Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

Về việc xin lễ cho các linh hồn mồ côi và thai nhi

 

- Có một số người xin lễ “cầu cho các linh hồn mồ côi” nhưng một số người khác lại cho rằng không có linh hồn nào mồ côi cả vì Giáo Hội luôn cầu nguyện cho họ.

- Tương tự, một số người xin lễ “cầu cho các thai nhi”, nhưng người khác lại cho rằng các thai nhi vô tội thì đương nhiên được vào thiên đàng rồi, cần gì phải xin lễ cầu nguyện cho các em đó nữa.
Cha nghĩ sao về hai điểm trên?
(Lớp 2 Thần học Học viện Mến Thánh Giá TPHCM).



Trả lời: (Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn)
Đây là hai câu hỏi trong tháng các linh hồn đáng cho chúng ta quan tâm.
1. Về việc xin lễ cho các linh hồn mồ côi
1.1. Trước hết, có lẽ ta cần xác định từ ngữ “mồ côi” theo quan điểm bình dân và theo quan điểm thần học.
Mồ côi theo nghĩa thông thường: chỉ tình trạng bị chết cha hoặc mẹ, hay cả hai, khi còn nhỏ dại (Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, 2005, NXB Đà Nẵng).
Mồ côi theo nghĩa thiêng liêng: chỉ tình trạng bị chết cha mẹ hay người thân, không được ai nhớ đến để cầu nguyện cho.
1.2. Theo nghĩa thiêng liêng này thì không có linh hồn tín hữu nào mồ côi cả vì luôn có một sự hiệp thông của các thành phần trong Giáo Hội với tín hữu đã qua đời.
Sách Giáo l‎ý Hội Thánh Công giáo dạy rằng: “Sự kết hợp giữa những người còn đi đường (Giáo Hội lữ hành trần thế) với các anh em đã an nghỉ trong bình an của Đức Kitô không hề bị gián đoạn, mà trái lại, theo đức tin trường tồn của Hội Thánh, sự hợp nhất đó còn được tăng cường bằng việc truyền thông cho nhau những lợi ích thiêng liêng” (x. Giáo l‎ý Hội Thánh Công giáo, NXB Tôn giáo, 2010, số 955, 954).
Bởi biết rất chắc chắn rằng có sự hiệp thông như thế trong toàn Nhiệm Thể của Chúa Giêsu Kitô nên ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết sức thành kính nhớ đến những người đã qua đời và bởi vì ‘dâng hy lễ để đền tội cho những người đã chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi, là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện’ (2Mcb 12,45), nên Hội Thánh cũng dâng lời cầu cho họ (CĐ Vat.II, Hiến chế Tín l‎‎ý Lumen Gentium, số 50). Lời cầu nguyện của chúng ta cho họ không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu của họ cho chúng ta nên hữu hiệu” (Giáo l‎ý Hội Thánh Công giáo, số 958).
1.3. Tuy nhiên, đối với những linh hồn không phải là tín hữu, chưa thuộc về Hội Thánh Công giáo, lại không có người thân nào cầu nguyện cho, họ thật sự là những linh hồn mồ côi.
Nếu chúng ta căn cứ vào lời định nghĩa Hội Thánh như là cộng đoàn của những người tin vào Đức Kitô (x. Giáo l‎ý Hội Thánh Công giáo, số 751-752) hay “Giáo Hội là nơi Thiên Chúa ở với con người” (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 60), chúng ta sẽ thấy còn rất nhiều linh hồn đã qua đời không phải là những tín hữu.
Số tín hữu theo Kitô giáo hiện nay chưa đạt được 30% dân số thế giới. Nhiều người vô thần và các tôn giáo đa thần không có chung niềm tin vào Đức Kitô như chúng ta. Vì thế, sau khi chết, họ thật sự là những linh hồn mồ côi cần chúng ta quan tâm để cầu nguyện dâng lễ cho họ. Để rồi nhờ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, họ được thanh luyện và hưởng hạnh phúc trọn vẹn với Chúa. Lời cầu nguyện của ta sẽ nối kết họ vào đại gia đình Thiên Chúa để cùng hiệp thông ân phúc cho nhau (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 959).

2. Về việc xin lễ cầu nguyện cho các thai nhi
Các thai nhi chết trong bụng mẹ vì nhiều nguyên nhân: có những thai nhi chết do bệnh tật, do sự vô tình không biết của người mẹ; có những thai nhi chết do cha mẹ cố tình phá thai, do những người thân yêu khác như họ hàng, bạn bè xúi giục; hoặc do định chế xã hội quy định khiến cho họ sợ bị mất tiền lương, bị hạ thấp điểm thi đua, bị mất quyền lợi trong tổ chức… chắc chắn khi chết như thế, các thai nhi hoàn toàn vô tội, được Chúa thương xót và cho hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa.
Tuy nhiên, đối với những thai nhi bị chết vì cha mẹ hay người thân cố tình phá thai, có lẽ ta có thể nhìn dưới khía cạnh nhân vị để thấy vẫn cần cầu nguyện xin lễ cho các em.
Nhiều bà mẹ hay người lớn đã nghĩ rằng thai nhi được vài ngày hay vài tuần tuổi, chưa mang hình đạng con người, thì chưa phải là con người. Nếu có phá thai cũng không phải là tội giết người, nên không ý thức về tội ác mình phạm.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dạy rằng: “Quyền được sống là quyền của đứa trẻ được lớn lên trong bụng mẹ ngay từ khi thụ thai cho tới khi chết một cách tự nhiên, cũng là điều kiện để có thể thi hành tất cả các quyền khác như quyền được hiểu biết sự thật, quyền sống trong gia đình hợp nhất, quyền lao động, quyền lập gia đình, quyền tự do tôn giáo… và đặc biệt coi mọi hình thức phá thai là tội ác và bất hợp pháp (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 155,233).
Ngay từ lúc thụ thai, khi trứng của người mẹ và tinh trùng của người cha tạo nên bào thai, bào thai ấy đã là một con người với tất cả phẩm giá của con người . Con người ấy là hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1,26-27; Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 34) với tinh thần mở ra với siêu việt, mở ra với Đấng Vô Biên là Thiên Chúa, với tha nhân và mọi thụ tạo khác (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 130).
Chính khả năng tinh thần này của thai nhi khiến chúng ta hiểu em có thể nhận biết rằng cha mẹ và những người khác đang muốn loại trừ em, tiêu diệt em và em bất lực trước hành động tàn ác của họ. Em đau buồn, sợ hãi và có thể oán hận họ. Nếu chúng ta ở vào trường hợp của em chắc ta cũng oán hận, căm ghét những kẻ giết hại mình như thế. Vì vậy, thai nhi có thể chết trong tâm trạng buồn tủi, oán hận. Điều này nói lên một phần nào tinh thần của em cũng cần được thanh tẩy để hoàn toàn thanh thản trong việc kết hợp với Chúa.
Trong kinh nghiệm cá nhân của tôi, tôi gặp những trường hợp các thai nhi đã nhập vào người mẹ hay người anh, người chị trong gia đình để nói lên niềm đau khổ và oán hận ấy. Sự kiện này không xảy ra cho mọi cuộc phá thai vì Chúa rất nhân từ và thương xót nên Ngài an ủi các thai nhi và ban thưởng cho sự chịu đựng của các em. Tuy nhiên, đây cũng là một vài dấu hiệu Chúa cho phép xảy ra để ta hiểu được một số linh hồn thai nhi cần gì.
Trong những trường hợp phá thai đó, ngoài việc xưng tội xin lỗi Chúa, tôi thường nhắc nhở các bà mẹ, các người có liên quan trong việc phá thai đó nên xin lỗi và hoà giải với thai nhi bị giết hại để tinh thần các em được an ủi, nhẹ nhàng, siêu thoát. Đồng thời cũng xin lễ cầu nguyện cho các em để nếu còn vướng mắc chút gì, các em được hoàn toàn trong sạch trước mặt Chúa.
Như thế, việc cầu nguyện, xin lễ cho các thai nhi không phải là vô ích trong đời sống hiệp thông của người Kitô hữu.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2020

ĐỨC CHA STEPHAN KUÊNOT (THỂ) LẬP MIỀN TRUYỀN GIÁO XỨ THƯỢNG




 THÁNH GIÁM MỤC STÊPHANÔ CUÉNOT THỂ (1802-1861)

Đức Cha lập địa phận Mọi (*)

Bổn tính Đức Cha bền vững, hễ quyết việc gì thì chẳng bỏ, gặp ngăn trở chừng nào, thì phấn phát lước thắng chừng nấy.

Vả Người đã sai cố chính Mịch và cố Lộ lên giảng đạo cho mọi Phú-yên. Sự bất thành, như đã nói trước, thì Người bèn sai Cha Vận và Cha Hòa lên mở đạo cho mọi Đồng-đỏ, tỉnh Bình-định, xứ Bồng-sơn. Đoạn sai mở lại ngã Thạch-thành, tỉnh Phú-yên: chỗ nầy mở dạy đặng chừng mười năm; đến sau bị dịch khí, mọi sợ chết, xin làm sự dị đoan; song các Cha cấm không cho, thì nó nổi dậy đuổi các Cha các thầy chạy hết. Đức Cha cũng sai mở đạo ngã mọi Bình-thuận, Quảng-ngãi và Quảng-nam nữa, song việc không thành.

Đến năm 1848, Người thừa dịp Tự-đức mới tức vị, còn nguôi cơn bắt bớ, mà quyết mở ngả An-khê.

Khi ấy, có thầy năm Do, là người mạnh mẽ chững chàng, lại nhơn đức. Đức Cha đòi đến mà nói liền rằng: “Nay thầy phải đi ngã An-khê, mà dò thử đàng lên mọi, hoặc may lập đạo trên ấy đặng chăng. Ta tin cậy thầy sẽ làm nổi việc, miễn là thầy giữ lòng gan dạ bền chí. Vậy thầy hãy dọn mình chịu chức, đoạn đi.”

Cách ít ngày, thầy sáu Do vưng lời Đức Cha Thể mà lên đàng. Tới An-khê, ở thuê trong nhà lái buôn kia, cùng theo chủ lên mọi, mà do thám. Qua sáu tháng, thầy trở xuống, trình Đức Cha tự sự. Đức Cha lại dạy đi một lần nữa, cùng cho ít người theo giúp: hết thảy giả lái buôn lên tuốt trên cao; rủi bị mọi toan giết, bèn trốn về hết.

Đức Cha hỏi đầu đuôi, thì quyết cứ ngả Trạm-gò mà mở đạo trên mọi, chắc đặng, nên bèn dạy cất nhà tại đó, cùng sai một ít người bổn đạo chắc chắn lên ở tạm, giúp kẻ lên người xuống cho dễ.

Cuối năm 1849, Người sai Cố Vêrô (P. Combes), và một ít thầy giúp việc, thảy theo thầy sáu Do dẫn đàng lên. Tới gần Trạm-gò, phần thì đàng hiểm trở, phần thì mưa lụt, nên phô kẻ ấy ngã lòng tháo về cả. Đức Cha liền quở trách, sao việc Chúa mà non lòng nhát gan, không rán cho thành việc, đoạn rằng: “Nhằm mưa lụt, thì thôi: Ta cho nghỉ nửa tháng, rồi lo trở lên, mà phen nầy phải đi cho tới nơi, chớ cả gan liều mình trở về làm chi.”

Cách nửa tháng, phô người ấy trở lên lại. Phen nầy, Đức Cha sai thêm cố Hoàn (P. Fontaine) theo lên nữa. Khi xuất hành, Đức Cha căn dặn: lên, thì phải lo tránh làng mọi kia, tên Khiêm làm chủ, vì chưng tên nầy đặng thế thần cả núi mọi, lại có bằng sắc lo việc vua Annam trên cả núi ấy, kẻo hoặc gặp phải tay nó, thì chắc bị bắt giải xuống nạp quan mà hư sự.

Khỏi ít ngày, nghe tin hai Cố và các thầy phải tay tên Khiêm, thì Đức Cha áy náy lo lắng thổn thức một giây, đoạn cầm mình lại mà rằng: “Tôi đem lòng lo sợ làm chi. Việc Chúa, thì Chúa sẽ lo liệu cho sáng danh Người.” Đức Cha lại rằng: “Phần tôi hết lòng ước ao mở đạo Đức Chúa Giêsu trên miền ấy, nên mới khấn buộc mình một đều, cùng quyết giữ cho đến mãn đời; còn các việc khác, âu là Chúa sẽ lo.”

Hản thật Chúa cho như ý đầy tớ Người nguyện xin. Vì chưng tên Khiêm chẳng những không bắt các Cha các thầy Đức Cha sai lên, mà lại buộc mình binh vực giúp đỡ; và đến sau, khi quan Annam cấp quân lính lên tìm bắt kẻ giảng đạo, thì nó giữ lời giao ước, ra công lo cứu các Cha các thầy khỏi tay quân dữ.

Trừ thầy sáu Do, Đức Cha lại sai thầy Thám, thầy Tài, thầy Chính, thầy Bảo, thầy Biểu, thầy Bường, thầy Tiển, chú Phiên, hết thảy là học trò Pinăng, lên liên tiếp, chuyên lo giúp việc đại sự ấy. Đến sau, Đức Cha đòi thầy Do cùng thầy Bảo xuống, truyền chức thầy cả, rồi cũng dạy trở lên ở trên địa phận mọi luôn.

Đức Cha cũng sai các Cố lên mà coi sóc, giảng dạy, và lo mở rộng Hội thánh, cho thỏa lòng phô kẻ ấy đã khẩn nguyện khi vượt biển qua phương đông, kẻo ở trong phần đất Annam, phải trốn tránh ẩn tàng luôn, chẳng làm việc gì đặng. Hoặc ai bị rét mà chết, thì Đức Cha sai người khác kế tiếp. Các Cố Đức Cha sai lên mọi lúc ấy, là Cố Vêrô (P. Combes), làm Bề trên, Cố Hoàn (P. Fontaine), Cố Đề (P. Degouts), Cố Ân (P. Dourisboure), Cố Viêm (P. Lacroix), Cố A (P. Arnoux) và Cố Xuân (P. Verdier).

Khi Đức Cha phải bị bắt mà tạ thế, thì địa phận Mọi vốn chưa đặng mấy trăm người trở lại đạo, lại phần thì xứ độc địa, phần thì cấm kín, nên Đức Cha chưa dời đặng nhà trường nhà mồ côi lên trên ấy, như ý Đức Cha ước ao; song cũng đã lập thành hai ba chỗ, chỉ nhờ ơn mưa đức gió, hầu trổ sanh hoa quả lợi lãi ba mươi, sáu mươi cùng một trăm mà thôi. Cố An chép rằng: “Nay lập địa phận Mọi thành công, ắt là trước nhờ Chúa phù hộ, sau nhờ ơn Đức Cha Thể bền chí vững vàng, cùng lòng Người hằng cháy lửa ái mộ phần rỗi muôn dân, chẳng nệ liều chông gai chuyên lo gầy dựng”.

Rày địa phận Mọi đặng hơn một muôn bổn đạo, lại mới lập riêng một nhà trường lớn, đặt tên là nhà trường Đức Cha Thể, để lưu danh rạng tiếng Người vạn đại.

 

(Trích R.P.TARDIEU - HẠNH ĐỨC CHA THỂ, Mgr. Cuénot (1802-1861), LANG-SONG, IMPRIMERIE DE LA MISSION 1907)

Minh Sơn giới thiệu

 ______________________

(*) Mọi: tên gọi cũ xứ Thượng (Vùng Tây Nguyên)

 Miền Truyền Giáo xứ Thượng (Mission des pays Moys)