Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

Bài diễn thuyết của Đức cha Nguyễn Bá Tòng (29/5/1941)


Khánh thành đài kỷ niệm cha Alexandre de Rhodes (29/5/1941):

Bài diễn thuyết của Đức cha Nguyễn Bá Tòng

Thưa các quý quan, các thân hào và chư vị,

Thể ý quan Thống sứ và để biểu minh cái đặc điểm buổi họp hôm nay – một buổi họp lấy sự Pháp Việt đề huề, quốc dân hợp nhất làm tiêu chuẩn, một buổi họp truy tặng chữ Quốc ngữ - tôi xin lược thuật tiểu sử cha Alexandre De Rhodes bằng tiếng Quốc âm.

Cha Alexandre De Rhodes là một người đặc biệt hoạt động. Ít gặp thấy những tấm gương sinh hoạt đầy đủ tột bậc như thế.

Nhưng muốn hiểu rõ cuộc đời của cha, cần phải có một cái quan niệm ít là lờ mờ về tinh thần vị tông đồ trong đạo Công giáo. Đối với Công giáo, không gì sung sướng cho bằng được nghe tiếng Thiên Chúa gọi đi hướng dẫn linh hồn nhân loại đưa về cùng Thiên Chúa. Các ngài khó tưởng tượng cho thấu cái hân hoan phúc lạc các tông đồ, khi đem nhiều linh hồn vào chính đàng Công giáo. Tại đâu mà dù bị gian nan bắt bớ, dù phải vất vả lót đời, dù bị đày đuổi ngục từ, dù phải kìm khảo chém giết, thì vị tông đồ cũng cứ một lòng vàng đá hy sinh? Chẳng qua là vì chân lý và đạo người giảng là chân chính và ngay thật vô cùng, nên mới có sức làm cho người thí thân cho đạt thành mục đích. Có đem cuộc đời cha Alexandre De Rhodes đặt dưới những quan niệm ấy, ta mới hiểu được những nỗi hy sinh của ngài.

Cha De Rhodes đã cất tiếng chào đời tại Avignon ngày 15 Mars 1591. Ngài từ biệt gia đình sang Roma năm 1612, vào tu trong Dòng Tên, tức Dòng Đức Chúa Giêsu (Jésuite). Chọn làm thầy Dòng Tên, là vì ngài muốn hiến thân đi giảng đạo ở các nước ngoại giáo phương Đông. Sáu năm tu luyện thành tài, vào năm 1618, ngài thụ phong linh mục. Tháng Octobre, ngài bỏ Roma về qua Avignon thăm gia đình, đoạn theo đường bộ tới Lisbonne đáp tầu sang Viễn Đông hồi năm 1619. Hết ba tháng mới tới mỏm đất Bonne Espérance[1], và mãi sáu tháng ròng rã mới đặt chân xuống đất thành Goa bên Ấn Độ. Cuộc hành trình lâu dài vất vả làm cho ngài kiệt sức và sinh bệnh, cần phải nghỉ lại ít tháng điều dưỡng. Rồi đáp tầu đi Malacca, sau cùng tới Macao ngày 29 tháng Mai năm 1623: tính ra từ khi bỏ Âu Châu cho tới nay vừa chẵn bốn năm rưỡi trời.

Chủ ý ngài sang Viễn Đông là giảng đạo cho nước Nhật. Không may nhằm lúc có lệnh nghiêm cấm các nhà truyền giáo không được vào nước Mặt Trời Mọc, nên ngài lưu lại Macao. Và một năm sau, vào cuối năm 1624, ngài được lệnh sang Việt Nam giúp các vị giảng đạo được kết quả rất nhiều ở Đàng Trong. Ngài cùng với mấy bạn đồng liêu bước vào đất Việt Nam tại tỉnh Cham, tức là Quảng Nam bây giờ, phỏng là Cửa Hàn, hay chắc hơn là ở Faifo, vì Faifo khi ấy là một thị trường lớn người Nam giao thiệp, thông thương với ngoại quốc.

Ở Đàng Trong đọ một năm rưỡi, ngài được lệnh ra Đàng Ngoài, vì các vị thừa sai Đàng Ngoài cần một cha nói thạo tiếng Nam. Ngài về qua Macao rồi mới sang Bắc Kỳ. Ngày 19 Mars 1627, ngài tới Cửa Bạng thuộc tỉnh Thanh Hóa. Ngài được chúa Trịnh Tráng tiếp rước lịch sự và hậu đãi tận tình. Nhưng năm 1629 bị chúa ra lệnh trục xuất. Ngài trở vào Đàng Trong giảng đạo ở miền Bắc tỉnh Quảng Bình. Tới năm 1630, ngài trở về Macao dạy khoa thần học độ 10 năm, và đồng thời giảng đạo cho các thành lân cận xuống đến Quảng Đông. Năm 1640 lại được lệnh sang Đàng Trong, nhưng bị quan Tổng đốc tỉnh Cham trục xuất, ngài phải lộn về Macao. Vẫn không ngã lòng, cách ít tháng, ngài lại đáp tầu sang Đàng Trong, đi giảng các tỉnh miền Nam Trung Kỳ. Quan Tổng đốc Cham vẫn chưa nguôi hiềm, lại ra lệnh trục xuất một lần nữa. Ngài qua Manilla, về Macao và hai lần nữa lại sang Đàng Trong. Sau hết tháng Juillet 1645, ngài bị vua kết án trảm, nhưng sau đổi ra trục xuất, nên ngài phải từ biệt hẳn Đàng Trong. Trong “sách du ký” thuật đến khúc ấy, ngài viết: “Xác tôi tuy bỏ Đàng Trong, nhưng lòng tôi không bỏ được xứ ấy và xứ Bắc Kỳ, trái tim tôi hoàn toàn ở lại với hai xứ ấy, và tôi tưởng không khi nào bỏ được”.

Về Macao lần nầy ngài được lệnh trở lại Âu Châu, cổ động tìm người tìm của, sang lo việc giảng đạo bên Viễn Đông. Từ biệt Macao cuối năm 1645, cách ba năm rưỡi ngài mới về tới Roma. Lúc về dọc đàng ngài gặp lắm khúc ly kỳ: chỗ thì bị cầm tù hạch sách, nơi thì được trọng đãi vẻ vang. Tới Ispahan, kinh đô Ba Tư, lúc đó không gặp tầu đi Cap Bonne Espérance, nên ngài đi bộ qua Médie, Arménie, Anatolie, Smyrne, hết một năm mới tới Roma, vào giữa năm 1649.

Tới Roma, ngài không nói chi đến nghỉ ngơi, lập tức khởi cuộc chiêu binh tập mã, sắm sửa chiến cụ thiêng liêng, đem sang Việt Nam tiếp tế vào đội quân thái bình truyền giáo. Ngài vào triều yết Giáo hoàng Innocent X, tâu bày những nỗi nhu cầu của giáo hữu bên Đông, xin Giáo hoàng cắt cử giám mục, linh mục sang lập cho có cơ sở vững vàng. Giáo hoàng rất đồng ý với ngài và định phong ngài làm giám mục, ngài nhất định cáo từ trách nhiệm ấy. Đức giáo hoàng không thể ép được, thì ủy cho ngài đi công cán các nước Âu Châu tuyển người đảm đang công việc ấy. Ngài vâng lời sang Pháp, đi cổ động ở các thành to như Marseille, Lyon, Paris. Ngài được các giám mục, linh mục, quan chức và cả vua cùng hoàng hậu ở Paris nhiệt liệt cổ võ giùm. Lúc đó ở Paris có một hội nhiều linh mục đanh định tâm lập một công việc lớn lao. Ngài tìm đến hội, tỏ bày tình cảnh bên Đông Dương, ướm thử ý họ. Sau ít lâu bàn xét, các linh mục ấy bằng lòng sang giảng đạo bên Viễn Đông. Đó là hòn đá nền tảng của Hội giảng đạo ngoại quốc Paris. Lướt thắng hết những trắc trở sau cùng, hội này đã chính thức thành lập ở Paris vào năm 1663. Từ đó đến nay, Hội cử sang Viễn Đông rất nhiều vị thừa sai anh hùng can đảm không sợ chết, không sợ lưỡi gươm ngọn mác, đem chân lý đức tin Công giáo sang tuyên bố giảng truyền.

Phần cha De Rhodes được lệnh đi giảng đạo Ba Tư và sau sáu năm vất vả cái tuổi già, ngài đã thở hơi cuối cùng ở Ispahan ngày 16 Novembre 1660, hưởng thợ 69 năm hơn.
Thế là hai xứ Đàng Trong, Đàng Ngoài, xứ mà ngài quyến luyến, đã để lọt trái tim lại, không còn được thấy ngài trở lại nữa. Một nhà viết sử ngài làm chứng ngài đem hết sức linh hồn yêu mến người Việt Nam, bất luận kẻ chia tín ngưỡng với ngài, hay người không tin, cả đến kẻ cừu thù, ngài đều một lòng mến thương tận lực. Vì thế ngài được người quý mến lắm. Trong sách du ký kể khúc ly biệt, ngài chép: “Tôi không nói được lúc tôi phải từ biệt nước Nam, mà sắp trẩy đi, giáo hữu Annam khóc thương tôi thế nào. Có kẻ vật mình xuống đất như chết, có người não nùng kêu van than khóc, khiến lòng tôi đau xót tựa hồ vỡ ra. Thấy mối thịnh tình quyến luyến của họ, tôi không thể nói được lời gì sốt, chỉ giơ tay ra từ giã và đem mắt nhìn và khóc với họ”. Ngài đi không còn trở lại nữa. Nhưng đi mà lòng khoan khoái vì đã chín năm ròng rã – chín năm lặn lội ngược xuôi, đi đi về về - ròng rã chín năm trời đem hết tâm lực mưu ích cho người Việt Nam. Ta phải công minh mà nhận thế. Tôi không nói đến vấn đề tôn giáo nữa – tuy đấy chính là công nghiệp của ngài, vì ngài sang Annam là cốt đem ánh sáng văn minh Công giáo cho người Nam Việt. Ngài đã được quá lòng sở nguyện, đã rửa tội, giảng dạy hàng mấy vạn giáo hữu, đã cổ động cho Annam có giám mục, linh mục. Chính ngài đã đặt nền tảng cho có các cơ quan giáo sĩ bản quốc Việt Nam, mà ngày nay ta thấy thực hiện. Không nói đến vấn đề tôn giáo nữa, ta cũng công minh mà nhận cha De Rhodes là một bậc ân nhân của nòi giống Lạc Hồng. Cái công vĩ đại của ngài đối với con Rồng cháu Tiên, là ở chỗ đã đem học lực uyên thâm hợp với tài ngữ pháp mà cấu tạo nên bộ chữ Quốc ngữ của chúng ta bây giờ.

Tuy ngài không phải là người thứ nhất đã sáng tạo ra cách dùng 24 chữ Latinh mà viết tiếng Việt Nam, thay cho chữ Nôm Nho, vừa tỉ mỉ vừa khó học. Chính ngài đã tự thú: khi làm quyển tự điển Annam –Bồ Đào – Latinh, ngài đã lợi dụng hai tự vựng nhỏ, do mấy vị thừa sai đã viết ra trước mà vẫn bằng chữ viết thôi. Nhưng chính ngài đã sửa, chữa lại công sáng kiến của các vị thừa sai Bồ Đào, Ý và Tây Ban Nha trước ngài. Ngài đã thêm bớt và quy định thành nên bộ chữ hoàn toàn. Chính ngài là người thứ nhất đã in sách bằng chữ Quốc ngữ. Quyển Yếu lý đạo Công giáo (Catéchisme) bằng tiếng Latinh và Annam, ngài đã soạn ra và đứng trông coi nhà in Bộ Truyền Giáo Roma đúc chữ Quốc ngữ và in ra, năm 1651. Quyển Tự điển nói trên cũng do nhà in ấy xuất bản do quyền ngài kiểm soát.

Nhưng bộ chữ của ngài lập cũng chưa hoàn toàn hẳn. Về sau Đức cha Bá Đa Lộc (Mgr. d’Adran) đã sửa lại ít nhiều cho thành bộ chữ ta dùng ngày nay.

Quý hóa thay bộ chữ Quốc ngữ! Bộ chữ làm cho ta bớt biết bao nhiêu thời giờ mà nhồi óc bằng chữ Nôm Nho. Bộ chữ ngày nay trở nên cơ quan mãnh lực, truyền bá tư tưởng trong dân chúng. Bộ chữ làm cho chúng ta được có một nền văn chương quốc gia, không phải mượn của Tàu nữa. Bộ chữ đã một ngày một làm giảm bớt số người vô học trong nước, nhất là một mai nhờ chính sách học chính của quan Thống sứ thiết lập học đường trong khắp làng thôn quê, và nhờ vào công cố gắng của các hội tư, như hội Truyền bá chữ Quốc ngữ, hội Vinhsentê lập trường cho con kẻ khó. Cái bộ chữ đó tuy là sự nghiệp của nhiều vị thừa sai người Âu, nhưng cha De Rhodes chiếm một phần quan trọng nhất. Ngài đã làm hoàn thành và đem ra ứng dụng bộ chữ phôi thai từ trước, là nhờ cái thiên tài ngữ khoa của ngài.

Ngài thật là một tay lỗi lạc: biết trên 10 thứ tiếng, mà tiếng nào nói cũng được thông thạo. Nguyên tiếng Nam ta thì thổ âm Bắc cũng như thổ âm Nam không có gì là khó nhiệm đối với ngài. Ngài đã khởi công học tiếng Nam với một cậu bé không biết một tiếng Pháp nào, thế mà sáu tháng ngài đã giảng diễn được rồi. Nguyên ngài có đặc tài phân biệt, và dùng những dấu am hợp mà biên ký ra các giọng rất tương tự nhau và rất khó bắt trong tiếng ta. Nhờ cái tài đó ngài đã biên chép lên quyển Tự điển đầu tiên, mà ông Finot gọi là một cái kỳ công, làm nền tảng cho các nhà trước tác về sau. Cũng vì thế mà ngài gầy dựng nên cho chúng ta cái gia tài vĩ đại, độc nhất vô nhị là bộ chữ Quốc ngữ vậy.

Thưa các vị đồng bào quý yêu và khả kính, lúc này hơn lức nào sốt cả, ta cần phải hợp nhất với nhau, để đưa quốc dân ta ngày càng bước vào con đường văn minh tiến bộ. ta cần phải bỏ những mối nghi ngờ nó hay ly tán anh em một nhà. Chúng ta hết thảy, không phân giai cấp, không biệt tư tưởng, không phân biệt tín ngưỡng, chúng ta chỉ lấy tư cách là người Nam Việt với nhau, mà ghi công một vị - chẳng kỳ vị đó là một nhà chính trị, một nhà phú hương, hay một vị thừa sai – tuy là người ngoại quốc những đã đem tất cả nghị lực tài ba hy sinh cho nòi giống chúng ta. Ghi công một người đã đem đến cho chúng ta một cái cơ quan mở đàng cho bước văn minh chúng ta đang hưởng ngày nay và con cháu chúng ta sẽ còn hưởng mãi mãi ở dưới trời Nam này, tức là cha De Rhodes vậy.

 


[1] Mũi Hảo Vọng 

Tác giả bài viết: Trung hòa nhật báo, Số 2547, 7 Tháng Sáu 1941

Nguồn: https://gpquinhon.org/q/on-co-tri-tan/bai-dien-thuyet-cua-duc-cha-nguyen-ba-tong-29-5-1941-5268.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét