Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

MAY MẮN MỖI NĂM CHỈ MỘT NGÀY CÁ THÁNG TƯ




NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

Có thể nói mọi bất hạnh xảy ra trên đời rồi dẫn đến bi kịch khủng khiếp là do nói dối hoặc bất tín. Tại sao vậy? Chúng ta vẫn thường nói đến ba chìa khóa căn bản để xây dựng cuộc đời tốt đẹp là CHÂN – THIỆN – MỸ. Chân – đứng đầu bảng, cũng là chân thật, chân tình. Vậy thì nói dối tức là ngược với CHÂN, làm sao chẳng dẫn đến đổ vỡ bất hạnh? Triết gia Hegel một bậc thầy của người Đức và thế giới đã lý giải thế này: một chiếc cột bị dựng nghiêng, người ta sẽ phải dựng cho tới khi nào nó đứng thẳng trên mặt đất, có như vậy nó mới không đổ. Một chiếc cột dựng nghiêng sẽ đố kéo theo cả tòa nhà đổ. Vậy thì khi chiếc cột đứng thẳng, đó chính là giá trị CHÂN LÝ của nó rằng: nó buộc phải đứng thẳng mới đứng vững và chống đỡ vòm mái hay thứ khác. Phải có Chân, rồi mới đến Thiện, rồi mới có Mỹ. Chẳng hạn một tòa kiến trúc nguy nga lộng lẫy tinh xảo, nhưng nếu nó không đứng vững trên nhưng chiếc cột dựng thẳng thì làm sao còn bàn về vẻ đẹp của nó? Một bức tượng cũng vậy, người ta chỉ bàn về vẻ đẹp của nó khi nó đảm bảo luật trọng lượng và đứng vững thành hình khối trên mặt đất. 


Không có Chân thì cũng chẳng có Thiện, như người Việt bảo: “Cha nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa”, nếu trong tình cảm chỉ dùng ngôn từ áp đặt hoặc trí trá thì dù là tình cảm vợ chồng hay cha con rồi cũng sa lầy vào phá sản mà thôi. Gần đây, ở ta xảy ra hàng loạt các vụ trọng án, chỉ vì lẽ “cha không từ con thì không hiếu”, “chồng không hiền, vợ thì không thảo”… Chẳng hạn có một vụ án giết người chỉ vì một lẽ phi lý cỏn con. Cậu kia mượn của bạn chiếc di động để gọi một cú, những sau đó lại không trả, đến ngày hôm sau người bạn không chịu nổi sự phi lý có mượn không có trả đó, liền xung đột rồi để xảy ra án mạng.

Nói dối là ngọn nguồn của mọi bất hạnh, nên nói dối xấu lắm!? Vậy mà chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa ngày mùng một tháng tư, ngày nói dối châu Âu, châu Mỹ, rồi nay lan ra cả thế giới. Nhiều người còn cho đây là một ngày hội lớn, “nói dối vui vẻ”, thậm chí bị lừa hoặc nói dối còn may mắn. Thế thì tại sao lại “trù úm, dè bỉu” rằng nói dối là xấu được??? Tại sao? Chúng ta thử bàn kỹ về việc này. Thực ra sự kiện này là một niềm vui ở chỗ, không phải nhân loại yêu thích hay tôn vinh nói dối, mà người ta thấy nói dối giống như một tồn tại tất yếu không tránh nổi của kiếp người, vì thế họ tổ chức cho nói dối được xả rác một ngày cho đã  trong năm, để người ta không còn thèm đổ rác lung tung nữa. Đó hẳn là ý nghĩa tích cực của ngày nói dối.

Có một bài hát của người Việt rằng: “Người mình bao năm chăn gối, bây giờ còn dối gian nhau, mấy ai trong đời hiểu thấu?” Cuộc đời, tình yêu ngang trái là vậy, người gối ấp má kề với ta, thấu hiểu thâm sơn cùng cốc, hay như cách nói của Kinh Thánh là thịt của thịt, xương của xương, người đàn ông và đàn bà lìa bỏ cha mẹ mình, kết hợp với nhau thành một xương một thịt, vậy mà giờ đây người lừa dối ta, nào tin nhắn, nào điện thoại, nào đi muộn về sớm, nào ngẩn ngơ không rõ ràng, tất cả người đang lừa dối ta, vậy thì có đau lòng không? Nhưng mà xét lại, chính vì người quá thân thiết với ta, người sợ ta, người sợ phá sản quan hệ với ta, nên người mới phải quanh co nói dối.

Người Việt còn có câu “nhanh hẩu đoảng, thật thà hư”. Nhanh nhẹn là tốt vì nó biểu hiện sự sốt sắng trong công việc. Nhưng nhanh hẩu đoảng thì không tốt vì đó là biểu hiện của sự cẩu thả, sốt ruột, làm buông rơi bỏ vãi, nhanh mà bỏ sót hỏng việc thì nhanh làm gì? Còn thật thà, đến nhà người mới sinh, nhìn thấy đứa nhỏ lại nói thật: mặt cháu gãy trông xấu thế, chân tay ngắn chùn chũn chắc lớn không thể nào thành chân dài được, rồi lại còn ngửa cổ đếm rui mè đánh một câu “nhà toàn gỗ thế này cháy thì to lắm”, đấy là thật thà thô lỗ, thật thà làm đau người khác, thật thà của tâm hồn chật chội không thể bao dung. Và đó là thật thà hư!

Tại sao người ta lại phải nói dối? Chẳng hạn như trong tình yêu, mới hôm qua chàng còn sẵn sàng trèo ngàn vực sâu núi thẳm băng mình vào miệng của gươm giáo để cứu nàng hiển hách là vậy mà sao hôm nay chàng lại nặn ra những lời ấp úng nói dối như gà mắc tóc? Đó là bởi dục vọng. Vì “đàn ông một trăm lá gan, lá ở cùng vợ lá toan cùng người” nên mới thế. Và nói dối không chỉ được dùng để bao biện che đậy sự thật, mà có rất nhiều người như người Việt quan niệm “mồm miệng đỡ chân tay”, người ta khoa môi múa mép để được bỏ qua việc làm của chân tay, hơn thế còn nâng cao sĩ diện, đánh bóng tên tuổi mình, thậm chí còn dùng đó là phương cách ngắn nhất, hữu hiệu nhất để lừa đảo, thăng quan tiến chức, hứa hão để mưu lược những thành công lớn trong cả khoa học, nghệ thuật, chính trị và tôn giáo.

Trẻ con được ví như tờ giấy trắng chưa kịp lấm bụi đời bao giờ cũng hồn nhiên thật thà hơn. Trái lại có rất nhiều người lớn cho rằng nói dối là sản phẩm trưởng thành của người lớn, nên càng có tuổi người ta lại càng nâng cao khả năng nói dối, rồi nói phét của mình, nói dối non-stop, nói dối không ngừng, nói dối trăm nghìn cái, nếu có bị bại lộ dăm bảy cái thì đã có trăm nghìn cái pha bột nở khác bổ xung, với nhiều người nói dối đã trở thành thói quen, và người ta còn nghĩ thật là thiệt thòi những ai không biết nói dối, vì đó là những người đã không biết bơm hơi làm cho cuộc đời của mình phồng lên có một thành mười như bánh phồng tôm. Sự nói dối phát triển đến mức, trên thế giới có cả những lý thuyết gia cự phách triển khai những nghệ thuật nói dối. Như tác giả, triết gia, sử gia nổi tiếng người Ý Niccolo Machiavelli đã viết cuốn “Quân Vương” ( The Prince), dạy cho các quân vương khét tiếng làm chính trị rằng: Hãy hứa và hứa không ngừng, hứa mà không thực hiện lời hứa còn hơn là không hứa gì cả, vì hứa là đem đến hy vọng cho dân chúng, cho đến thời điểm chín mùi mà lời hứa chưa đến thì hãy cấp tập hứa những điều khác để dân chúng kỳ vọng vào đấy mà quên lời hứa cũ đi. Làm quân vương thì không cần phải giữ lời hứa mà chỉ cần nuôi hy vọng cho những lời hứa đó. . . Đến lượt Hitler, y đã trở thành một chuyên gia nói dối siêu hạng bất chấp hơn nhiều, y nói: hãy nói dối, sẵn sàng nói dối gấp hàng triệu lần, để người ta có thể tin rằng ngay cả những gì phi lý nhất cũng là sự thật.

Tất nhiên nhân loại không nghĩ vậy! Người Hy Lạp xưa đã cho rằng: mọi điều tốt đẹp trên đời phải được bắt đầu từ sự thật như rau xanh thật ăn không ngộ độc, thịt thú rừng thật ăn có sức khỏe, còn thuốc thật thì chữa bệnh. Thánh Gandhi ở Ấn Độ cho rằng : “Người ta không thể phủ nhận một sự kiện mà chỉ có thể phủ nhận ý kiến về sự kiện đó”. Đức Phật Thích Ca thì cho rằng “Sự ngu dốt lớn nhất cuộc đời là dối trá”. Hiện thực người ta thấy, những người nói dối chỉ có thể mưu cầu được những thành công vặt vãnh như trốn việc hay chen ngang đôi chút, trái lại người buôn bán lớn phải có chữ tín, những bác học lớn, nghệ sĩ lớn đều là những người hồn nhiên chân thành. Ngay cả chọn rể cho con, người ta cũng muốn chọn một anh chàng hiền lành chất phác.

Ở châu Á, Trung Quốc và  Việt Nam ta xưa nay đều khuyên dạy con người phải sống thật thà. Người Việt nói “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Hoặc nói “lời nói chắc như đinh đóng cột”. Có nghĩa lời nói đó vừa là sự thật vừa là trách nhiệm, có địa chỉ trên cột đàng hoàng. Còn người Trung Quốc bảo: “Nhất ngôn cửu đỉnh” tức một lời nói nặng tựa chín đỉnh. Và cũng còn nói “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, tức là, một lời nói ra bốn ngựa khó đuổi, khuyên người ta cần cẩn trọng trước lời nói, chớ có ba hoa vô trách nhiệm mà gây họa. Người ta còn răn: Lợi từ miệng, họa cũng từ miệng, chớ có bất cẩn trong lời nói. Vì vậy người Việt còn dạy : “Uốn lưỡi bảy lần hãy nói”. Và còn rủa xả : “Đừng nhỏ bọt xuống đất lại liếm” nói về những kẻ nói không trách nhiệm, nói không giữ lời…

Thế giới có ngày nói dối không phải để khích lệ nói dối, mà để thả rông người ta xả rác cho đã mà đừng nói dối nữa. Nhưng nhân loại vẫn sợ nói dối lắm, bằng chứng là có rất nhiều nước như Anh, Canada, Úc, New Zealand...   chỉ     cho ngày nói dối kéo dài nửa ngày, vì sợ không kiểm soát được sức lan tỏa của nó. Vậy thì chúng ta hãy hân hoan chào đón ngày nói dối theo cái cách là sẽ nói dối vài giờ cho đã cả năm, còn sau đó tất cả những gì ta nói là sự thật và trách nhiệm. Nếu được như thế thì không cách gì gia đình không hạnh phúc và quốc gia không hùng mạnh.



(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét