Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Giáo Phận Kon Tum: Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Lần XVI Cấp Giáo Phận (28/11/2021)

 

Hôm nay, ngày 28/11/2021, Chúa Nhật I Mùa Vọng, là một ngày đặc biệt của Giáo Hội Việt Nam: trên tất cả các giáo phận ở Việt Nam đều khai mạc “tiến trình hiệp hành” của Giáo Hội, hướng đến Đại hội thường lệ của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần XVI vào năm 2023 tại Vaticăn, Rôma.

Tại Nhà thờ Chính tòa Kon Tum, vào lúc 9 giờ 30, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị đã long trọng cử hành thánh lễ khai mạc cấp giáo phận, theo chương trình của HĐGM Việt Nam. Cùng hiệp dâng thánh lễ với Đức Cha có Cha Tổng Đại diện, một số quý Cha, quý Thầy Phó tế, quý Tu sĩ  nam nữ và một số đại diện cộng đoàn dân Chúa.

Trong bài giảng, Đức Cha Aloisiô đã gợi lại đặc tính của Mùa Vọng, là mùa mong chờ Chúa đến. Có hai lần Chúa đến mà mỗi tín hữu đều tuyên xưng khi đọc Kinh Tin Kính: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria đồng trinh” – đó là Chúa đến lần thứ nhất; và “Rồi người sẽ trở lại trong vinh quang” – sau này Chúa sẽ trở lại lần thứ hai.

Giáo Hội lữ hành mà Chúa Giêsu đã thiết lập khi đến lần thứ nhất, là tất cả chúng ta, hiện đang sống ở giữa hai lần Chúa đến đó. Chúng ta được mời gọi để xây dựng Nước Trời bằng cách xây dựng Giáo Hội. Chúng ta xây dựng Giáo Hội của Chúa như thế nào? Đức Cha chia sẻ:

“Chúng ta không đơn độc, chúng ta không nên thánh một mình. Chúng ta là thành viên của Giáo Hội, có trách nhiệm xây dựng Giáo Hội. Chúng ta phải cùng nhau đồng hành, cùng hiệp hành trong đời sống Giáo Hội. Đó cũng là tiến trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới mà mọi thành phần Dân Chúa được mời gọi tham gia. Và Giáo Hội Việt Nam chọn hôm nay là ngày khai mạc trong toàn thể các giáo phận”.

Tiếp đến, Đức Cha đã  đề cập và quãng diễn một cách cặn kẽ ý nghĩa của “hiệp hành”, “hiệp thông”, “tham gia”, và “sứ vụ” là những phần chính yếu của tiến trình Thượng Hội Đồng. Và việc “hiệp thông”, “tham gia”, “sứ vụ” được thực hiện như thế nào, trong giáo phận, trong giáo xứ, nơi các cộng đoàn, dòng tu và từng cá nhân. Mọi thành phần đều được mời gọi suy ngẫm, xét mình, lắng nghe, bàn thảo để tìm ra những điều gì tốt đẹp nhất và cùng nhau thực hiện để xây dựng Giáo Hội.

Cuối thánh lễ, Đức Cha thông báo bổ nhiệm các nhân sự điều phối tiến trình hiệp hành trong giáo phận Kon Tum từ nay đến tháng 08/2022, là thời gian diễn ra giai đoạn 1 của Thượng Hội Đồng.

Thánh lễ kết thúc trong niềm tin tưởng và mong đợi ơn Chúa chúc lành cho tiến trình mới mẻ của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần này, đưa đến những kết quả tốt đẹp, đem lại ơn ích cho Giáo Hội, cách riêng cho giáo phận Kon Tum.

Bài viết: Minh Sơn
WGPKT(29/11/2021) KONTUM

(Nguồn: https://giaophankontum.com/tin-tuc/giao-phan-kontum/thanh-le-khai-mac-thuong-hoi-dong-giam-muc-lan-xvi-cap-giao-phan-28-11-2021)

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

CHA PAUL CARAT, MEP - VỊ THỪA SAI KONTUM THẾ HỆ SAU CÙNG (1975) ĐÃ QUA ĐỜI

 

“Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ đợi vòng hoa dành cho người công chính” (2 Tm 4,7).

Cha Paul Carat (tên Việt: Phaolô Lê Xuân Ca) sinh ngày 23 tháng 06 năm 1921 tại Charmes-sur-l’Herbasse (Drôme), nước Pháp; thụ phong linh mục ngày 28 tháng 03 năm 1948, lên đường sang Hà Nội ngày 03 tháng 10 năm 1952. Ngài bắt đầu học tiếng Việt tại Phú Yên và Phú Gia rồi làm cha sở xứ Thượng Thụy từ năm 1954 đến năm 1957; cha phó xứ Hàm Long, Giáo Phận Hà Nội từ năm 1958 đến năm 1959. Bị trục xuất khỏi miền Bắc, ngài vào Giáo Phận Sài gòn và được cử làm cha sở Lộc Ninh năm 1961. Sau đó ngài nhập Giáo Phận Kontum, làm cha sở Diên Bình (Dak Tô) từ năm 1962 đến năm 1972; cha sở Hoài Ân (An Khê)* từ năm 1974 đến năm 1975. Sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 1976, ngài phụ trách bộ phận tiếp tân của nhà Paris cho đến năm 1983, rồi làm quản lý cho đến năm 1996. Sau đó ngài về hưu ở Die, Drôme.
.Ngày 24.11.2021 (đúng ngày Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam), ngài qua đời tại Nhà hưu dưỡng của Hội Thừa sai Paris tại Lauris, hưởng thọ 100 tuổi.
Thánh Lễ an táng sẽ được cử hành tại quê nhà ngày 30/11/2021 do Đức Cha giáo phận Valence chủ tế.
Cha cố Paul Carat là vị thừa sai Mep thế hệ sau cùng một thời tại Gp Kontum đến 1975. Hiện còn 2 Cha là Cha Marcel Arnould (Nhu), Mep, sinh 1928, nguyên phụ trách giáo dân Thượng vùng Daktô trước 1975; và Cha Denys Cuénot, sinh 1922, nguyên giáo sư Chủng viện Thừa sai Kontum 1973-1975.
Xin hiệp ý cầu nguyện cho cha Paul Carat được sớm diện kiện tôn nhan Chúa.
RIP.
_______________________
*Họ đạo Hoài Ân, gồm giáo dân thuộc quận Hoài Ân (Bình Định), Giáo Phận Qui Nhơn, trước năm 1975 di tản lên vùng An Khê thuộc Giáo phận Kontum, có khoảng 529 người (năm 1974). Sau 1975 giáo dân còn rất ít vì đã về quê cũ.


Kontumquehuongtoi
27/11/2021

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

NĂM 1533, TIN MỪNG TRUYỀN VÀO VIỆT NAM ?

 


Nguyễn Thanh Quang


Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”của Quốc sử quán triều Nguyễn, có một ghi chú bên lề: “Theo sách Dã Lục, thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô”. Căn cứ lời chua ấy, một số nhà sử học cho rằng: năm 1533 là mốc lịch sử Tin Mừng truyền vào Việt Nam. Tuy nhiên, sự kiện lịch sử này vẫn còn tồn nghi.

Một số tác giả nghi ngờ “lời chua” sự kiện truyền giáo năm 1533.

Một số bài viết của các nhà nghiên cứu, tiêu biểu như: Chu Thiên, Đinh Xuân Lâm, Trần Thanh Ái, Lm. Bùi Đức Sinh, Lm. Vinh Sơn Trần Minh Thực,... , nghi ngờ về tính chính xác của sách Dã Lục, bởi vì những chi tiết mà Khâm định Việt sử Thông giám cương mục” dẫn lại từ Dã Lục không phù hợp với những dữ liệu lịch sử.

1. Từ năm 1968, hai tác giả Chu Thiên và Đinh Xuân Lâm[1] có bài viết: Tây dương Gia tô bí lục, một tài liệu lịch sử quý giá, nêu cao tinh thần yêu nước chống xâm lược, đăng tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số tháng 2.1968. Hai tác giả chép: “Chắc chắn là sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn đã căn cứ vào đấy (Tây dương Gia tô bí lục), nên mới chua: “Lê Trang tông, niên hiệu Nguyên hòa năm đầu, có người Tây là Y-nê-khu lẻn vào truyền giáo ở các làng Quần Anh, Ninh Cường huyện Nam Chân (tức Nam Trực ngày nay) và các làng Trà Lũ huyện Giao Thủy, đều thuộc tỉnh Nam Định ngày nay”[2]. Về thời điểm này, chúng tôi ngờ rằng chưa được đúng với sự thật và cần được nghiên cứu thêm. Những sách cũ của các giáo sĩ Tây phương viết chưa có quyển nào xác minh công nhận. Theo chỗ chúng tôi biết thì thời kỳ này, miền Bắc còn thuộc nhà Mạc (Mạc Đăng Doanh) và trong các sách về truyền giáo của thời kỳ này, không thấy nói đến việc này. Chỉ thấy một số tác giả, các thời kỳ sau nhắc tới sự kiện 1533 ở Đàng Ngoài đã có chỉ dụ cấm đạo do một người ngoại dương tên là Y-nê-khu (Ingace) có lẽ từ Ma-lác-ca sang[3]. Chúng tôi ngờ rằng có thể do hai tác giả Phạm Ngộ Hiên và Nguyễn Hòa Đường, là hai cha dòng Tên đã lầm lấy năm sáng lập ra dòng Tên và tên người sáng lập ra Hội ấy làm thời điểm và người truyền giáo vào Việt Nam chăng. Vì năm Quí tỵ đời Trang tông là năm 1533, liền với năm 1534 là năm một giáo sĩ người Tây Ban Nha là Ingace (I-nê-khu) de Loyola sáng lập ra một giáo đoàn sang Viễn đông lấy tên là Compagnie de Jésus. Những người trong Hội gọi là Jésuites mà sau người ta dịch là dòng Tên. Chính những giáo sĩ dòng Tên là những người phương Tây đến nước ta đầu tiên”[4].

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

Trao Giải Hoa Núi Rừng VII 2021

 


Link: Tập San Hoa Núi Rừng VII

Bài viết: Minh Sơn

WGPKT(17/11/2021) KONTUM

Nguồn: giaophankontum.com

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

NĂM 1533, TIN MỪNG TRUYỀN VÀO VIỆT NAM

 

Bùi Công Thuấn

           

Các nhà sử học Công giáo như Phan Phát Huồn CssR, Hồng Lam, Lm Trần Anh Dũng (Paris)… và Giáo hội Công giáo Việt Nam đều lấy năm 1533 là mốc lịch sử Tin Mừng truyền vào Việt Nam [1]. Căn cứ để chọn năm 1533 là thông tin trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển XXXIII, trang 6 B (1856-1884), một chính sử của Việt Nam [2].      

NHỮNG KIẾN GIẢI CỦA LM VÕ ĐÌNH ĐỆ

            Trong bài viết: “Thực hư có giáo sĩ I-nê-xu lén truyền giáo ở Đại Việt năm 1533”[3], Lm Võ Đình Đệ đặt vấn đề về “mốc điểm truyền giáo ở Việt Nam”ghi trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục là “bịa đặt”. Ông viết:

            Tóm lại, sự kiện và nhân vật mà Tây Dương Gia Tô Bí Lục và Khâm Định Việt Sử viết về mốc điểm truyền giáo ở Việt Nam là một vấn đề tồn nghi lịch sử, thậm chí là sự bịa đặt của Tây Dương Gia Tô Bí lục, không thể tin tưởng”.

            Để đi đến một kết luận “chắc nịch” như vậy, trong bài viết trên, Lm Võ Đình Đệ lập luận như sau: Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép lại Tây Dương Gia Tô bí lục, mà cuốn sách này toàn những điều sai, thế nên điều Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép lại về năm 1533 cũng là sai.

            Các bước Lm Võ Đình Đệ triển khai lập luận như sau:

            Trước hết ông dẫn Đại Việt Sử Ký toàn thư, tiếp theo dẫn Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Sau đó dẫn ý kiến của Chu Thiên và Đinh Xuân Lâm. Ông cũng dẫn ý kiến của Trần Thanh Ái và Lm Bùi Đức Sinh O.P.

Mượn ý của Trần Thanh Ái, ông nhận định:

Một trong những lý do mà các nhà nghiên cứu nại vào để đưa ra quan điểm Khâm Định Việt Sử đã lấy nguồn từ Tây Dương Gia Tô Bí Lục về sự kiện I-nê-xu lén vào truyền giáo ở Đại Việt vào năm 1533 là dựa vào mốc điểm ra đời của hai tác phẩm và sự trùng hợp về chi tiết sự kiện. Tây Dương Gia Tô Bí Lục ra đời trước, được khởi thảo từ năm 1794 và được in năm Nhâm Thân, Gia Long 11 (1812). Khâm Định Việt Sử được bắt đầu biên soạn theo lệnh vua Tự Đức từ năm 1856, viết xong 1881, khắc in 1884.”           

Tiếp theo, Lm Võ Đình Đệ “điều tra” nguồn gốc lịch sử, địa lý của  nhân vật I-nê-xu và các địa danh Nam Chân, Quần Anh, Trà Lũ, Ninh Cường. Ông chứng mình rằng những nhân vật và địa danh ấy là không đúng với sự thật. Ông kết luận: “Xét về phương diện lịch sử truyền giáo của Giáo hội toàn cầu nói chung và Giáo hội Việt Nam nói riêng, Tây Dương Gia tô Bí Lục đầy dẫy những nhân vật và sự kiện lịch sử không có trong lịch sử mà không thể liệt kê dài dòng trong bài viết nầy. Ở đây chỉ nêu nhân vật Ingatio mà bài viết nầy đã đề cập”.

            Và từ nhận định ấy, Lm Võ Đình Đệ đã đặt vấn đề “về mốc điểm truyền giáo ở Việt Nam là một vấn đề tồn nghi lịch sử, thậm chí là sự bịa đặt của Tây Dương Gia Tô Bí lục, không thể tin tưởng”.

            Rất tiếc là tác giả không đưa ra một mốc lịch sử truyền giáo nào khác thay thế năm 1533.

THỰC CHẤT CỦA VẤN ĐỀ

  1. Mối quan hệ giữa Đại Việt Sử Ký Toàn Thư với Khâm Định Việt Sử Thông  Giám Cương Mục và Tây Dương Gia Tô Bí Lục.

            Đại Việt sử ký toàn thư (1697),Huyền Tông Mục Hoàng đế, năm thứ nhất (1663) viết:

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

Album TRI ÂN TÌNH CHÚA - Ca Đoàn Tân Hương, Gp. Kon Tum


ALBUM TRI ÂN TÌNH CHÚA
CA ĐOÀN TÂN HƯƠNG, GP. KON TUM
1. CAO VỜI KHÔN VÍ - Hùng Lân
2. BÀI CA DÂNG HIẾN - Dao Kim
3. TÌNH CHÚA - Ngọc Linh


Thực hiện video: Minh Sơn
8/11/2021

KHUÔN MẶT THƠ CÔNG GIÁO ĐƯƠNG ĐẠI: SƠN CA LINH



THƠ SƠN CA LINH

Bùi Công Thuấn

***

Sơn Ca Linh là bút danh ghi dưới tên những bài thơ của Lm Giuse Trương Đình Hiền [1]. Ngài hiện là Tổng Đại diện Giáo phận Quy Nhơn. Tôi cần giới thiệu rõ điều này, bởi vì là một Linh mục, khi diễn ngôn, nhà thơ Sơn Ca Linh sẽ phải tự giới hạn đề tài, phạm vi phản ánh cuộc sống, và thái độ với hiện thực. Linh mục là người của Chúa, là hiện thân của Đức Giêsu giữa đời thường hôm nay, vì thế một nhà thơ Linh mục không thể viết như một người thế tục. Sự chọn lựa đề tài, nội dung, cách thể hiện tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ Linh mục đều kín múc từ Kinh thánh và hướng đến mục đích loan báo Tin Mừng. Nhưng một nhà thơ loan báo Tin Mừng sẽ khác với một Linh mục giảng Kinh thánh trên tòa giảng.

Tôi sẽ chỉ nói đến phẩm chất thi nhân của Sơn Ca Linh trong thơ. Tôi đã đọc hơn 200 bài thơ của Sơn Ca Linh đăng trên trang web của Giáo phận Quy Nhơn. Quả thực thơ Sơn Ca Linh có nhiều điều cuốn hút tôi. Đó là một cánh đồng nghệ thuật thật phong phú sắc màu, trên đó hiện lên khuôn mặt nhà thơ vừa thâm trầm sâu sắc vừa dung dị hồn nhiên và có nhiều đường nét mới lạ.

CÁNH ĐỒNG NGHỆ THUẬT ĐA SẮC MÀU

Phẩm chất thi nhân của một người làm thơ (nhà thơ) được xác định trước hết là ở sự sáng tạo những tứ thơ mới lạ giàu thẩm mỹ, ở những quan sát tinh tế, những xúc cảm mãnh liệt của một trái tim ngân rung tình yêu Con người và ở khả năng làm mới ngôn ngữ để thể hiện Cái Đẹp. Nhà thơ, người sáng tạo Cái Đẹp. Thợ thơ (chữ của Nam Cao), là người làm theo quán tính bắt chước, hô những khẩu hiệu nhạt nhẽo.

Thơ Sơn Ca Linh có những hạt châu ngọc của ca dao. Bài ca dao “Trâu ơi” là một bài ca dân dã rất đẹp cả về hình tượng và tư tưởng. Sơn Ca Linh có bài “Gọi trâu” cũng với vẻ đẹp trân quý như vậy. Sự sáng tạo là ở khả năng khám phá và nâng cao tư tưởng cánh đồng cỏ với con trâu trong thơ ca dân tộc thành cánh đồng truyền giáo.

GỌI TRÂU
(Chút cảm nhận về “Trâu” và “cánh đồng truyền giáo”)

“Trâu ơi ta bảo trâu nầy,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”
Kẻo mùa xuân lại đi qua,
Hạ về đông lại nước ra đầy đồng…
Cây xoan vừa mới trổ bông,
Bờ quê vạn thọ đã hồng môi xinh.
Gió mùa xuân nắng thuỷ tinh,
Luống sâu chân bước có mình với ta.
Bùn lầy nước đọng nẻo xa,
Con chim én liệng reo ca lưng trời.
Bây giờ vất vả đầy vơi,
Mùa lên trĩu hạt… trâu ơi, ngại gì!

Thơ Sơn Ca Linh cũng có những bài mang vẻ đẹp của thơ Lãng mạn: giàu có về nhạc điệu. Tứ thơ đầy sắc màu và cái tôi trữ tình tha thiết mênh mang. Sự khác biệt với thơ Lãng mạn là ở chỗ thơ Lãng mạn đẩy Cái Tôi cá nhân lên mức cực đoan, còn thơ lãng mạn của Sơn Ca Linh lại lấp lánh vẻ đẹp Đời Dâng hiến.

Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2021

VÀI NÉT VỀ VĂN HỌC CÔNG GIÁO TRONG NƯỚC TỪ 1975 TỚI NAY

 


TỌA ĐÀM VĂN HỌC CÔNG GIÁO ĐƯƠNG ĐẠI 19.9.2021.

ĐỀ TÀI 5: VÀI NÉT VỀ VĂN HỌC CÔNG GIÁO TRONG NƯỚC TỪ 1975 TỚI NAY. THUYẾT TRÌNH: NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ KHÁNH LIÊN DẪN CHƯƠNG TRÌNH: NHÀ VĂN BÙI CÔNG THUẤN


Kontumquehuongtoi
LMSơn
6/11/2021

THỰC HƯ CÓ GIÁO SĨ I-NÊ-XU LÉN TRUYỀN GIÁO Ở ĐẠI VIỆT NĂM 1533

 

Xưa nay nhiều tài liệu giáo sử cho rằng năm 1533 có giáo sĩ I-nê-xu (hay I-nê-khu, I-ni-khu) đến truyền giáo tại Ninh Cường, Quần Anh huyện Nam Chân, và Trà Lũ huyện Giao Thủy, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay. Từ đó, năm 1533 được nhiều nhà sử học Công giáo Việt Nam chọn là năm khởi đầu lịch sử truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Giáo sĩ I-nê-xu thuộc dòng tu nào ? Thực hư việc ông đến Đại việt  truyền giáo vào năm 1533 ?
         
1. Một số sự kiện

Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (được biên soạn xong năm 1697), cho biết vào năm 1663 Lê Huyền Tông (1663-1671) cấm đạo Hoa Lang[1] truyền bá ở nước ta:
“Mùa đông, tháng 10 [1663], cấm người trong nước học đạo Hoa Lang. Trước đây, có người nước Hoa Lang vào ở nước ta, lập ra đạo lạ để lừa phỉnh dân ngu. Bọn đàn ông, đàn bà ngu dốt nhiều kẻ tin mộ. Trường giảng đạo người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi mà sách đạo và nơi giảng hãy còn, thói tệ chưa đổi. Đến đây lại nghiêm cấm”.[2] Đại Việt Sử Ký không nói đến mốc điểm đạo Hoa Lang được truyền vào Đại Việt.
Bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục[3] nhắc lại thông tin của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư về việc Lê Huyền Tông cấm đạo Hoa Lang năm 1663, đồng thời còn thêm lời giải thích về mốc điểm đạo Hoa Lang được truyền vào Đại Việt:

Tháng 10, mùa đông [1663]. Nhắc rõ lệnh cấm người theo tả đạo Gia tô : Trước đây, có người Tây Dương gọi là Hoa lang di, vào ở trong nước ta đem đạo dị đoan của Gia tô lừa dối dụ dỗ làm ngu muội dân chúng, những người quê mùa nông nổi phần nhiều tin mộ đạo ấy, họ lập tòa giảng nghe giảng đạo, sự mê hoặc đắm đuối mỗi ngày càng sâu rộng. Trước đã hạ lệnh đuổi người truyền đạo ấy đi, nhưng còn bọn tiểu nhân thấm sâu vào tập tục ấy chưa thay đổi được, nên đến nay lại hạ lệnh cấm. Lời chua: - Gia - tô: Theo sách Dã Lục, thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô.” [4] Theo chú thích, thì Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cho biết thông tin này được trích từ dã lục, nghĩa là từ những nguồn tin của tư nhân trong dân gian, không phải nguồn tin chính thống được các sử quan biên soạn.[5]
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục lập lại mốc điểm đạo Gia tô được truyền vào Đại Việt nhân việc chúa Trịnh Doanh cấm đạo vào năm 1754, thời Lê Hiển Tông (1740-1786):

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2021

Thánh Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời (02/11/2021)

  

Theo thông lệ những năm gần đây, vào đầu tháng 11, tháng cầu nguyện cho Các Đẳng Linh Hồn, Cha sở giáo xứ Võ Lâm tổ chức dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn các tín hữu đã qua đời tại phần đất Nghĩa trang dành cho các Linh Mục và Tu Sĩ, nằm trong khuôn viên Nghĩa trang Thành phố Kon Tum.

Đặc biệt năm nay, vào lúc 7g30’ sáng ngày 02.11.2021, Đức Cha Aloisiô Giám mục Giáo phận đã đến viếng mộ các Linh mục-Tu sĩ và dâng thánh lễ cầu cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời. Cùng hiện diện với Đức Cha có Cha Tổng đại diện Giuse Đỗ Hiệu và Cha sở giáo xứ Võ Lâm Tađêô Võ Xuân Sơn –  giáo xứ được trao trách nhiệm coi sóc Nghĩa trang các Cha và Tu sĩ.

Vì hoàn cảnh dịch bệnh covid-19, thánh lễ không được thông báo và chỉ giới hạn một số ít tín hữu tham dự.

Trong bài giảng, Đức Cha nhắc lại một định kiến hiểu lầm trước nay: Anh chị em bên lương thường cho rằng theo đạo Công giáo là bỏ ông bỏ bà, là không tưởng nhớ cúng kiếng tổ tiên ông bà cha mẹ. Sự thực trong Giáo Hội không bao giờ có chuyện đó. Chúng ta hôm nay hiện diện ở đây để làm chứng cho mọi người biết rằng người Công giáo không từ bỏ ông bà cha mẹ, nhưng Giáo Hội luôn luôn tưởng nhớ đến những người đã khuất. Không chỉ trong những ngày lễ giỗ, kị…hoặc những dịp kỷ niệm, mà người Công giáo trong thánh lễ hằng ngày luôn luôn tưởng nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ. Rồi trong năm, dành ngày mồng 2 tháng 11 đặc biệt không chỉ nhớ đến cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, mà còn cho tất cả anh chị em trong đức tin, đã sống nơi trần gian này mà nay đã qua đời; hay ngày mồng 2 Tết cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ còn sống cũng như đã chết. Người Công giáo còn có một điều răn phải giữ nữa, đó là điều răn thứ tư: thảo kính cha mẹ, tức là thảo kính ông bà cha mẹ, những người thân trong gia đình.

Khi tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ, trong niềm tin chúng ta còn đi xa hơn: cầu nguyện cho người qua đời được hưởng một niềm vui muôn đời, được hưởng nhan thánh Chúa.  Các bài đọc Lời Chúa trong ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời gợi lên niềm hy vọng, niềm vui nơi đó cùng với Chúa Giêsu Đấng đã chết và đã sống lại, Ngài đã về trời và nhắc nhở chúng ta đời sống này không phải là chấm dứt ở đây, nơi trần gian này, nhưng mà còn có quê hương ở trên trời. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng: có Nước Trời, có Thiên Đàng. Người trộm lành được Chúa hứa cho Thiên Đàng: “Hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi” (Lc 23,39-43). Người tín hữu sống thế nào để được hưởng phần gia tài Chúa hứa dành cho mỗi một người.

Cuối lễ Đức Cha mời gọi các tín hữu trong tháng 11 sống mầu nhiệm các thánh cùng thông công: Hội Thánh trên Thiên Đàng, Hội Thánh trong luyện ngục và Hội Thánh đang lữ hành. Và trong năm nay một cách đặc biệt vì dịch bệnh cho nên Giáo Hội cho phép các tín hữu trong suốt tháng 11 ai đi viếng nghĩa trang, vào bất cứ ngày nào, khi đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Tin Kính và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng thì được một ơn đại xá, nhường cho các linh hồn.

Sau thánh lễ Đức Cha và 2 Cha đến thắp hương viếng từng mộ các Linh mục và Tu sĩ. Khu đất An Táng các Linh mục-Tu sĩ giáo phận Kon Tum nằm trong Nghĩa trang thành phố Kon Tum được cấp phép ngày 20.05.2016 và được khởi công san lấp mặt bằng, xây Thánh Giá, mái vòm cũng như làm móng tường bảo vệ chung quanh. Đến hiện nay đã có 3 linh mục và 2 thầy phó tế, 7 nữ tu đã được an táng nơi đây.

Minh Sơn
WGPKT(02/11/2021) KONTUM


Nguồn: giaophankontum.com