Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

CUỘC RA ĐI CỦA JACQUES DOURNES VỊ CA CÔNG CỦA VĂN CHƯƠNG TRUYỀN KHẨU



Là một thành viên của Hội Thừa Sai Paris (MEP), một nhà nhân chủng học, một vị ca công của văn chương truyền khẩu, một thần học gia và đồng thời một cựu chuyên gia nguyên cứu của trung tâm CNRS (Centre National de Recherche Scientifique…..), Jacques Dournes đã vĩnh viễn ra đi, ngày 03 tháng 04 năm 1993 hưởng thọ 71 tuổi.
Jacques Dournes đã ra đi, rón rén trên đầu ngón chân, trong âm thầm lặng lẽ, tựa như những bước dời chuyển của các người đồng bào thượng Jơrai và Srê trên vùng cao nguyên Đông Dương mà ngài đã từng nhất mực thương mến. Cũng kín đáo và lặng lẽ hệt như hồi còn là một thừa sai trẻ tuổi, khi ngài âm thầm dấn thân vào ngành nhân chủng học để rồi về sau trở thành một trong những bậc thầy trong lĩnh vực văn chương bình dân, nghĩa là văn chương từ miệng này truyền sang tai kia, với việc thành lập Trung Tâm Khảo cứu văn chương truyền khẩu và điều hành tuyển tập Những Quyển Vở ghi chép văn chương truyền khẩu (CLO, Cahiers de littérature orale). Sự âm thầm lặng lẽ đã không đủ sức ngăn cản một tính khí thất thường ví tựa những cơn giông mùa gió chướng, một sức sống tuôn trào, khả dĩ sánh với vẻ rạng rỡ của thảo mộc miền nhiệt đới.
Jacques Dournes đã đặt chân đến Đông Dương năm 1941 và đã ở lại nơi ấy trong vòng một phần tư thế kỷ, trước hết để rao giảng Tin Mừng và tiếp đến để làm chứng, với tấm lòng say mê trước cuộc sống của những sắc dân thiểu số đã từ lâu bị khinh miệt mà ngài nhất định tìm hết mọi cách để bảo vệ và binh vực. Jacques Dournes đắm chìm trong công việc khảo cứu và theo lời mô tả của Georges Condominas, bạn ngài, tác giả của quyển Họ đã ăn rừng cây (Ils ont mangé la forêt) và sáng lập viên  của trung tâm CEDRASEMI (Centre de documentation et de recherche sur l’Asie du Sud-Est et le monde insulidien), Jacques Dournes phải được kể là “một người chuyên chăm làm việc đến mức thần kỳ, bướng bỉnh và bất chấp gian khổ”.
Nhãn quan khoa học của Jacques Dournes khác hẳn với nhãn quan của mọi người. Trong phần trình  bày luận án mang tựa đề Pơtao, các chủ tể trị vì các Quốc Gia (Pơtao, les maitres des États), ngài viết “tôi không thúc ép thời giờ bởi vì tôi cần để cho mình được dần dà thấm nhuần, tôi tiến hành một cuộc tra vấn tản mạn và rời rạc thay vì bằng lòng với những cuộc tra vấn có hệ thống hẳn hoi. Tôi dấn mình vào một công trình tra vấn từ bên trong, tôi chép lại những điều cần phải ghi nhận bằng tiếng Jơrai, tôi tránh không giải thích và diễn nghĩa quá sớm (…). Bởi vì làm việc đơn phương và không có thông dịch viên, tôi lao mình vào một bộ môn nhân chủng học mang chiều kích thông phần và tham dự (….)”.
Trong tác phẩm Tuyển tập thơ Jơrai (Florilège Jơrai.), ngài viết: “phần đông các nhà nhân chủng học (...) đều sẵn sàng để xem xét con người dưới gốc độ của chim chóc hoặc muông thú (…) tách biệt với cõi tưởng tượng cao xa”, “họ tự thiết kế cho mình một đối tượng để dễ bề khống chế, nắm bắt và đưa vào những cơ cấu tùy theo những phạm trù (không) thích đáng của họ”, “Để ra khỏi khuynh hướng quy nhân chủng ấy, thiết tưởng cần phải xoay ngược ‘tính đối thể’ hoặc ‘tính khách quan’ bằng cách đặt tính đối thể và tính khách quan ấy vào nơi con người mà từ trước đến nay nhà nghiên cứu đã quan sát một cách thiếu thận trọng: phải tìm hiểu xem con người ấy nhìn thấy mình như thế nào và suy nghĩ về mình như thế nào (…). Các yếu tố và điều kiện cần thiết cho công việc xoay chuyển này đã phần nào được thể hiện trong những phát biểu bộc phát và hồn nhiên của văn chương truyền khấu”. Qua những lời biện minh vừa rồi, chúng ta không còn ngạc nhiên và nỗi đam mê mà Jacques Dournes dành cho thể loại văn chương truyền khẩu đã từ lâu bị quên lãng. Giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, chắc hẳn không phải là giai doạn kém phong phú, ngài đã dành trọn cho thể loại văn chương này. Ngọn đuốt ngài thắp sáng đã được Nicole Revel tiếp tục khai thác. Quả thật, nguồn di sản của nhân loại sẽ hụt hẫng và què quặt nếu như người ta chỉ biết tìm kiếm ở nơi những gì đã được ghi thành chữ viết.
 
Patrice de Beer
(Phaolô Đậu Văn Hồng chuyển ngữ)
  (Trích Tập san TƯỞNG NIỆM, MÉMORIAL 1993 của Hội Thừa Sai Paris)

QUA TAI ĐẾN MIỆNG

Âm thanh thầm lắng khiêm nhu trung tín
nhè nhẹ rót vào bên tai
âm thanh huyền bí âm thanh nhiệm mầu
âm thanh đón nhận từ nơi tổ tiên và truyền đạt lại
luồng sóng âm thanh ôi thăm thẳm
lan tới rồi lại lan tới xuyên qua và đâm thấu
âm thanh hơi thở của thần trí

Âm thanh cất giọng trầm sâu âm thanh dè dặt
trong kí ức thầm kín
âm thanh ngỏ lời với tôi với tư cách một con người
âm thanh gọi tôi bằng tiếng anh tiếng chị
còn tôi thì thêm vào và điều chỉnh cho thích hợp tiếng
xưng hô chính bản thân tôi
để rồi tôi lại truyền lại và tái tạo tiếng anh tiếng chị
với cùng một hơi thở vốn dĩ khơi thúc vận hành
của thao tác ngôn ngữ
bởi lẽ âm thanh và hơi thở của thần trí

Âm thanh khiêm nhu ngột ngạt của những người không tiếng nói
quyền phát biểu đã không được chuyển nhượng cho họ
âm thanh của đám dân khốn khổ
của người thuật truyện, của đan sĩ, của thi nhân trữ tình
là ca khúc vượt trên mọi ca khúc
vừa huyền bí, phù du nhưng cũng vừa trường cửu
bởi lẽ âm thanh thần trí không ngừng vọng vang nơi đó

Âm thanh dành cho những người khác vốn chăm chú và trung thành
xuyên qua thân thể được đón nghe và ghi nhớ
thân thể miệt mài vào việc và thần trí không ngừng tỉnh thức
âm thanh cất tiếng hát âm thanh nhập cuộc nhảy múa
vượt trên mọi đơn vị đo lường
bởi lẽ thần trí muốn thổi đâu thì thổi
và âm thành là thần trí

Âm thanh khoa trương âm thanh ta thán
cất lên từ giữa chốn nghĩa trang hiu quạnh
hay từ đỉnh cao tháp chuông đan viện
lời nguyện cầu không biên giới
không có Chúa lắng nghe
kẻ quyền thế vận dụng văn tự chỉ có người bé nhỏ mới kêu lên
thành tiếng
động lực khơi thúc bên trong làm sao có thể đọc được
chỉ bằng cảm nghiệm mới nhận ra hơi thở của thần trí

Âm thanh vô giá âm thanh đã được đan kết hẳn hoi
trong ký ức của những người sẽ nói lại cho hậu thế
hãy thinh lặng và hãy ghi nhớ rằng
thần trí là tình yêu và âm thanh là thần trí
âm thanh từ tốn đọng lại bên tai
âm thanh đòi phải truyền đạt lại
từ thế hệ này sang thế hệ kia
sao cho trung thực và đầy sức sáng tạo

Jacques Dournes
(Phaolô Đậu văn Hồng chuyển ý)

Nguồn: http://kontum.titocovn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét