi được. Đấy là chưa kể những hôm nước xuống còn phải đợi lâu hơn nữa.
Chiều Chúa nhật hôm đó, mẹ tôi nói: nay đúng con nước. Nước xuống! Con nên đi sớm kẻo lỡ đò. Nếu lỡ đò phải đợi đến đầu giờ chiều nước mới lên.
Mấy tháng mới về nhà một lần, tôi và các em ríu rít đủ thứ chuyện. Và kết quả khi tôi ra đến bến đò thì chiếc đò đã ở tít xa giữa lòng sông. Tôi băn khoăn trở về nhà thì tốn kém và thế nào cũng bị mẹ tôi cũng cho một bài; còn ở lại đợi mấy tiếng cũng chán.
Đang lưỡng lự thì vừa lúc đó, anh phóng xe tới. Nhìn ra giữa lòng sông, anh buột miệng: hay thật! Lại trễ đò nữa rồi.
Nhìn thấy tôi, anh mỉm cười và hỏi: Em cũng trễ đò à?
Tôi trả lời: Vâng!
Lúc trả lời anh, tôi ngước lên nhìn và chợt nhận ra nơi anh có cái gì đó đặc biệt mà tôi không tìm thấy nơi những người bạn trai của mình.
Tôi bị anh hớp hồn ngay. Anh người cao lớn, trông có vẻ hiền lành và có vẻ đứng đắn. Đôi mắt sâu dưới cặp kính cận rất trí thức càng tô điểm thêm những điều thiện cảm tôi có về anh.
Anh dẫn xe để dưới bóng râm của cây bàng. Anh quay về phía tôi và hỏi: Uh? Trông em có vẻ là người dân vùng này sao lại bị trễ đò?
Tôi không trả lời mà hỏi lại: anh trông giống dân thành phố, xuống đây làm gì vậy? Sao lại chỉ đi có một mình thôi?
Nhìn tôi đầy dễ tính, anh nói chậm rãi: thường thứ bảy, Chúa nhật mình hay xuống vùng này thăm bà con. Mình thích đi thăm họ lắm!?
Chuyện đợi đò vẫn thường xảy ra đối với mình. Em có muốn đi thăm những bà con gần đây với anh không? Anh hỏi có vẻ không tha thiết cũng chẳng khách sáo.
Tôi hỏi lại: Bà con anh ở gần đây à?
Anh cười: Không! Mình không biết nữa! Thì mình cứ đi thăm đại. Vào nhà ai họ cho gặp thì gặp, ai không thì mình đi chỗ khác.
Thấy vẻ mặt nhíu mày tỏ vẻ không hiểu của tôi, anh giải thích:
Bà con mình nói là những người dân vùng này, chứ không ai là họ hàng ruột thịt với mình chi hết. Tứ hải gia huynh đệ! Mình là con người với nhau nên có sự liên đới tình người. Mình đi thăm, xem và cảm nghiệm đời sống cơ cực của bà con vùng này như thế nào.
Tôi hỏi: thế anh là chuyên viên khảo cứu xã hội à? Chứ chẳng có ai rảnh rang đi không không bao giờ.
Đưa mắt nhìn tôi anh nói: em có muốn đi hay ở đây thì tùy. Vừa nói xong anh quay bước men theo bờ sông đi về phía những túp lều ven sông.
Tôi lưỡng lự ở lại một mình cũng chẳng làm gì, mà đi theo anh kể cũng kỳ kỳ. Nhìn bề ngoài người ta là vậy còn bên trong thế nào ai mà biết được:
“Hoạ hổ họa bì nan họa cốt
Tri nhân tri diện bất tri tâm”.
Mấy năm sống xa nhà, ở trọ đã giúp tôi có kinh nghiệm khi tiếp xúc với những người khác, trở nên dè dặt thận trọng hơn.
Anh vẫn để đồ đạc lại trên xe, đi người không giữa cái nắng chang chang tiến về phía những túp lều xa xa. Tôi cảm thấy như mình bị thúc gọi bởi một cái gì đó liền gọi với theo: đợi em với! Anh gì ơi? Cho em đi theo với.
Anh dừng lại và đợi tôi đến rồi cùng đi. Vừa đi anh vừa hỏi tôi một vài thông tin xã giao về bản thân tôi.
Hai chúng tôi đi men theo bờ sông, khoảng chừng hai trăm mét là tới mấy túp lều gần đó.
Nhìn thấy chúng tôi đang đi bộ từ đàng xa, bọn trẻ như phát hiện ra một cái gì đó. chúng chạy tới, tíu tít đủ thứ chuyện: thầy cô đến thăm chúng mày ơi.
Đứa đi trước. Đứa chạy sau. Đứa nắm tay. Đứa xô đẩy nhau chí choé. Chúng với anh hình như có mối giây liên lạc vô hình nào đấy. Tôi không hiểu được. Điều tôi cảm nhận là chúng rất quý anh và anh có tác động tích cực lên chúng. Đi qua túp lều nào anh cũng ghé vào chào hỏi họ dăm ba câu. Người già anh hỏi han về sức khoẻ, các bậc cha mẹ anh nói chuyện về công việc làm ăn, việc học hành của con cái họ. Gặp các thanh niên nam nữ anh trêu khéo: bao giờ thì mời anh uống rượu…!!!
Điều tôi cảm nhận, anh là người của mọi người. Anh biết rõ hoàn cảnh của mỗi gia đình anh đi thăm. Anh nhớ tên mọi người và hỏi họ về những vấn đề khó khăn trong cuộc sống họ đang đối mặt.
Qua câu chuyện anh tiếp xúc với bà con nơi đây, tôi dần hiểu ra: tên anh là Ngọc, mọi người gọi là Thầy Ngọc. Anh là thầy giáo!? Năm ngoái anh về công tác dưới huyện tôi một năm. Cứ thứ bảy, Chúa nhật anh từ đưới huyện lên đây thăm bà con. Bây giờ anh về lại thành phố, lâu lâu rảnh rang anh lại xuống thăm bà con một lần, đặc biệt vào các dịp lễ Tết.
Chẳng biết từ đâu ra, hay anh có tín hiệu gì đặc biệt mà mấy chục em thiếu nhi từ các ngõ ngách chung quanh gọi nhau í ới, đổ ra đi theo chúng tôi.
Sau khi đi thăm mấy nhà đầu lối, anh quy tụ các em lại thành vòng tròn ở bãi cỏ ven sông và cùng nhau hát hò vui chơi. Đột nhiên, tôi cảm thấy ghen tị với các em vùng này. Chúng chân lấm tay bùn như tôi. Nhiều đứa không có cơ may đến trường, còn những đứa đi học thì nửa buổi đến trường, thời gian còn lại đi mò cua bắt ốc… Vậy mà hồi nhỏ bằng chúng, tôi nào có cơ may hát hò, chơi giỡn như thế này. Mãi đến khi lên tới đại học, khi đi tham dự các kỳ cắm trại tôi mới chợt nhận ra mình khờ khạo, không thuộc những bài hát sinh hoạt đơn giản, những quy định tối thiểu của sinh hoạt nhóm. Tôi rất thích tham dự những buổi sinh hoạt hát hò, các công tác từ thiện xã hội, nhưng bị mặc cảm về những hạn chế của mình và không biết cách thức phải sinh hoạt ra sao. Tôi nghĩ sau này lớn lên, khi tung mình vào các môi trường xã hội các em sẽ cảm nhận được những giá trị mà chúng đón nhận được từ nơi anh lúc này.
Vừa chơi, tôi vừa lén nhìn anh nhã nhễ mồ hôi khi hát, sinh hoạt với các em. Tìm tôi đập rộn ràng, một cảm giác nao nao. Thương anh cách lạ lùng. Một cảm giác tự nhiên tôi không hiểu và chưa từng có trước đây. Một ý nghĩ táo bạo loé lên trong tôi: muốn chiếm trọn anh cho riêng mình.
Mọi tiết mục (trò chơi) anh cho chơi, tôi đều hưởng ứng, tham dự tích cực. Tôi cũng không hiểu sao hôm nay đứng trước anh và các em vùng này tôi tự tin cách lạ thường, không như những dịp tham dự ở trường, ở lớp. Có phải cách thức anh đưa những người tham dự vào cuộc chơi một cách đặc biệt, không phải là lối trình diễn, thể hiện mình như tôi đã từng thấy nơi những người khác?
Chúng tôi đang chơi hào hứng. Bỗng dưng thấy anh nhìn ra dòng sông và bảo các em dừng. Rồi anh dặn dò điều này điều kia.. vì nước đã lên và anh phải về. Tụi trẻ có vẻ tiếc nuối vì cuộc chơi chấm dứt. Nhưng có lẽ quen với sự đến rồi ra về bất chợt của anh nên chúng ngoan ngoãn nghe theo. Lúc chia tay, các em lại tíu tít đủ điều. Chúng mong anh mau lại xuống thăm chúng. Có lẽ, vì chúng quý mến anh nên tôi cũng được hưởng lây. Tôi cảm nghiệm một tình liên đới giữa con người với con người cách đặc biệt. Tôi cũng là dân vùng này, nhưng hôm nay tôi cũng có sức hút đấy chứ? ?
Tôi và anh trở lại bến đò. Vẫn chưa có đò. Chúng tôi đến ngồi dưới gốc cây, nơi anh để xe. Anh lấy chai nước ra mời tôi uống. Chúng tôi ngồi đợi đò và nghỉ ngơi cho đỡ mệt.
Tôi nghĩ đây là lúc thuận tiện để thăm dò những thông tin về anh. Vì từ nãy tới giờ tôi đâu có dịp nào thuận tiện. Thấy anh mồ hôi nhễ nhãi, tôi định lấy khăn giấy ra lau cho anh. Nhưng nghĩ mình là con gái, lại mới gặp anh mấy tiếng đồng hồ chưa biết thế nào nên tôi thôi. Tôi đưa để anh tự lau lấy.
Anh hỏi tôi cảm thấy thế nào? Có vui không?
Tôi không muốn khen anh nhưng chỉ nói lên sự thật: chưa bao giờ em có một cuộc chơi vui như hôm nay. Đây sẽ là kỷ niệm đẹp trong đời em. Chắc sẽ không bao giờ em quên được. Hoá ra trễ đò mà lại hay!
Anh nhìn tôi cười đầy bí ẩn: cuộc đời là vậy đó. Nó là một trò chơi đã có giải đáp, nhưng chúng ta phải tìm cách giải nào có ý nghĩa nhất. Nó chứa đầy bí ẩn trong suốt hành trình ta đi tới. Nó không đơn giản như phép toán một cộng một là hai mà có những mối liên hệ vòng vo chằng chịt.
Tự dưng anh quay sang hỏi tôi: em có nhớ bài hát lúc nãy anh tập cho các cháu con nít ở đây không?
Tôi trả lời: Nhớ chứ! Nhưng em chưa thuộc! Anh hát lại cho em để em ghi được không?
Anh hát cho tôi nghe “Đời con một chuyến đi dài, dọc hành trình con âu yếm trong tay những hạt mầm cho tương lai rực rỡ, con gieo xuống bên vệ đường đất đỏ, thật trìu mến như muốn ngỏ tình yêu … để một sớm, để một trưa, để một chiều, để thêm mưa, để thêm nhiều giọt nắng, đường con qua sẽ rực thắm muôn hoa…”1
Anh vừa hát xong thì đò cập bến. Lúc này đã có nhiều người đang đứng đợi ở bến đò. Chúng tôi đi tới và cùng nhau lên đò.
Bác chèo đò, đang chống sào đẩy con đò ra xa khỏi bến.
Tôi vào trong khoang ngồi nhưng anh lại đứng ở mũi đò, mặt hướng xa, nhìn nước mênh mông, trời cao trong xanh và như đang suy nghĩ điều gì đó. Anh đứng bất động như hoà quyện vào đất trời bao la. Nhìn anh, tôi khát khao được đứng bên, cùng anh hoà quyện vào cái thế giới bao la ấy. Tôi mường tượng ra một ngày nào đó được đầu kề vào vai anh để anh truyền cho sức mạnh. Nhưng không biết bao giờ mới thành hiện thực? Bây giờ tôi muốn lắm nhưng không thể. Tôi không dám phá vỡ cõi riêng tư của anh.
Mọi khi tôi thấy bác chèo đò chèo chậm dãi khoan thai nhưng hôm này tôi có cảm tưởng bác chèo vội vàng hơn mọi khi. Tôi muốn cứ được ngồi nhìn anh như vầy mãi. Nhưng thời gian không ngừng trôi. Đò đã cập bến. Giờ nói lời chia tay với anh đã đến.
Đò cập bến. Bác chèo đò vừa bắt xong tấm ván là anh đã vội vàng dắt xe lên. Không quay lại chào tôi một tiếng. Anh tệ thật. Thế là anh đi thật ư.
Tôi lòng buồn bực, lững thững bước lên bờ chen lấn trong đoàn người đang vội vã bước lên. Tôi như nhói đau trong tim. Tôi có cảm giác hụt hẫng, như vừa tuột mất cái gì đó không bao giờ lấy lại được. Tôi tự xấu hổ và cảm thấy mình thật vô lý…
- Này cô bé. Anh gọi.
Tôi vờ như không nghe thấy. Anh lại gọi lần nữa.
- Này! Thanh Tâm.
Khi anh gọi đúng tên tôi, nghe anh gọi tôi cảm nhận được sự quan tâm, lo lắng anh dành cho tôi. Tôi quay về tiếng anh gọi mà chân vẫn bước vờ như không nhìn thấy anh. Anh vẫy tay về phía tôi và nói:
- Anh quên mất. Em đi xe đò, phải đợi ở đây cả tiếng đồ hồ mới có chuyến xe cuối cùng từ ngã ba chạy vào. Nếu muốn đi quá giang đến ngã ba anh cho đi. Rồi sau đó bắt xe buýt cho nhanh.
Tôi mừng hết cỡ. Nhưng còn ra vẻ lưỡng lự. Vì từ lúc ở bên kia đò tôi đã có ý định xin đi nhờ nhưng còn e ngại. Tính tôi vốn không muốn nhờ vả nhưng với anh sự thể lại khác. Giờ anh gợi ý cho đi qua giang còn gì bằng. Tôi nói ra vẻ đắn đo:
- Vậy cũng được. Em đỡ mất thời gian và cũng đỡ tốn tiền xe.
Con đường từ bến đò ra ngã ba chừng năm cây số. Đường đất lồi lõm. Những lần trước thỉnh thoảng bị nhỡ đò, tôi vẫn đi xe ôm. Tôi phát khiếp khi các chú xe ôm chạy. Ngồi đằng sau người cứ nẩy lên tưng tưng. Mỗi lần như thế, tôi phải ôm chặt lấy bác tài nếu không muốn bị rớt. Lần này không vậy. Anh chạy đều đều. Tôi cảm tưởng những ổ gà ổ vịt đi đâu hết. Tôi mong có cơ hội ôm chầm lấy anh mà không có.
Đi gần đến ngã ba, tôi nghĩ trường mình nằm trên đường về trung tâm thành phố nên muốn xin anh cho quá giang cả thể và để anh biết chỗ có dịp nào ghé qua chơi. Tôi nói lên ý định của mình và được anh đồng ý.
Xe tiếp tục chạy bon bon. Ngồi đằng sau anh bao nhiêu suy nghĩ mông lung hiện về trong trí tưởng tượng của tôi. Nhìn sang hai bên đường rừng đước xanh bạt ngàn trải dài mêng mông, lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng buâng quơ.
Nhoáng một cái, anh đã chạy đến trước cổng trường tôi. Chừng bốn chục cây số từ đò đến trường tôi, những hôm nào thuận giờ, đi xe buýt nhanh cũng phải mất gần hai tiếng. Nay chưa đầy một tiếng đồng hồ tôi đã có mặt trước cổng ký túc xá.
Xe anh dừng trước cổng. Tôi mời anh lên phòng uống nước và để biết chỗ ở của tôi nhưng anh từ chối vì đã trễ giờ, anh phải về.
Mời anh lên phòng không được tôi định xin địa chỉ, số điện thoại để liên lạc. Nhưng nghĩ mình là con gái, ai lại làm vậy. Hơn nữa, tôi có thể dọ tìm, xin bà con ven sông địa chỉ của anh cũng được.
Khi xe anh phóng đi rồi, hoà theo dòng chảy vô tận của dòng người tôi mới giật mình và tiếc nuối. Giữa dòng người đông đúc như kia nêu không biết đích xác về anh khó có thể gặp lại. Một cảm giác tiếc nuối trong tôi.
Từ lần đó đến nay, tôi không bao giờ gặp lại anh nữa. Tôi có dò la tin tức bà con ven sông, nhưng họ chỉ biết anh ở trên thành phố xuống thăm họ là đủ. Họ chẳng có nhu cầu phải xin địa chỉ … Cuộc sống của họ rất đơn giản, nhưng cũng rất chân tình. Tôi âm thầm ấp ủ những tình cảm đẹp có về anh. Tôi chẳng biết phải gọi tình cảm này là gì. Tôi chỉ biết hình ảnh anh luôn hiện diện trong tôi.
Thời gian trôi đi, tôi tốt nghiệp đại học, và làm cho một công ty đa quốc gia. Công ty tôi có chi nhánh ở nhiều nơi trong khắp đất nước. Tôi được chuyển ra Hà Nội để làm việc. Ở đó tôi quen Anh Sơn, sau mấy năm làm chung, tìm hiểu nhau chúng tôi đã tiến tới hôn nhân. Hiện tôi đã có hai con. Chúng đều xinh sắn, ngoan ngoãn. Gia đình tôi hạnh phúc vì chúng tôi có thời gian dài tìm hiểu nhau trước khi tiến đến hôn nhân và chúng tôi được cả hai bên nội ngoại thương mến. Tuy vậy, nơi sâu thẳm tâm hồn, tôi vẫn chừa một khoảng trống cho những hình ảnh cao đẹp tôi đã có về anh, dù chúng chỉ gặp gỡ có một lần trong đời:
“cái thủa ban đầu lưu luyến ấy
ngàn năm hỏi dễ mấy ai quên”.

***
Mấy hôm nay, về đến nhà, nhìn cảnh mẹ tôi nằm thở thoi thóp.
Mẹ như ngọn đèn trước gió. Các bác sĩ bó tay trước căn bệnh của mẹ. Mẹ nằm đợi tử thần đến rước đi. Tôi có cảm giác mẹ rất ung dung tự tại trước cái chết. Mẹ tôi càng bình an bao nhiêu thì tôi lại càng khắc khoải bấy nhiêu. Lâu nay, tôi ít khi suy nghĩ về cái chết, về phận người… Chẳng nhẽ cuộc đời con người bi đát vậy sao? Sống ở đời này làm gì? Trên đời này không thiếu gì những con người thừa ý chí, thừa trí khôn, kể cả những kẻ được mệnh danh là “làm nên lịch sử” chung quy cũng chỉ là những nhân vật của một tấm bi hài kịch vĩ đại và bất tận sao? Con người chỉ là con vật chết rồi hết!
Mấy trăm tiết học về chính trị, học về chủ thuyết Mac - Lênin thật vô ích, không giúp tôi vượt qua được biến cố hiện sinh trước mắt. Nó không giúp trả lời đâu là những giá trị mẹ tôi đã vất vả tạo lập suốt cuộc đời?
Chuyện gì đến sẽ đến. Con người chẳng thể níu kéo thêm cuộc sống ở cõi đời này. Mẹ tôi đã ra đi. Điều làm tôi ngạc nhiên, mẹ tôi ra đi trong bình an, thanh thản, như đi vào giấc ngủ, đi vào một thế giới khác. Tôi cảm nhận mẹ vẫn đang hiện diện đâu đây cùng chị em chúng tôi.
Vùng tôi, lác đác có những người, những gia đình theo đạo Công Giáo. Nguyên do, chú Hai Tương, bên cạnh nhà tôi bị đưa đi “học tập cải tạo” sau biến cố 1975 và ở cùng một ông Cha. Chú được ông cảm hoá. Sau khi “đi học tập” về chú đã hướng dẫn, giúp đỡ những người khác theo Đạo.
Nghe đâu, lúc đầu cũng có nhiều khó khăn từ chính quyền lắm. Tôi biết được chuyện này vì mẹ tôi và các em cũng là những người theo đạo. Phải chăng mẹ tôi đã tìm ra được chân lý cho cuộc đời mình trong niềm tin của Đạo?
Vì đã sống xa gia đình, xa làng xóm cả chục năm và đang là đảng viên, tôi là người duy nhất trong gia đình chưa vào Đạo. Nên trong suốt mấy ngày mẹ tôi nằm xuống bà con đến đọc kinh cầu nguyện cho mẹ, tôi chẳng biết phải làm gì; chỉ biết tiếp đón, mời nước lúc họ mới đến cũng như trước lúc họ về. Có lẽ vì lý do trên, và cũng với tư cách là chị hai, nên sáng này, sáng cuối cùng trước khi tiễn biệt mẹ tôi ra nơi an nghỉ cuối cùng, các em giao cho tôi nhiệm vụ đáp từ khách mỗi khi có hội đoàn đến cầu nguyện, kính viếng. Em tôi còn dặn kỹ càng hôm nay có “cha” đến dâng lễ nên chị …
Không biết tôi được nghe câu nói “tôn giáo là thứ thuốc phiện ru ngủ” bao nhiêu lần trong mọi cuộc học tập liên quan tới chính trị, tôn giáo nhưng những ngày này, đứng trước sự ra đi của mẹ tôi, tình cảm và đức tin của những người đồng đạo đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều.
Tôi chưa xét đến mặt đức tin, chỉ xét riêng mặt xã hội thì tôn giáo vẫn còn nguyên những giá trị của nó. Nó làm cho con người sống xứng đáng là người hơn.
Tôi đang ngồi trong phòng suy tính công việc thì cậu út chạy vào:
- Chị hai ơi! Cha đến rồi. Nhờ chị ra tiếp chuyện giúp em.
Tôi đứng lên, chỉnh lại quần áo cho ngay ngắn và đi ra. Nhìn thấy anh, tôi quên mất anh là “cha” đến dâng lễ cầu nguyện cho mẹ tôi. Tôi hấp tấp, vồn vã chạy đến bên và hỏi: anh Ngọc! Anh còn nhớ em không? Em là Thanh Tâm, cô bé cách đây hơn mười năm về trước cùng nhỡ đò với anh và sau đó anh cho em đi thăm bà con ven sông và sinh hoạt văn nghệ với các em ở đó. Và rồi, còn cho em đi quá giang về tận ký túc xá… Từ hồi ấy, em tìm gặp anh mà không được.
Anh vẫn dáng người như thủa nào, nở nụ cười hiền từ và hỏi tôi: ủa đây là nhà em à. Tôi có nghe mọi người nói về em, nhưng không nghĩ là người tôi đã từng gặp.
- Dạ! Đây đúng là nhà em.
Lúc này tôi giật mình nhớ ra cậu út nói ra tiếp ông cha. Chẳng lẽ anh là cha đạo? Tôi phải xưng hô thế nào đây. Ngôn ngữ của những người có đạo tôi không rành. Tôi mời anh ngồi và nói chuyện cách thân tình. Tôi kể cho anh đôi chút về hoàn cảnh và cuộc sống của tôi. Lúc này bà con đã đến rất đông, tôi không hiểu tại sao mọi người từ già đến trẻ đều chào anh là Cha một cách thành kính. Tôi chẳng biết mình phải xưng hô thế nào?
Đang băn khoăn thì cậu út vào và mời cha ra chuẩn bị cử hành nghi lễ. Nhìn cung cách nói chuyện tự nhiên và thân tình của tôi với anh, cậu út tôi ngạc nhiên và hỏi:
Chị hai quen cha à? Chị có hay về quê đâu mà lại quen được cha? Với lại cha ở thành phố chỉ những dịp lễ lớn mới về đây “dâng lễ trộm” rồi lại đi ngay, chị gặp ngài khi nào?
Tôi nhìn anh với ánh mắt ra hiệu và gật đầu nói với cậu út: con người là một huyền nhiệm đầy bí ẩn với những mối liên hệ vòng vo chằng chịt…
Trong buổi hành lễ, anh giảng những điều trong đạo tôi không hiểu được nhiều lắm. Có câu anh giảng làm tôi thấy vững tin hơn khi nhìn về cái chết: hạt lúa mì gieo vào lòng đất, có thối đi mới sinh nhiều hạt khác. Bất cứ vật gì sống trên trần gian nay cũng phải vậy, ngay cả đối với cái chết của con người. Chúng ta không chết mà đi vào trong sự gặp gỡ Thiên Chúa một cách đầy đủ nhất.
Nghe anh giảng, trong tôi lại vang lên lời bài hát năm nào anh đã hát cho tôi. Bài hát mà đã bao nhiêu lần trong đời tôi hát để nhắc nhủ mình hãy gieo những hạt mầm cho tương lai rực rỡ …. đường con qua sẽ rực thắm muôn hoa…
Tôi chợt hiểu ra, tại sao mới gặp anh lần đầu trực giác tôi đã cảm nhận nơi anh những điều phi thường. Đời thất có ý nghĩa biết bao khi ta biết gieo xuống cho đời, cho người, cho Trời những hạt mầm sự sống. Một niềm hy vọng về cõi xa xăm nào đó đang bừng lên trong tôi. Con người chết không phải là hết mà đang nảy mầm vào một sự sống mới…!


Giải ba
MẠCH NƯỚC NGẦM

SƠN THÙ DU

Nghi nhắm mắt lại, thấy từng ánh sáng bạc rớt xuống, rớt xuống, mỗi lúc một nhiều cho đến lúc tựa hồ một cơn mưa sao băng tạo nên một vệt sáng dài, nhưng lại mất hút khi vừa chạm vào đất, như thể đất đã chờ sẵn để nuốt không thể sót một tia sáng nào, rồi biến những tia sáng đó thành một dòng chảy ánh sáng sâu trong lòng đất. Và khi giọt sáng cuối cùng rơi xuống, mọi sự lại chìm trong bóng tối...
Nghi không mở mắt ra, không phải vì cô tiếc nuối hay muốn tận hưởng dư âm của cơn mưa ánh sáng đó, nhưng cô muốn xuyên thấu lòng đất để biết bằng cách nào những giọt sáng lại có thể chảy trong lòng đất, như thể một mạch nước ngầm. Nghi cũng muốn nhìn vào bóng tối, cái còn lại sau khi giọt sáng cuối cùng lịm tắt. Lòng thanh thản, cô muốn thấy cái sẽ hiện hình trong cái dày đặc đêm…
* * *
Một mạng sống bị loại bỏ khi Nghi và Vũ quyết định không thể có con vào lúc này. Lý do là cả hai chưa làm lễ cưới. Nhưng dường như đó không phải là nguyên nhân quan trọng nhất, bởi vì Nghi biết có một giáo xứ mà vị linh mục ở đó sẵn sàng dạy giáo lý và cử hành Bí tích Hôn phối cho bất cứ đôi nào đến xin mà không đòi hỏi những thủ tục rắc rối, trừ giấy chứng nhận Rửa tội, Thêm sức và tình trạng độc thân. Vì vậy, nếu muốn, Nghi và Vũ có thể đến đó và chỉ mất hơn một tháng để học giáo lý hôn nhân, sau đó có thể cử hành lễ cưới để hợp thức hóa cái thai. Mà đó cũng chẳng phải là giải pháp duy nhất. Nghi đã chẳng thấy đầy người Công Giáo đi làm thuê ở trọ, cứ sống chung với nhau rồi sinh con đẻ cái mà chẳng cần phải làm lễ cưới gì đó sao. Lý do xã hội cũng không phải là vấn đề đáng quan tâm. Xã hội bây giờ khác xưa lắm rồi, người ta không còn lên án những cô gái chưa chồng mà chửa; cũng chẳng còn cô gái chửa hoang nào bị gọt đầu bôi vôi hay nhốt rọ thả sông, cùng lắm là vài ba tiếng xì xầm sau lưng của các bà già cổ hủ hay những kẻ rảnh việc nhiều chuyện, nhưng họ nói mãi rồi cũng sẽ chán. Lý do chính là cả hai thấy mình chưa sẵn sàng để tiếp nhận thêm thành viên thứ 3 vào “tổ ấm” của họ. Cả hai bằng lòng với cái hiện tại của mình và không muốn bị xáo trộn.
Nghi và Vũ không mất nhiều thời gian lắm cho quyết định phá thai này. Kỹ năng làm việc giúp họ đi đến quyết định nhanh chóng. Nêu lên những lý do và chọn điều gì phục vụ tốt nhất cho cuộc sống của mình, những lý do khác sẽ được coi là thứ yếu và bị loại bỏ dễ dàng.
Vũ thẳng thắn : - Anh mới lên trưởng phòng. Áp lực công việc không cho phép anh có thời gian chăm sóc em lúc thai nghén, lại càng không thể có thời gian cho con lúc này.
Nghi không chất vấn những lý do của Vũ. Cô chỉ hình dung bao nhiêu thứ rắc rối khi mang thai, những mệt mỏi cô phải chịu, nhất là khi cô phải ở một mình những lúc Vũ đi công tác. Hơn nữa, Nghi cũng không muốn nuôi con một mình. Dù sao, giữa Nghi và Vũ cũng chưa có gì ràng buộc chính thức, cả hai chỉ đang sống thử. Vũ có thể bỏ cô bất cứ lúc nào, và cũng có thể là cô sẽ chia tay khi thấy không còn hợp với Vũ nữa.
Nghi thừa thông minh và dư tiền để giải quyết cái thai của mình một cách nhẹ nhàng và ít đau đớn nhất. Nhưng vốn vẫn đặt sức khỏe lên hàng đầu, Nghi xin nghỉ dưỡng bệnh một tuần để tránh những hậu quả về sau do phá thai. Nhưng đó lại là một quyết định sai lầm đối với Nghi (hay là một cơ may cho cô ?). Thay vì được nghỉ dưỡng để hồi phục sức khỏe, tinh thần Nghi lại sa sút nghiêm trọng. Mọi sự đã không đơn giản như Nghi nghĩ. Trí thông minh của Nghi đã không thể thấy trước được những hậu quả khi cô quyết định phá thai. Ngay ngày đầu tiên, khi vừa đặt lưng xuống nệm, Nghi chưa kịp tận hưởng cảm giác thoải mái trong không khí thanh vắng và dễ chịu của mùi hương hoa hồng mà Nghi rất thích, thì chính cái thanh vắng lại là môi trường để cảm giác tội lỗi bắt đầu xuất hiện và tấn công cô. Là người có óc thực tế, Nghi rất ngạc nhiên khi cảm giác đó xâm chiếm cô. Nghi vẫn quan niệm rằng, sự day dứt lương tâm chỉ là kết quả của những lo sợ về sự trừng phạt vì những điều mình làm mà những người yếu bóng vía hay tưởng tượng ra. Còn Nghi, khi đi phá thai đã không hề hình dung đó là giọt máu chứa đựng sự sống, càng không nghĩ đó sẽ là một con người. Nghi đủ mạnh mẽ (và cả lạnh lùng) để nghĩ việc phá thai chỉ đơn giản là bỏ đi một cái gì đó không cần thiết, thậm chí là gây cản trở cho hạnh phúc của cô. Nghi đã cố hết sức tránh không để cho mình nghĩ vẩn vơ. Vì thế, Nghi không thể hiểu nổi tại sao có những day dứt và những cơn mơ ám ảnh cô. Trong giấc ngủ chập chờn, Nghi nghe như có tiếng em bé khóc gọi mẹ, nhưng tuyệt nhiên không thấy một đứa bé nào. Tiếng khóc không rõ ràng nhưng làm Nghi rợn hết cả người. Vốn là người mạnh mẽ, Nghi tìm mọi cách để thoát khỏi tiếng khóc đầy ám ảnh đó, cô đọc sách, xem phim, mở nhạc thật lớn... Nhưng dường như mọi cố gắng của Nghi đều vô ích, tiếng khóc đó như mũi khoan, cứ khoan xoáy vào tận nơi sâu thẳm của Nghi khiến cô gần như lúc thức cũng nghe thấy. Và cho đến đỉnh điểm, khi tiếng khóc đó gào lên thành một lời buộc tội rằng Nghi là kẻ giết người thì Nghi biết mình hoàn toàn gục ngã.
