Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

CHA PAUL ANDRÉ MAHEU (1869-1931)





 
Tượng Cha Maheu tại Bệnh viện phong Qui Hòa, Qui Nhơn



Trích báo “Lời Thăm”, Địa phận Qui Nhơn
Số 198, 15 Mars 1931
tr. 161-163



Ngày 27 tháng Février vừa rồi, có tin điển tín bên Pháp bắn qua, đưa tin Cha Maheu đã ly biệt cõi trần. Ôi thôi! Cha Maheu đã ly biệt!

Cả địa phận Qui Nhơn nghe tin, ai cũng sụt sùi, đồng nhơn tệ báo Lời Thăm không cầm giọt lụy, nghĩ đến đứng ân nhơn, mà động mối thương tâm với người thiên cổ.

Cha Maheu sinh quán ở tại Paris, xuất thế năm 1869, đến năm 1895 lên làm linh mục, được bài sai qua cõi Đông Pháp nầy, giảng đạo tại Qui Nhơn. Đạp chơn lên đất Đông Pháp thì đêm ngày chăm lo phụng hành công vụ, tận tâm tất lực với người Việt Nam. Ngó cha mình gầy vóc khảnh, mà người dạ sắt gan vàng: gian nan chẳng núng, khó nhọc không sờn; trí khôn hoạt bát, ý kiến cao minh; đã khởi xướng lắm điều đại sự hữu ích.

Đầu tiên, lúc nhậm sở Ninh Hòa, hồi trong địa phận chưa nói tới trường học là chi, thì Cha đã xướng lên một trường Pháp –Việt tại địa sở, mà hằng ngày đích thân đi giáo huấn mở mang.

Năm 1904, Cha đổi về Lòng-sông, đứng sáng lập nhà in Qui Nhơn. Hơn hai năm làm quản lý nhà in, đã hết sức hậu tình với bạn công nhơn; đương khi trên đất Trung kỳ này chưa nghe tới tiếng liên đoàn xã hội, thì Cha đã gầy nên một món tiền làm “hưu bổng”, cho ấn công làm việc lâu năm, được nhờ lúc già nua, lưng còm gối yếu, không còn làm việc được nữa.

Năm 1914, Cha theo mạng lịnh chánh phủ ra đầu binh giúp nước, đã làm nhiều việc đại ích cho Annam đang tùng chinh nơi đất khách quê người. Lập nhà hội quán Annam ở Bordeaux vừa xong, xây qua vận động lập nhà thương riêng cho lính Việt. Mãn hạn tùng chinh, mà Cha chẳng nỡ lìa người Annam còn lưu bên nước Pháp, cứ ở lại viếng thăm chỉ vẽ cho mọi việc lớp ở Bordeaux, lớp ở Saint-Médard, lớp ở Bassens.

Xong cuộc binh đao, Cha trở lại Annam, nhận việc quản lý nhà in như trước. Lúc bấy giờ Cha mới ra công khoách trương một tờ tạp chí cỏn con của vị thừa sai kia đã sáng khởi, lập nên báo Lời Thăm đây, có người phụ bút trên cả tam kỳ, thành trường ngôn luận cho người khắp cõi.

Lời Thăm đã thành lập vững đứng, Cha liền để trí lo đến nơi hội quán cho người trí thức Annam ở châu thành Qui Nhơn có chỗ hội hiệp đàm đạo cùng nhau và đã thể ý các hội viên đầu hết mà lập nên câu lạc bộ Pháp Nam, rày đang thạnh hành phát đạt.

Sau hết, năm 1929 Cha mới nghĩ đến hạng khốn mạt trong xã hội Việt Nam, mà sang quyền quản lý nhà in và chủ nhiệm Lời Thăm cho một vị thừa sai khác, đi dưng mình lập nhà nuôi kẻ đơn phung tại Qui Hòa, hiện nay có 150 người vô phước đang dung tại đó.

Rủi thay! Công việc kiến trúc nửa chừng, Cha liền xáng bịnh. Thấy mình kiệt sức mõn hơi, Cha phải vưng lịnh lương y lìa đất dấu yêu trở về tổ quốc điều dưỡng. Đã hết sức hết hơi mà lòng thương người tàn tật còn hãy dồi dào. Lúc sửa ra đi Cha thường nói với những kẻ tới thăm rằng: tôi về Pháp kỳ này chẳng có ý trông cho hồi phục bằng trông cho kiếm được tiền bạc để làm cho thành việc nghĩa tại Qui Hòa mà cứu người khốn khổ. Thiệt vậy, tin điển tín bên Tây qua có nói: dầu Cha đang liệt nằm trên giường bệnh mà đã khởi nói về việc nghĩa ấy với ông chủ nhiệm một tờ báo lớn ở tại Paris.

Ấy Cha đã có lòng thương người Việt Nam tới hơi thở sau hết. Một ân nhân dường ấy, công việc rày đang nhãn tiền, mà người thì đã khuất bóng, nghĩ đến ai chẳng nhớ thương!

Sanh ly tử biệt là phận nhơn gian, thương khóc người nghĩa khí đã qua đời là thường tình thiên hạ. Song ta than khóc lắm làm chi. Hãy xem công việc Cha còn trên đất Đông Pháp nầy mà lo báo đáp đền ơn, hiệp nhau dưng lời cầu nguyện cho linh hồn cho kíp vào nơi tiêu sái nghỉ ngơi đời đời.

 

Nguồn tin: Gpquinhon.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét