Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Trong 'Thập ác', bất hiếu là tội thứ 7




(Thethaovanhoa.vn) - 1. Ngày 1/7, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật yêu cầu các thành viên trong gia đình phải thường xuyên viếng thăm và chăm sóc cha mẹ già. Việc luật hóa đạo làm con đã gây ra một cuộc tranh cãi sôi sục ở nước này. 
Không có gì lạ, khi ở nước láng giềng những vụ bạo hành cha mẹ đã gây ra những “tiếng tăm” vượt biên giới, khi những người già bị vứt đơn độc đã thành một thực trạng. Khi trách nhiệm đạo đức bị bỏ rơi một cách phổ biến, thì người ta buộc phải có luật.
Người Tàu với bề sâu văn hóa uyên thâm, vốn không thiếu thuyết, sách, luật dạy về chữ hiếu. Thời Xuân Thu, Khổng Tử đã soạn ra Hiếu Kinh chuyên bàn về chữ hiếu, trong Kinh có câu: “Cha sinh ra ta, mẹ nuôi nấng ta, thương lắm cha mẹ khó nhọc vì ta. Ân nghĩa sâu xa, trời cao khôn sánh”. 
Đạo nghĩa này cũng gần gũi với Việt Nam, luôn nằm lòng công cha, nghĩa mẹ, con người luôn khắc ghi: “Cơm ăn ba bữa cha cày cấy/Áo mặc bốn mùa mẹ vá may”. 
Chúng ta cũng không thiếu những tấm gương lừng lẫy về chữ hiếu, một Thúy Kiều bán mình cứu cha (dù Nguyễn Du lấy nguyên mẫu từ Kim Vân Kiều truyện cũng bên Tàu). Hay một nàng Xuân Đào cắt thịt nuôi mẹ chồng trong tích tuồng nổi tiếng xưa nay. 
Nhưng ở ta, báo chí nhan nhản những tin tức đau lòng về đạo hiếu. Con bỏ rơi cha mẹ, hành hung cha mẹ, thậm chí đang tâm đoạt mạng đấng sinh thành. 
2. Vậy nước ta cũng cấp bách cần đạo luật về bổn phận làm con?  
Điều này không có gì mới. Trong lịch sử, từ thời Lê Sơ, đạo hiếu được quy định rõ trong Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng. Bộ luật này phân định rõ ràng những hành vi được coi là “tội ác” gồm có 10 loại, gọi là “Thập ác”. 
Điều 7 trong thập ác quy định về tội bất hiếu: “Bất hiếu là các tội tố cáo hoặc dùng lời lẽ để chửi mắng, bỏ đói, bỏ rét ông bà, cha mẹ, hoặc khi có tang ông bà cha mẹ lại không để tang mà nhởn nhơ vui chơi”. 
Người phạm tội bị phạt đồ hình, đày đọa làm việc nặng nhọc, bắt làm khao binh vụ cho lính ở chiến trường, và trước khi đưa đi đày, kẻ bất hiếu bị đánh 80 trượng trước xóm làng để răn đe thói hư bất hiếu”. 
3. Ngày nay, tuy pháp luật nhà nước không có điều luật nào quy định “bất hiếu”, song hành vi “bất hiếu” vẫn có thể bị xử phạt hành chính. 
Luật Hôn nhân và gia đình nêu rõ, con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ. Phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt là khi cha mẹ già yếu, ốm đau. Nghiêm cấm ngược đãi, hành hạ, xúc phạm ông bà, cha mẹ... Vậy, hành vi đánh đập, mắng chửi, đày đọa, ngược đãi ông bà, cha mẹ đều là hành vi trái pháp luật. 
Những kẻ vi phạm “bổn phận” trên, nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị xử phạt hành chính. Còn nếu hành vi vượt quá mức độ “đạo đức” gây ra thương tích, tất nhiên kẻ phạm tội sẽ bị xử bằng luật... hình sự. 
Vậy, một người phạm tội có thể xử được, nhưng một kẻ không yêu thương cha mẹ thì ai sẽ xử? Sẽ có rất nhiều người trả lời, khi pháp luật không xử phạt, tòa án lương tâm sẽ lên tiếng. Với kẻ không có lương tâm, thì cái gì sẽ lên tiếng?
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét