Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2024

Liên Tu Sĩ Giáo Phận Kon Tum Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024

22-03-2024

Ngày 21/03/2024, gia đình liên tu sĩ giáo phận Kon Tum đã có buổi họp mặt tĩnh tâm Mùa Chay tại giáo xứ Tân Hương (giáo hạt Kon Tum).

Khoảng 300 tu sĩ nam nữ từ 30 Hội dòng và các linh mục đang phục vụ khắp nơi – từ thành phố đến những miền rừng núi xa xôi của hai vùng Kon Tum và Gia Lai, đã qui tụ về nhà thờ Tân Hương vào lúc 7g15 để chuẩn bị bước vào chương trình tĩnh tâm và tham dự thánh lễ.

Đúng 7g45, chương trình chính thức khai mạc với kinh mở đầu và lắng nghe đoạn Kinh Thánh mời gọi tâm tình hiệp nhất: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,14-17)…Sau đó các tu sĩ cầu nguyện riêng hoặc xét mình lãnh nhận Bí tích Hòa giải.

Tất cả trở lại trong nhà thờ. Cha Antôn M. Dacaria Phan Tự Cường, OP đặc trách liên tu sĩ giáo phận đã gợi ý chia sẻ chủ đề: “Gia đình tu sĩ giáo phận tích cực tham gia vào đời sống Giáo Hội”, dựa vào Thư Mùa Vọng 2023 của Đức Cha Aloisiô, giám mục giáo phận Kon Tum cho năm mục vụ 2024. Trong đó, Đức Cha mời gọi hàng giáo sĩ và giới tu sĩ “tham gia theo chức năng và ơn gọi riêng để phát triên Giáo Hội và làm chứng cho Chúa ở giữa trần gian”. Cha Antôn cũng lướt qua tình hình hiện tại của giáo phận với vài con số thống kê: số giáo dân gần 400 ngàn, chiếm 18,46% trong tổng số dân; số Linh mục giáo phận: 110, Linh mục dòng: 114; Tu sĩ nữ: 590, Tu sĩ nam: 25.v.v. Qua đó nổi lên một số khó khăn, vấn nạn mà người tu sĩ “cần có một sự hoán cải truyền giáo kiên trì và liên tục,…phải dám thay đổi các thói quen, cách hành động, giờ giấc và thời khóa biểu, ngôn ngữ và cơ cấu của Hội Thánh cho thích hợp với việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay” (ĐTC Phanxicô, Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 27).

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Giáo Xứ Kon Rơbàng: Học Hỏi Kinh Thánh Và Tĩnh Tâm Mùa Chay

 

Để giúp giáo dân có sự chuẩn bị cụ thể và thiết thực trong Mùa Chay Thánh này, Giáo xứ Kon Rơbàng (giáo hạt Kon Tum) đã tổ chức 2 lớp học về Kinh Thánh và 3 buổi tĩnh tâm cho các giới trong Giáo xứ.

1. Về lớp học Kinh Thánh, do các nữ tu Đa Minh Tam Hiệp hướng dẫn, kéo dài 2 tuần từ thứ hai ngày 04/03 đến thứ sáu ngày 15/03/2024.

+Lớp thứ nhất dành cho những người lớn: sau lễ sáng mỗi ngày, mọi người ở lại thêm 45 phút, các Sơ hướng dẫn về phương pháp cầu nguyện với bản văn Lời Chúa. Để chuẩn bị cho chương trình này, giáo xứ đã chuẩn bị 100 cuốn Tân Ước song ngữ (Bahnar-Việt) để giúp các tham dự viên sử dụng trong giờ học.

Mọi người rất hào hứng với chương trình này, bởi trước nay chỉ quen cầu nguyện chủ yếu để xin ơn, nay được các Sơ hướng dẫn cầu nguyện với chính Lời Chúa, qua đó giúp mọi người có thêm những tâm tình tạ ơn hay sám hối qua những bản văn Kinh Thánh.

+Lớp thứ hai dành cho các bạn trẻ (chủ yếu Giáo lý viên, các bạn học cấp 3), tìm hiểu Kinh Thánh theo lịch sủ cứu độ, qua đó nhận ra chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua các bản văn Kinh Thánh. Lớp học này trang bị những kiến thức cần thiết về Kinh Thánh giúp cho các bạn trẻ có thêm hành trang trên con đường sống đức tin cũng như hướng dẫn các em trong các lớp giáo lý.

Họp Mặt Di Dân Người Sắc Tộc Giáo Phận Kon Tum Tháng 03/2024 Tại Đồng Nai

13-03-2024

Nhằm tạo cơ hội gặp gỡ, sinh hoạt tôn giáo cho bà con giáo dân, đặc biệt người dân tộc thiểu số như Bahnar, Jrai, Xêđăng.v.v.thuộc giáo phận Kon Tum đang làm ăn, học tập ở các tỉnh phía nam, Cha Vinhsơn Nguyễn Ngọc Quyền, trưởng Ban Di Dân giáo phận Kon Tum đã tổ chức các buổi qui tụ để nâng đỡ họ phần nào trong cuộc sống xa giáo xứ, xa nhà.

Họp mặt tháng 03/2024, khoảng 60 di dân Kon Tum khu vực Trảng Bom, Biên Hòa đã qui tụ về tại Giáo xứ Thanh Hóa, Hố Nai 3, huyện Trảng Bom vào Chúa Nhật 3 Mùa Chay ngày 03/03/2024 vừa qua, được Cha chánh xứ cũng là linh mục trưởng Ban Di Dân giáo phận Xuân Lộc đón tiếp nồng hậu. Các anh chị em giáo dân này đã sinh hoạt tại đây từ 8h30 đến 12h00, dưới sự đồng hành của quý Cha đặc trách Di Dân giáo phận Kon Tum.

Bước vào chương trình chính thức, Cha Giuse Lưu Dương Xuân Bình, C.Ss.R., Phó Ban Di Dân giáo phận Kon Tum đã gợi ý để mọi người cầu nguyện cùng Lời Chúa, với chủ đề: Đường Sự Thật (Ga 14,1- 6). Tiếp đến các Nhóm đọc Lời Chúa và chia sẻ với nhau; sau đó lãnh Bí tích hòa giải và sốt sắng dâng thánh lễ Chúa nhật tạ ơn Chúa.

Buổi sinh hoạt kết thúc với bữa cơm trưa thân mật, trong tâm tình tri ân Cha xứ và quý Cha đặc trách Di Dân giáo phận Kon Tum.

Buổi chiều cùng ngày từ 14h00 đến 17h00, một cuộc họp mặt khác tương tự được tổ chức tại Giáo xứ Mỹ Hội, Ấp Phú Mỹ 1, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch cho 40 anh chị em di dân Kon Tum sinh sống, làm việc và học tập ở khu vực Nhơn Trạch, Long Thành.

BBT Mục vụ Truyền thông Gp. Kon Tum

WGPKT(13/03/2024) KONTUM

Đức Cha Aloisiô Thăm Mục Vụ Các Giáo Họ Huyện Kông Chro Và Ban Bí Tích Khai Tâm Kitô Giáo Cho 34 Anh Chị Em Dự Tòng

12-03-2024

Ngày 10/03/2024, Chúa nhật 4 Mùa Chay, Đức Cha Aloisiô – Giám mục giáo phận Kon Tum đã đến thăm mục vụ 3 Giáo họ Yang Trung, An Trung và Chư Krey, thuộc giáo xứ Đồng Sơn, giáo hạt An Khê. Đức Cha đã dâng Thánh lễ tại nhà nguyện giáo họ An Trung (xã An Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai), và ban bí tích Khai tâm Kitô giáo cho 34 anh chị em dân tộc Bahnar thuộc giáo họ Chư Krey.

Đây thực sự là một ngày trọng đại đối với các Giáo họ, vì hôm nay lần đầu tiên sau nhiều chục năm, một thánh lễ do Đức Giám mục giáo phận chủ tế được cử hành tại nơi giáo điểm vùng sâu vùng xa và gặp nhiều khó khăn này.

Ngay khi được tin Đức Cha về với Điểm truyền giáo thì không khí rộn ràng, vui tươi, nhộn nhịp đã bao trùm 3 Giáo họ, trên các gia đình, và trên những anh chị em dự tòng. Hội Đồng Mục Vụ cùng anh chị em giáo dân chung tay với cha xứ chuẩn bị để tổ chức thánh lễ diễn ra được tốt đẹp nhất.

Đúng 16h00, đoàn rước Đức Cha và quý Cha tiến ra trước cửa nhà nguyện và Đức Cha đã chủ sự nghi thức tiếp nhận dự tòng. Nghi thức này có ý nghĩa những người dự tòng tuyên xưng và được đón nhận vào Hội Thánh, được nhận là phần tử của Hội Thánh, được sinh hoạt trong Hội Thánh.

Sau nghi thức tiếp nhận, Đức Cha, quý Cha và các Dự tòng cùng những người đỡ đầu tiến vào nhà thờ bắt đầu Thánh Lễ.

Cùng hiện diện trong Thánh lễ ngoài Đức Cha Aloisiô còn có Cha chánh xứ Đồng Sơn Anrê Lê Thành Trung, Cha chánh văn phòng TGM Phêrô Lê Văn Hùng; 2 thầy Phó tế, quý nữ tu, quý Hội đồng Mục vụ của 3 Giáo họ; quý cha mẹ đỡ đầu, anh chị em Yao Phu, đặc biệt 34 anh chị em lãnh nhận bí tích Khai tâm Kitô Giáo hôm nay, cùng quý khách và toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

Càng ý nghĩa hơn khi Chúa nhật 4 Mùa Chay hôm nay cũng là Chúa nhật Áo hồng, màu hồng của hừng đông đang lóe lên báo hiệu niềm vui Phục Sinh đang đến, tăng thêm sức mạnh, niềm tin và hy vọng cho đoàn dân Chúa trên chặng đường kế tiếp.

Giáo Xứ Tân Hương: Khai Mạc Chầu “24 Giờ Cho Chúa”

 

Theo lời mời gọi của Đức Thánh cha Phanxicô và truyền thống của Giáo Hội từ 11 năm qua, sáng Thứ Sáu ngày 08 tháng 03 năm 2024, Giáo xứ Tân Hương (hạt Kon Tum) đã khai mạc Chầu Thánh Thể “24 giờ cho Chúa”.

Ngay sau Thánh lễ, vào lúc 5 giờ 45’, Cha chính xứ Phêrô Trần Quốc Hải đã đặt Mình Thánh Chúa trên bàn thờ và chủ sự giờ Chầu khai mạc. Lời dẫn cũng như suy niệm của Cha chủ sự đã nói lên ý nghĩa và tâm tình của cử hành này: Tôn thờ, chiêm ngưỡng tình thương của Chúa; cầu nguyện và hòa giải với Chúa cũng như với mọi người trong Mùa Chay thánh, để chuẩn bị tâm hồn trong trắng đón nhận mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Qua đó giúp người tín hữu tìm lại ý nghĩa cho cuộc sống, sống đời sống mới dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Tiếp sau giờ khai mạc là giờ 24 giờ Chầu liên tục dành cho các xóm giáo, hội đoàn và đoàn thể suốt cả ngày và đêm 08/03/2024, kết thúc vào 05 giờ sáng ngày 09/03/2024.

Ước mong qua những giây phút được gần bên ThánhThể Chúa, được lắng nghe Lời Chúa, suy niệm và cầu nguyện…giúp cho mỗi  tín hữu nhận ra và thực thi thánh ý Chúa trong cuộc sống thường ngày.

 

Nguồn: Giáo xứ Tân Hương (08.03.2024)

WGPKT(08/03/2024) KONTUM

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

Đọc thơ tình yêu Lê Đình Bảng - Tác giả: Bùi Công Thuấn

 


Mời bạn đọc bài thơ Chuyện hoa xoan mùa thương khó của tác giả Lê Đình Bảng.


HOA XOAN MÙA THƯƠNG KHÓ


Em còn nhớ
từ Thứ Tư Lễ Tro, ra Tết?
và Giêng, Hai trong cái rét Nàng Bân?
Nắng ngọt ngào
bàn tay giấu trong khăn
Đi lễ sớm
quê nhà ta mới vào mùa Thương Khó...
Gió thổi buốt
dọc hai bên đường, hoa xoan nở
Ôi, loài hoa tim tím ngát, muộn mằn
Như kẻ trộm lành vừa được phước ăn năn
Đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi

Suốt mấy tuần Chay
khắp làng thôn mình rộn ràng xưng tội
Lòng bâng khuâng
nghe chim hót ngoài vườn
Có phải vì còn lưu luyến, tơ vương
Những rơi rớt của vàng hương xưa cũ?
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ, hôn chân
Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
Những e ấp, chực chờ, sợ người ta nom thấy?

Ở nhà quê
thường có những cái rất hồn nhiên, tình cờ như vậy
Trước, chưa nên
sau, cũng vận vào người
Mấy ai ngờ? Chuyện chung lứa, chẳng chung đôi
Mới chớm quen nhau
đã nhuốm đầy nước mắt!
...
Tôi lên phố, đi học xa nhà...
Ai bắt trẻ đồng xanh?
để em tôi nheo nhóc tản cư, bế bồng chạy giặc
Người một phương
chả biết đến bao giờ?
Chuyện thật buồn...
vào một buổi sớm tinh mơ...
Em gục chết
ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ...

"...Viên đạn ở đâu?
bay thẳng vào trái tim em...!" mẹ kể...
"...Lạy Chúa tôi!"
Em còn kịp kêu tên Giêsu cực trọng vô cùng!
... Nghe đồn rằng, nơi thềm bậc nhà chung...
Ngay đêm ấy...
Em hiện về... con bướm!
Tôi thảng thốt
được tin em quá muộn
Thời buổi binh đao, xa xôi, cách trở đi về
Cứ cầm bằng
mình đôi ngả, đôi quê
Đành đoạn qua cầu sinh ly, tử biệt

Mà kỷ niệm thì theo ta đến chết
Như hồn ma bóng quế, hư huyền
Em vẫn là con bướm trắng... rất linh thiêng
Nơi ký ức thiên đường, tôi đánh mất...
Nhớ là nhớ, hằng tuần, mỗi Thứ Năm, Chúa Nhật
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí... vẫn ngó nghiêng
Nghe em bảo,
đêm nay, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác...

Tôi còn nhớ...
... lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn
Chỉ ước thầm
mình đừng vội lớn, mau khôn
Cứ thả đỉa ba ba, dung dăng dung dẻ...
Đâu đến nỗi, vội khóc cười lan huệ:
kẻ, hoa thơm Chúa hái đầu ngày
Vốc nẻ năm xưa, ai còn giữ trong tay?
không đếm được, Vui, Thương, Mừng, em ạ
...

Thế mới biết
ngọn ngành, có nhân, có quả
Chuyện hoa xoan
mùa Thương Khó đã lâu...
Đêm tối ba mươi, Chúa mướt máu trong Vườn Dầu
Đuốc hoa bập bùng, gà khuya gáy sớm ?
... Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi
Bởi vì em, giờ đã là thánh nữ trên trời
Con bướm trắng
hoa xoan... mùa Thương Khó
Tôi vẫn đợi, vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?
Ai gác thuyền, ra dàn đáy, hàng khơi
Ai tiệc rượu, ai dầu thơm, tóc mượt?
Em nhanh chân mang dầu đèn ra trước
Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi...

________________________



ĐỌC THƠ TÌNH YÊU LÊ ĐÌNH BẢNG


Bùi Công Thuấn


Đọc xong bài thơ, tôi lặng người đi rất lâu trong thế giới nghệ thuật của Lê Đình Bảng. Một nỗi buồn thương man mác như màu tím hoa xoan bao trùm không gian làm lòng tôi day dứt khôn nguôi. Bỗng dưng tôi đặt mình trong một tư thế trang nghiêm và rất đỗi thành kính để chia sẻ sự mất mát không bù đắp được của nhân vật Tôi; sự mất mát làm cạn khô nước mắt suốt bao nhiêu năm tháng. Cùng với cuộc thương khó "Đêm tối ba mươi, Chúa mướt máu trong Vườn Dầu," nỗi bi thương của nhân vật Tôi tưởng không thể vượt qua được. Nhưng sau phút đắm chìm cảm thương ấy, tâm hồn tôi bừng sáng đến ngỡ ngàng. Thơ chắp cánh cho hồn tôi bay lên. Tôi thốt lên: Bài thơ hay quá!. Tôi lại lặng đi để cảm nhận cái hạnh phúc được đọc một bài thơ hay. Nói thơ hay là nói cái cảm xúc trực giác, cảm xúc này là sự tổng hợp những khám phá nhận thức về bài thơ, kết hợp với sự rung cảm của trái tim khi nhập thân vào thế giới nghệ thuật. Với thơ Lê Đình Bảng, thật khó nói ra "cái hay" mà người đọc tiếp nhận được. Bởi tiếng thơ Lê Đình Bảng không chỉ là tiếng lòng của nhà thơ mà còn khơi gợi được cả một thế giới ký ức trong lòng người đọc, hơn thế, thơ Lê Đình Bảng còn mở ra một vùng trời khác mà có khi người đọc chưa tiếp cận nhưng vẫn cảm được cái đẹp. Vâng, bài thơ đẹp quá.