Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

“LA MISSION DU FAR-WEST VIETNAMIEN” - SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO VÙNG TÂY NGUYÊN VIỆT NAM




Kontumquehuongtoi xin trân trọng giới thiệu một sử liệu quý được Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum đăng tải tại địa chỉ : http://gpkontum.wordpress.com, về SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO VÙNG TÂY NGUYÊN VIỆT NAM, của Thừa sai Christian Simonet (tên Việt là Ngọc. MEP). Mời các bạn đọc để hiểu thêm về quê hương Kontum chúng ta.
----------------------------------------------------
"Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum trong những năm tháng qua đã giới thiệu cùng anh chị em tín hữu trong Giáo phận nhà nhiều đề tài về Công cuộc Truyền giáo tại Giáo phận, nhưng có lẽ chúng mang những “Mảnh Đời Truyền Giáo” còn phiếm diện. Chúng tôi thao thức trình bày một chuyên đề có tính toàn diện, mang tầm nhìn tổng quan về Sứ Vụ Truyền Giáo Tây Nguyên Việt Nam. Chúng tôi xin chọn bài nghiên cứu có tựa đề “LA MISSION DU FAR-WEST VIETNAMIEN” (1)  của Linh mục Thừa sai CHRISTIAN  SIMONNET (MEP). 
Linh mục tác giả trình bày Sứ Vụ Truyền Giáo Vùng Tây Nguyên Việt nam trong những gốc nhìn với những cảm nghiệm sống động của ngài và trong một thời gian nhất định. Chính vì thế, mỗi đọc giả có những quan điểm riêng về lối trình bày của tác giả và làm giàu thêm kiến thức liên quan đến Sứ vụ Truyền giáo Tây nguyên trong những năm tới. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quí vị.
Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận xin phỏng dịch và còn nhiều hạn chế trong văn từ để trình bày sát với nội dung bài nghiên cứu của tác giả. Chúng tôi xin đề tựa bài nghiên cứu này: “SỨ VỤTRUYỀN GIÁO VÙNG TÂY NGUYÊN VIỆT NAM“.
GPKONTUM (15.11.2013) KONTUM
XIN KÍNH MỜI


LA MISSION DU FAR-WEST VIETNAMIEN” 
SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO VÙNG TÂY NGUYÊN VIỆT NAM
. 
        Đã từ rất lâu, với nhiều người, Sứ Vụ Truyền Giáo Kontum vẫn luôn và sẽ là “Truyền giáo cho người thượng Bahnar”.  Nhờ vào trình thuật của Cha Dourisboure, đây là cuốn tiểu thuyết phiêu lưu đích thực lạ thường trong đó các biến cố được kể lại bằng một giọng văn rất đơn giản và thậm chí là ngây ngô, chính điều đó làm cho cuốn sách thuộc loại xoàng chẳng đáng được xếp vào hạng vô danh tiểu tốt đối với các nhà văn chuyên nghiệp, nhưng nó đã không trở nên cũ kĩ sau 90 năm trôi qua. Tất cả những khía cạnh của Sứ vụ Truyền Giáo trên vùng Cao Nguyên vẫn luôn mang tính thời sự và sẽ còn kéo dài mãi mãi: những bộ tộc rất nguyên thủy, đa thần giáo vẫn còn nặng nề, đời sống khó khăn đối với người tông đồ, chế độ ăn uống khắc khổ, đường xá đi lại rất khó khăn đầy dẫy cọp, voi, rắn, v.v… Ngược lại, chúng ta cảm nhận như đang sống trong một không gian cảm động, phấn chấn và tuyệt đẹp khi đọc những tập sách “Sứ Vụ Thừa Sai Công Giáo”những năm 1900 của những nhà biên tập như Leroy, Desgodins, Grouard… và nhất là của Canedi, một nhà văn họa công tài ba; ông đã khắc họa lên những gương mặt đỏ bừng của những  thủ lĩnh bộ tộc ăn thịt người, tạo cho chúng ta cảm giác như ngửi thấy mùi thịt nướng; ông mô tả những con tê giác đầy dáng dấp hung tợn trông giống như những đầu máy xe lửa, tả những linh vật đáng sợ làm ta giật mình thức giấc mất ngủ, những phố xá kỳ lạ, những phong cảnh khác thường… Tóm lại, khi công cuộc rao giảng Tin Mừng đang triển nở như hoa mùa xuân, đang chờ được cả thế giới khám phá và chinh phục, thì theo ngôn ngữ của một chính trị gia thủ cựu,  nhất thiết phải có nhà thừa sai. Sứ vụ Thừa Sai vùng Cao Nguyên Việt Nam có cơ may bảo tồn cách trung thực toàn thể bối cảnh đồ sộ về thời đại vinh quang này. Nói rằng ngày nay không còn lại dấu vết gì nữa sẽ là chối bỏ sự thật hiển nhiên. Nói rằng ngày mai sẽ không có gì mới (và nhiều cái mới) cũng sẽ là mù quáng có chủ tâm. Lịch sử vẫn còn tiếp diễn khắp nơi, và không diễn ra giống y nhau ở mọi nơi. 
********

            Bản tóm lược lịch sử truyền giáo của chúng ta phải được đặt lên hàng đầu; nhưng dù cô đọng tối đa, nó không phải là không hấp dẫn!
          Trở lại thời điểm 1851, Đức Cha Cuénot, lúc đó là là Giám mục Giám quản Hạt Tông Tòa Đông Dương ở Qui Nhơn, là người khởi xướng và đặt nền móng cho công cuộc Truyền Giáo. Sự khởi xướng này đáp ứng 2 mục đích: Trước tiên là bắt đầu rao giảng Tin Mừng cho “vùng đất chưa được biết đến”, đó là những vùng núi phía tây; sau đó là thăm dò xem liệu có thể tìm “chỗ trú ẩn nơi dân miền núi” cho các vị Thừa Sai đang bị triều đình Annam bao vây và bách hại. Dù còn trực thuộc địa phận tông tòa Quy Nhơn, “Sứ Vụ Truyền Giáo cho người thượng” (mà người Annam gọi là Mọi) luôn có một vị Bề Trên do Giám Mục Tông Tòa Qui Nhơn chỉ định. Vùng này được tách ra vào năm 1932, và trở thành Địa Phận Tông Tòa Kontum.
          Thời đại hào hùng của công cuộc thâm nhập mang đậm dấu ấn của Cha Dourisboure, một con người có tâm hồn trong sáng nhưng với tính khí cương trực. Hoa quả đầu mùa của đạo công giáo là hai đứa trẻ và một ông chủ làng. Trình thuật của cha Dourisboure quá nổi tiếng đến nỗi chúng ta không cần phải khai triển ra thêm nữa. Khi hoàn toàn kiệt sức, ngài đã phải rời bỏ sứ mạng của mình năm 1885, lúc đó hơn 1.000 người thượng đã tòng giáo. Nhưng trước đó, ngài đã phải đi chôn cất những bạn Thừa sai đồng hương của mình, người này tiếp sau người khác… Suốt giai đoạn đầu này, Sứ Vụ Truyền Giáo đã phải đương đầu với việc các vị Thừa sai chết quá nhiều.
          Giai đoạn hai là giai đoạn giao thời giữa việc cắm rễ và việc hình thành tổ chức. Giai đoạn này đầy dẫy những biến cố khó lường trước được. Năm 1888 là năm của triều đại ngắn ngủi “Marie thứ I, vua của dân tộc Sedang” (tên thật là David Mayréna), một tên lừa đảo liều lĩnh. Có một thời, hắn tìm cách làm tổn hại thanh danh các vị Thừa Sai Kontum trong âm mưu  kỳ lạ của hắn. Tất cả mọi người có tư tưởng tự do ở vùng Đông Dương này lên án mạnh mẽ âm mưu làm tái hiện lại công cuộc “tháp nhập” các bộ lạc mà Paraguay đã từng làm. Có thể sự tố cáo không phải là không có cơ sở, nhưng … đó có phải là một trọng tội không? Các vị Thừa Sai đã phải thường xuyên đến Hà Nội để biện bạch! Nhưng cuối cùng, chính Tổng Công Sứ Rheinart đã yêu cầu các thừa sai đảm trách việc giám sát tạm thời, và nếu như có thể thì quản lý luôn vùng đất rộng lớn mà các vị thừa sai là những người đầu tiên tìm ra và đến trú ngụ.
          Trong giai đoạn nhiều biến cố thử thách này, Cha Guerlach là khuôn mặt nổi bật. Ngài qua đời năm 1912, lúc đang là Bề Trên của vùng Truyền Giáo. Jean Marquet, nhà văn trung lập tuyệt đối về tôn giáo và là “người tra cứu không thiên vị tất cả các tư liệu” đã nói về ngài như sau: “Đó là một người có thân hình vạm vỡ, không ngừng chiến đấu hoặc bằng hành động, hoặc bằng bút chiến hay bằng khẩu chiến; và vào cái thời mà vùng đất dân mọi này chỉ thuộc về những ai can đảm hơn và mạnh hơn, chính ngài đã có phong thái của một vị Thừa Sai được trang bị bằng vũ lực (…). Trước tiên, ngài tổ chức chống trả các cuộc tàn sát những năm 1885-1887, đây là thời kỳ nổi bật dưới tên gọi “nạn Văn Thân”; đến tháng 2 năm 1888, ngài huy động 1.200 người Bahnar tấn công bộ lạc thù địch Jarai thường hay xách nhiễu cướp bóc (…). Sau này, bất kỳ một người ngoại quốc nào chỉ cần nói lên tên ngài, thì lập tức được tiếp đón và bảo vệ (xin xem:  “Mối liên quan của công vụ thám hiểm Pavie”, quyển III). Những người như thế lại bị kết án nghiêm khắc bởi những kẻ “xét lại việc truyền giáo trên thế giới” từ trên bục cao và sau khi đã xa cách các vị thừa sai hàng bao năm tháng. Nhưng những người nhìn cận cảnh hơn các sự kiện và biến cố, nếu không xét về thời gian, thì ít nhất trong không gian, họ sẽ phán xử nhẹ nhàng hơn… Những họ đạo hưng thịnh Bahnar sẽ như thế nào ngày hôm nay, nếu không có một ông Guerlach đúng lúc chận đứng ngay lập tức nạn cướp bóc, cuối cùng sẽ bóp chết họ? Điều then chốt hơn ở đây là làm sao ngày nay Kitô giáo có thể khởi sự nhập cuộc vào dân tộc Jarai, nếu những người này vẫn tiếp tục đi cướp bóc mà không bị răn đe? Cha Guerlach mà hôm nay chúng ta coi như là “người lính Giáo Hoàng”, thì vào thời ấy, cha là người biết xoay chuyển cục diện thời cuộc.
          Mặt khác, quyền lực thế tục sắp sửa đến để thay thế những nhà thừa sai. Để tôn trọng phong tục bản địa, chính quyền Đông Dương chọn một hội viên đậm chất Tam Điểm lên làm công sứ vùng Cao Nguyên người thượng, nhằm tháp nhập vĩnh viễn những “nước thuộc quyền Giáo Hoàng”. Ông Sabatier cũng là người tán thành chủ trương thắt chặt các bộ tộc. Nhưng ông muốn những rút gọn mang tính thế tục, hoàn toàn cách ly khỏi ảnh hưởng của các vị thừa sai, và cách ly hoàn toàn khỏi mọi hình thái xâm chiếm, nhất là từ phía những người Annam; và việc này xảy ra đúng lúc chính quyền bảo hộ vừa lấy vùng Cao Nguyên dâng tặng cho triều đình Annam, nơi mà trong quá khứ triều đình đã không thể thực hiện việc kiểm soát thực sự, ngược lại có lúc còn bị dân bản địa ở đó cướp bóc để dung dưỡng việc đi lại buôn bán nô lệ với người Lào. Tuy vậy, ở đâu có Trung Tâm Truyền Giáo, thì lập tức ở đó hình thành một cộng đồng nhỏ người Annam. Thực ra, các vị Thừa Sai đem theo với mình những người Annam, họ là những giáo lý viên và là người giúp việc; bởi vì trên vùng Cao Nguyên người thượng, người ta chỉ biết đến nô lệ, và không biết đến người giúp việc. Hơn nữa, thức ăn của người thượng lại không thích hợp với người Châu Âu: như chuột, rắn mối và con mối rang nướng; hoặc ăn những “chất đang tiêu hoá” còn bốc hơi lấy ra từ bao tử con nai mà không cần chế biến thêm gì cả… Tất cả không thể nuốt nổi!. Cho nên người đầu bếp Annam là cần thiết. Cuối cùng ở đó còn có hàng chục người nô lệ Annam được các vị Thừa Sai chuộc lại từ trong các làng thượng. Đa số những người này quyết định ở lại xứ sở và sống quây quần chung quanh các xứ đạo rồi bám rễ ở đó luôn. Ngày nay, điểm rõ rệt nhất là dân số Kontum chủ yếu được tạo nên từ những con cháu của những người giúp việc cho các vị Thừa Sai xưa kia. Cộng đồng ít ỏi người Annam – cũng là kitô hữu – là khúc dạo đầu cho những biến cố hôm nay (và cả ngày mai!), đây là một mối bất hòa đã đặt các vị thừa sai và các quan chức Pháp trong sự thù địch ngấm ngầm. May mắn thay, những người thay thế họ lại giữ một  chính sách phóng khoáng hơn.
          Tuy nhiên, cuối cùng xứ sở này cũng được hội nhập vào nền “văn minh”. Ảnh hưởng của những kitô hữu như vết dầu loang, tổ chức đội ngũ quản lý, sự hiện diện của nhiều trạm gác của “người bản địa”, tất cả những điều đó cuối cùng cũng giúp giảm dần dần những cuộc chém giết giữa các buôn làng và các bộ lạc, giảm được chế độ buôn bán nô lệ và việc sát tế sinh linh lấy người làm vật tế sinh. Đường đi ngày càng an toàn. Tóm lại, nhờ vào thời bình do chính quyền Pháp mang lại, giai đoạn hai kéo dài thêm, chính nhờ giai đoạn này mà những kiến thức về giai đoạn một được bảo đảm và tăng triển.
          Chúng ta chọn năm 1908 là khởi đầu cho gia đoạn III nàyGiai đoạn tổ chức. Cánh đồng truyền giáo cho người thượng đã có được 12.000 tín hữu. Cha Guerlach dũng cảm lúc đó được coi như là thủ lĩnh của cộng đoàn tín hữu này và từ lâu là người tiên phong. Ngài qua đời năm 1912. Nhưng con người của ngày mai đã có mặt tại chỗ và đã làm việc được 16 năm rồi. Con người này bề ngoài không có vẻ nổi bật, thậm chí trông nặng nề với nụ cười của một nông dân chân chất. Đó là một người “khéo tay”, có tính kiên nhẫn của loài kiến trong các phát minh của ông. Với các phương tiện tại chỗ, ngài đã chế tạo một cối giã gạo dùng sức nước được người thượng rất thích thú. Đó chính là cha Martial Jannin. Ngài có nhiều ý tưởng hay và chính ngài là người thực hiện những ý tưởng đó với lòng kiên trì của loài côn trùng. Minh chứng cho điều này là chính tay ngài đã tu sửa chiếc xe Ford cũ kỹ có thể lăn bánh được. Khi người ta đề nghị ngài nhượng lại chiếc xe đó cho viện bảo tàng Ford để đổi lấy một chiếc xe mới hiện đại, ngài từ chối, vì cho rằng chiếc xe cà tàng đã được chăm sóc, sửa chữa, thêm chi tiết, sẽ thích hợp hơn với đường sá đặc biệt của xứ sở này.
          Trở lại thời kỳ đầu thế kỷ, cha Jannin nhận định chính các vị thừa sai ngoại quốc luôn tiếp cận các thôn làng người thượng nhưng vẫn là người ngoài cuộc và ngài cho rằng những công sự viên là linh mục và giáo dân người Việt cũng cùng nhận xét như thế nếu không muốn nói là hơn. Ngài kết luận: chúng ta cần những cộng tác viên người Bahnar được đào tạo nghiêm túc cho công việc tiếp cận, cho việc huấn luyện, việc đối thoại mà chúng ta đòi hỏi họ thực hiện cho đồng hương của mình. Như vậy, cần xây dựng một trường đào tạo giáo lý viên Bahnar. Khi Cha Jannin trình bày ý tưởng, không có ai tiếp nhận coi đó là đề nghị nghiêm túc cả. Vì không thiếu những lý lẽ chính đáng để phản bác:  không thể tách những đứa trẻ vốn thuộc về rừng núi khỏi buôn làng của chúng, huống hồ là “đóng hộp” chúng nó lại; và tệ hơn nữa là ép buộc chúng học tập? Không thể tưởng tượng nổi!! Nhưng sự kiên định của Cha Jannin đã đạt được điều ngài mong muốn, vì do sự mệt mỏi của người khác chứ không phải do sự việc có tính thuyết phục. Và như vậy, năm 1908, Trường Cuenot được khánh thành ở Kontum. Ai được chọn làm Bề trên trường? Hiển nhiên đó là cha Jannin: vì ai là người đưa ra ý tưởng, thì người đó phải gánh những rủi ro và trách nhiệm! Trong khi chờ đợi, chính hoạt động công giáo tiến hành (việc làm đi trước lời nói) vừa được hình thành trên vùng đất thượng… Công việc dài hơi này, qua một tuần ngắn ngủi chưa hề có một kết quả diệu kỳ nào cả. Chỉ về lâu về dài sau này, thực tế đã chứng minh: Ngài đã đúng! Đến năm 1924, Cha Jannin được cắt cử làm Bề Trên vùng Truyền Giáo, Ngài đã phục vụ được 33 năm trong xứ sở thượng. Và 9 năm sau đó, vùng “Truyền Giáo cho người thượng” trở thành Địa Phận Tông Tòa Kontum, chính ngài được tấn phong làm Giám Mục Địa Phận. Lúc đó ngài được 70 tuổi với 42 năm truyền giáo! Ngài đã để lại dấu ấn to lớn về mọi phương diện: là vị mục tử, nhà giáo, nhà văn trong số những tác phẩm viết bằng tiếng Bahnar là tác phẩm về: vũ trụ học!, thợ máy, thợ điện (với công trình thủy điện nhỏ), nhà trang trí (bàn thờ gỗ của Tiểu Chủng Viện được ngài chạm khắc và vẽ trang trí hoàn toàn), kiến trúc sư kiêm người thực hiện… Chính trong lĩnh vực kiến trúc này, ngài đã để lại một kiệt tác: Tiểu Chủng viện Kontum, một ngôi nhà sàn hai tầng với 100 mét mặt tiền, hoàn toàn bằng gỗ và đất! Tóm lại, ngài có tài làm được nhiều việc, trong mọi lĩnh vực, với những phương tiện tại chỗ hiếm hoi và nghèo nàn. Phong cách của ngài được tóm trong 3 chữ:  táo bạo, khéo léo và kiên trì.
          Dĩ nhiên, một nhóm các vị thừa sai giúp đỡ ngài trong mọi gian nan thử thách, nhưng không đông lắm. Ngài tìm thêm sự giúp đỡ của người Annam nữa. Người đầu tiên trong số những anh hùng thời kỳ khai sáng vùng truyền giáo chẳng phải là Cha Do, một người Annam đó sao? Bây giờ cần phải gỡ bỏ những thành kiến coi vùng cao nguyên này như một vùng Sibérie mà ở đó những miền truyền giáo lân cận cử nhân sự của mình đi học mà họ thích giám sát từ xa hơn là đến gần. Đức Cha Jannin có quan điểm hoàn toàn trái ngược.  Năm 1935, ngài mở một Tiểu Chủng viện ở Kontum, nhưng gọi đó là “Trường tông đồ thừa sai”. Ở đó không chỉ tiếp nhận con cái của vài nghìn người Annam định cư trên Cao Nguyên, nhưng còn thu nhận cả những thiếu niên và thanh niên của cả vùng Đông Dương muốn tự dâng mình cho công cuộc truyền giáo cho người thượng. Theo ý nghĩ của vị Giám Mục, đó chính là tiền thân của “Hội Thừa Sai Annam” thật sự. Năm 1932, ba người Bahnar tiên khởi được phong chức linh mục. Đây có phải là quyết định vội vàng không? Có thể. Trở về lại rừng núi, không phải tất cả họ thích nghi thật dễ dàng, nhất là việc uống rượu cần, một tệ nạn đối với người thượng. Nhưng đây là bước tiến cần thiết ban đầu, vạn sự khởi đầu nan. Những bước tiếp theo sẽ chắc chắn hơn. Và rồi ngày nay, chẳng phải là người ta đã  không còn kết án các vị Thừa Sai đã quá ít nhiệt tình trong lĩnh vực này hay sao? Dẫu rằng còn biết bao điều sai sự thật, nhưng người ta không thể phủ nhận công lao to lớn của các vị thừa sai.
          Những năm 1945-1946, giống như những vùng Truyền Giáo khác ở Đông Dương, vùng Truyền Giáo Kontum bị giao động mạnh do biến động Việt minh. Nhưng năm 1954, khi quân đội Việt minh chiếm giữ Kontum trong 8 tháng, phần đông các tín hữu đã biết tự kiềm chế để không chống đối lại kẻ xâm phạm đang giận dữ phá hủy các cơ sở tôn giáo, họ tỏ ra là người khôn khéo bằng lòng sửa chữa phục hồi lại các cơ sở, sau cuộc đột nhập điên rồ của những kẻ tấn công phá hoại.
          Và bây giờ, cần lật sang trang mới, bởi vì không chỉ chúng ta vượt qua một giai đoạn, mà còn đề cập đến một thời kỳ mới.
          Mới đây, một người dân Saigon đi dạo cuối tuần ở vùng ngoại ô Đà Lạt gặp một người thượng và hỏi: “Có một làng mọi nào ở đây để tham quan không? (“mọi”, tiếng Việt có nghĩa là mọi rợ)  – Người kia trả lời: Tại sao ông gọi tôi là “mọi”? Nếu gọi tôi là mọi, tôi sẽ gọi ông là “annam tẹt”! – Xin đừng cười. Chính những dấu hiệu nhỏ như thế cho ta biết một thời đại đã qua. Hôm nay không còn người annam tẹt nữa, nhưng là người Việt nam. Không còn người mọi hay man rợ nữa mà là người Thượng, nghĩa là người vùng cao. Phải chú ý đến sự thay đổi từ ngữ. Nó là dấu hiệu báo trước một chuyển biến tuy hơi chậm và ít nhận thấy, nhưng là chuyển biến không kém phần thực tế và hậu quả lớn.

VÙNG CAO NGUYÊN

          Trong tập XXX của tạp chí nghiên cứu Đông Dương “Société des études indochinoise” dành cho việc nghiên cứu lịch sử các dân tộc miền núi phía nam Đông Dương (quý I/1955), tác giả Benard Bourotte viết: “Phía nam vĩ tuyến 17, cấu trúc địa lý Đông Dương thay đổi. Thay vì những nếp gấp song song tiếp nối nhau, miền nam Đông Dương giống như một chiếc bàn bằng sành. Dựng đứng ở phía đông, nó hạ thấp dần như một sườn dốc đổ nhẹ về phía sông Mekong ẩn chứa một dãy bờ dốc đứt gãy giống như những bậc thang nối tiếp nhau. Tương tự cấu tạo vùng núi cao miền trung du nước Pháp, bờ đông của Cao Nguyên này đột ngột hạ thấp mặt đông do một  sự sụt lún địa hình tiếp cận vùng đồng bằng dọc bờ biển Việt Nam. Dốc đứng này tạo thành một bức tường mà khi nhìn bao quát, ta có ảo giác như đó là một dãy núi. Cũng giống Cao Nguyên trung phần của chúng ta (ở Pháp), Cao Nguyên Đông Dương có nhiều núi lửa đã tắt; nhiều hồ nước hình thành trong một số miệng núi lửa; một số nơi sụt lún đã khoét sâu lớp đá trên mặt tạo thành những vùng trũng thấp, đôi lúc thành những đầm lầy, và một phần đầm lầy đó biến thành những ruộng lúa có nước tưới… Những ốc đảo tươi mát hiếm hoi này đối chọi với phần còn lại là các vùng núi cao lởm chởm với những khu rừng rậm rạp không thể tiến sâu vào được, hoặc là những trảng cỏ mênh mông, hoặc vì những khu rừng thưa”.

NGƯỜI MIỀN NÚI

          Họ gồm khoảng 1 triệu người, phần lớn (khoảng 7 đến 8 trăm nghìn) sống trên lãnh thổ Việt Nam. Số khác còn lại sống trên đất Lào và Cam Bốt. Nguồn gốc của họ đang là vấn đề hóc búa làm đau đầu các nhà dân tộc học và giải pháp tốt nhất là chờ đợi. Nước da có màu từ nâu xám đến màu bánh mật. Tóc đen và hoe nhạt; cũng có những cá thể tóc hung đỏ. Một số tóc dày và xoăn, có dạng giống người da đen; nhưng người ta cũng phân biệt họ khác người da đen. Tóm lại, ở đây cũng như hầu hết tất cả những dân tộc miền núi ở phía đông-nam Châu Á, từ đông Thibet đến cận bán đảo Đông Dương, người ta tìm thấy người In-điêng da đỏ chính hiệu. Những “người miền núi” này, ít ra phần đông họ giống nhau về mặt thể chất. Nhiều nhất là những người xưa kia sống ở vùng đồng bằng ven biển bị những dân tộc sinh sản nhiều và có tổ chức hơn đẩy lên vùng núi, như người Chàm đã bị đẩy lên chẳng hạn.
          Dù khác nhau về sắc tộc, họ lại có một số điểm chung “về văn hóa”. “Họ sống trần trụi”, là cách ghi nhận của những nhà chép biên niên sử In-điêng và Trung hoa nói một cách tình cờ về họ. Trần trụi, nhưng không hoàn toàn. Đàn ông đóng khố tương đối hơi rộng hoặc được thêu thùa (thường giống một giẻ lau dơ bẩn), chỉ đủ để che bộ phận “kín”; đàn bà thì mặc váy (bành). Đàn ông và nhất là đàn bà đôi lúc mặc chiếc áo ngắn che phần ngực, hay quấn tấm khăn đắp. Họ mài răng cửa hàm trên, trông xấu xí, tục lệ này ngày nay đã bị cấm đoán. Họ để tóc dài (nhất là trong những làng xa trung tâm tỉnh lỵ). Họ sống trong những ngôi nhà sàn bằng gỗ dựng trên những cây cột đỡ, có một vài nhà dài đến cả 100 mét, ở đó chung sống cả một tập thể lao động đích thực. Giữa làng là ngôi nhà rông lớn, ở đó giới thanh niên chưa có gia đình đến ngủ hàng đêm, nhà rông nổi tiếng với mái siêu nhọn. Đây cũng là nơi hội họp của các già làng và các vị bô lão. Họ đi săn bằng cung nỏ và giáo mác, đánh cá bằng lưới. Họ đốt rừng làm nương rẫy, làm hủy hoại rừng và biến đất đai cả vùng ra cằn cỗi. Chưa bao giờ nghe nói đến tục lệ ăn thịt người, nhưng “nghi lễ sát tế” thì có và tồn tại đến ngày nay, đáng buồn thay! Thường đó chỉ là sự trả thù bẩn thỉu của tên phù thủy được thêu dệt bằng một kịch bản tôn giáo… Mới đây, có việc hiến tế người: thân thể của một nô lệ bị bằm nát dưới cây cột trụ chính của ngôi nhà rông mới dựng. Nhiều người thượng ủng hộ chế độ nô lệ. Họ mua nô lệ nơi vùng lân cận của họ (nhất là người Annam), họ giữ lại một phần chiến lợi phẩm, và bán số còn lại cho những hàng xóm khác (nhất là cho người Lào). Điều có thật là họ không ngược đãi nô lệ. Một số bộ lạc (Sêđăng) có nghề rèn sắt và đồ đồng. Họ (người Jarai và Rhadé) theo chế độ mẫu hệ. Nhưng dù mẫu hệ hay phụ hệ, những đứa trẻ con thích làm những gì chúng muốn: cha mẹ chúng dù có điên đầu do việc chúng làm, cũng không bao giờ cấm cản. Tuy nhiên, việc đó đôi lúc cũng không ngăn được người cha Jarai giết con đầu của mình một cách lạnh lùng: sự việc này vẫn còn xảy ra ngày nay. Lý do là vì tiệc tùng ồn ào lộn xộn trong ngày cưới, đã tạo sự nghi ngờ về nguồn gốc của đứa con hơn là dựa trên so sánh nét giống nhau với người cha.
          Ít nhiều xuất hiện một số “tay anh chị” tầm cỡ trong thời kỳ đầu lịch sử chưa hoàn chỉnh của sự hình thành các dân tộc vùng Cao Nguyên, vì “tính khí chung của họ giống nhau, đó là tính nhút nhát hoặc do không đủ khả năng mà phải chấp nhận sự lãnh đạo hay quyền lực ngoại lai hơn là uy thế trong làng (theo Bourotte op.cit.). Phải đợi đến năm 1888 để thấy trên 1.000 chiến binh công giáo hay không công giáo đầu quân dưới sự điều động của Cha Guerlach trong cuộc viễn chinh răn đe nhóm người Jarai hay sách nhiễu cướp phá. Ngoài ra họ còn có “tính khí chung” nữa là: khuynh hướng thiên về những cuộc chè chén linh đình say sưa trong ché rượu cần mà họ thường tổ chức với bất kỳ lý do nào. Để ý một chút, đó là sự diệt vong của họ như ta sẽ thấy sau này. Qua dòng lịch sử, người thượng vùng Cao Nguyên Đông Dương chưa bao giờ ý thức được rằng họ là một dân tộc khác biệt trong một xứ sở khác biệt, nó lại là chính đất nước của họ. Quá chú tâm đi gây chiến với nhau, họ chưa bao giờ thành công trong việc liên kết thành một liên bang, khi mà nhiều cơ hội đến với họ, nhất là khi Sabatier tha thiết tạo cơ hội cho họ; và mới đây nữa, chính quyền Pháp hình như đã đồng thuận hoàn toàn với Hoàng Đế Bảo Đại về việc này trong thời kỳ những năm cuối của cuộc chiến Đông Dương. Trong quá khứ, mặc dầu có cuộc sống gần như độc lập, họ tự cho mình là chư hầu đôi lúc của Chàm, đôi lúc của Thái, đôi lúc của Lào, đôi lúc của Annam, tùy theo các biến cố xảy ra… 
image001
image003
image005
image007
image009
image011
image014
image015
Tính chư hầu này chủ yếu lệ thuộc vào những trao đổi quà cáp hàng năm của lãnh chúa của họ trên lý thuyết; và phải công nhận rằng trong những tình huống này, nói chung họ nhận được lợi nhiều hơn là cho đi. Để cho chúng ta hiểu rõ hơn, các Hoàng đế Annam chưa bao giờ thực hiện việc kiểm soát, trừ một vài kiểm tra rất cách quãng – và chỉ kiểm soát gắt gao vào thời điểm thu thuế hàng năm – trên vùng đồng bào dân tộc thuộc những thung lũng thấp ven biển. Và khi vua Gia Long, người thống nhất  đất nước Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII, đã từ chối thẳng thừng việc sáp nhập những “người man rợ” này vào thành phần thần dân của ông. Đầu thế kỷ XX, hòa bình nước Pháp đã áp đặt quyền hành từ từ với phương cách nhẹ nhàng lên vùng Cao Nguyên, nhưng không phải là không gặp những thảm kịch; và nhiều người lương thiện với bàn tay trắng, trong khi chinh phục từ Brazza và đến Pavie đã phải trả giá bằng mạng sống cho sự liều lĩnh táo bạo của họ. Cuối cùng, vài bộ lạc hiếu chiến (Rhadé, Sêđăng) sau này đã cung cấp cho quân đội viễn chinh Pháp những toán lính tinh nhuệ.
          Trong khi đó, phía bắc Cao Nguyên, gần ranh giới Đà Nẵng, có 2 bộ tộc đến bây giờ đã không thể kiểm soát và thâm nhập vào được: đó là người Dié và người Khatu. Nhất là những người thuộc bộ tộc thứ hai có tiếng đáng sợ. Họ có biệt danh là “những kẻ săn máu”, giết người không phải vì thù oán, không vì ăn cướp, không vì gì cả, mà chỉ để “làm hả cơn giận các thần dữ”. Họ nói: “Người này được tổ tiên chúc phúc, cho nên ngọn giáo của nó đã đâm 100 lần qua thân thể người khác. Nó là niềm kiêu hãnh của buôn làng, và nó được các phụ nữ ca tụng”. Bằng một cách nào đó, là những nghệ thuật gia… – Người ta đã cho rằng Việt Minh sẽ thành công ở nơi mà những người khác đã thất bại, và rằng họ sẽ thâm nhập được vào cộng đồng người Khatu, và đã trở nên căn cứ địa bất khả xâm nhập của Việt Minh đó chẳng phải như thế sao? Nhưng đó chỉ là những phỏng đoán, không phải là không thực tiễn, mà là chưa được kiểm chứng thôi.

NGƯỜI BAHNAR
VÀ NHỮNG SẮC TỘC KHÁC

          Bộ tộc Bahnar tương đối hiếu hòa, sống giữa 2 bộ tộc khác đáng sợ là Sêđăng và Jarai. Họ đón nhận những vị Thừa sai đầu tiên cách đây 100 năm. Người Bahnar cũng như những dân tộc miền núi khác thờ linh vật thô kệch và đầy rẫy. Cả đời sống của con người lệ thuộc vào tính thất thường của vô số các yang, hay đúng hơn là của các tay ma thuật làm trung gian cho các yang. Đó là các tay ma thuật, người chủ đích thực của xứ sở. Tuy nhiên, người thượng có 2 khát vọng lạ lùng: Trước tiên là mong chờ một “vị cứu tinh”  sẽ mang lại thời vàng son trường sinh cho họ…, vị cứu tinh này thường được mô tả ít nhiều giống như: người khổng lồ, người lùn, “người hổ”, “người bay”, hoặc một con vật được thuần hóa. Tính cả tin của người miền núi hình như là vô hạn. Cuối cùng, không có gì xảy ra thì không ai nói đến nữa. Khát vọng thứ hai: ước muốn có nước phép mầu… Nhiều phù thủy xảo trá đôi lúc tạo được những tài sản nhỏ nhờ bán hàng lít, hàng lít “nước phép mầu”. Dù sao đi nữa, đây chắc chắn cũng là 2 nền tảng thuận lợi cho việc giảng dạy giáo lý công giáo.
          Chính người Bahnar là những người được tiếp nhận Tin Mừng đầu tiên. Số tín hữu lúc đó chiếm tỷ lệ khoản 15%: gần 10.000 người. Nhưng ngày nay, không nên gọi địa phận  chúng ta là “vùng truyền giáo cho người Bahnar”, bởi họ không chiếm hơn ½  tổng số người thượng có đạo. Vì dân tộc Sêđăng đáng sợ, được mệnh danh là những chiến binh thợ rèn và là những tên cướp người nô lệ, sắp bắt kịp họ về số người tòng giáo với gần 8.000 tân tòng được rửa tội. Sắc tộc Rơngao vượt qua con số 6.000 tín hữu. Tiếp đến là bộ lạc rộng lớn Jarai, với các tục lệ đáng ghét, là bọn cướp bóc có tiếng mà ngày xưa Cha Guerlach đã buộc phải cho họ một bài học nghiêm khắc, họ cũng được cải đạo và có 1.500 người được rửa tội. Truyền giáo được tiến hành theo kiểu vết dầu loang và đến lượt Kontum đã thấm dần dần. Trong khi đó, một nhóm Thừa sai đặc biệt được thành lập và hình thành vùng Truyền giáo tại Banmêthuột, nơi sắc tộc Rhadé cư trú. Thành phố này cách Kontum 238 cây số về phía Nam, là một kiệt tác nghệ thuật của Công sứ Sabatier; vùng này trực thuộc Miền Truyền giáo Kontum. Thành phố không có địa hình đẹp, không sông ngòi, và hình như nó vẫn phải tiếp tục tồn tại sau khi người sáng lập nó đã chết. Tuy nhiên trong cuộc chiến Đông Dương, Banmêthuột được cựu Hoàng Đế Bảo Đại phục hồi trở lại, vì ông thích sự tĩnh lặng và những khu rừng chung quanh thuận lợi cho việc săn bắn thú lớn, là sở thích của vị Hoàng đế. Chính vì thế, ông có thói quen lưu lại ở đây phần lớn thời gian. Sau tuyên ngôn thiết lập nền cộng hòa, thay vì mất đi vị trí quan trọng, Banmêthuột được chỉ định là thủ đô của Trung Kỳ Việt Nam thay thế Huế. Dù dân cư thưa thớt và chưa được xây dựng quy mô, nhưng thực ra nó lại chiếm một vị trí tuyệt đối trung tâm vững chắc của nước Việt Nam tự do. Cho nên, mặc dù có các linh mục đang coi sóc cộng đồng người Việt ở đó, một vị Thừa sai được độc lập gửi tới đó để “nhập cuộc” vào dân tộc Rhadé và Mnong. Những cuộc tiếp xúc đã được thực hiện và niềm hy vọng được nhen nhúm. Mười sáu người lớn đầu tiên được rửa tội vào lễ Giáng Sinh 1955. Tổng Thống Diệm đã nhận đỡ đầu, nhưng ông Ngô Đình Nhu, em ruột và là cố vấn của Tổng Thống, là người được ủy quyền tham dự biến cố này.

CUỘC SỐNG CỦA CÁC VỊ THỪA SAI
TRÊN CAO NGUYÊN

          Đọc trình thuật của Cha Dourisboure, người ta không khỏi ớn lạnh. Một xứ sở khủng khiếp! Chỉ duy nhất một người có thể đứng vững được: đó chính là tác giả. Tất cả các bạn đồng sự của ông đã phải lần lượt ra đi, người này tiếp nối người kia. Ba người ra khỏi Cao Nguyên mà không còn chút sức lực nào và sống kiệt sức thêm một thời gian mà không thể hồi phục nổi. Bốn người khác chết tại chỗ sau vài năm phục vụ rất vất vả. Người cuối cùng mà cái chết kết thúc câu chuyện đời mình là Cha Suchet, ngài chết chỉ sau vài tuần đến đây. Và chính Cha Dourisboure đã chấm dứt cuộc đời tại Paris; Cha đã phải ra khỏi đây trong tình trạng nửa sống nửa chết để về lại Paris!  Cho nên, ngày nay một người nào đó mới đến đây, sẽ không thể không cảm nhận được sự ngạc nhiên thú vị. Xứ sở đẹp đẽ. Không khí trong lành. Màn đêm mát mẻ. Cái nóng dễ chịu hơn cái nóng trong những lò hấp vùng châu thổ khác. Sau những cơn mưa lớn, đất đai khô ráo nhanh chóng. Ít muỗi… Có phải Cha Dourisboure đã “phóng đại quá” không? Dù sao, hãy nhìn những phần mộ này… có phải là mộ thực sự không? Chắc chắn rồi! Và Cha Dourisboure là nhân chứng đích thực. Những điều kiện sống đã thay đổi kể từ lúc đó. Các vị kế tục ngài đã đưa ngựa vào xứ sở này mà trước đây chưa ai biết loài này. Sau đó là xe Jeep đến thay thế ngựa. Ngày nay, một vị Thừa sai phải đi bộ 5 giờ để tìm ra đường cho xe hơi chạy được đến làng Kon Mahar là một trường hợp ngoại lệ. Thuốc tây tân dược đã ổn định tốt được tình hình, và lúc đó người ta sống thọ hơn trên Cao Nguyên. Hãy nhìn Cha niên trưởng Alberty của chúng ta đang vui tươi hồn nhiên kia, ngài đã cống hiến cả đời tông đồ của mình trong khắp các huyện lỵ, ngài sống đến 83 tuổi.
          Tuy thế, vẫn phải công nhận cuộc sống của vị Thừa sai trên Cao Nguyên còn rất nhiều gian khổ, đòi buộc họ phải có đủ sức khỏe, có một nghị lực kiên cường. Khoảng cách đi lại xa xôi. Đường đi thì lầy lội vào mùa hè, mù mịt bụi vào mùa đông, trở thành những thử thách nghiệt ngã cho tài xế và xe cộ. Ăn uống kham khổ. Khó tìm những đầu bếp người Việt chịu bám trụ lại trong các buôn làng dân tộc, huống hồ chịu đi theo sát vị Thừa sai trong cuộc hành trình không ngừng nghỉ: vì do tâm tính của người thượng, tiếp xúc thường xuyên với họ là cần thiết. Mỗi vị Thừa sai trong một tháng cần đi một vòng đến tất cả các buôn làng thuộc trách nhiệm của mình. Mỗi địa sở có 10 làng hay nhiều hơn nữa… Khi họ có một đầu bếp ở “nhà mình”, nơi đặt địa sở – (đây cũng là trường hợp chung cho phần đông các Thừa sai) – thì họ cũng chỉ được hưởng một nửa thời gian tại đó thôi. Trong hoàn cảnh này, về phần ẩm thực, các vị thừa sai phải chịu ăn uống trễ và không có những món ăn ngon như của Vatel xưa… Nhưng họ chưa bao giờ có ý định tự tử như Vatel chỉ vì một món ăn nào đó bị “bỏ lỡ” (Vatel là chủ khách sạn Grand Condé, đã tự tử vì không thể đến dự bữa ăn tối với vua Louis XIV, theo lời kể của bà Sévigné). Như thế cũng đã hạnh phúc lắm rồi, bằng không thì các nghĩa trang sẽ không còn đủ chỗ nữa!  Sự cô lập của các Thừa sai không đến nỗi thái quá, vì mỗi tháng một lần, họ tụ tập lại tại Tòa Giám mục chung quanh vị Giám Mục, ngài với họ cùng điểm lại tình hình chung.
          Các tín hữu thượng thì thô kệch, ít tế nhị, ít dịu dàng hơn so với người tín hữu Việt. Cho nên, mối tương quan giữa các Thừa sai và các tín hữu ít trao đổi với nhau. Nhưng ai đã từng kinh qua nhiệm vụ truyền giáo Cao Nguyên sẽ nhận thấy nhanh chóng là sự gắn bó với các con chiên thô kệch ở đây, ít nhất cũng ngang bằng với sự gắn bó giữa các Thừa Sai trong các giáo xứ hưng thịnh vùng đồng bằng với các con chiên người Việt của họ ở đó. Người ta chưa bao giờ nghe các Thừa Sai Cao Nguyên dùng từ ngữ như người man rợ, người miền núi, người thượng. Không! để chỉ về họ, các Thừa sai có một từ riêng biệt cho họ: những người nhiều lông. Không phải do người miền núi có nhiều lông hơn người của các dân tộc khác vùng viễn đông, nhưng là vì cách ăn mặc của họ: “Trần trụi”. Và khi các Thừa sai hội họp cùng nhau, họ bàn luận về thổ ngữ (của người) trần trụi, văn học dân gian và nghệ thuật (của người) trần trụi; đề cập đến những rắc rối (của người) trần trụi và tìm giải pháp cho vấn đề (của người) trần trụi. Tuy nhiên, sự gắn bó này được đền đáp. Cộng đồng công giáo miền núi tiến bộ đều đặn từ 100 năm qua. Hiện tại, nhiều nhóm dân cư chỉ chờ sự hiện diện thường xuyên của vị Thừa sai bên cạnh họ để gia nhập Hội Thánh. Phía bắc vùng Truyền giáo, một chuỗi các làng công giáo không lâu nữa sẽ cắt ngang qua vùng Sêđăng. Lúc đó, việc truyền giáo sẽ chạm đến xứ sở của người Dié trước khi tiếp cận vùng sắc tộc Khatu… Vào lúc đó, sẽ nảy sinh một thử thách lớn: “Quỷ dữ và Thiên Chúa”, một kịch bản mới, chắc chắn đẹp hơn và hồi hộp hơn màn kịch của ông Sartre.

XÂM LƯỢC PHI CHIẾN TRANH

          Và rồi các “biến cố” đã xảy đến bất ngờ. Năm 1954, Hiệp định Genève áp đặt cho Việt Nam đường lối tệ hai nhất của Đại Hàn. Người Pháp đầy cay đắng rời khỏi Đông Dương, nơi đã thấm đẫm vàng bạc, văn hoá và máu của họ. Vùng Cao Nguyên rộng lớn còn có may mắn nằm ở phía nam ranh giới thế giới đỏ. Nó được vạch kẻ lên tấm bản đồ do một số Ông Lớn ngồi quanh chiếc bàn, và số phận của hàng triệu triệu con người lại được quyết định! Tuy thế, có 1 triệu người trong số đó đã vượt qua lằn ranh định mệnh với tham vọng thay đổi số phận mình: và chính một phần của Cao Nguyên đã bị việc này làm xáo trộn.
          Ngày xưa, người ta gọi xứ sở này là “nội địa” . Tiếp theo trong thời chiến tranh Đông Dương, nó trở thành “vùng vành đai”. Kể từ khi nền cộng hòa được thiết lập, nó được gọi một cách đơn giản là “Cao nguyên Trung phần Việt Nam”. Sự thay đổi ngôn từ này nói lên tất cả. Việc bố trí dân số ngày càng gia tăng trên vùng Cao Nguyên như thế, chính quyền có cơ may bắn một mũi tên trúng hai đích: trước tiên là tạo phương tiện sống và nơi định cư cho di dân, cùng lúc giãn dân số ở các thành phố và đồng bằng đã quá đông đúc. Tiếp đến, cơ hội còn tốt hơn nữa là tháp nhập: đồng hoá vĩnh viễn cơ phận ngoại lai này là Cao Nguyên vào nước Việt Nam. Việc này đạt được không phải là không có những tiếng than khóc và nghiến răng. Người Việt vốn là con người của đồng bằng và là nhà nông. Mọi bản chất trong con người làm họ sợ hãi quay lưng lại với núi rừng. Nhưng chính quyền đã rất quyết đoán để vượt qua tất cả. Những con số còn thuyết phục hơn những điều khác: năm 1954, có 30.000 người Việt trên Cao Nguyên; hiện nay là hơn 100.000 người. Chưa hết, có thể đây chỉ mới là bước khởi đầu.
          Xét về mặt quốc gia, bước đi chính trị này không phải là không có cơ sở. Vùng Cao Nguyên thật sự là vòng đai từ cao khống chế toàn vùng bờ biển, là vị trí chiến lược hàng đầu. Mà vùng thiên nhiên trống vắng thì đáng ngại. Vì nếu vùng mênh mông này không có người định cư đủ đông đúc, thì sẽ không được kiểm soát chặt chẽ và lúc đó sẽ không thiếu mạng lưới có tổ chức của những thành viên Việt minh lấp vào chỗ trống chỉ trong một thời gian ngắn. Sự cắm rễ đột ngột của hàng chục ngàn người Việt trên Cao Nguyên luôn đánh dấu một khúc quanh quyết định cho lịch sử người thượng. Điều này có thể là may mắn cho họ và cũng có thể là mất mát đối với họ.
          Hình như chính quyền chưa có ý tưởng hay chương trình thật cụ thể cho vấn đề này. Mới đây, 2 nhà điều tra Mỹ được chính quyền gửi đến nghiên cứu vùng Cao Nguyên. Một trong 2 người không do dự bày tỏ sự bất đồng sâu sắc với kết luận của bạn đồng hành: “Người ta nói: không có vấn đề gì ! Vậy mà vẫn có một. Không nên lập lại ở đây điều mà người ta đã làm với người Inđiêng ở Châu Mỹ”.
          Thực ra, vấn đề là cần biết số phận của những sắc dân người miền núi như thế nào? Sẽ là ảo tưởng khi nghĩ rằng họ sẽ sống sót mà vẫn lưu giữ được những cái họ đang có hôm nay. Lịch sử không đợi chờ điều đó. Người thượng chỉ có thể hoặc tiến bộ hoặc biến mất. Sự tiến bộ này có thể đem lại hạnh phúc mà cũng có thể là bất hạnh. Họ có thể hưởng được lợi ích về văn hóa và kỹ thuật của cuộc sống hiện đại mà người Việt đem lên theo, trong khi vẫn giữ được bản sắc, nguồn gốc và những tập tục của họ theo một chiều hướng rõ rệt. Có như vậy, họ mới là “người Dân tộc thiểu số của Việt Nam”, và tạo nên một trong những nét hấp dẫn cho vùng đất này.
image017
image019
Họ có thể là đối tượng của “nạn đồng hóa” thiếu định hướng và thiếu hiểu biết. Lúc đó họ sẽ chỉ là những người Việt giả hiệu, người Việt hạ đẳng, không được lợi lộc mà còn bị kẻ khác khinh thường.
Họ còn có thể bị nhốt vào những “khu bảo tồn”, và bị giao nộp cho kẻ thù truyền kiếp xuất hiện từ đầu đến cuối trong nền văn hóa của họ là: ché rượu cần. Cho nên vấn đề cần biết là cái gì sẽ được lưu giữ trong viện bảo tàng: ché rượu cần hay là chính sắc tộc của họ đang trở thành đối tượng đáng thương cho khách du lịch tò mò đến xem – được giới thiệu (giữ nguyên từ trong sách) như là dân nghiện rượu – theo cách thức giống như sắc tộc Ainos của Nhật Bản…
          Trong tất cả việc này, Giáo Hội phải lên tiếng, và chúng ta không có quyền im lặng như “những chú chó bị câm”.

KONTUM NGÀY NAY

          Nhiều vấn đề mới phát sinh, thì cần có con người mới. Khi cha Paul Seitz được chỉ định kế vị Đức Cha Sion vào năm 1952, sự bổ nhiệm này gây sửng sốt cho  khắp Hà Nội, nơi ngài vừa được bầu làm bề trên vùng, cũng như khắp Kontum, nơi ngài không biết gì về vùng này cả. Lúc đó, người ta chưa dự kiến được những xáo trộn của ngày nay. Vậy mà một con người hoàn toàn mới lạ lại hoàn toàn có thể có đủ khả năng đương đầu với những xáo trộn đó.
          Như đã nói ở trên là Kontum không còn được gọi là “Truyền Giáo cho người Bahnar” nữa, vì họ chỉ chiếm không đến một nửa số giáo dân thượng. Thế mà hôm nay, theo con số, người ta cũng không nên gọi Kontum là vùng “truyền giáo cho người thượng” nữa. Năm 1954, có 6.200 giáo dân Việt trên 20.200 giáo dân thượng. Đến năm 1957, có 30.000 giáo dân thượng (gồm cả tân tòng) trên 35.000 giáo dân Việt. Cán cân đã đảo ngược, và càng ngày càng nghiêng về phía giáo dân Việt.
          Dù rằng, con số chưa nói lên tất cả, chắc hẳn có những sai sót. Vì dù con số có thế nào đi nữa, Kontum vẫn luôn và sẽ luôn là “Truyền giáo cho người thượng”. Ở đây không có sự cổ vũ cho chủ thuyết lãng mạn cảm động và lỗi thời. Mà là sự trung thành với chủ đích khi sáng lập và với cả lịch sử trăm năm của Sứ Vụ Truyền Giáo. Điều tốt nhất là: cần thiết và cấp bách thực thi lòng bác ái Kitô giáo; và điều đó vượt lên trên tất cả.
          Phải hiểu rằng: không được đối xử với người công giáo Việt như những kẻ không được ưa thích, hay như những bố mẹ nghèo khổ. Nhưng phải làm cho họ hiểu rằng họ không có quyền đòi hỏi chiếm đa phần về nhân lực lãnh đạo tinh thần và quyền lợi vật chất, chỉ vì số tín hữu của họ luôn tăng lên; cũng nên cho họ biết rằng họ đang thuộc về một Giáo Hội đã kỳ cựu và vững vàng, và họ đang có một hàng giáo phẩm đông đảo. Tóm lại, họ cần hiểu rằng tương lai của người công giáo và của người Việt không bị đe dọa một chút nào cả. Trái lại, đối với người Thượng thì không giống như thế, như chúng ta vừa mới nói, sắp nói và sẽ lặp lại điều đó với người Việt trên Cao Nguyên. Họ sẽ phải mạnh mẽ đứng trước trách nhiệm truyền giáo và những đòi hỏi cộng tác vào công cuộc loan báo Tin Mừng cho người anh em thượng mà họ đang cùng chung sống trong một vùng đất.
          Để bắt đầu, phải tuyên chiến với những lái buôn sát nhân: Giám mục giáo phận trịnh trọng ban huấn dụ đến những lái buôn rằng những ai trong số họ liên minh với nhau để nhập rượu với số lượng lớn, việc này đã bắt đầu được thực hiện trên Cao Nguyên, sẽ bị coi như không còn thuộc về Giáo Hội (bị dứt phép thông công. “Primo vivere”- Trước tiên phải sống. Nhưng mọi người đều có quyền sống của mình. Tuy nhiên, cuộc sống và sự thịnh vượng của người này không đồng nghĩa với gây huỷ hoại hay sự chết của người khác. Và đó chỉ là khía cạnh tiêu cực của vấn đề. Vì người ta không thể thay thế một cái gì đó bằng số không, nên một chiến dịch được phát động để cổ vũ cho loại thức uống không gây độc hại. May mắn lớn cho người thượng, đó là họ đã có 30.000 người công giáo, là trào lưu thiện cảm và tin tưởng vào Giáo Hội được thể hiện ở nhiều nơi. Đó cũng chính là khả năng tiến bộ đương nhiên của họ. Nhiều người thượng đã trở thành sĩ quan trong quân đội. Hiện tại nhiều bạn trẻ thượng đã hoàn thành bậc trung học phổ thông. Ở Kontum, cũng có nhiều em thượng theo học trường trung học (cấp II) của quý Sư huynh, và 6 em trong số đó vừa mới vào theo học tại Tiểu Chủng Viện. Những người con của núi rừng này bắt đầu có hứng thú với việc đi học, ngày nay các ngôi trường mà Hội Thừa Sai mở trong các buôn làng được các em tự nguyện theo học. Như vậy, có 9.000 học sinh nam nữ đang theo học trong 150 trường nhỏ được mở trong vùng sâu vùng xa. Hiển nhiên là không thể giống y hệt những nhóm trường bên Âu Châu. Giáo viên người dân tộc thường là các Giáo lý viên địa phương, họ áp dụng một thời khoá biểu không đều đặn, do phụ thuộc vào công việc của mùa vụ; còn trong lớp, học sinh mới 7 tuổi ngồi trên băng ghế phì phà ống điếu trước khi mở sách ra học. Nhưng dù sao, cần phải có một sự khởi đầu cho mọi việc. Vì thế, sứ vụ giáo dục đã bắt đầu, và thực tế phải khởi sự từ đó. Thật ra chính quyền đã coi những trường làng của chúng ta như những cơ sở xứng đáng nhận được sự trợ giúp.
          Hoạt động Công giáo, mà hình thức đầu tiên là thành lập Trường đào tạo Giáo Lý Viên, đã gia tăng ảnh hưởng nhờ xây dựng 2 Nhà Mái Ấm nữ, một ở Kontum, một ở Banmêthuột. Mái ấm đầu do các Nữ tu Vinh Sơn-Phaolô quản lý, Mái ấm thứ hai do các Nữ tu Biển Đức (Bénédictines) quản lý. Các Nữ tu Phaolô Thành Chartres cũng mở một Mái Ấm tương tự tại Cộng đoàn mới ở Cheo-Reo, giữa vùng Jarai theo đa thần. Các Mái ấm đào tạo học sinh nữ này đặc biệt quan trọng đối với các bộ lạc Jarai và Rhadé theo mẫu hệ. Mặt khác, nhiều ơn gọi nữ tu được chọn trong số các em gái đã qua đào tạo trong các Mái ấm này. Cuối cùng, Hội Legio Mariae được phát động cho người dân tộc, hình như đã lan rộng ra cách tốt đẹp.
          Con người là hồn và xác. Cố gắng lớn lao là làm gì đó để trợ giúp y tế. Không phải là những bệnh viện quá nhỏ bé, với trang thiết bị thô sơ, nằm ở trung tâm các tỉnh lỵ thì có thể cho là đủ đáp ứng; và đó là vấn đề vượt quá khả năng của chúng ta. Nhưng Giáo Hội, từ trước tới nay, đã không chờ đợi, mà mở rộng vòng tay với những người mà không ai muốn tiếp nhận: đó là những bệnh nhân phong. Các nữ tu Vinh Sơn-Phaolô đã thành lập 2 trại phong, một ở Di Linh và một ở Kontum. Nhưng mới đây, Nữ tu Giám đốc của trại phong thứ hai này, khi thăm dò một số huyện của người Jarai do một vị Thừa Sai mách bảo, đã đánh giá là số người cùi ở đó chiếm tỷ lệ đáng sợ là 10% !
 **********
           Như vậy, công việc không thiếu trên Cao Nguyên! Có đủ cho mọi người: cho các vị Thừa Sai, các Linh mục và Nữ tu, cho các Thầy thuốc, cho các nhà quản lý hành chính và cho cả các nhà giáo… Đối với tất cả họ, một trang sử huy hoàng đang được viết bởi một cộng đồng lý tưởng với sự cộng tác thông minh.
          Ít nhiều, đây là thời điểm thích hợp để cứu vớt một cộng đồng dân tộc xinh đẹp và hấp dẫn: cứu vớt cả thể xác lẫn tâm hồn.
          Có phải chúng ta sẽ được xem một bộ phim mạo hiểm chinh phục miền Tây nguyên ở thể loại mới, với tên gọi “người Kitô hữu Miền Tây nguyên” chăng? Tất cả những yếu tố cổ điển của thể loại màn kịch này được dàn dựng thống nhất. Trong tương lai, phần kết sẽ cho câu trả lời, nếu vở diễn thành công. Trách nhiệm đơn giản của Giáo Hội là thực hiện vai trò của mình trong đó. Thành công sẽ là vinh dự của Việt Nam, và cũng làm phong phú cho đất nước này.
          Dù sao đi nữa, một người tâm huyết nào lại chẳng mơ ước một số phận tốt đẹp hơn là số phận của một trong những anh hùng tây nguyên như vậy.
CHRISTIAN . SIMONNET 
Des Missions Etrangères de Paris

Kontum 2013
Ban Mục vụ Truyền thông Giáo phận 
phỏng dịch
 Nguyên tác:  (1) “La Mission Du Far – West VietNamien
Extrait du Bulletin
de la Société  des Missions – Étrangères Des Paris – (Hongkong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét