Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

Đã Tìm Lên Xứ Trà Ngao…

 

Nhà Rông Bahnar ở Kon Tum. Ảnh MEP.

Xứ Trà Ngao là xứ Kontum. Đúng hơn là Miền truyền giáo Kontum bao gồm cả Kontum, Pleiku, Banmêthuột, Phú Bổn…

Sở dĩ có tên gọi Trà Ngao là vì ở Miền truyền giáo Kontum, các vị thừa sai đã đặt một cư sở chính ở tại Trung tâm Truyền giáo cho người Bahnar-Rơngao, còn gọi là Rơhai, vị trí ngay giáo xứ Tân Hương thành phố Kontum bây giờ. Chung quanh thành phố này có nhiều đồng bào dân tộc Rơngao – một sắc dân chính trong vùng. Khi chưa có tên gọi hành chính, người Kinh ở Trung Châu (các tỉnh đồng bằng duyên hải miền Trung) thường gọi tên vùng theo sắc dân và đã gọi vùng Kontum là xứ Rơ Ngao. Và cũng từ đó xuất hiện tên gọi Trà Ngao.

Không riêng gì ở Tây Nguyên – Kon Tum, trong nước Việt Nam từ Nam ra Bắc có nhiều địa danh mang thành tố “Trà” ở trước tên gọi. Tùy theo đặc điểm từng vùng và yếu tố ngôn ngữ mà chúng có ý nghĩa khác nhau.

Có khi từ tố này có gốc thuần Việt, chẳng hạn địa danh Trà Mi ở Quảng Nam, là tên một loài hoa thuộc hoa hồng, được trồng làm cảnh.

Có khi thành tố Trà có gốc Hán Việt, nó lại liên quan đến…trà (chè), như ở Quảng Ninh có địa danh Trà Bản (cái gốc của cây trà); Trà Cổ (tên ghép Trà Phương – Cổ Trai. Trà Phương là hương thơm của trà).

Một số khác bắt nguồn từ ngôn ngữ Chăm hoặc Khơme:

-Xuất phát từ chữ Ia (sông nước) gốc Chăm mà chuyển thành: Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu (Quảng Ngãi), Trà Bình (Bình Định)…đều liên quan đến các  dòng sông, con suối.

-Do âm tiết Tra đứng đầu trong tên gọi, hay Tà (nghĩa là ông+tên người) trong ngôn ngữ Khơme: Trà Vinh, Trà Cuôn, Trà Lọt, Trà Quýt…, ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.v.v. [1]

Tuy nhiên, khi thành tố Trà theo lớp cư dân người Kinh ở Trung Trung Bộ lên Kon Tum, nó lại mang một ý nghĩa khác. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, nhà nghiên cứu lịch sử Tây Nguyên đã dẫn ý kiến và đồng tình với ý nghĩa sau đây của từ tố Trà trong một số địa danh ở tỉnh Gia Lai khi viết rằng: “Theo Linh mục Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn, một người đam mê nghiên cứu lịch sử-văn hóa, từ tố Trà trong rất nhiều địa danh ở Gia Lai có nguồn gốc từ từ pla, tức là làng trong tiếng Chăm. Trong cách đọc của cư dân ven biển miền Trung Trung bộ, pl thường bị biến âm thành tr, trà ở đây được biến âm từ pla, có nghĩa là làng mà thành” [2]. Và Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân kết luận: “Vậy, chúng tôi thấy ý kiến cho rằng từ tố Trà trong những địa danh ở Gia Lai có nguồn gốc từ pla hay plơi – tức là làng trong ngôn ngữ Malayo-Polinesian mà cư dân Việt vùng ven biển miền Trung nước ta chịu ảnh hưởng từ trước, là có cơ sở”[3].

Nhận định trên hoàn toàn có thể áp dụng cho cả tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Thường thì tên của làng bắt đầu bằng Trà kết hợp với tên chính của làng hay tên người lập làng. Những tên làng này qua thời gian có thể chuyển hóa thành tên đơn vị hành chính lớn hơn như xứ, vùng, xã, cộng đồng dân cư.

Ở Kon Tum, ngoài Trà Ngao (xứ Rơ Ngao), còn có Trà Rộp (Plei Jơdrâp), Trà Quắc (Plei Rơ Wăk), Trà Lét (Plei Klech). Gia Lai có Trà Huỳnh (Plei Towân), Trà Oe (Plei Tơuer), Trà Cu/ Trà Cú (Plei Ku), Trà Tiên (Plei Têng), Trà Nhiên (Plei Nhing), Trà Đa (Plei Dal – làng Cố Corompt Hiển thành lập), Trà Phan (làng linh mục Phan thành lập), Trà Dôm (Plei Piơm), Trà Nhá (Plei Tơ Nhă), Trà Bá (?)…

Năm 1925, Đức Cha Đamianô Grangeon Mẫn (Qui Nhơn) đã cho phép các tín hữu các tỉnh Trung Châu lên lập nghiệp làm ăn trên Tây Nguyên, do hoàn cảnh đói kém xảy ra dưới vùng đồng bằng. Ngài đã ra thư chung “Về sự cho bổn đạo nghèo đi làm ăn nơi khác”, trong đó Đức Cha đã hướng dẫn cặn kẽ các cha sở và bổn đạo:

“Vì vậy đừng cho đi Saigon hay Đà-lạch [Đàlạt], vì phần thì xa xuôi, phần thì chẳng ai bảo lãnh lo liệu cho, ắt phải khốn khó mọi bề mà chớ. Có hai nơi nên cho bổn đạo tới làm ăn:

Một là, trong Phan-rang; tại Hộ-diêm, địa sở cố Thiết; hoặc tại Rừng-lai, địa sở cố Lợi. – Nhưng vậy hai nơi này cũng hẹp, chẳng lãnh đặng bao nhiêu nhà.

Hai là, xứ Trà-ngao (trên mọi); đất ruộng minh mông, khí lạnh, đất tốt; lập vườn, làm ruộng đều được. Ai tới đó chí công lập nghiệp chắc sẽ được ấm no và có khi sẽ nên phú túc”.

Ngài còn đề xuất những nơi đến cụ thể:

“Vả chăng nhiều Cha trên ấy sẵn lòng lãnh bổn đạo dưới nầy lên, và lo lắng cho phần hồn phần xác; nhứt là mấy cha sau nầy:

a) Cố Hiển [Corompt] ở tại An-hòa và Đàng-riơ, muốn cho có kẻ tới đặng vỡ ruộng, lập vườn trồng trà-phe, trồng chè…

b) Cố Cận [Nicolas] tại Pơlei-Poo, cũng hiếm chỗ lập vườn làm ruộng.

c)  Cha Phan, ở Pơlei-ku, Tiên-sơn; Cha Nhì [Hutinet], Thăng-bình; cha Diện, Pơlei-Đơrap; Cha Ban, Hamông; cùng mấy cha khác cũng trông cho kẻ tới lập nghiệp làm ăn, chẳng thiếu chi đất hoang nhàn phì mĩ” [4]

Chúng tôi xin giới thiệu một bài thơ miêu tả phong cảnh xứ Trà Ngao, tại trung tâm của sắc dân Rơ Ngao – tỉnh lỵ thành phố Kon Tum ngày nay, kèm một vài hình ảnh xưa, để chúng ta hiểu hơn về xứ sở này. Bài thơ trích trong Tạp chí “Chức Dịch Thơ Tín” của Địa phận Kon Tum, số 44, tháng 12 năm 1936, tr.553-554. Bài thơ cách đây gần một thế kỷ nhưng chúng ta ngày nay đọc lên vẫn cảm thấy đồng cảm với tác giả: “Gọi là gợi chút ơn xưa…”.

 

NHÌN PHONG CẢNH NHỚ NGƯỜI XƯA

 

Mắt nhìn phong cảnh Kontum,

Nhớ người thiên cổ bút cầm chép qua.

Tòa Công sứ Pháp ở Kontum 1933

Kể từ lầu sứ tỉnh tòa,

Ngó lên thẳng rẳng cửa nhà liên miên.

Khu phố trên đường Nguyễn Huệ xưa (gần khách sạn Đăk Bla ngày nay)

Hết hai dẫy phố tiếp liền,

Xảy thấy một miền đồn lính vẻ vang.

Từ đây đã hết nhà quan,

Tiếp luôn trên nữa là tràng Têxa.

Trường Thánh Têrêxa Tân Hương xây dựng năm 1931, tiền thân Trường THPT Kon Tum ngày nay

Nhà thờ đẹp đẽ nguy nga,

Thánh danh bổn mạng Đức Bà Môi-khôi.

Nhà thờ Tân Hương, Tp Kon Tum, năm 1933

Gióng lên Phường-nghĩa một hồi,

Mắt trông đã thấy một ngôi thánh đường.

Toàn cây chắc đẹp phi thường,

Nhà thờ Chính tòa Kon Tum (Nhà thờ Gỗ)

Bên kia lại có vừng hồng vẻo ve.

Hiệu là trường thánh Giu-se,

Trường Thánh Giuse của Dòng Ngôi Lời, về sau là Tu viện của Dòng Ảnh Phép Lạ Kon Tum

Ngó quanh qua phía hàng tre kia đàng,

Đức Cha đã lập một tràng,

Trong ngoài đẹp đẽ vẻ vang quá chừng.

Trường Yao Phu Cuénot xây dựng năm 1906, khánh thánh năm 1908

Bây giờ xây lại sau lưng,

Ngay ra đàng cái nhắm chừng xa xa,

Mắt trông lại thấy một tòa,

Nguy nga tráng lệ gọi là “Torium”.

Trường nầy lớn nhứt Kontum,

Đã cao lại rộng lẫy lừng minh mông.

Cố Lui (Louison) cũng lập vườn bông,

Kế luôn phía dưới giữa đồng ngã ba,

Thường kêu hang đá Đức Bà,

Để cho ai nấy đến mà khẩn xin.

Tự lòng kính mến cậy tin,

Ốm đau tật bịnh an tuyên hằng hà.

Hang Đá Đức Mẹ Phương Nghĩa, Tp Kon Tum 1932

Ấy là vắn tắt đơn sơ,

Những nơi lễ tế phượng thờ mà thôi,

Không sao cho hết các nơi,

Kẻo ra dài quá lạc lời đề trên.

Vậy nay muôn việc đều nên,

Láng tràn nước Chúa khắp trên miền này.

Đầu giây mối nhợ ai gầy,

Đem đàng chỉ lối ở đây bây giờ.

Xưa kia vốn những bụi bờ,

Rừng cao núi rậm mịt mờ liên liên.

Ấy nhờ các đấng chăn chiên,

Dâng mình tế lễ cho miền mọi cao.

Đã tìm lên xứ Trà Ngao,

Những hồi chưa có đàng vào nẻo ra.

Thương thay cho bấy các Cha,

Vì con chiên lạc đàng xa chẳng nài,

Giày sàn đạp sỏi chông gai,

Miễn sao cho đặng truyền lời Evan.

Đành lòng cam chịu gian nan,

Đem người ngoại giáo hiệp ràn Hội-công.

Rày người giữ đạo rất đông,

Minh mông khắp xứ khôn cùng kể ra.

Lâu đài phố xá nguy nga,

An cư lạc nghiệp, âu ta phải tường.

Nhớ ơn các đấng mở đường,

Nguyện cho hồn đặng miên trường tiêu diêu.

Nay vì thanh khí ban chiều,

Dạo chơi phường phố thấy nhiều cảnh xinh.

Bỗng nhiên trực nhớ đến mình,

Còn mang ơn nặng vô tình bấy lâu.

Vội vàng vắn tắt vài câu,

Hiến cùng độc giả giải sầu cho vui.

Gọi là gợi chút ơn xưa…

                                          Paul T. P. N.

                     (Chức Dịch Thơ Tín số 44, tháng 12.1936, tr.553-554)

 Minh Sơn – Tháng 04/2024

Nguồn: vanthoconggiao.net

Thánh Lễ Tạ Ơn Kỷ Niệm Ngân Khánh Linh Mục Của Cha Gioan Nguyễn Đức Trường – “Mỗi Ngày Qua Đi Là Một Ngày Tạ Ơn”.

 

“Kỷ niệm tạ ơn Ngân khánh Linh Mục hôm nay là thời điểm để dừng chân tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn Thiên Chúa vì tình thương đã lựa chọn và gìn giữ con trong thánh chức cao quý này, xuyên suốt chiều dài 25 năm qua trong ơn gọi hiến dâng, để con gieo trong vui mừng và hy vọng, dù cũng đầy cam go thử thách, trong cuộc đời Linh mục đầy yêu thương và cũng đầy chông gai.

Qua tâm tình tạ ơn Thiên Chúa hôm nay, đây là dịp để con bày tỏ lòng biết ơn Giáo hội, Giáo phận, các Giám mục, các Cha, các Thầy và ghi nhớ ông bà anh chị em, các ân nhân, các thân nhân còn sống cũng như đã qua đời”.

Cha Gioan Nguyễn Đức Trường mở đầu thánh lễ tạ ơn mừng Ngân Khánh Linh Mục của ngài bằng những lời tâm tình như trên, tại nhà thờ Lệ Chí ngày 17/04/2024.

Lãnh nhận hồng ân Linh mục ngày 14/04/1999 tại nhà thờ Chính tòa Kon Tum, do Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung chủ sự, Cha Gioan đã trãi qua quãng thời gian phục vụ tại 5 Giáo xứ: Chính tòa, Măng La, Phú Thiện, Phú Bổn và ngày 20/11/2023 ngài được Đức Giám mục Giáo phận bổ nhiệm về làm chính xứ Lệ Chí (Hạt Chư Păh, Gia Lai), đến nay vừa được hơn 5 tháng.

Thánh lễ được cử hành vào lúc 9 giờ 00, do chính Cha Gioan Nguyễn Đức Trường chủ tế, với sự hiện diện đồng tế của Cha Tổng đại diện Giuse Đỗ Hiệu, Cha Đại diện Giám mục vùng Gia Lai Luy Nguyễn Quang Vinh, quý Cha Quản hạt, quý Cha Bề trên và đông đảo quý Cha trong và ngoài giáo phận. Hiệp dâng thánh lễ có thầy Phó tế, quý tu sĩ nam nữ, quý bà con thân tộc, quý ân thân nhân, bạn bè thân hữu, các cựu chủng sinh cùng khóa Chủng viện Thừa sai Kon Tum, giáo dân đại diện các giáo xứ mà Cha Gioan từng coi sóc và cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Lệ Chí.

Cũng trong lời đầu lễ, Cha Gioan xác tín: Mỗi ngày qua đi là một ngày tạ ơn, và mời gọi cộng đoàn cùng với ngài chung lời cảm tạ trong thánh lễ hôm nay: tạ ơn Chúa, tạ ơn đời và tạ ơn người, đồng thời xin cộng đoàn thêm lời cầu nguyện để ngài tiếp tục sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày một hơn trong hành trình còn lại phía trước.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Cha Alphonsô Trần Ngọc Hướng, DCCT đã trình bày với cộng đoàn về thừa tác vụ của chức Linh mục trong Hội Thánh: Linh mục là thừa tác viên Lời Chúa, là thừa tác viên phụng vụ và là thầy dạy dân Chúa. Tuy nhiên các thừa tác vụ cao quý này lại được trao cho những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, mà lại được tham gia vào chính sứ vụ của Thiên Chúa. Đây là sự táo tạo, thậm chí liều lĩnh của Thiên Chúa – như lời Đức giáo hoàng Bênêđitô XVI – nhưng lại là sự cao cả đích thực ẩn chứa trong thiên chức linh mục. Từ bài đọc Tin Mừng hôm nay về Vị Mục Tử Nhân Lành – chính Đức Giêsu, là mẫu gương cho tất cả các linh mục, Cha giảng lễ đã liên kết với Kinh Thánh trong Cựu ước, đặc biệt Thánh vịnh 23 “Chúa là Mục tử chăn dắt”, để cho thấy xuyên suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa trong tư cách là người mục tử nhân hậu đã luôn hướng dẫn, bảo vệ và nuôi dưỡng dân của Ngài. Các linh mục có sẵn sàng dấn thân cho từng con chiên trong đoàn chiên mà Chúa đã trao cho mình chăm sóc không? Dẫu cho có lúc các ngài bước đi trong thung lũng tối tăm của cuộc sống này, thì Chúa vẫn hằng có đó, an ủi, nâng đỡ. Các giáo dân cũng phải biết chấp nhận các linh mục, cầu nguyện cho câc ngài, cách riêng Cha Gioan mừng ngân khánh Linh mục hôm nay, để các linh mục được luôn trung thành với sứ vụ mà Chúa Giêsu đã trao phó.

Thánh lễ tiếp tục diễn ra sốt sắng với phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện kết lễ, Cha Tổng đại diện Giuse Đỗ Hiệu đã công bố và trao Phép Lành Tòa Thánh cho Cha Gioan trong ngày kỷ niệm Ngân khánh Linh mục.

Cha Gabriel M. Phan Tiến Dũng, CRM, phụ tá giáo xứ Lệ Chí đã thay mặt cộng đoàn giáo xứ tỏ bày tâm tình cảm ơn Cha Tổng đại diện, Cha Quản miền, quý Cha, quý thầy, quý tu sĩ, ân thân nhân, quý khách cùng toàn thể cộng đoàn.

Riêng với Cha chính xứ Gioan, cộng đoàn giáo xứ Lệ Chí đá, đang và sẽ cảm nhận được Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót nơi Cha, qua các giờ cử hành phụng vụ và mục vụ trong giáo xứ. Cùng với Cha, giáo xứ chung lời tạ ơn Thiên Chúa và tiếp tục cầu nguyện để Cha thực hiện trên hành trình còn lại, theo như châm ngôn Cha đã tâm nguyện: “Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót”.

Cha Gioan cũng có đôi lời phát biểu nói lên tâm tình tạ ơn Thiên Chúa trong ngày hồng phúc này, qua sự hiện diện rất đông quý Cha trong và ngoài giáo phận, đặc biệt quý Cha và giáo dân đến từ các giáo xứ mà Cha Gioan phụ trách trước đây. Nhân dịp này Cha Gioan và cộng đoàn giáo xứ Lệ Chí cảm ơn và chúc mừng  hai Cha sắp mừng 50 năm Linh mục và 25 năm Linh mục: Cha Giuse Nguyễn Văn Đắc và Cha P.X Lê Tiên; cảm ơn quý tu sĩ nam nữ, anh em cựu chủng sinh, các hội đoàn, ban ngành và toàn thể cộng đoàn giáo xứ Lệ Chí. Tất cả đều là ơn Chúa ban!  

Sau thánh lễ, quý Cha và quý khách mời cùng chung vui với Cha Gioan và giáo xứ Lệ Chí trong bữa tiệc mừng thân tình.

 

Hoa Núi

WGPKT(19/04/2024) KONTUM

Nguồn: giaophankontum.com


Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là 25-nam-cha-truong-21-1024x768.jpg

Curia Tân Hương Mừng Lễ Acies 2024 Tại Nhà Thờ Phương Hòa

Mừng Lễ Truyền Tin, Curia Tân Hương đã tổ chức đại hội Acies cho các hội viên Legio Mariae tại nhà thờ Phương Hòa, giáo hạt Kon Tum vào lúc 8h00 ngày 08.04.2024. Hiện diện tham dự có khoảng hơn 250 hội viên hoạt động và tán trợ đến từ các giáo xứ, như: Tân Hương, Phương Hòa, Tân Điền, Tân Phú, Tân Phát, Trung Nghĩa…

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là Curia-Tan-Huong-3-768x1024.jpg

Chương trình khai mạc với kinh Teressa, Kinh Mân Côi và đọc sách Thiêng Liêng. Sau đó Sơ Linh giám Êlisabét Đào (Cộng đoàn Phaolô Têrêxa Kon Tum) chia sẻ với các hội viên về ý nghĩa của lễ Acies và hoạt động của Legio Mariae.

Tất cả các hội viên lần lượt tiến lên dâng mình cho Đức Mẹ và lập lại lời tuyên hứa: “Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ”.

Vào lúc 10h00, thánh lễ tạ ơn được cử hành do Cha Giuse Nguyễn Minh Đức , chính xứ Phương Hòa chủ tế, và Cha Giuse Nguyễn Duy Tài, chính xứ Tân Phú đồng tế.

Lễ Truyền Tin như là khởi đầu Ơn cứu chuộc, nhắc lại trận chiến xưa kia giữa Người đàn bà và Con rắn là ma quỷ, và Người đàn bà đã đạp dập đầu Con rắn (St, 3,15). Đến thời Tân ước, Đức Maria qua lời thưa “Xin vâng” đã vượt thắng thế lực sự dữ nhờ dâng hiến trọn cuộc đời mình cho những kế hoạch của Thiên Chúa. Người hội viên Legio Mariae nhận mình là đạo binh của Đức Mẹ, cũng xung trận bước vào cuộc chiến chống lại tội lỗi và dấn thân phụng sự Thiên Chúa, phục vụ tha nhân.

Ước mong các hội viên Legio Maria, cách riêng những thành viên trong Curia Tân Hương được tràn đầy ân sủng để mỗi ngày gắn bó hơn với Đức Maria và nên giống Chúa Giêsu qua việc dâng hiến cuộc đời theo đặc sủng và ơn gọi của mình.

 

Ghi nhanh: Hoa Núi

Hình ảnh: Curia Tân Hương

Nguồn: giaophankontum.com

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024

Giáo Phận Kon Tum: Thánh Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót 2024

 

Chúa nhật 2 Phục sinh ngày 07/04/2024, Chúa nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum đã cùng các linh mục đặc trách cộng đoàn LCTX và quý linh mục trong Giáo phận cử hành thánh lễ tạ ơn và mừng bổn mạng cộng đoàn LCTX trong toàn Giáo phận. Thánh lễ diễn ra vào lúc 16g30 tại giáo xứ An Mỹ, giáo hạt Pleiku.

Hiệp dâng thánh lễ có thành viên của các nhóm LCTX đến từ các giáo họ, giáo xứ của hai vùng Kon Tum và Gia Lai, quý nam nữ tu sĩ và cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài giáo xứ An Mỹ.

Chương trình bắt đầu với việc đón tiếp các đoàn LCTX, các tín hữu và quý khách từ lúc 14g.

Sau khi ổn định, vào lúc 15g, linh mục Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD đến từ giáo xứ Mân Côi (giáo hạt Chư Sê) đã chia sẻ với cộng đoàn về Lòng Chúa Thương Xót, những tâm tình và thực hành đạo đức cụ thể trong đời sống đức tin của người Kitô hữu, để thực sự tôn kính và rao truyền LCTX cho mọi người.

Tiếp đến cộng đoàn cùng dâng lên giờ kinh nguyện tôn sùng LCTX.

Sau ít phút giải lao và ôn bài hát, toàn thể cộng đoàn chuẩn bị bước vào thánh lễ.

Trước hết, Cha Micae Trần Phúc Ca, SVD, đặc trách cộng đoàn LCTX vùng Gia Lai đã có lời chào mừng Đức Cha Giáo phận, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, quý khách, các đoàn thể trong và ngoài Giáo phận đã hiện diện và cầu nguyện cho cộng đoàn LCTX trong ngày trọng đại này. Cách đặc biệt hôm nay là ngày kỷ niệm 34 năm Thụ phong Linh mục của Đức Cha Aloisiô (07.04.1990 – 07.04.2024), Cha đặc trách thay mặt Giáo phận chúc mừng Đức Cha, tỏ bày lòng yêu mến và kính trọng, ước muốn cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa cùng với Đức Cha.

Đức Cha đã chủ sự nghi thức làm phép Đài LCTX, ngay tại vị trí lễ đài cử hành thánh lễ trọng thể hôm nay.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha Aloisiô mời gọi cộng đoàn cùng cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có dịp để qui tụ cùng nhau kính trọng thể lòng thương xót của Chúa đối với nhân loại và cách riêng đối với Giáo phận. Xin Chúa Kitô phục sinh đổ tràn Thánh Thần của Người xuống trên chúng ta, để chúng ta hưởng nhờ Lòng Thương Xót của Chúa qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh thần, để chúng ta sống đời sống Kitô hữu một cách xứng đáng, đẹp lòng Chúa, đáp trả lại Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa.

TTHH Đức Mẹ Măng Đen: Thánh Lễ Thứ Bảy Đầu Tháng Ngày 06/04/2024

 

WGPKT(08/04/2024) – Thứ Bảy đầu tháng ngày 06/04/2024, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum đã dâng thánh lễ tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen.

Thánh lễ diễn ra vào lúc 10 giờ tại Đền thánh với sự đồng tế của quý Cha quản nhiệm và phụ tá Trung Tâm Hành Hương, Cha chánh xứ Võ Lâm kiêm trưởng Ban Truyền thông Giáo phận Kon Tum, Cha chánh văn phòng TGM và một số quý Cha. Hiệp thông trong thánh lễ có quý tu sĩ, giáo dân và khách hành hương, đặc biệt cộng đoàn giáo xứ Võ Lâm phụ trách phụng vụ và hát lễ.

 

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA ALOISIÔ TRONG THÁNH LỄ

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Như đầu lễ chúng ta đã nhắc nhau, hôm nay là ngày thứ bảy trong tuần bát nhật lễ Phục sinh. Trong ngày này chúng ta được nghe bài Tin Mừng theo thánh Máccô. Bài Tin Mừng này coi như là một bản tóm kết tất cả những lần Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra cho các môn đệ mà chúng ta được nghe trong suốt tuần vừa qua.

Chúng ta được nghe nói đến ngày thứ nhất trong tuần lễ, vào sáng sớm Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra cho các phụ nữ, đặc biệt là bà Maria Mácđala (hay còn gọi Maria Mađalêna). Rồi buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần đó, Chúa Giêsu phục sinh lại hiện ra cho hai môn đệ đi về Emmau vào lúc chiều tối. Rồi hai ông khi nhận ra được Chúa Giêsu phục sinh trong bữa ăn tối hôm đó, hai ông mừng quá trở về Giêrusalem để gặp gỡ và kể lại việc hai ông đã gặp và đã nhận ra Chúa như thế nào. Rồi chính các môn đệ trong đêm đó, Chúa Giêsu phục sinh lại hiện ra cho nhóm 11, tất cả đang qui tụ ở tại Giêrusalem.

Bài Tin Mừng ngày hôm nay tóm kết tất cả những lần Chúa Giêsu phục sinh hiện ra như thế cho các môn đệ. Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh cho chúng ta: Sau khi Chúa hiện ra cho các phụ nữ, các bà về nói lại thì người ta không tin; rồi hai môn đệ trên đường Emmau khi trở về Giêrusalem kể lại, các ông cũng còn ngờ vực, cũng không tin. Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến điểm đó: Các môn đệ không tin việc Chúa sống lại. Quả thực, phục sinh là một việc khó tin, khó chấp nhận. Tại sao lại như vậy? Bởi vì chưa từng xảy ra. Chưa có ai chết mà sống lại. Chưa có ai đi vào cõi phục sinh, chưa có ai có kinh nghiệm nào về sự việc như thế. Và có người nói có thể Chúa Giêsu đã làm cho người này người kia sống lại: cho con trai bà góa thành Naim, làm cho Lazarô sống lại. Nhưng sự sống lại đó là khác, không phải là sự phục sinh như Chúa Giêsu. Ông Lazarô được Chúa cho sống lại để sống cuộc sống cũ của mình, trở về lại cuộc sống cũ. Còn Chúa Giêsu phục sinh là bước sang một cuộc sống mới, một cuộc sống thần linh mà không ai có kinh nghiệm. Và vì sự phục sinh là điều rất khó tin, khó chấp nhận cho nên Chúa Giêsu đã phải hiện ra rất nhiều lần, rất nhiều nơi khác nhau, cho nhiều người khác nhau, và củng cố niềm tin cho các môn đệ của Chúa, các tông đồ cũng như các phụ nữ đi theo Chúa mà nay Chúa đã chết và đã sống lại. Chúa phục sinh hiện ra để cho các môn đệ luôn xác tín về mầu nhiệm phục sinh, để cho các ông trở thành những chứng nhân.

Giáo Phận Kon Tum: Lễ Dầu 2024

 

Sáng Thứ Tư Tuần Thánh ngày 27/03/2024, Giáo phận Kon Tum đã long trọng cử hành Lễ Dầu tại Nhà thờ Chính tòa, cùng với Giáo Hội hoàn vũ bước vào Tam Nhật Vượt Qua tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, trọng tâm đức tin của Kitô hữu.

Thánh lễ bắt đầu vào lúc 5g30, do Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị chủ tế và hơn 200 linh mục trong linh mục đoàn Giáo phận Kon Tum đồng tế. Đông đảo mọi thành phần dân Chúa gồm quý thầy phó tế, quý nam nữ tu sĩ và giáo dân Kinh Thượng hiệp dâng thánh lễ.

Thánh lễ hôm nay còn được gọi là lễ Truyền Dầu hay Làm Phép Dầu, vì trong thánh lễ này Đức Giám mục sẽ làm phép và thánh hiến các loại Dầu, được lấy từ cây ô-liu: Dầu Thánh, Dầu Bệnh Nhân và Dầu Dự Tòng, với mục đích sử dụng trong các Bí tích và phụ tích cho toàn giáo phận trong suốt cả năm. Lễ Dầu cũng còn có mục đích tưởng niệm việc Chúa lập bí tích Truyền chức Thánh, tấn phong cho những người được tuyển chọn lên làm Linh mục. Trong lời mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Aloisiô mời gọi cộng đoàn dân Chúa cùng chung lời cầu nguyện cho Giáo phận và cầu nguyện cho các Linh mục, cách riêng cầu nguyện cho Đức Cha Micae và các Cha già yếu bệnh tật không thể hiện diện trong Thánh lễ này.

Chia sẻ với cộng đoàn trong phần giảng lễ, Đức Cha nêu lên ý nghĩa và ơn ích của các loại Dầu Thánh. Từ đó các mục tử và giáo dân cần hiểu rõ, cử hành đúng mực và kịp thời để mang lại sự nâng đỡ cần thiết cho thân xác, tinh thần và linh hồn các tín hữu.

Với các Linh mục, hôm nay là ngày đặc biệt, Đức Cha mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong diễn từ dành cho các Phó tế chuẩn bị thụ phong Linh mục của Giáo phận Rôma hôm tháng 02/2024 vừa qua, để quảng diễn về câu hỏi đầu tiên mà các Linh mục được thẩm vấn vào ngày chịu chức, với 3 yếu tố thiết yếu trong tác vụ: trước hết, là những cộng sự viên trung thành, tiếp đến là phục vụ Dân Chúa, và cuối cùng là theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.