Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

KHOA HỌC, TOÁN HỌC, LÝ LUẬN: CÁC PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN ĐẠO CỦA GIÁO SĨ DÒNG TÊN ALEXANDRE DE RHODES TẠI VIỆT NAM TRONG THẾ KỶ MƯỜI BẨY





 
Dr. Barbara Widenor Maggs
(Associate, Russian and East European Center,
University of Illinois at Urbana-Champaign).

Ngô Bắc dịch

 

Các học giả cũng như công chúng biểu lộ sự quan tâm liên tục đến các hoạt động truyền đạo sâu rộng của các giáo sĩ Dòng Tên trong thế kỷ mười bẩy tại Trung Hoa.(1) Tuy nhiên, một số ít người ở phương Tây hay biết được các nỗ lực đáng kể thực hiện gần như đồng thời bởi ông Alexandre de Rhodes trong khối dân láng giềng phía nam của Trung Hoa, Việt Nam. De Rhodes, một giáo sĩ dòng Tên từ Avignon, Pháp Quốc, hiểu rõ sức mạnh của các ý tưởng; và, như một cá nhân đi trước thời đại về mặt tri thức, ông đã sử dụng một cách khéo léo một loạt các ý tưởng mới trong việc thuyết phục người dân Việt Nam chấp nhận thông điệp tôn giáo mà ông mang đến cho họ.

Thật khó khăn để trình bày cho đầy đủ trong một bài nghiên cứu ngắn về tất cả những thành tích đáng kinh ngạc của de Rhodes. Người ta sẽ cần phải thảo luận về các sự đóng góp của ông ta trong nhiều lãnh vực cụ thể khác nhau: đối với người dân Việt Nam, đặc biệt về mặt tôn giáo và ngữ học; đối với Giáo Hội Công Giáo La Mã, về việc mở rộng thành công công tác của phái bộ tại Á Châu; và đối với người Âu Châu, những người mà ông đã cung cấp, xuyên qua các tập tường trình lôi cuốn của ông về các cuộc du hành, không phải chỉ gồm một kho tàng kiến thức mới về Đông Nam Á không thôi, mà còn về các quan điểm của ông về những giá trị mà ông nhìn thấy trong văn hóa Á Châu: nét nổi bật trong các tập tường trình du hành của ông về đề tài chủ nghĩa thế giới một nhà - sự sẵn lòng thừa nhận các giá trị của những người khác và ngay cả việc cứu xét để thích ứng văn hóa riêng của mình với các yếu tố văn hóa ngọai lai, một trong những khái niệm then chốt trong thế kỷ kế tiếp của thời kỳ Giác Ngộ - mang lại một hình ảnh sáng chói về bản chất tiên tiến trong các tư tưởng của de Rhodes và về sự hấp thụ của ông các tư tưởng đó.

Nhưng để hiểu và tán thưởng de Rhodes, điều có thể hữu dụng hơn là nên chú tâm về một khía cạnh đặc biệt trong công trình của ông thay vì tham gia vào một sự phân tích ngắn gọn trên từng một trong nhiều thành quả của ông. Bằng việc khảo sát kỹ càng một chủ đề cá biệt trong các tác phẩm của ông, người ta có thể có được một cái nhìn thấu triệt đầy ý nghĩa vào cả nhãn quan trí thức lẫn phương pháp ảnh hưởng của ông trên người Việt Nam: sự trình bày kiên trì của de Rhodes về kiến thức khoa học mới của Âu Châu cũng như các sự ứng dụng đương đại của Âu Châu về khái niệm lý luận học tượng trưng cho một trong những đề mục năng động nhất trong các chủ điểm này. Trong khi sự sử dụng các ý tưởng này chỉ cấu thành một phần nhỏ trong chiều hướng truyền đạo của de Rhodes, vốn dĩ chủ yếu có tính chất thần học,(2) điều quan trọng là vạch ra sự ràng buộc của ông với kỷ nguyên trí thức mà ông sống trong đó cũng như với thời đại kế tiếp.

Sự sử dụng khoa học, toán học và lý luận học thực ra đã là phương pháp đã sẵn được chứng tỏ là thành công cho giáo sĩ Dòng Tên Matteo Ricci, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong việc bành trướng ban đầu Thiên Chúa Giáo tại Trung Hoa. Như Ricci đã giải thích trong nhật ký của ông: Bất kể ai có ý nghĩ rằng đạo đức học, vật lý học và toán học không có tầm quan trọng trong công tác của Giáo Hội, là kẻ không hiểu biết về khẩu vị của người Trung Hoa, vốn dĩ chậm chạp trong việc uống liều thuốc bổ tinh thần, cho đến khi nào nó được pha chế với một hương vị trí thức.(3) Alexandre de Rhodes, khởi sự công tác truyền giáo của mình tại Việt Nam hồi cuối năm 1624 hay đầu năm 1625, vào khoảng mười bốn năm sau sự từ trần của Ricci, đã nhập tâm châm ngôn về vị giác của người tiền nhiệm, để thích ứng hóa tư tưởng tiến bộ nhất của Âu Châu lúc bấy giờ với khẩu vị của các thính giả của chính ông tại Việt Nạm.

Nguyên do tại sao De Rhodes ít được biết đến ngày nay như đúng với tầm mức của ông, ít nhất một phần là vì không có sự tiếp cận với những tác phẩm mà ông đã viết về Việt Nam, không dưới tám tác phẩm đã được ấn hành tại Pháp và Ý Đại Lợi tính cho đến giữa thế kỷ mười bẩy (4). Các chuyên viên am tường về công trình của de Rhodes không tiếc lời ca ngợi các thành quả của ông. Học giả và sử gia dòng Tên, William V. Bangert, gọi de Rhodes là một trong những nhà truyền giáo dòng Tên hữu hiệu nhất của mọi thời đại.(5) Và học giả người Pháp Claude Larre và đồng sự người Việt Nam của ông, Phạm Đình Khiêm, cả hai đã cùng biên tập cho việc tái bản quyển Phép Giảng (Catechism) của de Rhodes bằng tiếng Việt năm 1961, tuyên bố rằng công trình truyền đạo sáng chói của giáo sĩ dòng Tên này không kém phần xuất sắc so với công việc của Matteo Ricci.(6)

De Rhodes sinh năm 1593 (7), tại lãnh địa của giáo hoàng vùng Avignon, Pháp Quốc, nơi mà tổ tiên của ông, những người Do Thái cải đạo, đã di cư đến từ Tây Ban Nha. Sau khi hoàn tất sự huấn luyện trong chủng viện tại cơ sở Jesuit Novitiate of Santa Andrea al Quirinale thuộc Rome, và sự học hỏi cao hơn về thần học tại cùng thành phố này, de Rhodes, rất hài lòng, đã nhận được sự bổ nhiệm năm 1618 sang phái bộ truyền giáo Công Giáo La Mã tại Á Châu. Ông lúc ban đầu hy vọng có một nhiệm vụ tại Nhật Bản, như ông cho hay nơi phần mở đầu của quyển Divers voyages, vào ngay thời điểm mà sự ngược đãi khởi sự tại đó, (8) và đã nhiều lần lập lại lời yêu cầu về sự bổ nhiệm đó. Ông đến Macao trong tháng Năm năm 1623, có một giáo sĩ dòng Tên người Bồ Đào Nha đi kèm, Antanio Cardim, là người, đã trải qua một cuộc du hành, bao gồm cả những lúc cư trú kéo dài tại Goa, tại hòn đảo lân cận Salsette, và tại Malacca, kéo dài trong bốn năm. Chính tại Macao, trụ sở chính của các họat động truyền giáo của Tỉnh Hạt Nhật Bản, bao gồm cả Cochinchina (Đàng Trong) và Tonkin (Đàng Ngòai), de Rhodes đã ở lại một năm rưỡi, để chờ đợi đến nhịệm sở sau cùng. Nhưng bởi Nhật Bản khi đó đã đóng cửa đối với các nhà truyền đạo Thiên Chúa Giáo, de Rhodes trong năm 1624 đã được bổ nhiệm thay vào đó đến một phái bộ tương đối mới tại Cochinchina (Đàng Trong nước Việt).

Vào lúc này Cochinchina, cùng với Tonkin nằm ngay sát cạnh về phía bắc, tức bắc phần Việt Nam bây giờ, tạo thành một quốc gia độc lập, đặt dưới sự cai trị trên hình thức bởi triều Lê, với mỗi vùng được cai quản bởi một vị chúa riêng. Trong thực tế, các vị chúa này nắm giữ quyền bính, trong khi các vua Lê chỉ có rất ít thực quyền. Vào thời điểm cập bến của de Rhodes trong mùa đông 1624-1625 cùng với sáu giáo sĩ khác, hai miền, Cochinchina và Tonkin, sắp bước vào một cuộc chiến tranh công khai với nhau.

Trong khi Thiên Chúa Giáo đã được du nhập vào Tonkin và Cochinchina bởi các giáo sĩ Âu Châu thuộc nhiều dòng khác nhau trong thế kỷ mười sáu, phái bộ dòng Tên mới chỉ khởi sự chưa đầy một thập kỷ trước khi de Rhodes đến nơi. Các Linh Mục Francesco Buzomi và Diego Carvalho, và Sư Huynh Antanio Dias, đã là các người khởi đầu công việc của dòng Tên trong năm 1615, sau được gia nhập bởi nhiều tu sĩ khác trong những năm kế đó.

Sau mười tám tháng công tác truyền đạo tại Đàng Trong, trong đó de Rhodes học hỏi về tiếng nói Đàng Trong – Đàng Ngoài hay ngôn ngữ Việt Nam và tìm hiểu về các tôn giáo, phong tục và chính quyền của xứ sở, ông được triệu hồi bởi thượng cấp sang Macao, để chuẩn bị cho một cuộc di chuyển vào năm 1627 sang Đàng Ngoài. Do sự thông thạo tiếng Việt của ông, ông đã được tuyển chọn, cùng với Paro Marques, làm nhân viên cho phái bộ mới tại đó.

Kiến thức tuyệt hảo của de Rhodes về ngôn ngữ của người Đàng Trong và Đàng Ngoài giúp cho ông có thể tiến hành một dự án trở thành một trong những sự đóng góp lớn lao nhất cho dân chúng của hai miền này: dự án nhằm phát triển một hệ thống ký âm bằng mẫu tự La Tinh ngôn ngữ Việt Nam, vào lúc đó vẫn dùng sự kết hợp các chữ bắt nguồn từ Hán tự để biểu thị cả về mặt hài thanh lẫn hội ý. Nhiều nhà truyền giáo khác, trong đó có Gaspar d’Amaral và Antanio de Barbosa, cũng đã thử nghiệm với lọai ký âm này, giúp cho các nhà truyền đạo ghi chú các tiếng Việt cho sử sử dụng riêng của họ, chẳng hạn trong các bài văn giảng đạo, dưới một hình thức khả dụng hơn đối với họ. Văn bản dùng mẫu tự la mã cũng cho phép các nhà truyền đạo sản xuất ra các tài liệu tôn giáo cho các kẻ cải đạo tân tòng dưới một hình thức mà họ có thể học đọc không quá khó khăn. De Rhodes đã sử dụng công trình của các đồng sự, nhưng ông là người có công trong việc hoàn chỉnh hệ thống ký âm bằng mẫu tự la mã này, mà các nền tảng vẫn còn tồn tại đến ngày nay.(9) Cũng chính de Rhodes là người sau rốt đã ấn hành quyển sách đầu tiên viết bằng tiếng Việt Nam dưới hình thức ký âm mới này, quyển Catachismus, hay Catechism in Eight Days (Phép Giảng Tám Ngày) . Bởi sự hoàn tất việc ký âm ngôn ngữ, ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa của Đàng Trong và Đàng Ngoài trong nhiều đường hướng quan trọng khác nhau, đã giúp cho, thí dụ, người Việt Nam có thể tương giao một cách dễ dàng hơn với các nước Âu Châu, bằng việc sử dụng các mẫu tự La Tinh,(10) cho nên de Rhodes đến giờ phút này vẫn được tưởng nhớ và rất kính trọng tại Việt Nam.

De Rhodes tiếp tục công tác truyền giáo của mình tại Tonkin trong hai năm bất kể sự chống đối nẩy nở về phía vị Chúa Đàng Ngoài. Mặc dù sau cùng bị tống xuất vào năm 1629, ông đã ở lại trong vương quốc trong một năm nữa, cho đến mùa xuân năm 1630, khi ông quay trở lại Macao. Tại nơi đây ông đã sống qua một thời kỳ mười năm, phục vụ với tư cách linh mục tuyên úy cho các tân tín đồ Thiên Chúa gốc Trung Hoa, giảng dạy về thần học tại một trường cao đẳng của dòng Tên, và đôi khi công tác tại tỉnh Quảng Đông trong nội địa nữa. Sự cư trú cưỡng bách của ông tại Macao không phải là do sự thù nghịch của các giới chức thẩm quyền tại Đàng Ngoài hay Đàng Trong, mà bởi sự miễn cưỡng của thượng cấp của de Rhodes không muốn phái ông trở lại khu vực đó nữa.(11)

Với sự bổ nhiệm một linh mục bề trên mới tại Macao, de Rhodes sau hết đã có thể trở lại Đàng Trong vào năm 1640, lần này làm bề trên của phái bộ ở đó. Rồi thì ông đã bắt đầu một thời kỳ năm năm tạo nhiều thành quả nhưng cũng đầy nguy hiểm, trong đó ông thường bị trục xuất bởi các giới chức thẩm quyền và bị cưỡng bách hoặc tạm thời quay về Macao, hay như ông thích làm hơn, di chuyển một cách bí mật trong các tỉnh của Đàng Trong. Ông đã chứng kiến trong giai đọan này cuộc xử trảm thày giảng của ông tên André, vị thánh tử đạo Công Giáo đầu tiên tại Đàng Trong. Cuối cùng trong năm 1645, sau khi chính ông bị kết án tử hình, sau đó được phóng thích rồi bị trục xuất bởi vị Chúa Đàng Trong, de Rhodes đã chia tay lần cuối với Đàng Trong. Từ Macao ông quay trở lại Âu Châu, đến nơi vào năm 1649; ở nơi đó ông đã thành công trong việc thúc đẩy các sự thay đổi trong sự tổ chức các phái bộ Đàng Trong và Đàng Ngoài. Ngoài ra, ông đã ấn hành nhiều tác phẩm liên quan đến Đàng Trong và Đàng Ngòai. De Rhoes được bổ nhiệm sang Isfahan, Ba Tư nơi mà ông từ trần vào năm 1660.

Trong tập bút ký du hành nổi tiếng nhất và được phiên dịch rộng rãi nhất của ông, quyển Divers voyages, de Rhodes trình bày một hình ảnh màu mè tiêu biểu cho phương pháp khởi sự công tác truyền giáo của ông bằng cách dành được sự chú ý của những người nắm giữ quyền bính. Trong tháng Ba năm 1627, sau ba năm đầu tiên làm việc tại Đàng Trong, vị giáo sĩ dòng Tên này được di chuyển đến nơi trú ngụ mới tại Đàng Ngoài. Không lâu sau khi đến nơi, ông đã biếu tặng vị Chúa, chúa Trịnh Tráng, hai tặng phẩm từ Âu Châu, một chiếc đồng hồ và cái đồng hồ bằng cát của từng giờ (hourglass). Trong khi trình bày về chiếc đồng hồ tự động gõ điểm giờ, de Rhodes đã giải thích rằng chiếc đồng hồ sẽ lại điểm giờ khi mà cát đã hoàn toàn lọt qua cái [eo] đồng hồ cát. Khi gần hết một giờ vị Chúa, mắt theo dõi cát, đã trở nên ngờ vực rất nhiều. "Nó đã chảy hết rồi kìa," ông ta nói, "và đồng hồ của ông đâu có điểm giờ. Ngay vào chính lúc đó chiếc đồng hồ buông tiếng gõ điểm giờ. Chúa Trịnh Tráng kinh ngạc và vui thích, và tức thời mời de Rhodes ở lại với ông ta trong hai năm và thường gặp mặt ông.(12)

Trong câu chuyện này de Rhodes không chỉ trình bày một cận ảnh về một nhà cai trị hiếu kỳ và rõ ràng bị cảm kích, nhưng cũng phơi lộ cùng lúc khá nhiều điều về chính ông, về các mối ưu tư tri thức của Âu Châu thế kỷ mười bẩy, và về các phương pháp truyền giáo của dòng tu của ông. Dĩ nhiên, thế kỷ của de Rhodes đương trải qua một cuộc cách mạng về mặt tư tưởng: triết học kinh viện thời trung cổ, với sự nhấn mạnh trên các tín điều về tôn giáo, đang trong tiến trình nhường bước cho các sự quan tâm khác: tính chắc chắn của các khái niệm toán học mới, sự điều tra các nguyên tắc khoa học, sự quan sát thiên nhiên, và các phương pháp mới trong Khoa Học Nhân Văn về việc khảo cứu và giải thích các cá nhân và thế giới của ho. Sự lý luận chặt chẽ gắn liền với triết học kinh viện di chuyển sang các khu vực quan tâm mới, và chính sự lý luận đã được nâng cao thành một nguyên tắc có thể giúp vào việc giải quyết các sự mơ hồ trong môi trường bao quanh loài người.

Hội Tu Dòng Tên chú ý đến mọi sự phát triển tri thức này và đã nhận thức rõ khi mà thế kỷ này trôi qua triết học kinh viện sẽ mất đi căn bản của nó. Mặc dù nhiều nhà thần học dòng Tên nổi tiếng đã biện hộ cho học thuật kinh viện và đã đóng góp vào đó một sức sống mới vào hậu bán thế kỷ mười sáu,(13) Hội Tu đã cẩn trọng vào lúc khởi đầu thế kỷ mười bẩy để không hoàn toàn chào đón hay bãi bỏ các ý niệm truyền thống của triết học kinh viện.(14) Các nhà giáo dục dòng Tên đã thực hiện các nỗ lực cẩn trọng để theo kịp với các trào lưu trí thức đang thay đổi trong suốt thời kỳ này, những năm khi mà de Rhodes nhận được sự giáo dục và khởi đầu công việc của mình. Học trình của dòng Tên bao gồm không chỉ các ngôn ngữ cổ điển - một dấu hiệu của học thuật ngành Khoa Học Nhân Văn – mà còn có cả toán học và khoa học, khi đó nhận được sự chú trọng đáng kể trong thế giới tri thức.(15)

Tuy nhiên, từ lâu sự chuyên môn hóa trong các lãnh vực toán học và khoa học đã trở thành một nhu cầu đặc biệt cho các giáo sĩ truyền đạo dòng Tên tại vùng Đông Á. Chủ ý trình bày thông điệp của họ trong ngôn ngữ mà thính giả hiểu được và tán thưởng, và nhận thức rằng, kể từ những chuỗi ngày tiền phong của Francis Xavier tại Nhật Bản, sự lôi cuốn của toán học và khoa học đối với giới cầm quyền và học thức tại vùng Đông Á, các giáo sĩ dòng Tên đã xem các sự quan tâm tri thức này rất nghiêm chỉnh. Ngay từ năm 1552 Xavier đã từng viết lên Quốc Vương John III của Bồ Đào Nha khuyến cáo nhà vua rằng cần phải gửi các nhân vật có học thức cao để họ có thể trả lời được nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra cho họ từ dân chúng.(16) Ý niệm song hành về việc biểu diễn các thành quả khoa học của Âu Châu và việc tạo một cảm tưởng thuận lợi trên giới thượng lưu của một dân tộc sau này đã được công thức hóa cụ thể thành các nguyên tắc ấn định bởi Alessandro Valignano trong một kế hoạch mà ông đã phác họa cho các giáo sĩ dòng Tên được gửi sang Trung Hoa. Valignano đã thúc dục các giáo sĩ truyền đạo hãy sử dụng khoa học của Âu Châu như một phương cách để giới thiệu các khái niệm tôn giáo đến quần chúng. Trong một phần riêng biệt Valignano nhấn mạnh rằng việc chinh phục giới học thức, những người giữ trọng trách trong chính phủ, sẽ thúc đẩy mau lẹ sự cải đạo dân tộc của họ.(17) Các giáo sĩ dòng tên sau này tại Trung Hoa đã ghi tâm khắc cốt các lời khuyến cáo này đến nỗi các kẻ thù của họ đã ám chỉ một cách chua chát [họ] như là các nhà toán học.(18) Chính de Rhodes đã chuẩn bị trong nhiều năm cho các công tác quan trọng này. Ông đã không chỉ học về toán trong thời tu đạo tại Rome, mà trong sáu tháng trước ngày khởi hành sang Á Châu, ông cho chúng ta hay biết, việc học toán đã là mối bận tâm chính của ông.(19)

Chiến thuật của de Rhodes về việc giới thiệu khoa học Âu Châu và các phát minh cơ khí dưới hình thức đồng hồ gõ chuông tại Bắc Việt đã đạt được sự thành công tiên khởi, thu phục tạm thời thiện cảm của vị chúa tể. Tuy nhiên, khi chúa Trịnh Tráng bị áp lực phải kháng cự lại ảnh hưởng của các giáo sĩ truyền đạo, chúa đã bắt đầu tách biệt de Rhodes ra khỏi triều đình. Sau đó vị giáo sĩ dòng Tên này lại thử nghiệm một chiều hướng khác, trong nỗ lực dành lại sự tín nhiệm của vị chúa cai trị với kiến thức của ông về thiên văn học. Tiến đoán một hiện tượng nguyệt thực, de Rhodes và các đồng sự đã phác họa một biểu đồ và một bản mô tả biến cố, nhiều ngày trước khi nó xảy ra. Vào lúc này, bởi họ không còn được tự do ra vào phủ chúa nữa, các giáo sĩ, như de Rhodes ghi nhận, đã tìm được một cách để biểu đồ mà chúng ta đã ấn hành lọt vào tay vị chúa tể. Trịnh Tráng, de Rhodes ghi nhận tiếp, tán dương cao độ khoa học của chúng ta; vị chúa đã cố tái lập danh tiếng của các vị giáo sĩ chống lại sự tấn công của các người chống đối.(20) Trong khi vào lúc kết cuộc, de Rhodes vẫn bị cấm đóan giảng đạo, và bị tống xuất bởi vị chúa tể, ông ta đã thành công trong việc dành được sự quan tâm của những nhân vật thuộc giới cầm quyền.

De Rhodes đã tiếp nối cuộc biểu diễn thiên văn học khéo léo trước vị chúa bằng một cuộc trình bày tạo ấn tượng tương tự kiến thức của ông trước vị tổng đốc tỉnh Ghean (Nghệ An), nơi mà sau khi bị trục xuất bởi Chúa Đàng Ngoài, ông đã lưu trú tại đây một thời gian. Tại đây, ông đã có cơ hội để tiên đoán một hiện tượng che khuất khác, lần này là nhật thực. Phản ứng của vị tổng đốc là tất cả những gì mà de Rhodes có thể mong đợi. Viên chủ tỉnh không chỉ biện hộ cho các giáo sĩ truyền đạo trước những kẻ gièm pha, mà ông ta còn cổ động cho sự chấp nhận thông điệp khác mà các ngọai nhân mang tới. Vị chủ tỉnh đã tuyên bố, nếu các người này biết cách làm sao có thể tiên đóan với sự bảo đảm và chính xác các bí mật của bàu trời và các tinh tú như thế -- là điều chúng ta không biết và vượt quá khả năng của chúng ta, tại sao chúng ta lại không tin tưởng rằng họ nói đúng về sự hiểu biết Luật của vị Chúa Trời và đất, và về những chân lý mà họ đã thuyết giảng cho chúng ta…? (21) Nỗ lực của de Rhodes để kết hợp cả chân lý khoa học với chân lý tinh thần về Trời (ciel, heaven), một phương pháp mà ông đã từng áp dụng nhiều lần, lại mang đến kết quả tốt, ít nhất trong nhất thời.

Với thời gian, các vị Chúa Đàng Ngoài bắt đầy lo sợ ảnh hưởng của de Rhodes và trở nên ngày càng thù nghịch với ông ta. Tuy nhiên, de Rhodes vẫn tiếp tục thu hút được quần chúng có học, cũng dựa vào chiều hướng khoa hoc mà ông đã thực hiện với các nhà lãnh đạo. Nhìn thấy sự thành công của mình trong vấn đề thiên thực, vị giáo sĩ dòng Tên này đã đưa ra nhiều sự nối kết chính thức hơn giữa toán học, thiên văn và sự giải thích của ông về giáo lý Thiên Chúa Giáo. Trước phần cuối của quyển Cathechismus của mình, tập cẩm nang ông sọan bằng Việt ngữ dành cho các thày giảng và tín đồ người (Việt) Đàng Trong và Đàng Ngoài, de Rhodes, thí dụ, đã đưa ra một sự tường thuật lịch sử về việc chịu đóng đinh trên thánh giá của Chúa Giê Su. Trong việc mô tả cảnh trời tối sầm tiếp theo sau cuộc đóng đinh trên thập tự giá, ông đã dành một đọan khá dài so với phần còn lại của bài tường thuật để tranh luận về mặt khoa học rằng sự sầm tối này đã không thể bị gây ra bởi một hiện tượng nhật thực tự nhiên dựa vào vị trí của các thiên thể vào năm xảy ra cuộc đóng đinh trên thập tự giá. (22)

Sự nhấn mạnh của de Rhodes về các nguyên tắc toán học và khoa học không chỉ phát sinh từ ước muốn của ông nhằm dành đựoc sự chú ý và tín nhiệm của các giới cầm quyền và trí thức mà còn từ sự say đắm của chính cá nhân ông vào tinh thần khoa học mới đang thịnh hành tại Âu Châu trong thời đại của ông. De Rhodes đã du hành trong tinh thần phân tích của thế kỷ của ông. Người ta nhìn thấy trong cung cách của ông bóng dáng của phương pháp luận của Thomas Hobbes, một người cùng thời với ông, là kẻ đã biện luận cho phương pháp khoa học và tầm quan trọng của việc cân và đo lường.(23) Những người thuộc phái tôn giáo chính thống cũng tiến tới việc tìm cách chứng minh bằng việc thực hiện vô số các sự phân tích khoa học về thế giới vật lý xảy ra quanh họ, dựa trên sự phát biểu trong sách Khôn Ngoan (Book of Wisdom (11:20), nhưng bạn sẽ phải sắp xếp mọi thứ theo số đo, con số và trọng lượng.(24) Vì thế, de Rhodes đã đi đo -- một cách gần chính xác nếu không phải là xác định – vùng bờ biển Đàng Trong và Đàng Ngòai, tạo ra một bản đồ bổ túc nhiều chi tiết đáng kể cho sự hiểu biết sơ sài trước đó của Âu Châu về địa dư của hai miền.(25) Mặt khác theo đuổi các khuynh hướng phân tích của mình, de Rhodes đã ghi chú cặn kẽ về thiên nhiên – trình bày tinh thần khoa học đương đại và cùng một lúc cả sự rời bỏ từ từ của Âu Châu khỏi khái niệm truyền thống xem thiên nhiên như một thế giới của ma quỷ và các thế lực độc ác và từ đó một nơi tập trung tội lỗi.(26)

Liên hệ chặt chẽ với sự quan tâm của de Rhodes về khoa học và toán học là sự tập chú của ông về một chủ điểm khác có tầm quan trọng gia tăng tại Âu Châu trong thế kỷ mười bẩy, các sự ứng dụng mới của khái niệm về sự lý luận. Đã từng đắm chìm khi là một học trò trong các cách suy tư đương đại ngay trước khi rời khỏi Âu Châu năm 1619, và được chuẩn bị bằng kinh nghiệm và sự thực hành của dòng Tên hầu lợi dụng sự nhấn mạnh vào sự lý luận trong văn hóa Khổng học, de Rhodes đã có sự quan tâm vô cùng cẩn trọng về vấn đề này. Trong tư tưởng thần học của de Rhodes cả sự lý luận và sự mặc khải đều có tầm quan trọng sinh tử, sự mặc khải để hiểu chân lý tôn giáo được ban cấp bởi Thượng Đế khác với sự hiểu biết đạt được xuyên qua sự lý luận.(27) Nhưng sự chú ý của de Rhodes về lý luận mà chúng ta quan tâm đến ở đây là vì nó phản ảnh căn bản trí thức Âu Châu của ông. Rõ ràng là de Rhodes đã tin tưởng rằng có một căn bản chung đáng kể giữa ý niệm về sự lý luận của chính ông với ý nghĩ của các thính và độc giả có học của ông tại Đàng Ngoài và Đàng Trong, và sự thành công của ông trong việc lôi cuốn khối khán thính giả của ông xem ra cho thấy ông đã nghĩ đúng trong sự tin tưởng này.

Sự lý luận, trong công việc của de Rhodes, đóng ba vai trò riêng biệt nhau, mỗi vai trò sẽ chiếu rọi ánh sáng quý giá vào mối tương quan của tư tưởng của vị giáo sĩ dòng Tên với cả tư tưởng Âu Châu đương đại vào giữ thế kỷ mười bẩy, cũng như cả với tư duy thời Giác Ngộ đang phát triển. Trong trước tác của de Rhodes, từ ngữ lý luận trong một ý nghĩa để chỉ khái niệm truyền thống của lý trí bẩm sinh có sẵn trong tất cả con người, giúp họ hiểu được một số chân lý nào đó. Lý luận cũng để chỉ một phương pháp luận, một phương thức đã được chấp nhận từ lâu để đạt tới các sự kết luận xuyên qua một sự phân tích có hệ thống; và hơn nữa, trong một ý nghĩa mới của thế kỷ mười bẩy, lý luận cấu thành một nguyên tắc, được truyền cho mọi người, để lọai bỏ sự mê tín và những gì không phù hợp với các quy luật vật lý của vũ trụ hay chân lý có thể trình bày được.

Sự sử dụng tiến trình lý luận như một phương pháp luận, dĩ nhiên, không có gì mới mẻ trong thế kỷ mười bẩy. Nó đã được nâng lên một mức độ phát triển cao hơn bởi các triết gia kinh viện thời trung cổ vốn là các chuyên viên về việc diễn dịch các chân lý từ khuôn khổ tín điều đã được chấp nhận xuyên qua các sự tranh cãi lý luận chặt chẽ. Điều mới lạ trong thế kỷ mười bẩy là việc sử dụng tiến trình lý luận để đạt tới chân lý từ sự phân tích các sự kiện, đặc biệt từ sự quan sát các hiện tượng tự nhiên, hơn là từ các chân lý siêu hình đã được chấp nhận một cách phổ biến.(28) Khi de Rhodes sử dụng từ ngữ lý luận để chỉ một phương pháp luận, một cách suy tưởng quan trọng, đôi khi ông kết hợp vào đó một khái niệm mới mẻ hơn về lý luận, một sự tín nhiệm vững chắc vào các định luật vật lý của thiên nhiên. Các sự biểu lộ rõ rệt trong cách kết hợp các ý nghĩa này của de Rhodes nảy sinh từ sự chống đối mạnh mẽ của ông về điều ông đã nhìn thấy như là tình trạng mê tín lan tràn trong người dân Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài.
Trong khi de Rhodes mở rộng đáng kể để đón nhận nhiều tập tục văn hóa khác biệt với văn hóa của chính mình, như được đề cập bên trên, những ý tưởng bốn bể một nhà (cosmospolitanism) có tính chất khá tiên tiến vào thời đại bấy giờ, biểu lộ niềm tin rằng những gì ông trông thấy trên bề mặt như là chân lý có thể chứng minh được không có nghĩa là hoàn tòan sẽ có thể được chấp nhận bởi ông. Trong số các ý tưởng mà ông đối kháng một cách mãnh liệt nhất là những tư tưởng liên hệ đến sự tin tưởng lan tràn trong giới bình dân về pháp thuật và các thày phù thủy. Chẳng hạn, de Rhodes mô tả với vài sự khinh thị, niềm tin về việc cần đến các nhà toán học tại triều đình để lựa chọn ngày giờ tốt hầu giúp vua chúa cử hành một số hành vi nào đó, chẳng hạn như để đánh quân thù.(29) Ngoài ra, ông có chống lại niềm tin về các phần đất tốt, chẳng hạn như khu đất để chôn cất cha mẹ của một người, đặc biệt là cho hoàng gia. Nếu khu đất chôn cất hợp thức không tìm được, ông đã tường thuật với giọng điệu chỉ trích, điều được tin tưởng là gia tộc cai trị có thể mất đi quyền nắm ngôi chúa tể.(30) De Rhodes cũng chống đối lại căn bản mê tín cho sự nhận thức chung về việc phải thanh tóan bất kỳ món nợ nào đã nợ trong năm trước ngày Đầu Năm vì e ngại rằng sự bất tường sẽ xảy ra cho gia đình người đó.(31) Và ông đã bác khước về mặt triết lý cũng như cá nhân khái niệm thông thường cho rằng các giáo sĩ Tây Phương đã gây ra nạn hạn hán, và rằng chính ông là một thầy phù thủy có thể biến hơi thở thành bùa bỏ vào người mà ông nói chuyện.(32) Niềm tin cần cung cấp vào cuối năm quần áo bằng giấy tô màu, cắt dán tỉ mỉ cho người chết, và rồi đem đi đốt, xem ra đặc biệt làm de Rhodes điên tiết lên. Ông khai triển một sự chỉ trích khoa học vào tập tục này, vạch ra rằng sự tin tưởng rằng quần áo bị đốt sẽ có giá trị đối với người chết không phù hợp với những định luật của vũ trụ vật lý. Khi người dân Đàng Ngoài giải thích rằng với việc đốt cháy, các quần áo bằng giấy biến thành các trang phục dùng được cho người đã từ trần, de Rhodes và các đồng sự của ông đưa ra câu trả lời đầy thử thách này:

Đúng, chắc chắn … là chúng thay đổi - một phần thành tro và một phần thành lửa; như thế ông gửi phần nào đi, tro hay lửa ? Nếu gửi tro, người chết sẽ cảm lạnh dưới đống tro; nếu gửi lửa, họ bị đốt cháy trong quần áo nóng như thế.(33)

De Rhodes không phải là không hay biết sự kiện rằng một số trong các tín điều tôn giáo của chính ông có thể đối với người dân Đàng Trong và Đàng Ngòai cũng vô lý y như là các tín điều của họ đối với ông. Ông cũng đã từng có lần báo cáo một cách thẳng thắn sự áp dụng từ ngữ mê tín đối với chính tôn giáo của ông, với việc nhận thức rằng vị Chúa Đàng Trong đã ra lệnh cho một cảm tình viên đạo Thiên Chúa nào đó hãy giữ nguyên đạo của mình và từ bỏ mọi sự mê tín về đạo Thiên Chúa.(34) Nhưng de Rhodes, như chúng ta sẽ nhìn thấy, sử dụng lập luận rằng đạo Thiên Chúa trong thực tế là một tôn giáo của lý luận để phủ nhận bất kỳ ý tưởng chỉ trích nào như thế.

Trong khi de Rhodes cương quyết ủng hộ quan điểm Tây Phương đang phát triển cho rằng các định luật vật lý của vũ trụ có thể được dùng như một tiêu chuẩn để loại bỏ sự mê tín, sự nương tựa vào các định luật bất biến của vũ trụ còn lâu mới có tính chất tuyệt đối đối với ông như là đối với các người Âu Châu khác thời thế kỷ mười bẩy.(35) Sự tin tưởng của de Rhodes rằng các thế lực của thiện và ác liên tục tham gia vào sự vụ của con người đã trợ lực cho ông trong công tác truyền giáo bằng việc tạo lập ra một khu vực khá quan trọng khả dĩ làm thành một căn bản chung giữa ông và khối thính giả của ông. Các sự mô tả các cuộc đối đầu với cả hai thế lực này đầy rẫy trong các bản tường thuật về đời sống hàng ngày tại Đàng Ngoài và Đàng Trong của de Rhodes. Sự khinh thị của De Rhodes đối với các thầy pháp hay phù thủy, với ông là hiện thân của điều xấu của sự mê tín, đã giao tiếp với niềm tin của ông nơi sự can thiệp của Quỷ và các yêu ma thấp hơn khi ông mô tả nhiều phụ nữ bị quỷ ám. Như là một người Tây Phương có kiến thức chuyên môn, đôi khi de Rhodes được yêu cầu để trợ giúp những người như thế. Thảo luận về hai phụ nữ Đàng Trong được nói là có quyền lực siêu nhiên, de Rhodes bình luận rằng họ đã có thể làm được những điều mà họ không có khả năng làm được nếu yêu ma, tức Quỷ, đã không tiếp sức và tà tâm vào người đó.(36) Vị giáo sĩ mô tả một trong những phụ nữ đó, được xem là một bà đồng (bà cốt), hay bà thày bói, và giải thích tiến trình theo đó ma quỷ, cùng tác động với các thầy pháp, có thể đã nhập vào xác bà ấy và rồi phát ngôn qua bà ta. Bằng việc hành nghề này, de Rhodes ghi nhận, người đàn bà này đã kiếm được khối tiền.(37) Nhưng sau rốt bà ta bị quỷ ám vĩnh viễn. Sự tường thuật của de Rhodes nơi đây cùng với sự mô tả của ông về số phận của một bà đồng khác với những yêu thuật của bà ta tại Đàng Ngoài (38) ám chỉ rằng những người đàn bà này đã tri tình hợp tác với các thày pháp và sau hết, từ đó, với các thế lực xấu xa. Sự sử dụng các thành ngữ của de Rhodes như trong sự nô dịch phục vụ Quỷ và buôn bán với hỏa ngục (39) khi nói về các bà đồng hỗ trợ cho giả thiết rằng các phụ nữ này đã hành động với ý thức tự nguyện của chính họ. Vì thế, đây là những trường hợp không phải là quỷ ám đơn giản, mà là điều xuyên qua nhãn quan của phần lớn người Âu Châu thời bấy giờ là những thí dụ của tình trạng quỷ ám kết hợp với thuật phù thủy; tình trạng quỷ ám được xem là một trạng thái cưỡng bách trong đó một yêu ma nhập vào một người vì thế [người này] không phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình sau đó, trong khi cùng với phép phù thủy, ngược lại, liên can đến một sự thỏa thuận tự nguyện hợp tác với các thế lực ma quỷ. Một vài trường hợp liên can đến cả tình trạng quỷ ám lẫn thuật phù thủy được ghi nhận trong các hồ sơ tòa án tại Pháp.(40)

Trong thái độ của mình đối với các bà đồng cốt de Rhodes có thể được nhìn là đi trước xa những người cùng thời với ông: trong cả hai trường hợp ông bày tỏ một cái nhìn trắc ẩn. Về trường hợp bà đồng Đàng Ngoài, kẻ trước đây đã bỏ nghề [lên đồng] và đi theo đạo Thiên Chúa và rồi lại bị cưỡng bách trở thành bị qủy ám lần nữa, điều này có thể được xem là hoàn toàn tự nhiên, khi mà hoàn cảnh thứ nhì của bà ta đã phát triển trái với ý muốn của bà. Nhưng trong trường hợp bà đồng Đàng Trong cũng vậy, de Rhodes có bày tỏ cảm tình. Ông nói đến bà ta, khi bà ấy chuẩn bị cho lễ trừ tà, như là người đàn bà tốt; ông cũng khuyến cáo bà ta phải canh chừng, sau khi hồi phục, đừng bao giờ để nhập vào bà lần nào nữa con yêu ma đã từng làm hại bà như thế.(41) Quan điểm của de Rhodes trong cả hai trường hợp cho là người trong tình trạng này đáng được chữa trị hay giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của họ với ma quỷ; ông không qui trách họ, và cũng không đề cập gì đến việc cần trừng phạt.

Sự tin tuởng này đặc biệt tiến bộ đối với thời đại đó. Trong một thời kỳ khi mà các sự việc này xảy ra, khoảng cuối thập kỷ 1620 tại Đàng Ngoài và sau đó khoảng đầu thập kỷ 1640 tại Đàng Trong, thái độ thịnh hành tại Âu Châu đối với người được nghĩ là tri tình hợp tác với Quỷ khác biệt rõ ràng với thái độ của de Rhodes; sự truy tố các phù thủy vươn lên một mức độ rất cao vào thập kỷ 1620.(42) Mặc dù một vài thắc mắc về khái niệm này trong thực tế có được nêu ra ở nhiều thời điểm khác nhau trong suốt thế kỷ mười bẩy, sự điên khùng này đã không biến mất cho mãi đến cuối thế kỷ. (43) Đề nghị chữa trị hơn là trừng phạt trong thực tế đã được đưa ra bởi một ít cá nhân can đảm trước de Rhodes. Thí dụ, Montaigne ngờ vực về thuật phù thủy như ông cũng nghi ngờ nhiều điều khác nữa, đã bày tỏ ý kiến, sau khi nói chuyện với một phụ nữ bị tố cáo là bà phù thủy, rằng dược thảo trị bịnh điên sẽ thích hợp với bà ta hơn là liều độc dược.(44) Và trong thập niên 1580 phân khoa luật tại Đại Học Heidelberg phản bác án tử hình dành cho phù thủy; họ lập luận rằng tốt hơn là nên điều trị tâm hồn chứ không nên tra tấn và hủy hoại thân xác.(45) Song quan điểm này có tính cách ngoại lệ hiếm hoi trong những năm khi mà de Rhodes đối diện với những phụ nữ bị tố cáo hành nghề phù thủy tại Đàng Ngoài và Đàng Trong. Các sự tường thuật của ông, trình bày đến các độc giả Âu Châu trong một cung cách không gây xúc động nhưng quả quyết về ý tưởng điều trị nhân đạo cho cả những kẻ được xem là đồng hội đồng thuyền với các thế lực ma quỷ, rất có thể đã đóng một vai trò trong sự thay đổi sâu rộng thái độ đối với thuật phù thủy khởi diễn vào lúc mà tác phẩm của ông được ấn hành.

Sự quan tâm của De Rhodes về các thế lực siêu nhiên nảy sinh từ sự ưu tư của ông về các thế lực siêu đẳng của bên tốt cũng như bên xấu. Thí dụ, sự lưu tâm dành cho các thiên thần trong quyển Catechism (Phép Giảng) của ông, có lẽ phản ảnh sự lượng định sắc sảo của vị giáo sĩ dòng Tên về sự kiện rằng các tín đồ của ông tại Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài, quen thuộc, xuyên qua văn hóa và tôn giáo của chính họ, các sự tin tưởng nơi các đấng siêu nhiên, sẽ dễ tiếp nhận khía cạnh này của giáo lý Thiên Chúa.(46 ) Sự chứng thực ngoạn mục về các thế lực siêu nhiên của điều thiện xuất hiện trong nhiều báo cáo của de Rhodes về các hiện tượng kỳ diệu xảy ra trong các tín đồ của ông. Các sự tường thuật về người ốm đau được chữa lành đuợc kể đầy rẫy. Các thày giảng đạo của de Rhodes được ghi công về nhiều sự kiện kỳ diệu; tại một thị trấn ở Đàng Ngoài, de Rhodes ghi nhận, sáu thày giảng đã chữa trị cho 272 người bịnh. Tại nơi khác ở Đàng Ngoài, một số cá nhân bị mù đã khôi phục lại thị giác, và hai người đã chết được hồi sinh. (47) Tuy nhiên, liên hệ đến những sự việc này, de Rhodes đã nêu rõ sự trái nghịch giữa những sự can thiệp siêu nhiên như thế của thế lực bên thiện, cũng như của bên ác, với điều ông xem là sự mê tín phi lý – các sự tin tưởng về sự hên hay xui, niềm tin ở khả năng của những kẻ được gọi là thày phù thủy để xác định những khả tính này và để tiên đóan về tương lai, và sự buông thả theo những tập quán mâu thuẫn hiển nhiên với các định luật của vũ trụ vật lý.

Một sự sử dụng thứ nhì của từ ngữ lý luận, ngụ ý cụ thể về một phương pháp tranh luận, thể hiện đặc biệt rõ ràng trong quyển Cathechimus (Phép Giảng) của de Rhodes, văn bản được nghĩ rằng ông đã viết ra tại Macao trong thời khoảng từ 1636 đến 1645.(48) Các giáo sĩ trước đó trong thực tế có soạn thảo một quyển sách giảng đạo bằng tiếng Việt Nam, nhưng công trình này được xem là ngắn và không được khai triển sâu xa.(49) Hiển nhiên de Rhodes đã cảm thấy nhu cầu phải có một quyển sách cung cấp sự giảng dạy tốt hơn xuyên qua các sự giải thích chi tiết hơn về các chân lý của Thiên Chúa Giáo.(50) quyển sách giảng đạo của chính ông trong ấn bản song ngữ đầu tiên bao gồm 315 trang viết bằng chữ La Tinh nguyên gốc và chữ Việt Nam.(51) Vốn đã từng giảng dạy tại Đàng Ngoài và Đàng Trong khoảng bốn năm trước khi khởi thảo quyển sách, de Rhodes đã khai triển điều mà ông nhận thấy sẽ là một phương pháp thực tiễn để giải thích giáo lý Thiên Chúa cho các kẻ cải đạo tương lai của mình. Ông đi theo hệ thống giảng dậy này trong quyển Catechismus, giải thích trước tiên các nguyên tắc mà ông nhận thấy dễ được lĩnh hội nhất và rồi bước sang các nguyên lý mà khối thính giả của ông thường nhận thấy là khó thông hiểu hơn.(52)

Vào lúc này de Rhodes cũng đã quen thuộc với các phương pháp của các nhà lãnh đạo tôn giáo và triết học tại Đàng Trong và Đàng Ngòai, ông hiểu các người tán tụng Khổng Học nói riêng đã cậy dẫn nặng nề vào sự lý luận có hệ thống, và theo tính hợp lý trong các cuộc tranh luận triết học và thần học của họ như thế nào, và ông hiểu cách bác bỏ các luận cứ của họ, bằng cách sử dụng cùng một kỹ thuật như thế. Kỹ năng này trong việc lý luận và tranh biện có sẵn một cách tự nhiên trong con người de Rhodes, dĩ nhiên, do di sản mà ông tiếp nhận từ Ignatius of Loyola [1491-1556, giáo sĩ người Tây Ban Nha, sáng lập ra dòng Tên, chú của người dịch]. Quyển Spiritual Exercises (Linh Thao) của Ignatius, một tác phẩm nổi bật nhờ sự lý luận chặt chẽ, là quyển sách mà de Rhodes, giống như mọi giáo sĩ dòng Tên khác, hoàn toàn quen thuộc, trong một vài khía cạnh, đã là kiểu mẫu cho quyển sách Cathechismus của chính ông.(53)

Từ đó, điều tự nhiên là de Rhodes trong quyển Cathechismus của ông đã giải thích niềm tin của mình xuyên qua sự tranh biện được lý luận một cách cẩn thận. Chúng ta tìm thấy các thành ngữ như: chúng ta diễn dịch một cách rõ ràng (54) và điều cần để kết luận. (55) De Rhodes rất thường lý luận bằng cách loại suy dựa trên các đề tài thường nhật quen thuộc đối với độc giả của ông, cho thấy một lần nữa cả khảo hướng thực tế lẫn kiến thức đặc biệt sâu rộng của ông về khối thính giả của mình. Trong quyển Divers Voyages de Rhodes thảo luận sự sử dụng phương pháp này, kể lại một cuộc đối thọai có lần ông đã có tại Đàng Trong với một người ngoại đạo với một hàm ý rất tốt. (56) Hài lòng với một câu hỏi mà người đó đã đặt ra cho ông, nêu lên một vấn đề trong thực tế tạo ra bối rối cho Thánh Saint Augustine, de Rhodes giải thích cho các độc giả Âu Châu như sau: Tôi cẩn thận không trả lời ông ta bằng các điển tích tế vi có thể làm nặng đầu óc ông ta. Tôi đã quyết định đưa cho ông ta một sự so sánh nhỏ sẽ giải đáp thỏa đáng ông ấy. Ý kiến này nhắc nhở độc giả rằng de Rhodes, được huấn luyện về thần học kinh điển, hãy còn rất gần cận với các tư tưởng cổ truyền, nhưng đã có thể dứt bỏ một cách ngọan mục khỏi những phương pháp cổ xưa khi ông tự thích ứng với những đòi hỏi của nhiệm vụ trước mắt.

Một sự so sánh tương đồng trong quyển Cathechismus thảo luận về chính quyền, một đề tài có sự quan tâm đặc biệt của khối thính giả có học thức, nhiều người trong họ là viên chức chính quyền, đã cung cấp một thí dụ về phương pháp lý luận của de Rhodes. Ông tường thuật rằng các người dân Đàng Ngòai cũng như Đàng Trong đôi khi đặt câu hỏi, tại sao, nếu họ tôn kính Thượng Đế, họ lại không thể cũng tôn kính các thần tượng giữ một vai trò thấp hơn Thượng Đế. Họ lý luận, trong chính quyền, họ tôn thờ nhà vua, nhưng dưới nhà vua họ kính trọng các vị pháp quan và các viên chức khác nữa. De Rhodes trả lời rằng điều mà sự kiện này đã chứng tỏ là ngoài việc tôn thờ Thượng Đế, chúng ta còn phải tôn thờ các vị thánh, là các thân hữu của Thượng Đế và là kẻ lên tiếng giúp cho chúng ta. Các ngẫu tượng ngoại giáo, trái lại, không gì khác hơn là các ma quỷ, đã nổi loạn chống lại Thượng Đế. Các ngẫu tượng này không thể đẩy Thượng Đế ra khỏi sự tôn kính của chúng ta, nhưng lại có thể khiêu khích Thượng Đế trừng phạt chúng ta một cách chính đáng. Vì thế, de Rhodes chỉ ra, nhưng không phát biểu một cách thẳng thừng như thế, rằng sự lý luận tương đồng của các người đặt ra câu hỏi là sai. Những người tôn thờ kẻ nổi loạn hay kẻ đào ngũ, ông kết luận, chắc chắn chỉ chuốc lấy cho chính mình sự tức giận của nhà vua.(57)

Quyển Cathechismus của de Rhodes, mặc dù bị ảnh hưởng bởi phương pháp luận trong quyển Spiritual Exercises, tuy thế, đã khác biệt với tác phẩm trước đó về mục đích cũng như nội dung, quyển Phép Giảng có mục đích trình bày sự giải thích đức tin cho người chưa phải là bổn đạo, trong khi tác phẩm của Ignatius cung cấp một sự hướng dẫn tinh thần cho các tín đồ Thiên Chúa Giáo. Quyển Cathechismus cũng phơi bày một sự khác biệt đáng kể so với các phép giảng khác được hay biết tại Âu Châu vào thời đại của de Rhodes. Sự khác biệt phát lộ một lần nữa sự nhậy cảm sắc bén của vị giáo sĩ dòng Tên đối với các nhu cầu và kỳ vọng của khối thính giả Đông Nam Á Châu của ông. Thí dụ, trái với tác phẩm của de Rhodes, là các sách Phép Giảng rất phổ biến của giáo sĩ dòng Tên Diego de Ledesma (1519-1575), Peter Canisius (1521-1597), và Laurence Vaux (1519-1585).(58). Các tác phẩm này, dành cho các người đã sẵn có ít nhất một vài hiểu biết về đức tin, được viết ra và giải thích học thuyết Thiên Chúa Giáo; nhưng không giống như tác phẩm của de Rhodes, chúng không sử dụng sự lý luận chặt chẽ như là một phương pháp để trình bày.

Gần sát với quyển luận giảng của của de Rhodes hơn, về khía cạnh sử dụng lập luận hợp lý để giải thích học thuyết Thiên Chúa, là quyển Phép Giảng đầu tiên viết bằng chữ Hán, The True Record of the Lord of Heaven, trước tác bởi giáo sĩ truyền đạo dòng Tên Michele Ruggieri trong năm 1584.(59) Ruggieri, giống như de Rhodes, bám sát lấy lý luận kiểu Ignatius và công thức truyền đạo của dòng Tên, tiếp xúc với các độc giả Trung Hoa đọc quyển Phép Giảng của ông ta trong những cung cách có sức thuyết phục nhiều nhất đối với họ, nhấn mạnh đến cả phương pháp lý luận cũng như cả đến sự nương cậy vào lý trí bẩm sinh như là phương tiện để lĩnh hội sự thật. Rằng người ta nhìn nhận Thượng Đế xuyên qua sự lý luận, chứ không phải qua mắt nhìn, (60) như là một căn bản trong sách Phép Giảng của Ruggieri cũng như trong tác phẩm của de Rhodes khoảng nửa thế kỷ sau đó.

Một tác phẩm thứ nhì của dòng Tên giải thích Thiên Chúa Giáo cho người Trung Hoa là quyển The True Meaning of the Lord of Heaven (T’ien-chu shih-I), được ấn hành tại Bắc Kinh năm 1603 bởi Matteo Ricci.(61) Đây là công trình tái biên soạn quyển phép gảng của Ruggieri thành điều các chuyên viên ngày nay xem không hẳn là một quyển giảng đạo thực sự mà đúng hơn một tập đối thoại trước khi truyền đạo.(62) Tác phẩm này không chỉ đạt được sự thành công tức thời mà còn để lại ảnh hưởng lâu dài tại cả Trung Hoa lẫn các nơi khác của Á Châu. Mặc dù Ricci đã thay đổi đáng kể khảo hướng được nhận thấy trong tác phẩm của Ruggieri, ông đã giữ lại sự nhấn mạnh đến vai trò của lý trí trong đời sống con người.(63)

Chúng ta không rõ là liệu kiến thức về Hán ngữ của de Rhodes có đủ giúp ông đọc và thực hiện một cuộc nghiên cứu chi tiết các tác phẩm viết bằng tiếng Trung Hoa này hay không, nhưng xuyên qua các sự tiếp xúc của ông với các giáo sĩ dòng Tên khác tại Macao chắc chắn ông có hay biết về quyển phép giảng của Ricci, và có lẽ cả về tác phẩm của Ruggieri nữa. Trong thực tế, ông có nhìn thấy một tác phẩm về Thiên Chúa Giáo viết bằng tiếng Trung Hoa đã tìm cách du nhập được vào Đàng Ngoài, nhiều phần chính là quyển phép giảng của Ricci.(64) Các người cải đạo của chính de Rhodes trong số người dân Đàng Ngoài và Đàng Trong có một căn bản -- từ Khổng học, Phật Giáo, và Đạo Giáo – tương tự như căn bản của các khối thính giả của Ruggieri và Ricci; vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy de Rhodes cũng chọn để đặt sự nhấn mạnh đáng kể vào khái niệm lý trí bẩm sinh của loài người và vào việc sử dụng lý luận trong sự trình bày của ông. Tuy nhiên, vai trò của lý trí có tính cách ít quan trọng hơn trong tác phẩm của de Rhodes so với tác phẩm của Ricci. Khuôn khổ của de Rhodes khác với khuôn khổ của Ricci, là người đi theo phương pháp luận Trung Hoa, áp dụng một cơ cấu đối thoại trong sự giải thích của ông về các nguyên lý Thiên Chúa Giáo, thường nêu ra các câu hỏi không cần đáp án đòi hỏi người đọc đồng ý với người viết.(65) Ngược lại, de Rhodes đã lựa chọn khuôn khổ cho mình trong một loạt tám cuộc thảo luận hay nói chuyện thường dựa trên sự sử dụng lý luận xuyên qua sự tranh biện bằng lý luận, khảo hướng vốn sẵn được chứng tỏ thành công cho ông khi nói chuyện với các khối thính giả Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài.

Ý niệm về lý trí bẩm sinh, tư tưởng cho rằng mọi con người đều được ban cho khả năng nhận biết được một số chân lý căn bản nào đó, cấu thành ý nghĩa thứ ba của từ ngữ lý luận trong tác phẩm của de Rhodes. De Rhodes ám chỉ trong quyển Cathechismus của mình về lý trí tự nhiên đuợc in dấu trong tâm bởi Thượng Đế,(66) và ông đề cập đến tâm hồn hợp lý trong con người.(67) Loại lý trí này khi đó phục vụ như nền tảng cho một số vấn đề học lý cá biệt; thí dụ việc thờ phụng đấng sáng thế và vị Chúa Trời và Đất, thì hợp với lẽ phải. (68) De Rhodes hấp dẫn ở đây không chỉ là đối với giới thượng lưu Khổng học, được biết tin cậy nhiều vào sự lý luận, mà còn cả với giới trí thức Phật Giáo. Sự nhấn mạnh trên lý trí, ông có ghi nhận ở nơi khác, đưa đến các kết quả thành công với các Tu Sĩ Phái Thờ Thần Tượng (Priests of the Idols) (một từ ngữ ông dùng để chỉ các tu sĩ Phật Giáo).(69) Các thính giả này, ông giải thích, … đều lấy làm hân hoan khi tôi vạch ra với họ rằng tôn giáo của chúng ta phù hợp với lẽ phải, và ngưỡng mộ trên hết Mười Điều Răn của Thượng Đế, nhận thấy rằng không còn gì hợp lý hơn có thể được thốt ra hay đáng được phơi bày ra bởi vị Chúa Tể Tối Cao trên thế giới. (70)

Sự nhấn mạnh của de Rhodes vào lý luận chắc chắn góp phần vào sự thành công của ông trong việc đành được các người cải đạo. Cùng lúc đó, mặc dù ông chưa hề bao giờ dự liệu một kết quả như thế, sự lôi cuốn của ông đối với người Đàng Ngoài và Đàng Trong về ý nghĩa của sức mạnh của lý luận có thễ cũng đã góp phần vào, trong cung cách riêng của chính nó, sự định hình các tư tưởng ở Âu Châu. Trong khi số độc giả nói chung tại Âu Châu nghiên cứu kỹ lưỡng bản văn bằng tiếng La Tinh quyển Cathechismus có bị hạn chế, dĩ nhiên, tác phẩm này, cùng với các bút ký du hành của de Rhodes, vốn được đọc rộng rãi hơn – rất có thể đã mang lại một ảnh hưởng hoàn toàn khác biệt với bất kỳ thứ gì mà de Rhodes có thể mong đợi: sự lôi cuốn gia tăng đối với một số người tại Âu Châu về sự nượng cậy ở lý luận như là một cột trụ chống đỡ quan trọng cho tôn giáo, và sự suy yếu tất nhiên, mặc dù không bị loại bỏ, của sự mặc khải như là một căn bản của Thiên Chúa Giáo. Tiến trình này sau rốt dẫn đến trong thế kỷ mười tám ý niệm về tôn giáo tự nhiên trong đó sự mặc khải không có đóng một vai trò nào cả. (71)

Các học giả ngày nay vạch ra nhiều thành quả quan trọng của de Rhodes đối với Giáo Hội. Trong số những thành quả này là các sự canh cải cơ cấu phái bộ truyền giáo tại ngay chính Việt Nam: việc xây dựng trên ý niệm các thày giảng bổn xứ, một hệ thống khởi đầu bởi các giáo sĩ truyền đạo khác ở Á Châu mà de Rhodes đã áp dụng với sự thành công lớn lao, xong ông đã áp lực và đạt được sự chấp thuận lần đầu tiên tại Đông Nam Á việc các giám mục Âu Châu có thể truyền chức cho một tu sĩ bản xứ. Ngoài các sự canh cải thuộc về cơ cấu này, dẫn đến việc thổ dân hóa Giáo Hội Công Giáo La Mã tại Việt Nam, de Rhodes cống hiến cho Giáo Hội không chỉ các bài tường thuật được viết một cách cẩn thận về công việc của ông, mà còn cùng với quyển Phép Giảng của mình, một tác phẩm sẽ được dùng trong nhiều thế kỷ bởi Giáo Hội Công Giáo La Mã tại Việt Nam.

Nhưng thành quả vĩ đại nhất của ông đối với Giáo Hội chắc chắn là việc dành được một lượng to lớn các người cải đạo tại Đàng Trong và Đàng Ngoài. Trong khi rất khó để lượng định sự chính xác về con số người cải đạo đã được báo cáo – thí dụ, tại Đàng Ngoài, là 6,700 người trong thời kỳ ba năm đầu tiên mà de Rhodes hoạt động tại đó(72) -- sự tăng trưởng vượt bực của Giáo Hội tại cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong trong giai đọan có công tác truyền giáo của de Rhodes là điều không có gì phải thắc mắc. Chắc chắn là cá tính hấp dẫn của ông, được thể hiện mạnh mẽ trong các bài tường thuật của ông, đã góp phần lớn cho sự thành công này. Nhưng,ngoài ra, người ta còn phải kể đến nhiều chiến lược cân nhắc mà ông đã áp dụng để dành đạt được mục tiêu của mình. Trong số này, sự lôi cuốn người dân Đàng Ngòai và Đàng Trong, đặc biệt là giới thượng lưu, với sự biểu diễn khoa học Âu Châu và các lối suy tư mới có tầm quan trọng tối hậu. Xuyên qua các kỹ năng của ông về toán học và thiên văn học, sự tò mò cá nhân của ông về thiên nhiên, sự quyết đóan của ông rằng lý luận đòi hỏi các định luật của vật lý học phải được dùng như một phương tiện để thăm dò và chống đối sự di đoan và sự thần bí -- người ta nhận thấy rằng vị giáo sĩ dòng Tên này tượng trưng cho những tư tưởng Âu Châu hiện đại nhất. Giống như Ricci tại Trung Hoa, de Rhodes đã sử dụng một liều lượng hào phóng đồ gia vị trí thức Âu Châu để nêm vào bữa ăn tinh thần mà ông chuẩn bị cho các khách mời của ông.


----------------------------------------------------------------------------------------

1. Trong số các cuộc nghiên cứu gần đây nhất, là công trình của Bonnie B.B. Oh và Charles Ẹ Ronan, S.J. (eds), East Meets West: The Jesuits in China, 1552–1773 (Chicago,1988); F. Masini (ed), Western Humanistic Culture Presented to China by Jesuit Missionaires (XVII–XVIII Centuries) (Bibliotheca Instituti Historici S. L.," no. 49 [Rome, 1996); John W. Witek, S.J. (ed), Ferdinand Verbiest (1623–1688); Jesuit Missionary, Scientist, Engineer and Diplomat ("Monumenta Serica" Monograph Series, 30 [Nettetal, 1994]; Noel Golvers (ed), The Astronomia Europaea of Ferdinand Verbiest, S.J. (Dillingen,1687) ("Monumenta Serica" Monograph Series, 28 [Nettetal, 1993]); Jonathan D. Spence, The Memory Palace de Matteo Ricci (New York, 1985): Basil Guy, "Ad Majorem Societatis Gloriam"; Jesuit Perspectives on Chinese Mores in the Seventeenth and Eighteenth Centuries," trong Exoticism in the Enlightenment, edd. G.S. Rousseau và Roy Porter (Manchester,1990), các trang 66-85; và Étiemble, L’Europe chinoise (Paris,1988), Vol. 1: De l’Empire romain À Leibniz. Trong nhiều các cuộc nghiên cứu trước đây, xem: Arnold H. Rowbotham, Missionary and Mandarin: The Jesuits at the Court of China (Berkeley, California, 1942); A. Owen Aldridge, "Voltaire and the Cult of China," Tamkang Review, 2, no. 3, và 3, no. 1 (October, 1971-April, 1972), 25-49; Donald F. Lach, Asia in the Making of Europe (nhiều tập; Chicago, 1965- trở lvề sau); Étiemble, Les Jésuites en Chine (1552-1773): La Querelle des rites (Paris, 1966).
2. Về các phương pháp thâm nhập văn hóa của de Rhodes, có nghĩa, các chiến lược của ông khiến tôn giáo Thiên Chúa tiếp cận được với một nền văn hóa không chịu ảnh hưởng Thiên Chúa, xem bài nghiên cứu tuyệt hảo của Peter C. Phan, Mission and Catechesis: Alexandre de Rhodes and Inculturation in Seventeenth Century Vietnam (Maryknoll, New York, 1998), các trang 69-106 và 191-202).
3. Matteo Ricci, S.J., China in the Sixteenth Century: The Journals of Matteo Ricci: 1583-1610, dịch từ bản La Ngữ của Nicholas Trigault, S.J., bởi Louis J. Gallagher, S.J. (New York, 1953), trang 325.
4. Trong số này có: Divers voyages du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres royaumes de l’Orient, avec son retour en Europe par la Perse et l’Arménie(Paris, 1653); Histoire du Royaume de Tunquin et des grands progrèz que la predication de l’Évangile y a faits en la conversion des Infidelles, Depuis l’Année 1627 jusques à l’Année 1646, dịch từ La Ngữ bởi Henry Albi (Lyon, 1651); La Glorieuse mort d’Andrée catachiste de la Cochinchine, qui a le premier versé son sang pour la querelle de Jésus Christ, en cette nouvelle l’Eglise (Paris, 1653); Cathechismus pro iis qui volunt suscipere Baptismum in octo dies divisus (Rome, 1651); về bản dịch sang Anh ngữ quyển phép giảng, xem Phan, dẫn trên, Part 2, The Cathechismus of Alexandre de Rhodes, S.J., các trang 215-315. Về bản dịch sang Pháp ngữ, xem Catéchisme pour ceux qui veulent recevoir le baptême divisé en huit journées," người dịch Henri Chappoulie, trong Henri Chappoulie, Aux Origines d’une Église: Rome et les missions d’Indochine au XVIIe Sìecle, Vol. 2: La Constance romaine et l’éstablissement définitif des vicaires apostoliques dans les royaumesd’Annam et de Siam (Paris, 1948), các trang 145-262. Một ấn bản mới được ấn hành hồi gần đây tại Việt Nam: Phép Giảng Tám Ngày – Catechismus in octo dies divisus – Catéchisme divisé en huit jours (Ho Chi Minh City, 1993).
5. William V. Bangert, S.J., A History of the Society of Jesus (St. Louis, 1972), trang 249.
6. Claude Larre, S. Ị, and Phạm Đình Khiêm, "Le Père Alexandre de Rhodes, S. I.," trong Alexandre de Rhodes, S. I., Cathechismus pro iis qui volunt suscipere Baptismum in octo dies divisus, biên tập bởi André Marillier (Saigon, 1961), trang xiii.
7. Xem Eduardo Torralba, S. I., La Date de naissance du Père de Rhodes: 15 Mars 1591, est-elle exacte?" trong Bulletin de la Socíeté des Études Indochinoises, n.s. 35 (1960), 683-689, về sự bất đồng liên quan đến ngày sinh của de Rhodes. Trong khi một vài nguồn tài liệu cho hay nhật kỳ là năm 1591, các chuyên viên như Torralba, Peter Phan, Claude Larre, Phạm Đình Khiêm, và Joseph Dehergne lại đưa ra một nhật kỳ sau năm này.
8. Alexander de Rhodes, Rhodes of Vietnam: The Travels and Missions of Father Alexandre de Rhodes in China and Other Kingdoms of the Orient, bản dịch của Solange Hertz (Westminster, Maryland, 1966), trang 3. Hertz cho hay rằng bản dịch của bà "dịch từ ấn bản được canh cải của Dedsclée de Brouwer năm 1884, ấn bản … theo sát với nguyên bản năm 1653” (“Translator’s Introduction,” trang xiv). Tôi sử dụng bản dịch sang tiếng Anh của Hertz và ấn bản thứ nhì bằng Pháp ngữ: Divers voyages du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres royaumes de l’Orient, avec son retour en Europe par la Perse et l’Arménie, 2nd ed. (Paris, 1666). Mọi trích dẫn đều được lấy theo bản dịch sang tiếng của Hertz.
9. Maurice Durand, "Alexandre de Rhodes," Bulletin de la Socíeté des Études Indochinoises, n.s. 32 (1957), 24.
10. Xem Larre and Khiem, "Le Père Alexandre de Rhodes, S. I.," trong de Rhodes, Cathechismus, trang xxix.
11. Henri Bernard-Maitre, "Le P. De Rhodes et les missions d’Indochine (1615-1645)," trong Histoire universelle des missions catholiques, biên tập bởi Simon Delacroix (Paris, 1957), Vol. 2: Bernard-Maitre et al., Les Missions modernes, các trang 60-61. Cũng xem Phan, đã dẫn, các trang 58-59.
12. Hertz, Rhodes, trang 63; De Rhodes, Histoire du Royaume de Tunquin, các trang 154-156.
13. Xem Bangert, đã dẫn, các trang 113-114, về Francisco Suárez và các nhân vật khác.
14. Manfred Barthel, The Jesuits: History and Legend of the Society of Jesus, dịch và hiệu đính bởi Mark Howson (New York, 1984), trang 120; Bangert, đã dẫn, trang 287.
15. Xem Francois de Dainville, S.J., Les Jésuites et l’Éducation de la socíeté francaise: Le Géographie des humainistes (Paris, 1940), các trang 37-45, về Christopher Clavius và những nhân vật vật khác, và việc giảng dậy toán học; Bangert, đã dẫn, trang 106.
16. M. Joseph Costelloe, S.J. (biên tập và thông dịch), The Letters and Instructions of Francis Xavier (St. Louis, 1992). trang 382.
17. Bangert, đã dẫn, trang 157.
18. Étiemble, Les Jésuites en Chine, trang 86.
19 Hertz, Rhodes, trang 4.
20. De Rhodes, Histoire du Royaume, các trang 195-196.
22. Cùng sách dẫn trên, các trang 237-238.
23. De Rhodes, Cathechimus, trong Phan, đã dẫn, các trang 288-289.
Xem Basil Willey, The Seventeenth Century Background: Studies in the Thought of the Age in Relation to Poetry and Religion (London, 1949), trang 95.
24. Carl J. Friedrich, The Age of the Baroque 1610-1660 (New York, 1952), trang 93.
25. Một bản đồ được in trong quyển Histoire du Royaume de Tunquin, và một bản vẽ được cải sửa xuất hiện trong quyển Divers voyages. Xem Maurice M. Durand, "Alexandre de Rhodes," Bulletin de la Société des Études Indochinoises, n.s. 32 (1957), 13.
26. Xem Basil Willey, The Eighteenth Century Background: Studies on the Idea of Nature in the Thought of the Period (1940: in lại, Boston, 1968), trang 4, và Willey, Seventeenth Century Background, các trang 31-35.
27. Xem Phan, đã dẫn, các trang 155-162.
28. Thí dụ, xem Willey, Seventeenth Century Background, về Hobbes, các trang 93-100.
29. De Rhodes, Histoire du Royaume, các trang 96-97.
30. Hertz, Rhodes, trang 112.
31. De Rhodes, Histoire du Royaume, các trang 105-106.
32. Cùng sách dẫn trên, trang 237; Hertz, Rhodes, trang 71.
33. De Rhodes, Histoire du Royaume, trang 90.
34. Hertz, Rhodes, trang 123.
35. Về một cuộc thảo luận về bàu không khí của ý kiến tại Âu Châu trong khía cạnh này, xem George Norman Clark, The Seventeenth Century, ấn bản thứ nhì (2nd ed.) (Oxford, 1947), các trang 244-251.
36. Hertz, Rhodes, trang 94.
37. Cùng chỗ dẫn trên.
38. De Rhodes, Histoire du Royaume, trang 250.
39. Cùng sách dẫn trên, các trang 250-251.
40. Daniel Pickering Walker, Unclean Spirits: Possession and Exorcism in France and England in the Late Sixteenth and Early Seventeenth Centuries (Philadelphia, 1981), các trang 9-10.
41. Hertz, Rhodes, trang 94.
42. Hugh Redwald Trevor-Roper, The European Witch-Craze of the Sixteenth and Seventeenth Centuries (Harmondsworth, Miđlesex, England, 1969), các trang 82-83.
43. Cùng sách dẫn trên, các trang 85-96.
44. Walter, đã dẫn, trang 10; Trevor-Roper, đã dẫn, các trang 80-81. Cây lê lư [hellebores, trị bệnh điên, chú của người dịch], loại cây sống lâu năm ngày nay được trồng lấy hoa mùa xuân rực rỡ, là loại cây độc được dùng làm dược liệu trong thời cổ xưa và thời trung cổ.
45. Được trích dẫn bởi Trevor-Roper, đã dẫn, trang 121n., từ Carl Binz, Doctor Johann Weyer, ein rheinisher Arzt, der erste Bekampfer des Hexenwahns (Berlin, 1896; in lại: New York, 1976), các trang 101-102.
46. Xem Marillier, "Le Catéchisme d’Alexandre de Rhodes," trong de Rhodes, Cathechismus, trang xxxv.
47. Hertz, Rhodes, các trang 65-66.
48. Xem de Rhodes, Histoire du Royaume, trang 190; cũng xem Phan, đã dẫn, trang 123.
49. Marillier, đã dẫn, trang xli.
50. Xem cùng sách dẫn trên, trang xxxiii.
51 Sách dẫn trên, trang xlvii; bản dịch sang tiếng Anh bởi Peter C. Phan gồm 101 trang. Xem chú thích số 4 bên trên. Các trích dẫn nằm trong ấn bản Anh ngữ của tác giả Phan.
52. Hertz, Rhodes, trang 65.
53. Tác phẩm của St. Ignatius, một cách ngẫu nhiên, có lẽ được dùng bởi de Rhodes làm kiểu mẫu cho một dụng đích khác nữa: bố cục của nó. Quyển Spiritual Exercises được chia làm bốn tuần, với một vài phân đoạn được chia theo ngày. Một ấn bản tóm lược, chia thành tám ngày sau rốt cũng được mang ra sử dụng; xem Barthel, đã dẫn, trang 76. Sự phân chia này thành các thời khoảng được lập lại song song trong quyển Cathechismus của Rhodes cũng bởi một sự phân chia thành tám ngày. Xem Phan, đã dẫn, các trang 144 –154.
54. De Rhodes, Cathechismus trong Phan, đã dẫn, trang 228.
55. Cùng sách dẫn trên, trang 229.
56. Hertz, Rhodes, trang 87.
57. De Rhodes, Cathechismus trong Phan, đã dẫn, trang 306.
58. Cả ba quyển sách giảng đạo đều đã được dịch sang Anh Ngữ và được ấn hành trong hậu bán thế kỷ mười sáu: Canisius (1588), Ledesma (1597), và Vaux (1599). Xem English Recusant Literature 1558-1640, biên tập bởi D.M. Rogers, vols. 2 và 32 (Menton, Yorkshire, England, 1969). Tác phẩm nổi tiếng của Canisius đã được lưu hành qua vô số ấn bản trong suốt một thế kỷ rưỡi sau khi lần phát hành [đầu tiên] của nó và đã đựợc dịch sang nhiều ngoại ngữ. Xem Carlos Sommervogel, S.J. (ed), Bibliothèque de la Compagine de Jésus (12 vols.; Brussels, 1890-1912).
59. Xem Lécon Wieger, "Notes sur la premìere catéchèse écrite en chinois 1582-1584, "Archivum Historicum Societatis Iesu, 1, (1932), 73.
60. Cùng sách dẫn trên, trang 78.
61. Xem ấn bản quan trọng: Matteo Ricci, S.J., The True Meaning of the Lord of Heaven (T’ien-chu Shih-I), dịch, giới thiệu và chú giải bởi Douglas Lancashire và Peter Hu Kuochen, ed. Edward J. Malsatesta, S.J. (St. Louis, 1985).
62. Cùng sách dẫn trên, các trang 24-25.
63. Cùng sách dẫn trên, trang 51.
64. De Rhodes, Histoire du Royaume, các trang 180-181. Xem Phan, đã dẫn, các trang 116-118. Tác giả Phan lập luận rằng quyển sách là của Ricci, trong khi Nguyên Hồng tin rằng đó là tác phẩm của Ruggieri. Cũng xem Marillier, "Le Catéchisme, trong de Rhodes, Cathechismus, các trang xlii-xliii.
65. Xem Ricci, The True Meaning, biên tập, Malatesta; phiên dịch, Lancashire và Kuo-chen, "Translator’s Introduction," trang 17, gồm cả chú thích số 25, và phần mở đầu của Chương 3, The True Meaning, các trang 133-163, về các thí dụ về các câu hỏi dẫn dụ của Ricci.
66. De Rhodes, Cathechismus trong Phan, đã dẫn, trang 232.
67. Cùng sách dẫn trên, trang 227.
68. Cùng sách dẫn trên, trang 224.
69. Xem, thí dụ, de Rhodes, Histoire du Royaume, trang 70.
70. Hertz, Rhodes, trang 65.
71. Về sự thảo luận ý tưởng này, xem Willey, the Seventeenth Century Background, các trang 203-204; và, như trên, The Eighteenth Century Background, các trang 3-8.
72. Miguel Ạ Bernad, S.J., Five Great Missionary Experiments and Cultural Issues in Asia ("Cardinal Bea Studies," 11 [Manila, 1991]), trang 65.

Nguồn: The Catholic Historical Review, Vol. 86, No. 3, các trang 439-458 (year 2000)

 
Tác giả bài viết: Ngô Bắc chuyển ngữ
Nguồn tin: gio-o.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét