Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

ĐÔI NÉT LỊCH SỬ GIÁO XỨ PHƯƠNG HÒA (Giáo Phận Kontum)



Tin mới:
*Khóa Thường Huấn Sư Phạm Giáo Lý Viên Hè 2014
*LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ NHÀ SINH HOẠT TÊRÊXA GIÁO XỨ PHƯƠNG HÒA


Như chúng tôi đã nhiều lần đề cập, thật đáng tiếc, ở Kontum từ sau ngày Giải phóng (1975) đến nay,  tất cả các tên gọi cũ của các làng người Kinh bị bỏ sạch, không còn lưu giữ lại một dấu vết gì, ngay cả những tên gọi đã có đến hàng trăm năm tồn tại như Tân Hương, Phương Nghĩa, Phương Hòa, Phương Quý .v.v., khiến ít ai còn biết được lịch sử hình thành của chúng.
Nhưng cũng rất may, lịch sử thật công bằng : tên làng bị xóa sạch nhưng tên các Xứ Đạo vẫn tồn hằng qua thời gian. Những Xứ Đạo hay Giáo Xứ là minh chứng xác thực cho sự hình thành và phát triển các làng mạc từ thuở khai sơn phá thạch, và vẫn đang tiếp tục phát triển đồng hành với dòng lịch sử, bất chấp những cản trở, dù to lớn đến mấy.
Chúng tôi cố gắng sưu tầm và biên soạn Lịch Sử Các Giáo Xứ tại Tp Kontum, để góp phần tìm hiểu thêm về Quê Hương Kontum yêu dấu của tất cả chúng ta.
LMS.

ĐÔI NÉT LỊCH SỬ
GIÁO XỨ PHƯƠNG HÒA
(Giáo Phận Kontum)
  

Giới thiệu giáo xứ Phương Hòa

Theo quốc lộ 14 trên đường từ Pleiku lên Kontum, cách Thành phố Kontum khoảng 1 cây số, rẽ trái ngang qua cầu Hơnor, chúng ta đến địa hạt của Giáo xứ Phương Hòa, thuộc Giáo phận Kontum.
Nằm dọc theo bờ sông Đăk Bla về hướng tây nam Thành phố Kontum, giáo xứ Phương Hòa được bao bọc bởi 2 con suối Dak Hơnor và Dak Kiă, cùng với dòng sông Đăk Bla đã tạo cho Phương Hòa trở nên một vùng đất bằng phẳng, màu mỡ, khí hậu mát mẻ.
Giáo xứ Phương Hòa là một giáo xứ lâu đời, có quá trình hình thành và phát triển xuyên suốt cùng với lịch sử truyền giáo của giáo phận Kontum. Năm 2013, giáo xứ Phương Hòa vừa tròn 110 năm khai sinh Họ đạo (1903-2013), và 92 năm thành lập Giáo xứ (1921-2013). Trong bối cảnh Năm Đức Tin, chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa về muôn ơn lành Chúa đã tuôn đổ trên giáo xứ Phương Hòa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội - bổn mạng giáo xứ; và cùng nhau nhìn lại hành trình đức tin của giáo xứ 110 năm qua, để biết ơn các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, giáo dân Thượng-Kinh, đã góp công khai phá và gieo trồng trong vô vàn gian lao thử thách, với bao mồ hôi nước mắt, để giáo xứ Phương Hòa có được như ngày hôm nay ; và để lên đường tiếp bước tiền nhân.

Chúng tôi xin trình bày Đôi nét lịch sử giáo xứ Phương Hòa theo các đề mục sau đây :
I. Thời kỳ sơ khai : 1871 – 1903
II. Họ đạo Phương Hòa thuộc Trung Tâm Truyền Giáo Rơhai (giáo xứ Tân Hương) : 1903 - 1921
III. Thành lập giáo xứ Phương Hòa : 1921
IV. Giáo xứ Phương Hòa vững bước đi lên : 1921 – 2013.
  
I. THỜI KỲ SƠ KHAI : 1871 - 1903          
Trở lại cách đây gần 150 năm, vùng đất phía tả ngạn sông Đăk Bla ngày nay là một vùng rừng núi bạt ngàn, nơi sinh sống của hơn 100 làng người dân tộc Bana, Jơrai…[1]. Các làng thường xuyên quấy nhiễu, đánh phá nhau để tranh giành đất đai, quyền lợi. Trong vùng có bộ lạc Hơdrong (Jơrai) hùng mạnh thường hiếp đáp các bộ lạc khác.
Ngay thời gian đầu, Cha Bề trên Miền Truyền Giáo Kontum - Cha Phêrô Dourisboure Ân và Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Do - phụ trách TTTG Rơhai (Tân Hương ngày nay), đã quan tâm tìm cách khai phá, đưa người đến vùng đất này.
Năm 1871, Cha Phêrô Nguyên lúc đó đang ở Rơhai, đã tìm qua phía bên kia sông để thành lập một nông trại mới, theo khuôn mẫu của nông trại Rơhai và Đăk Kấm, nhằm canh tác nơi vùng đất rộng lớn màu mỡ dọc theo bờ sông Đăk Bla. Làng Đăk Hơkia được Cha Nguyên thành lập, gần con suối Đăk Hơkia, mà thành phần bao gồm số dân làng Đăk Kấm cũ dời đi do dân Sêđăng cướp phá ; một số người Kinh là người nhà, người làm của Cha, cũng như số nô lệ Cha đã chuộc lại. Cha Nguyên cho đắp lũy, rào giậu kiên cố chung quanh làng Đăk Hơkia, với sự giúp sức của các làng bên kia sông như Kon Hơngo, Kon Rơbang…Dân của các làng này thường qua sông canh tác trên vùng đất phì nhiêu do con nước lên xuống theo định kỳ trong năm, đặc biệt có một vùng đất trũng như cái bàu rất lớn, cung cấp nước tưới cho cả vùng đất chung quanh. Đó là vùng “đất Chă” mà người làng Kon Rơbang, Kon Hơngo và sau này là dân Phương Quý canh tác sinh sống. Vì vậy nên dân các làng này sẵn sàng cộng tác với Cha Nguyên lập làng mới trấn ngữ hướng phía nam, để họ an tâm qua lại làm ăn, bớt sợ dân Hơdrong [2].
Trong vài năm, làng Đăk Hơkia trở nên hưng thịnh, Cha Nguyên làm nhà thờ rộng rãi, nhà xứ, lán trại…và số dân ngày càng tăng, tuy chưa được bao nhiêu. Cha Nguyên đã hướng dẫn dân chúng làm một chiếc cầu bằng gỗ ván tương đối chắc chắn bắc ngang qua dòng sông Đăk Bla, để thuận tiện cho dân chúng qua lại canh tác, thu hoạch vụ mùa, cũng như để các Cha sang bên kia sông làm việc mục vụ. Đó là chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Đăk Bla, do Cha Nguyên và giáo dân Kinh - Thượng thực hiện [3].
 Sau khi Cha Do trở về Đồng Hâu dưỡng bệnh và qua đời tại đó vào năm 1872, thì đến năm 1877, theo lệnh của Bề trên, Cha Nguyên phải trở lại phụ trách Rơhai, lúc đó  đang vắng bóng linh mục coi sóc. Cha Nguyên về Rơhai thì dân làng Đăk Hơkia cũng sợ không dám trụ lại, nên một số theo Cha Nguyên về Rơhai, số khác xin nhập vào một số làng lân cận như Kon Hơngo, Kon Rơbang…, và thế là làng Đăk Hơkia tan rã! Nhà thờ và lán trại đều được dỡ đem về bên này sông (Nhà thờ Dăk Hơkia được dỡ đem về dựng tại địa sở Kontum, về sau bị cháy vào năm 1897) [4]. Tuy nhiên, có một số ít người Dân tộc và người Kinh vẫn trụ lại làm rẫy, cộng với một số dân bên kia sông qua bên này làm ruộng rẫy thường xuyên trú ngụ lại…, trong số họ có nhiều tín hữu. Đó là những giáo dân đầu tiên của giáo xứ Phương Hòa sau này. Nhà nguyện lúc bấy giờ chỉ là một chòi tranh vách nứa tạm bợ [5].
Thời Cha Bề trên Vialleton Truyền (1885-1903), để tránh bộ lạc Hơdrong đánh phá, ngài đã cho dời nhà nguyện về gần suối Kantơma, gần trung tâm Phương Hòa ngày nay [6].
Cạnh con suối Dak Hơnor, đầu làng Phương Hòa (vị trí Sân banh cũ), từ xưa đã có làng dân tộc Kon Hơnor sinh sống. Làng Kon Hơnor tòng giáo năm 1900, thuộc TTTG Rơhai, nên linh mục phụ trách lúc đó là Cha Geurlach Cảnh và các linh mục phụ tá cũng đã thường qua lại vùng này để làm việc mục vụ và truyền giáo [7].

II. HỌ ĐẠO PHƯƠNG HÒA THUỘC TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO RƠHAI (GX. TÂN HƯƠNG) : 1903-1921                  
                                                      
Cha Gabriel Nicolas Cận
Sinh: 1876-Lm: 1900-Cha sở Tân Hương: 1902-1905
Sáng lập Họ Đạo Phương Hòa: 1903
Qua đời: 9/1/1947 

Một biến cố ghi dấu mốc quan trọng cho các tín hữu làng Phương Hòa. Thời Cha Nicolas Cận phụ trách TTTG Rơhai (Tân Hương) [1902-1905], ngoài việc lo lắng mục vụ cho số giáo dân đang sống bên kia sông Đăk Bla - gồm Kon Hơnor, Phương Hòa…, Cha  còn vận động giáo dân làng Tân Hương, nhất là những người có rẫy ruộng phía bên trong Ruộng Lào (Tân Điền), sang vị trí làng Phương Hòa ngày nay dựng nhà cửa, lán trại ngủ lại đó để có thể đi làm ruộng được  thuận tiện hơn [8]. Dần dần, số tín hữu Kinh tăng thêm, cộng với số dân di cư từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định lên lập nghiệp đã tìm đến mảnh đất tươi tốt, có thể sản xuất nhiều lúa gạo này…Vào năm 1903, họ đạo Phương Hòa chính thức được thành lập, trực thuộc giáo xứ Tân Hương [9]. Từ thời điểm này, nơi ngôi nhà nguyện nhỏ nép mình bên tả ngạn dòng sông Đăk Bla, tuy chỉ làm bằng tranh nứa đơn sơ, nhưng mỗi tháng hai lần, nhà nguyện vẫn vang lên câu kinh tiếng hát khi các Cha quản xứ Tân Hương về đây dâng Thánh lễ và ban Bí tích.

Nhưng do ngập lụt hằng năm, nên đến thời Cha Bề trên Guerlach Cảnh (1909-1912), ngôi nhà nguyện đã được dời lên vị trí cao hơn tại vị trí như ngày nay [10].
Qua thời gian, họ đạo Phương Hòa được quý Cha phụ trách Tân Hương chăm sóc mục vụ : như Cha Thiên (phó Tân Hương 1912), Cha Ban (phó Tân Hương 1914), Cha Phan (lên Kontum 1914), Cha Alberty Hiền (chính xứ Tân Hương từ 1913)…



III. THÀNH LẬP GIÁO XỨ PHƯƠNG HÒA : 1921
Trải qua 18 năm hành trình đức tin đầy sống động, và cũng nhiều gian nan thử thách, đến năm 1921, họ đạo Phương Hòa đã tự khẳng định mình với sự trưởng thành vượt bậc : Phương Hòa được nâng lên thành giáo xứ, với cha sở tiên khởi là Cha Phêrô Irigoyen Hương, thừa sai người Pháp, từ địa sở Kon Hơring được Bề trên bổ nhiệm đến. Lúc này, số giáo dân khoảng 300 người, và hứa hẹn sẽ phát triển nhanh chóng, do số di dân tìm đến lập nghiệp tại Phương Hòa ngày càng đông. Bổn mạng giáo xứ là Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (mừng kính vào ngày 8/12 hàng năm).
Lúc ấy, giáo xứ Phương Hòa còn có các họ đạo khác trực thuộc như Tân Điền, Plei Hơnor, Plei Rơhai, Plei Groi, Kon Hara Kơtu, sau này còn có họ đạo Tân Phú cũng thuộc giáo xứ Phương Hòa từ 1957-1965.
Cha sở Irigoyen Hương bắt tay lo ổn định, củng cố giáo xứ về mọi mặt. Năm 1928, dưới sự hướng dẫn của ngài, cộng đoàn giáo xứ Phương Hòa đã khởi công xây dựng lại ngôi nhà thờ mới theo kiểu nhà sàn dân tộc, sàn ván, vách trét đất, mái lợp ngói, sườn gỗ với những cột gỗ cao lớn, vững chắc và rộng rãi. Ngôi nhà thờ này khánh thành vào năm 1930, và trong suốt thời gian dài đã trở nên biểu tượng của lối kiến trúc nhà thờ theo phong cách Tây Nguyên.


Nhà thờ Phương Hòa xây dựng năm 1930
thời Cha Phêrô Irigoyen Hương (1921-1935)

Sau khi mừng lễ Kim Khánh 50 năm linh mục vào năm 1933 (1883-1933), đến năm 1935, Cha Phêrô Irigoyen Hương đã được Chúa gọi về, ngay ngày lễ Phục Sinh 21/04/1935, hưởng thọ 79 tuổi (1856-1935) ; với 52 năm linh mục, trong đó 51 năm trên Miền Truyền Giáo Kontum, 14 năm phục vụ giáo xứ Phương Hòa (1921-1935). Ngài mất đi đã để lại những dấu ấn sâu sắc và bao tiếc thương cho đoàn chiên Phương Hòa.
Tiếp nối Cha Phêrô Irigoyen Hương, các linh mục phụ trách giáo xứ Phương Hòa, gồm có:

Linh mục phụ trách
Năm phụ trách
Cha Phêrô Trần Ngọc Thích
Cha Micae Hiâu (Hóa) (cha phó)
Cha Gioakim Chế Nguyên Khoa
Cha Gioakim Nguyễn Thúc Nên
Cha Giuse Trần Trí Tuệ
Cha Simon Phan Văn Bình
Cha Giuse Đỗ Hiệu
Cha Lu-y Nguyễn Quang Vinh
1935 – 1956
1946 – 1949
1956 – 1967
1967 – 1969
 1969 – 1983
1983 – 1997
1997 – 28/11/2010
28/11/2010 - …  

Ngoài ra, giáo xứ Phương Hòa còn hân hạnh đón nhận nhiều Cha thừa sai Pháp và Việt đến giúp mục vụ, học tiếng, như quý Cha Guichard Lễ, Thomann Mẫn, Gorissen Nhơn, Bonnet Quý, Deschamps Đệ, Cha Đaminh Đỗ Hữu Toán (qua đời 1978), Cha Giuse Nguyễn Trung Hưng (hiện hưu tại nhà riêng ở gx Đức Long, Gp Xuân Lộc)… 



IV. GIÁO XỨ PHƯƠNG HÒA VỮNG BƯỚC ĐI LÊN :
1921 - 2013

TÌNH HÌNH GIÁO XỨ PHƯƠNG HÒA:

1. BẢNG 1: Tình hình Địa sở Phương Hòa (Bahnar)
                     [Theo Echos năm 1948].
Tên Họ Đạo
Năm
tòng giáo
Linh mục
 phụ trách
Năm ph.trách
PHƯƠNG HÒA
cộng đoàn Kinh
sáp nhập vào RƠHAI đến
RƠHAI xưa kia ở tại TÂN HƯƠNG ngày nay bị đuổi qua ở địa điểm hiện tại thuộc
địa sở PHƯƠNG HÒA
KON HARA KƠTU thuộc
địa sở RƠHAI và sau đó thuộc
TÂN HƯƠNG đến năm
PLEI HROI
sáp nhập vào RƠHAI cho
đến năm
PLEI HƠNGOR
thuộc RƠHAI đến năm
DĂK KIĂ làng phong lập
RUỘNG LÀO
cộng đoàn Kinh
PLEI DƠNG hay
PLEI DƠSEI
bỏ đạo
trở lại
sáp nhập PLEI JƠDRẬP
thuộc TƠTUER năm
thuộc PHƯƠNG HÒA
1903

1921
1875


1935
1895

1947
1925

1933
1900
1921
1921
1933

1910

1926
1928

1931
1942
Cha Irigoyen

Cha Thích
Cha Hóa
(Bana, phó)
Cha Thích
1921-1935
1935
1946

1949





























2. BẢNG 2: Giáo xứ Phương Hòa từ 1921- 2013
[Theo Echos; Lịch Công giáo Gp Kontum các năm liên hệ; và Báo cáo hàng năm của Gx Phương Hòa].

Năm
Linh mục
phụ trách
Số họ đạo
Giáo dân
Dự tòng
Giáo phu
1921
1937

1939
1949

1956
1958
1959
1960
1963
1967
1969
1972
1975
1983
1997
2004
2005
2006
2007
2008
2009
2010
2011
2013
Cha Irigoyen
Cha Trần Ngọc Thích

-nt-
-nt-
(Cha Hóa phó)
Cha Chế Nguyên Khoa
-nt-
-nt-
-nt-
-nt-
Cha Nguyễn Thúc Nên
Cha Trần Trí Tuệ
Cha Trần Trí Tuệ
-nt-
(15/1) Cha Phan V Bình
(15/2) Cha Đỗ Hiệu
-nt-
-nt-
-nt-
-nt-
-nt-
-nt-
(28/11) Cha Ng. Q Vinh
-nt-
-nt-

6

-nt-
11

6
8
8

6
2

2
2



300
1.008
517 K+419 Dt
1.087
1261
559 K+702 Dt
1.331
838 K+979 Dt
929 K+980 Dt
971 K+1.083 Dt
2.973
1.756 K

1.756 K
1.387 K


2258
2310
2351
2388
2402
2406
2422
2451







156
140

604
20

10






11
6






Tiếp bước truyền thống của tiền nhân, giáo xứ Phương Hòa ngày càng được củng cố và phát triển về đời sống đức tin cũng như tổ chức giáo xứ. Trải qua các nhiệm kỳ của quí Cha sở phụ trách giáo xứ Phương Hòa, nhiều Hội đoàn mới được thành lập, các lớp học hỏi Lời Chúa theo từng giới được tổ chức, đẩy mạnh việc giáo dục văn hóa và đức tin cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Trong giáo xứ, mọi người được kêu gọi chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, nhất là chia sẻ giúp đỡ những người nghèo…Hiện nay (2013) giáo xứ có hơn 600 hộ gia đình công giáo, với 2451 tín hữu, được chia thành 23 Xóm giáo. Các sinh hoạt đạo đức cũng như công tác xã hội được tổ chức theo từng giới, tập hợp mọi thành phần trong giáo xứ từ phụ lão, gia trưởng, bà mẹ, thanh niên, Thiếu nhi Thánh Thể, các em Lễ sinh…Ngoài Ban Chức Việc, còn có Ban Giáo Lý, Hội Lego Mariae và 5 ca đoàn.
Giáo xứ Phương Hòa đã chú trọng đến việc cổ võ Ơn Gọi, dâng cho Chúa và Giáo Hội những người con của mình phục vụ trên cánh đồng truyền giáo. Hiện nay, giáo xứ có 1 linh mục, 2 Phó tế, 8 nữ tu đang phục vụ trong các Hội Dòng, và một số thầy đang theo học Chủng viện…
           
3. HIỆN TẠI 2013, GIÁO XỨ GỒM 23 XÓM GIÁO :

1/ Xóm Thánh Gia 1
2/ Xóm Thánh Gia 2  
3/ Xóm Truyền Tin 1
4/ Xóm Truyền Tin 2
5/ Xóm Lòng Thương Xót Chúa 1
6/ Xóm Lòng Thương Xót Chúa 2    
7/ Xóm Mân Côi 1   
8/ Xóm Mân Côi 2
9/ Xóm Thánh Tâm 1
10/ Xóm Thánh Tâm 2
11/ Xóm Fatima                                                  
                                         
12/ Xóm Mông Triệu 1
13/ Xóm Mông Triệu 2
14/ Xóm Têrêxa Hài Đồng 1
15/ Xóm Têrêxa Hài Đồng 2                                     
16/ Xóm Vinh sơn Phaolô 1                                         
17/ Xóm Vinh sơn Phaolô 2
18/ Xóm Têphanô Cuénot 1
19/ Xóm Têphanô Cuénot 2
20/ Xóm Phanxicô Assisi 1                                              
21/ Xóm Phanxicô Assisi 2                                         
22/ Xóm Lộ Đức 1                                                      
23/ Xóm Lộ Đức 1

















4. CÁC LINH MỤC & TU SĨ  XUẤT THÂN TỪ GX.PHƯƠNG HÒA
       Linh mục& Phó tế :
  1. Linh mục Micae Nguyễn Tuấn Huy, 
Thụ phong ngày 14-11-2008
  1. Phó tế Gioakim Lương Đông Vỹ,
Nhận chức ngày 22-12-2012
      3.   Phó tế Phêrô Nguyễn Xuân Anh Tuấn
            Nhận chức ngày 22-12-2012.                      
       Nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres (SPC):
  1. Sr. Marguerite  Nguyễn Thị Thy
  2. Sr. Thérèse       Nguyễn thị Hậu
  3. Sr. Madeleine   Phan Hà Thúy Liễu
       Nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng (SPP):
      1.  Sr. Marie        Đoàn Thị Kim Tài
      2.  Sr. Marie        Nguyễn Thị Hồng Hoa
       Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá :
      1.   Sr. Maria Nguyễn Vũ Phương Hòa
            (Sinh 1956, Qđ 15.7.2010)
      1.   Sr. Madeleine Trương Thị Liển
      2.   Sr. Anna        Phạm Thị Xuân Cúc     
      3.   Sr. Marie       Võ Thị Thanh Thúy
      4.   Sr. Marie       Lương thị Thùy Trang           
       Nữ tu Dòng Lao Động Thừa Sai :
      1.   Sr.  Marie      Lê Tự Bảo Nguyên
       Nữ tu Dòng Cát Minh :
      1.   Sr.  Anê         Đoàn Lê Ngọc Duyên˜

5. TRẠI PHONG DAK KIA
Từ lâu, những người bị bệnh phong cùi ở Kontum thường cư trú chung quanh thị xã. Năm 1920, các cha Thừa sai đã thành lập Trại Phong gồm 10 bệnh nhân, dọc bờ suối Dak Kia trên trục đường đi xã Ia Chiêm về phía tây bắc, thuộc địa sở Phương Hòa, cách thị xã Kontum 6 km. Các bác sĩ người Kinh ở Kontum bắt đầu tham gia tổ chức, mà Cha sở Phương Hòa đã quảng đại đảm nhận trong việc hướng dẫn đời sống luân lý và đạo đức. Đến năm 1939, Đức Cha Jannin Phước đã mời các Nữ Tử Bác Ái Hội Dòng Thánh Vinh Sơn đến phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân tại Trại Phong, số bệnh nhân được thu dung lên 80 người. Năm 1956 xây cất bệnh xá 10 giường bệnh. Năm 1958, các Nữ Tử Bác Ái đảm nhận điều hành, ở hẳn tại Trại Phong để phục vụ bệnh nhân, số bệnh nhân lên đến 120 giường. Năm 1960-1963 xây cất nhà gạch thay thế nhà tranh cho các bệnh nhân; xây dựng thêm nhà nội trú cho các em gái, vườn trẻ, trường tiểu học, xưởng mộc…Năm 1967, bác sĩ người Pháp Christiane Granger tình nguyện đến chăm sóc 300 bệnh nhân phong ; xây Nhà Nguyện, thành lập các phòng xã hội cho các bệnh nhân và gia đình họ… Trại Phong Dak Kia trở thành ngôi làng thân thương, giữa cộng đoàn giáo xứ Phương Hòa, trong đó tạo lập một môi trường thích hợp với đời sống gia đình cho anh chị em bị bệnh phong, nâng đỡ bằng tình nhân ái, chăm sóc chẳng những về mặt y tế, mà còn bao gồm mọi mặt khác như văn hóa, giáo dục, nhân bản, đời sống tâm linh, tôn giáo…[11] 
image004
Nhà thờ Dak Kia

6. MỘT VÀI DẤU MỐC ĐÁNG NHỚ :
a/ Giai đoạn 1953-1954, Cha Gorissen Nhơn đến giúp giáo xứ đã làm một nhà xứ to lớn, khang trang. Nhà xứ này về sau được phá dỡ vào năm 1998, thời Cha Giuse Đỗ Hiệu, để xây dựng nhà xứ mới, khánh thành ngày 30/7/1998.
b/ Thời Cha Gioakim Chế Nguyên Khoa : chăm lo giáo dục ; xây bậc cấp tiền đường Nhà thờ (cũ) và Đài Đức Mẹ bên cánh trái trước Nhà thờ (Đài Đức Mẹ này được phá dỡ năm 2005), và Đài Đức Mẹ trên quốc lộ 14 đường đi Gia Lai (nay thuộc xóm giáo La Vang, gx Tân Hương)…
c/ Thời Cha Gioakim Nguyễn Thúc Nên : xây dựng Trường Nam Thông (nay là Trường Mầm Non Hoa Hồng), ký nhi viện (nay là Công viên bên hông trái Nhà thờ), đẩy mạnh việc học vấn cho con em trong giáo xứ…
d/ Thời Cha Giuse Trần Trí Tuệ : gắn bó khắng khít với bổn đạo, đi đầu trong việc dẫn thủy nhập điền (xây 1 Thánh giá bằng xi-măng tại đập nước Đăk Kia hiện vẫn còn), cũng như đem ánh sáng về nông thôn…
đ/ Thời Cha Simon Phan văn Bình : sửa sang Nhà thờ và khuôn viên nhà xứ khang trang, hài hòa, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học giáo lý…
e/ Thời Cha Giuse Đỗ Hiệu : củng cố và phát triển thêm đời sống đức tin, tổ chức kiện toàn giáo xứ. Xây dựng nhà xứ mới (khánh thành ngày 30/7/1998), thay nhà xứ có từ thời Cha Gorissen Nhơn.
Phổ biến và cổ động việc sùng kính Lòng Thương Xót của Chúa.
Xây ngôi nhà thờ hiện nay thay thế ngôi nhà thờ có từ thời Cha Irigoyen Hương. Nhà thờ mới (diện tích 928 m2) mang tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội bổn mạng giáo xứ, được khởi công ngày 25/3/2005, và lễ thánh hiến hoàn thành nhà thờ ngày 5/6/2007…

f/ Cha Lu-y Nguyễn Quang Vinh, cha sở hiện nay (từ 28/11/2010) tiếp tục kế thừa và phát huy lòng đạo đức cũng như những cơ sở sẵn có của giáo xứ Phương Hòa. Tiếp tục củng cố hoàn thiện giáo xứ. Xây dựng Đài Đức Mẹ trong khuôn viên Nhà thờ, phía sau nhà xứ, khánh thành ngày 7/12/2012; sửa sang nhà xứ, xây hồ nước trong khuôn viên trước nhà xứ…

ËËË


Từ cầu Đăk Bla bên này bờ sông, người ta có thể nhìn thấy tháp chuông nhà thờ Phương Hòa vươn cao đến tận trời xanh, tuy ẩn mình sau bạt ngàn xanh biếc của núi rừng, như lòng ước vọng muốn vươn lên hơn nữa trong đời sống Đức tin của cộng đoàn Dân Chúa.
110 năm hành trình Đức tin (1903-2013)! - 110 năm dừng lại để cùng nhau TẠ ƠN THIÊN CHÚA và YÊU THƯƠNG NHAU HƠN. Xin Đức Maria Vô Nhiễm tiếp tục đồng hành cùng Giáo Xứ Phương Hòa trên bước đường tương lai, trong nỗ lực sống Đạo và Loan Báo Tin Mừng Chúa Giêsu cho hết thảy mọi người.

                                                                         Kontum, 18/01/2013
                                                                             Phêrô Minh Sơn

___________________________
CHÚ THÍCH :
[1] Cha P.Ban và cha S.Thiệt, “Mở đạo Kontum”, nhà in Quinhon 1933, tr.190.
[2] Cha P.Ban và cha S.Thiệt, Kể sự Cha Nguyên lập làng Dak Kia, “Mở đạo Kontum”,  nhà in Quinhon 1933, tr.189-190.
[3] Cha P.Ban và cha S.Thiệt, sđd, tr. 206 và 210.
[4] Cha P.Ban và cha S.Thiệt, sđd tr. 191 và 197.
[5]&[6] Theo G.B Nguyễn Thành Đạt, “Tìm hiểu sơ lược tiểu sử họ Phương Hòa”, bản viết tay năm 1970, lưu tại gx Phương Hòa.
[7] Theo Echos de la Mission, Địa phận Kontum, tháng 2-3-4/1948, tr.5, Làng Kon Hơnor tòng giáo năm 1900 và trực thuộc Rơhai, đến năm 1921 thuộc gx Phương Hòa. Làng Kon Hơnor vào khoảng trước năm 1975 đã di dời vào gần xã Ya Chim ngày nay.
[8] Cha P.Ban và Cha S.Thiệt, “Mở đạo Kontum”, nhà in Quinhon, 1933, tr. 234 ghi gốc tích làng Phương Hòa như sau : “Làng Phương Hòa bên kia sông Bla gần Kontum bây giờ nhơn số hơn 300. Làng này xưa vốn là người Tân Hương theo cha Cận (P. Nicolas) qua lập đó cho dễ làm ruộng, vì bên trong có chỗ gọi là ruông rộng và tốt dễ phá ruộng. Đến sau người ta đến thêm lần lần, và sau nầy chắc còn đông hơn”.
[9] x. Echos de la Mission, Địa phận Kontum, tháng 2-3-4/1948, tr.5.
[10] Theo G.B Nguyễn Thành Đạt, “Tìm hiểu sơ lược tiểu sử họ Phương Hòa”, bản viết tay năm 1970, lưu tại gx Phương Hòa.
[11] Theo “Vài nét về Khu Điều Trị Phong Dak Kia, Tỉnh Kontum”, Đặc San Trại Giao Lưu Kết Thân 1998, tr.2.
   



























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét