Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

MẪU SỐ TRÍ THỨC




Đỗ Phước Tiến
(Theo Tia Sáng)

Trong cuốn sách tư liệu Mọi Kontum do hai anh em Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi soạn chung (xuất bản năm 1937) chủ yếu giới thiệu về sắc dân thiểu số Bahnar, nhân đề cập mối quan hệ làm ăn buôn bán giữa hai miền thượng và đồng bằng, các tác giả đã dẫn lời linh mục Pierre Dourisboure nêu nhận xét về người Việt như sau : Tôi chú ý một điều là những người Annam thường có tánh kiêu ngạo. Tánh ấy là do đã quen cái thói nô lệ ở trong nước. Đối với kẻ quyền thế thì bò sát dưới chân và có bị đòn mấy cũng không dám hé răng, nhưng đối với kẻ kém mình thì họ lên mặt ngạo mạn ngay. Cũng chẳng lạ chi cái thói kiêu căng kia, chẳng qua ở trong cái thói nô lệ mà ra.


Sau khi dẫn lời một người ngoại quốc nhận xét về dân tộc mình, hai tác giả này đã bình thêm : lời nói mới chua cay làm sao, nhưng xét kỹ thời cái thói đó là có thực và cũng bởi chế độ không hay ở trong nước ta gây ra đã mấy mươi đời nay. 

Trước tiên hãy nói về linh mục Pierre Dourisboure. Là giáo sĩ thuộc dòng Thừa sai Paris, vị này là một trong bốn linh mục người Pháp đặt chân lên Tây Nguyên năm 1850, tức là vào thời điểm vua Tự Ðức đang ra sức truy sát các giáo sĩ phương Tây. Trong khi lẩn trốn vào nơi cư trú của các tộc người Bahnar, Rengao, Sedang, P.Dourisboure đã lần hồi thiết lập các họ đạo tại Kon Xolang, Kon Koxam và Kon Rohai (các địa danh thuộc tỉnh Kontum hiện nay). Sau này khi trở về đồng bằng, vị linh mục này đã vẽ lại bản đồ và ghi chú chi tiết phong tục tập quán của từng nhóm sắc tộc đã tiếp xúc. Còn hơn cả Mọi Kontum, những ghi chép này được xếp vào loại sử liệu trực tiếp đầu tiên về cao nguyên miền Trung. Bởi vì trước đó, năm 1776 khi vào Nam kiểm kê, cho dù Lê Quí Ðôn có ghi lại một số quan hệ giữa các vua Hỏa Xá và Thủy Xá với triều đình xứ Ðàng Trong nhưng những mô tả này chỉ dựa trên những lời thuật lại chứ không do giao tiếp trực tiếp.

Dù sao thì đó cũng chỉ mới là công trạng ngoài “chuyên môn nghiệp vụ” của linh mục P. Dourisboure. Vị giáo sĩ này, ,không chỉ góp công trong mục tiêu chiến lược của Pháp ở thời kỳ đó là loại trừ ảnh hưởng của Xiêm La ở Tây Nguyên, mà còn dạy cho những tộc người ở đây canh tác nông nghiệp (trồng lúa nước, bắp, cây bông gòn) và nghề chăn nuôi gia súc, những việc mà người Kinh thời đó không hề có ý định làm. Để hoàn thành sứ mệnh thiết lập các cơ sở họ đạo trên vùng đất mới, P. Dourisboure chọn cách làm có thể nói là khá mới mẻ so với tư duy chính trị của triều đình nhà Nguyễn thời đó. Những tín đồ đầu tiên của các giáo điểm do vị giáo sĩ này thiết lập là những nô lệ, tù binh chiến tranh, trẻ em mồ côi... tóm lại là những nạn nhân từ những biến động xã hội và tất nhiên thuộc tầng lớp “phi trí thức”. Những người này có thể được giải thoát, được chuộc về, được mua về. Trong hồi ký của mình được xuất bản năm 1929, P. Dourisboure viết : Mỗi khi có thể được, chúng tôi chuộc lại họ. Họ đảm nhiệm việc canh tác, lập cư trên những cánh đồng mà chúng tôi đã phát quang trong nhiều cứ điểm của chúng tôi và sau khi họ nhập đạo, họ sẽ là nòng cốt của các cộng đồng Kitô hữu mới.

Kể dài dòng như thế cũng nhằm mục đích khẳng định một điều rằng cha Dourisboure không phải không có đủ tư cách để nêu những nhận xét xác đáng về người Việt. Đó là nhận xét của một trí thức chân chính, thẳng thắn nêu lên những điều mình nghĩ dù điều đó chẳng những không đem lại lợi lộc mà còn chuốc thêm kẻ thù cho mình.

Bây giờ trở lại với hai anh em tác giả Mọi Kontum. Có lẽ cũng cần nói thêm là ở thời điểm viết cuốn sách này, bác sĩ Nguyễn Kinh Chi và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi là những thanh niên tuổi đôi mươi sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước nổi tiếng, nghĩa là ở một khía cạnh nào đó có thể gọi họ là những trí thức điển hình thời đó. Không thể nói là họ không bị tổn thương trước lời nhận xét của một người ngoại quốc về dân tộc mình. Thế nhưng họ đủ dũng khí để nhìn nhận tính chân xác trong nhận xét của vị giáo sĩ. Cũng trong phần ghi lại lời linh mục P. Dourisboure, các tác giả kể thêm một câu chuyện như sau: Chúng tôi đã từng được mục kích một đôi người Annam ở Kontum - mà may toàn là hạng vô học thức cả - tỏ dạng khinh khi người Mọi một cách quá đáng: có khi họ xô đẩy không cho cùng ăn một bàn, một mâm. Chúng tôi có lấy câu “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” mà khuyên họ không biết họ có hiểu không.

Nhưng trong một cuốn sách không chủ yếu viết về người Việt, thì liệu có cần phải đem người mình ra “bêu riếu”? Điều này thì các tác giả đã nói ngay ở phần mở đầu: Duy về bên người Nam ta, chúng ta nên làm thế nào cho xứng với lòng tin cậy của người Bahnar kia? Tưởng chỉ có một cách hay hơn hết là ăn ở thân thiện với họ nghĩa là khi giao thiệp với thổ dân, chúng ta chớ thấy người ta hèn kém mà tỏ dạng khinh khi, chớ thấy người ta chất phác mà thò ngón điêu xảo.

Kể dài dòng về một người sống ở thế kỷ 17 và hai người khác ở đầu thế kỷ 20 với những lý tưởng và xuất phát điểm khác nhau, cũng là để nói lên một điều rằng trí thức thời nào, ở vị trí xã hội nào và thuộc bất cứ một thể chế chính trị nào thì trước tiên, và cơ bản, cũng đều có chung một giá trị nhân sinh quan. Cho dù thế giới có đổi thay đến mức nào thì trí thức, hạt nhân của xã hội, chỉ có duy nhất một mẫu chung. Đó là những con người có khả năng đứng trên một bậc trong cái cộng đồng mà họ sống, do đó họ không bao giờ là nô lệ và chính vì thế bao giờ họ cũng có phản ứng trước trạng thái nô lệ của cộng đồng đương thời.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét