Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

VỀ NHẠC PHẨM "CHIỀU KONTUM" CỦA NHẠC SĨ Y VÂN



Không có văn bản thay thế tá»± Ä‘á»™ng nào.  Không có văn bản thay thế tá»± Ä‘á»™ng nào.

Qua thông tin trao đổi, chia sẻ trên mạng của các thầy cô, anh chị cựu học sinh trường Trung Học Hoàng Đạo trước 1975 (nay là THCS Lý Tự Trọng, Tp. Kon Tum), tôi được biết nhạc sĩ Y Vân - tác giả của tuyệt phẩm "Lòng Mẹ" đã có thời gian sinh sống với gia đình tại thị xã Kontum vào thập niên 1950, và ông đã sáng tác một bài hát về Kontum mang tựa đề : CHIỀU KONTUM. Nhưng suốt hơn 60 năm qua từ đó đến nay (2018), hơn cả quãng đời tại thế "60 năm cuộc đời" của người nhạc sĩ tài danh này (Y Vân qua đời năm 1992 tại Sài gòn lúc 60 tuổi), ca khúc này dường như "mất tích" và hình như cũng chưa có ca sĩ nào trình diễn hay thu âm để giới thiệu ra công chúng. 
Xuất phát từ lòng yêu mến ngưỡng mộ nhạc sĩ Y Vân và âm nhạc của ông, nhất là có liên quan đến Kon Tum quê tôi, sau một thời gian "hóng"...mà vẫn thấy im lặng...Không thể trì hoãn được nữa, chúng tôi mạo muội hát giai điệu này lên, cho dù biết trước sẽ rất khiếm khuyết và trong điều kiện quá thô sơ, nhưng trong tình trạng bị thôi thúc, dồn nén...Rất mong gia đình nhạc sĩ Y Vân và  tất cả quí vị thông cảm lượng thứ !
Về phần chúng tôi khi hát giai điệu "Chiều Kontum", trong lòng cảm thấy rất xúc động! Tình yêu người nhạc sĩ dành cho Kon Tum quá lớn lao, giai điệu mượt mà, mang khát vọng mãnh liệt về một quê hương Kon Tum vui vầy, hạnh phúc. Những phần phụ họa thật đặc sắc mang âm hưởng cồng chiêng Tây Nguyên vang vọng xa...vang vọng xa...Nhất là cảm nhận và tình cảm tuyệt vời tác giả dành cho con người Kon Tum Kinh-Thượng : "đẹp từ người đến trong tâm hồn" !
Mong ước và đón chờ ca khúc này được hòa âm phối khí và trình bày bởi những ca sĩ chuyên nghiệp với đầy đủ phần bè và phụ họa.
Xin chân thành cám ơn nhạc sĩ-nhạc công Lê Hoàng Việt (Café Truy Viễn, đường Ngô Quyền, Tp. Kontum). Nhờ tài năng và lòng quảng đại của anh mà chúng tôi có dịp tập hát bài này của cố nhạc sĩ Y Vân.
Xin cám ơn quí thầy cô và anh chị cựu học sinh Hoàng Đạo vẫn luôn giữ ấm mãi ngọn lửa văn hóa, tôn sư trọng đạo mà truyền lại cho các thế hệ đàn em.


Minh Sơn 19/12/2018
CHIỀU KONTUM
NHẠC VÀ LỜI : NHẠC SĨ Y VÂN 
           RUMBA ( chữ viết nghiêng là phụ họa)

Những chiều nghiêng bóng trên non ngàn .
Thoáng chân mây đi vào bóng đêm ( A ! KonTum là đây !)
Kìa dòng sông DakBla trong xanh  ( A ! KonTum là đây !)
Uốn mình như ngón tay thon mềm  ( A ! KonTum là đây !)

Những làng quê biết bao êm đềm ( ù  ..u ..ú ..)
Thác Ya Ly oai hùng thét vang (ù ..u ..ú..)
Nhà sàn vương khói lam trong sương ( ù ..u..ú ..)
Núi rừng ơi biết bao nhiêu tình  ( A ! KonTum là đây !)
A ! KonTum là đây - A KonTum Ngày nay

Một đời hạnh phúc vầy vui .
Đây cao nguyên miền Trung .
Đây non cao rừng xanh .
Đẹp từ người đến tâm hồn .

Biết là bao nhớ thương cho vừa  ( A ! KonTum là đây !)
Thác Ya Ly hay giòng DakBla  ( A ! KonTum là đây !)
Chiều vàng tô bức tranh nên thơ  ( A ! KonTum là đây !)
Nhớ người trên lối xưa đi về  ( A ! KonTum là đây !)
 ( A ! KonTum là đây ! A ! KonTum ! A ! KonTum ! A ! KonTum !)  

Kết quả hình ảnh cho Tiểu sử nhạc sĩ Y Vân
Ns. Y Vân (1933-1992)

____________________________________

Chúng tôi xin phép đăng lại nơi đây bài viết của thầy Cao Hoang (nickname fb), trường TH Hoàng Đạo trước 1975, để mọi người hiểu rõ hơn.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người
Ảnh: fb Cao Hoang

Các bạn Hoàng Đạo quý mến , một hôm Hồ Thân ( cùng lớp với tôi và thầy Quáng ,thầy Thục) nhờ tôi tìm một bài hát về Kontum mà anh đã nghe , nay biệt tích . Tôi không những biết ca khúc rất hay này mà còn biết nhạc sĩ Y Vân có khá nhiều liên hệ với KT và cả trường Hoàng Đạo nữa .
Nhạc sĩ Y Vân tên là Trần Tấn Hậu dòng dõi quan tổng đốc Trần Tán Bình , thân phụ là Trần tán Nhiệt . Chữ tán có nghĩa là tan { vân tán , mây tan } một nghia khác là tản ( rời rạc , tản mạn ) một chữ nữa là tán thành , cổ xuý , giúp đỡ . Các sĩ quan cố vấn Mỹ giúp quân đội VNCH thời trước có thể gọi là Tham Tán Quân Vụ !!! Đến đời cụ Nhiệt vẫn đặt tên con trai với chữ lót là tán . Nhưng nhạc sĩ Y Vân thì tên là Tấn Hậu . Chữ Tấn này nghe rất tấn bộ , và chữ Y nghe cũng vững vàng !
Hàng ngày thấy cụ Nhiệt lom khom đạp xe lên Tòa Hành Chánh tỉnh Kontum làm việc , vài kẻ độc mồm nói " Hổ phụ sinh khuyển tử " . Nhưng phải xét lại cho công bằng : Quan tổng đốc mà sinh ra ông con làm thư ký thì quan cũng có chỗ đáng trách ; nhưng ông lục sự này lại sinh ra được Rồng con . Chỉ sáu mưoi năn cuộc đời nhạc sĩ Y Vân đã tạo một sự nghiệp âm nhạc vĩ đại và hàng đầu trong nền Âm Nhạc của miền Nam Tự Do .Tôi không biết dùng chữ nào để diễn tả sự đa dạng và phong phú của âm nhạc miền Nam ; chỉ biết rằng 60 năm âm nhạc của Y Vân đã dư sức đánh bại 60 năm âm nhạc XHCN .
Năm học đệ ngũ trung học KT ,( sau đổi tên là HĐ ). tôi ở trên đường Phan Đình Phùng , đương này đụng Trần Hưng Đạo (Lê Thánh Tôn cũ). Trần Tán Xuất ( em trai Y Vân ) ở đường này , nên đi học thường gặp nhau . Có hôm Xuất bảo : anh tao hỏi tên dòng sông với cái thác nước ở đây viết như thế nào? Ở KT mà không biết viết hai tên này! Diêu đức Kính gọi nó là thằng rau muống nói bá láp cũng hơi đúng .Nhưng Trần tán Xuất vui vẻ , lúc nào cũng cười đùa ca hát chứ không tới nỗi bá láp lắm đâu . . Tôi lấy giấy viết ba chữ KONTUM , DARKBLA và YALI để nó gửi cho anh nó , theo lối viết mà tôi đã thấy trên các bảng đường ; không hiểu làm sao khi thành bài hát thì trật hết .
Trong bài viết vê Y Vân của tác giả Nguyễn Thụy Kha có vài điểm sai mà tôi và các bạn của năm thứ nhất Hoàng Đạo đều biết : Y Vân không mồ côi cha sớm , năm chúng tôi học đệ ngũ , cụ Nhiệt qua đời chúng tôi đều đến thăm hỏi , chia buồn và tiễn đưa . Năm đó chúng tôi ở tuổi 15 , Y Vân vào khoảng 30 . Riêng ca khúc nổi tiếng Lòng Mẹ xuất hiện tại miền Nam sau hiêp định Geneve 1954 , Xuất cũng như anh Y Vũ đều bảo rằng : di cư vào Nam ở xóm nghèo Bàn Cờ , ban ngày không tranh nước nổi với những cô gái to khoẻ dữ dằn , nửa đêm bà mẹ mới mang đồ ra " phông tên " giặt . Một tối trúng giới nghiêm cảnh sát hốt bà gia về bót . Hôm sau anh Hậu đi lãnh , khóc quá trời . Rồi Lòng Mẹ ra đời . Có lần chúng tôi nghe một Chủng Sinh đàn Hạ Uy Cầm bài LM , anh đàn rất điêu luyện tưởng như chưa ai đàn hay đến thế . Chúng tôi đùa rằng : anh là người tu hành không được nhớ mẹ mà đàn hay dữ vậy ! Anh cười hiền hoà bảo : có gì chơi nấy mà .Thế mà chúng tôi lại lăn ra cười anh . 
Các bạn Hoàng Đạo ơi , nhân tìm được bàn nhạc Chiều Kontum mà gửi bạn đôi dòng tâm sự về một quê hương cát trắng xinh đẹp tuyệt vời , một vùng đất yêu thương chồng chất với hận thù , một ngôi trường với bao tình thâm nay chỉ còn trong tâm tưởng .Mong có ngày gặp bạn .

( Trích từ facebook Cao Hoang) :

Trường TH Hoàng Đạo trước 1975 - THCS Lý Tự Trọng ngày nay

*Mời xem thêm : Tiểu sử nhạc sĩ Y Vân

Kontumquehuongtoi 19/12/2018 

1 nhận xét:

  1. Tuyệt vời quá ! Mong rằng bài này sẽ được phổ biến rộng rãi !

    Trả lờiXóa