Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Thư Mùa Chay 2019 của Giám Mục Kon Tum






Số 50/VT/19/Tgmkt

THƯ MÙA CHAY

Kontum, ngày 05 tháng 03 năm 2019
Kính gửi : Quý Cha, quý Tu Sĩ nam nữ, quý Chủng Sinh và toàn thể anh chị em trong gia đình Giáo Phận.

Anh chị em thân mến,
Chúng ta lại bước vào Mùa Chay. Mùa Chay là mùa sám hối nhằm chuẩn bị cho những ngày Đại Lễ Vượt Qua, tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa.
Đối với anh chị em dự tòng, Mùa Chay là thời gian thuận tiện để được chuẩn bị qua những giai đoạn khác nhau của việc lãnh nhận các Bí Tích gia nhập đạo, gồm các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, mà anh chị em dự tòng sẽ được lãnh nhận trong đêm Vọng Phục Sinh.
Còn đối với các tín hữu, Mùa Chay nhắc nhớ đến Bí Tích Rửa Tội đã lãnh nhận, đến ơn cao trọng được làm con Chúa. Tuy vậy lễ nghi xức tro vào đầu Mùa Chay cũng nhắc đến thân phận con người yếu hèn, mỏng dòn, tội lỗi, nên Mùa Chay cũng mời gọi phải sám hối, phải canh tân bản thân để xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ Chúa ban.
Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc đến những khía cạnh ấy.
Trước tiên Đức Thánh Cha đề cập đến “Ơn cứu chuộc của muôn loài thọ tạo”. Quả thật, từ khi Tổ Tông loài người phạm tội, con người và vạn vật đều bị ảnh hưởng bởi tội lỗi, vì thế muôn loài thọ tạo đều mong chờ ơn cứu độ. Đức Thánh Cha trích lời thánh Phaolô trong thư gửi cho các tín hữu Rôma: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19).
Và ơn cứu độ có được là nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha quảng diễn “Sức mạnh hủy diệt của tội lỗi”. Ngài viết:
“Trong thế giới này, sự hài hòa được hình thành bởi ơn cứu độ liên tục bị đe dọa bởi sức mạnh tiêu cực của tội lỗi và sự chết”. Tội lỗi xuất phát từ khuynh hướng hành động theo ý riêng, không sống theo thánh ý Chúa. Và chính tội lỗi “đã phá vỡ sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa, với những người khác và với chính thiên nhiên”.
Cuối cùng Đức Thánh Cha nói đến “ Sức mạnh chữa lành của sự ăn năn và tha thứ”.Đức Thánh Cha viết: “Con đường đến với lễ Phục Sinh đòi hỏi chúng ta phải canh tân diện mạo và tâm hồn mình như các Kitô hữu thông qua sự ăn năn, hoán cải và tha thứ, để sống trọn vẹn ân sủng dồi dào của mầu nhiệm Phục sinh”.[…]
“Mùa Chay là một dấu hiệu bí tích của sự chuyển hóa này. Mùa Chay mời gọi các Kitô hữu thể hiện mầu nhiệm Vượt qua sâu sắc và cụ thể hơn trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của họ, trên hết qua việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí”.
Thưa anh chị em, ăn chay, cầu nguyện và bố thí, đó là những việc làm truyền thống trong Mùa Chay. Lời cầu nguyện của chúng ta phải đi kèm với sự ăn chay thì mới có hiệu quả. Và nói đến “ăn chay” là nói đến sự chay tịnh, là tinh thần hy sinh, là hãm dẹp lòng khao khát tham lam vô độ của chúng ta về của cải vật chất. Khi hy sinh giảm bớt trong vấn đề chi tiêu, không phải để tích trữ làm giàu, nhưng là để biết “bố thí”, chia sẻ cho người nghèo khổ hơn mình.
Mùa Chay này, tôi mời gọi anh chị em tiếp tục Chiến Dịch “bao thư” cho quỹ Bác Ái Xã Hội của giáo xứ và giáo phận. Giáo xứ giữ lại 2/3 và 1/3 gửi về cho quỹ Caritas giáo phận. Đây là quỹ cấp cứu cho những trường hợp ngặt nghèo hoặc tai nạn cho những gia đình gặp khó khăn. Trong những năm qua, quỹ này được coi là rất hữu hiệu. Đây cũng là cách “ăn chay” và “bố thí” trong Mùa Chay.
Trong lịch Công giáo có nhắc: “Trong Mùa Chay, không được chưng hoa trên bàn thờ và chỉ được dùng nhạc cụ để đệm hát mà thôi, trừ Chúa Nhật IV và các ngày lễ trọng và lễ kính”. Có người nghĩ rằng: không được chưng hoa thì ta chưng lá hoặc
cây bon-sai. Chúng ta biết Mùa Chay là thời gian sám hối, chay tịnh, nên bàn thờ không được trang trí dù bằng hoa dù bằng cây cảnh để diễn tả bầu khí đặc biệt của Mùa này. Trừ ngày lễ Lá thì được chưng lá, thứ lá dùng để đi rước kiệu. Về dùng đàn trong Mùa Chay, thì chỉ đánh đàn để lấy cung hoặc đệm giúp hát cho đúng giọng; không được dạo đàn mà không có tiếng hát. Tuy nhiên được chưng hoa và dạo đàn vào Chúa nhật IV Áo Hồng và các ngày lễ trọng hoặc lễ kính.
Kính thưa anh chị em, nếu chúng ta biết tận dụng, Mùa Chay là mùa hồng ân, là mùa cứu độ cho chúng ta. Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau biết dùng thời gian Chúa ban để cầu nguyện nhiều hơn và sốt sắng hơn, để hy sinh nhiều hơn và để biết sống quảng đại hơn. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Măng Đen, xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
Hiệp thông trong Chúa Kitô.

(đã ký & đóng dấu)

+Aloisiô Nguyễn Hùng Vị
Giám Mục Giáo Phận Kon Tum
Nguồn: giaophankontum.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét