Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

GIÁO LÝ BẰNG TIẾNG JRAI CỔ




Kontumquehuongtoi xin giới thiệu một khảo cứu về tài liệu  chữ viết Jrai cổ, đã hơn 100 năm, do linh mục Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn, Gp Kon Tum sưu tầm nghiên cứu và giới thiệu trên blog gpkontum. Có lẽ tài liệu này sẽ gợi ý một hướng nghiên cứu khác về chữ viết ngôn ngữ Jrai - nguồn cội và phát triển qua thời gian, có nhiều điểm khác biệt với những quan điểm trước đây. Hơn nữa, chính Kitô giáo (các Thừa sai) đã đóng góp phần quan trọng nếu không muốn nói là quyết định trong việc hình thành và phát triển thứ chữ viết của sắc dân này.

Xem và tải bản PDF dưới đây:
giao-ly-bang-tieng-jrai_doc3.pdf




Minh Sơn

100 NGÀY MÁ ĐÃ XA...



Hôm nay 30.07.2012, Má tôi đã xa chúng tôi tròn 100 ngày (Má tôi qua đời ngày 20.04.2012). Hình ảnh của Má vẫn mường tượng như mới đâu đây : Má hay ngồi trước cửa nhà mình mỗi lúc sáng, trưa, chiều...Ẵm bồng các cháu, trông ngó nhà cửa, dặn dò giúp đỡ, mong ngóng mỗi khi mình đi vắng. Má tâm sự an ủi khi mình có nỗi buồn, bênh vực mình khi có ai trách móc mình. Má vui mừng hãnh diện khi mình làm được điều tốt.

Bây giờ vắng hình bóng Má mình thấy buồn ghê gớm! Chiếc ghế tựa Má hay ngồi trước cửa nhà mình giờ vẫn còn đó nhưng hôm nay trống trải. Bóng Má vào ra lên xuống trong nhà mình một ngày không biết bao nhiêu lần, giờ nhìn chỗ nào mình cũng thấy trống vắng.

Giỗ 100 ngày của Má, gia đình đã xin lễ cầu cho linh hồn Maria, tối nay anh chị em và các cháu sẽ tựu về đọc kinh cầu nguyện cho Má. Đi viếng Mộ...

Mình chẳng biết làm gì cho nguôi nỗi nhớ nên góp nhặt vài tấm hình còn lưu trong máy tính, làm slides để xem lại những hình ảnh gần gụi, thương mến...mới ngày nào. Ôi ! Nhớ thương Má biết bao nhiêu !






Minh Sơn

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

BÀI GIẢNG LỄ KÍNH CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN CỦA ĐGM MÁTTHÊU NGUYỄN VĂN KHÔI



Tại nhà thờ Mằng Lăng, ngày 26/07/2012


(Kn 3,1-9; Rm 8,31b-39; Ga 12,24-26)


Gm.  Matthêu Nguyễn Văn Khôi

Hôm nay, ngày 26 tháng 07, cùng với toàn thể Hội Thánh tại Việt Nam, giáo phận Qui Nhơn hân hoan và long trọng cử hành thánh lễ tưởng niệm lần thứ 368 cuộc tử đạo anh hùng của Á thánh thầy giảng Anrê Phú Yên ngay tại quê hương Mằng Lăng của thầy. Thầy là người chứng thứ nhất của Hội Thánh Việt Nam, là người con ưu tú của giáo phận Qui Nhơn, là một giảng viên giáo lý nhiệt thành, là mẫu gương sống đạo không những của giới trẻ công giáo Việt Nam, mà còn của giới trẻ công giáo trên toàn thế giới.
Đặc biệt năm nay, 2012, giáo phận Qui Nhơn bắt đầu năm đầu tiên trong 6 năm chuẩn bị gần hướng đến năm thánh 2018, kỷ niệm 400 năm Tin Mừng được rao giảng tại giáo phận. Thời gian chuẩn bị bao gồm một chiều kích thiêng liêng và một định hướng truyền giáo. Trong suốt năm nay, ngoài việc sám hối và thanh tẩy thuộc chiều kích thiêng liêng, mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận còn ra sức tìm hiểu và học hỏi lịch sử giáo phận thời kỳ sơ khai, từ năm 1618 đến 1659, tức là giai đoạn truyền giáo do các thừa sai Dòng Tên thực hiện, trong đó thầy giảng Anrê Phú Yên là nhân vật nổi bật với tư cách là vị tử đạo tiên khởi của toàn thể Hội Thánh Việt Nam. Vì vậy đời sống thánh thiện và cuộc tử đạo anh hùng của thầy trở thành đề tài học hỏi cho chúng ta trong suốt năm 2012, đặc biệt trong ngày lễ hôm nay.
Trong sứ điệp gửi Đại Hội Giới Trẻ lần thứ XVII tại Toronto, Canada, từ ngày 23-28 tháng bảy năm 2002, với chủ đề : “Anh em là muối đất, là ánh sáng trần gian” (Mt 5,13-14), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nêu tên 10 vị thánh trẻ để làm gương mẫu cho giới trẻ thế giới. Đứng đầu danh sách là thánh Anê của thành Rôma, tiếp đến là Á thánh Anrê Phú Yên của giáo phận Qui Nhơn chúng ta. Cả hai vị này đều có những điểm rất giống nhau. Trước hết, cả thánh Anê và Á thánh Anrê Phú Yên đều là những người trẻ còn ở độ “tuổi tin” (teenage), tức là dưới 20 tuổi. Cuộc tử đạo của hai vị cũng có những nét giống nhau đến kỳ lạ và cùng chứng tỏ một tình yêu tha thiết đối với Đức Kitô.
Theo khảo luận của thánh Ambrôxiô giám mục, thánh nữ Anê chưa đủ sức chịu nổi lưỡi đòng đâm thâu, thế mà lại có sức thắng được lưỡi đòng ấy. Chưa đủ sức chịu khổ mà đã thừa sức chiến thắng. Tuy chưa biết chết là gì, nhưng người thiếu nữ ấy đã sẵn sàng đưa thân ra đón lưỡi gươm của tên lính hung bạo. Tuổi đời còn non dại mà đã là bậc thầy về chí can trường. Tân nương vội vã tới loan phòng cũng không lẹ bằng người trinh nữ này vui vẻ tiến ra nơi hành quyết để được mau mắn gặp gỡ Đức Kitô. Mọi người đều khóc thương, nhưng chính cô thì không. Nhiều người lấy làm lạ vì thấy sao cô dễ dàng xả thân như thế; chưa được hưởng cuộc đời mà cô đã rộng rãi cho đi như là đã hoàn toàn mãn nguyện. Ai nấy đều kinh ngạc, vì ở tuổi đó các thiếu nữ chưa làm chủ được chính mình, thế mà cô đã có khả năng làm chứng cho Thiên Chúa. (x. Lễ thánh Anê trinh nữ tử đạo, trong Kinh sách. Các bài đọc, quyển III, tr. 530-532).
Trong bản tường trình đầu tiên của Cha Đắc Lộ về cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê Phú Yên (01-08-1644), khi Cha hỏi thầy xem có điều gì làm cho thầy phải đau lòng không, thầy trả lời rằng thầy không có điều gì phải hối tiếc cả, tâm hồn thầy rất hài lòng đến nỗi lồng ngực như nổ tung ra vì sung sướng. Và thầy làm chứng cho những lời đó qua sự thanh thản của một nét mặt như thiên thần. Một thanh niên mới lớn đang tràn đầy sức sống mà không tiếc tuổi thanh xuân; tuy còn mang dáng dấp thư sinh chưa một lần chạm đến binh khí hay được tập luyện để làm chiến binh, thế mà có thể xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, như một vị tướng quân trên chiến trường trong truyền thống hào hùng của dân tộc. Dân chúng đến xem thật đông, cả giáo lẫn lương. Đặc biệt những người lương tỏ ra ngỡ ngàng khi thấy có người muốn chết vì đạo và vì chân lý, đó là một việc chưa từng có trong xứ sở của họ. Người ta điệu thầy ra pháp trường, nhưng trong lúc mọi người cảm thấy ái ngại cho thầy thì nét mặt của thầy lộ vẻ thanh thản vui tươi, bước chân của thầy nhanh nhẹn đến nỗi Cha Đắc Lộ và các tín hữu phải chạy theo và vất vả lắm mới theo kịp thầy. Khi đến pháp trường, thầy mau mắn quì xuống cầu nguyện, lớn tiếng khuyên bảo mọi người và sẵn sàng đón nhận cái chết. Thầy đã nhận lãnh ba nhát giáo đâm và một nhát đao chém đầu trong khi miệng vẫn không ngừng kêu tên cực trong Giêsu với tất cả tâm tình yêu mến. (x. Bản tường trình đầu tiên của Cha Đắc Lộ, trong Rực sáng một vì sao. Tìm về chân dung Á thánh Anrê Phú Yên (1625-1644), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2006, tr. 13-15).
Thái độ thanh thản của Á thánh Anrê Phú Yên trước cái chết phát xuất từ niềm xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu mạnh hơn sự chết hay bất cứ một sức mạnh phân ly nào khác, như lời thánh Phaolô khẳng định trong bài đọc II trích thư gửi giáo đoàn Rôma: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khó, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?…Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỉ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35.38-39).
Nhưng chắc chắn điều làm cho Á thánh Anrê Phú Yên sẵn lòng đón nhận cái chết cách vui vẻ nhất chính là lời khẳng định và đồng thời cũng là lời hứa của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quí trọng người ấy” (Ga 12,25-26). Hơn nữa, niềm vui tử đạo của Á thánh Anrê Phú Yên không chỉ phát sinh từ phần thưởng lớn lao mà bản thân thầy sẽ được hưởng theo lời hứa của Đức Kitô, nhưng còn do thầy biết rằng những giọt máu của thầy đổ ra sẽ là hạt giống phát sinh nhiều kitô hữu khác, như lời Đức Kitô đã nói trước đó: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Đó là niềm vui của người đi gieo trong lệ sầu để rồi gặt hái trong hân hoan.
Niềm vui là nét đặc trưng của tuổi trẻ. Á thánh Anrê Phú Yên được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu lên như một mẫu gương của giới trẻ, vì thầy có một tâm hồn luôn vui tươi ngay cả khi phải chịu cực hình. Tuy nhiên, sở dĩ thầy có được niềm vui và sự thanh thản như thế là vì tâm hồn thầy không vẩn đục, nhưng trong sạch, thánh thiện và chiếu tỏa ánh sáng của Thiên Chúa.
Á thánh Anrê Phú Yên đã vui vẻ và thanh thản chịu cực hình và chịu chết vì đạo, nên bây giờ thầy đáng hưởng bình an và niềm vui thiên quốc, như lời sách Khôn Ngoan trong bài đọc I: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thật ra họ đang hưởng an bình” (Kn 3,1-3).
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tất cả chúng ta, đặc biệt các anh chị em giảng viên giáo lý và các bạn trẻ, biết noi gương Á thánh Anrê Phú Yên, luôn sống trong sạch và thánh thiện, hết lòng yêu mến Đức Kitô và luôn gắn bó với Người, để tâm hồn chúng ta luôn được bình an, vui tươi và hạnh phúc ở đời này, và ngày sau được cùng với Á thánh Anrê vui hưởng niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu trên trời.

(Nguồn : BTTVHQN)                                              

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA GIÁO LÝ VIÊN GIÁO PHẬN KON TUM - MỪNG KÍNH CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN


Ngày truyền thống của GLV Gp Kon Tum diễn ra vào ngày 26.07.2012 tại Toà Giám Mục Kon Tum. Mặc dầu từ 2, 3 ngày trước trời mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 4, nhưng thật lạ lùng, sáng ngày 26.07 trời quang tạnh và còn có nắng suốt cả ngày, khiến mọi người đều cảm nhận có sự chúc lành của Thiên Chúa cách đặc biệt dành cho các GLV.

Từ 7g sáng, từng dòng người, đoàn xe lần lượt qui tụ về TGM, ngôi nhà chung của giáo phận. Nơi đây trong khuôn viên phía sau bên cánh phải của Chủng viện, một lễ đài đã được dựng lên khá trang trọng, chắc chắn, là nơi sẽ diễn ra các sinh hoạt chính của ngày đại hội. Các GLV đến từ các giáo xứ khắp giáo phận, bao gồm nhiều thành phần : nam nữ tu sĩ, GLV khối thiếu nhi, và đặc biệt năm nay còn có sự góp mặt của các GLV khối dự tòng - hôn nhân. Các GLV được phân chia thành 12 Cộng đoàn, tượng trưng cho 12 thành phần cộng đoàn đến từ thành Rôma. Mỗi Cộng đoàn được trang sức khác nhau để phân biệt và dễ nhận diện : khăn quấn đầu, nơ đeo vai, tua vải quấn trên tay, quấn ngang mình.v.v. với nhiều màu sắc khác nhau, càng làm tăng thêm sự sinh động, trẻ trung.


  

Đúng 8g15', chương trình được khai mạc với sự hiện diện của Cha Giuse Quản Hạt Kon Tum, Cha Phaolô Trưởng ban Giáo lý và một số linh mục khác. Do bận công việc mục vụ quan trọng nên Đức Cha Micae không thể có mặt, nhưng ngài hằng quan tâm khích lệ, hiệp thông, cầu nguyện cho các GLV. Sự quan tâm thể hiện qua bức thư tâm tình gởi cho Cha phụ trách giáo lý và toàn thể anh chị em GLV trong giáo phận. [Bức thư của Đức Cha đã được Cha trưởng ban Giáo lý trân trọng tuyên đọc trước cộng đoàn ngay sau thánh lễ vào buổi chiều].

Sau lời chào hỏi và giới thiệu của người dẫn chương trình, Cha Giuse Quản Hạt Kon Tum thay mặt Đức Cha phát biểu khai mạc, nhắn nhủ và chúc các GLV có một ngày gặp gỡ sinh hoạt thật bổ ích. Và chương trình chính thức bắt đầu với lời nguyện của vị trưởng lão đại diện cộng đoàn thành Rôma. Tiếp nối là màn đồng diễn "Con người được cứu độ nhờ đức tin" dành cho tất cả mọi người hiện diện.

Sau đây là nội dung của Ngày gặp gỡ - cầu nguyện :
CHƯƠNG TRÌNH NGÀY GIÁO LÝ VIÊN GIÁO PHẬN KON TUM
26.07.2012 tại Toà Giám Mục Kon Tum
TIẾN VÀO NĂM ĐỨC TIN CÙNG VỚI THÁNH PHAOLÔ
“ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG CÔNG CHÍNH, ĐÃ LÀM CHO CHÚNG TA NHỜ ĐỨC TIN MÀ TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH”                                                                                                                                       (x. Thư Thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Rôma)
7h30
-Chào đón, phát thẻ, nhận diện cộng đoàn (theo 12 cộng đoàn thuộc thành Rôma):
1.Cđ Bắc Nội thành; 2.Cđ Nam Nội thành; 3.Cđ Đông Nội thành; 4.Cđ Tây Nội thành; 5.Cđ Bắc Ngoại thành; 6.Cđ Nam Ngoại thành; 7.Cđ Đông Ngoại thành; 8.Cđ Tây Ngoại thành; 9.Cđ Cựu Nội thành; 10.Cđ Tân Nội thành; 11.Cđ Cựu Ngoại thành; 12.Cđ Tân Ngoại thành.
8h15
Khai mạc:
·        Chào hỏi (Niên trưởng đại diện Giáo đoàn Rôma)
·        Lời tạ ơn, cầu xin
·        Đồng diễn : Con người được cứu độ nhờ đức tin
·        Gặp gỡ đại diện nhận thư (đề tài)
8h35
Xem một số hình ảnh về gương công chính (đèn chiếu)
8h45
Các cộng đoàn thảo luận (các đề tài đã nhận)
9h35
Đúc kết các thảo luận:
·        Cđ từ 1 – 4 (10ph)  + Chiếu vài hình ảnh gương công chính (5ph).
·        Diễn nguyện 1: Tổ phụ Abraham [Gia Lai phụ trách – 7ph]
·        Cđ từ 5 – 8 (10ph)  + Chiếu vài hình ảnh gương công chính (5ph).
·        Diễn nguyện 2: Cây ô-liu tốt, cây ô-liu xấu [Gia Lai phụ trách – 7ph]
·        Cđ từ 9 – 12 (10ph)  + Chiếu vài hình ảnh gương công chính (5ph).
10h40
Cầu nguyện: 12 Cđ, mỗi Cđ 4 phút.
11h30
Cơm trưa
12h15
Sinh hoạt theo Cộng đoàn.
(Chuẩn bị về chương trình ‘Hoa trái của thư Rôma’)
13h00
Tập trung – Lập lại bài Đồng diễn
13h10
Hoa trái thư Rôma (từ Cđ 1 – 6; mỗi Cđ 5ph).
13h40
Diễn nguyện 3: Sống theo Thần Khí [Kon Tum phụ trách; 10ph]
13h50
Hoa trái thư Rôma (từ Cđ 7 – 12; mỗi Cđ 5ph).
14h20
Giải lao – Chuẩn bị Thánh lễ
14h30
Thánh lễ - Kết thúc

Mỗi phần, mỗi tiết mục của chương trình đều diễn ra xuyên suốt, tốt đẹp, với cố gắng của GLV của từng cộng đoàn.

Cao điểm ngày sinh hoạt là Thánh lễ mừng kính thánh Anrê Phú Yên, do Cha Tổng Đại Diện Phêrô Nguyễn Vân Đông chủ tế cùng các linh mục trong giáo phận. Trong bài giảng, Cha Tổng Đại Diện nhắn nhủ GLV là thành phần quan trọng giúp duy trì và phát triển đức tin trong các xứ đạo. "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai", một phần lớn tuỳ thuộc vào đội ngũ GLV đang giúp hướng dẫn các em thiếu nhi trong các xứ, họ, làng...Cha Tổng cũng mời gọi GLV hãy noi theo gương của vị Quan Thầy - Chân phước Anrê Phú Yên, bước theo đường Thập giá của Chúa Giêsu : "Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường...". Các GLV cũng có Thập giá riêng Chúa gởi cho mỗi người. Hãy coi Thập giá đó là hạnh phúc, niềm vui, là phương tiện để được nên thánh.



Cuối lễ cộng đoàn lắng nghe thư của Đức Cha Micae (xin xem thư đính kèm).  

Cha Phaolô ngỏ lời cám ơn Cha Tổng, quý Cha đồng tế. Ngài cũng cảm ơn mọi thành phần đã âm thầm tích cực cộng tác, từ khâu chuẩn bị đến thực hiện; những anh chị em không phải là GLV, đã quảng đại nhiệt tình giúp Ban Giáo Lý; quý nam nữ tu sĩ và các GLV đã nhiệt thành đóng góp công sức để Ngày GLV năm nay đạt được kết quả tốt đẹp. Cha Trưởng ban xác tín tất cả kết quả trên là do hồng ân của Chúa thương ban, và mời gọi cộng đoàn hãy cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa.

Theo tổng kết từ Ban Tiếp Đón ban sáng thì số tham dự viên là 967 GLV. Tuy nhiên theo Ban Ẩm Thực, cho đến lúc cơm trưa số người tham dự là 1.050 người.

Một sự cố nhỏ : anh chị em GLV giáo xứ Đức Hưng (Gia Lai) trên đường lên Kon Tum bị chặn xe, do xe thiếu giấy tờ gì đó nên bị buộc phải quay lại. Tuy nhiên, các GLV (24 người) đã tự đón xe buýt lên bằng được để tham dự Ngày GLV. Đến chiều, theo lời kêu gọi của Cha Tổng Đại Diện, số anh chị em GLV này đã được các xe khác đến từ Gia Lai chia nhau cho quá giang về đến Pleiku. 

Kết thúc ngày sinh hoạt, mọi người ra về trong niềm hân hoan, như được ban thêm đức tin, thể hiện rõ trên từng nét mặt của mỗi người.

Một vài hình ảnh :




Thư Mục Vụ của Đức giám mục Kontum nhân NGÀY GIÁO LÝ 2012 :



Thư Mục Vụ của Đức giám mục Kontum nhân NGÀY GIÁO LÝ 2012

Mời nghe bài hát chủ đề tại đây :



Minh Sơn

CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN (1625-1644)




Ngày 26.07.2012, Giáo Hội Việt Nam mừng kính Chân phước Anrê Phú Yên. Chân phước Anrê Phú Yên được chọn làm Bổn mạng của các Giáo lý viên. Vào dịp lễ này, nhiều nơi trong các Giáo phận trong nước Việt Nam tổ chức mừng lễ dưới nhiều hình thức, nhất là các Giáo lý viên. Giáo phận Kon Tum vừa tổ chức Ngày Truyền thống của GLV giáo phận, mừng lễ Bổn mạng ngày 26.07.2912.

Nhân dịp này, Dân Làng Hồ xin giới thiệu bài viết về tiểu sử Á thánh Anrê Phú Yên dưới đây.
  
CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN (1625-1644)

Lm. Gioan Võ Đình Đệ

300x250



I. THÂN THẾ
1. Tên gọi và năm sinh
Tên gọi dân sự của thầy cho đến nay vẫn chưa tìm thấy bút tích nào để lại. Được nhận tên Thánh Anrê khi chịu phép rửa tội. Tên thánh rửa tội Anrê cùng với quê quán là tên gọi của Anrê Phú Yên. Tên gọi Anrê Phú Yên là tên chính thức được Tòa Thánh công nhận.
Căn cứ vào năm thầy tử đạo, năm 1644, Cha Đắc Lộ xác nhận lúc ấy thầy 19 tuổi, chúng ta biết được thầy đã chào đời năm 1625.
          2. Nơi lãnh nhận Bí tích Rửa tội 
          Theo lời cha Đắc Lộ xác nhận: “Đúng 03 năm trước khi chết, mẹ thầy dẫn thầy đến cho tôi, và tôi được hạnh phúc rửa tội cho thầy” [1]. Như vậy Anrê Phú Yên được rửa tội năm 1641.
Nơi thầy được rửa tội ở đâu ?
Cũng theo tài liệu của cha Đắc Lộ, Anrê Phú Yên là một trong 90 người được cha Đắc Lộ rửa tội trong dịp tĩnh tâm bốn ngày liền tại nhà nguyện của bà Mađalêna Ngọc Liên trong Dinh Trấn Biên Phú Yên.
Dinh Trấn Biên Phú Yên được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thành lập năm 1629 và giao cho con rễ là phó tướng Nguyễn Phúc Vinh trấn giữ. Vợ Nguyễn Phúc Vinh là Ngọc Liên, trưởng nữ của chúa Sãi. Bà được rửa tội năm 1636. Bà lập nhà nguyện tại Dinh Trấn Biên. Đây là nhà nguyện đầu tiên trên đất Phú Yên.
Xác định vị trí Dinh Trấn biên:
Trong “Bản đồ Vương Quốc Annam” của cha Đắc Lộ, in năm 1651, có vẽ tỉnh “Province de Ranran”. Bắc giáp Quinhin ( Qui Nhơn ), Nam giáp Chiêm thành. Đó chính là tỉnh Phú Yên ngày nay. Trên bản đồ nầy, Phú Yên có ba con sông. Theo các nhà sử học, con sông nhỏ ở phía Bắc là sông Cầu; con sông lớn hơn ở giữa là sông Cái; con sông lớn nhất ở phía Nam là sông Đà Rằng. Thủ phủ của tỉnh được ghi là “Dinh Phoan” tọa lạc bên phía Bắc con sông ở giữa, tức sông Cái, ở chỗ gần cửa biển. Đây chính làDinh Trấn biên được chúa Sãi lập năm 1629. Do những tác động của thiên nhiên, ngày nay toàn bộ Dinh Trấn Biên nằm dưới nước dòng sông Cái.
Dinh Trấn Biên ngày nay được gọi là Thành Cũ, thuộc thôn Bình Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An. Tên gọi nầy xuất hiện như để phân biệt với Thành An Thổ được vua Minh Mạng (1820-1840) thành lập vào thế kỷ 19. Thành An Thổ ngày nay thuộc thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An. Về năm thành lập thành An Thổ thì các sử liệu ghi chép khác nhau. Cuốn Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Siêu thì ghi là năm 1832; cuốn Đại Nam thực lục chính biên thì ghi là năm 1836; cuốn Đại Nam nhất thống chí thì ghi là năm 1838.
3. Nơi sinh
Thời điểm thầy Anrê Phú Yên chào đời là thời điểm Phú Yên đang còn trong giai đoạn bắt đầu khai phá, khẩn hoang. Lực lượng khẩn hoang nầy là những đoàn di dân từ Thuận Quảng, phía Bắc Phú Yên, như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Ông cha của thầy Anrê Phú Yên thuộc những người di dân nầy.
Lúc bấy giờ Phú Yên là vùng đất mới được chúa Nguyễn ổn định an ninh chính trị. Tuy nhiên việc khai khẩn đất hoang, lập làng vẫn còn nhiều yếu tố trở ngại, như về an ninh trật tự ở biên giới phía Nam với Chiêm Thành, khí hậu khắc nghiệt, nước độc, chướng khí từ rừng hoang cỏ rậm và ác thú ở miền núi. Do đó chỉ còn vùng đồng bằng ven biển, đặc biệt vùng châu thổ sông Cái, khí hậu hiền hòa, dễ bắt con cua con cá, trồng được lúa nước, cách xa biên giới phía Nam, là vùng “đất vàng” được các di dân ưu tiên chọn lựa định cư. Dinh Trấn Biên cũng được thành lập tại vùng châu thổ nầy. Xét những điều kiện nầy, có thể gia đình của Anrê đã chọn vùng châu thổ sông Cái để định cư. Toàn bộ vùng châu thổ nầy, ngày nay thuộc giáo xứ Mằng Lăng.
Đầu năm 1639, toàn bộ các thừa sai Dòng Tên ở Đàng Trong đã bị chúa Nguyễn trục xuất. Lúc bấy giờ Cha Đắc Lộ đang ở Ma Cao. Cha tận dụng ảnh hưởng của các thương nhân người Bồ đối với chúa Nguyễn để cha được ra vào Đàng Trong tất cả bốn lần. Lần thứ nhất (02/1640 - 8/1640), lần thứ hai (12/1640 - 7/1641), lần thứ ba (01/1642 – 9/1643), lần thứ tư (01/1644 – 03/7/1645). Trong chuyến trở lại Đàng Trong lần thứ hai, cha Đắc Lộ đã tận dụng cơ hội để thăm viếng tín hữu Phú Yên. Nhân dịp nầy cha rửa tội cho Anrê Phú Yên tại nhà nguyện của bà Mađalêna Ngọc Liên trong Dinh Trấn Biên Phú Yên.
Xét hoàn cảnh sự hiện diện của cha Đắc Lộ tại Dinh Trấn Biên lúc nầy, có thể cha chỉ thăm viếng các tín hữu và qui tụ các tân tòng trong phạm vi những làng lân cận Dinh Trấn Biên. Học giả Phạm Đình Khiêm đã viết: “ Xét vì cuộc viếng thăm của giáo sĩ chỉ thâu hẹp trong các làng phụ cận dinh Trấn Biên, mà phương tiện truyền tin và giao thông thời ấy lại rất hạn chế, người ta có lý do để tin rằng những giáo hữu tân tòng kia không phải từ ở nơi xa đến, mà chính là những người ở ngay chỗ trấn lỵ và phụ cận”.[2]
Từ nhận định nầy, Học giả Phạm Đình Khiêm đi đến một nhận định khác: “Như vậy sinh quán của anh hùng Anrê Phú Yên, không đâu khác ngoài các làng Hội Phú và lân cận là Long Uyên, Diêm Điền, Hội Tín, Phú Thọ, Minh Chính… Tại Long Uyên ngày nay có một ngôi nhà thờ nhỏ lợp lá, với một họ đạo non vài trăm nhân danh, gọi là họ “Lò giấy”. Theo lời truyền tụng, đó là họ đạo xưa nhất trong cả miền, đã cống hiến cho Giáo hội mấy chục người tử đạo đời Văn thân. Phải chăng đó chính là làng quê của thầy giảng Anrê ? ”.[3]
Học giả Phạm Đình Khiêm đã đặt vấn đề “Phải chăng (Lò Giấy) đó chính là làng quê của thầy giảng Anrê ? ”. Và vì chỉ là nghi vấn không thể chứng minh được nên ngay sau đó ông khẳng định: “Dầu sao thì tất cả miền này đều thuộc địa sở (họ chính) Mằng Lăng, một địa sở tôn giáo rất quan trọng, gồm 12 họ nhánh, 3.000 giáo hữu, với ngôi nhà thờ nguy nga đẹp đẽ nhất tỉnh. Vậy nếu không định rõ được đích xác làng, thôn nào đã sản xuất vị anh hùng, ít nhất ta cũng được biết chắc chắn Mằng Lăng là “xứ đạo quê hương” (paroisse natale) của người, và đó là một nhận định quan trọng, vì “xứ đạo” (địa sở tôn giáo) là đơn vị căn bản của địa dư Giáo hội”.
Thật ra, Lò Giấy là một giáo họ được thành lập sau năm 1747 và trước năm 1850. Trong thống kê của các thừa sai năm 1747, Phú Yên có 06 nhà thờ và  67 nhà nguyện của các giáo họ liên hệ, trong đó Chợ Mới là nhà thờ chính trong vùng, là trú sở của các thừa sai [4]. Chợ Mới hiện nay là một giáo họ của giáo xứ Mằng Lăng. Trong số 06 nhà thờ và 67 nhà nguyện của thống kê năm 1747 chưa thấy có tên giáo họ Lò Giấy, và ngay cả Mằng Lăng cũng chưa có.   
Trong thống kê năm 1850 của Thánh Giám mục Cuênot Thể, Phú Yên được chia làm hai xứ, xứ phía Bắc và xứ phía Nam. Trong đó, Lò Giấy và Mằng Lăng thuộc xứ phía Bắc. [5]  
Với các chứng cứ trên đây cho thấy việc xác định Lò Giấy là nơi sinh của Anrê Phú Yên là một khẳng định chưa đủ chứng cứ lịch sử. Nói cách khác, không thể xác định Lò Giấy là nơi sinh của Anrê Phú Yên. Do đó, quan điểm của Học giả Phạm Đình Khiêm dễ được chấp nhận: “nếu không định rõ được đích xác làng, thôn nào đã sản xuất vị anh hùng, ít nhất ta cũng được biết chắc chắn Mằng Lăng là “xứ đạo quê hương” (paroisse natale) của người, và đó là một nhận định quan trọng, vì “xứ đạo” (địa sở tôn giáo) là đơn vị căn bản của địa dư Giáo hội”.
4. Nơi tử đạo :
Chân phước Anrê Phú Yên tử đạo tại Gò Xử, Thành Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam. Nay thuộc giáo họ Phước Kiều, giáo xứ Hội An, giáo phận Đà nẵng.
5. Tuyên phong Chân phước :
Thầy giảng Anrê Phú Yên được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Chân phước vào ngày 05 tháng 3 năm 2000.
Sau đó, để bày tỏ tâm tình tạ ơn Chúa cách long trọng và để tôn vinh Chân phước Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Việt Nam, giáo phận Qui Nhơn đã tổ chức ngày hội trại đầu tiên của giảng viên giáo lý giáo phận Qui Nhơn từ ngày 25 đến ngày 26/7/2000 tại giáo xứ Mằng Lăng, quê hương của Chân phước Anrê Phú Yên. Đỉnh điểm của tâm tình tạ ơn là Thánh lễ đồng tế do Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn chủ sự.
Tại Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ 17 ở Toronto, Canada, (23-28/7/2002), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu Chân Phước Anrê Phú Yên ở vị trí thứ hai trong số 10 vị thánh trẻ tiêu biểu làm mẫu gương cho cuộc sống.
Tại Hội Nghị thường niên ở Bãi Dâu từ ngày 25 đến ngày 27/3/2008, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chính thức chấp thuận chọn ngày làm chứng của Chân Phước Anrê Phú Yên, 26/7, làm Ngày Giảng Viên Giáo Lý Việt Nam.

II. SỰ NGHIỆP
Nói đến Anrê Phú yên, là nói đến một người trẻ 19 xuân xanh, can trường sống chết vì Chúa Giêsu.
Nói đến Anrê Phú Yên, là nói đến một mẫu gương về các kĩ năng sống cho giới trẻ.
Nói đến Anrê Phú Yên là nói đến một mẫu gương phục vụ dân Chúa của các giảng viên giáo lý.
Như thế, nói đến Anrê Phú Yên là nói đến một cuộc đời đã hoàn thành. Chúng ta rút được bài học nào trong con người đã hoàn thành cuộc đời mới có 19 xuân xanh đó không ? 
Cuộc đời hoàn thành đã được sách Khải huyền diễn tả“ CHIỀU DÀI, CHIỀU RỘNG  VÀ CHIỀU CAO ĐỀU BẰNG NHAU ”(Kh 21,16).

1. CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN VỚI CHIỀU DÀI CUỘC ĐỜI :
Mỗi người có thời gian sống ngắn, dài khác nhau. Mỗi người  có những khả năng làm việc khác nhau. Theo chỉ dẫn của dụ ngôn những nén bạc trong Tin mừng ( Mt 25, 14-30 ), mỗi người có trách nhiệm khám phá sứ mạng, khả năng của mình trong suốt chiều dài cuộc sống. Phải làm hết sức mình để thực hiện sứ mạng và những khả năng của mình. Phải hành động như thể Thiên Chúa đã giao cho mình chính công việc nầy, vào lúc nầy. Chiều dài cuộc đời là chuỗi dài các nỗ lực của mỗi người để đạt được hạnh phúc trong suốt chiều dài cuộc đời của mình.
Năm 1642, Anrê Phú Yên khăn gói lên đường với cha Đắc Lộ về Hội An. Tại trường “thầy giảng Hội An” do cha Đắc Lộ thành lập, Anrê được nhập đoàn với 09 người anh ưu tú trong cộng đoàn thầy giảng, Anrê là người em út.
          Ngoài việc luyện tập nhân đức, học giáo lý bằng quốc ngữ, chữ nôm, chữ hán, các thầy giảng còn được học kinh sử cổ điển. Về môn học nầy đã có sẳn một thầy giáo trong cộng đoàn là thầy Inhaxiô, từng là một cựu quan ở Chính Dinh. Cha Đắc Lộ nói về Anrê: “Tôi giao thầy Anrê cho một trong những thầy giảng khác của tôi là Inhaxiô, là người rất khôn ngoan, thông thái để học văn chương Trung Hoa; Anrê học hành có kết quả đến nỗi Inhaxiô phải nói với tôi rằng: Trong tất cả các môn sinh, không một người nào đọ kịp trí tuệ của Anrê, thầy linh lợi thông minh, học đâu hiểu đó” [6].
Nơi trường thầy giảng, Anrê theo đuổi việc tu đức và học vấn nhưng không bỏ qua những việc cần làm để giúp đỡ người khác, như Cha Đắc lộ nhận xét người học trò nhỏ của mình: “Người thầy không khỏe mạnh gì lắm, thế mà việc khó mấy trong nhà, thầy cũng làm luôn, nhiều khi lại làm quá sức mình; thầy quên mình để giúp kẻ khác”.
- Làm hết sức mình, làm cách hoàn hảo nhất những gì có thể làm:
Lễ Chúa Giáng Sinh năm 1643, nhóm thầy giảng đang có mặt tại kinh đô mừng lễ Giáng Sinh ngay trong dinh Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê. Không có linh mục, không có Thánh lễ, Thầy Anrê Phú Yên làm hang đá, một điểm qui tụ tín hữu trong vùng lân cận và chính Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê cùng con cháu và gia nhân đến triều bái, thờ lạy Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Cha Đắc Lộ tóm tắt công việc của thầy Anrê trong những tháng ngày làm việc ở vùng truyền giáo này: “Thầy Anrê đặc biệt chăm chỉ đi theo thầy Inhaxiô trong mọi hoạt động vì lòng bác ái, thầy đến tận kinh đô xứ Đàng Trong, ở đó riêng mình thầy làm việc bằng nhiều người khác”. Thầy giảng đạo cho người ngoại giáo, dạy dỗ kẻ tân tòng…, dọn dẹp nhà thờ rất sạch sẽ, trang hoàng nhà thờ trong những ngày lễ lớn, khéo léo đến nỗi làm cho bổn đạo tăng thêm lòng sốt sắng và cả người ngoại giáo cũng phải trọng kính mầu nhiệm của đạo” [7].  

2. CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN VỚI CHIỀU RỘNG CUỘC ĐỜI
Chiều rộng cuộc đời là việc mưu cầu hạnh phúc cho người khác.
Cha Đắc Lộ tóm tắt hoa quả về cách đối nhân xử thế của Anrê: “Anrê ở nhà tôi chỉ ít lâu, nhân đức trong linh hồn thầy đã biểu lộ ra ngoài; thầy sống giữa chúng tôi như một vị thánh nhỏ; thầy có tư thái hiền hậu, đức vâng lời mau lẹ, rất kính trọng mọi người, khiến ai ai cũng đều cảm phục”. Sự thông minh và những khả năng của thầy chẳng làm hại chút nào đến đường tu đức của thầy: “Tất cả những lợi điểm đó chẳng làm cho thầy có chút vẻ gì là kiêu ngạo hay tự mãn: Thầy coi mình như kém hết mọi người, và không có gì làm cho thầy bằng lòng hơn là được dịp phục vụ người khác” [8].
Quả vậy, Anrê nhỏ con, nhỏ người, ốm yếu, làm những việc nhỏ: Dọn bàn thờ, làm hang đá, chăm sóc bệnh nhân..., nhỏ nhất trong nhóm thầy giảng Đàng Trong, nhỏ tuổi đời, nhỏ tuổi đạo, nhỏ tuổi tu: Sinh năm 1625, rửa tội năm 1641, nhập đoàn thầy giảng năm 1642, khấn trọn năm 1643, tử đạo năm 1644.
Dưới bóng cha Đắc Lộ và một số thầy giảng từng là ông cử, ông quan, thầy Anrê trẻ tuổi, quê mùa, chơn chất không có gì đáng kể. Tuy nhiên, mặt trời chiếu soi ban ngày, vầng trăng soi chiếu ban đêm, sao hôm, sao mai dù leo lét nhưng là một dấu chỉ đường, một ngọn hải đăng trên bầu trời. Có đường quốc lộ, cũng có những con đường làng nhỏ hẹp; có cầu Ngân Sơn với những kỷ thuật cao cho bộ hành Bắc Nam, cũng có cầu Lò Gốm giản đơn hơn cho cư dân và du khách về Mằng Lăng; có giòng sông Cái [9] hữu tình nước trong xanh lững lờ, cũng có những dòng suối nhỏ nên thơ. Ai cũng có gì để cho, ai cũng có gì để đóng góp cho anh chị em, cho Hội Thánh. Trọn tâm, trọn ý, trọn tình từ trong công việc nhỏ, đơn điệu, âm thầm,  đó là đạo lý của Tin Mừng: “Khá lắm, hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc nhỏ mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc lớn, hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25, 21).
Ngày 25 tháng 7 năm 1644, ông Nghè Bộ cho lính đến trụ sở Dòng Tên tại Hội An tìm bắt thầy Inhaxiô theo lệnh bà Tống Thị. Hôm ấy Cha Đắc Lộ và thầy Inhaxiô cùng với 04 thầy khác đang đi làm việc tông đồ, thầy Anrê Phú Yên ở nhà săn sóc 04 thầy trong nhóm đang bị bệnh. Toán lính không tìm thấy thầy Inhaxiô, Thầy Anrê bạo dạn nói với toán lính: “Nếu các ông muốn bắt thầy Inhaxiô thì vô ích vì Inhaxiô không có ở đây. Còn muốn bắt tôi thì rất dễ dàng, tôi là tín hữu, hơn nữa là thầy giảng. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy Inhaxiô để bắt thầy ấy. Nếu thầy ấy có tội thì tôi làm sao vô tội được” [10].
Toán lính không bỏ lỡ cơ hội, họ bắt và trói thầy Anrê như chiên hiền lành không chống cự. Sau đó toán lính xúc phạm đến các ảnh thánh, thầy khuyên can họ: “Nếu các ông quyết định lấy những ảnh thánh ấy, thì cứ để tôi sắp xếp cẩn thận cho, càng dễ mang đi”. Thầy Anrê được cởi trói để làm điều thầy nói, sau đó thầy đưa tay cho lính trói thầy trở lại. Đã làm những điều ấy nhưng lính chưa thỏa mãn, lính lôi một thầy đang đau nằm trên giường, định bắt giải đi. Thầy Anrê dịu ngọt thuyết phục, họ để cho thầy ấy được tự do, còn chính người van xin biện hộ cho anh em thì lên đường khổ nạn.
          Quả vậy, ơn thánh không hủy diệt bản tính tự nhiên nhưng đón nhận, thánh hóa, và trợ giúp để bản tính tự nhiên tiến đến hoàn thiện viên mãn. Với đức nhân, với lòng dũng cảm, với trí khôn ngoan cùng với ơn thánh, thầy Anrê quyết định để cho lính bắt thầy mau chóng như thế; có thể vì thầy đã nghĩ rằng: Thầy là người em út trong nhóm thầy giảng, thầy có mất đi cũng không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt, đến sự sống còn của nhóm. Trong khi nếu thầy Inhaxiô, người anh cả khôn ngoan, bản lĩnh...mất đi thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nhóm. Cha Đắc Lộ là sư phụ, là linh hồn của nhóm, nhưng sự hiện của cha có tính cách bấp bênh vì lệnh trục xuất của ông Nghè Bộ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó sự hiện diện của thầy Inhaxiô luôn luôn cần thiết cho anh em, cho công cuộc truyền giáo. Để cho lính bắt thầy như một ‘chiến lợi phẩm’, điều đó có thể làm dịu đi việc truy tìm thầy Inhaxiô, đồng thời là tiếng chuông báo động nguy hiểm cho thầy Inhaxiô, thầy Inhaxiô có thể trốn thoát.
Quả vậy, trong lúc tấn bi kịch xảy ra tại Hội An thì Cha Đắc Lộ và các thầy giảng sắp vào Dinh Trấn thăm hữu nghị ông Nghè Bộ. Vừa lúc ấy, ý Chúa nhiệm mầu sai khiến ông Horace Massa, một thương gia người Ý chạy đến cấp báo cho cha Đắc Lộ biết sự việc xảy ra tại Hội An. Cha Đắc Lộ vội vàng cho các thầy giảng trở về tìm nơi ẩn núp. Còn thầy Anrê đã chọn hy sinh, quên mình làm hướng đi và thầy đã trung thành đến hơi thở cuối cùng với lựa chọn của mình.

3. CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN VỚI CHIỀU CAO CUỘC ĐỜI
- Chiều cao cuộc đời là hướng đi lên tới Thiên Chúa.
Được biết Chúa Giêsu, yêu mến Chúa Giêsu và làm chứng cho Chúa Giêsu là hành trình đức tin thánh Tông Đồ Anrê đã đi. Sau 17 thế kỷ, cũng từ miền sông nước, một Anrê khác theo gương vị Bổn mạng của mình,  đã từ bỏ Sõng lưới, từ bỏ ruộng vườn, từ bỏ gia đình...để dành trọn vẹn tình yêu cho Chúa Giêsu. “Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời” là châm ngôn sống của Chân phước Anrê Phú Yên.
          Trong sân nhà lao, Anrê Phú Yên đã khẳng định lòng tín thác đó khi nói với đám đông lương giáo vây quanh mình : “Các anh em thấy rõ tôi đây đã bị bắt và sắp phải chết, chẳng phải vì ăn cướp, giết người hay làm thiệt hại ai, mà chỉ vì tôi đã nhìn nhận Chúa tể trời đất và Con Một Người xuống thế chuộc tội cho ta. Mọi sự ta có đều do Người. Thế mà người ta lại muốn tôi phạm đến Người. Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta có thể bắt tôi chịu, tôi chỉ sợ lửa hoả ngục đời đời. Hỡi anh em, anh em hãy coi chừng, đừng từ chối ơn Đức Chúa Trời đã ban cho anh em ” (Sđd. Tr.148).
Cha Đắc Lộ kể lại những giây phút cuối cùng của Chân phước Anrê Phú Yên đã hoàn thành cuộc đời vào chiều hôm 26/07/1644: :“ Tôi mê hồn nhìn thấy người thanh niên chân phước kia, lúc ấy quỳ gối, và đã bị đâm ba lần ở sau lưng, chẳng những không ngã quỵ, mà lại không hề lay chuyển; Thầy được vững mạnh như vậy trong ơn thánh sủng nâng đỡ Thầy; Thầy vẫn luôn luôn không chuyển động, và tôi thấy diện mạo của Thầy không mất chút nào về vẻ bình thản  cũng như về màu sắc… Người thanh niên thánh thiện nầy vẫn không ngớt đọc Thánh Danh Chúa Giêsu; ngay khi đầu của thầy đã rời khỏi cuống họng, và nằm ngả trên vai bên phải, tôi nghe thấy rỏ ràng tên cực trọng Giêsu phát ra từ vết thương nơi cổ, cùng một giọng giống hệt như từ cửa miệng phát ra lúc trước; tôi nghe thấy thế rất rõ ràng và tất cả những người gần tôi lúc ấy đều nói như vậy, vừa vui mừng, lại vừa kinh ngạc. Thánh Danh Giêsu không thể phát ra từ miệng thầy nữa, thì lại phát ra từ trái tim thầy, ngay đang lúc thôi đập, để tỏ rằng trái tim nầy dầu có chết, cũng còn giữ mãi Thánh Danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi Danh Thánh Giêsu được, thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi Danh Chúa...” (Sđd, tr. 156).
Cùng với Thánh Phaolô, Chân Phước Anrê Phú Yên đã tiếp tục minh định : “ Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (phil. 3,8).

          III. MẢNH ĐẤT TỐT CHO HẠT GIỐNG NẨY MẦM
1. Nơi Chân phước Anrê Phú Yên: sự tự do của con người được kết hợp hài hòa với ân sủng.
Chúng ta thử nghĩ xem, vào lúc hạt giống Tin mừng mới vừa được gieo trên quê hương chúng ta, làm sao một chàng thanh niên mới 15 tuổi đã dứt khoát chọn lựa theo Chúa và dám đem cái chết của mình ra để minh chứng lòng tín trung  của mình ? chết vào lúc 19 tuổi, chết quá trẻ, sống đức tin hơn 3 năm. Quả vậy, không có ơn Chúa chúng ta không làm được việc gì. Do đó phải nói được rằng nơi Chân phước Anrê Phú Yên là chuỗi dài sự tự do của con người được kết hợp hài hòa với ân sủng. Chân phước Anrê Phú Yên đã tự do quyết định hướng đi cho đời mình và dù ơn Chúa là một kho tàng bất tận luôn có đó, nhưng Anrê Phú Yên phải ra sức mò mẫm hy sinh trong cố gắng của cả một đời người để hoàn thành cuộc đời, mặc dù ngắn ngủi.
2. Môi trường sinh thái của nhân bản và đạo đức
Anrê Phú Yên đã quảng đại hy sinh cuộc đời mình và tự nguyện lãnh lấy trách nhiệm trong cuộc sống. Việc này có được không phải là một sớm một chiều. Nó có bề dày nền tảng của nó. Đó là nhờ có một bà mẹ đạo đức, một người thầy uyên thâm và một mẫu gương tông đồ giáo dân sáng ngời.  
2.1. Bà Gioanna
Bà Gioanna, mẹ của Anrê, góa chồng sớm, nhưng đã dạy con chu đáo. Chính bà đã đến xin cha Đắc lộ cho con mình làm đệ tử của cha. Yếu tố người mẹ trong việc giáo dục nhân cách và đức tin rất quan trọng. Chúa sáng tạo và quan phòng đã phú ban cho người nữ tấm lòng của người mẹ, lòng mẹ thì bao như biển Thái Bình, lòng mẹ hy sinh, lòng mẹ yêu thương. Cha Philipphê Bỉnh viết : “Bà rất chăm sóc việc giáo dục cho Anrê về đường đức hạnh và đường học vấn”. (truyện Đàng Trão, trang 46).
2.2. Cha Đắc Lộ
Cha Đắc Lộ, vị truyền giáo tài tình đã nhờ ơn Chúa soi sáng và kết hợp với sáng kiến cá nhân của ngài mà Nhà Đức Chúa Trời đã được lập nên, phỏng theo đời sống đại gia đình Việt Nam, ngài lấy tinh thần gia đình để huấn luyện các học trò của mình. Các thầy giảng đã được huấn luyện nhuần nhuyễn từ nền lễ giáo Đông Phương về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, và sau đó trong cái gốc đầy sức sống ấy, cha Đắc Lộ đã cấy ghép Đức tin Kitô giáo vào. Nhờ vậy đạo Công giáo mà cha và các thầy rao giảng không xa lạ đối với đồng bào chúng ta. Tất cả chúng ta từ nhiều địa phương, từ nhiều dòng họ khác nhau được mời gọi sống chung thành đại gia đình con cái Chúa. Tình Gia đình đó là một tình cảm sâu nặng mà mỗi người chúng ta phải  phát huy trong đại gia đình chúng ta đang sống, cộng đoàn dân Chúa.
Năm 1642 Cha Đắc Lộ có dịp đến Phú Yên lần thứ hai, Anrê Phú Yên ngỏ lời với cha Đắc Lộ, xin theo Cha giúp việc truyền giáo. Lúc đầu cha Đắc Lộ từ chối vì Anrê còn trẻ, hơn nữa trong thời buổi cấm đạo việc di chuyển của đoàn truyền giáo có đông người là điều nên tránh. Tuy nhiên sự kiên trì nài nỉ của Anrê và của người mẹ đạo đức, đến không để van xin cho con út quý yêu của mình được ‘ngồi bên tả hay bên hữu’ mà đến để van xin được đồng hành yêu mến và làm chứng cho Chúa Giêsu. Thiện chí đó đã khiến Cha Đắc Lộ gạt sang một bên cái lôgíc rất hợp tình hợp lý, rất khôn ngoan, rất người kia, để nhường chỗ cho cái lôgíc tình yêu quan phòng của Thiên Chúa chiếm hữu và hướng dẫn. Hoan hô Cha Đắc Lộ ! Bài giáo lý bao đồng Cha truyền lại cho Anrê Phú Yên không phải là những lời nói suông mà là một thái độ sống ấn tượng. Anrê đã nhập tâm bài giáo lý bao đồng ấy : Tín thác hoàn toàn vào tình yêu quan phòng của Cha trên trời. Lòng tín thác ấy đã được tỏ lộ mạnh mẽ trong cuộc đời, nhất là lúc đối diện với đau khổ và cái chết.

2.3. BÀ NGỌC LIÊN CÔNG CHÚA
Đặc tính của người nữ là yêu thương phục vụ, có rất nhiều ơn gọi phục vụ không kèn không trống đang diễn ra từng ngày, trong gia đình, trong giáo xứ, trong các môi trường hoạt động thiện ích xã hội. Việc  những người nữ tham gia vào việc hoạt động truyền giáo đã đem lại nhiều hiệu quả. Trường hợp bà Maria Ngọc Liên là một điển hình. Dựa vào lòng bao dung sẳn có nơi người nữ, lại nữa như một folklore của dân tộc, các vị thừa sai khơi sáng lòng bao dunghướng tới những người nghèo, những người bị bỏ rơi. Cha Đắc Lộ ghi nhận : “Một bà nhân đức tên là Maria Madalena, vợ quan trấn thủ, đã làm nhiều việc thiện trong tỉnh Phú Yên, bà còn là một người sáng lập một bệnh viện để chăm sóc tất cả giáo dân và người tân tòng bị chứng bất trị. Trong đám bệnh nhân có mấy người cùi sẵn sàng chịu phép rửa tội, để được trong sạch trong linh hồn. Mỗi ngày người ta giảng dạy những điều cần thiết để chuẩn bị phép bí tích ban ơn thánh, có mấy người bổn đạo cũ đến giúp và dự vào việc huấn giáo”. [11]
Bà Ngọc Liên chẳng những đã bảo trợ cho các bệnh nhân mà còn là người bảo trợ cho các dự tòng và tân tòng. Có bà bảo trợ, các dự tòng và tân tòng mới có thể ra vào được nhà nguyện trong dinh Trấn Biên. Gương sống đạo, lòng rộng lượng, sự thơm thảo, thởi lởi của bà bảo trợ chắc hẳn đã để lại trong lòng Anrê Phú Yên một ấn tượng sâu sắc. Chính ấn tượng nầy đã ảnh hưởng đến những chọn lựa và quyết định định hướng cuộc đời của Anrê.
Gương sống đạo của cha Đắc Lộ, của bà Gioanna, của bà Maria Madalêna Ngọc Liên và Chân phước Anrê Phú Yên là một lời nhắn nhủ chúng ta: Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có bổn phận rao giảng Tin Mừng, nhưng lời giảng hùng hồn nhất là chính cuộc sống chúng ta.


[1]. Phạm Đình Khiêm, Người Chứng Thứ Nhất , Tinh Việt Văn Đoàn, Sài Gòn 1959, tr. 56
[2] Sđd, trang 40.
[3] Sđd, trang 42.
[4] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, T.II, Paris 2000, p. 191-192.
[5] Mission de Quinhon,  Mémorial no. 58, 31 Oct. 1909, p. 152.
[6] sđd tr.79
[7] sđd tr.92
[8] sđd tr.80
[9] Còn gọi là sông Kỳ Lộ. Sông chảy qua cầu Ngân Sơn, một nhánh qua cầu Lò Gốm  ra đầm Ô Loan, và một nhánh đến đập Tam Giang rồi ra biển Tiên Châu.
[10] Sđd tr.125
[11] Hành trình truyền giáo, A. de Rhodes, Hồng Nhuệ dịch, trang 105 -106, tủ sách đại kết, 1994

(Nguồn : BVHTTQN)