Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris với Giáo phận Qui Nhơn



x

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

DẪN NHẬP
Giới thiệu cho cuốn sách 492 trang của mình mang tựa đề «La belle histoire des missions étrangères 1658-2008” (2008), nhà xuất bản Perrin, nhà báo Gilles Van Grasdorff đã viết: «Từ khi Đức thánh cha Grégoire XV thiết lập Thánh bộ truyền bá đức tin vào năm 1622 để điều khiển công cuộc truyền giáo cho đến các kitô hữu tại Á Châu ở đầu thế kỷ XXI này, đó là một lịch sử sáng ngời cả về vật chất lẫn tinh thần của Hội thừa sai hải ngoại Paris. Ngày 29 tháng Bảy 1658, Đức cha François Pallu và Pierre Lambert de La Motte được Đức thánh cha Alexandre VII bổ nhiệm làm Đại diện tông tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong: Hội thừa sai hải ngoại Paris (Missions Étrangères de Paris, MEP) ra đời. Trải qua thời kỳ thích ứng khó khăn của thế kỷ XVII và XVIII, hội đã biết đến thời vàng son khi phát triển các vùng địa lý của mình. Ngày càng đông đúc và năng động, các thừa sai đi đến Trung Hoa và Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản, Mãn Châu và Tây Tạng. Ngoài sứ mệnh rao giảng, họ ghi dấu ấn khắp nơi qua các công trình xây dựng nhà thờ, bệnh viện, phòng khám, nổi bật với các công trình nghiên cứu ngôn ngữ, hệ động thực vật, đưa về các nhà in. Thế kỷ XX, các thừa sai nỗ lực thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ để tiếp tục sự nghiệp. Từ lúc khai sinh, Hội thừa sai đã gởi 4.500 linh mục đến Á Châu. Năm 2008, khi mừng kỷ niệm 350 năm thành lập, Hội hoàn toàn hướng về tương lai.  Hơn bao giờ hết, Hội tiếp tục xây dựng chiếc cầu nối giữa Giáo hội Pháp và các Giáo hội địa phương tại Á Châu, cũng là nhiệm vụ mà Tòa Thánh đã chỉ định cho Hội vào năm 1658”. Lịch sử Hội MEP được tóm gọn chỉ trong vài hàng ngắn ngủi nơi trang bìa 4.
Và thật không sai khi nói gọn rằng lịch sử Giáo phận Qui Nhơn chúng ta cũng chính là lịch sử truyền giáo của các thừa sai MEP. Kể từ ngày 09.09.1659, khi Ðức Thánh cha Alexandre VII ban sắc lệnh thiết lập 2 giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong cho đến cuối thời Đức cha Marcel Piquet Lợi (1957) là 298 năm với 24 giám mục thuộc hội MEP, trong khi từ thời Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi cho đến nay cũng chỉ mới 60 năm, chưa kể đến các thừa sai vẫn còn hiện diện và làm việc tại giáo phận từ sau năm 1957. Vì thế, lịch sử Hội MEP, danh sách tạm thời các thừa sai làm việc tại Giáo phận, vài mẫu chuyện đời vui buồn của các thừa sai, đó là nội dung của bài viết này trong khuôn khổ khóa Thường Huấn của Giáo phận, trong bối cảnh mừng kỷ niệm 400 năm Loan Báo Tin Mừng, và trong tâm tình ôn cố tri tân, tri ân cảm tạ những bậc tiền nhân.
I. HỘI THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS[1]
1.1. Đàng Trong, Đàng ngoài và bối cảnh hoạt động của các thừa sai
Cần phải xác định các từ “Đàng Trong” (Cochinchine) và “Đàng Ngoài” (Tonkin) mà các thừa sai thế kỷ XVII và XVII hay sử dụng để chỉ hai miền nam bắc của Việt Nam do các chúa Nguyễn và Trịnh cai trị. Việt Nam lúc ấy được gọi là Đại Việt. …
“Cochinchine” (Đàng Trong) được người Bồ Đào Nha sử dụng từ năm 1540 để chỉ phần đất miền Nam của nhà Nguyễn[2]. Thế nhưng trong suốt thế kỷ XVI, nhiều cách viết khác nhau của từ ngữ này đã xuất hiện để chỉ những phần địa lý khác nhau. Trước hết là từ “Chinacochim”, vào năm 1502, từ “China” được ghép với “Cochin” để phân biệt “Cochinchine” với phố cảng “Cochin” của Ấn Độ, thuộc địa của Bồ Đào Nha. Vào năm 1516, Nhà hành hải Bồ Đào Nha, Perez, đã chỉ “Tonkin” (Vịnh Bắc bộ) dưới tên gọi là “Concam Cina”. Nửa đầu thế kỷ XVI, “Canchim Chyna” hoặc “Cauchichina” đôi khi còn chỉ toàn phần nước Đại Việt và đặc biệt là lãnh thổ của chúa Trịnh, miền Bắc.
Chỉ đến thế kỷ XVII, từ “Cocincina”, được Pháp hóa là “Cochinchine”, được chấp nhận rộng rãi để chỉ phần phía nam của nước Đại Việt, do các chúa Nguyễn cai trị[3]. Các thừa sai dùng từ “Mission de Cochinchine” để chỉ toàn bộ lãnh thổ của “chúa” Nguyễn và các lãnh thổ được sáp nhập trên con đường Nam tiến. Sau này, vào thế kỷ thứ XVIII, tiểu quốc Hà Tiên tự trị nhưng quy phục triều đình Phú Xuân (Huế), kinh đô nhà Nguyễn, là một phần của “Vicariat de Cochinchine” (Giáo phận tông tòa Đàng Trong), cũng như vương quốc Cambodge. Từ “Cochinchine” thuộc Pháp (1860-1867) chỉ nói đến phần “Hạ Đàng Trong” hoặc “Gia Định” (Nam kỳ lục tỉnh) của Việt Nam trước đây.
“Tonkin”, lãnh thổ của chúa Trịnh, cũng là do người Bồ Đào Nha đặt ra. Kinh đô Thăng Long (Hà Nội) thường được gọi là Đông Kinh mà người Bồ Đào Nha phiên âm là Tunchin, Tungking, được Pháp hóa là “Tonkin”[4]

Các nhà truyền giáo đầu tiên ở Việt Nam vào thế kỷ thứ XVI là những tu sĩ Dòng Đa Minh, Phanxicô hoặc Augustin, đến từ Malacca hoặc Manille. Theo quan điểm của Bồ Đào Nha thì những tu sĩ này thuộc quyền tài phán của “Padroado” Bồ Đào Nha. Quả thật, sau những chuyến du hành đầu tiên khám phá thế giới, Đức Giáo Hoàng Alexandre VI Borgia, qua hiệp ước Tordesillas (1494), đã phân xử sự đối đầu giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha về ranh giới và quyền truyền giáo nơi các lãnh thổ được khám phá cũng như sẽ được khám phá. Một đường kinh tuyến cách 370 dặm về phía Tây của Açores đã phân chia ranh giới giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Mỹ Châu dành cho Tây Ban Nha trừ Brésil; Phi Châu và Á Châu dành cho Bồ Đào Nha trừ Philippines, được người Tây Ban Nha khám phá năm 1521 và chinh phục năm 1564-1565.
Ngoài ra, Giáo Hoàng còn ban cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha quyền bảo trợ (tiếng Bồ Đào Nha là Padroado; tiếng Tây Ban Nha là Patronato) trên các Giáo Hội mới được thành lập khi ban cho các “vua công giáo” quyền bổ nhiệm các giám mục cũng như chăm lo tuyển dụng và gởi đi các thừa sai. Từ đây, nếu Giáo Hoàng giữ lại việc tấn phong các giám mục theo giáo luật thì cũng mất đi vai trò điều hành và phối hợp việc rao giảng Tin Mừng trên thế giới cũng như kiểm soát hiệu quả các miền truyền giáo. Nhưng đoản sắc (bref) và sắc chỉ (bulle) chỉ có thể được ban hành trong Padroado với sự đồng ý của Lisbonne hoặc Madrid. Hơn nữa, từ năm 1580 đến 1640, hai nền quân chủ vùng Iberia được kết hợp lại dưới thẩm quyền của Tây Ban Nha. Cần phải đặt hoạt động của các thừa sai đầu tiên trong khung cảnh này vào thế kỷ thứ XVI và XVII.[5]
1.2. François Ingoli và Thánh bộ truyền bá đức tin
Ta không thể hiểu được đầy đủ công cuộc truyền giáo tại Việt Nam vào thế kỷ XVI và XVII nếu không nhắc đến vai trò của “Thánh bộ Truyền bá đức tin” (Sacrée Congrégation de la Propagation de la foi) về việc lập nên một hàng giáo sĩ tự trị, không thuộc quyền bảo trợ, nhưng nhập tịch vào các Giáo phận tông tòa được Thánh Bộ thành lập.
Cha Alexandre de Rhodes đã vận động Thánh bộ Truyền bá đức tin gởi các giám mục đến Việt Nam, dưới quyền của Thánh bộ và độc lập với Padroado, với nhiệm vụ ưu tiên là chuẩn bị hàng giáo sĩ địa phương cho giáo dân Việt Nam.
Thánh bộ Truyền bá đức tin được Đức Giáo Hoàng Grégoire XV thành lập ngày 6 tháng Giêng 1622. Dưới thẩm quyền trực tiếp của Tòa Thánh, Thánh bộ có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động truyền giáo trên thế giới, lúc bấy giờ được đặt dưới sự bảo trợ của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha…. Thánh bộ được điều hành bởi một nhóm hồng y gồm 13 vị, hai giám chức và một thư ký. Đức ông François Ingoli (1578-1649) được bổ nhiệm làm thư ký Thánh bộ, đóng vai trò đáng kể trong tổ chức và phát triển của Thánh bộ. Mục đích của François Ingoli là cho phép Tòa Thánh lấy lại quyền truyền bá và điều hành các miền truyền giáo Công giáo, sử dụng hiệu quả quyền bổ nhiệm các giám mục trong các miền truyền giáo. Quyền bảo trợ đã nhượng cho triều đình Lisbonne và Madrid quyền bổ nhiệm các giám mục dù Giáo Hoàng giữ lại quyền phong chức theo giáo luật…. Để chuẩn bị nhân sự, người kế vị Đức Giáo Hoàng Grégoire XV là Đức Giáo Hoàng Urbain VIII (1623-1644) đã thành lập một chủng viện gọi là “Trường Truyền Giáo” (Collegium de propaganda Fide), đào tạo các thừa sai sẽ được Thánh bộ truyền giáo trực tiếp gởi sang các miền truyền giáo. Sau này, ở Việt Nam vào thế kỷ XVIII, người ta gọi các thừa sai này là “các cha Thánh bộ Truyền giáo” (Prêtres de la Propagande), phân biệt với các thừa sai “Missions Étrangères”. Vào thế kỷ XVIII, sinh viên trường truyền giáo chủ yếu là thổ dân châu Mỹ (Indiens), người Éthiopie, những “người Đông phương” thuộc các nghi lễ Kitô giáo khác nhau, nhưng cũng có cả người châu Âu. Trường được thành lập vào ngày 1 tháng Tám 1627, với sắc lệnh “Immortalis Dei”, sau này được gọi là “Collegium Urbanum de Propaganda Fide”.[6]
Đức ông François Ingoli, Thư ký Thánh bộ, tìm cách làm cho Giáo Hội thoát khỏi sự lệ thuộc vào «quyền bảo trợ» của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Ngài nghiên cứu một lý thuyết mới về truyền giáo. Vào thế kỷ XVII, người ta chưa nói đến “truyền giáo học” như là một môn học suy tư và có hệ thống về các vấn đề truyền giáo của Giáo Hội,  nhưng có thể xem Ingoli là người khởi xướng. Công cuộc truyền giáo phải được đặt dưới trách nhiệm trực tiếp của Tòa Thánh và Giáo Hội chứ không phải lệ thuộc vào lợi ích của các quyền lực Công giáo và những trò may rủi chính trị. Đàng khác, với các quyền lực mới của người Tin Lành, Hòa Lan và Anh Quốc, các miền đất của “Padroado” Bồ Đào Nha thực tế chỉ giới hạn ở các nơi có giao dịch thương mại trực tiếp của người Bồ Đào Nha. Sự đối đầu giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha ở Viễn Đông, sự cạnh tranh giữa các Dòng tu đã làm tổn hại cho sự thành công của việc truyền giáo….
Sau khi phân tích các thông tin, Đức ông François Ingoli đệ trình lên Bộ truyền giáo ba bản điều trần trình bày rõ ràng mối quan tâm chỉnh đốn những lạm dụng và ý muốn cải tổ của mình.
Bản điều trần thứ nhất ngày 13 tháng bảy 1625 chỉnh đốn sự đối nghịch giữa các giám mục và các tu sĩ, giữa tu sĩ Dòng Tên với các dòng khác, giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đề nghị chọn các giám mục từ hàng giáo sĩ triều, tránh đặt các tu sĩ thuộc các dòng khác nhau vào cùng một địa phận, đặt các vị khâm sứ Tòa Thánh để phối hợp việc truyền giáo và liên lạc với Tòa Thánh.
Bản điều trần thứ hai ngày 24 tháng Mười Một 1628, đặc biệt dựa trên các miền truyền giáo Châu Mỹ thuộc Tây Ban Nha, ngài phàn nàn về việc các thừa sai không biết ngôn ngữ địa phương, phê bình sự lẫn lộn giữa quyền bính đạo đời, kết án việc ngăn cản “những người bản xứ” tiến lên chức linh mục tại Châu Mỹ thuộc Tây Ban Nha. Ngài nhận xét rằng ở Châu Mỹ, Á Châu hay Viễn Đông, sứ vụ truyền giáo là phải có thể và phải đào tạo các kitô hữu bản xứ, người Trung Hoa, Nhật, Việt Nam (Đàng Trong và Đàng Ngoài), thành những người có khả năng lên chức linh mục. Ngài khuyên gởi các vị sứ thần, các đại diện Tòa Thánh đến các miền truyền giáo để phối hợp các hoạt động truyền giáo cũng như loại trừ các lạm dụng.
Trong điều trần thứ ba (1644), ngài phê bình mạnh mẽ những lạm dụng của “Padroado” trong các miền “Đông Ấn” (Indes orientales), kết án những can thiệp của phó vương Goa và chính quyền trong công việc giáo hội, quyền bổ nhiệm các giám mục được ban cho các vua chúa Công giáo, việc kiểm soát các hoạt động của Tòa Thánh bằng phiếu “placet” của vua Tây Ban Nha.[7]
1.3. Các Đại diện tông tòa đầu tiên (1658), thành lập Chủng viện thừa sai hải ngoại (1663-1664)
Cha de Rhodes và François Ingoli là những người tiên phong dẫn đưa công cuộc truyền giáo của Tòa Thánh theo hướng mới, qua hoạt động của họ với Tòa Thánh và Thánh Bộ, thoát khỏi mối dây ràng buộc với Padroado của Bồ Đào Nha hay Patronato của Tây Ban Nha.
Sự hiện diện của cha De Rhodes ở Paris và hoạt động của cha với nhóm “Bạn hiền” (Bons amis) góp phần đánh thức thành phần ưu tú của hàng giáo sĩ và giáo dân Pháp đối với ơn gọi truyền giáo. Cuộc canh tân tôn giáo ở Pháp vào thế kỷ XVII đã làm nảy sinh nhiều dòng tu mới, thích ứng với thời đại mình, với ý hướng truyền giáo ở Pháp hoặc hải ngoại. Thánh Vincent de Paul đã thành lập Dòng “các linh mục truyền giáo” (Prêtres de la Mission)[8] vào năm 1625 và Dòng “Nữ tử Bác Ái” (Filles de la Charité) vào năm 1633. Cha Olier đã thành lập một chủng viện và Hội linh mục Saint-Sulpice (Xuân Bích) chuyên đào tạo hàng giáo sĩ. Nhưng hoạt động của các ngài trước hết nhằm góp phần cải tổ Giáo Hội Pháp, dù rằng Thánh Vincent cũng gởi các linh mục đi truyền giáo hải ngoại…. Sự canh tân tinh thần của Giáo Hội Pháp đã góp phần thúc đẩy những ơn gọi truyền giáo hải ngoại.
Là kết quả của một loạt những hoàn cảnh sau đây: 1) Hàng giáo sĩ và giáo dân Pháp, nhất là các thành viên hội tông đồ gọi là Hội Thánh Thể, nóng lòng muốn tham gia vào công cuộc truyền giáo mà từ trước tới nay được dành cho các tu sĩ; 2) Các thừa sai, nhất là cha Alexandre de Rhodes S.J., muốn thành lập hàng giáo sĩ bản xứ tại Viễn Đông; 3) Thánh bộ truyền bá đức tin (Propaganda), được thành lập năm 1622, muốn dành quyền kiểm soát mà cho tới nay đặt dưới quyền của vua Bồ Đào Nha. Nỗ lực của Hội Thánh Thể đã đưa đến việc chỉ định một Đại diện tông tòa cho các miền truyền giáo, phụ thuộc vào Thánh bộ, và có nhiệm vụ đào tạo hàng giáo sĩ địa phương ở Đàng Ngoài, Đàng Trong, và Trung Hoa. Ngày 29 tháng Bảy 1658, Đức thánh cha Alexandre VII bổ nhiệm các vị Đại diện tông tòa đầu tiên: Đức cha François Pallu cho Đàng Ngoài, Đức cha Pierre Lambert de La Motte cho Đàng Trong và Đức cha Ignace Cotolendi cho Nam Kinh (Trung Hoa): Hội thừa sai hải ngoại Paris được khai sinh. Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, các ngài truyền thiết lập một chủng viện như một hậu cần để cung cấp nguồn nhân lực lẫn tài lực cho các miền truyền giáo. Hội Bạn Hiền của cha Jean Bagot lo tuyển chọn nhân sự thừa sai. Hội Thánh Thể lo gây dựng ngân quĩ tài chánh và xây dựng cơ sở. Vua Louis XVI và bản quyền địa phương đã chuẩn nhận Chủng viện thừa sai Paris vào năm 1663; và năm 1664 thì được Tòa Thánh chuẩn nhận.
Tuân theo hướng dẫn của Roma, sự thăng tiến của hàng giáo sĩ địa phương phải là mối quan tâm hàng đầu của các đại diện tông tòa, những người cộng tác cũng như những người kế vị họ. Ta cũng thấy sự ưu tiên này trong các bản văn nội bộ của Hội MEP. Bản văn sau đây xuất hiện trong các quy định hoặc Hiến chương của Hội MEP cho đến năm 1968, lúc mà tình trạng các Giáo hội Á Châu đã phát triển đáng kể : «Tất cả những người thợ loan báo Tin Mừng được gởi đến chủng viện Paris (MEP) phải hiểu rằng mục đích chính của mình là thành lập hàng giáo sĩ ở nơi họ làm việc ngay khi có số kitô hữu đủ để cấu thành một Giáo hội và có thể chọn ra từ nơi các kitô hữu này những vị mục tử ; và khi hàng giáo sĩ được thành lập cũng như các giáo hội mới đã đủ vững chãi để có thể tự điều hành và không cần đến sự hiện diện của các thừa sai Âu châu, thì các thừa sai phải vui lòng nhường lại các cơ sở và rút lui, với sự cho phép của Tòa Thánh, để đi làm việc nơi khác. Như vậy, các mục đích được đề xuất như sau: 1. Trong những nơi đã có các kitô hữu, hãy đào tạo những người có khả năng để làm giáo sĩ; 2. Chăm sóc cần thiết cho các kitô hữu mới; 3. Cải đạo những người không tin; hãy làm sao cho mình luôn quý trọng điều thứ nhất hơn điều thứ hai, và điều thứ hai hơn điều thứ ba».[9]
1.4. Hoạt động và phát triển
“Được khích lệ vào lúc khởi đầu bằng sự nhiệt thành và tính lan tỏa của môi trường Kitô giáo Pháp quốc đậm chất nhiệt huyết tôn giáo, Hội đã xây dựng tính độc đáo nơi sứ mệnh của mình … qua 3 yêu cầu như đã được xác định trong Huấn thị gởi các đại diện tông tòa tại Đàng Ngoài và Đàng Trong vào năm 1659 (Instructions aux vicaires apostoliques des royaumes du Tonkin et de la Cochinchine[10]): thi hành mọi hoạt động tông đồ trong tinh thần trung thành với Roma, tìm hiểu phong tục tập quán của những xứ sở Á Châu này nơi có nền văn minh hàng ngàn năm trong khi tránh hết sức có thể những công việc chính trị, lập hàng giáo sĩ địa phương có khả năng điều hành cộng đoàn Kitô giáo phát sinh….”[11]
 Với mục tiêu và điểm đến rõ ràng, “các vị sáng lập chính của Hội Thừa Sai là Đức cha Pallu và Lambert de la Motte, cả hai được Đức Thánh Cha Alexandre VII tấn phong giám mục vào năm 1658 để đi thành lập ở Đông Dương và Trung Quốc các Giáo Hội theo khuôn mẫu của các Giáo Hội Tây phương cũng như đào tạo hàng giáo sĩ địa phương mà người ta mong chờ nơi họ sự phục vụ rất quý giá. Nhưng ra đi mà không để lại sau lưng những người đã gắn bó với mình, những người tâm huyết với công việc của mình; phải bảo đảm cho tương lai, và chính vì thế mà Đức cha Pallu đã tìm kiếm và gặp được những linh mục và giáo dân làm những người quản lý, tuyển dụng các thừa sai, điều khiển chủng viện mà ngài đã bắt đầu xây dựng cơ sở và gởi cho ngài những nguồn lực. Kết hợp trong cùng một ý tưởng, những người này làm việc để vinh danh Chúa, người thì ở Pháp kẻ ở các miền truyền giáo, dần dà đặt nền tảng cho bản quy luật mà tương lai sẽ hoàn thiện và là hạt nhân cho Hội mà mục đích chung đã là và vẫn còn là: Làm việc tông đồ trong các miền truyền giáo; mục đích đặc biệt: thành lập hàng giáo sĩ địa phương”[12]
“Từ năm 1658 đến 1822, nghĩa là trong 164 năm, Hội chỉ gởi được 215 thừa sai đến Viễn Đông; từ năm 1822 đến 1898, Hội đã gởi đi 2.050 thừa sai, tức 2.265 vị từ khi thành lập. Trong số này, 17 vị kết án tử vì thù ghét đức tin đã được các Đức Thánh Cha Grêgôriô XVI, Piô IX và Lêô XII tuyên phong chân phước; 53 vị không bị kết án nhưng bị thảm sát vì đức tin Công giáo; 31 vị khác bị nhốt trong tù ngục Xiêm, Annam và Trung Hoa; đây không phải là những vị không tử đạo mà là hàng ngũ các tử đạo thiếu vắng họ; tất cả là 110 vị đã chịu đau khổ vì danh Đức Giêsu Kitô.
Trong bản thống kê so sánh sau đây về tình hình của Hội và các miền truyền giáo vào những năm 1822, 1860 và 1897, ta sẽ thấy được sự phát triển:
Vào năm 1822, Hội phụ trách: 5 miền truyền giáo trong đó có 6 giám mục, 27 thừa sai, 135 linh mục bản xứ, 9 chủng viện với 250 học viên, và 300.000 giáo dân. Mỗi năm, con số người lớn rửa tội tăng trung bình từ 3.000 đến 3.500, rửa tội trẻ em ngoại giáo nguy tử hơn 100.000.
Vào năm 1860, Hội phụ trách: 22 miền truyền giáo, 21 giám mục, 230 thừa sai, 300 linh mục bản xứ, 11 chủng viện với 400 học viên, và 550.000 giáo dân. Mỗi năm, các thừa sai rửa tội trung bình 7 đến 8.000 người lớn và 140.000 trẻ em ngoại giáo.
Năm 1897, Hội phụ trách: 28 miền truyền giáo được 31 giám mục điều hành, 1.053 thừa sai, 542 linh mục bản xứ, 83 chủng viện với 1.915 học viên, 2.485 trường học và 76.318 học sinh, 1.124.862 giáo dân. Năm ngoái, số người cải đạo là 38.882, số trẻ em rửa tội là 172.716, và theo các báo cáo đầu tiên vừa từ các miền truyền giáo gởi về thì năm nay sẽ vượt qua con số cũ”[13]
Từ kinh đô của Xiêm, Đức cha Lambert de la Motte điều khiển các miền truyền giáo Á Châu. Theo báo cáo của ngài thì: «Có khoảng 300.000 tín hữu ở Đàng Ngoài, 60.000 ở Đàng Trong, 100.000 ở Trung Hoa, nhưng chỉ có 250 người được rửa tội ở Hải Nam cũng như ở Cambodge. Giáo hội Đàng Ngoài được điều hành bởi 25 đến 30 thầy giảng. Về phần các tu sĩ Dòng Tên, 16 vị trong số họ phân chia ở trong 8 cư sở, thuộc tỉnh dòng Nhật Bản. Phụ tỉnh dòng Trung Hoa gồm có 18 hay 20 cha »[14]
Riêng về Đàng Trong, tin tức về những cuộc bách hại đã khiến vị Đại diện tông tòa thấy bất an. Ngài muốn mình hiện diện giữa đàn chiên. Nhưng theo lời khuyên nên yên vị của các cha Dòng Tên, Đức cha Lambert de la Motte trì hoãn chuyến đi (đến Đàng Trong) và gởi cha Chevreuil đến đấy với tư cách là Quyền tổng đại diện. Cha Chevreuil đến Hội An ngày 26 tháng Bảy 1664. Tuy nhiên, cha cũng không ở được lâu và bị trục xuất vào tháng Giêng 1665.
«Nỗi bất hạnh của Giáo hội Việt Nam không làm cho Đức cha Lambert de la Motte nản lòng. Theo lệnh của Đức cha, các cha Chevreuil và Hainques lại đi Đàng Trong vào ngày 4 tháng Tám cùng năm ấy (1665). Chuyến đi lần này mang lại kết quả tốt đẹp. Trong khi cha Chevreuil ngã bệnh nặng thì cha Hainques được các quan tiếp đón và có thể thăm viếng các kitô hữu, họ vui mừng vì được gặp lại một linh mục. Ở Hội An, cha mua một chiếc thuyền chứa được bốn thầy giảng để chuẩn bị cho họ chịu chức linh mục. Đây là chủng viện đầu tiên của Việt Nam, một hình ảnh đẹp về con thuyền đánh bắt người»[15]
Nếu những con-thuyền-chủng-viện này thật hữu ích để bảo đảm an toàn cho những người ở trên thuyền một cách nào đó, thì đấy cũng chỉ mang tính cách tạm bợ. Theo quyết định của Công nghị 1664, một chủng viện được thành lập ở Ayuthia (Siam). Trường thần học bắt đầu vỏn vẹn chỉ có 6 sinh viên. Nhưng nó đã phát triển cách nhanh chóng đến nỗi cần phải được mở rộng và trở thành «Chủng viện Thánh Giuse». Ngày 31 tháng Ba 1668, Đức cha Lambert de la Motte vui mừng phong chức cho hai linh mục đầu tiên của Đàng Trong : một người Á Âu là cha François Pérès, và một người Đàng Trong là cha Giuse Trang…. Sự phát triển đòi hỏi một không gian rộng rãi và yên tĩnh hơn để học tập, Chủng viện Ayuthia, từ nay được gọi là «Collège général» được liên tiếp chuyển đến Mahapram, đến Hòn Đất, Cambodge, đến Virampatnam ở Ấn Độ (gần Pondichéry), rồi cuối cùng cố định ở Penang vào năm 1808, nơi trường vang danh khắp vùng Viễn Á.[16]
x

Đại chủng viện Penang, năm 1866

Vấn đề đào tạo các linh mục bản xứ đã xong, nhưng để củng cố cơ cấu Giáo hội Việt Nam cũng như để giáo hội này được sự hiện diện hoàn toàn và đầy đủ thì phải thành lập hàng giáo phẩm. Đức cha Lambert de la Motte và Đức cha Pallu đã nghĩ rằng phải sớm giao quyền điều hành cho hàng giám mục Việt Nam. Năm 1678, các ngài xin Thánh bộ truyền bá đức tin chỉ định 4 giám mục Việt Nam cho Đàng Ngoài và 2 vị cho Đàng Trong «để tỏ cho các lương dân thấy được sự quý trọng đối với người dân xứ họ và cũng để xóa đi sự nghi ngờ của các vua chúa quan quyền rằng các thừa sai, dưới vỏ bọc tôn giáo, muốn làm chủ đất nước họ và đặt họ dưới quyền các vua chúa Âu châu». Nguyện ước của họ chỉ thành hiện thực 250 năm sau, khi vào năm 1933, Đức cha G.B. Nguyễn Bá Tòng được bổ nhiệm làm Đại diện tông tòa Phát Diệm. Đây là vị giám mục Việt Nam đầu tiên. Khi ngài đến Hà Nội, không chỉ những người Công giáo mà cả đến các nhà sư và phật tử đều dành cho ngài một sự tiếp đón rất nồng hậu. Tất cả đều vui mừng khi thấy một trong số người mình đứng đầu Giáo phẩm ở Việt Nam.[17]
1.5 Những điểm đến của Hội MEP
100 thừa sai, gồm cả giáo dân, đã cập bến Á Châu từ năm 1660 đến 1700; nhưng chỉ có 62 vị từ giữa năm 1700 đến 1822, vì thế kỷ 18 thiếu lòng nhiệt thành và Chủng viện bị Cách mạng Pháp đóng cửa vào năm 1792 và không thể mở lại cho đến khi Napoléon I sụp đổ vào năm 1815. Giữa năm 1822 đến 1963, có 3.816 thừa sai đến các miền truyền giáo. Giám mục François Laval đã giao cho hội MEP chủng viện ở Québec và các miền truyền giáo phụ thuộc. Tình trạng này kéo dài từ năm 1665 cho đến Hiệp ước Paris (1763). Từ khi thành lập, hội tập trung các hoạt động tại miền Viễn Đông, hoạt động tại Đàng Ngoài, Đàng Trong, Xiêm và miền Tây Trung Hoa. Năm 1776, hội lãnh thêm trách nhiệm truyền giáo tại nam Ấn Độ, cho đến khi các cha Dòng Tên phụ trách miền này (1836). Khi các thừa sai hội MEP ngày càng đông số, Thánh bộ chỉ định cho Hội những miền đất mới : Nhật và Hàn Quốc (1831); Mãn Châu (1838); Tibet (1846); các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam của Trung Hoa (1848); Mã Lai, tách khỏi miền truyền giáo Xiêm (1899). Đến năm 1920, hội đã nhường lại 3 miền truyền giáo, nhưng với 1.139 thành viên, được giúp đỡ bởi 1.109 linh mục địa phương, hội vẫn còn được giao cho các miền đất có dân số đến 250 triệu người. Từ năm 1920, hội đã nhường 30 miền truyền giáo cho các hội dòng khác nhau, 41 cho hàng giáo sĩ địa phương được hội thành lập. Sau khi Trung Hoa đóng cửa với các thừa sai. Hội MEP được chỉ định Giáo phận Hoa Liên ở Đài Loan (1952); Madagascar, hoạt động trong số người Hoa (1953); và địa phận Mananjary (1961).[18]
II. CÁC THỪA SAI MEP TỪ ĐÀNG TRONG ĐẾN QUI NHƠN
1. Danh sách các thừa sai
«Hiện tại (năm 2011) Hội có khoảng 240 thành viên (10 Ấn Độ, 6 Việt Nam, 1 Ý, 1 Hà Lan, 1 Ukraina và số còn lại là người Pháp). Một nửa thành viên của Hội hiện đang sống tại Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng-Kông, Đài Loan, Campuchia, Thái Lan, Malaisia, Singapor, Inđônêsia, Ấn Độ) và ở Ấn Độ Dương (Madagascar và Đảo Maurice). Những người khác đang sống tại Pháp, nhiều người đã nghỉ hưu. Tuổi trung bình của các thành viên là 74»[19]
Việt Nam không còn nằm trong danh sách hiện diện của các thừa sai MEP nữa nhưng chúng ta vẫn có thể hy vọng một ngày nào đó tình hình sẽ thay đổi. Trong khi chờ đợi, chúng ta thử tìm lại danh sách các thừa sai phục vụ tại giáo phận từ khi còn là giáo phận tông tòa Đàng Trong cho đến Qui Nhơn ngày nay. Dĩ nhiên, danh sách này vẫn còn thiếu sót và tiếp tục được bổ sung.

1. Đức Cha
Pierre Lambert de la Motte
1624-1679
Giám mục Đàng Trong

Louis Chevreuil
1627-1693
Đàng Trong

Antoine Hainques
1637-1670
Đàng Trong, Quảng Ngãi

Đức cha giám quản
Louis Laneau
1637-1696
Đàng Trong

Pierre Brindeau
1636-1671
Đàng Trong, Quảng Ngãi

Claude Guiart (Guyard)
1636-1673
Đàng Trong, Quảng Ngãi

Gabriel Bouchard
1636-1682
Đàng Trong, Quảng Nam, Phú Yên

Đức cha
Guillaume Mahot Mão
1633-1684
Đàng Trong, Bình Định, Quảng Ngãi

Pierre Langlois
1640-1700
Đàng Trong,

10. Bénigne Vachet
1641-1720
Đàng Trong

Jean de Courtaulin de Maguelonne
1660-…
Đàng Trong, (xuất Hội MEP năm 1685)

René Forget
1640-1700
Đàng Trong, Nha Trang, Ninh Hòa

Pierre Le Noir (Lenoir)
1638-1685
Đàng Trong, Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên

Charles Thomas
1644-1681
Đàng Trong, Huế, Quảng Ngãi

Đức cha phó
Charles Labbé
1648-1723
Đàng Trong, Phú Yên

Toussaint Féret
1644-1700
Đàng Trong, Bình Thuận, Khánh Hòa

Jean-Baptiste de Capony
1652-1707
Đàng Trong, Hội An, Phú Yên, Bình Định

Jean-Baptiste Ausièse de Fonbone

1655-1709
Đàng Trong, Phú Yên, Bình Định

Robert Noguette
1635-1702
Đàng Trong, Quảng Ngãi, Hội An, Ninh Hòa

20. Etienne Manuel
1662-1693
Xiêm, Hội An

Charles Boisseret d’Estréchy
1687-1709
Đàng Trong, Ninh Hòa, Phan Rí

Charles Gouge
1654-1733
Đàng Trong, Phan Rí, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Phú Yên, Nha Trang

Pierre de Sennemand
1660-1730
Đàng Trong, Hội An, Huế

François Godefroy
?- 1718
Xiêm, Đàng Trong, Quảng Nam, Quảng Ngãi

Pierre Heutte
16..-1719
Xiêm, Đàng Trong, Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên

Charles de Flory
?-1733
Đàng Trong, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Huế

Nicolas Laigneau de Langellerie
?-1732
Đàng Trong, Khánh Hòa, Phú Yên, Chợ Mới

Paul Bourgine
1700-17…
Đàng Trong, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên

Pierre du Fayet du Puy
1707-1733
Xiêm, Đàng Trong, Saigòn, Nha Trang, Phú Yên

30. Jean de la Court
1666-1746
Đàng Trong, Thừa Thiên

Guillaume Rivoal
1704-?
Đàng Trong, Thùa Thiên, Phú Yên

Jacques de Bourgeries
1707-?
Đàng Trong, Phú Yên, (Xuất Hội MEP 1741)

Đức cha phó
Edmond Bennetat
1713-1761
Đàng Trong, Phú Yên,

Pierre Bergier

?-1737
Đàng Trong, Bình Thuận

Jean de Carbon
(Visiteur Apostolique)
1704-1739
Đàng Trong, Khánh Hòa

Đức cha
Armand Lefèbvre
1709-1760
Đàng Trong

Bertrand d’Azema
1709-1759
Đàng Trong, Phú Yên

Đức cha
Guillaume Piguel
1722-1771
Đàng Trong

Denis Boiret
1703-1785
Đàng Trong, Bề trên Chủng viện Lái Thiêu

40. Pierre Halbout
1758-1788
Đàng Trong, Phú Yên, Nha Trang, Huế

Đức cha
Pierre Pigneaux (Vêrô) Bá Đa Lộc
1741-1799
Đàng Trong

Jacques Morvan
17..-1776
Đàng Trong, Hà Tiên

Antoine Moutoux
1743-1783
Đàng Trong, Quảng Trị

Đức cha
Jean Labartette Bình
1744-1823
Đàng Trong,

Jacques Liot
1751-1811
Đàng Trong, Sàigòn, Đồng Nai

Jean d’Arcet
17..-1790
Tứ Xuyên, Đàng Trong, Phú Yên

Đức cha phó
Jean Doussain
1756-1809
Đàng Trong, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định

François Girard
17..-1812
Đàng Trong

Yves Pocard
1761-1790
Đàng Trong, Bà Rịa

50. Pierre Le Labousse
1759-1801
Đàng Trong, Gia Định, Qui Nhơn, Khánh Hòa

Barthélemy Boisserand
17..-1796
Đàng Trong

Pierre Lavoué
?-1796
Đàng Trong, Lái Thiêu, Nha Trang

Jacques Pillon
1785-1791
Đàng Trong

Jean Francois Tarin
17..-1791
Đàng Trong, Sàigòn

Jean Grillet
17..-1812
Xiêm, Đàng Trong, Quảng Nam

Pierre Gire
17..-1804
Đàng Trong, Bình Định, Phú Yên

Balthasar Jarot Phương
1764-1823
Đàng Trong, Quảng Trị

Nicolas Duval
17..-1791
Đàng Trong, Macao

Jean Le Germain
17..-1800
Trung Hoa, Đàng Trong

60. Etienne Jourdain
17..-1803
Đàng Trong, Lái Thiêu, Huế, Sàigòn

Joseph Izoard
1766-1808
Đàng Trong, Huế, Quảng Trị

Đức cha phó
Jean Audemar (Giude)
1757-1821
Đàng Trong

Pierre Magdinier
1790-1819
Đàng Ngoài, Qui Nhơn

Auguste Thomassin Tố
1794-1824
Đàng Trong, Quảng Trị

Đức cha
Jean-Louis Taberd Từ
1794-1840
Đàng Trong

François Gagelin Kính
1799-1833
Đàng Trong, Bình Định, Phú Yên, Huế

François Jaccard Phan
1799-1838
Đàng Trong, Quảng trị

François Régereau
1797-1842
Đàng Trong, Lái Thiêu

François Noblet Mới
1796-1828
Đàng Trong, Phường Rượu

70. François Bringol
?-1841
Đàng Trong, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi

Đức cha
Etienne Cuénot Thể
1802-1861
Đàng Trong

Joseph Marchand Du
1803-1835
Đàng Trong, Lái Thiêu, Bình Thuận

François Vialle
1804-1838
Đàng Trong, Quảng Bình

Gilles Delamotte Y
1799-1840
Đàng Trong, Quảng Trị

Jean Candalh
1802-1838
Đàng Trong, Quảng Trị

Pierre Jeanne
1806-1864
Đàng Trong, Phú Yên, Gia Định


Đức cha phó
Dominique Lefèvre Ngãi
1810-1865
Đàng Trong

Joseph Guillou
1811-1837
Đàng Trong

Pierre Duclos Lộ
1831-1846
Đàng Trong

80. Jean-Paul Galy-Carles Lý
1810-1869
Đàng Trong, Huế

Jean Chamaison Doãn
1813-1871
Đàng Trong, Quảng Nam

Pierre Douai Đoài
1819-1854
Đông Đàng Trong

Đức cha
Joseph Sohier Bình
1818-1879
Đàng Trong, sau làm Đại diện tông tòa Bắc Đàng Trong

Jean Dégout Đề
1807-1857
Đàng Trong, Quảng Ngãi, Bahnar

Alexis Barbier Ba
1812-1894
Đàng Trong, Phú Yên

Đức cha phó
François Pellerin
1813-1862
Đàng Trong

Pierre Lacroix Viêm
1817-1897
Đàng Trong, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam

Marie Rosaire Fontaine Hoàn (Khâm)
1815-1871
Đông Đàng Trong, Bahnar

Đức cha
Eugène Charbonier Trí
1821-1878
Đông Đàng Trong

90.Jean-Pierre Combes Bê
1825-1857
Đông Đàng Trong, Bahnar

Pierre Dourisboure Ân
1825-1890
Đông Đàng Trong, Bahnar

Charles Arnoux A
1825-1864
Đông Đàng Trong, Bahnar

Jean Verdier Xuân
1829-1861
Đông Đàng Trong, Bahnar

Charles Herrengt Nhơn
1817-1863
Đông Đàng Trong, Bình Định

Jean Laffitte Phi
1824-1856
Đông Đàng Trong

Jean-Claude Roy Từ
1831-?
Đông Đàng Trong


Jean-Baptiste Besombes Kính
1833-1867
Đông Đàng Trong, Bahnar

Đức cha Désiré Van Camelbeke Hân
1839-1901
Đông Đàng Trong

Pascal Bossard Bạch
1832-1881
Đông Đàng Trong, Bình Định, An Khê

100. Gustave Derenne Châu
1841-1870
Đông Đàng Trong, Bình Định, Phú Yên, Mằng Lăng

Auguste Curt Báu
1841-1868
Đông Đàng Trong, Bình Định

François Murcier Chung
1841-1870
Đông Đàng Trong, Bình Định

Honoré Suchet Cảnh
1844-1868
Đông Đàng Trong, Bahnar

Đức cha
Louis Galibert Lợi
1845-1883
Đông Đàng Trong

Étienne Vivier Huệ
1842-1869
Đông Đàng Trong, Làng Sông, Nước Nhỉ, Xóm Nam, Qui Nhơn

Théodule Hamon Lựu
1845-1911
Đông Đàng Trong, Truông Dốc

Constant Fourmond Thủ
1847-1901
Đông Đàng Trong, Cù Và, Gia Hựu, Nước Nhỉ

Armand Landier Sĩ
1840-1873
Đông Đàng Trong, Phú Yên, Thầy Đông

Jean-François (Ulysse) Hugon Ngôn (Xuân)
1869-1877
Đông Đàng Trong, Bahnar

110. François Geffroy Bửu
1843-1918
Đông Đàng Trong, Gia Hựu

Félix Desolmes Trinh
1845-1919
Đông Đàng Trong, (sau đi Tứ Xuyên,Phúc Châu)

Pierre Perrot Nghiêm
1840-1876
Đông Đàng Trong, Bình Định, Phú Yên, Hoa Vông


Jules Vialleton Tuyển (Truyền)
1848-1909
Đông Đàng Trong, Đồng Quả, Kim Châu, Bahnars

Jean Poirier Tân
1848-1885
Đông Đàng Trong, Tử đạo Quảng Ngãi

Jean Martin Lý
1850-1885
Đông Đàng Trong, Gia Hựu, Làng Sông, Gò Thị

Pierre Panis Ngãi
1850-1931
Đông Đàng Trong, Gò Thị, Làng Sông, Đại An

Paul Mathey Thiện
1851-1927
Đông Đàng Trong, Gò Thị, Qui Nhơn, Kim Châu

Pascal Roger Kính
1849-1884
Đông Đàng Trong, Sedangs

Auguste Macé Sĩ
1844-1885
Đông Đàng Trong, Tử đạo Nước Nhỉ

120. Joseph Laurent Bình
1852-1918
Đông Đàng Trong, Làng Sông, Đà Nẵng, Nha Trang

Jean Bruyère Nhơn
1852-1912
Đông Đàng Trong, Quảng Ngãi, Trà kiệu

Jean Soubeyre Nghiêm
1853-1880
Đông Đàng Trong, Bahnar

André Garin Châu
1854-1885
Đông Đàng Trong, Tử đạo Phường Chuối

Joseph Auger Đoài
1854-1891
Đông Đàng Trong, Bình Định, Phú Yên

François Barrat Chung
1853-1885
Đông Đàng Trong, Tử đạo Thác Đá

Jean Chabas Trinh
1855-1882
Đông Đàng Trong, Bahnars

Joseph Lacassagne Xuân
1856-1881
Đông Đàng Trong, Bình Định, Phan Rang, Mằng Lăng

Benoit Chambost Thể
1857-1886
Đông Đàng Trong, Bình Định, Làng Sông


François Chatelet Thuông
1855-1885
Đông Đàng Trong, Tử đạo Cây Da

130. Louis Villaume Đề
1858-1900
Đông Đàng Trong, Phan Rang

Augustin Mazoyre Quới
1857-1882
Đông Đàng Trong, Phú Yên, Quán Cau

Louis Guégan Hoàng
1849-1885
Đông Đàng Trong, Tử đạo Phú Hòa

Jean Maillard Thiên
1851-1907
Đông Đàng Trong, Gia Hựu, Phú Thượng

Jean-Baptiste Guerlach Cảnh
1858-1912
Đông Đàng Trong, Bahnars

Dominique Iribarne Thành
1859-1885
Đông Đàng Trong, Tử đạo Quán Cau

Pierre Irigoyen Hương
1856-1935
Đông Đàng Trong, Kontum

Joseph Guitton Thông
1869-?
Đông Đàng Trong, xuất hội MEP 1896

Antoine Valfort Sơn
1862-?
Đông Đàng Trong, xuất hội MEP 1890

Honoré Dupont Minh
1859-1885
Đông Đàng Trong, Tử đạo Gia Hựu

140. Jean Gagnaire Định
1861-1931
Đông Đàng Trong, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Làng Sông

Antoine Sudre Thọ
1859-1923
Đông Đàng Trong, Cù Và, Đại An, Qui Nhơn

Eugène Durand Lộc
1864-1932
Đông Đàng Trong, Đại An, Phan Rí

Louis Nézeys Nhạc
1861-1906
Đông Đàng Trong, Phan Rang, Đồng Quả

Denis Poyet Thuận
1863-1932
Đông Đàng Trong, Bình Định, Rohai

Louis Blais Lực
1863-1908
Đông Đàng Trong, Đại An, Kim Châu


Pascal Jary Hòa
1870-?
Đông Đàng Trong, xuất hội MEP 1900

Eugène Garnier Minh
1862-1952
Đông Đàng Trong, Khánh Hòa, Bình Thuận

Joseph Mériel Bạch (Bắc)
1864-1891
Đông Đàng Trong, Bình Định, Phan Thiết, Bahnars

Honoré Tissier Ngọc
1864-1919
Đông Đàng Trong, Bàu Gốc

150. Jean Guéno Nghiêm
1866-1932
Đông Đàng Trong, Đại An, Thác Đá, Cù Và

Théophile Seiller Trang
1864-19..
Đông Đàng Trong, An Sơn, xuất hội MEP 1908

Gustave Dubulle Phương
1865-1937
Đông Đàng Trong, Phú Yên, Bình Định

François Dauguet Tài
1866-1892
Đông Đàng Trong, Khánh Hòa

Vincent Archimbaud Đức
1860-1919
Đông Đàng Trong, Bình Thuận, Phan Thiết

Jean-Baptiste Degrange Đệ
1867-1891
Đông Đàng Trong, Mằng Lăng

Martial Jannin Phước
1867-1940
Đông Đàng Trong, Kontum


Charles Saulçoy Ngoan
1868-1939
Đông Đàng Trong, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Thác Đá


Antoine Wendling Linh
1869-1923
Đông Đàng Trong, Cây Da, Trà Kê, Mằng Lăng


Jean-Baptiste Jurbert Vinh
1869-1898
Đông Đàng Trong, Bình Định, Bahnars

160. Alexis Bovin Nhã
1870-1923
Đông Đàng Trong, Đồng Quả, Cù Và

Julien Geoffroy Kim
1871-1918
Đông Đàng Trong, Kim Châu, Phan Rang

Louis Vallet Ngân
1869-1945
Đông Đàng Trong, Kim Châu, Nha Trang

Paul André Maheu Mỹ
1869-1931
Đông Đàng Trong, Qui Nhơn, Qui Hòa

Jean-Pierre Demeure Ngự
1870-1928
Đông Đàng Trong, Làng Sông, Kontum

Louis Asseray Nghị
1872-1944
Đông Đàng Trong, Kontum

Marius Jean Gioan
1874-1963
Đông Đàng Trong, Hoa Vông, Làng Sông, Mằng Lăng

Jules Labiausse Sáng
1874-1941
Đông Đàng Trong, Kim Châu, Làng Sông, Qui Nhơn

Đức cha
Augustin Tardieu Phú
1872-1942
Đông Đàng Trong

Charles Salomez Quới
1872-1924
Đông Đàng Trong, Phú Hòa, Gò Thị, Làng Sông

170. Charles Vallet Thanh
1874-1947
Đông Đàng Trong, Thác Đá

Émile Kemlin Văn
1875-1925
Đông Đàng Trong, Kontum

Grégoire Bober Chương
1873-1957
Đông Đàng Trong, Bahnars

Jean-Marie Porcher Kính
1874-1942
Đông Đàng Trong, Đồng Tre, Hoa Vông, Mằng Lăng, Hội Đức

Jean-Baptiste Solvignon Lành
1873-1935
Đông Đàng Trong, Kim Châu, Gò Thị

Jules Alberty Hiền
1874-1959
Tây Đàng Trong, Kontum

Émile Perreaux Qui
1876-1939
Đông Đàng Trong, Kiều Đông, Làng Sông, Qui Nhơn

Joseph Perceaux Lễ
1874-1902
Đông Đàng Trong, Bình Định

Louis Hutinet Nhì
1877-1967
Đông Đàng Trong, Kontum

Gabriel Nicolas Cận
1876-1947
Đông Đàng Trong, Qui Hòa, Nha Trang

180. Louis Guillot Nhứt
1872-1938
Đông Đàng Trong, Qui Nhơn, Bahnar

Joseph Mémet Viễn
1873-1904
Đông Đàng Trong, Bahnar

Adrien Berger Mầu
1872-?
Đông Đàng Trong, xuất hội MEP 1904

Jean Souverbielle Đoán
1876-1934
Đông Đàng Trong, Đại An, Bầu Gốc

Pierre Le Darré Châu
1876-1945
Đông Đàng Trong, Châu Me, Gia Hựu, Phan Rang

Jean Bonnal Bổn
1878-1934
Đông Đàng Trong, Kontum

Joseph Lalanne Lân
1879-1938
Đông Đàng Trong, Đồng Quả, Hoa Vông, Trà Kiệu

Pierre Sanctuaire Khánh
1877-1949
Đông Đàng Trong, Qui Nhơn, Nước Nhỉ, Nha Trang

Michel Raineau Nguyên
1878-?
Đông Đàng Trong, xuất hội MEP 1908

Joseph Roure Hiển
1878-?
Đông Đàng Trong, xuất hội MEP 1899

190. Jules Saulot Lượng
1872-1936
Đông Đàng Trong, Qui Nhơn, Ninh Hòa, Đà Nẵng

Eugène Mugnier Lý
1880-1922
Đông Đàng Trong, Trà Kiệu, Đại An

Ernest Garrigues Liêm
1878-1960
Đông Đàng Trong, Vĩnh Minh, Vạn Giã

Joseph Lardon Trọng
1878-1924
Đông Đàng Trong, Bahnar

Joseph Gaillard Vọng
1877-1925
Đông Đàng Trong, Bahnar

Noel Misson Sơn
1878-1939
Đông Đàng Trong, Quảng Ngãi

Edmond Landreau Bạch
1878-1965
Đông Đàng Trong, An Ngãi Đông

Gaston Degas Quang
1880-1907
Đông Đàng Trong, Phú Yên, Ninh Hòa

Henri Bonhomme Toại
1880-1966
Đông Đàng Trong, Xoài, Làng Sông, Qui Nhơn

200.Charles Dorgeville Sĩ
1881-1967
Đông Đàng Trong, Qui Nhơn,  Làng Sông

Élie Décrouille Đề (Đệ)
1881-1939
Đông Đàng Trong, Sông Cát, Kontum

Paul Ducateau Quảng
1882-1949
Đông Đàng Trong, Qui Nhơn, Bahnar

Guillaume David Yên
1881-1957
Đông Đàng Trong, ĐCV Qui Nhơn

Jean Guichard Lễ
1880-1934
Đông Đàng Trong, Bahnar

Gaspard Mugnier Vĩnh (Binh)
1882-1932
Đông Đàng Trong, Ninh Hòa, Bahnar, Đồng Phó

Claudius Corompt Hiển
1881-1969
Đông Đàng Trong, Kontum

Ernest Charasson Báu (Bảo)
1882-1913
Đông Đàng Trong, Bahnar

Justin Etcheberry Ân
1883-1956
Đông Đàng Trong, Đại An, Qui Nhơn, Nước Nhỉ

François Louison (Án) Lui
1883-1953
Đông Đàng Trong, Kontum

210. Pierre Gallioz Thiết
1882-1953
Đông Đàng Trong, Trà Kiệu, Cồn Dầu, Phước Kiều

Jean-Baptiste Décrouille Tôn
1883-1961
Đông Đàng Trong, Kontum

Léopold Priou Tài
1884-1965
Đông Đàng Trong, Kontum, Pleiku

Félix Bérard Hào
1885-1912
Đông Đàng Trong, Vườn Vông

François Jamet Kiệt
1886-1975
Đông Đàng Trong, Đại An, Gia Hựu, Hộ Diêm

Émile Laborier Hảo
1886-1953
Đông Đàng Trong, Bầu Gốc, Bình Định

Đức cha
Paul Marcel Piquet Lợi
1888-1966
Giám mục Qui Nhơn

Lucien Escalère Dõng
1888-1953
Đông Đàng Trong, An Sơn, Cù Và, Kim Châu, Qui Nhơn

Jean Sion Khâm
1890-1951
Đông Đàng Trong, Đại An, Kim Châu

Paul Crétin Xuân
1892-1978
Đông Đàng Trong, Bahnar

220.Martial Lassalmonie Tân
1897-1974
Đông Đàng Trong, Gò Thị, Đại An

Camille Rohmer Triết
1896-1978
Qui Nhơn, Thanh Bình, Đại An, Qui Hòa

Bernard Iroz Y
1899-1934
Qui Nhơn, Bahnar

Joseph Clause Hồng
1901-1971
Qui Nhơn, Làng Sông, Nha Trang

Pierre Alexandre Trí
1901-1961
Qui Nhơn, Qui Hòa, Làng Sông, Quảng Nam, Hộ Diêm

Charles Stutzmann Báu
1901-1944
Qui Nhơn, Polei-Pôo

Jean-Marie Tourte Quí
1903-1962
Qui Nhơn, Làng Sông, Lệ Sơn, Chợ Mới, Cây Vông

Paul Valour Lực
1906-1971
Qui Nhơn, Lạc Điền, Thác Đá,

Marc Lefèbvre Kim
1906-1979
Qui Nhơn, Phước Kiều, Lạc Điền, Làng Sông, Kim Châu

Pierre Gauthier Báu
1910-2004
Qui Nhơn, Đại chủng viện Qui Nhơn

230.Pierre Jeanningros Vị
1912-…
Qui Nhơn, Làng Sông, Qui Hòa

Jacques Lourdez
1913-1990
Qui Nhơn, Trà Kiệu, Phan Rang, Sàigòn

Jose Luis Egaña
1917-2001
Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng

Albert Mollard Lễ
1916 -…
Qui Nhơn, Nha Trang, Trà Kiệu

Amédée Benoit Sáng
1913-1954
Qui Nhơn, Bình Cang, Phan Rang

Laurent Alessandrini
1920-1992
Qui Nhơn, Nha Trang, Quảng Nam

Claude Charmot Sắc
1922-1982
Hưng Hóa, Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng

Élie Gabriel Espie Mỹ
1925-…
Qui Nhơn, Trà Kiệu

Michel Gervier Lành
1923-1997
Qui Nhơn, Nha Trang

Joseph Viot
1926-2000
Qui Nhơn, Nha Trang

André Saunier Nhất
1927-…
Qui Nhơn, Gò Đền, (hồi tục 1963)

2. “Bèo dạt mây trôi” những mảnh đời phục vụ
Anh đi chẳng hẹn ngày về,
Chỉ thề ai buộc, tóc thề ai chôn?
          (thơ Nguyễn Bính)
Gác lại nỗi niềm riêng và nỗi buồn xa xứ (nostalgie), các thừa sai lên đường với hào khí như tráng sĩ chỉ biết ngày đi chứ không biết ngày về. Theo nghi thức truyền thống, nghi thức tiễn chân diễn ra tại “Oratoire de la sainte Vierge,  một đài Đức Mẹ nhỏ xinh với những bụi hồng nằm khiêm tốn nơi góc vườn Chủng viện Missions Étrangères. Tại đây, người ta hát bài “Tiễn chân các thừa sai”[20]
Partez hérauts de la bonne nouvelle
Voici le jour appelé par vos vœux
Rien désormais n'enchaîne votre zèle
Partez amis que vous êtes heureux
Oh ! qu'ils sont beaux vos pieds missionnaires
Nous les baisons avec un saint transport
Oh ! qu'ils sont beaux sur ces lointaines terres
Où règne l'erreur et la mort

Tạm dịch:
Ra đi hỡi những cánh chim loan báo Tin Mừng
Đây là ngày từng ước nguyện
Từ nay không gì hãm lại được nhiệt huyết của bạn
Hãy ra đi hỡi người bạn hạnh phúc
Ôi! Đẹp thay đôi bàn chân thừa sai
Chúng tôi hân hoan hôn lên chúng
Ôi! Những bàn chân đẹp khi bước đi trên miền đất xa xăm
Nơi sai lầm và chết chóc ngự trị
Để hội nhập văn hóa, khi đến nhiệm sở, các ngài thường chọn những cái tên Việt Nam nói lên những đức tính nào đó. Những “Sáng, Lễ, Trí, Triết,…” thường được chọn như bất kỳ người Việt Nam nào khác. Đôi khi các ngài lấy một âm trong tên Pháp để làm tên Việt, chẳng hạn như cố Bổn Jean Bonnal, cố Đề Jean Dégout, cố Ba Alexis Barbier. Đôi lúc các ngài dịch tên mình sang tiếng Việt, chẳng hạn cố Ngự Jean-Pierre Demeure. Cha François Gagelin được vua ban cho tên là Tây Hoài Hoa, nhưng quên đi tên chữ, người ta vẫn gọi ngài là cố Kính. Một số các thừa sai đã đổi tên tiếng Việt khi chuyển lên Kontum, chẳng hạn cố Joseph Mériel Bạch thành Bắc, cố Gaspard Mugnier Vĩnh thành Binh, cố Ernest Charasson Báu thành Bảo, …
Nhưng rồi “c’est la vie”! cuộc sống không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái” dù là với những người làm việc cho “vườn nho” Chúa. Và thế là “bèo dạt mây trôi” những mảnh đời!
Có những thừa sai nhận được nhiệm sở nhưng không bao giờ đến nơi vì mất trên đường đi: Thừa sai Nicolas Duval được sai đến Đàng Trong ngày 29 tháng Giêng 1792, nhưng rồi bị bệnh trên đường đi và chết ở Macao ngày 2 tháng Mười 1792; Thừa sai Joseph Guillou (1811-1837), bài sai đi Đàng Trong, nhưng chết đuối trên sông Meinam (Thái Lan).
Có những vị dường như không có dấu ấn gì vì chết rất sớm, ngay khi vừa đặt chân lên miền truyền giáo như thừa sai François Noblet, đến tháng Tư và chết tháng Bảy 1827; Thừa sai Jean Le Germain bài sai đi Trung Hoa, nhưng đến Macao thì được đổi đi Đàng Trong, ở Chủng viện, thế nhưng cũng bị bệnh và chết sớm; Thừa sai Jean-Baptiste Degrange Đệ chịu chức ngày 24 tháng Sáu 1890, đến miền truyền giáo Đông Đàng Trong ngày 15 tháng Mười 1890 và chết tại Mằng Lăng ngày 12 tháng Giêng 1891 vì bệnh sốt thương hàn; Thừa sai Pierre Magdinier có bài sai đi Đàng Ngoài, từ Macao đi Đàng Trong ngài đồng hành cùng với cha Ordorico, Dòng Phanxicô. Trên đường đi ra Huế thì ngài bị bệnh chết tại Qui Nhơn, Bình Định, ngày 18 tháng bảy 1819;  Câu chuyện của Thừa sai Félix Bérard Hào là một câu chuyện bi thương: đến Qui Nhơn ngày 23 tháng Giêng 1911, học tiếng tại Vườn Vông rồi phụ trách một sở họ xa giáp giới với miền sơn cước. Một tháng sau khi đến nhiệm sở thì ngài bị mắc mưa nặng, khiến ho không dứt, đành phải trở về lại Vườn Vông rồi được Đức cha Grangeon đưa về Qui Nhơn để trị liệu đồng thời học thêm tiếng Việt. Khi bệnh tình ngày càng nặng thì ngày 2 tháng Sáu ngài nhận được thư báo tin cha mất. Dù đang bệnh, nhưng ngài vẫn dâng hai thánh lễ cho cha mình và viết thư an ủi gia đình. Ngày 4, bệnh trở nặng hơn cho đến ngày 10 tháng Sáu 1912 thì ngài qua đời tại Qui Nhơn, được đưa bằng thuyền về Làng Sông và chôn tại đó.
Thừa sai Jean de Carbon được bổ nhiệm làm “visiteur apostolique” (Thanh tra tông tòa) Đàng Trong năm 30/4/1739. Sau khi biết được miền Trung đang thiếu thừa sai, ngài xin đi đến Khánh Hòa. Từ chối đi võng như thói quen của Đàng Trong thời ấy, ngài đi bộ đến Khánh Hòa và bị bệnh, mất ở đấy vào ngày 6/9/1739, có lẽ tại Chợ Mới, chỉ mới được hơn 4 tháng nhận nhiệm vụ; Etienne Jourdain, nguyên là người miền Besancon, nhưng khi xảy ra cuộc cách mạng Pháp 1789, thì chạy sang Đức, rồi sang Anh, đăng ký vào hội MEP ở Anh và nhận bài sai đi Đàng Trong, làm giáo sư Chủng viện Lái Thiêu năm 1801, được gọi đi Battambang năm 1802, năm sau được gọi đi Huế nhưng mất trên đến nhiệm sở khi đang còn ở Sàigòn.
Thừa sai Noel Misson Sơn đến Quảng Ngãi học tiếng Việt năm 1903, nhưng chỉ ít lâu thì được gọi về Pháp làm giáo sư chủng viện Bièvres; Thừa sai Joseph Roure Hiển đến Đông  Đàng Trong ngày 1 tháng Tám 1899 nhưng về lại Pháp ngày 19 tháng Mười và xuất hội MEP; Thừa sai Jacques de Bourgeries, gốc Bỉ, gặp khó khăn khi làm việc với Đức cha Alexandre de Alexandris, Người Ý, Dòng Barnabite. Năm 1741, ngài về Pháp và xuất Hội MEP; Các thừa sai Michel Raineau Nguyên, Adrien Berger Mầu, Théophile Seiller Trang, Antoine Valfort Sơn, Joseph Guitton Thông, vì nhiều lý do đã về lại Pháp rồi xuất Hội MEP và gần đây, cha André Saunier Nhất làm việc tại Gò Đền đã hồi tục năm vào năm 1963. Tuy nhiên, thừa sai Gustave Dubulle Phương trước tiên làm việc tại Phú Yên, năm 1897 ở vài tháng tại Xóm Nam và thành lập họ mới Nho Lâm, xây nhà thờ Nam Bình. Năm 1926 ngài cũng rời nhiệm sở và hội MEP, về Pháp, nhưng để vào dòng Trappiste và qua đời tại tu viện Sept-Fons năm 1937, kết thúc một cuộc đời hoạt động lẫn chiêm niệm. Đặc biệt là thừa sai Jean de Courtaulin de Maguelonne, đến Đàng Trong năm 1674 với chức vị Quyền đại diện. Làm được việc nhưng tính tình độc đoán, chẳng nghe lời khuyên của ai cả. Bất chấp lời cảnh báo, ngài xây dựng một nhà thờ thật to lớn[21], nhưng kẻ thù của các thừa sai Pháp là Jean de la Croix đã lợi dụng cơ hội này để tố cáo các thừa sai là gián điệp, và thế là cuộc bách hại nổ ra. Cũng có vấn đề bổ nhiệm ngài làm giám mục, nhưng Đức cha Pallu phản đối: “Optimum quidem illum esse missionarium, sed ad regimen aliorum minus idoneum” (Ngài làm thừa sai thì rất tốt, nhưng để điều khiển người khác thì ít thích hợp).[22] Năm 1685, cha Courtaulin rời bỏ miền truyền giáo và Hội MEP. Chúng ta không biết được lý do nhưng quả là cái kết buồn! Trái lại, thừa sai Doussain tính tình dường như rất vô tư, chẳng lo lắng gì cả. Đức cha Labartette viết về ngài như sau: “Từ Cham cho đến Đồng Nai chỉ có 6 thừa sai: cha Doussain ở Qui Nhơn, cha Lũy ở Cham, cha Tín ở Hòa Ngãi, cha Phước ở Phú Yên, cha Ngãi ở Nha Trang và Bình Thuận cho đến Đồng Nai. Tôi đã không nhận được bản thống kê bí tích của các vị này và điều này là do tính chểnh mảng của thừa sai Doussain, ngài chẳng chịu khó gì cả, chính vì thế mà người Đàng Trong gọi ngài là “người vô sự”. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở rằng Roma phàn nàn nhiều về miền truyền giáo của chúng ta, rằng chúng ta không gởi các báo cáo bí tích hằng năm như các miền truyền giáo khác, thế mà ngài vẫn cứ đường ngài mà đi”.[23] Tuy nhiên, điều này không ngăn cản ngài làm Đức cha phó dù vỏn vẹn chỉ có 1 năm thì qua đời!
Các thừa sai sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với nhau, về tinh thần và cả vật chất nữa. Tương truyền các mặt bàn tròn to bằng gỗ quý hiếm tại Làng Sông, nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn, Mằng Lăng và Hộ Diêm là từ một gốc đã được các ngài chia sẻ với nhau. Với người dân Việt, các ngài giúp dân tổ chức canh tác đất đai, đưa kiến thức, khoa học kỹ thuật phương Tây về để làm nên hiệu quả kinh tế. Sau bách hại 1885, cha Jean Maillard Thiên từ Gia Hựu ra Phú Thượng, phổ biến cách trồng trà, càphê và lúa, được bổ nhiệm làm thành viên Phòng canh nông và thương mại Annam (Chambre d'agriculture et de commerce de l'Annam). Cố Đề Marie-Louis-de-Gonzague Villaume nổi tiếng với các công trình thủy lợi tại Phan Rang. Cha cho khôi phục lại một con mương cũ mà hiện nay vẫn còn được gọi là Mương ông Cố; khôi phục đập và mương Rừng Cấm, thay thế đập chắn cũ của Nha Trinh, tạo nên cả một vùng ruộng lúa thành công đến nỗi một viên thanh tra nông nghiệp trong bản báo cáo chính thức gọi cha là “nhà khai khẩn cừ khôi của xứ Annam". Đức cha Jean Claude Miche Mịch (Gioang) là người có công đưa giống cây mảng cầu Xiêm (corossolier) về Đông Dương, nguyên là một giống cây có nguồn gốc từ Châu Mỹ. Ban đầu ngài có bài sai đi Đàng Trong, nhưng vì bách đạo nên đi Bangkok và Cambodge. Năm 1840, ngài đến Đàng Trong và làm Quyền đại diện, bị bắt và dẫn về Huế. Trong suốt những chuyến đi đó đây, ngài rất quan tâm đến thực vật. Ngày 6 tháng Giêng 1870, khi làm Đại diện tông tòa Tây Đàng Trong, ngài viết cho cha Laigre ở Penang : «Có những loại trái cây ở trường Penang mà tôi rất muốn du nhập vào đây, nơi chúng vẫn còn chưa được biết đến, như mít tố nữ (champada) và chôm chôm (ramboutan). Nếu cha vui lòng, khi các chủng sinh về Sàigòn, thì xin cha giao cho họ một thùng các giống cây nói trên để họ chăm sóc chúng trên đường về, như vậy tôi sẽ rất vui cũng như giám đốc vườn bách thảo Sàigòn».[24] Như thế, rất dễ hiểu là tại sao các vùng Lái Thiêu và miền Tây lại trở nên một miền trù phú với các giống cây trái mà hiện nay đã hợp thổ nhưỡng trở thành cây bản địa.
Một số thừa sai «chết» với cái biệt danh gắn liền với công trạng nổi bật của họ. Trong cuốn Niên giám Đông Dương thuộc Pháp[25], cha Wendling có biệt danh là «Missionnaire-agriculteur» (Thừa sai nông gia), cha Marie Honoré Tissier là «Missionnaire-propriétaire» (Thừa sai điền chủ) và không ngạc nhiên lắm khi cha Maheu được gọi là “Missionnaire-imprimeur” (Thừa sai nhà in). Cố Linh Antoine Wendling (1869-1923), làm việc tại Cây Da, Trà Kê từ năm 1895. Năm 1897, ngài xây nhà thờ mới Trà Kê. Năm 1901, được gọi về Mằng Lăng. Tại Mằng Lăng, ngài tiếp tục công trình xây dựng nhà thờ còn đang dỡ dang do cha Joseph Lacassagne (cố Xuân) để lại, không liên can gì đến việc đồng áng. Có lẽ biệt danh “nông gia” này có từ thời ngài còn ở Trà Kê và Cây Da. Cố Ngọc Marie Honoré Tissier (1864-1919) năm 1893,  làm việc tại Chợ Mới, Bình Cang. Năm 1897, phụ trách Trung Sơn, Quảng Ngãi. Chính tại đây, ngài đã khai khẩn các triền đồi để trồng trà và quế, tạo công ăn việc làm cho người dân quanh vùng. Có lẽ vì là chủ sở hữu các đất canh tác này mà ngài có biệt danh “Thừa sai điền chủ”. «Bên hữu ngạn sông Trà Bồng, cách con sông vài cây số, ở Trung Sơn (Huyện Bình Sơn), gần địa sở của mình, Cha Tissier sở hữu ba đám gò đồi rừng, nơi ngài trồng tiêu, trà và quế,… Nhờ nỗ lực cá nhân cũng như làm việc vất vả mà cha đã biến đổi đất rừng thành những vườn tiêu, đồn điền trà và sắn mì như ta thấy ngày nay…. Ngày nay, kết quả rất khả quan. Trong vườn có khoảng 1.000 gốc tiêu. 3.000 gốc khác được trồng trên đồi mà khoảng một phần tư đã được khai phá hoàn toàn, cây giống tiêu đã được trồng thử và có vẻ như đã thành công; bốn cái giếng được đào để tiêu tưới trong mùa khô. Ngoài tiêu ra, hiện thời có 2.000 gốc đang sinh lợi và 30.000 gốc ươm, mà 15.000 gốc sẽ được trồng trong năm tới trên những mảnh đất được cấp tốc phát hoang. Khoảng 500 cây quế cũng đã lên mạnh và 500 cây khác trong vườn ươm. Để đạt được mục đích, ngài đã phải chiến đấu chống lại đất đai bạc bẽo, khô cằn, khí hậu xấu, sự thờ ơ của người bản xứ và ngay cả những con thú hoang. Hiện nay vẫn còn những con hoẵng, nai, đến gặm những gốc quế hoặc chè trong khi lũ khỉ nhổ những dây tiêu, nếu không thì mấy con gà rừng cũng đến đào cho bật gốc. Ngài thật sự có công khi làm việc và thành công trong những điều kiện khắc nghiệt như thế. Một tấm gương đáng noi theo».[26] Cố Mỹ Maheu học tiếng Việt tại cảng Qui Nhơn, rồi làm cha phó cho cha Villaume ở Phan Rang. Ít lâu sau ngài phụ trách các sở họ ở Ninh Hòa, nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì kiệt sức và phải đi nghỉ dưỡng ở Hong Kong trong vòng một năm. Khi trở lại địa phận, ngài được gởi đi làm việc nơi người Bahnars, nhưng chỉ được 4 tháng thì căn bệnh buộc ngài phải trở lại đồng bằng và rồi sau đó lại đi Hong Kong nghỉ bệnh. Tại đây, ngài học nghề in với cha Monnier tại Nhà in Nazareth, học từ khâu vận hành máy in, đúc chữ, xếp chữ, cho đến đóng bìa …. Trở về địa phận vào tháng Bảy 1904, ngài phụ trách nhà in của địa phận từ tháng Chín năm đó và cũng từ đấy ngài mang biệt danh «missionnaire-imprimeur» (thừa sai nhà in). Cha Maheu quả là một thừa sai đa năng, hoạt động trong nhiều lãnh vực. Ngoài nhà in, ngài còn là sáng lập viên trại phong Qui Hòa và Hội học Pháp Nam Qui Nhơn, một hoạt động ít được biết đến. «Hoạt động xã hội của cha Maheu không chỉ dừng lại ở Trại phong Qui Hòa mà chúng tôi có dịp nói đến gần đây, mà còn có một thiết chế có thể thấm nhập cả đời sống con người và là điều đáng hãnh diện cho người sáng lập ra nó. Người mà chúng tôi nói đến ở đây là một người nhiệt tâm và đầy tham vọng trên lãnh vực nhân ái. Chăm sóc cho những người bị thua thiệt, nạn nhân của chứng bệnh kinh tởm, cho họ chỗ ở, nuôi sống họ, an ủi họ trong cảnh khốn cùng, điều đó vẫn chưa đủ đối với sự tận tâm của con người tông đồ này, người phục vụ xứng đáng của Đức Kitô. Ngài có lý khi nghĩ rằng : «Lo phần xác thì tốt nhưng chưa đủ, phải lấp đầy tri thức, làm cho nó phát triển». Và thế là ngài bắt đầu công việc. Ngài sáng lập Hội học Pháp Nam Qui Nhơn (Cercle d’études franco-annamite de Quinhon) như đã sáng lập Trại phong Qui Hòa, hai thiết chế đều cần thiết và cấp thiết trên các phương diện khác nhau. Ở lãnh vực này, ta chữa trị, làm giảm nhẹ các căn bệnh. Ở lãnh vực kia, ta duy trì sức khỏe tinh thần nơi những người khỏe mạnh phần xác. Làm sao diễn đạt và thực hiện được dự định cao cả này chứa đựng trong câu ngạn ngữ lừng danh «Tinh thần khỏe mạnh trong một thân xác tráng kiện»? Điều lạ lùng nhất là vị linh mục lỗi lạc này, được đức tin vững mạnh nâng đỡ, đã thành công trọn vẹn trong hai sáng kiến này, dù cho có những câu tục ngữ bi quan biện hộ cho tính lười biếng hay làm nản lòng những thiện ý nhưng chúng chẳng mấy ảnh hưởng đến những bản tính mạnh mẽ và quyết đoán : «Qui trop embrasse mal étreint » (Ôm đồm cho lắm chẳng xong việc nào)» ; «Il faut se garder de courir deux lièvres à la fois» (Đừng chạy theo hai con thỏ cùng lúc; Đừng bắt cá hai tay) etc…. Nên lưu ý là một chút là cha Maheu đã loại bỏ những vấn đề chính trị và tôn giáo khỏi hai cơ sở này của ngài, đây là điều đáng khâm phục nơi một vị tu sĩ. Mục đích duy nhất của ngài chỉ là sự xích lại gần nhau giữa người Pháp và Việt, giúp những con người ưu tú của hai dân tộc này hiểu nhau …. ».[27]
x

Cha Maheu và các học việc nhà in Qui Nhơn
Trên đây chỉ là một số ít các thừa sai và các hoạt động tiêu biểu, còn biết bao nhiêu công trình nữa của các thừa sai MEP đã làm trên đất nước này, trên giáo phận này mà chúng ta không thể kể hết được, ngay cả thân xác các ngài cũng đã gởi gắm lại đây. Mừng Năm Thánh, Giáo phận không chọn tiêu đề «400 Năm Đón Nhận Tin Mừng» mà là «400 Năm Loan Báo Tin Mừng», chính là để không chỉ kỷ niệm 4 thế kỷ giáo phận đón nhận đức tin nhưng còn tôn vinh những «cánh chim loan báo Tin Mừng» - les hérauts de la bonne nouvelle - mà trong đó có khoảng 240 thừa sai hội MEP đã vượt ngàn trùng khơi đem Tin Mừng đến với Giáo phận từ khi còn mang tên Đàng Trong kéo dài suốt cả miền Nam đất Việt cho đến Giáo phận Qui Nhơn hiện nay gói gọn trong 3 tỉnh miền Trung. Giáo phận kỷ niệm 400 năm Loan báo Tin Mừng cũng là 359 năm Hội MEP hiện diện, chúng ta ghi ơn các thừa sai như những bậc tiền nhân đã gầy dựng giáo phận và để lại cho chúng ta như một di sản quý giá. Với các ngài, chúng ta có thể hát lời ca bài tiễn biệt:
En nous quittant vous demeurez nos frères
Pensez à nous devant Dieu chaque jour
Restons unis dans la sainte prière
Restons unis dans son Divin amour.
Ô Dieu Jésus, notre roi notre maître
Protégez-nous, veillez sur notre sort
A Vous nos cœurs, notre sang, tout notre être
A vous à la vie, à la mort.[28]

Tạm dịch:
Xa rời chúng con, các cha vẫn là những người anh em
Hằng ngày, hãy nghĩ đến chúng con trước mặt Thiên Chúa
Chúng ta cùng kết hiệp trong lời cầu nguyện
Trong tình yêu Thiên Chúa
Ôi Giêsu, Vua và là Thầy chúng con
Hãy bảo vệ, canh giữ số phận chúng con
Dâng Ngài tâm hồn, máu và trọn cuộc sống
Dâng Ngài khi sống và cả lúc chết
KẾT
  Nhân kỷ niệm 350 năm hiện diện của Hội MEP (1658-2008), Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã khuyến khích Hội tiếp tục theo đuổi hoạt động của mình để biện phân «những hạt giống Tin Mừng», loan báo sứ điệp của Đức Kitô, cũng như tiếp tục là những người phục vụ Đức Kitô và Giáo hội của Ngài.[29]
Mục đích vẫn còn đó nhưng thời thế đã đổi thay, «Điều ghi dấu ấn sâu đậm nơi hội MEP trong thế kỷ XX này chính là những cuộc trục xuất. Nó bắt đầu ở Trung Hoa từ năm 1950. Sau khi thường xuyên bắt bớ, giam ngục, ngược đãi, khoảng 250 thừa sai bị trục xuất khỏi Trung Hoa. Kế đến là các thừa sai ở Miến Điện khi tướng Ne Win quyết định vào năm 1966 không tái cấp thị thực nhập cảnh cho người ngoại quốc đến Miến Điện từ sau độc lập vào năm 1948. Cuối cùng, vào năm 1975, đến phiên các thừa sai ở Việt Nam, Cambodge và Lào…. Từ đó, hội đã thích ứng với tình thế và có những hình thức sứ vụ mới: vẫn còn có những cơ hội khác, như bảng hiệu chỉ ra những con đường truyền giáo mới. Từ những đất nước bị đóng cửa này, chúng tôi nhận đến Pháp những linh mục sinh viên càng ngày càng đông, và như thế tìm lại được một trong những điều ưu tiên được chỉ định cho chúng tôi ngay từ đầu là: huấn luyện các linh mục…. Cuối cùng, không thể nói lên được niềm hạnh phúc khi chúng tôi chia sẻ với những bạn trẻ, những tình nguyện viên MEP (volontaires MEP), chia sẻ tiếng gọi truyền giáo phổ quát và sự gắn bó với những đất nước này, với các dân tộc Á Châu và Ấn Độ dương mà sự tươi mới nơi cái nhìn của họ làm cho chúng tôi khám phá những đất nước này dưới một ngày mới và yêu thương các dân tộc này hơn bao giờ hết»[30]
Là những người thừa kế di sản và tiếp nối sự nghiệp của các ngài, chúng ta học hỏi được gì nơi các thừa sai MEP để có thể áp dụng vào nỗ lực «Tân phúc âm hóa» của Giáo phận? «Ơn gọi MEP là ơn gọi linh mục, với đặc sủng truyền giáo, một đặc sủng thường được định nghĩa bằng «3 ad»: 1) ad extra, 2) ad vitam và 3) ad gentes.  Đây là ơn gọi hiến dâng trọn đời cho việc truyền giáo hướng ngoại nhằm loan báo Tin Mừng cho muôn dân”.[31] Những ý hướng này thật không xa lạ gì với giáo huấn của Đức thánh cha Phanxicô, người vẫn luôn kêu gọi mọi người «đi ra vùng ngoại biên» (ad extra) để «Thông qua Hội Thánh, Đức Kitô tiếp tục sứ mạng của mình là Người Samari Tốt Lành, săn sóc những vết thương rướm máu của nhân loại (ad vitam[32]), và là Người Mục Tử Tốt Lành, không ngừng tìm kiếm những con chiên lạc trên những con đường ngoằn ngoèo không dẫn tới đâu (ad gentes[33])”.[34]
 
[1] Theo CLAUDE LANGEL’Église catholique et la société des Missions Étrangères au Vietnam, Vicariat apostolique de Cochinchine XVI et XVII siècles, L’Harmattan, 2004. Sinh năm 1927, tác giả là thừa sai MEP, phục vụ tại Việt Nam từ năm 1958 đến 1975 qua các nhiệm sở: chủng viện Kontum (1958-1966), Đại học Đà Lạt (1961-1963, 1966-1975). Sau khi bị buộc phải trở về Pháp năm 1975, ngài có cơ hội đào sâu kiến thức về lịch sử Kitô giáo tại Việt Nam và trình luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne năm 1980 về công cuộc truyền giáo tại Việt Nam vào thế kỷ thứ XVII và XVIII. Ngài là thành viên của Société des Amis de l’Académie des Sciences d’Outre-Mer, viết nhiều bài báo về Giáo hội Việt Nam, nhất là trong Vietnam, l’histoire, la terre, les hommes (L’Harmattan, 1989), Les chemin de la décolonisation de l’Empire colonial Français (CNRS, 1986.
[2] LE THANH KHOILe Viet Nam, Histoire et Civilisation, Éd. de Minuit, 1955, tr. 285, chú thích số 88 : «Người Bồ Đào Nha gọi là Cauchichina. Phần đầu «Cauchi» bắt nguồn từ tên gọi tiếng Mã Lai là «Kutchi», mà chính từ này lại xuất phát từ Kiao-Tche (Giao Chỉ). Phần thứ hai là «China» được thêm vào để phân biệt với «Kutchi» của Ấn Độ, tức thành phố cảng «Cochin», một phần đất khác cũng thuộc người Bồ Đào Nha.
[3] Xem AUROUSSEAU L., Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient (BEFEO), tome XXIV, «Notes et mélanges» - «sur le nom de Cochinchine», tr. 563-579.
[4] Xem Đ QUANG CHÍNHLa mission au Viet Nam, 1624-1630 et 1640-1645, d’Alexandre de Rhodes. S.J., luận án tiến sĩ đệ tam cấp, L'École Pratique des Hautes Études, Paris, tr. 67-68 ; chú thích 3, tr. 67.
[5] CLAUDE LANGEL’Église catholique et la société des Missions Étrangères au Vietnam, Vicariat apostolique de Cochinchine XVI et XVII siècles, L’Harmattan, 2004, tr. 13-15.
[6] Từ ngày 1.10.1962 trường được đổi tên thành «Pontificia Universitas Urbaniana”, tiếng Ý là «Pontificia Università Urbaniana”.
[7] Ba bản điều trần của François Ingoli được xuất bản nguyên văn tiếng Ý trong: CHAPPOULIE, H., Rome et les missions d’Indochine au XVII ème siècle, tome I, Documents N1, N2, N3, tr. 383-390.
[8] Dòng Lazarist
[9] RAYMOND ROSSIGNOL, “La formation du clergé indigène”, trong Catherine Marin, À la rencontre de l'Asie: La Société des Missions Étrangères de Paris, 1658-2008, Karthala, 2008, tr. 11
[10] Bản dịch Pháp văn của Mgr BERNARD JACQUELINE, Instructions aux vicaires apostoliques des royaumes du Tonkin et de la Cochinchine (1659), do Archives des Missions étrangères biên tập, «Documents Omnis Terra» , 2008
[11] CATHERINE MARIN chủ biên, La Société des Missions Etrangères de Paris: 350 ans à la rencontre de l'Asie : 1658-2008, Karthala, 2011, tr. 5-6
[12] Annales de la Société des Missions Étrangères, 1ère année, 1898, tr. 16
[13] Ibid., tr. 18-19
[14] “Annales de la Compagnie du Saint Sacrement », JEAN GUENNOUMissions Étrangères de Paris, Le Sarment Fayard,1986, tr. 117. Tác giả là thừa sai MEP. Sinh năm 1915, ngài được bổ nhiệm làm Giáo sư Đại chủng viện Xã Đoài, nhưng sau khi đến nhiệm sở được 2 tháng thì chiến tranh bùng nổ. Bị Việt Minh cầm tù trong vòng 7 năm cùng với 32 đồng sự, và trở về Pháp năm 1953. Từ năm 1958 đến 1981, ngài là quản thủ viên kho lưu trữ MEP và chuyên hoạt động nghiên cứu.
[15] GUENNOU, ibid., tr. 133
[16] GUENNOU, ibid., tr. 145
[17] JOSEPH NGUYEN HUY LAILa tradition religieuse spirituelle et sociale au Viet Nam, Sa confrontation avec le Christianisme, Beauchesne, Paris, 1981, tr. 385-388
[18] JEAN GUENNOU, mục “Paris foreign mission society”, trong  New Catholic Encyclopedia, Gale, 2003, tr. 890-891
[19] Bài thuyết trình của cha XAVIER DEMOLLIENS, MEP, ngày 26/7/2011, tại Đại chủng viện Xuân Bích, Huế. https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011/07/27/hoi-thua-sai-paris/
[20] Bài ca «Chant du départ des missionnaires”, lời : CHARLES DALLET, nhạc: CHARLES GOUNOD,
[21] Nhà thờ Hội An (Faifo), theo ADRIEN LAUNAYHistoire de la Cochinchine, 1658-1823, tome I, 2000, tr. 162
[22] Xem http://archives.mepasie.org/fr/notices/notices-biographiques/ courtaulin-de-maguelonne
[23] Thư Đức cha Labartette gởi thừa sai Boiret ngày 9 tháng Tư 1806,  trong ADRIEN LAUNAYHistoire de la Cochinchine, 1658-1823, tome III, 2000, tr. 414. Biệt danh «Nguoi vo su» được ghi nguyên văn bằng tiếng Việt trong thư. Tên các thừa sai được phỏng đoán theo nguyên văn không bỏ dấu.
[24] http://archives.mepasie.org/fr/notices/notices-biographiques/ miche
[25] Annuaire général de l'Indo-Chine française ["puis" de l'Indochine] - 1899-1925, Imprimerie d'Extrême-Orient, Hanoi, 1926, tr. 464
[26] LA CHAMBRE CONSULTATIVE MIXTE DE COMMERCE ET D’AGRICULTURE DE L’ANNAM, L’Annam en 1906, Imprimerie Samat, Marseille, 1906, tr. 123-124
[27] “L'oeuvre du R. P. Maheu dans la Sud-Annam, Le Cercle franco-annamite de Qui-nhon, Le corps et l’esprit - Les lépreux et les intellectuels” trong tạp chí L‘Écho annamitesố ngày 18 Mars 1930.
[28] Bài ca «Chant du départ des missionnaires”, lời : CHARLES DALLET, nhạc: CHARLES GOUNOD,
[29] Sứ điệp của Đức thánh cha gởi Hội MEP, “Ouvrir chacun à la mission universelle», 8 tháng Sáu 2008, Tạp chí Missions Étrangères de Paris. Asie et océan Indien, Hors-Serie No 1. Mars 2009, tr. 73-77
[30] J.B. ETCHARREN, “Les grandes dates de l’histoire des MEP depuis le XVIIe siècle jusqu’à nos jours», trong CATHERINE MARIN,  La Société des Missions Étrangères de Paris, 350 ans à la rencontre de l’Asia 1658-2008, Karthala, 2011, tr. 28-29.
[31] Bài thuyết trình của cha XAVIER DEMOLLIENS, MEP, ngày 26/7/2011, tại Đại chủng viện Xuân Bích, Huế. https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011/07/27/hoi-thua-sai-paris/
[32] Chú thích thêm vào của tác giả bài viết.
[33] Chú thích thêm vào của tác giả bài viết.
[34] ĐGH PHANXICÔ, Sứ điệp nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2017, Ngày 4 tháng Sáu 2017, số 5.
 

Bản vẽ kiến trúc Nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn

x
Đức cha Tardieu, các thừa sai, các linh mục Việt Nam,
các thầy Đại chủng viện, tham dự lễ làm phép viên đá đầu tiên
xây dựng Nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn


Lễ tấn phong Đức cha Tardieu
Ngày 1 tháng Năm 1930
Đức cha Tardieu, Đức khâm sứ Dreyer, Đức cha Munagorri OP (Bùi Chu) ; Đức cha phó Chaize (Hà Nội)


x
 
Lễ tấn phong Đức cha Jeanningros Vị
Tại Tiểu chủng viện Làng Sông, ngày 25 tháng Giêng 1912
(hàng trước, từ trái sang phải)
Quý Đức cha Allys, Cardot, Grangeon, Jeanningros, Mossard
Hai người Việt Nam hai bên là các quan tỉnh ở Qui Nhơn


Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn: http://gpquinhon.org/
Thứ tư - 11/10/2017 15:33

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét