Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Vài suy nghĩ về sức hấp dẫn của công trình Người Ba- Na ở Kontum[Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi]



Ngoài một dung lượng văn hóa tộc người đủ thỏa mãn độc giả thì công trình Mọi Kontum(1937) của Nguyễn Kỉnh Chi và Nguyễn Đổng Chi còn là một văn phẩm tạo được sức lôi cuốn, hấp dẫn đặc biệt. Tham luận góp phần lý giải thành công của tác phẩm trên ba phương diện: Lối khảo tả chân phương mà thấu đạt, trí tuệ sắc bén mà vẫn hồn hậu và văn phong ấn tượng.
Vài suy nghĩ về sức hấp dẫn của công trình Người Ba- Na ở Kontum[Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi]
Sách Mọi Kontum xuất bản năm 1937
Đến nay, sau gần 80 năm ngày công trình dân tộc học Người Ba-na ở Kon Tum (tức Mọi Kontum, 1937) của Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi được công bố, lớp hậu sinh kế tục sự nghiệp nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên mới vinh hạnh được cầm trên tay tác phẩm tiên khởi đặc biệt này. Như chúng ta được biết, là một công trình với nhiều giá trị học thuật và ý nghĩa lịch sử, nhưng Người Ba-na ở Kon Tum vì những lý do riêng, đã không vội trở lại với công chúng. Vì thế trong nhiều thập kỷ qua rất ít người được đọc nó. Trong “Lời giới thiệu” khi công trình được tái bản lần 1 (2011), điều này được Andrew Hardy xác nhận: “Bản in Mọi Kontum năm 1937 giờ trở nên cực kỳ hiếm, khó mà tìm được ngay cả trong các thư viện lớn của Việt Nam. Việc tái bản toàn bộ tác phẩm cho phép người đọc thưởng thức hai giá trị quan trọng của cuốn sách gắn liền với lịch sử. Giá trị thứ nhất là cuốn sách chứa đựng một kho tri thức về lịch sử tỉnh Kon Tum và văn hóa người Ba-na. Thứ hai là sự đóng góp lớn của cuốn sách cho sự phát triển của khoa học xã hội Việt Nam: Mọi Kontum, xét đến cùng, là công trình đầu tiên của ngành dân tộc học được viết bằng tiếng Việt”([1]). Cũng bởi những nguyên cớ riêng, tình cờ bắt đầu việc tìm hiểu văn hóa các tộc người Tây Nguyên từ các làng Ba-na (Bahnar) ở thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum hiện đại) nơi trước đó nửa thế kỷ Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi đã từng in dấu chân điền dã, chúng tôi mới thực sự mạnh dạn bày tỏ một vài suy nghĩ về công trình Mọi Kontum (tái bản lần 1 với tên mới và bản in song ngữ Người Ba-na ở Kon Tum - Les Bahnar de Kontum).
Vào nửa đầu thế kỷ trước, trong điều kiện phôi thai của ngành dân tộc học Việt Nam, sự ra đời củaNgười Ba-na ở Kon Tum là một minh chứng cho khả năng và phong cách riêng trong khảo cứu của hai tác giả trẻ tuổi Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi. Tới nay, khi giới nghiên cứu nước ngoài và trong nước hầu như đã cống hiến đầy đủ cho công chúng những công trình khoa học về văn hóa các tộc người Tây Nguyên (từ người Xơ-đăng (Sedang), Ba-na, Gia-rai (Djarai) ở Bắc Tây Nguyên đến người Ê-đê (Rhadé), M’nông (Mnong), Cơ-ho (Kohor), Mạ (Maa)… ở Nam Tây Nguyên) mà chúng ta gọi đó là những chuyên khảo dân tộc học, nhân học văn hóa, văn hóa học đều đúng, thì nay đọc lại tác phẩm tiên phong của Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, chúng ta vẫn phải thừa nhận sức hấp dẫn kỳ lạ, hiếm có của nó. Điều này, với chúng tôi, một phần chính là xuất phát từ lối khảo tả (khảo sát, mô tả) rất mực chân phương nhưng vô cùng thấu đạt, súc tích; từ trí tuệ sắc bén nhưng vẫn hồn hậu lưu dấu trong từng trang sách; từ một văn phong gợi cảm, ấn tượng. Hai tác giả Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi đã không chỉ thực hiện công việc của những người nghiên cứu văn hóa, mà còn để lại được dấu ấn cá nhân thật sự rõ nét, riêng biệt trong văn phẩm khoa học của mình.

Về phương diện khảo tả: Đối tượng nghiên cứu của công trình dĩ nhiên được xác định là người Ba-na tại Kon Tum (một địa điểm cư trú lâu đời, điển hình của tộc người này) và các mặt văn hóa cổ truyền trong đời sống của họ. Một công việc như thế, đương thời là còn hết sức mới mẻ ở nhiều góc độ đối với các tác giả. Trước hết, Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi là người Việt (mà trong công trình hai ông tự nhận là người Nam, người An Nam), và vì thế người Ba-na với họ đương nhiên là tộc người xa lạ, ở một địa bàn mà họ mới lần đầu biết đến. Việc thẩm nhận các phương diện văn hóa tộc người (được biểu hiện qua các phong tục, tập quán và lối sống…) đối với hai ông dù có sự giúp đỡ của một số công chức, nhà truyền giáo Pháp vốn đồng thời là những học giả (tiêu biểu như Paul Guilleminet) lúc bấy giờ ở Kon Tum, thì chắc chắn vẫn không tránh khỏi những khó khăn, thử thách. Bởi ngoài ý thức khám phá những điều mới lạ thì họ rõ ràng còn có phần ngẫu hứng, nghĩa là chưa có được một định hướng và chuẩn bị trước về chuyên môn theo cách như ngày nay chúng ta hiểu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, khi họ hoạch định và tiến hành công việc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không vì những giới hạn đó mà hai con người trẻ tuổi, hăng hái trong nắm bắt, nhận diện và mô tả “đối tượng” chỉ cho ra một sản phẩm đơn điệu, thiếu sức sống. Trái lại, với con mắt quan sát sắc bén, sự lĩnh hội đủ độ sâu nhưng vẫn đầy cảm xúc, họ đã không chỉ thể hiện sự hồn nhiên, gần gũi trong thâm nhập đối tượng nghiên cứu mà còn nhanh chóng phát hiện thần thái, làm sáng tỏ nhiều sự lý thú. Trong tín ngưỡng của người Ba-na (được công trình xác định rất đúng đắn là then chốt của mọi tập tục, thuần phong, tâm ý của cộng đồng xã hội), quan niệm về xác hồn ở con người là vấn đề khá trừu tượng, tuy không đến nỗi quá khó hiểu. Điều này được hai tác giả lĩnh hội và diễn đạt thật mạch lạc, hóm hỉnh: “Người Ba-na tin rằng bản thân người ta có xác akao và hồn pơhngol hiệp lại mà thành. Họ biết xác có đủ mọi bộ phận: ngủ quan, tứ chi, lục phủ, ngủ tạng, v.v… Nhưng họ không tin sự sống của người ở nơi xác mà chính ở nơi hồn. Hồn đã là nguyên khí của người thì nó phải ở với xác, người mới sống được”([2]). Nhưng khái niệm về hồn của người Ba-na không thuần túy “vô hình”, phi vật chất, mà còn có khả năng biến huyễn sang dạng “hữu hình” rất kỳ bí. Rằng, vào “ban đêm lúc người ta ngủ, hồn có thể “lìa xác đi chơi mà không phạm đến sự sống của người; vì trong lúc ấy đã có hồn phụ ở luôn với xác làm thế công việc cho nó. Có khi hồn hiện hình con nhện con dế con châu chấu đi chơi… Ban đêm gặp những con ấy, người Ba-na không giám động tới, sợ lỡ tay làm hại hồn người bà con quen biết. Có khi hồn đi chơi xa; ngũ (ngủ) giậy thấy uể oải mệt nhọc, người Ba-na đổ tội cho hồn, khi xác ngũ, đi chơi xa quá. Cũng có khi hồn đi chơi ở chỗ người chết hay ở chỗ thần ở. Đương lúc đi chơi hồn làm đủ mọi việc: chơi nhởi, chuyện trò, giao thiệp, buôn bán với các hồn khác. Gặp những việc lành, giữ (dữ) cũng có khi trở về báo mộng lại cho xác biết đễ dè dặt hay vui mừng. Người Ba-na thường hay dùng chiêm bao để hỏi thần việc hay, giở (dở) cũng bởi lẻ ấy. Nói tóm lại thời ban đêm hồn đi chơi, đến sáng trở về nhập vào xác”([3]). Không chỉ là khảo cứu, mô tả đơn thuần, lối diễn giải như kể một câu chuyện (huyền thoại giữa đời thường) ấy khiến phát sinh lực hút trong những câu chữ, độc giả sách không thể rời mắt theo dõi và thích thú. Khả năng minh giải nôm na những khía cạnh có tính “học thuật” như thế trong công trình của Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi có thể nói là nhất quán, song cũng linh hoạt tùy vấn đề được đề cập.
Trí tuệ sắc bén và sự hồn hậu: Một thời gian nhiều thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Người Ba-na ở Kon Tumlần đầu ra mắt công chúng , ngành dân tộc học Việt Nam cũng đã vượt qua thời kỳ đỉnh cao của các thành tựu. Một số bộ môn khoa học xã hội và nhân văn cách tân từ nền móng cũ tiếp tục hoàn thiện công cuộc đi sâu nghiên cứu những nền văn hóa truyền thống của quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Bất chấp những biến thiên, thay thế của lịch sử, và cả đôi phần còn bề bộn và khiếm khuyết trong bản thân nó, tác phẩm Người Ba-na ở Kon Tum đến nay vẫn là minh chứng hiển nhiên về sự thông thái nhưng lại vẫn không hề có vẻ gì là đạo mạo của hai tác giả. Chỉ có thể nói rằng, một trí tuệ sắc bén nhưng lại rất mực hồn nhiên trong khảo cứu một đối tượng văn hóa sống động nhưng cũng nhiều ẩn giấu thực sự được toát lên trong từng câu chữ của công trình Người Ba-na ở Kon Tum. Nếu như ai đó đã từng đôi lần được người Ba-na kể cho nghe về “thế giới bên kia” với những nhân vật thần linh tận tụy đảm nhận một số chức trách quan trọng can hệ đến “vận mệnh” kiếp sau lận đận của con người nhưng vẫn còn băn khoăn về tính xác thực tín ngưỡng của nó, thì hẳn sẽ thỏa mãn hơn khi được đọc những dòng khảo cứu cứ như đùa bỡn của Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi: “Từ ngày ra nghĩa địa, xác được người sống chăm sóc luôn như khi còn sống. Nào làm nhà mồ che mưa nắng, nào đốt lữa (lửa) cho ấm (mấy ngày đầu mới chôn), nào mỗi ngày hai bửa đem cơm thịt ra cho ăn, v.v… Trông nom như vậy cho đến ngày ăn lễ mǔtkiăk(bỏ ma) thời người sống chia của cho người chết một lần cuối cùng, rồi bỏ luôn không đoái hoài gì nữa”; “Bây giờ người chết rời nghĩa địa đi ở một nơi gọi là mắng lung (cửa túi) như âm phủ của ta. Ở đó cũng phân chia ra làng xóm và có một ông vua cai quản gọi là pơtao mắng lung(vua cửa túi)”; “Nhưng cửa mắng lung nào có phải mở rộng cho ai nấy đều được vô đâu! sau khi từ giả (giã) nghĩa địa, người chết, đem theo của cải, phải tới trình diện một bà vú dài tên là Dui Dăi Tăi Tǒh. Bà này khám xét kỹ lưởng (lưỡng). Nếu mình có đủ tư cách, bà cho đi ở mắng lung ngay. Nhược bằng khi sinh thời chưa kịp xỏ lỗ tai thời bị bà đuổi đi ở riêng một chỗ khác với các loài khĩ (khỉ), két; hoặc đã phạm nhiều tội lỗi thời bị đày qua chỗ luyện tội, là một nơi chỉ có sỏi và đá, sự làm ăn rất vất vả… Nếu là con nít còn bú thời bà giữ lại cho bú đến lúc biết ăn, mới thả cho qua mắng lung”([4]). Chúng ta biết rằng, bị cuốn hút bởi nền văn hóa của các tộc người Tây Nguyên, trong khoảng hơn 30 năm sau khiNgười Ba-na ở Kon Tum ra đời, một số công trình của các học giả Pháp tiếp tục được công bố vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề tín ngưỡng. Đó đều là những tác phẩm của các bộ óc uyên bác, những con người tài năng. Song điều chúng tôi muốn nói ở đây là, qua những trang khảo cứu như vừa được trích dẫn về một khía cạnh tín ngưỡng của người Ba-na, các tác giả Người Ba-na ở Kon Tum quả thực đã cho người đọc một cảm nhận thú vị, đó là trong sự hồn hậu của ngôn từ, tinh thần và thái độ khảo cứu là sự thông thái và trí tuệ sắc sảo. Điều này vẫn ít nhiều tiếp tục được thể hiện trong các công trình của Dam Bo, G. Condominas, J. Boulbet.  Song, với tác phẩm “đầu tiên của ngành dân tộc học được viết bằng tiếng Việt” của Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, thì ngoài tính sắc bén về trí tuệ còn là sự hồn hậu nhưng vẫn hết sức ấn tượng và cuốn hút trong văn phong là điều vẫn mãi khiến nhiều độc giả kinh ngạc. Trong suốt công trình nghiên cứu, hai học giả gần như vẫn duy trì được đặc tính văn phong rất riêng, độc đáo của họ. Và theo bản thân người viết tham luận này, sức hấp dẫn lâu bền của tác phẩm Người Ba-na ở Kon Tum, một phần chính là từ cái giọng văn xứ Nghệ như bỡn cợt nhưng thông tuệ, dí dỏm ấy.
Cho đến nay, ngành dân tộc học Việt Nam số công trình giá trị kể có đến hàng chục, nhưng hầu như chúng ta chưa thấy một tác phẩm nào “thừa hưởng” được lối khảo tả, dấu ấn trí tuệ cũng như văn phong của Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi trong Người Ba-na ở Kon Tum.
Nguồn: Phan Thị Hồng - VHNA
______________________ 
TÀI LIỆU THAM KHẢO :
1. Nguyễn Kinh Chi - Nguyễn Đổng Chi, Người Ba-na ở Kon Tum - Les Bahnar de Kontum, NXB Tri thức, H, 2011.
2. Dam Bo, Miền đất huyền ảo - Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương, Nguyên Ngọc dịch, NXB Văn hóa, H, 2003.
3. George Condominas, Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, Ngọc Hà, Thanh Hằng dịch, NXB Văn hóa, H, 2003.
4. George Condominas, Chúng tôi ăn rừng, Trần Thị Lan Anh, Phan Ngọc Hà, Trịnh Thu Hồng, Nguyễn Thu Phương dịch, NXB Thế giới, H, 2008.
5. Henri Maitre, Rừng người Thượng - vùng rừng núi cao nguyên miền Trung Việt Nam, Lưu Đình Tuấn dịch, NXB Tri thức, H, 2008.
6. Jean Boulbet, Xứ người Mạ - lãnh thổ của thần linh, Nggar Maa, Nggar Yaang,   Đỗ Văn Anh dịch, NXB Đồng Nai, 1999.                                                                                                
 

([1])Nguyễn Kinh Chi - Nguyễn Đổng Chi, Người Ba-na ở Kon Tum - Les Bahnar de Kontum, NXB Tri thức, H, 2011; tr. 71
([2])Nguyễn Kinh Chi - Nguyễn Đổng Chi, Người Ba-na ở Kon Tum - Les Bahnar de Kontum, Sđd; tr.166. Trong nguyên bản in năm 1937, các tác giả dùng ngôn ngữ miền Trung để diễn đạt nên dấu hỏi ngã không đúng với chính tả hiện nay. Bản in lại năm 2011 giữ nguyên cách hành văn ấy, vì thế các trích dẫn của chúng tôi cũng không sửa chữa, trường hợp thật cần thiết có chú thêm trong ngoặc từ phổ thông hiện nay.
([3])Nguyễn Kinh Chi - Nguyễn Đổng Chi, Người Ba-na ở Kon Tum - Les Bahnar de Kontum, Sđd; tr. 166-167.
([4])Nguyễn Kinh Chi - Nguyễn Đổng Chi, Người Ba-na ở Kon Tum - Les Bahnar de Kontum, Sđd; tr. 168, 169.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét