Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2022

Ngày Hiền Mẫu Miền Gia Lai (26 & 27/08/2022)

Lễ Thánh nữ Mônica, bổn mạng các Bà Mẹ Công Giáo Miền Gia Lai – Giáo phận Kon Tum.

Do địa bàn rộng (gồm 7 Giáo hạt) và thành phần giáo dân đa sắc tộc, nên ngày lễ bổn mạng các Hiền Mẫu năm nay được tổ chức tại 2 địa điểm:

1. Nhà thờ Hoàng Yên, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, thuộc Giáo hạt Chư Prông, dành cho các bà mẹ công giáo người sắc tộc, ngày 26/08/2022.

2. Nhà thờ Thăng Thiên, Phường Tây Sơn, thuộc Giáo hạt Pleiku, dành cho các bà mẹ người Kinh, ngày 27/08/2022.

I. CÁC BÀ MẸ CÔNG GIÁO ĐA SẮC TỘC HÀNH HƯƠNG MỪNG LỄ BỔN MẠNG TẠI NHÀ THỜ HOÀNG YÊN NGÀY 26/08/2022

Hơn 2.000 bà mẹ công giáo Jrai, Bahnar…thuộc 7 Giáo hạt trong Miền Gia Lai đã qui tụ về Đền Thánh Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Hoàng Yên, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông để hành hương, cùng sinh hoạt và hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Mônica bổn mạng Hiền Mẫu, từ 7 giờ – 12 giờ Thứ Sáu ngày 26/08/2022 vừa qua. Đây là lần đầu tiên ngày hội Hiền Mẫu các sắc tộc được tổ chức tại Nhà thờ Hoàng Yên.

Từ sáng sớm, nhiều đoàn các bà mẹ trong sắc phục truyền thống của dân tộc mình đã lần lượt đổ về, tập trung và ổn định trong nhà thờ, cùng nhau đọc kinh sốt sắng.

Các mẹ đã khởi động với các màn sinh hoạt sôi nổi và đồng diễn trong tiếng cồng chiêng mở màn cho buổi sinh hoạt, có chủ đề: Giáo Hội hiệp hành.

Các mẹ đã khởi động với các màn sinh hoạt sôi nổi và đồng diễn trong tiếng cồng chiêng mở màn cho buổi sinh hoạt, có chủ đề: Giáo Hội hiệp hành.

Cha Đaminh Nguyễn Xuân Hùng, Hạt trưởng Chư Prông, đặc trách Hiền Mẫu Miền Gia Lại, cũng là cha xứ giáo xứ Hoàng Yên đã khai mạc buổi đại hội Hiền Mẫu.

Các mẹ bước vào lắng nghe phần chia sẻ (tiếng Jrai) do cha Giuse Trần Sỹ Tín, DCCT trình bày về chủ đề hiệp hành và các vấn đề khác liên quan đến đời sống của người mẹ sắc tộc trong gia đình, giáo hội và xã hội.

Sau đó, các hiền mẫu thảo luận chung, đặt những câu hỏi thắc mắc để các cha giúp giải đáp và bước vào phần diễn nguyện…

Đúng 10 giờ 30, Thánh lễ tạ ơn mừng kính thánh Mônica được Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum chủ tế. Cùng đồng tế có Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên Giám mục Giáo phận Kon Tum và 11 linh mục.

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

Ngày Hiền Mẫu Miền Kon Tum (25/08/2022)

Ngày lễ kính thánh nữ Mônica hàng năm (27/08) là ngày lễ bổn mạng và cũng là ngày gặp mặt truyền thống của các bà mẹ Công giáo Giáo phận Kon Tum.

Sau hơn 2 năm không thể tổ chức do dịch bệnh covid-19, năm nay Ngày Hiền Mẫu được tổ chức trở lại tại 2 Miền Kon Tum và Gia Lai.

Tại Kon Tum, nhà thờ giáo xứ Tân Hương là nơi được chọn để đón tiếp các hiền mẫu thuộc 3 Giáo hạt: Kon Tum, Đăk Hà và Đăk Mót qui tụ về gặp mặt, sinh hoạt và dâng thánh lễ mừng bổn mạng, vào Thứ Năm ngày 25/08/2022.

Công tác chuẩn bị cho ngày hội đã diễn ra khẩn trương, tích cực từ nhiều ngày trước với sự quan tâm của Đức Cha Giáo phận, dưới sự điều hành của quý cha phụ trách, quý cha trong ban tổ chức…và sự cộng tác nhiệt thành của ban điều hành hiền mẫu Miền Kon Tum cũng như hiền mẫu các Giáo hạt.

Sáng sớm ngày 25/08/2022 trời đổ mưa nặng hạt, nhưng đến 6 giờ thì cơn mưa bỗng dưng tạnh hẳn, báo hiệu phúc lành của Chúa ban xuống cho một ngày đầy ắp những sinh hoạt sống động và bổ ích. Thời điểm này cũng là lúc các mẹ lần lượt qui tụ về ngôi nhà thờ Tân Hương thân thương và cổ kính của Giáo phận. Dòng người ngày một đông dần đầy kín trong nhà thờ và cả chung quanh – dưới những mái vòm bằng bạt và dù che. Trong số đó có rất nhiều các mẹ đến từ các buôn làng giáo xứ sắc tộc. Một màn hình led khổ lớn lắp đặt bên ngoài trước tiền đường nhưng cũng không đủ cho tất cả mọi người.

Khi các mẹ chưa qui tụ đầy đủ và cũng chưa đến giờ khai mạc, nhưng một bầu khí sinh hoạt sôi động đã diễn ra với băng reo, cử điệu, hát.v.v. do các Sơ Dòng Đaminh Tam Hiệp và các Thầy hướng dẫn đồng hành.

Đúng 8 giờ 30, chương trình chính thức bắt đầu. Cha đặc trách Hiền Mẫu Miền Kon Tum Bênêđictô Nguyễn Văn Bình, tuy đang bị bệnh nhưng đã cố gắng đến khai mạc, cùng với cha Đaminh Trần Văn Vũ, thay mặt ngài tổ chức ngày họp mặt hôm nay.

Cha Đaminh đã giới thiệu những vị sẽ đồng hành, chia sẻ với các hiền mẫu qua những giờ thuyết trình, cầu nguyện, sinh hoạt.v.v., gồm: Sơ Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, Sơ Maria Nguyễn Thị Ánh Hồng, Sơ Maria Nguyễn Thị Kiều Tú (thuộc Hội Dòng Đaminh Tam Hiệp); và 2 Thầy: Anrê Nguyễn Nhật Trường và Giuse Nguyễn Văn Giang.

Nhân dịp này cũng giới thiệu thành phần Ban Điều Hành Hiền Mẫu của Miền Miền Kon Tum và của 3 Giáo hạt.

Cha Bênêđitô chủ sự kinh khai mạc với kinh Chúa Thánh Thần, lời cầu nguyện và tuyên bố khai mạc Ngày Hiền Mẫu Miền Kon Tum với chủ đề: “Mônica lan tỏa Tin Mừng trong gia đình”, với khoảng 4.700 các bà mẹ Công giáo đang hiện diện, đến từ 41 giáo xứ.

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

Thánh lễ Tuyên khấn lần đầu của các Nữ tu thuộc Hội Dòng Chúa Quan Phòng Portieux, Tỉnh Dòng Tây Nguyên

 

Sáng hôm nay, Thứ Tư 24/08/2022, vào lúc 5 giờ 30 tại nhà thờ giáo xứ Phương Quý Kon Tum đã diễn ra thánh lễ tuyên khấn lần đầu của 12 nữ tu thuộc Hội Dòng Chúa Quan Phòng Portieux, Tỉnh Dòng Tây Nguyên.

Thánh lễ do Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục giáo phận Kon Tum chủ tế. Cùng đồng tế có cha Tổng đại diện Giuse Đỗ Hiệu và 25 cha trong và ngoài giáo phận.

12 Sơ tiên khấn gồm có:

  1. Marie Nathanie Nguyễn Thị Hồng Nga

  2. Marie Nazaire Nguyễn Vũ Trường Vũ Huyên

  3. Marie Nicola Phan Thị Lý

  4. Marie Niceta Đinh Thị Hoài

  5. Marie Noel Nguyễn Thị Hồng Ngát

  6. Marie Némésia Ngô Thị Thanh Vân

  7. Marie Ninian Nguyễn Thị Mại

  8. Marie Trần Thị Sáng

  9. Marie Nuno Nguyễn Thị Diễm Thương

  10. Marie Nunzio Nguyễn Thị Quỳnh Hương

  11. Marie Nuccia Nguyễn Thị Cẩm Tiên

  12. Marie Nino Hoàng Thị Thanh Phương

Hiệp dâng thánh lễ tuyên khấn có Sơ Marie Chantal Bùi Thị Kim Loan, Bề trên Giám tỉnh Tỉnh Dòng và các Sơ trong Hội Dòng; quý tu sĩ nam nữ; quý thân nhân, gia đình, bạn bè xa gần và đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ Phương Quý cùng tham dự.

Thánh lễ được cử hành trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng.

Sau phần chia sẻ Tin Mừng của Đức Cha Aloisiô, nghi thức tuyên khấn của 12 khấn sinh bắt đầu.

Trong phần tuyên khấn, trước mặt Thiên Chúa, Đức Giám mục và cộng đoàn, các nữ tu lần lượt tuyên khấn ước muốn và lời hứa trung thành dấn thân phục vụ Chúa và Hội Thánh theo tinh thần và Hiến Pháp của chị em nữ tu Chúa Quan Phòng.

Sơ Bề trên Giám tỉnh nhận lời khấn của các khấn sinh và nhận các khấn sinh vào hàng ngũ chị em của Dòng từ nay tuân phục lời khấn: sống Khiết tịnh, Thanh bần và Vâng phục.

Các tân khấn sinh bước vào nghi thức thay tu phục. Khi khoác lên  mình bộ tu phục Nữ tu Chúa Quan Phòng, người nữ tu ý thức mình phải lìa xa những gì thuộc về thế gian, để mặc lấy sự thanh bần, đơn sơ của Đức Kitô, và tất cả các ơn cần thiết để trở thành nữ tu Chúa Quan Phòng chân chính. 

Nghi thức khấn dòng kết thúc, Thánh lễ được tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.

Trước khi kết thúc, Sơ Bề trên Giám tỉnh đại diện cho Hội Dòng và quý nữ tu mừng lễ tuyên khấn hôm nay bày tỏ lòng biết ơn đến Đức Cha Aloisiô, cha Tổng đại diện, quý cha, quý bề trên các Hội Dòng, nam nữ tu sĩ và toàn thể cộng đoàn, đã cùng với Hội Dòng dâng thánh lễ sốt sắng, trọng thể để tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cũng như chung vui với Hội Dòng trong ngày hồng phúc này.

Hoa Núi
WGPKT(25/08/2022) KONTUM

Nguồn: Giáo Phận Kon Tum

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

Khai mạc khóa huấn luyện ca trưởng Miền Kon Tum

Vào lúc 8 giờ ngày 15/08/2022, khóa học dành cho các ca trưởng miền Kon Tum đã khai mạc tại Trung tâm Mục vụ – TGM Kon Tum. Khoảng 130 ca trưởng đang phục vụ tại các giáo xứ, giáo họ trong miền Kon Tum bắt đầu trải qua khóa học kéo dài 3 ngày từ 15-17/08/2022, do nhạc sĩ Ngọc Linh hướng dẫn.

Khóa học vinh dự được Đức Cha Aloisiô – Giám mục giáo phận Kon Tum đến khai mạc và chúc lành. Đức Cha cũng gợi lên một vài ý tưởng chủ đạo cho các ca trưởng có mặt, dựa theo tinh thần của Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 48 ngày 03/05/2022 vừa qua về “Thánh lễ và Thánh nhạc”.

Cha Phêrô Vũ Trọng Hà Nguyên Khôi, trưởng ban Thánh nhạc giáo phận Kon Tum đã giới thiệu nhạc sĩ Ngọc Linh, người sẽ hướng dẫn khóa học này. Nhạc sĩ Ngọc Linh là một khuôn mặt quen thuộc trong làng Thánh nhạc Việt Nam, đã sáng tác nhiều bài thánh ca đang sử dụng trong phụng vụ. Và với kinh nghiệm dày dạn mấy chục năm viết nhạc, cũng như dạy nhạc hầu khắp các dòng tu, đan viện.v.v., hy vọng nhạc sĩ Ngọc Linh sẽ giúp các học viên ca trưởng nâng cao trình độ, để có thể điều khiển các ca đoàn giáo xứ cách bài bản và theo đúng phụng vụ hơn.

Trong khóa học này, các học viên sẽ được hướng dẫn về: Luyện thanh, Xướng âm đánh nhịp, Đánh nhịp và phác họa tiết tấu…Xen kẽ lý thuyết là phần thực hành cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại các ca đoàn giáo xứ.

Khóa học sẽ kết thúc lúc 16 giờ ngày 17/08/2022.

Minh Sơn
WGPKT(17/08/2022) KONTUM

Nguồn: Giáo Phận Kon Tum

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

Huyền bí nhà mồ Tây nguyên: Về những pho tượng đá ở tòa giám mục

Người Tây nguyên có tục làm tượng mồ, nhưng là bằng gỗ. Đá đối với họ nó vô tri như đất. Họ không biết làm đá, hay chính xác là tôi chưa nghe ai nói người Tây nguyên biết chế tác đá, và bản thân cũng chưa thấy.

Mới tháng 7.2022, tôi đưa nhà thơ Nguyễn Duy và PGS-TS Đào Tuấn Ảnh lên Kon Tum thăm thú mấy nơi, và tất nhiên nơi không thể không vào là tòa giám mục.

Là tôi đưa anh chị ấy vào, chứ chỗ này tôi chả lạ gì?

Đương thơ thẩn chụp ảnh mấy cây cổ thụ sót lại, dấu tích nơi đây từng là rừng, thì chị Đào Tuấn Ảnh vòng ra kêu tôi chụp giúp mấy cái ảnh, vì máy chị hết pin. Trời ạ, một dãy tượng đá.

Đây là khu mới mở nên tôi chưa biết, và cái dãy tượng đá có lẽ mới được đặt ở đấy. Vấn đề là, người Tây nguyên có tục làm tượng mồ, nhưng là bằng gỗ. Đá đối với họ nó vô tri như đất. Họ không biết làm đá, hay chính xác là tôi chưa thấy ai nói người Tây nguyên biết chế tác đá, và bản thân cũng chưa thấy, trừ món đàn đá vẫn đang còn chưa tường tận xuất xứ, và đàn đá đa phần là nhặt những gì có sẵn rồi tận dụng chứ đục đẽo thành tượng như thế này thì chưa thấy bao giờ.

Cũng cần nhớ là, trước đấy, người Tây nguyên từng biến chiêng cồng, ghè (ché) thành của mình.
 

Huyền bí nhà mồ Tây nguyên: Về những pho tượng đá ở tòa giám mục - ảnh 1

Tượng đá phong cách Tây nguyên ở tòa giám mục Kon Tum

VĂN CÔNG HÙNG


Nguyên thủy người Tây nguyên không làm được chiêng, mà họ đi mua/đổi về, từ người Kinh, người Lào, người Mã Lai... Họ chỉ làm một việc “đơn giản” nhưng nhờ thế mà chiêng nó mới thành chiêng Tây nguyên là... chỉnh chiêng, có người gọi hình tượng là lên dây chiêng. Chính nhờ những nghệ nhân tài hoa có tai nghe rất đặc biệt và đôi tay rất tài hoa này mà từ những cái chiêng được đúc, gò đồng loạt, giờ mỗi chiêng đảm nhận một nốt trong một dàn chiêng, dẫu dàn chiêng 7 chiếc hay mười mấy chiếc.

Cũng như thế là ghè/ché. Nguồn gốc có từ nhiều nơi, nhưng nhiều là từ vùng Chăm Ninh Thuận và Gò Sành Bình Định. Bà con Chăm Ninh Thuận có nghề gốm, kiểu đơn sơ nhưng độc đáo là nung trên mặt đất. Chính họ đã cung cấp khá nhiều ghè/ché cho bà con Tây nguyên. Và bà con Tây nguyên cũng chỉ làm một việc “đơn giản” là ủ rượu vào đấy. Men tự làm từ rễ cây và lá rừng. Bắp, mì (sắn), kê, gạo..., họ trồng trong rẫy, ủ cùng men, cho vào ghè, thế là thành rượu cần. Tưởng đơn giản thế mà nó là cả một vùng mênh mông bí ẩn, để không phải dễ gì, ai và ở đâu cũng có thể có rượu cần.
 

Và cũng như chiêng, khi về với Tây nguyên, nó trở thành... Tây nguyên. Có những bộ chiêng hàng trăm triệu thì cũng có những cái ghè trị giá hàng chục con trâu. Tôi từng rất hào hứng khi được giới thiệu ở nhà Amí Đanh ngay trung tâm xã Ia Mlá (Krông Pa, Gia Lai) có hai cái ghè cổ, một cái trị giá ba mươi con bò tức bằng nửa con voi tức khoảng một trăm năm mươi triệu và một chiếc trị giá hai mươi con bò khoảng một trăm triệu (thời điểm cách đây 30 năm). Cái ghè trị giá ba mươi bò tên là Prung và cái hai mươi bò tên Chanr...

Thì dẫn dắt để thấy người Tây nguyên có thể biến những thứ không phải của mình thành báu vật của mình, bắt thế giới công nhận.

Hôm ấy tôi đã cố đi tìm một cha cố trong tòa giám mục để hỏi nguồn gốc của những pho tượng dựng ở đấy. Nó được tạc theo tư thế tượng mồ, cũng những nét vạc thô, những khối ước lệ, kể cả những khuôn mặt tưởng rất cụ thể nhưng vẫn rất mơ hồ. Nó cũng như tượng truyền thống Tây nguyên, những khuôn mặt Tây nguyên không thể lẫn dẫu những nét vạc bằng dao tưởng rất vụng về. Ở đây ta nhận ra ngay những khuôn mặt cha cố Tây, thậm chí căn cứ theo những gì được đeo trước ngực ta còn biết cụ thể từng người. Nhưng nó vẫn hết sức... tượng mồ.

Tôi tâm đắc với ý kiến của nhà nghiên cứu Đào Tuấn Ảnh khi bà cho rằng: “Cứ nhìn kiến trúc nhà thờ thiên chúa giáo xây dựng ở VN, bắt đầu từ các thiết kế của các nhà truyền giáo phương Tây, sau là người Pháp, thì thấy họ còn “bản sắc dân tộc Việt” hơn người Việt. Các tỉnh phía bắc, các nhà thờ cổ đều được xây theo kiểu đình, đền, chùa, cung điện; còn Tây nguyên (Đà Lạt, Kon Tum...) - theo kiểu nhà rông có mái cong hình lưỡi rìu chổng ngược. Tượng Đức Mẹ và các thánh ở nhiều nhà thờ cũng được VN hóa, điển hình như tượng Đức Mẹ bồng con ở nhà thờ La Vang trong hình hài một phụ nữ Việt.

Còn tượng Đức Mẹ cụt tay ở Măng Đen (Kon Tum) thì có khuôn mặt nhang nhác phụ nữ Tây nguyên. Nhưng phải đến nhóm tượng các thánh ở sân chủng viện của nhà thờ ở Kon Tum thì choáng luôn. Tất cả các tượng đều được khắc bằng đá hoàn toàn theo phong cách tượng nhà mồ Tây nguyên. Không biết nhóm tượng này được làm từ khi nào, nhưng những ai nghiên cứu sâu về tượng nhà mồ Tây nguyên, thì sẽ thấy nó đã trở thành “khuôn mẫu”, để làm ra những bức tượng có “tích” hẳn hoi. Khuôn mặt các thánh được khắc họa thậm chí còn đơn giản hơn mặt tượng mồ Tây nguyên được khắc họa chỉ bằng vài nhát rìu. Nhưng người xem vẫn nhận ra từng vị thông qua những biểu tượng, ký hiệu riêng cũng được khắc họa cực đơn giản, nhưng mang tính khái quát cao. Cụm tượng này làm tôi nhớ tới quần thể tượng đá mô tả 15 sự màu nhiệm được chia thành 3 bộ của điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ (1936) thực hiện năm 1961 - 1962 theo phong cách hiện đại chủ nghĩa của phương Tây. Hai quần thể tượng có những nét tương đồng, và sự tương đồng lớn nhất đó là cả hai đều được sáng tạo trong sự thăng hoa thần thánh”.

Văn Công Hùng

Nguồn: https://thanhnien.vn/huyen-bi-nha-mo-tay-nguyen-ve-nhung-pho-tuong-da-o-toa-giam-muc-post1487747.html

THƠ TẶNG MẸ - FOR MOM (Nhân Mùa Vu Lan)

Theo Phật giáo, cũng như tín ngưỡng dân gian, tháng bảy âm lịch là tháng của mùa Vu Lan, tháng của chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ hội ngộ nhau trên cầu Ô thước. Tháng bảy cũng gắn liền với những cơn mưa ngâu bất chợt đến rồi đi. Xin cầu chúc cho các bạn và gia đình may mắn bình an, việc lành đem đến, việc dữ tránh xa. Hãy dành những giây phút ngắn ngủi để bên cạnh và báo hiếu cho cha mẹ các bạn nhé!


THƠ TẶNG MẸ

(Nhân mùa Vu lan)

 For Mom

 Some one who is very close

Some one who lives for you
Some one who cares for you like anything
Some one who cries for you
Some one who takes you tears
Some one who make you sleep
Some one who wakes you up
Some one who supports you all the time
Some one who touches you without disturbing you

Some one who is soft
Some one who shows the light
Some one who takes you away from the dark
Some one who helps you all through the life
Some one who encourages you at disappointments
Some one who touches you heart without talking to you
Some one who can understand you without hearing you
Some one who wants you to be always happy
Some one who enriches culture and good habits in you
Some one who is ready for you at any time
Some one who waits for you forever
Some one who never thinks about self

Some one who never shares her sorrows
Some one who always shares you sorrow
Some one who cries when you have a pain
Some one who keeps quiet when she is with pain

Some one who never expects any help from you
Some one who keeps thinking of you
Some one who is the richest of all by everything.

 Mother is her name.

To take care of you is her aim.

(Sưu tầm từ Internet)

   

Thơ tặng mẹ

Ai người gần gũi cận kề

Ai người luôn sống trọn bề vì con

Ai người chăm chút lo toan

Ai người từng khóc nỉ non bao lần

Ai người lau sạch lệ tuôn

Ai người ru vỗ giấc nồng con say

Ai người đánh thức sớm mai

Ai người che chở suốt ngày tháng năm

Ai người âu yếm dịu dàng

Ai người dịu ngọt nhẹ nhàng êm hơi

Ai người chỉ lối sáng ngời

Ai người dẫn bước khỏi đời tối đen

Ai người theo mãi đỡ nâng

Ai khích lệ lúc sẩy chân, ngã lòng

Người chưa nói, đã chạm hồn

Chẳng cần nghe, hiểu ngọn nguồn nông sâu

Mong con hạnh phúc bền lâu

Tài bồi văn hóa, giữ làu nếp hay

Ai người có mặt liền ngay

Ai người mong mỏi, chóng chày đợi trông

Ai không màng đến bản thân

Âu lo chẳng chút phân trần thở than

Nỗi buồn con, liền sẻ san

Ai chừng thổn thức biết rằng con đau

Ai đành nín lặng dù đau

Ai người chẳng đợi con mau đỡ đần

Thương con ghi khắc trong tâm

Ai người triệu phú – trao ban mọi điều

 Tên Người là Mẹ kính yêu

Một đời săn sóc sớm chiều con thơ.

  

(Lê Minh Sơn chuyển ngữ)

Kontumquehuongtoi
13/08/2022

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế Qui Nhơn Cụm Kon Tum: Thánh Lễ Tạ Ơn Gia Nhập Và Cam Kết Lần Đầu Của Hội Viên

Sáng Thứ Năm 11/08/2022, tại nhà thờ giáo xứ Phương Nghĩa (hạt Kon Tum), Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế Qui Nhơn Cụm Kon Tum đã hân hoan đón chào Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị – Giám mục Giáo phận Kon Tum đến cử hành thánh lễ tạ ơn với nghi thức gia nhập Bước Vào Giai Đoạn Huấn Luyện Chuyên Biệt và nghi thức Cam Kết Lần Đầu cho các hội viên.

Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế (HHMTGTT) do Đức Cha Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa Tiên khởi Đàng Trong thành lập năm 1670, song song với dòng nữ Mến Thánh Giá, gồm những giáo dân nam và nữ, để cộng tác với ngài trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Tại Giáo phận Kon Tum từ lâu cũng đã có các thành viên trực thuộc HHMTGTT Giáo phận Qui Nhơn (Cụm Kon Tum), dự phần vào tinh thần thiêng liêng với Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, làm việc tông đồ và tiến tới sự hoàn thiện dưới dự điều hành tối cao của Hội Dòng.

Trong thánh lễ đặc biệt hôm nay có 28 hội viên bước vào giai đoạn Huấn Luyện Chuyên Biệt và 27 hội viên Cam Kết Lần Đầu. Ngoài ra còn có một số hội viên Cam Kết Lại.

Đúng 9 giờ, đoàn rước Đức Cha chủ tế và quý Cha tiến lên bàn thờ. Cùng đồng tế với Đức Cha Aloisiô có Cha Antôn Vũ Đình Long, chính xứ Phương Nghĩa và Cha Simon Phan Văn Bình, linh mục niên trưởng, nhà hưu TGM Kon Tum.

Hiệp dâng thánh thánh lễ có Sơ Têrêxa Mẫu Hằng, tổng trợ úy  HHMTGTT/QN – Cụm Kon Tum, quý Sơ dòng MTG, các thành viên hiệp hội, quý khách và một số giáo dân giáo xứ Phương Nghĩa.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha mời gọi cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho ý định của các anh chị em theo linh đạo Mến Thánh Giá. Chúa mời gọi tất cả chúng ta muốn đi theo Chúa thì phải vác Thánh Giá, nhưng cũng có những người yêu mến và sống mầu nhiệm Thánh Giá cách đặc biệt trong cuộc sống của mình.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức Cha đề cập đến ơn gọi quan trọng của mọi Kitô hữu: đó là sống nên thánh, sống nên trọn lành như Cha trên trời. Qua bí tích rửa tội, người Kitô hữu được hiến thánh và được mời gọi sống ngày một nên hoàn thiện. Các hội viên HHMTGTT/QN, thuộc gia đình Hội dòng MTG Qui Nhơn muốn đào sâu và tập sống linh đạo MTG cũng nhằm mục đích để nên thánh giữa đời thường. Chính Thiên Chúa đã yêu thương trước, chọn gọi anh chị em và một khi đã yêu mến Thánh Giá thì anh chị em phải chấp nhận đi ngược dòng, chấp nhận sống ngược đời như đòi hỏi trong Tám Mối Phúc Thật vừa được công bố qua bài Tin Mừng.

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Giáo xứ Măng La mừng 50 măm thành lập Giáo xứ và các em lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức

 

Thứ Bảy ngày 06/08/2022, giáo xứ Măng La (giáo hạt Kon Tum) hân hoan cử hành thánh lễ tạ ơn mừng Kim Khánh thành lập giáo xứ (1972-2022). Nhân dịp này giáo xứ có thêm niềm vui 90 em được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm sức.

Thánh lễ do Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị – Giám mục giáo phận Kon Tum chủ tế; cha Tổng đại diện Giuse Đỗ Hiệu và một số quý cha trong giáo phận đồng tế. Đặc biệt có sự hiện diện của cha chính xứ đương nhiệm Gioakim Nguyễn Hữu Tuyến và 2 cha nguyên chính xứ: Phaolô Nguyễn Đức Hữu và Gioan Nguyễn Đức Trường.

Hiệp dâng thánh lễ có quý tu sĩ nam nữ và đông đảo bà con giáo dân trong cũng ngoài giáo xứ, quý ân thân nhân và quý khách ngoài giáo phận cũng đến mừng lễ chia vui với giáo xứ.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha chúc mừng giáo xứ Măng La hôm nay có niềm vui kép, và mời gọi cộng đoàn cầu xin Chúa Thánh Thần xuống dồi dào ơn thánh hóa trên cộng đoàn giáo xứ, đặc biệt trên các em lãnh nhận Bí tích tích Thêm sức.

Thánh lễ diễn ra tôn nghiêm, sốt sắng với phụng vụ lễ Chúa Thánh Thần, mang đậm nét truyền thống sắc tộc Bahnar, xen kẽ tiếng Việt.

Sau lời nguyện hiệp lễ, một vị đại diện giáo xứ tỏ bày tâm tình cảm ơn Đức Cha giáo phận, cha Tổng đại diện, quý cha quản hạt, cha chính xứ và quý cha nguyên chính xứ, quý cha đồng tế; quý tu sĩ nam nữ, đặc biệt các Sơ Dòng Chúa Quan Phòng đã hiện diện đồng hành từ thời kỳ đầu thành lập giáo xứ; cảm ơn quý ân thân nhân và mọi thành phần trong cộng đoàn hiện diện.

Cha Phaolô Nguyễn Đức Hữu, nguyên chính xứ tiên khởi đã ngỏ lời với cộng đoàn, mời gọi mọi người hãy cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa vì biết bao ơn lành Chúa đã thương ban cho giáo xứ trong suốt hành trình 50 năm qua, và mỗi người con của giáo xứ phải biết sống thế nào cho xứng đáng với hồng ân mình đã lãnh nhận.

Trong huấn từ cuối lễ, Đức Cha một lần nữa thay mặt cho giáo phận chúc mừng cha xứ và cộng đoàn tín hữu Măng La. Đức Cha cũng nhắn nhủ quý phụ huynh và các em vừa lãnh nhận phép Thêm sức, sau khi lãnh nhận bí tích các em cần phải tiếp tục sống đạo tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, qua việc học giáo lý, tham dự thánh lễ…để nên chứng nhân của Chúa trong giáo xứ của mình và cho anh chị em trong vùng.

Được biết giáo xứ  Măng La từ thời kỳ đầu truyền giáo đã in dấu chân các vị Thừa sai, đến năm 1893 làng Măng La đón nhận Tin Mừng và cộng đoàn tín hữu này trực thuộc địa sở Kon Hngo – Phương Quý. Trải qua thời gian sống đức tin và phát triển, đến năm 1972, Măng La được tách thành giáo xứ độc lập với linh mục chính xứ tiên khởi là cha Phaolô Nguyễn Đức Hữu. Năm Thánh 2000, giáo xứ hoàn thành xây dựng ngôi nhà thời mới với kiến trúc độc đáo theo mô-típ nhà rông Tây Nguyên. Hiện nay giáo xứ có hơn 8.000 tín hữu, đa số sắc dân Bahnar và khoảng 250 giáo dân người Kinh. Từ giáo xứ đã xuất thân 2 linh mục, 3 thầy dòng, 43 nữ tu và hiện có 9 em đang theo đuổi ơn gọi tận hiến.

Minh Sơn
WGPKT(08/08/2022) KONTUM

Nguồn: Giáo Phận Kon Tum

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2022

Giáo xứ Bon Ama Djơng: Thánh Lễ cầu nguyện cho Cha cố Phêrô Nguyễn Đức Mầu

 

          Hôm nay, thứ Sáu, ngày 5 tháng 8 năm 2022, cộng đoàn dân Chúa gồm anh chị em Jrai đang được quý Cha Dòng Chúa Cứu Thế chăm sóc mục vụ và cả người Kinh có mối liên hệ đã về với giáo xứ Bon Ama Djơng để cùng nhau hiệp dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho Cha Cố Phêrô Nguyễn Đức Mầu. Cha Cố Phêrô chính là linh mục nhạc sĩ Hoàng Đức (cha Cố Phêrô thuộc Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại). Cha Cố Phêrô đã sáng tác nhiều bài thánh ca, trong đó có nhiều bài rất phổ biến như: Hành Trang Người Trẻ, Người dẫn con đi, Tôi thâm tín, Bước người đi qua, …

          9 g 30, sau khi cộng đoàn nghe sơ lược tiểu sử của Cha Cố Phêrô, cộng đoàn bước vào Thánh Lễ. Tiểu sử của Cha Cố phần nào họa lại cuộc đời của một tu sĩ thừa sai luôn hướng cuộc đời mình đến sứ vụ loan báo Tin Mừng cách đặc biệt cho anh chị em Jrai. Cha Cố Phêrô là một trong bốn vị thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế đầu tiên tham gia vào sứ vụ Jrai.

          Chủ tế Thánh Lễ hôm nay là Cha Maccô Bùi Duy Chiến – Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế Nhà Pleiku. Cùng hiệp thông trong Thánh Lễ có Cha Quản Hạt Ayunpa và cha phó xứ Phú Bổn, Cha Bề Trên cộng đoàn dòng Đaminh đang phục vụ tại giáo phận Kontum, Cha Batôlômêô Nguyễn Đức Thịnh, C.Ss.R. – Chánh xứ Bon Ama Djơng, Cha Bề Trên cộng đoàn DCCT Mang Yang, Cha Bề Trên cộng đoàn DCCT Buôn Ma Thuột, quý Cha Dòng Chúa Cứu Thế đang phục vụ cánh đồng truyền giáo thuộc giáo phận Kontum và cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài giáo xứ cùng quý nam nữ tu sĩ. Đặc biệt có sự hiện diện của gia đình người em út của Cha Cố Phêrô đến từ thành phố Kontum và các cháu nữa.

          Cha Maccô ngỏ lời chào quý Cha, quý tu sĩ và cộng đoàn cũng như mời cộng đoàn cùng hiệp thông cầu nguyện cho Cha Cố Phêrô trong Thánh Lễ này.

          Sau khi Cha Batôlômêô công bố Tin Mừng, Cha Giuse Trần Sĩ Tín chia sẻ Lời Chúa với cộng đoàn. Cha Giuse nói với cộng đoàn là Cha nhận chia sẻ trong Thánh Lễ này vì Cha Giuse là người còn lại trong nhóm thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế đầu tiên tham gia vào sứ vụ Jrai và dĩ nhiên là người đương thời với Cha Cố Phêrô.

          Cha Giuse mời cộng đoàn cùng hướng đến cũng như cùng tin tưởng cảm tạ đội ơn Cha vì Cha đã yêu thương những người Cha chọn … Vì tin như thế nên cộng đoàn phó thác cha Cố Phêrô trong tình thương của Thiên Chúa. Cha Giuse kể lại kỷ niệm của những ngày sống với nhau và với sứ vụ Jrai với Cha Cố Phêrô. Cha Giuse điểm cũng như hát lại các bài hát mà Cha Cố đã sáng tác. Cách đặc biệt Cha Giuse nhắc lại nguồn gốc của bài hát rất nổi tiếng “Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời …”. Bài hát đó sáng tác nhân dịp Cha Giuse lãnh sứ vụ linh mục ngày 8 tháng 12 năm 1972 tại Bon Ama Djơng. Cha Giuse cứ nhấn đi nhấn lại tinh thần của nhóm đó là cầu nguyện với Thánh Kinh để nhờ đó nuôi dưỡng đời sống đức tin của anh chị em Jrai …

          Trước khi Thánh Lễ khép lại, em út của Cha Cố đã đại diện gia đình ngỏ lời cảm ơn quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa. Người em này cũng nói lên ước nguyện của Cha Cố là hoàn thành bản dịch Thánh Kinh sang tiếng Jrai và được chết giữa anh chị em Jrai. Cùng với quý Cha, gia đình sẽ thực hiện nguyện ước của Cha Cố là in Thánh Kinh tiếng Jrai.

          Quý cha và cộng đoàn cùng niệm hương trước di ảnh của Cha Cố sau phúc lành từ linh mục chủ tế. Ước mong của mọi người đó là xin Chúa thương mau đón nhận Cha Cố Phêrô sớm hưởng Nhan Thánh Chúa.

          Sau những biến cố thăng trầm của cuộc đời, Cha Cố đã hoàn thành sứ mạng của mình và đã chết trong Dòng. Như lời của Cha Thánh Anphongsô thì ai bền đỗ trong dòng, chắn chắn sẽ được cứu độ thì chúng ta cũng tin Cha Cố Phêrô sẽ được hưởng ơn cứu độ.

          Chúng ta cùng hiệp lời tạ ơn Chúa với Cha Cố Phêrô với 80 năm tuổi đời, 59 năm khấn dòng và 52 năm linh mục trong Dòng Chúa Cứu Thế. Và rồi chúng ta cũng không quên cảm ơn vì dòng nhạc đặc biệt, những bài giảng thật hùng hồn và nhất là lửa truyền giáo cũng như những di sản mà Cha Cố Phêrô đã để lại cho chúng ta. Ghi ơn và tiếp tục cầu nguyện cho Cha Cố để rồi khi Cha Cố gần Chúa, Cha Cố sẽ chuyển cầu cho sứ vụ truyền giáo nơi mỗi người chúng ta.

Lm. Anmai, CSsR
WGPKT(06/08/2022) KONTUM


Nguồn video: Kênh YouTube Anmai CSsR