(Trích Bulletin M.-E. P, 05/04/1941, tr. 422-423)
“Ý định của Thiên Chúa không sao hiểu được.
Chúng ta biết Ngài điều hành mọi sự với sự khôn ngoan, lòng nhân từ và
tất cả đều để vinh danh Ngài: vậy thì, xin vâng! Và chào đón mọi thử thách
Ngài gửi đến…Nếu không vì điều đó thì làm sao chúng ta có thể chấp nhận
nổi mẫu tin sáng ngày 22/3 ?
Cha Tin, con của một trong những người trước kia giúp việc cho Đức Cha Jannin, một trong những linh mục Việt Nam trẻ nhất của chúng ta, vừa
được thuyên chuyển từ nhiệm sở Dak Kang đến nhiệm sở Hamong. Thiên Chúa nhân lành
chỉ cho Cha Tin vừa đúng thời gian để ổn định chỗ ở mới; 8 ngày sau,
Ngài đột ngột gọi cha Tin về với Ngài. Trong ngày 21/3, cha làm việc trong
vườn và đi vài nơi quanh làng; không có gì bất thường. Khoảng 19 giờ, cha về
lại nhà, ăn cơm tối, ăn chuối và mít. Ngay lập tức sau đó cha bị đau bụng, tiêu
chảy và lên cơn sốt. Cha có uống vài thứ thuốc nhưng không đỡ, cha hiểu tình
trạng mình nghiêm trọng và tử thần đang lãng vãng chung quanh. Cha lập tức gửi
thư cho bạn đồng nghiệp gần nhất là cha Thiệt ở Kontrang Mơnei, nhưng khoảng
cách vẫn xa và cha Thiệt đến nơi lúc 2g30 sáng là lúc cha Tin vừa thở hơi cuối
cùng…
Đức Cha Jannin trong thời gian làm Giám mục của ngài đã
truyền chức cho 2 linh mục Việt Nam. Một đã qua đời trước ngài 3 năm [*] và Cha Tin
thì qua đời sau ngài 8 tháng. Như thế là hàng ngũ của chúng ta
bị giảm bớt thêm nữa. Rõ ràng là sự quan phòng của Chúa đã mời gọi những người
còn ở lại phải làm việc nhiệt thành hơn.
Mong rằng các thánh xứ Bahnar (les saints du pays Bahnar), là các
vị thừa sai và các tín hữu đã được về hưởng vinh quang mà vẫn không quên
những khó khăn của sứ vụ nơi mảnh đất Thượng này, hỗ trợ và không bỏ rơi
chúng ta.”
(Bulletin M.-E. P, 05/04/1941, tr. 422-423)
Lê Thành Thu, CVK68 chuyển ngữ
(Bulletin M.-E. P, 05/04/1941, tr. 422-423)
Lê Thành Thu, CVK68 chuyển ngữ
_______________
-[*] : Cha Tađêô Trần Đình Gương, quê quán Phú Yên, nhập Kontum 1922; Linh mục: 24/06/1935; Qua đời: 28/07/1937 tại Phương Quý, Kontum.
Đức Cha Martial Jannin (Phước) qua đời ngày 16/07/1940 tại trường Kuênot, Kontum.
****************************************************
Sau đây xin tìm hiểu
Đôi nét tiểu sử Lm. Martial Lê Thành Tin (1909-1941)
Cha Martial Lê Thành Tin sinh năm
1909 tại Họ đạo Gò Mít, nay là giáo xứ Tân Hương, thành phố Kontum, trong một
gia đình cha mẹ là những tín hữu đạo đức, nhiệt thành làm việc tông đồ. Gia
đình ngài có tất cả 10 anh chị em, ngài là anh cả. Cha của ngài – cụ Philípphê
Lê Bảo quê quán Đồng Hâu, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, lên Kontum khi mới
14,15 tuổi trong đoàn người lánh nạn vào thời Đạo bị cấm cách dưới miền xuôi,
theo con đường Thầy Sáu Do khai mở. Chú Philípphê Bảo theo giúp việc các Cha
Kontum từ nhỏ. Đến tuổi lập gia đình, chàng thanh niên hiền lành, đạo hạnh này
đã cưới cô gái nết na thùy mị Anna Nguyễn Thị Quế, con gái út của cụ Trùm Tài
(Phaolô Nguyễn Tài), là ông Trùm họ Gò Mít, cũng là Chánh tổng tổng Tân Hương
thời đó. Hai người chịu thương chịu khó, khai khẩn lập điền, tạo dựng nhà cửa.
Đứa con đầu lòng ra đời được đặt tên là Lê Thành Tin (vì vậy Ông Bà thân sinh
được gọi là ông bà Câu Tin), đã được linh mục Martial Jannin (Phước) rửa tội và
đỡ đầu. Ông bà liền hiến dâng cho Chúa để trở thành linh mục.
Chính Cha Jannin (Phước) đã chọn
người con đỡ đầu của mình, cho nhập vào số các học sinh ưu tú của Trường Cuénot
do ngài thành lập và làm giám đốc. Nhận thấy cậu Martial Tin tính tình hiền
lành và sáng trí, Cha giám đốc đã chọn gởi xuống Qui Nhơn, từ đó các chủng sinh
lên đường nhập học Chủng viện Pinăng (Mã Lai) [trong khóa năm đó còn có thầy
Huỳnh Hữu Mừng (ông Xã Vui sinh năm 1910, thân sinh của Cha G.B Huỳnh Hữu
Khoái), thầy Groi (Bahnar).v.v]. Năm 1936, thầy
Tin lãnh nhận chức cắt tóc [1], và ngày 13/09/1937 lãnh các chức nhỏ tại Nhà
nguyện Chủng viện Pinăng, do Đức Cha Devals, giám mục Malacca [2]. Chúa nhật ngày 12/09/1937, thầy lãnh chức Phụ phó tế (thầy năm) và ngày 05/12/1937 lãnh chức Phó tế (thầy
sáu), cũng do Đức Cha Devals, tại Chủng viện Pinăng [3]. Trở về Kontum (Việt Nam), thầy Martial Tin lãnh nhận tác vụ linh mục do Đức Cha Martial Jannin (Phước), tại nhà thờ Chính tòa Kontum vào ngày 15/01/1938 [4].
Đức Cha Jannin Phước, giám
mục giáo phận Kontum chỉ định Cha Lê Thành Tin đến phục vụ tại Địa sở Kon Hơring, phụ tá Cha
Stutzmann (Báu), trông coi 17 họ đạo trong thung
lũng lớn gần sông Psi, nhánh sông chính của sông Pơkô, với 1968 tín hữu [5].
Năm 1940, Cha Tin đón nhận một tin buồn: Đức Cha Jannin Phước, người cha đỡ đầu
và cũng là vị linh hướng của mình đã qua đời vào ngày 16/07/1940 tại Trường
Chân phước Cuénot, do bị sốt thương hàn.
Thời đó, Cha Tin
thường di chuyển bằng ngựa, xuyên qua các làng Sêđăng để rao giảng và cử hành
thánh lễ, ban phép bí tích…, ít khi để ý đến sức khoẻ hay vấn đề về ăn
uống cho bản thân, lại nhiều lúc phải lội suối, dầm mưa…Đầu năm 1941, từ nhiệm sở Dak Kang, cha được thuyên chuyến đến nhiệm sở Hamòng (đều thuộc địa sở Kon H'ring). Đến nơi sở mới vừa được 8 ngày, ngài mắc căn bệnh thổ tả, một chứng bệnh nguy hiểm ngày xưa đã giết chết biết bao vị thừa sai! Căn
bệnh này làm bệnh nhân mất nhiều nước, và mau kiệt sức, trở tay không kịp. Đêm 21 rạng sáng ngày 22/03/1941, vào lúc 2g30 cha đã qua đời tại Hàmong. Xác cha được chuyển về Kontum và các Cha đã cử hành thánh lễ an táng. Sau đó ngài
được chôn cất tại Mả Thánh (Nghĩa địa các Cha) gần nhà thờ Tân Hương.
Đầu tháng 11/1984,
cùng với các Cha qua đời chôn tại đó, ngài đã được cải táng (lần 1) đến tại
Nghĩa trang mới dành cho các Linh mục, Tu sĩ Giáo phận Kontum, gần vị trí nhà
thờ Trung đoàn 41 cũ (đường Trần Văn Hai, P. Trường Chinh, Tp Kontum). Hiện
nay, ngài cùng các Cha và tu sĩ được cải táng (lần 2) đưa về Chủng viện Thừa
sai Kontum (16/12/2004).
Tuy tuổi đời và tuổi
linh mục ngắn ngủi: 32 tuổi đời (1909-1941), 3 năm linh mục (1938-1941), nhưng
Cha Martial Lê Thành Tin được kể là một trong 7 linh mục địa phương Kontum đầu
tiên, từ ngày Tin Mừng loan báo trên miền Tây Nguyên (1848), đó là các Cha Philípphê
Đề (Tân Hương, lm 1925); Cha Phêrô Trần Ngọc Thích (Phương Nghĩa, lm 1927); ba
Cha Bahnar: Giuse Châu, Micae Hiâu (Hóa), Cha Antôn Den (Học) [Đs Kontum, lm
1932]; Cha Antôn Ngô Đình Thận (Tân Hương, lm 1933). Các ngài là lớp linh mục
đi trước, đã để lại nhiều tấm gương về đạo đức và nhiệt thành phục vụ cho lớp
linh mục nối tiếp các ngài trên cánh đồng truyền giáo Kontum.
Cố linh mục Tôma Lê
Thành Ánh, em ruột của ngài, khi còn sống đã kể cho con cháu rằng, chính người
anh linh mục đã tác động mạnh mẽ đến chọn lựa ơn gọi tận hiến của mình : “Khi còn nhỏ, mỗi lần nhìn Cha Martial Tin
dâng Mình Thánh Chúa cách sốt sắng trong thánh lễ Misa, tự nhiên một thôi thúc
mãnh liệt dội lên trong tâm hồn. Sao lại tuyệt diệu như thế? Bánh rượu đã trở nên
Mình Máu Chúa Giêsu qua bàn tay linh mục!”. Và người em (cha Tôma Lê Thành Ánh) đã nối
gót anh mình trở thành linh mục của giáo phận Kontum.
Cha Martial Lê Thành Tin còn có 2 người em là tu sĩ: Nữ tu Gabriel Lê Thị Phi Hường (+), dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn; và nữ tu Rosalie Lê Thị Tấn (+), Nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn.
__________________________
Tham khảo :
-[1] : x. Collège Général de Penang – Echos 1936, p.38-45.
-[2] : x. Collège Général de Penang – Echos 1937, p.38-45.
-[3] và [4]: x. Collège Général de Penang – Echos 1938.
-[5] : Theo Les Missions Catholiques en
Indochine 1939, tr.218, Địa sở Kon Hơring: 17 cộng đoàn, 1968 tín hữu; Cha sở :
Charles Stutmann (lm 1930), Cha Martial Tin (lm 1938) phó (vicaire).
Bút tích của Cha Martial Lê Thành Tin tại Sổ Rửa Tội
giáo xứ Tân Hương năm 1938.
Lê Minh Sơn sưu tầm, soạn thảo
24/09/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét