Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Được tự ý thay đổi nghi thức trong Tuần Thánh không?




ROMA - Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma. 

Câu hỏi 1: Trong hai năm qua, tại giáo xứ của chúng tôi, phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh đã được thay đổi theo cách sau đây: Linh mục và các người đọc sách bắt đầu phụng vụ bằng cách đọc một phần của bài Thương Khó. Sau đó, họ dừng lại sau khi đọc khoảng 1/5 bài Thương khó, và các người đọc lần lượt đọc bài đọc 1 và bài đọc 2. Sau đó, linh mục và các người đọc tiếp tục công việc, đọc thêm 1/5 bài Thương khó nữa, sau đó họ đọc lời nguyện chung. Tiếp đến, 1/5 bài Thương khó được đọc, sau đó là tôn kính Thánh Giá. Kế đến, 1/5 bài Thương khó tiếp theo được đọc, và sau đó là phần Rước lễ. Sau phần Rước lễ, 1/5 bài Thương khó còn lại được đọc, và buổi phụng vụ kết thúc. Rõ ràng, trật tự của phụng vụ này không tuân theo luật chữ đỏ. Bởi vì phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là một Thánh Lễ, nên câu sau đây trong Hiến chế Sacrosanctum Concilium vẫn phải áp dụng, vì dẫu sao phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh là một phụng vụ thánh: "Việc điều hành Phụng Vụ Thánh tùy thuộc thẩm quyền duy nhất của Giáo Hội: nghĩa là thuộc quyền Tông Tòa và chiếu theo qui tắc luật pháp, cũng thuộc quyền Giám Mục...Vì vậy, tuyệt đối không ai khác, dầu là linh mục, được lấy quyền riêng tư thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong Phụng Vụ” (22,1, 2).

Câu hỏi 2: Mùa Chay năm ngoái, trong các Chủ nhật trước Chủ Nhật Lễ Lá, linh mục của chúng tôi và các phụ tá của ngài sử dụng các thay đổi khi đọc Tin Mừng: linh mục và giáo dân đọc Tin Mừng theo cách giống như bài Thương khó được đọc bởi nhiều người trong Chủ nhật lễ Lá hoặc Thứ Sáu Tuần Thánh, nghĩa là linh mục đọc lời của Chúa Giêsu, và các người đọc khác đọc các phần của người đàn ông mù, bà Martha, bà Maria, người phụ nữ Samaria, vv... Ngoài ra, ca trưởng mời cộng đoàn hát một câu đáp nhiều lần trong thời gian đọc Tin mừng. Vì vậy, tại nhiều điểm khác nhau trong Tin Mừng, hoặc là linh mục hay giáo dân sẽ ngưng đọc, và toàn cộng đoàn sẽ hát một câu đáp, nhiều lần theo cách hát Thánh vịnh. Tôi lo ngại về điều này diễn ra, bởi vì theo Huấn thị Redemptionis Sacramentum: "Vì vậy, một giáo dân, kể cả một tu sĩ, không được phép công bố Tin Mừng trong cử hành Thánh Lễ, kể cả trong các trường hợp khác, mà quy tắc không có rõ ràng cho phép" (63). Trong khi người đọc không đọc toàn bộ đoạn Tin Mừng, liệu giáo dân có được phép đọc một phần trong đoạn Tin mừng ấy không? Theo tôi, sự tự do thực hiện cách thay đổi như thế dường như là một lạm dụng phụng vụ. - E.R., San Clemente, bang California (Mỹ)

Câu hỏi 3: Tôi không dám chắc rằng đất nước tôi là duy nhất trong việc cố gắng "thiết lập lại" phụng vụ của tam nhật Tuần Thánh, nhưng tôi đã nhìn thấy và nghe đủ để tưởng tượng rằng có lẽ hàng giáo sĩ của chúng tôi không quá quen thuộc với các luật chữ đỏ, hoặc ý nghĩa của tam nhật Vượt Qua. Câu hỏi của tôi, về cơ bản, là làm sao một linh mục có thể bỏ qua các qui định để cử hành những gì, vốn xem ra là không còn Tam nhật Vượt Qua nữa, nói về pháp lý? Một số ví dụ từ các nghi thức phụng vụ được truyền hình: Vào một Thứ Sáu Tuần Thánh, Phụng Vụ Thương khó được cử hành tại Quận Kerry. Bài Kinh Thánh duy nhất được đọc là trích từ Tin mừng theo thánh Matthêu (dường như là một bản dịch mới) và được diễn theo lối kịch câm. Tôi nghĩ rằng phần còn lại của buổi phụng vụ là nhiều hoặc ít kém phụng vụ hơn. Sau đó, Đêm Vọng Phục Sinh của cùng một giáo xứ ấy đã được cấu trúc như sau: đốt lửa (bên ngoài nhà thờ), các giáo sĩ đi vào nhà thờ và bắt đầu các bài đọc Cựu Ước. Sau bài đọc Cựu ước cuối cùng, cây nến Phục Sinh được thắp theo nghi thức bình thường, mọi người thắp nến của mình, thánh thi Exsultet (‘Mừng vui lên’) được hát, tiếp đến hát bài Vinh danh. Phần còn lại của buổi phụng vụ diễn ra như thường lệ. - F.R., Dublin, Ireland

Trả lời: Đây chỉ là một số lựa chọn từ nhiều thắc mắc về việc tái sắp xếp trắng trợn của phụng vụ nói chung và lễ Phục Sinh nói riêng. Tại sao các điều này xảy ra, và tại sao một số linh mục đang bị lừa để suy nghĩ rằng đó là một phương pháp tiếp cận "mục vụ" hơn là tuân theo luật chữ đỏ đã qui định, vẫn còn là một bí ẩn.

Tôi vẫn xác tín rằng chính sách mục vụ tốt nhất và hiệu quả nhất là cung cấp cho tín hữu của Chúa Kitô các nghi thức, mà Giáo Hội của Người đã đưa ra. Đó là những gì đã chịu sự thử thách của thời gian và sử dụng rộng rãi. Sự chắp vá của cá nhân chúng ta chỉ làm nghèo nàn và làm suy yếu tính hiệu quả của chúng.

Từ quan điểm pháp lý, tất cả các sáng kiến này vi phạm nguyên tắc cơ bản số 22 của luật phụng vụ trong Hiến chế Sacrosanctum Concilium, được trích dẫn bởi người nêu câu hỏi số 1. Qui định này không chỉ giới hạn cho Thánh lễ, mà còn cho toàn bộ phụng vụ, kể cả mọi cử hành các bí tích và các á bí tích. Trong trường hợp của các á bí tích và Phụng Vụ Các Giờ Kinh, các sách chính thức thỉnh thoảng cho phép một sự tự do hơn trong việc lựa chọn bài đọc và phương thức cử hành, miễn rằng các tiêu chuẩn cốt lõi phải được tuân thủ.

Như người nêu câu hỏi số 1đã nhận xét, họ cũng vi phạm minh nhiên nhiều qui định phụng vụ khác. Đây là trường hợp trong câu hỏi số 2, nói rằng các trường hợp duy nhất mà giáo dân được phép đọc Tin Mừng cách hiệu quả cùng với linh mục là trong Chủ Nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngoại lệ khác, dự kiến có trong số 47 của Cuốn Chỉ nam cho Thánh lễ dành cho Thiếu nhi, không áp dụng cho các Thánh Lễ được cử hành cho toàn bộ cộng đồng giáo xứ.

Đối với Thứ Sáu Tuần Thánh, tôi sẽ nói rằng mặc dù buổi phụng vụ này không phải là một Thánh Lễ, nó là một trong các buổi lễ cổ xưa nhất và quan trọng nhất của một năm, và nó đáng hưởng mức độ tối đa trong tuân thủ luật chữ đỏ. Thư luân lưu của Thánh bộ Phụng tự (ngày 20-2-1988) về cử hành các ngày này là rất rõ ràng:

"64. Thứ tự cho việc cử hành cuộc Thương khó của Chúa (phụng vụ Lời Chúa, tôn thờ thánh giá, và rước Mình Thánh Chúa), vốn bắt nguồn từ một truyền thống cổ xưa của Giáo Hội nên được tuân thủ cách trung thành và đạo đức, và không ai có thể sửa đổi chúng theo sáng kiến riêng của mình.

66. Các bài đọc phải được đọc đầy đủ. Bài Thánh vịnh xướng đáp và thánh ca trước Tin mừng phải được hát theo cách thông thường. Trình thuật cuộc Thương khó của Chúa theo thánh Gioan được hát hay đọc, theo cách quy định cho Chủ nhật trước (xem số 33.). Sau bài Thương khó, cần có bài giảng, và sau đó các tín hữu có thể được mời suy niệm chốc lát."

Về Đêm Vọng Phục Sinh, các chỉ dẫn cũng là tương tự:

"2. Cấu trúc của Đêm Vọng Phục Sinh và ý nghĩa của các yếu tố và các phần khác nhau

"81. Thứ tự Đêm Vọng Phục Sinh được bố trí sao cho sau nghi thức đốt lửa và thắp nến, và công bố Tin mừng phục sinh (vốn là phần đầu của Vọng Phục sinh), Thánh Giáo Hội suy niệm về các công trình tuyệt vời mà Chúa là Thiên Chúa đã làm cho dân Chúa từ thuở ban đầu (phần thứ hai hoặc phụng vụ Lời Chúa) đến thời điểm khi cùng với những thành viên mới được tái sinh trong phép rửa tội (phần thứ ba), Giáo Hội được mời gọi đến bàn thánh do Chúa chuẩn bị cho Giáo Hội, tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Chúa, cho đến khi Chúa đến (phần thứ tư).”

"Thứ tự phụng vụ này không được thay đổi bởi bất cứ ai theo sáng kiến riêng của mình."

Vì vậy, các nghi thức trên kia có một luận lý thiêng liêng nội tại, vốn bị phá vỡ, khi nghi thức không được tôn trọng.

Một số các thao tác, được độc giả của chúng tôi mô tả, là quá nghiêm trọng đến nỗi người ta có thể nói rằng nghi thức ấy không còn là của Giáo Hội Công Giáo nữa. (Zenit.org 20-3-2012)

Nguyễn Trọng Đa
Nguồn tin: Vietcatholic

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét