Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

Về “Tự Tích Đức Cha Thể Vãn” Của Linh Mục Gioakim Đặng Đức Tuấn

 

 

Tải PDF tại đây:

1. Về “Tự tích Đức Cha Thể vãn” của Lm Gioakim Đặng Đức Tuấn

2. Tự tích Đức Cha Thể vãn

 

Lê Minh Sơn

WGPKT(15/06/2023) KONTUM

Nguồn: giaophankontum.com

Họp Mặt Giáo Viên Công Giáo Miền Kon Tum Năm 2023

Thứ Ba ngày 13 tháng 06 năm 2023, quý giáo viên Công giáo Miền Kon Tum đã tổ chức buổi họp mặt truyền thống hàng năm, từ 8g30 đến 12g30 tại Nhà Mục Vụ Giáo phận.

Buổi họp mặt qui tụ khoảng 140 thầy cô giáo đang dạy học hoặc đã nghỉ hưu, người Kinh cũng như Sắc tộc, một số Nữ tu. Được biết năm nay dù đang vào kỳ nghỉ hè, nhưng một số giáo viên vắng mặt do trùng lịch bồi dưỡng vào những ngày này.

Sau giây phút gặp gỡ chào hỏi, tất cả thầy cô tập trung vào Nhà Mục Vụ ổn định và nhận tờ chương trình. Chủ đề ngày truyền thống năm nay là: “Theo gương Thầy Giêsu”. Cha Phaolô Nguyễn Hùng Sơn, phụ trách Ban Giáo dục của Giáo phận đã khai mạc buổi sinh hoạt với kinh Chúa Thánh Thần và lời nguyện mở đầu xin ơn soi sáng và phúc lành cho các tham dự viên.

Bắt đầu chương trình, các giáo viên được nghe Cha Phêrô Nguyễn Thế, OP chia sẻ đề tài “Người giáo viên hãy trở nên ánh sáng cho thế gian”. Khởi đi từ đoạn Tin mừng Mt 5,13-16: “Chính anh em là muối cho đời…Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…”, Cha Phêrô đưa ra một số gợi ý chính yếu để các giáo viên có thể noi theo gương Thầy Giêsu cố gắng thực hành trong ơn gọi cao quý của mình:

1. Trung thực: khi đứng trên bục giảng, các thầy cô luôn nhớ mình là người Công giáo, nên cần có một lương tâm ngay thẳng. Giữa xã hội xung quanh có thể còn nhiều người dối trá, lừa lọc, lôi kéo chúng ta về phía họ, người giáo viên cần mạnh dạn đứng về bên sự thật và lẽ phải, biết lội ngược dòng.

2. Hy sinh: một khi sống trung thực, thì sẽ chịu nhiều hy sinh thiệt thòi, chịu nhiều áp lực, thậm chí bị loại trừ.

3. Kiên nhẫn: giáo viên cần có đức tính kiên nhẫn, nhất là đối với các học sinh người sắc tộc. Các em không có nhiều điều kiện thuận lợi như các em người Kinh.

4. Thông cảm: phải có sự cảm thông với học sinh. Đối diện với thực tế hiện tại: học xong rồi thất nghiệp, không có việc làm. Các em nhỏ trong làng thấy các anh chị lớn như vậy đâm nản chí, muốn nghỉ học sớm, các thầy cô hãy thấu cảm hoàn cảnh, tâm tư của các em để giúp đỡ, động viên.

5. Cương nghị: giáo viên phải giữ cho mình ý chí cương nghị. Lấy Lời Chúa soi sáng cho mình mỗi khi đứng trước lựa chọn điều đúng, điều sai. Đừng bao giờ nhân nhượng tiếp tay cho điều sai trái.

Tất cả những điểm trên chính Thầy Giêsu đã thực hiện và nêu gương cho chúng ta. Thực hành mỗi điểm đó các giáo viên đều tỏa sáng và trở nên những chứng nhân cho Chúa.

Tiếp sau phần thuyết tình đề tài của Cha Phêrô, Cha Trưởng ban giáo dục tiếp nối chia sẻ: giáo viên là một sứ mạng, một ơn gọi. Quan niệm giáo dục thời nay khác xa thời xưa, và đầy dẫy những khó khăn, nghịch lý, cả về phía giáo viên, học sinh, gia đình…Chính Thầy Giêsu đã âm thầm, kiên nhẫn sẻ chia, đồng hành và thấu cảm với các tông đồ, các môn đệ và dân chúng, để mang ơn cứu độ đến cho mọi người.

Các giáo viên bước vào phần thảo luận tổ và thảo luận chung về kinh nghiệm và những vấn đề đang phải đương đầu. 

Vào lúc 10g45, thánh lễ tạ ơn do Đức Cha Aloisiô, Giám mục Giáo phận chủ tế, với sự hiện diện đồng tế của Cha trưởng ban giáo dục và 2 Cha. Mở đầu thánh lễ Đức Cha mời gọi cộng đoàn sốt sắng dâng thánh lễ cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gioan Bosco, bổn mạng các nhà giáo dục, chúc lành và ban cho quý thầy cô sức khỏe và nghị lực để luôn sống với ơn gọi và thể hiện chức năng nghề nghiệp của mình một cách tốt đẹp nhất.

Trong phần giảng lễ, Đức Cha chia sẻ: qua các bài đọc Lời Chúa cho thấy Chúa Giêsu là Sự Thật, và sự thật thì chỉ có một, không có ba phải. Điều này nói lên sự chân thành, sự trung thực trái ngược với sự gian dối, lừa đảo, phỉnh gạt. Những giá trị đó ngày hôm nay thật cần thiết cho các thầy cô. Phải là người mạnh mẽ, can đảm thì mới dám sống theo lương tâm của mình.

Trong bài Tin Mừng đề cập đến muối và ánh sáng. Muối thì phải mặn, ánh sáng phải chiếu soi. Vì vậy trong đời sống người Kitô hữu, nhất là anh chị em là giới thầy cô, là những người dẫn dắt, dạy dỗ cho nên dù muốn hay không các thầy cô vẫn phải là những người mẫu mực. Ơn gọi của quý thầy cô thật là lớn lao và trách nhiệm nặng nề.

Thánh lễ diễn ra trong bầu trang nghiêm, sốt sắng.

Cuối thánh lễ, một đại diện giáo viên đã tỏ bày tâm tình cảm ơn Đức Cha, Cha trưởng ban và quý Cha đồng tế; cảm ơn quý Sơ và các giáo viên đã cộng tác tích cực để tổ chức buổi họp mặt truyền thống hôm nay.

Kết thúc buổi sinh hoạt, quý thầy cô và quý Cha cùng chung chia nhau bữa trưa đơn sơ, chân tình trước khi mọi người chia tay trở về tiếp tục với công việc – sứ mạng của mình.

Hoa Núi

WGPKT(14/06/2023) KONTUM

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2023

Giáo Xứ Đăk Rao: Thành Lập Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể

07-06-2023

Vào Thứ Ba ngày 06/06/2023, tại Nhà thờ giáo xứ Đăk Rao, thuộc giáo hạt Đăk Tô, giáo phận Kon Tum đã diễn ra Thánh lễ cầu nguyện cho xứ đoàn TNTT giáo xứ Đăk Rao.

Trước Thánh lễ là nghi thức thành lập và ra mắt xứ đoàn mang tên Cuénot Thể – vị Thánh Giám mục tử đạo, đấng khai sáng Miền Truyền Giáo Kon Tum.

Hiện diện trong buổi lễ có Cha G. B Trần Minh Đức, trưởng Ban Giáo Lý – Tuyên úy Liên đoàn Anrê Phú Yên Kon Tum, Cha Máccô Trần Quý Phương Linh – Tuyên úy Hiệp đoàn miền Kon Tum, Cha Phêrô Vũ Trọng Hà Nguyên Khôi – chính xứ Đăk Rao.

Sau khi Cha xứ tuyên bố lý do và giới thiệu thành phần tham dự, Trưởng Phêrô Nguyễn Thành Dũng, Liên đoàn phó nghiên huấn đã công bố văn thư thành lập xứ đoàn Cuénót Thể – giáo xứ Đak Rao, tạm trực thuộc Hiệp đoàn Kon Tum, và linh mục chính xứ Đăk Rao Phêrô Vũ Trọng Hà Nguyên Khôi là Tuyên úy xứ đoàn.

Các nghi thức lần lượt diễn ra: làm phép cờ, làm phép khăn quàng và trao khăn cho 44 anh chị em Giáo lý viên – Huynh trưởng, trong đó có 3 Trợ úy.

       

Trưởng đại diện Liên đoàn công bố quyết định bổ nhiệm của Cha Tuyên úy Liên đoàn Tân Ban quản trị xứ đoàn Cuénot Thể, gồm 5 thành viên.

44 huynh trưởng thuộc các Ngành cũng đã bước lên tuyên hứa dấn thân phụng sự Chúa, phụng sự Giáo Hội và phục vụ giới thiếu nhi.

Được biết giáo xứ Đăk Rao có tổng số 1.453 em thiếu nhi từ nay trở nên những đoàn sinh TNTT.

Kết thúc nghi thức thành lập và ra mắt, thánh lễ đồng tế tạ ơn và cầu nguyện cho tân xứ đoàn Cuénot Thể được diễn ra trang nghiêm sốt sắng.

Sau thánh lễ, quý Cha và các huynh trưởng xứ đoàn chụp hình lưu niệm và cùng chung chia trong bữa cơm đơn sơ, thân ái.

Hình ảnh : Giáo xứ Đăk Rao

Bài viết: BBT

Truyền thông Giáo phận Kon Tum

Giáo Xứ Phương Nghĩa: Lễ Tổng Kết Năm Học Giáo Lý 2022-2023

07-06-2023

Lễ tổng kết năm học Giáo lý của Giáo xứ Phương Nghĩa (hạt Kon Tum) đã diễn ra vào lúc 8g – 9g Chúa nhật 04/06/2023 tại Thánh đường giáo xứ.

Tham dự buổi lễ có Cha chính xứ Antôn Trần Đình Long, quý Sơ Cộng đoàn Phaolô, quý ông Câu, quý vị đại diện cho các Hội đoàn trong Giáo xứ, quý phụ huynh, các Giáo lý viên và toàn thể các em thiếu nhi.

Anh Antôn Trần Thúc Ngợi, trưởng ban Giáo lý đã thay mặt các GLV báo cáo tổng kết về việc dạy và học giáo lý trong năm vừa qua.

Niên khóa 2022-2023, Giáo xứ Phương Nghĩa có tổng số học viên giáo lý là 1.103 em, phân chia vào 5 Khối lớp: Đồng Cỏ Non, Sơ Cấp, Căn Bản, Kinh Thánh và Vào Đời (theo chương trình giáo lý phổ thông giáo phận Nha Trang). Về GLV gồm 67 GLV (13 nam + 54 nữ), trong đó có 3 Sơ thuộc Cộng đoàn Phaolô Phương Nghĩa. Do số lượng các em đông, nên được phân chia học 2 ca sáng – chiều, trung bình mỗi lớp có 2 GLV phụ trách.

Ngoài việc học hỏi Lời Chúa và giáo lý của Hội Thánh, các em cũng có những giờ học rèn luyện đức tính nhân bản qua các giờ sinh hoạt tập thể ngoài trời, nhằm mục đích giáo dục và đào tạo các em theo hai phương diện tự nhiên và siêu nhiên. Nhìn chung các em học viên đều có tác phong học tập và tham dự thánh lễ nghiêm túc, tuy nhiên còn một số ít em chưa có sự cố gắng trong học Lời Chúa, còn bỏ thánh lễ, đi lễ muộn.  Những em này đã được các GLV phụ trách nhắc nhở thông qua phụ huynh nên cũng đã có sự tiến triển và đang dần tốt hơn.

Giáo Xứ Đức An Bế Giảng Năm Học Giáo Lý 2022-2023

05-06-2023

Vào lúc 15 giờ ngày 28/05/2023 vừa qua, Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, giáo xứ Đức An, giáo hạt Pleiku đã tổ chức Lễ Tạ ơn – Bế giảng năm học giáo lý 2022-2023, với sự hiện diện của Cha chính xứ Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh, quý Sơ, Ban Mục vụ hội đồng giáo xứ, các Giáo lý viên cùng toàn thể các em thiếu nhi.

Trong năm huấn giáo 2022-2023, giáo xứ Đức An có 770 em học giáo lý (370 em nam, 400 em nữ) được phân bổ thành 28 lớp từ lớp Khai Tâm đến lớp Vào Đời. Đồng hành với các em là đội ngũ 48 Giáo lý viên-Huynh trưởng, trong đó có 9 Sơ thuộc các cộng đoàn nữ tu trong địa bàn giáo xứ.

Anh Giuse Nguyễn Long, Trưởng ban giáo lý giáo xứ đã trình bày bản tổng kết, theo đó: “Nhìn chung, các em đã cố gắng trau dồi học hỏi đức tin, mặc dầu chịu nhiều áp lực của việc học tập văn hóa và môi trường xã hội. Đa phần các em ngoan ngoãn, siêng năng và đạo đức qua việc đến lớp học giáo lý, tham dự thánh Lễ Chúa nhật. Ngoài ra, Các em còn được khuyến khích và nhiệt tình tham gia các hoạt động trong phụng vụ, các sinh hoạt khác của Giáo xứ”.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như một vài em trốn học giáo lý, bỏ thánh lễ chiều Chúa nhật; một số em thụ động trong lớp…Về phía phụ huynh cũng như các em, chỉ chú trọng đến việc học văn hoá mà ít lưu tâm đến việc học hỏi đức tin.v.v.

Với các GLV-HT cũng đã rất tích cực, hy sinh nhiều thời gian để đồng hành cùng các em, đặc biệt là các lớp chuẩn bị cho các em nhận lãnh các bí tích. Cuối năm, đã có 68 em được Tuyên hứa vào đời, 8 em được nhận lãnh bí tích rửa tội , 143 em XTRL lần đầu, và 207 em đã được Đức Giám mục ban bí tích thêm sức vào Chúa nhật ngày 21/05/2023  vừa qua. Đây cũng là những thành quả đem lại niềm vui cho các em, cho gia đình và Giáo xứ.

Cha Tổng Đại Diện Dâng Thánh Lễ Tạ Ơn 48 Năm Linh Mục (03/06/2023)

03-06-2023

Sáng Thứ Bảy ngày 03/06/2023, vào lúc 5 giờ tại nhà thờ Tân Hương, Cha Tổng đại diện Giuse Đỗ Hiệu – chính xứ Tân Hương đã dâng thánh lễ tạ ơn nhân dịp kỷ niệm 48 năm thụ phong linh mục (03.06.1975 – 03.06.2023).

Đồng tế với ngài có quý Cha nghĩa tử Inhaxiô Lê Hoàng Bảo Quỳnh, Cha Antôn Phạm Văn Thể và thầy Phó tế Phêrô Võ Chí Thắng. Đông đảo giáo dân trong giáo xứ sốt sắng hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho ngài.

Trước thánh lễ, ông Câu đại diện cho cộng đoàn giáo xứ có đôi lời chúc mừng Cha xứ, tỏ bày tâm tình biết ơn Cha trong suốt thời gian qua đã tận tâm tận lực phục vụ đưa giáo xứ đi lên về mọi phương diện, và nguyện chúc Cha được tràn đầy ơn Chúa, hồn an xác mạnh.

Cha Tổng Giuse cảm ơn quý Cha và cộng đoàn dân Chúa, và mời gọi mọi người hãy cùng ngài tạ ơn Thiên Chúa vì muôn ơn lành Chúa đã thương ban, cho dù trải qua bao thăng trầm, vui buồn trong đời dâng hiến phục vụ.

Thầy phó tế Phêrô Võ Chí Thắng công bố Tin Mừng và chia sẻ tiếp nối tâm tình tạ ơn: Tạ ơn Chúa vì hồng ân chọn gọi Cha Giuse lên thiên chức linh mục, như xưa Chúa đã gọi các ngôn sứ, các tông đồ trong Kinh Thánh; cảm ơn Cha Giuse đã quảng đại đáp lại tiếng Chúa dấn thân phục vụ nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo. Thầy giảng lễ mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cách riêng cho Cha Giuse, đồng thời cũng cầu nguyện cho tất cả các linh mục trong giáo phận được nên những mục tử như lòng Chúa mong muốn.

Vào cuối thánh lễ, một lần nữa Cha Tổng Giuse cảm ơn quý Cha đồng tế, thầy Phó tế và toàn thể cộng đoàn đã đến hiệp dâng thánh lễ tạ ơn chia sẻ niềm vui với ngài, và xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho ngài.

Minh Sơn

WGPKT(03/06/2023) KONTUM

Nguồn: giaophankontum.com

Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2023

Mémorial Indochinois (1919-1921 & 1926): Một nỗ lực vươn xa


MÉMORIAL INDOCHINOIS (1919-1921 & 1926)
MỘT NỖ LỰC VƯƠN XA

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


Đừng hạ thấp mục đích nhưng hãy tăng thêm nỗ lực”. Không bằng lòng với những gì đã có, Đức cha Grangeon Mẫn đã muốn đưa hoạt động báo chí của địa phận Qui Nhơn lên một tầm cao hơn và phổ biến rộng rãi hơn. Và thế là “Tờ nguyệt san Mémorial Indochinois được Đức cha phó Jeanningros Vị[1] sáng lập và khích lệ giữa những khó khăn chồng chất của chiến tranh nổ ra khắp nơi”.[2] Và chính đứa con tinh thần này của ngài, tờ Mémorial Indochinois, đã đưa tin về cái chết thanh thản của Đức cha Jeanningros cũng như những lời nói cuối cùng của ngài: “Khi tâm hồn được bình an thì có một niềm vui thỏa khi thấy mình chết … Lạy Chúa! Xin thương xót con!”[3]

Số đầu tiên của nguyệt san “Mémorial Indochinois” đã in xong ngày 24 tháng 11 năm 1919. Kể từ khi ra đời, cha Eugène Durand Lộc là tác giả thường xuyên viết bài đăng trong tập san "Mémorial Indochinois" của Địa phận Qui Nhơn. Cha Durand đã học tiếng Việt tại Qui Nhơn và từng phục vụ tại Xóm Nam, Đại An, tỉnh Bình Định. Ta có thể kể ra những bài viết sau đây của cha Durand: “Au Tonkin vers 1700” (Mémorial Indochinois, Quinhon, 1920, Vol. 3, tr.. 152-158); “La Langue française en Indochine: un vieux projet”, (Mémorial Indochinois, 1920, tr. 82-88); “Un Anglais chez Mgr. de Bourges en 1688”, (Mémorial Indochinois, Quinhon, 1920, Vol. 5, tr. 268-272). Năm 1902, cha Durand là Thông tín viên, cộng tác viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO), đã viết nhiều bài nghiên cứu về văn hóa Chàm. Ngài cũng là tác giả một loạt bài nổi tiếng cho tờ “l'Avenir du Tonkin" (1909-1910) dưới bút hiệu “Jean d'Annam”. Ngài cũng đã từng phụ trách tờ Lời Thăm của Địa phận Qui Nhơn khi cha Maheu bận công việc xây dựng nhà thương phong Qui Hòa.  

Ngoài cha Durand Lộc ra, tờ “Mémorial Indochinois” còn nhận được các bài viết của cha Victor Barbier ở Nam Đàng Ngoài như: “Le collège de Hon-dât” (Mémorial Indochinois, Quinhon, 1920, Vol. 2, tr. 74-82), “Les premiers missionnaires européens en Annam” (Mémorial Indochinois, Quinhon, 1920, Vol. 6-7, tr. 328-332, 400-404) và “L'évêque d'Adran et le traité de Versailles (28 novembre 1787)” (Mémorial Indochinois, Quinhon, 1920, Vol. 12, tr. 740-745). Nhà văn và nhà báo Max Massot (1889-1942) cũng đóng góp bài “Mgr de Guébriant (…) parle …”, trong các số Mémorial Indochinois [de Quinhon], số tháng 11 năm 1919, tr. 7; số tháng 1 năm 1920, tr. 117; số tháng 2 năm 1920, tr. 192-193, 205-206, số tháng 3 năm 1920, tr. 236-237, 245.

Tuy nhiên, cũng lại vì một mục đích cao hơn, sau một thời gian phát hành không liên tục, tờ Mémorial Indochinois đã thông báo … ngừng phát hành để nhường chỗ cho một tiếng nói chung của Công giáo. “Tờ nguyệt san Mémorial Indochinois đã thông báo ngừng xuất bản cho quý độc giả của mình để khỏi làm tổn hại đến một tờ báo lớn của Giáo Hội sắp được xuất bản. Dù tờ báo được thông báo kia có ra sao thì việc đình bản tờ Mémorial đã gây nhiều tiếc nuối cho quý độc giả dài hạn của mình vì nó đem lại nhiều tin tức thú vị cũng như những thông tin hữu ích về các sự việc ở Đông Dương”.[4] Sự cần thiết phải có một tiếng nói chung, mạnh mẽ  và đồng nhất để phản bác lại những thông tin sai lạc đang lưu hành dù cố ý hay không cố ý đã khiến cho tờ Mémorial Indochinois phải nhường vị trí lại cho một tiếng nói chung của giới Công giáo: Công giáo đồng thinh (La Voix Catholique). “Tờ nhật báo Công giáo ở Sàigòn mà Đức cha đã nhắc đến nhiều lần, đã phải xuất bản trễ hơn vào tháng Chín tới đây. Tờ báo này muốn có 3.000 đăng ký mua báo trước khi bắt đầu xuất bản để có thể chắc chắn về sự nghiệp của mình. Tờ báo này lấy tên Công giáo đồng thinh và xuất bản mỗi ngày ở Sàigòn và được phát hành đến chúng ta qua chuyến xe lửa sáng. Tiền đặt mua hằng năm là 10$. Ngày nay, Phật giáo đã thống nhất các nhà chùa và có một tờ báo ở Sàigòn và một tờ ở Bắc kỳ. Đạo Cao Đài cũng có tờ báo của riêng mình. Người Công giáo cũng cần phải có một tờ báo để thông tin nhanh chóng, đồng thời cũng để phản bác lại những thông tin sai lạc đang lưu truyền”.[5] Nội dung tờ báo được viết bằng Quốc ngữ và được viết bằng “ngôn ngữ đơn giản, bình dân, muốn đến với số đông người và ngay cả những người hèn kém nhất cũng hiểu được, biết được những nhu cầu, tâm tư của mình, bảo vệ những xác quyết và quyền lợi của họ…. Công giáo đồng thinh muốn giữ sự độc lập tuyệt đối, nên không xin trợ cấp từ phía nào – và sống bằng chính những phương tiện của mình…. Năm đầu tiên, tiền đặt mua sẽ là 10$; những năm sau giá sẽ giảm tùy theo số lượng đăng ký mua”.[6]

Và vì phải đình bản tờ Mémorial Indochinois nên việc nâng cấp tờ Mémorial, Mission de Quinhon hẳn là chuyện đương nhiên. “Dường như rất hợp thời để phục hồi người anh khiêm tốn nhưng không kém phần xứng đáng là tờ Mémorial, Mission de Quinhon nhỏ bé mà từ lâu đã là người đưa tin thân thiết của gia đình chúng ta. Không phải là thừa vì đã có người em còn lớn mạnh hơn mình là tờ “Lời Thăm”, tờ Mémorial bổ túc về những vấn đề liên quan đến mục vụ. Nó cũng chỉ được gởi đến cho các linh mục trong địa phận và trong trường hợp cần thiết thì các cha nói lại cho các thầy về những gì liên quan đến họ. Như trước kia, nó cũng có một phần chính (partie officielle) gồm những văn thư của giám mục, của Tòa thánh, các ý kiến và thông tin … etc…; và một phần phụ (partie non officielle) gồm những tin tức đáng chú ý …. Số trang cũng sẽ thay đổi từ 8 đến 16 trang (đôi khi 4 hay 6 trang)”.[7]