– Chúng ta phải đi xưng tội !
Nghi nói như người mộng du khi dựng Vũ dậy vào lúc nửa đêm. Vũ biết Nghi có vấn đề, nhưng “luật tôn trọng” không cho phép Vũ gặng hỏi khi Nghi không muốn nói. Vũ nhẹ nhàng :
– Bây giờ là nửa đêm rồi, có gì sáng mai chúng ta nói.
Nghi tiếp tục mà không cần nghe Vũ nói gì :
– Chúng ta đã giết người ! Chúng ta phải đi xưng tội !
Vũ thở dài. Anh ngạc nhiên khi nghe Nghi nói như thế. Anh không thể tưởng tượng được chuyện phá thai lại làm cho Nghi bị suy sụp nhanh chóng như vậy. Bởi cũng như Nghi, anh đã nghĩ thật đơn giản rằng, anh chưa sẵn sàng để đón đứa con, và anh có quyền từ chối nó. Từ chối đón nhận một người, như anh vẫn quen từ chối những con người gây cản trở cho công việc của anh. Thế thôi. Như vậy là giết người sao ? Theo như Nghi nói, thì cái thai mới chỉ là giọt máu thôi mà, có thực sự nghiêm trọng để phải gọi là giết người không ? Nhưng Vũ đã không biết tất cả những gì đang diễn ra trong tâm hồn Nghi, cái gì đang dày vò, cắn rứt Nghi.
–  Được rồi. Để anh sắp xếp thời gian.
Khi một người không bình tĩnh, người còn lại không tranh cãi, và người kia phải nhận ra điều đó để dừng lại. Đó là một trong những luật mà Vũ và Nghi đã đặt ra khi quyết định sống chung. Nhưng dường như Nghi chẳng còn nhớ luật lệ gì nữa, cô nói gần như gào lên :
– Ngày mai. Ngay ngày mai chúng ta phải đi xưng tội. Chúng ta đã giết người.
Trong thoáng chốc, Vũ có cảm tưởng như anh bị lôi vào cái cảm giác tội lỗi của Nghi. Những động từ “xưng tội”, “giết người” làm anh cảm thấy khó chịu. Cũng như Nghi, anh cố gắng tìm mọi cách để thoát ra khỏi điều đó. Anh không muốn mình rơi vào tình trạng giống như Nghi. Thật ra thì khuôn mặt của Nghi trong những ngày vừa qua đã ám ảnh anh. Nghi trông khốn khổ, nhăn nhúm như bị ai đó nhàu nhò, bóp nghiến… Anh với tay lấy cho Nghi liều thuốc ngủ, còn anh, chong mắt nhìn lên trần nhà. Trong bóng tối lờ mờ của ánh đèn ngủ, Vũ nhận ra mình bất lực. Thật sự thì anh đã không thể làm gì được cho Nghi, cũng như cho chính anh để có thể thoát ra khỏi tình trạng này. Có thể nơi anh, sự giày vò không lớn như Nghi, nhưng chắc chắn, có cái gì đó đang diễn ra trong tâm hồn đã đè bẹp sự mạnh mẽ, lạnh lùng và quyết đoán nơi những người có óc thực tế và sống lý trí như anh và Nghi. Bất giác Vũ cảm thấy anh và Nghi (là những con người) thật đáng thương…
Có lẽ Nghi đúng. Sáng mai, anh sẽ xin nghỉ làm để đưa Nghi đi xưng tội. Vũ quyết định như vậy trước khi trôi vào cơn mộng mị của riêng mình.
* * *
… Mạch nước ngầm, nó chảy sâu trong lòng đất. Người ta có thể đi trên nó mà không biết, người ta cũng có thể quên lãng hoặc chẳng bao giờ quan tâm nghĩ đến nó. Nhưng không vì thế mà nó cạn khô, không vì thế mà nó không ngừng tích tụ cho mình những giọt nước tinh khiết nhất, để bất cứ khi nào con người cần đến, con người nhớ ra và đào bới tìm kiếm, nó lại trào vọt một dòng nước trong suốt không chỉ đủ mạnh để cuốn trôi những dơ bẩn, không chỉ đủ nhiều để thỏa mãn những cơn khát, mà cái chính là nó sẽ đem lại sự sống. Vì khi cần đến sự sống, hay để phục vụ cho sự sống, con người sẽ tìm đến những mạch nước ngầm.

 
Tác giả bài viết: Lm. Võ Tá Khánh
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét