Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

ĐỨC MARIA: CẦU NỐI NGƯỜI HỒI GIÁO VÀ KITÔ GIÁO

 


Lm. James H. Kroeger, M.M.
Trích từ Tập San Catholic Digest 
số 29:2 (tháng 8/1988), tr. 73-75


Có lẽ hầu hết người Công Giáo giật mình và không thể tin khi được biết rằng vào năm 2000, số người Hồi Giáo trên thế giới đã vượt qua Công Giáo. Nhưng đây là một con số chính xác mà sau này nó đã được kiểm nghiệm; vào năm 2000, người Hồi Giáo chiếm 19,2% dân số thế giới, trong khi đó người Công Giáo là 18,7%.

Trong nỗ lực mở rộng nhãn quan và nhận thức nơi người Công Giáo, Công Đồng Vatican II đã khai mở một tinh thần mới trong việc tiếp cận các tôn giáo lớn trên thế giới; Công Đồng ghi nhận: “Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó.” Người Công Giáo được mời gọi “nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác,” vì những tôn giáo này “cũng thường đem lại ánh sáng của chân lý, chân lý chiếu soi cho hết mọi người” (Tuyên ngôn Nostra Aetate [NA] 2).

Khi đề cập cụ thể đến tín đồ Hồi Giáo, Công Đồng nói: “Giáo Hội cũng tôn trọng các tín đồ Hồi Giáo” (NA 3). Thực thế, “kế hoạch cứu độ cũng còn bao hàm những ai nhận biết Ðấng Tạo Hóa: trước tiên phải kể đến người Hồi Giáo; họ xưng rằng họ giữ đức tin của Abraham; cùng với chúng ta, họ thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, nhân từ, Ðấng sẽ phán xét loài người trong ngày sau hết” (Hiến chế Lumen Gentium [LG] 16).

Phải nhìn nhận một sự thật lịch sử rằng các tín hữu Kitô và Hồi Giáo đã có sự công kích và thù nghịch nhau khốc liệt suốt chiều dài hằng nhiều thế kỷ; chỉ cần nhắc lại một điều này thôi, đó là Binh Thánh Giá và những chiến dịch quân sự tấn công qua lại giữa cả Kitô hữu lẫn tín đồ Hồi Giáo. Tuy nhiên, giờ đây Công Đồng đã cổ võ một thái độ mới, “Thánh Công Ðồng kêu gọi mọi người nên quên đi những chuyện đã qua để cố gắng thành thật tìm hiểu nhau” (NA 3).

Một lần nữa, nhiều tín hữu Công Giáo chắc sẽ phải ngạc nhiên khi biết rằng tín hữu Kitô và tín đồ Hồi Giáo cùng chia sẻ rất nhiều điều chung; họ có chung niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, Đấng hay thương xót và quyền năng, là Đấng tạo thành trời đất, và là Đấng vẫn còn nói với nhân loại. Cả hai đều nhìn nhận Abraham là cha của những kẻ tin. Người Kitô và người Hồi cùng trông đợi ngày phán xét và sự sống lại. Cả hai truyền thống đức tin đều đánh giá cao đời sống luân lý và tôn thờ Thiên Chúa, đặc biệt qua cầu nguyện, làm việc thiện và ăn chay. Cuối cùng, mặc dù người Hồi Giáo không nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, họ vẫn tôn kính Ngài như là một tiên tri. Và thật ngạc nhiên, (như Công Đồng chú ý) người Hồi Giáo cũng “kính trọng Mẹ đồng trinh của Người [Đức Giêsu] là Ðức Maria và đôi khi cũng sốt sắng cầu khẩn Mẹ” (NA 3).

Mặc dù giáo huấn về Đức Maria có thể là điểm gây bất hòa và chia rẽ giữa người Công Giáo và Tin Lành, thì may mắn là điều này không gây bất hoà nơi mối quan hệ Kitô Giáo-Hồi Giáo. Hình ảnh về Đức Maria mà chính Mahomet phác họa là một nhân tố kết hợp giữa tình cảm và hỗ tương của nhau.

Trong sách Koran, thánh kinh của người Hồi Giáo, Tên của Đức Maria (Maryam) xuất hiện đến 34 lần một cách rõ ràng; trong số đó có 24 lần, Maria được nhìn nhận là mẹ của Đức Giêsu (‘Issa). Nguyên một chương của kinh Koran (Sura 19) được đặt tên là “Maryam” và kể ra những sự kiện của việc Truyền Tin và ngày sinh của Đức Giêsu. Hơn nữa, người Hồi Giáo gọi Đức Maria là “Sitti Maryam”; sitti là một hạn từ nói lên sự quí chuộng, vì đặc ân của Đức Maria là làm mẹ của đấng tiên tri ‘Issa.

Thái độ của Mahomet đối với Đức Maria luôn luôn là cung kính và tôn trọng. Ông nói về người như là một dấu hiện  (àyat) cho mọi tạo vật và là kiểu mẫu (màthal) cho mọi tín hữu. Như kinh Koran ghi nhận (66:12), “bà đã tin vào Thánh Kinh của Ngài.” Vị Tiên Tri thành Mecca nhìn thấy nơi Maria như là dấu hiện và kiểu mẫu vì người đã qui phục (Islam) một cách thành tín ý định của của Allah/Thiên Chúa. Nhân đức này của Đức Maria cũng đã được Thánh Luca ghi nhận: “Đức Maria nói: Này tôi là tôi tớ Chúa. Xin hãy thực hiện nơi tôi những điều ngài nói” (Lc 1, 38).

Một đoạn tương tự khác về Đức Maria được tìm thấy trong cả hai niềm tin Hồi Giáo và Kitô Giáo: Đức Maria là một người được Thiên Chúa quí chuộng cách riêng. Kinh Koran (3:42) nói: “Đức Allah đã chọn bà, và thanh tẩy bà nên tinh tuyền, và tôn bà lên trên hết mọi phụ nữ”; còn Tin Mừng theo Thánh Luca (Lc 1, 28.42) thì nói: “Kính chào đấng đầy ân sủng . . . bà có phúc hơn mọi người nữ.”

Tóm lại, Mahomet đã vẽ nên một bức tranh kiều lệ về Đức Maria; có thể nói được rằng, “Ngoài Luca, không ai là nghệ sĩ nồng nhiệt và tài hoa hơn Mahomet.”

Người Công Giáo tôn kính Đức Maria dưới nhiều tước hiệu mà một trong các tước hiệu đó là “Đức Mẹ Fatima.” Ở đây người ta có thể khám phá ra một mối ràng buộc thú vị giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo. Đây là một sự kiện lịch sử: người Hồi Giáo chiếm bán đảo Iberia (miền đất cũ gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) trong nhiều thế kỷ liền. Vào lúc họ bị đánh đuổi ra khỏi đó, nhà cầm quyền cuối cùng Hồi Giáo có một cô con gái rất đẹp, được đặt tên là Fatima để tôn kính người con gái của Mahomet. Có một chàng thanh niên Công Giáo đem lòng yêu nàng và vì chàng, nàng ở lại mà không theo người Hồi chạy khỏi Bồ Đào Nha. Chồng nàng yêu nàng đến nỗi khi anh đã trở thành thủ lãnh của miền đó, chàng đổi tên miền đó thành Fatima. Như thế, ngay tại nơi Đức Mẹ hiện ra năm 1917, cũng chính là nơi mang dấu tích lịch sử liên quan đến nàng Fatima. Khi dẫn giải sự kiện này, Đức Cha Fulton J. Sheen đã từng nói: “Tôi tin rằng Đức Trinh Nữ chọn tên ‘Đức Mẹ Fatima’ như là một bảo chứng và là tín hiệu của niềm hy vọng cho người Hồi Giáo.”

Khi bắt đầu bằng niềm tin chung nói trên, hai truyền thống đức tin sống động này có thể lớn lên trong sự xích lại gần nhau hơn; Đức Maria có thể là một cầu nối cho mối thân hữu chặt hơn. Trong sự quan phòng ân tình của Thiên Chúa, Đức Maria có thể trở thành “Một Ka’ba Chung”, nơi người Hồi Giáo và Kitô Giáo sẽ siết chặt tay nhau trong niềm tôn thờ Đấng Allah duy nhất và chân thực.

Người Kitô và Hồi Giáo không hoàn toàn đồng ý với nhau về mọi khía cạnh đức tin về Đức Maria. Tuy nhiên, các điểm đồng thuận giữa hai tôn giáo độc thần này cần được xem như là nền tảng để xây nhịp cầu cảm thông. Nếu nói theo ngôn từ chuyên môn hơn, đường lối này được gọi là đối thoại liên tôn. Các nhà truyền giáo hiểu rằng giải pháp như thế có thể giải tỏa bớt các thành kiến và thiên lệch thâm căn cố đế. Thiếu sự đồng ý hoàn toàn này vẫn không ngăn cản các tín hữu Kitô cũng như tín đồ Hồi Giáo mất đi niềm kính trọng cách sâu xa và chung nhau đối với Đức Maria trong địa vị “Thánh Mẫu” (Sàyidat).

Biết những tình huống cụ thể về tình yêu và lòng sùng kính Đức Maria sẽ giúp rất nhiều cho việc hợp nhất người Hồi Giáo và Người Kitô.  Ở Mumbai, Ấn Độ, người Hồi Giáo sùng kính bức tượng Đức Mẹ Núi Carmelô ở nhà thờ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Ở Zamboanga trên một hòn đảo thuộc vùng Mindanao, miền nam Philippines, bức hình Đức Trinh Nữ với tên Nuestra Señora del Pilar (Đức Mẹ Cột Trụ) rất được tôn kính; người ta được biết nhiều người Hồi Giáo sùng đạo trong vùng vẫn đến khấn xin Đức Maria phù trợ trong những dịp đặc biệt – nhất là trong những lúc khó khăn hoặc trước khi trảy đi hành hương (hajj) Mecca. Cũng ở Zamboanga, Các tín hữu Kitô Giáo và Hồi Giáo vẫn tập hợp chung nhau cầu nguyện vào các ngày thứ Sáu (ngày “Chúa Nhật Hồi Giáo”) tại tu viện các cha dòng Carmelô mà người ta vẫn gọi là Carmelô của Đức Mẹ, Nữ Vương Thế Giới.

Rõ ràng, không phải mọi chia cắt về lịch sử và thần học giữa người Hồi Giáo và Kitô Giáo đã được hàn gắn. Tuy nhiên, cả hai truyền thống đức tin có thể hội tụ một cách lạc quan vào Đức Maria của Tin Mừng và Đức Maria của Kinh Koran; Mẹ không xa lạ với họ vì Mẹ đứng ở giữa cả hai tôn giáo.
  
chuyển ngữ
Lm. Đaminh Phạm Đức Sỹ CMC

                                                         (Theo TTVHQN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét