Phần I: NĂM THÁNH GIÁO PHẬN
Bài 1. TÌM HIỂU VỀ NĂM THÁNH
“ Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21).
- H. Năm Thánh là gì?
T. Năm Thánh là thời gian Giáo Hội mở kho tàng thiêng liêng cho người tín hữu đón nhận ơn Chúa dồi dào hơn. Gọi là “thánh” là vì thời gian đặc biệt dành cho Thiên Chúa, bởi nhiều nghi thức rất thánh được cử hành với mục đích làm cho người tín hữu nên thánh hơn.
- H. Năm Thánh Kitô giáo được hình thành thế nào?
T. Năm Thánh Kitô giáo khơi nguồn từ Cựu Ước, được Chúa Giêsu công bố và được Giáo Hội thiết lập.
- H. Cựu Ước qui định điều gì về Năm Thánh?
T. Cựu Ước qui định: sau mỗi chu kỳ 49 năm lao động và canh tác, toàn dân được nghỉ một năm. Trong năm đó, đất đai được hưu canh, của cải cầm cố được trả lại cho chủ cũ, nô lệ được trả tự do (x. Lv 25, 1- 22). Với việc thực hành này, Năm Thánh còn được gọi là năm Toàn Xá.
- H. Năm Thánh trong Cựu Ước có ý nghĩa nào?
T. Có hai ý nghĩa này:
+ Một là giúp cho dân Israel nhớ lại hồng ân Thiên Chúa đã giải thoát cha ông họ khỏi nô lệ Ai Cập, để con cháu muôn đời cảm tạ Chúa.
+ Hai là dạy cho dân biết tôn trọng sự bình đẳng giữa mọi người là hình ảnh Thiên Chúa.
- H. Chúa Giêsu công bố Năm Thánh Tân Ước khi nào?
T. Chúa Giêsu công bố Năm Thánh Tân Ước khi Người khởi sự loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa tại hội đường Nadarét. Chúa nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21).
- H. Khi công bố Năm Thánh Tân Ước, Chúa Giêsu muốn nói điều gì?
T. Chúa Giêsu muốn nói ba điều này:
+ Thứ nhất, Người là Đấng khai mở thời đại mới, thời đại ân sủng trải rộng cho tất cả mọi người tới ngày cánh chung.
+ Thứ hai, Người là ân huệ chứa đựng mọi ân huệ.
+ Thứ ba, Người là Đấng cứu độ duy nhất, ai tin vào Người thì được cứu độ.
- H. Giáo Hội thiết lập Năm Thánh như thế nào?
T. Dựa vào Cựu Ước và lời công bố của Chúa Giêsu, Đức Giáo Hoàng Bônifaciô VIII đã thiết lập Năm Thánh đầu tiên vào năm 1300 và ấn định: cứ 100 năm mở Năm Thánh một lần. Đến năm 1350, Đức Giáo hoàng Clêmentê VII mở Năm Thánh lần 2 và điều chỉnh thời gian giữa hai Năm Thánh là 50 năm. Đến năm 1470, Đức Phaolô II rút ngắn khoảng cách xuống còn 25 năm.
- H. Có mấy loại Năm Thánh?
T. Xét theo thời gian, có Năm Thánh thường lệ (định kỳ) và Năm Thánh ngoại lệ; xét theo không gian, có Năm Thánh toàn cầu và Năm Thánh địa phương. Năm Thánh Giáo phận Qui nhơn là Năm Thánh địa phương.
(Bài 1, tham khảo tài liệu 50 năm hồng ân Giáo phận Xuân Lộc)
Bài 2. NĂM THÁNH GIÁO PHẬN
- H. Kế hoạch Thập Niên chuẩn bị mừng Năm Thánh Giáo phận phát xuất từ đâu?
T. Bắt đầu từ năm 2008 Giáo phận Qui Nhơn khởi xướng giai đoạn 10 năm chuẩn bị kỷ niệm 400 năm (1618 – 2018) Tin Mừng lần đầu tiên đến Nước Mặn, một phần đất của Giáo phận Qui Nhơn ngày nay, nhằm khơi dậy tinh thần đạo đức và nhiệt thành truyền giáo nơi mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận.
- H. Kế hoạch Thập Niên được chuẩn bị như thế nào?
T. Kế hoạch Thập Niên chia làm hai giai đoạn:
+ Chuẩn bị xa gồm 4 năm (2008 – 2011) mang tính khởi động chung.
+ Chuẩn bị gần gồm 6 năm (2012 – 2017) mang chiều kích thiêng liêng (canh tân đời sống và hướng về Thiên Chúa) và theo định hướng truyền giáo (đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trong Giáo phận).
- H. Giai đoạn chuẩn bị gần được khai triển theo mấy chu kỳ ?
T. Giai đoạn chuẩn bị gần được khai triển theo hai chu kỳ:
+ 3 năm đầu (2012 – 2014) hướng về cộng đoàn Giáo phận.
+ 3 năm sau (2015 – 2017) hướng về anh chị em lương dân.
- H. Chuẩn bị gần được khai triển theo chủ đề nào?
T. Chuẩn bị gần được khai triển theo chủ đề từng năm như sau:
+ 2012: Sám hối và thanh tẩy.
+ 2013: Củng cố niềm tin.
+ 2014: Gia tăng đức ái.
+ 2015: Chiếu tỏa niềm tin.
+ 2016: Cậy trông phó thác.
+ 2017: Yêu thương phục vụ.
+ 2018: Năm Thánh hồng ân: Tri ân cảm tạ.
- Chuẩn bị gần dựa vào mô hình sống động nào?
T. Sáu năm chuẩn bị gần dựa vào đoạn Thánh Kinh: Thiên Chúa đã dạy: “Trong sáu năm, các ngươi sẽ gieo vãi trong cánh đồng của các ngươi, trong sáu năm các ngươi sẽ tỉa vườn nho của các ngươi và các ngươi sẽ thu hoa lợi. Nhưng năm thứ bảy sẽ là năm sabat kính Đức Chúa…” (Lv 25, 3-4).
- H. Ý nghĩa của đoạn Thánh Kinh được chọn cho sáu năm chuẩn bị gần?
T. Dựa vào đoạn Thánh Kinh Lv 25, 3-4, sáu năm chuẩn bị gần là thời gian “gieo vãi”, “cắt tỉa” và “thu hoa lợi” trên “ vườn nho” tâm hồn mỗi người và trong cánh đồng truyền giáo của Giáo phận, để năm thứ 7 (2018) toàn thể Giáo phận dâng về cho Chúa các hoa trái với tâm tình tri ân cảm tạ.
- H. Chúng ta cần làm gì trong Năm Thánh này?
T. Chúng ta cần làm những việc sau đây:
+ Thường xuyên tham dự các cử hành bí tích, năng cầu nguyện bằng Kinh Năm Thánh Giáo phận Qui Nhơn.
+ Học hỏi về các đề tài Năm Thánh và tham gia các sinh hoạt Năm Thánh.
+ Làm gương sáng bằng tình yêu thương phục vụ góp phần xây dựng nền văn minh tình thương Kitô giáo đến với mọi người và xã hội.
- H. Ân xá là gì?
T. Theo Giáo Luật khoản 992 hay theo Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1471, Ân Xá được định nghĩa: "Ân xá là tha những hình phạt tạm do tội gây nên, dù tội đã được tha. Muốn được hưởng nhờ Ân Xá, người Kitô hữu phải hội đủ điều kiện và thi hành những điều Hội Thánh qui định. Với tư cách là trung gian phân phát ơn cứu chuộc, Hội Thánh dùng quyền để ban phát và áp dụng kho tàng công phúc của Đức Kitô và các thánh.
Phần II: SƠ LƯỢC LỊCH SỬ GIÁO PHẬN
Bài 3. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
- H. Giáo phận Qui Nhơn ngày nay gồm mấy tỉnh?
T. Giáo phận Qui Nhơn gồm ba tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ: Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên với diện tích 16.194 km2
- H. Giáo phận Qui Nhơn ngày nay thuộc Đàng Trong hay Đàng Ngoài?
T. Giáo phận Đàng Trong là tiền thân của Giáo phận Qui Nhơn. Giáo phận Qui Nhơn ngày nay là phần còn lại của Giáo phận Đàng Trong rộng lớn ngày xưa.
- H. Đàng Trong và Đàng Ngoài được hiểu như thế nào?
T. Từ năm 1600, nước Đại Việt bị phân rẽ: Từ Sông Gianh ra Bắc được gọi là Đàng Ngoài do chúa Trịnh cai trị. Từ sông Gianh trở vô Nam được gọi là Đàng Trong do chúa Nguyễn cầm quyền. Vua Lê đóng đô tại Thăng Long vẫn được Đàng Trong và Đàng Ngoài thần phục, nhìn nhận là vua của đất nước.
BÀI 4. THỜI KỲ BẢO TRỢ TRUYỀN GIÁO
- H. Các thừa sai dòng nào đến Đàng Trong đầu tiên và mở mang truyền giáo?
T. Ba thừa sai Dòng Tên từ Áo Môn là: Cha Francesco Buzomi (Ý), cha Diogo Carvalho (Bồ Đào Nha) và thầy Antonio Dias (Bồ Đào Nha) đã cập bến Cửa Hàn (Đà Nẵng) vào ngày 18-01-1615. Trước đó có một số thừa sai dòng Phanxicô, dòng Đa Minh đã đến nhưng chưa mở mang truyền giáo.
- H. Cư sở truyền giáo đầu tiên được lập ở đâu?
T. Vào tháng 07 năm 1618, với sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Trần Đức Hòa, Khám lý Tuần phủ Qui Nhơn, Cha Francesco Buzomi đã đến thành lập trụ sở truyền giáo tại Nước Mặn, ngày nay thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là cư sở đầu tiên của các thừa sai Dòng Tên được thành lập tại Đàng Trong theo Hiến pháp của dòng.
- H. Hoa trái đầu tiên của cư sở truyền giáo tại Nước Mặn?
T. Theo báo cáo thường niên gởi về nhà dòng năm 1620, các thừa sai tại Nước Mặn ban bí tích rửa tội cho 180 người, năm 1625 cho 602 người.
- H. Thầy giảng Anrê Phú Yên tử đạo ngày nào?
T. Ngày 26.07.1644.
- H. Thầy giảng Anrê Phú Yên có phải là vị tử đạo đầu tiên tại Việt Nam không?
T. Thầy giảng Anrê Phú Yên được công nhận là “Người Chứng Thứ Nhất” của Hội Thánh Việt Nam.
- H. Lời trối trước khi chết của thầy giảng Anrê Phú Yên để lại cho hậu thế là gì?
T. “Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.
- H. Thầy giảng Anrê được tôn phong Chân phước ngày nào?
T. Ngày 05.03.2000.
BÀI 5. THỜI KỲ CÁC VỊ ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA
- H. Tòa Thánh thành lập hai Giáo phận Tông tòa đầu tiên tại Việt Nam khi nào?
T. Ngày 09.09.1659, Tòa Thánh thành lập hai Giáo phận Tông tòa tại Việt Nam: Giáo phận Đàng Ngoài từ sông Gianh trở ra Bắc và Giáo phận Đàng Trong từ sông Gianh trở vô Nam. Đức cha Phêrô Lambert de la Motte, thuộc Hội Thừa sai Paris, được bổ nhiệm làm Giám mục Đại diện Tông tòa tiên khởi Giáo phận Đàng Trong.
- H. Đức cha Phêrô Lambert de la Motte lập Dòng Mến Thánh Giá ở đâu và khi nào?
T. Tháng 12.1671, Đức cha lập Dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ, một họ đạo ở phía Nam Quảng Ngãi, ngày nay thuộc giáo xứ Châu Me, giáo hạt Quảng Ngãi.
- H. Sau chiếu chỉ cấm đạo của vua Minh Mạng năm 1833, linh mục nào chịu tử đạo, ở đâu ?
T. Ngày 05.03 1833 Cha Phanxicô Gagelin Kính ra trình diện với quan tri huyện Bồng Sơn, với hy vọng các tín hữu đỡ phải chịu bắt bớ. Ngày 17.10 1833, Cha chịu tử đạo tại khu ngoại ô Bãi Dâu- Huế.
- H. Một lời của Cha Phanxicô Gagelin Kính để lại cho hậu thế ?
T. « Một công dân phải thi hành nghĩa vụ quân sự, huống chi tôi được trao chức vụ lãnh đạo, sao tôi có thể bỏ trách nhiệm của mình được ».
- H. Đức cha Stêphanô Cuénot Thể chính thức làm vị chủ chăn thứ mười của Giáo phận Đàng Trong khi nào ?
T. Ngày 31.07.1840.
- H. Đức cha Stêphanô Cuénot Thể đặt Tòa Giám mục tại đâu ?
T. Đức cha chọn Gò Thị làm nơi cư trú. Lúc bấy giờ Gò Thị là một giáo điểm có đông tín hữu nhất trong vùng, có những tín hữu cốt cán được quan yêu dân chuộng như Trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông. Gò Thị còn là một điểm cách xa triều đình, có ruộng phì nhiêu, có đầm lầy nhiều lau sậy, gần biển, thuận lợi cho việc ẩn trốn khi cấm đạo gắt gao.
- H. Công nghị Gò Thị được hiểu như thế nào ?
T. Ngày 5, 6 và 10.08.1841, trong hoàn cảnh xã hội không thuận lợi, nhu cầu của đoàn chiên đã thúc bách Đức cha Cuénot nhóm họp Công nghị Gò Thị. Mục đích của Công nghị là định hướng mục vụ cho các nhu cầu của đoàn chiên được trao phó.
- H. Trùm cả Anrê Kim Thông tử đạo khi nào, ở đâu?
T. Ngày 15.07.1855, tại Định Tường (Mỹ Tho).
- H. Trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông được tôn phong Chân phước khi nào ?
T. Ngày 02.05.1909.
10. H. Trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông được tôn phong Hiển thánh khi nào ?
T. Ngày 19.06.1988.
11. H. Câu nói bất hủ của Trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông để lại cho hậu thế ?
T. "Thạch tín là thuốc độc, uống vào thì chết, nhưng cũng có thuốc giải. Tuy nhiên, không ai liều lĩnh uống thạch tín. Việc chối đạo cũng thế. Tôi nhất định dù có chết cũng không bỏ đạo"; "Các con cứ để thánh ý Chúa được thể hiện".
12. H. Đức cha Stêphanô Cuénot Thể chịu tử đạo khi nào, ở đâu ?
T. Ngày 14.11.1861, tại Bình Định.
13. H. Đức cha Stêphanô Cuénot có biệt danh gì ?
T. Giáo mục truyền giáo.
14. H. Các chứng nhân Tin Mừng của Giáo phận gồm những ai?
T. Gần 400 năm, Giáo phận Qui Nhơn được diễm phúc đón nhận hạt giống Tin Mừng. Hàng lớp thế hệ tín hữu đã sống và làm chứng Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu trong niềm tin yêu hy vọng. Tiêu biểu cho niềm tin yêu nầy có Chân phước Anrê Phú Yên (1625-1644), người chứng thứ nhất của Hội Thánh Việt Nam; Thánh Phanxicô Gagelin Kính (1799-1833), vị linh mục say mê Chúa Giêsu, yêu chuộng sự nghèo khó và hết mình với trách nhiệm; Thánh Trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông (1790-1855), một người được quan chuộng dân yêu, một đời tận tụy với dân nước, tổ chức khai khẩn đất hoang, phát triển dân sinh; Thánh Giám mục Stêphanô Cuénot Thể (1802-1861), vị Giám mục truyền giáo.
Và 16 vị Tôi tớ Chúa:
1. Linh mục Phaolô Châu, ở Gò Thị, Bình Định.
2. Linh mục Giuse Stêphanô Chung, ở Cảnh Hàn, Bình Định.
3. Linh mục Giuse Thủ, ở Gò Thị, Bình Định.
4. Thầy bốn Phêrô Quờn, ở Lò Giấy, Phú Yên.
5. Thầy giảng Giuse Trinh, ở Phú Cốc, Phú Yên.
6. Chú giúp Gioakim Bảo, ở Tân Quán, Bình Định.
7-10. Ông Hứa, ông Nam, ông Tân, ông Giáo, ở Phú Cốc, Phú Yên.
11. Ông Gioakim Quả, ở Tân Quán, Bình Định.
12. Chú Giuse Nghiêm, ở Lò Giấy, Phú Yên.
13. Ông Tađêô Quí, ở Tân Hội, Bình Định.
14. Ông Phêrô Me, ở Vườn Vông, Bình Định.
15. Nữ tu Anê Soạn, ở Diêm Điền, Bình Định.
16. Bà Mađalêna Lưu, ở Vĩnh Thạnh, Bình Định.
Ngoài ra còn có 8 linh mục thừa sai, 7 linh mục Việt Nam, 60 thầy giảng, 270 nữ tu Mến Thánh Giá và khoảng 22.730 giáo dân chịu chết vì đạo Chúa trong năm 1885 (tính trong toàn Giáo phận Đông Đàng Trong). Trong đó Quảng Ngãi 5.600 người, Bình Định 8.940 người, Phú Yên 5.600 người.
- H. Vai trò của linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn là gì ?
T. Một nhà văn hóa lớn, một người yêu nước, hiến kế cho vua Tự Đức: làm cho dân giàu nước mạnh. Nổi bật với hai bản (trong 6 bản) điều trần: Hoành mao hiến bình Tây sách và Minh đạo bình Tây sách.
16. H. Vai trò của linh mục Phanxicô Xavie Nguyễn Do là gì ?
T. Là người tiên phong mở đường đem ánh sáng Tin Mừng đến cho anh em Dân Tộc vùng Tây Nguyên.
17. H. Giáo phận Đông Đàng Trong được gọi là Giáo phận Qui Nhơn khi nào ?
T. Ngày 03.12.1924, tên gọi Giáo phận Qui Nhơn được thay thế cho tên gọi Giáo phận Đông Đàng Trong. Gồm các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và vùng Tây Nguyên. Sau đó ngày 18.01.1932, vùng Tây Nguyên được tách khỏi Giáo phận Qui Nhơn thành lập Giáo phận Kontum ; ngày 05.07.1957, từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận được tách khỏi Giáo phận Qui Nhơn cộng với tỉnh Bình Thuận để thành lập Giáo phận Nha Trang.
BÀI 6 : THỜI KỲ HÀNG GIÁO PHẨM VIỆT NAM – GIÁO PHẬN CHÍNH TÒA QUI NHƠN
- H. Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thành lập khi nào ?
T. Ngày 24.11.1960 Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam.
- H. Giám mục chính tòa Giáo phận Qui Nhơn đầu tiên là ai ?
T. Giám mục chính tòa Giáo phận Qui Nhơn đầu tiên là Đức cha Phêrô Maria Phạm ngọc Chi.
- H. Từ Giáo phận Đàng Trong đến Giáo phận Qui Nhơn có bao nhiêu Giám mục cai quản Giáo phận ?
T. Có 21 Giám mục chính, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi là Giám mục thứ 21 (2012- ) ; ngoài ra còn có 1 Giám mục Giám quản và 9 Giám mục phó.
- H. Trước năm 1975 số tín hữu Giáo phận Qui Nhơn bao nhiêu ?
T. Giáo phận có 81 giáo xứ, 992 giáo họ, 109.858 tín hữu, 131 linh mục, trên 200 tu sĩ nam nữ.
- H. Sau 30.04.1975 số tín hữu Giáo phận Qui Nhơn bao nhiêu ?
T. Vì chiến tranh kéo dài, nhiều tín hữu đã bỏ xứ ra đi không trở về, khiến cho Giáo phận chỉ còn 32 giáo xứ, khoảng 43.000 tín hữu và 46 linh mục.
- H. Hiện nay (2017) số tín hữu Giáo phận là bao nhiêu ?
T. Hiện nay trong toàn Giáo phận có 54 giáo xứ, 6 giáo họ biệt lập, 20.068 gia đình, 72.396 tín hữu, 123 linh mục, khoảng 280 nữ tu đang phục vụ trong Giáo phận.
- H. Những ưu tiên mục vụ hiện nay của Giáo phận là gì ?
T. + Củng cố đức tin và thánh hóa dân Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể, giúp mọi người thấm nhuần giáo lý để sống đức tin vững mạnh.
+ Đào tạo nhân sự: linh mục, tu sĩ, tông đồ giáo dân, các đoàn thể, và hoàn thiện tổ chức sinh hoạt của Giáo phận.
+ Đẩy mạnh công cuộc loan báo Tin Mừng qua các hoạt động khác nhau.
+ Tái thiết và xây dựng mới các cơ sở vật chất.
- H. Ôn lại lịch sử Giáo phận Qui Nhơn giúp chúng ta những gì ?
T. + Tâm tình cảm tạ tri ân về muôn ơn lành Chúa đã ban cho Giáo phận.
+ Khơi dậy lòng biết ơn đối với các vị tiền nhân đã can đảm sống đức tin và truyền lại cho con cháu những tấm gương anh dũng.
+ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây": theo gương các bậc tiền nhân sống đức tin đã lãnh nhận, nỗ lực góp công góp sức xây dựng và phát triển cộng đoàn giáo xứ, Giáo phận.
BÀI 7 : CÁC TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG
- H. Cư sở Nước Mặn ở đâu, ý nghĩa ?
T. Cư sở Nước Mặn ở Bình Định ngày nay thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Là cư sở truyền giáo đầu tiên do các thừa sai Dòng Tên thành lập tại Đàng Trong vào năm 1618; là nguồn suối đầu tiên của dòng sông “Quốc ngữ” (Hội thảo khoa học "Bình Định với chữ Quốc ngữ", 12-13.01.2016).
- H. An Chỉ ở đâu, ý nghĩa?
T. An Chỉ, một họ đạo ở phía Nam Quảng Ngãi, ngày nay thuộc giáo xứ Châu Me, giáo hạt Quảng Ngãi. Nơi đây, Đức cha Lambert de la Motte đã thành lập Dòng Mến Thánh Giá của Giáo phận Đàng Trong vào năm 1671, một hội dòng đã và đang đóng góp nhiều cho công cuộc truyền giáo và mục vụ của Giáo phận.
- H. Mằng Lăng ở đâu, ý nghĩa ?
T. Mằng Lăng ngày nay thuộc thôn Hội Tín, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Là quê hương Chân phước Anrê Phú Yên và là nôi truyền giáo của Phú Yên.
- H. Gò Thị ở đâu, ý nghĩa ?
T. Gò Thị ngày nay thuộc thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Là nơi Đức cha Stêphanô Cuénot Thể đặt Tòa Giám mục Đàng Trong và Đông Đàng Trong, nơi nhóm họp Công nghị Giáo phận năm 1841 và là quê hương Thánh Trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông.
- H. Đền Thánh Stêphanô Cuénot Thể ở đâu, ý nghĩa ?
T. Đền Thánh Stêphanô Cuénot Thể ngày nay thuộc thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đền Thánh được xây trên khuôn viên nhà bà Mađalêna Huỳnh Thị Lưu, Tôi tớ Chúa, nơi Thánh Giám mục Stêphanô Thể ẩn nấp và dâng Thánh lễ cuối cùng trước khi bị bắt và chết rũ tù tại nhà giam Bình Định.
- H. Chủng viện Làng Sông ở đâu, ý nghĩa ?
T. Chủng viện Làng Sông được thành lập sau Công nghị Gò Thị (1841) và trước năm 1850, thuộc thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ngày nay. Đây là nơi đào tạo linh mục phục vụ cho cánh đồng truyền giáo của Giáo phận. Tại đây, ngoài Chủng viện còn có Tòa Giám mục, sở Quản lý và nhà in (một trong ba nhà in đầu tiên ở Việt nam đã góp phần đáng kể trong việc phát triển chữ Quốc ngữ, nâng cao dân trí và phục vụ công cuộc truyền giáo).
- H. Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng ở đâu ?
T. Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng tọa lạc tại chân núi Xuân Vân, phường Ghềnh Ráng, thành phố Qui Nhơn.
Tác giả bài viết: Ban giáo lý Giáo phận Qui Nhơn
Nguồn: http://gpquinhon.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét