Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

Ai là thủ phạm đã đốt chết mấy trăm giáo dân Thiên Chúa Giáo ở Biên Hòa và Bà Rịa vào năm 1861-1862?

 


Tại Nam Kỳ dưới thời vua Tự Đức vào khoảng thời gian 1861-1862, có hai vụ án mạng lớn xảy ra tại hai nơi, Biên Hòa và Bà Rịa. Trong hai vụ án này, có đến mấy trăm người Việt đã bị đốt chết tập thể. Thế nhưng hai vụ án mạng trọng đại này lại không hề được nhắc đến trong chính sử Việt Nam, mãi cho đến ngày hôm nay.

Bài viết này sẽ mở ra việc tìm hiểu và đi đến kết luận rằng ai là thủ phạm của hai vụ án mạng nghiêm trọng đó.

Sau khi phá vỡ chiến lũy Chí Hòa tại Sài Gòn vào tháng 2 và chiếm thành Mỹ Tho vào tháng 4 năm 1861, liên quân Pháp – Tây Ban Nha chuyển tầm ngắm sang Biên Hòa, tỉnh cuối cùng của ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường). Tháng 11 năm 1861, Đề Đốc (Contre-Amiral) Louis Adolphe Bonard được cử sang Nam Kỳ để thay thế cho Phó Đô Đốc (Vice-Amiral) Leonard Victor Charner làm chỉ huy liên quân Pháp – Tây. Giữa tháng 12 năm 1861, dưới sự chỉ huy của Bonard và đại tá Tây Ban Nha Carlos Palanca Gutiérrez, liên quân Pháp-Tây chiếm luôn thành Biên Hòa của nhà Nguyễn.

Nhưng có một điều khác biệt rất lớn giữa cuộc tấn công thành Biên Hòa lần này với các lần chiếm thành Gia Định và Mỹ Tho trước đó. Sự khác biệt là sau khi vào thành Biên Hòa thì liên quân Pháp – Tây tìm thấy những thi thể chết cháy của mấy trăm giáo dân Thiên Chúa Giáo người Việt. Những người này đã bị ngọn lửa thiêu chết vào đêm hôm trước.

Và đây là một sự kiện lịch sử mà rất ít người Việt được biết. Có thể nói đây là một góc khuất trong lịch sử Việt Nam, vì sử Việt do vô tình hay cố ý đã không hề nói gì đến sự kiện này. Các sách sử của người Việt, khởi đầu từ bộ sử chính thống Đại Nam Thực Lục Chính Biên của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, đến các tác phẩm thuộc loại "kinh điển" về sau như Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, hoặc thậm chí đến những bài viết thuộc loại nghiên cứu sâu hơn về thời kỳ này trong cuốn "Kỷ Niệm 100 Năm Pháp Chiếm Nam Kỳ" – hoàn toàn không có một dòng nào về hai vụ án mạng nói trên tại Biên Hòa và Bà Rịa.

Nhưng gần đây, trong một bài viết tại Việt Nam ngày 3/6/2016 với tựa đề "Bí Ẩn Chưa Biết Về Dấu Tích Mộ Tập Thể Dựng Tóc Gáy Ở Biên Hòa" [1], tác giả Trí Bùi đã sử dụng những tài liệu được cung cấp bởi nhà nghiên cứu Lê Ngọc Quốc tại Biên Hòa để cho biết rằng ngay tại trung tâm thành phố Biên Hòa có một nơi đã từng là mồ chôn tập thể của hơn 400 giáo dân người Việt; và những người này đã bị đốt chết bởi quan quân nhà Nguyễn khi quân Pháp đánh chiếm thành Biên Hòa vào tháng 12 năm 1861.

Ngay sau đó, để trả lời bài viết của Trí Bùi, nhà nghiên cứu Tôn Thất Thọ, với bút hiệu Tôn Châu Quân, đã viết bài "Đâu Là Sự Thật Lịch Sử" đăng trên Tạp Chí Xưa Và Nay, số tháng 3 năm 2017. Cũng chính bài viết này đã được ông cho lên trang mạng Nghiên Cứu Lịch Sử (nghiencuulichsu.com). Và theo kết luận của ông Tôn Thất Thọ trong bài viết thì:

"Như thế đã rõ. Sự thật lịch sử đã được tuần báo Pháp phổ biến sau sự kiện trên chưa tròn 2 tháng!: Lửa cháy là do chiếc pháo hạm của thực dân Pháp nổ đại pháo gây nên; hậu quả làm 75 (sic) người chết. Quan quân nhà Nguyễn không thể chống cự nổi nên phải bỏ chạy." [2]

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

TẾT ỔN là sao? TẾT VUI là sao?

🌸TẾT ỔN là sao? TẾT VUI là sao? 🌸
...Là mình sum vầy và cùng có nhau.
Gia đình vẫn đó, sức khỏe ta có,
Thế thôi, là TẾT ỔN rồi !
(Thân gửi đến các bạn trẻ, gửi đến những ai đang băn khoăn, do dự, chọn lựa, ...
....... Tết nay có về ???????)





Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

Chuyến Viếng Thăm Của Hoàng Đế Bảo Đại Tới Kontum

 

Nhà thờ Chính tòa Kontum
(Ảnh:Annales des MEP, 1933)
(

CHUYẾN VIẾNG THĂM CỦA HOÀNG ĐẾ BẢO ĐẠI TỚI KONTUM

(Visite de l’Empereur d’Annam à Kontum)

Vào khoảng giữa tháng Giêng năm 1933, Kontum được chính thức thông báo rằng thị xã sắp đón chuyến viếng thăm của Hoàng đế Bảo Đại, đó là một niềm vui lớn và cũng là… một tin chấn động lớn. Người dân, theo chỉ dẫn của chính quyền địa phương, háo hức bắt đầu tô điểm cho thành phố một cách tốt nhất có thể.

Đoàn rước hoàng đế, trong trường hợp này là hàng chục chiếc xe sang trọng, rời Qui Nhơn vào rạng sáng thứ Tư ngày 15 tháng 2, đến Pleiku, thủ phủ của tỉnh mới vừa được thành lập trên cao nguyên Jơrai vào khoảng 11 giờ trưa. Tại đây, trong buổi chiêu đãi chính thức, Hoàng đế đã trao tặng Cha Corompt (cố Hiển) huy chương Nam Việt Long Bội Tinh (L’Ordre du Dragon d’Annam) và trao tặng Cha Phan huân chương Kim Tiền (L’Ordre du Kimtien), cả hai đều là những người tiên phong truyền giáo và mở rộng miền trung Việt Nam ở những vùng xa xôi này.

Hoàng đế Bảo Đại
(Ảnh:Annales des MEP, 1933)

Sáng hôm sau đến lượt Kontum. Một ngai vàng được dựng lên trong hội trường danh dự của tỉnh. Hoàng đế vào vị trí ở đó, bên phải là các quan chức cao cấp trong triều đình, bên trái là các quan chức Pháp và các thành viên của Hội truyền giáo Kontum. Sau đó các nghi lễ chào mừng diễn ra, với nghi thức nghiêm ngặt theo lối xưa. Nghi lễ kết thúc, Hoàng đế bước xuống khỏi ngai vàng và lui vào một lúc để cởi bỏ những đồ trang sức của hoàng gia: áo dài và khăn xếp bằng lụa màu vàng được trang trí bằng vàng và đá quý; ngai vàng được dỡ bỏ và thay thế bằng ghế ngồi. Bệ hạ trở lại trong bộ trang phục đơn giản hơn và sau đó đón nhận lời chào mừng từ những người tham dự. Ông đáp lại bằng lời ân cần cảm ơn, bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với những gì đã được thực hiện ở vùng đất này và đảm bảo rằng triều đình sẽ luôn luôn đồng ý với quan điểm của Chính phủ bảo hộ trong mọi việc liên quan đến phúc lợi của người dân.

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

Lá Thư Penang Của Petrus Trương Vĩnh Ký – 1859

 


Winston Phan Đào Nguyên, Esq.; L.M. Nguyễn Công Đoan, SJ, L.M. Trần Quốc Anh, SJ,

chuyển dịch Việt ngữ và chú thích

PHẦN 1

GIỚI THIỆU LÁ THƯ PENANG

I. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ PETRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ VÀ BỐI CẢNH LỊCH SỬ AN NAM – NAM KỲ TRONG GIAI ĐOẠN 1859-1860

Petrus Trương Vĩnh Ký sanh ngày 6 tháng 12 năm 1837 tại Cái Mơn, Vĩnh Long, dưới thời Minh Mạng. Năm 1845, vào tiểu chủng viện Cái Nhum học với linh mục Henri Borelle (tên Việt là Hoà). Năm 1849, học với linh mục Charles-Émile Bouillevaux (tên Việt là Long) lúc đó mới từ Pháp sang Cái Nhum. Năm 1850, đi cùng linh mục Bouillevaux sang học tại chủng viện Pinhalu bên Cao Miên. Năm 1851, được nhận vào học ở đại chủng viện (Trường Chung) ở Penang (Poulo Pinang, Pulau Penang) tại Mã Lai (Malaysia). Năm 1858, trở về Cái Mơn sau khi mẹ chết. 

Vào khoảng thời gian này, liên quân Pháp – Tây (Ban Nha) bắt đầu tấn công Đà Nẵng.  Cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1858, dưới quyền chỉ huy của Phó Đô Đốc (Vice Amiral) Rigault de Genouilly, liên quân chiếm bán đảo Sơn Trà và bắt đầu cuộc chiến với triều đình nhà Nguyễn. Sau khi thấy không thể tiến đánh Huế được, Rigault de Genouilly chuyển hướng qua tấn công Nam Kỳ. Ngày 18 tháng 2 năm 1859, liên quân chiếm thành Gia Định.

Một trong những phản ứng đầu tiên của Triều đình Huế là gia tăng việc bắt đạo ngay sau khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha đánh Đà Nẵng. Trong hoàn cảnh đó, vào mùa thu năm 1858, sau sáu năm học tập ở đại chủng viện Penang, vì mẹ chết nên Petrus Ký trở về quê nhà ở Cái Mơn. Và trong thời gian vài tháng đầu khi mới trở về, Petrus Ký phụ giúp linh mục Henri Borelle (tức Hoà) dạy học tại tiểu chủng viện Cái Nhum, nơi gần với quê nhà ông ở Cái Mơn. Cả hai nơi này đều có nhiều giáo dân Thiên Chúa Giáo người Việt. Họ được linh mục Borelle,người phụ tá cho giám mục Dominique Lefèbvre, coi sóc. Và giám mục Lefèbvre (tên Việt là Ngãi) chính là người cai quản giáo dân của toàn thể địa phận Tây Đàng Trong, bao gồm cả xứ Cao Miên và lục tỉnh Nam Kỳ.

Chiến dịch bắt đạo tại miền Tây Nam Kỳ của nhà Nguyễn sau khi quân Pháp đánh Đà Nẵng được khởi đầu với cuộc lùng bắt linh mục Henri Borelle và các phụ tá của ông tại Cái Nhum vào ngày 9 tháng 12 năm 1858. Petrus Ký, một phụ tá của linh mục Borelle, đã may mắn thoát được cuộc lùng bắt này và chạy lên Sài Gòn tị nạn.

Đó là bối cảnh lịch sử cho lá thư Penang.

Và đó cũng là bối cảnh lịch sử cho một lá thư khác được ký tên Petrus Key, mà chúng tôi cho rằng là một bức thư mạo danh Petrus Ký như một người theo đạo Thiên Chúa có gốc gác ở miền Lục Tỉnh đã viết thư cầu cứu quân Pháp sang Việt Nam để giải cứu giáo dân Việt Nam đang bị nhà Nguyễn truy bắt.

Để biết thêm về lá thư ký tên Petrus Key nói trên, xin xem: «Petrus Key  và Petrus Ký – Chuyện Một Lá Thư Mạo Danh Trương Vĩnh Ký vào Thế Kỷ 19» / Winston Phan Đào Nguyên, tại URL này :

https://petruskyaus.net/petrus-key-va-petrus-ky-chuyen-mot-la-thu-mao-danh-winston-phan-dao-nguyen/

II. LAI LỊCH CỦA LÁ THƯ PENANG

Chúng tôi có được bản phóng ảnh (photocopy) và bản dịch tiếng Pháp một lá thư bằng chữ La-tinh viết tay của Petrus Ký (Lá thư Penang) gửi cho các bạn đồng học ở Penang, là do bà Christine Nguyễn trao lại. Bà Christine Nguyễn, một hậu duệ (cháu cố) của Petrus Trương Vĩnh Ký, trong khi nghiên cứu làm luận văn Cao học ngành Thư Viện Học (Master of Library Science) tại Graduate School of Library and Information Studies, New York năm 1992, đã được Linh Mục Moussay của Thư viện Hội Thừa Sai Paris (Missions Étrangères de Paris, 128 Rue du Bac, 75007 Paris, France), tặng cho bản phóng ảnh lá thư Penang của Petrus Ký đang được lưu trữ trong Thư viện của Hội. Một bạn học người Pháp của bà Christine Nguyễn là Anne Madelin đã nhờ linh mục Antoine Lauras thuộc Dòng Tên (Société des Jésuites = S.J.), giáo sư dạy văn chương Hy-lạp và La-tinh tại các Đại Học ở Paris, dịch ra một bản tiếng Pháp.

Nhưng vì là một bản viết tay hơn 150 tuổi, lại thêm kỹ thuật sao chụp hơn hai chục năm trước (1990) chưa đủ tiến bộ, rất khó khăn để có thể đọc được thông suốt lá thư này. Thêm nữa, vì có lẽ giáo sư Antoine Lauras không biết tiếng Việt, cũng như địa dư, văn hóa và lịch sử Việt Nam, nên bản dịch bằng tiếng Pháp của ông có nhiều chỗ rất khó hiểu, hoặc không được chính xác.

Do đó, trong nỗ lực nghiên cứu lá thư Penang một cách khoa học, chúng tôi cần trước hết là đọc được toàn văn lá thư bằng tiếng La-tinh từ bản chép tay. May mắn nhờ hai tu sĩ là linh mục Dòng Tên người Việt đang nghiên cứu làm luận văn tiến sĩ về lịch sử Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam – một người ở Paris, một người ở Rome – chúng tôi đã có được một bản sao chụp với kỹ thuật số mới (digital copy) rõ ràng hơn. Từ đó, chúng tôi đã có thể đọc ra và chép lại được toàn văn lá thư bằng tiếng La-tinh.

Tiếp theo, chúng tôi đã cùng làm việc để hiểu, chép lại, và dịch chính xác tối đa lá thư Penang từ tiếng La-tinh ra tiếng Việt, với tôn chỉ là phải giữ lại giá trị lịch sử của văn bản này càng nhiều càng tốt.  Vì lý do đó, chúng tôi đã cố gắng dịch nhưng vẫn giữ lại thứ tự trong câu y nguyên như văn bản La-tinh – cho dù việc này làm cho bản dịch có vẻ không mấy văn chương – nhưng lại tiện lợi cho việc so sánh giữa nguyên bản và bản dịch. Kế đến, chúng tôi đã cố gắng chuyển sang tiếng Việt cho gần giống với văn phong của ông Petrus Trương Vĩnh Ký, một người Nam Kỳ ở thế kỷ 19. Việc này rất khó khăn, vì chúng tôi không thể dùng những chữ đang được dùng một cách phổ thông ngày nay nhưng lại không có trong thế kỷ 19, do chúng chỉ xuất hiện sau đó vào thế kỷ 20. Sau cùng, để người đọc có thể hiểu rõ thêm nội dung lá thư, chúng tôi, trong khả năng của mình, đã cố gắng làm đầy đủ những chú thích về những sự kiện và nhân vật lịch sử được nói đến trong thư, cũng như những đoạn văn liên quan đến Thánh Kinh hay những châm ngôn điển tích Hy-La đã được tác giả nêu ra trong thư.

III. NHỮNG ĐIỂM CHÍNH CỦA LÁ THƯ PENANG

Lá thư Penang là một trong những tài liệu lịch sử nguyên bản vào thế kỷ 19 rất hiếm hoi của Việt Nam. Nhưng lá thư này đặc biệt đáng được lưu ý vì hai lý do sau đây:

– Lý do thứ nhất, tuy là thư của một người trong cuộc viết cho bạn bè ở trường đào tạo giáo sĩ Công Giáo tại Penang để kể cụ thể và chi tiết về một vụ bắt bớ các tín hữu theo đạo Thiên Chúa ở Cái Mơn (Vĩnh Long) và Đầu Nước (Châu Đốc), nhưng qua đó tác giả giúp chúng ta hiểu thêm nhiều về bối cảnh lịch sử, chính trị và xã hội của nước ta và riêng của xứ Nam Kỳ.

– Lý do thứ hai, tác giả bộc lộ rõ ràng thái độ của mình là người kế thừa xác tín của những người tin thờ Thiên Chúa. Qua lá thư Penang, Petrus Ký cho thấy là đã không bao giờ trông chờ vào ngoại bang hay bạo lực để giải thoát các tín hữu khỏi bị bắt bớ giết hại vì theo đạo. Trước những nghịch cảnh khi bị lùng bắt, ông chỉ trông cậy vào Thiên Chúa. Sau cùng, ông cho rằng việc quân Pháp đánh Việt Nam với danh nghĩa để giải cứu các giáo dân, thật ra chỉ làm cho tình hình của giáo hội Việt Nam ngày càng thêm bi đát hơn mà thôi.

Sau đây là bản dịch sang quốc ngữ Lá Thư Penang của Petrus Ký.

Phần ghi chú và phụ lục được cho vào cuối bản dịch để giải thích thêm về lịch sử Việt Nam, điển tích trong Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo, để độc giả hiểu rõ thực trạng lúc bấy giờ đã được Petrus Trương Vĩnh Ký mô tả cặn kẽ trong Lá Thư này

***

Chúng tôi xin cám ơn bà Christine Nguyễn, Anne Madelin, hai tu sĩ nghiên cứu sinh ở Paris và Rome, bà Phạm Thị Lệ-Hương, bà Nguyễn Thế Học (tức nhà văn Phạm Thảo Nguyên), bà Nguyễn Thị Nga, Bác sĩ Tiêu Minh Thu, và ông Vũ Nguyễn, đã cung cấp tài liệu ban đầu, phối hợp mọi việc để giúp cho chúng tôi hoàn thànhdịch sang quốc ngữ Lá Thư Penang này.

California, tháng 1-2021

Winston Phan Đào Nguyên
LM Nguyễn Công Đoan, SJ
LM Trần Quốc Anh, SJ

PHẦN 2

BẢN DỊCH QUỐC NGỮ LÁ THƯ PENANG

***

A. M. D. G.1

Gởi tất cả anh em của tôi tại

Trường Chung2 truyền giáo hải ngoại ở Pulo-Pinang

__________________________________________________

Xin dọn lòng3 và đón nhận cuộc Chạy Trốn Nhiều Chuyện4, các anh em của tôi

Từ Nam Kì lục tỉnh hoặc Từ Tây Đàng Trong5

A. M. D.G. M6

___________________________________________________

1859

Người anh em của các anh em, Pet. Ký

Chữ Ký

[Phóng ảnh chữ ký của Trương Vĩnh Ký trích từ trang đầu của thư viết tay bằng La-tinh]

 

[Trang 1 này không liên quan tới lá thư, chỉ là một tờ dùng làm bìa, và được lấy từ một cuốn sổ dùng để ghi số người lãnh nhận các bí tích năm 1858, ở Hà Giang, tỉnh Long Tường]

 

A.M.D.G.   A.M.D.G.M

J.M.J7

____________________________________________________

Vì chưng thời giờ không cho phép tôi viết riêng cho từng anh em, mà tôi cũng không có huỡn để làm rầy tai người khác; tôi mong là không làm anh em phiền lòng khi tôi kể ra đây cho mọi người về những việc đã xảy ra, mà nếu viết cho từng người, thời tôi cũng phải kể. Thời gian và nơi chốn dễ dàng dong thứ cho tôi. Những gì tôi kể dưới đây về các người xưng đạo8, là sự thật, vì chưng những đều ấy đã được thuật lại, bởi các người đã nhận lịnh của bề trên có chức quờn9 để làm việc này, ngay tại nơi xét xử.10

Thưa anh em rất thân mến của tôi trong Đức Christo (Khi-ri-xi-tô)11.

Chúc tụng Đức Chúa Trời là Cha Đức Chúa Giê-su12 Khi-ri-xi-tô Chúa chúng ta, là Cha hay thương xót và là Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi, ngài an ủi chúng tôi trong mọi sự khốn khó13 của chúng tôi! Thưa anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về sự gian nan đã xảy tới cho chúng tôi tại xứ Annam14, chúng tôi đã phải chịu đựng quá mức, quá sức mình, đến nỗi chẳng còn thiết sống nữa15. Nhưng chúng tôi không cậy mình, mà chỉ cậy vào Đức Chúa Trời, là đấng khiến kẻ chết sống lại, là đấng có quờn phép để giải cứu chúng tôi khỏi những hiểm nguy lớn lao dường ấy, là đấng mà chúng tôi trông cậy sẽ cứu chúng tôi nữa và sẽ cho chúng tôi được khởi huờn trong Đức Khi-ri-xi-tô Giê-su16. Vậy tôi xin báo cho anh em hay những đều gì xảy ra cho chúng tôi mà quan quờn đã nói và đã làm. Và tôi cũng kể cho anh em đặng hay, thưa anh em, ơn Đức Chúa Trời đã ban cho các Hội Thánh ở Annam từng chịu nhiều sự khốn nạn. Hãy đồng lòng cất tiếng lên cùng Đức Chúa Trời, là đấng đã dùng Đức Chúa Thánh Thần qua miệng đầy tớ Ngài là David (Đa-vít)17 Tổ Phụ18 chúng ta mà phán dạy.

Vì quả thật trong xứ này người ta đã hiệp nhau chống lại người Con Rất Thánh của ngài là Đức Chúa Giê-su, đấng mà Đức Chúa Trời đã xức dầu phong vương trên núi thánh, khi công bố lịnh truyền của ngài19. Vậy giờ đây anh em, chúng tôi xin và van nài anh em trong Đức Chúa Giê-su, hãy cầu nguyện cho chúng tôi để Đức Chúa Trời nghe thấy những lời đe dọa của kẻ nghịch chúng tôi cùng ban cho các tôi tớ của Ngài được vững lòng rao giảng lời của Ngài và xưng danh Chúa ra càng hơn20. Chẳng bớt đi những ngày này, thời chẳng sanh linh nào đặng thoát!21 Từ ngày đoàn chiến thuyền Pha-lang-sa22 tới Touron23, thời đối với các bổn đạo24 cần trợ giúp, thuốc thang lại còn tệ hơn chứng bịnh! Họ bị phát tán và phân sáp25! Họ lánh vào nơi vắng vẻ và chẳng đặng nghỉ ngơi! Họ như chiên cừu26 chẳng kiếm ra đồng cỏ!

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

THEO MÙA XUÂN - Thơ: Minh Sơn

 




THEO MÙA XUÂN

Tưởng thôi đành lỡ hẹn
Chẳng kịp vui với xuân
Thời gian như bóng ngựa
Ì ạch nỗi đời mình.
Cuối năm trời rét cắt
Ruột ngựa rối bời bời
Thảo nguyên xa tít tắp
Có rờn cỏ xanh tươi?

Nơi góc tàu bé nhỏ
Ủ ấp tình yêu thương
Ngựa bao lần bỏ cỏ
Nỗi đau nào còn vương?

Chẳng bao giờ muộn cả
Chẳng có gì mãi xa
Thời gian qua mau đó
Năm tháng vẫn đợi ta!

Ngựa hí vang khắp núi
Tung bờm lướt gió cây
Nhá đuôi chào năm cũ
Cất vó theo đường mây…

Cuối đường có đôi mã
Dắt díu cặp ngựa non
Theo mùa xuân cỏ mới
Lại lộc cộc…lên đường.

Minh Sơn
Chào Năm Mới 2024

Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2024

Giáo Họ Đăk Cấm Mừng Lễ Bổn Mạng 01.01.2024

02-01-2024

Hòa chung niềm vui cùng Giáo hội hoàn vũ mừng lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, thứ Hai ngày 01.01.2024, Giáo họ Đăk Cấm (thuộc Giáo xứ Võ Lâm, Giáo hạt Kon Tum) đã hân hoan mừng lễ bổn mạng vào lúc 16g30 tại Nhà thờ Giáo xứ Võ Lâm, do Linh mục chánh xứ Tađêô Võ Xuân Sơn chủ tế.

Đông đảo bà con giáo dân trong Giáo họ sốt sắng hiệp dâng thánh lễ cùng với sự hiện diện của quý Nữ tu dòng thánh Phaolô, quý vị trong Hội đồng Mục vụ Giáo họ Đăk Cấm cũng như Giáo xứ Võ Lâm, đại diện các hội đoàn, ban ngành…

Mở đầu thánh lễ, Cha chánh xứ Tađêô mời gọi cộng đoàn hãy đến với Đức Mẹ là máng chuyển thông ơn Chúa đến cho mỗi gia đình và cho mỗi người. Cách đặc biệt cầu nguyện cho Giáo họ Đăk Cấm là một Giáo họ biệt lập, hiện chưa có các cơ sở tôn giáo cần thiết nhưng từ hai năm qua đã cố gắng chuẩn bị mua đất cũng như hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Giáo họ, nhằm hướng đến thành lập giáo xứ trong tương lai.

Chia sẻ Lời Chúa với cộng đoàn, dưới ánh sáng các bài đọc, Cha Tađêô đề cập đến ước vọng và cách thức nguyện xin Thiên Chúa chúc lành, gìn giữ, thương ban bình an cho dân Người trong thời Cựu ước. Lời hứa chúc lành đó được thể hiện qua Con Một Thiên Chúa sinh làm con Đức Maria, để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, cho con người được làm con Thiên Chúa và thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời. Đối với cộng đoàn tín hữu Giáo họ Đăk Cấm hiện đang đứng trước nhiều thách thức về đời sống đức tin, còn thiếu thốn, thiệt thòi về nhiều mặt, phúc lành của Thiên Chúa sẽ đến khi mỗi người biết bắt chước Mẹ Maria, biết sống kiên nhẫn, phó thác và gắn bó mật thiết với Đức Giêsu Kitô.

Thánh Lễ Tạ Ơn Và Làm Phép Nhà Thờ Mới Giáo Xứ Đăk Mút

31-12-2023

Ngày 30/12/2023, trong niềm vui của tuần bát nhật Giáng Sinh, giáo xứ Đăk Mút thuộc giáo hạt Đăk Hà, giáo phận Kon Tum đã tổ chức thánh lễ tạ ơn và làm phép ngôi nhà thờ mới của giáo xứ tại xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

Thánh lễ được cử hành vào lúc 9 giờ 30 do Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục giáo phận Kon Tum chủ tế. Hiện diện đồng tế có Cha Giuse Đỗ Hiệu, Tổng đại diện; quý Cha Đại diện Giám mục, quý Cha Quản hạt, quý Cha Bề trên, Cha chính xứ Đăk Mút Máccô Trần Quý Phương Linh và quý Cha trong giáo phận.

Hiệp thông dâng thánh lễ có quý thầy Phó tế, quý nam nữ Tu sĩ, các chú Yao Phu và đông đảo giáo dân của hai giáo xứ Đăk Mút, Kon Gung và các giáo xứ bạn; quý ân thân nhân xa gần cũng như quý khách mời.

Đoàn rước Đức Cha và quý Cha tiến ra trước tiền đường nhà thờ. Trước tiên,  Đức Cha đã chủ sự nghi thức làm phép tượng Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, tước hiệu của nhà thờ và bổn mạng của giáo xứ; tiếp đến làm phép tháp chuông mới…và trong tiếng chuông ngân vang, Đức Cha và Cha chính xứ mở cửa nhà thờ để đoàn rước và cộng đoàn tiến vào trong bài ca nhập lễ.

Sau khi cộng đoàn an tọa, đại diện chú Yao Phu đã có lời kính chào Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ và và quý khách, đồng thời trình bày sơ lược lịch sử hình thành và phát triển của giáo xứ Đăk Mút cũng như quá trình xây dựng nhà thờ mới. Theo đó, làng Đăk Mút (sắc dân Bahnar) đã đón nhận Đức tin từ đầu thế kỷ 20 (năm 1902), đến nay đã 121 năm (1902-2023). Trải qua những thời kỳ thăng trầm, họ đạo Đăk Mút hình thành trực thuộc địa sở Hà Mòng. Trong thời chiến tranh loạn lạc từ sau 1972, họ đạo tản mác và giáo dân được sáp nhập dưới sự coi sóc của các cha sở Đăk Kấm, Kon Rơbàng, Kontrang Mơnấy…Đến năm 2013, họ đạo Đăk Mút được nâng thành giáo xứ độc lập với cha sở tiên khởi Phêrô Nguyễn Ngọc Thanh, và từ ngày 17/11/2020 đến nay, cha Máccô Trần Quý Phương Linh được Đức giám mục bổ nhiệm làm chính xứ.

Ngôi nhà thờ sau cùng của họ đạo bằng gỗ ván được xây dựng từ năm 2006, qua thời gian đã xuống cấp và hư hại nhiều. Với nỗ lực của cha sở, của giáo dân và sự giúp đỡ của Đức Cha, quý Cha và quý ân nhân, ngôi nhà thờ mới được khởi công xây dựng ngày 03/11/2022, đến nay đã hoàn thành và cộng đoàn giáo xứ cùng dâng thánh lễ tạ ơn và làm phép Nhà thờ mới dâng hiến cho Thiên Chúa.

Nhắn nhủ với cộng đoàn trong thánh lễ, Đức Cha Aloisiô mời gọi mọi người dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân qua hành trình đức tin lâu dài của giáo xứ, đồng thời cầu xin Ngài trả công bội hậu cho cha xứ, cho các ân nhân xa gần và cho tất cả những ai đã giúp đỡ bằng cách này hay cách khác cho việc hoàn thành ngôi nhà thờ mới này.

Qua các bài đọc Lời Chúa, Đức Cha nhấn mạnh đến việc cần thiết xây dựng ngôi đền thờ thiêng liêng chính là thân xác và tâm hồn tín hữu. Mỗi người tín hữu được mời gọi trở nên viên đã sống động góp phần xây nên tòa nhà Giáo Hội nói chung, và giáo xứ Đăk Mút nói riêng, bằng đời sống đạo sốt sắng, nhiệt thành, bác ái yêu thương, để có thể giữ vừng đức tin và loan báo Tin Mừng cho những người khác.

Trong thánh lễ, Đức Cha đã cử hành nghi thức làm phép nhà thờ mới, bao gồm: Làm phép nước và rảy trên cộng đoàn, rảy lên tường nhà thờ và bàn thờ mới; Làm phép, xông hương bàn thờ; Thờ lạy và kiệu Mình Thánh Chúa lên Nhà Tạm.