Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

NHẬN ĐỊNH VÀ GÓP Ý DỰ THẢO 4 LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO



Xin trân trọng giới thiệu Nhận Định Và Góp Ý Dự Thảo 4 Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo của : 1. Gp Kontum, 2. Gp Bắc Ninh và 3. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.



(Nguồn: giaophankontum.com)
____________________________________________________________________

GIÁO PHẬN BẮC NINH
Số: 11/2015/CV-TGM
V/v Góp ý Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Bắc ninh, ngày 30 tháng 04 năm 2015
NHẬN ĐỊNH VÀ GÓP Ý VỀ DỰ THẢO LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

Kính gửi Bộ Nội Vụ – Ban Tôn Giáo Chính Phủ,
Nhận được công văn số: 40 /TGCP – PCTT ngày 10 tháng 4 năm 2015 về việc góp ý dự thảo 4 Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo (sau đây gọi tắt là Dự thảo 4) của Bộ Nội Vụ – Ban Tôn Giáo Chính Phủ, chúng tôi, bao gồm giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân giáo Bắc Ninh có một số nhận định và góp ý như sau:
Bản góp ý dự thảo luật bằng file pdf (1)
Bản góp ý dự thảo luật bằng file pdf (2)
I. Nhận Định
Theo Tuyên ngôn về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (10.12.1948) mà chính phủ Việt Nam đã ký: Mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ, ý thức và tôn giáo, kể cả tự do thay đổii tôn giáo hay tín ngưỡng, và tự do thể hiện tôn giáo hoặc tín ngưỡng dưới hình thức truyền bá, thực hành, thờ phượng hoặc tiết, với tư cách cá nhân hay tập thể, công khai hay riêng tư (điều 18).
Theo Hiến Pháp Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Ngĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013): Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật (điều 14). Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. (điều 24).
Theo quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền này bao hàm việc tự do theo hay không theo một tôn giáo nào, tự do thực hành các nghi lễ tôn giáo, cá nhân hoặc tập thể. Không tôn giáo nào hoặc chủ thuyết nào được coi là bó buộc đối với người dân Việt Nam. Nhà nước không tuyên truyền tiêu cực về tôn giáo, không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo như: đào tạo, truyền chức, thuyên chuyển, chia tách sát nhập… Các tổ chức tôn giáo có quyền tự do hoạt động xã hội cộng đồng như giáo dục, y tế… (Nhận Ðịnh Và Góp Ý Dự Thảo Sửa Ðổi Hiến Pháp Năm 1992).
Sau khi đối chiếu với Tuyên Ngôn Nhân Quyền Của Liên Hiệp Quốc, Hiến Pháp Nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi năm 2013) và quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Chúng tôi có một số nhận định sau:
Quyền bính chính trị được nhân dân trao cho nhà cầm quyền là để tạo điều kiện pháp lý và môi trường thuận lợi cho việc thực thi quyền con người, chứ không phải để ban phát cách tùy tiện. Do đó, quyền con người phải được nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo hiến pháp và pháp luật.
Bản dự thảo 4 đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo, không bắt kịp đà tiến của xã hội. Xã hội loài người nói chung và Việt Nam nói riêng vận hành và phát triển theo hướng dân chủ tự do. Tuy nhiên, nhìn chung Dự thảo 4 đi ngược lại với Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và Hiến Pháp Nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi năm 2013. Chúng tôi nhận thấy Dự thảo 4 này là một bước thụt lùi so với pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004.
Theo nhiều nước tiên tiến trên thế giới, những văn bản quy phạm pháp luật sinh ra nhằm ngăn chặn những người thực thi pháp luật lạm dụng quyền đối với người dân. Nhưng nhìn nhận cách khách quan, những điều nêu trong Dự thảo 4 muốn tái lập cơ chế Xin – Cho trong các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Cơ chế Xin-Cho biến quyền tự do của con người thành những thứ quyền Nhà Nước nắm trong tay và ban lại cho người dân qua những thủ tục cấp phép.
II. Một số đề nghị:
1.Dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo không thấy có điều nào nói đến tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các tổ chức tôn giáo được hưởng và quy định rõ ràng tư cách pháp nhân như các tổ chức xã hội khác.
2.Pháp luật quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Hiện nay các tổ chức xã hội, cá nhân hay tổ chức nước ngoài cũng được mở bệnh viện, trường học. Do đó, chúng tôi đề nghị các tôn giáo và chức sắc được hưởng quyền bình đẳng đó.
3.Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là ân huệ. Nhưng Dự thảo 4 cho thấy có nhiều bất cập và hạn chế về quyền này. Các tổ chức và chức sắc tôn giáo thay vì được hưởng những quyền lợi chính đáng thì phải đi xin những quyền đó như: tổ chức lễ nghi tôn giáo, đào tạo, phong chức phong phẩm….
4.Điều 56 của Dự thảo 4 quy định quá tỉ mỉ và khắt khe về việc xây dựng các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo. Điều này đi ngược với chủ trương của chính phủ về cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
5.Dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo cần công nhận quyền sở hữu, bảo vệ đất đai và các tài sản của mọi người, trong đó có tín ngưỡng và các tổ chức tôn giáo như đã khẳng định trong Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (điều 17) mà tuyệt đại đa số các quốc gia tiến bộ trên thế giới đang thực hiện.
6.Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải được pháp luật bảo vệ chứ không phải là bảo hộ.
7.Chương X và chương XI của Dự thảo 4 không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự nó mâu thuẫn với điều 2 trong Dự thảo 4 cũng như với Hiến Pháp năm 1992 và sửa đổi năm 2013.
Trên đây là một số những nhận định và góp ý chân thành, chúng tôi hết sức mong muốn Luật tín ngưỡng, tôn giáo thực sự là một văn bản luật tiến bộ, vì hạnh phúc của người dân, trong đó có niềm hạnh phúc lớn nhất là được tự do thực hành niềm tin tôn giáo và đời sống tâm linh của mình. Có như thế xã hội mới ngày càng phát triển bền vững và tốt đẹp, tất cả nhằm mục đích phục vụ con người hợp với sự phát triển chung của nhân loại trong đó có dân tộc Việt Nam.

Nơi nhận:
– Như trên
– Lưu văn phòng
T/M. GIÁO PHẬN BẮC NINH
LINH MỤC TỔNG ĐẠI DIỆN
(ấn ký)
GIUSE NGUYỄN ĐỨC HIỂU

____________________________________________________________

Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
72/12 Trần Quốc Toản, P.8. Q.3. Tp. Hồ Chí Minh

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
 NHẬN ĐỊNH VÀ GÓP Ý
DỰ THẢO 4 LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

Kính gửi:     – Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam,
                  – Ông Phạm Dũng, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ,

Đáp lại yêu cầu xin góp ý cho bản Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo (sau đây gọi tắt là Dự thảo 4), chúng tôi, Ban Thường vụ, nhân danh Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, xin có một số nhận định và đề nghị sau:
I. NHẬN ĐỊNH CHUNG
Bản Dự thảo 4 chưa làm rõ mục đích của luật, vì luật được tạo ra nhằm đảm bảo quyền con người, tạo sự bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân có cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, đem lại bình an cho xã hội cùng cộng đồng dân tộc.
Điều kiện tiên quyết đem lại bình an cho cộng đồng dân tộc là việc người dân chu toàn bổn phận làm người, – tu thân, tề gia, trị quốc, – phải mang tính thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Thiên thời là thuận ý trời. Địa lợi là lợi cho truyền thống văn hoá đạo đức dân tộc. Nhân hòa là hoà với lòng nhân, lòng đạo của người dân.
Trong bản Dự thảo 4 có những điều luật chỉ nhằm mang lại quyền lợi cho nhà cầm quyền (như Điều 9, cùng những Điều nói về việc đăng ký…), mà quên đi quyền lợi của người dân, chưa làm rõ tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo.
Điều thiếu sót quan trọng nhất của Dự thảo 4 là không công nhận sự “tồn tại” hợp pháp của một tổ chức tôn giáo trước pháp luật Việt Nam, qua việc không công nhận tổ chức tôn giáo là một “pháp nhân” chiếu theo Điều 84-85 của Bộ Luật Dân sự 2005.
Nhìn chung, bản Dự thảo 4 đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo, gây lo ngại nhiều hơn là đem lại sự bình an cho mọi người.
II. MỘT SỐ CHI TIẾT
Dự thảo 4 có rất nhiều Điều, khoản và những chi tiết bất cập, không nói lên được thiện chí của Nhà nước trong việc tôn trọng sự tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Ở đây chúng tôi chỉ nêu ra một số Điều, khoản và chi tiết đáng quan tâm nhất:
1. Điều 2 khoản 4 chưa giải thích rõ cụm từ “quy định của pháp luật” là như thế nào.
2. Điều 6 khoản 5b quy định quá chung chung và mơ hồ, vì có thể có những mâu thuẫn về đạo đức, luân lý giữa quan điểm của tôn giáo và chính sách của Nhà nước, như vấn đề phá thai, ly dị, hôn nhân đồng tính… Vì thế, không thể chấp nhận một sự cấm đoán ở điểm này.
3. Điều 15 của Dự thảo 4 liệt kê các hoạt động của tổ chức tôn giáo sau khi được cấp đăng ký hợp pháp. Trong các hoạt động này, thiếu hẳn những quyền để duy trì sự “tồn tại” của tổ chức tôn giáo. Trong khoản 1 chỉ công nhận việc “sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình thuộc cơ sở tôn giáo”, nhưng lại không nói đến quyền sở hữu và sử dụng cơ sở.
4. Điều 18 Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Điều 24 Hiến pháp Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013) đều quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Vì vậy những người đang bị giam, giữ được đáp ứng nhu cầu tôn giáo theo quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Hiến pháp.
5. Điều 9 và Điều 44 Dự thảo 4 là không khả thi, đòi hỏi này vô lý vì mâu thuẫn với Điều 2 khoản 2.
6. Điều 32: Hội nghị và đại hội của các tôn giáo không cần sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vì đây là việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo.
7. Điều 38: Điều này là một bước thụt lùi so với Điều 23 của “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”, Điều 19 của Nghị định 22 và Điều 23 của Nghị định 92.
8. Điều 49: Đòi hỏi quá nặng nề và phiền toái. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tham gia hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo tôn giáo ở nước ngoài là vấn đề thuần túy tôn giáo, không cần phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Nhà nước không nên xen quá sâu vào công việc nội bộ các tôn giáo.
9. Điều 50 qui định khá mơ hồ: “tổ chức tôn giáo quốc tế” là gì? Thế nào là “tham gia tổ chức tôn giáo quốc tế”? Qui định mơ hồ sẽ gây khó khăn cho các hoạt động tôn giáo.
10. Điều 51 khoản 1: “…tổ chức tôn giáo… được tổ chức quyên góp, nhận tài sản hiến tặng, cho trên cơ sở tự nguyện…”. Điều này vẫn không nói đến hay hạn chế các hoạt động của tổ chức tôn giáo như: quản lý và sử dụng tài sản hay tài khoản ngân hàng, mua bán hay chuyển nhượng cơ sở tôn giáo theo nhu cầu thực tế…
11. Điều 52: Các tổ chức tôn giáo phải được tự do hoạt động trong các lãnh vực từ thiện, nhân đạo và không có hạn chế nào.
12. Điều 54: Phải hiểu như thế nào là “tài sản hợp pháp” khi các tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp nhân?
13. Điều 66: Quy định về việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, nhưng chỉ nói đến việc khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính theo luật tố tụng hành chính. Việc tổ chức tôn giáo có quyền khiếu kiện tại toà án các cấp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình không được đề cập: chẳng hạn khi bị lấn chiếm đất đai, cơ sở tôn giáo.
14. Chương X và chương XI không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoàn toàn mang tính chất áp đặt quyền lực của Nhà nước lên các tổ chức tôn giáo, tạo kẽ hở cho cơ quan hành pháp lạm dụng quyền lực. Vì vậy, hai chương này tự mâu thuẫn với Điều 2 trong Dự thảo 4 cũng như với Hiến pháp năm 1992 và sửa đổi năm 2013.
III. KIẾN NGHỊ
Bản Dự thảo 4 đi ngược lại với Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế (Điều 18) và Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi năm 2013 (Điều 24). Chúng tôi nhận thấy Dự thảo 4 này là một bước thụt lùi so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004. Bản Dự thảo này tạo ra quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc, khiến các sinh hoạt tôn giáo bị cản trở.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị:
– Không đồng ý Dự thảo 4 Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
– Soạn lại một bản Dự thảo khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ.
– Bản Dự thảo mới phải được tham khảo ý kiến từ các tổ chức tôn giáo. Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo phải được công nhận tư cách pháp nhân và được pháp luật bảo vệ.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 05 năm 2015
TM. Ban Thường vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Tổng thư ký
(đã ký)
+ Cosma Hoàng Văn Đạt SJ
Hội đồng Giám mục Việt Nam
NGUỒN : WHĐ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét