Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

MÙA VỌNG - MÙA TRONG VEO


MÙA VỌNG - MÙA TRONG VEO
(Chúa Nhật IV Mùa Vọng)


                                                               ĐGM Vũ Duy Thống

Trên chuyến xe xuôi miền lục tỉnh, người ta chuyển đến tôi một cuốn truyện cũ đã mất bìa để đọc cho quên đường dài. Truyện kể lại mối tình giữa một chàng trai là con sĩ quan học tập và một cô gái là con cán bộ chức quyền. Họ thương nhau và muốn kết hôn với nhau, nhưng khi công khai ý định ấy, họ đã gặp phải những lực cản từ hai phía gia đình. Đã có nhiều nghi ngờ từ phía cha chàng trai và cũng có lắm nghi ngại từ phía cha cô gái. Giải pháp phải chọn là chia xa đôi lứa.
Đành lòng làm thế, nhưng họ vẫn âm thầm chờ đợi nhau, cho đến khi cha chàng trai mãn hạn học tập về nhà và cha cô gái đã đến tuổi về hưu. Hai người cha có dịp gần gũi cảm thông làm chất keo thân ái cho tình yêu đôi trẻ có điều kiện gắn hàn. Kết truyện là đám cưới.
Truyện có hậu và có nét hấp dẫn riêng của thể loại, nhưng điều hấp dẫn hơn hết đối với tôi không phải là cốt truyện cho bằng chính tựa đề "Tình yêu trong veo": trong veo giữa hai người cha biết xoá tan ngờ vực để thêm gần gũi; trong veo giữa hai bạn trẻ biết vượt qua thử thách để giữ vững tình yêu. Xin mượn tựa đề "Tình yêu trong veo" ấy để gọi tên Mùa Vọng là mùa trong veo một tình yêu.
1) Bằng tình yêu trong veo, Thiên Chúa trao thân cho con người.
Trong khi người Do Thái còn đang mải miết với một vì Chúa ở trên cao và dường như say sưa về một Đấng ở xa con người, đến nỗi trong quan hệ nguyện cầu, thay vì xin những biểu tỏ gần gũi để dễ dàng nắm bắt, họ lại chỉ dám xin một dấu lạ điềm thiêng mãi tận trời cao vượt quá tầm nhìn; và trong niềm mong chờ Đấng Cứu Thế, vốn là mạch sống hy vọng cho cả dân tộc, họ những tưởng nghĩ rằng Người sẽ đến, nhưng là đến trong cung cách của một vị Chúa oai phong lẫm liệt, cho muôn dân nếu không phải cúi đầu sợ hãi thì cũng phải bái phục tôn thờ. Có ngờ đâu, khi Chúa đến, Người lại chọn cho mình một cách đến rất khác lạ.
Người đến thật gần: trong thân phận của một con người để làm người giữa muôn người trần thế. Người đến thật thấp: thấp đến nỗi chọn cho mình cách sống của một người cùng khổ dưới đáy xã hội. Người yêu thương con người để sẵn sàng trao thân cho họ, chấp nhận phải điều đình, chấp nhận được cưu mang, chấp nhận được sinh hạ, chấp nhận được làm người: "Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14)
Phải chăng khi trao thân cho con người như thế, Thiên Chúa sẽ được thêm vinh quang? Phải chăng nếu không trao thân cho nhân loại, Thiên Chúa vẫn là Chúa, nhưng là một vị Chúa không được ai biết đến hay là một vị Chúa bị kết án phải cô đơn? Thưa không phải thế. Chính khi trao thân cho con người trong mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa không còn úp mở như trong thời Cựu Ước nữa, Người đã dứt khoát cho thấy mình là Đấng giải cứu con người và sẵn sàng làm hết cách để thực hiện bằng được chương trình của Người mà không đợi chờ mảy may vinh quang nào ngoài lợi ích cứu độ cho người trần gian. Để độ thế, Thiên Chúa đã nhập thể; để cứu người, Thiên Chúa đã làm người.
Chính hai Danh xưng được nêu lên trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đã nói lên tất cả. Danh xưng Emmanuel khẳng định "Thiên Chúa ở cùng chúng ta", Danh xưng Giêsu bộc lộ "Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ" (Mt 1,23-25). Nối kết hai Danh xưng ấy nơi Đấng Cứu Thế, ta sẽ thấy một tình yêu trong veo Thiên Chúa dành cho con người: Người là Thiên Chúa ở cùng ta để cho ta ơn cứu rỗi, và Người là Thiên Chúa cứu độ ta bằng cách ở cùng ta.
2) Bằng tình yêu trong veo, con người gửi phận cho Thiên Chúa.
Nếu bằng tình yêu trong veo cứu độ, Thiên Chúa trao thân cho con người, thì Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng cho thấy những nhân vật gần gũi với mầu nhiệm Giáng Sinh nhất là Đức Maria và thánh Giuse đã bằng tình yêu trong veo tự nhiên gửi phận mình cho Thiên Chúa.
Đối với Đức Maria, tình yêu trong veo đã rõ qua tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, mà Phụng Vụ hữu ý mừng kính ở đầu Mùa Vọng. Tình yêu ấy đã rõ trong việc Mẹ dâng mình vào Đền Thánh, nhưng tình yêu ấy còn rõ ràng hơn khi tiếp cận với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Ngày Truyền Tin, mới gặp sứ thần, Đức Maria đã bối rối, thứ bối rối của một tình yêu trong sạch buổi đầu gặp gỡ. Rồi, lúc được đề xuất làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã băn khoăn, thứ băn khoăn của một tình yêu trong sáng muốn được giải thích đôi câu. Và chính lúc thưa "Xin vâng" (Lc 1,38) là cả một tình yêu trong veo như chưa bao giờ trong đến thế, Đức Maria đã gửi trọn phận mình vào tay Thiên Chúa, bất chấp đó là một mạo hiểm chết người: trinh nữ mà lại mang thai, phải ăn nói ra sao với thánh Giuse? Mới đính hôn thôi mà sắp thành mẹ, phải dàn xếp thế nào cho hợp luật pháp?
Còn thánh Giuse, con người lặng thầm nhất của Mùa Vọng, đã được đặt vào một tình huống khó xử đến độ ray rứt, nhất là trong những ngày trước lúc Đấng Cứu Thế giáng sinh như Phúc Âm hôm nay mô tả. Nhưng chính ở đây ông đã chứng minh bằng những nét đẹp kín đáo hào hùng về một tình yêu trong veo từ lâu đã dệt nên đời sống qua những lựa chọn xé lòng. Là người công chính, dù ghi nhận ít nhiều dấu hiệu chuyển biến nơi Đức Maria, ông cũng chẳng dám nghi ngờ mà chỉ một thoáng băn khoăn, để rồi định chọn cho mình giải pháp âm thầm rút lui. "Đào vi thượng sách" là giải pháp an toàn nhất. Nhưng chính lúc ấy, được tỏ nguồn cơn, ông đã tiếp nhận ý Chúa và tiếp đón Đức Maria về nhà mình bằng một tình yêu trong veo, mà người trần mắt thịt dẫu có bản lĩnh cách mấy cũng khó mà dám xâm mình mạo hiểm (Mt 1,24).
Nhìn như thế, tình yêu trong veo đã liên kết Đức Maria và thánh Giuse, để mái nhà chung sống không chỉ là nơi che nắng trú mưa cho qua ngày đoạn tháng, mà đã trở thành một mái ấm của những tấm lòng biết mở ra cưu mang Con Thiên Chúa và sẵn sàng để sinh Người ra cho dương thế, cho dẫu tình yêu trong veo ấy trên đường cứu độ như một bản trường ca sẽ không thiếu những quãng nghịch, mà việc khó xử hôm nay trong Phúc Âm mới chỉ là những nốt nhạc mở đầu.
3) Cũng bằng tình yêu trong veo, ta đón mừng lễ Giáng Sinh.
Hiểu như trên, Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng rõ ràng là một tình yêu hai chiều trao gửi: Thiên Chúa trao thân cho con người để con người biết gửi phận mình cho Thiên Chúa. Đồng thời cũng là Chúa Nhật trong veo của những tấm lòng biết gửi trao tấm lòng trong ơn cứu độ.
Trên nền tảng ấy, tình yêu trong veo đã trở nên tinh thần phải có để đón Chúa Giáng Sinh. Trong những ngày này, đi ra phố xá, đã nghe vang lên những bài ca Giáng Sinh quen thuộc; ngang qua nhà thờ, đã thấy trưng bày những bộ Noel với hang đá, cây thông, đèn sao đẹp mắt; và đi tới chỗ nào cũng thấy thấp thoáng Giáng Sinh với muôn màu lấp lánh. Nhưng có một màu được xem là không thể quên hay không bao giờ quên đối với mọi tín hữu mừng lễ Giáng Sinh, màu đó không ở trên áo quần giầy dép, môi mép tóc tai, hoa cài áo khoác, mà là ở trong tấm lòng kìa! Đó là màu trong veo của những tâm hồn trinh trong biết cưu mang ý Chúa và biết sinh hoa kết trái trong cuộc sống công minh chính trực của mình.
Nếu ngày xưa trong khúc hát quan họ Sion, câu xướng "Ai được lên Núi Chúa?" đã nhận được lời đáp "Chỉ những người thật thà ngay chính tay sạch lòng thanh mới được bước tới Thánh Cung" (Tv 23,3-4), thì hôm nay cũng thế, trong bài ca cuộc sống ai cũng nôn nao xôn xao ồn ào huyên náo tiếp cận lễ Giáng Sinh cả, kẻ tiếp thị, người tiếp tân; nhưng chỉ có những tấm lòng trinh trong mới xứng đáng trở nên Hang đá tiếp đón Chúa sinh vào. Chúa chỉ một lần đến sinh ra trên trần thế là đủ để cứu chuộc muôn người, nhưng giả như Người có đến sinh ra nhiều lần hơn nữa cũng vẫn thiếu, nếu lòng người chưa sẵn sàng một tình yêu trong veo mở ra đón nhận. Liệu ta hôm nay đã sẵn có một tâm hồn như thế trước lễ Giáng Sinh?
Hơn nữa, tình yêu trong veo cũng là tiếng nói cuối cùng của Mùa Vọng thúc đẩy ta đến với những người xung quanh. Không thể có Mùa Vọng đầy đủ nếu bỏ quên chiều kích tha nhân trong tình yêu của mình, và cũng chẳng tiếp đón Chúa cho đủ nếu từ chối tiếp nhận anh chị em gần gũi với mình trong những sinh hoạt hằng ngày.
Trong Phúc Âm, Giuse biết tiếp nhận ý Chúa "qua giấc mơ", để rồi sau đó "tỉnh dậy" ông mau mắn đón Đức Maria nên bạn đường bạn đời của mình, cho dẫu hậu thế có kẻ điều ong tiếng ve xem ông như kẻ "vô tư". Nhưng đó lại là bước đột phá của một tình yêu trong veo biết nhận ra rằng: Thiên Chúa đã ân cần trao thân cho mình qua mầu nhiệm Nhập Thể, thì mình cũng tín thác gửi phận mình trong mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa. Đó là hai chiều gặp gỡ của tình yêu Giáng Sinh.
Tóm lại, tình yêu trong veo là động lực khiến Chúa đến với con người và là nguồn lực thúc đẩy con người tiếp đón Chúa, để trong cuộc sống cụ thể trở thành nỗ lực của mọi tín hữu đón lễ Giáng Sinh. Trong khi còn chuẩn bị và chưa thực sự được tiếp đón Chúa, hãy bắt đầu bằng cách thực tập tiếp đón những hình ảnh sống động của Chúa là những người ta gặp hoặc những người gặp ta bằng một tình yêu trong veo luôn thăng tiến. "Nếu không gặp Ngài trong nghèo khổ, sẽ chẳng gặp Ngài giữa cao sang. Nếu không gặp Ngài ở dưới đất, sẽ chẳng gặp Ngài chốn Thiên Đàng" (thơ Xuân Ly Băng).

Đến đây, xin được khép lại những chia sẻ Mùa Vọng năm nay. Xin cám ơn Mùa Vọng đã đem đến những ý nghĩ đẹp màu. Xin cám ơn cộng đoàn đã vui lòng lắng nghe. Hy vọng những tâm tình chia sẻ cũng cung cấp chút ý tưởng giúp mỗi người hình thành được Máng Cỏ tâm hồn. Và cám ơn đứa cháu nhỏ đã tình cờ viết lộn chữ Mùa Vọng thành chữ "Màu Vọng" để có được bốn sắc màu chia sẻ nơi đây. Qua xanh đến tím gặp hồng, dìu ta đón Chúa với lòng trong veo.

(Nguồn : tonggiaophanhanoi.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét