Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Thư mục vụ Tam Nhật Thánh và Phục Sinh 2012 của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh

Nguồn: giaophankontum.com



GpKt, 07.4.2012: Thư mục vụ Tam Nhật Thánh và Phục Sinh 2012 của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh gửi Cha Tổng Đại Diện và Cộng Đồng dân Chúa Giáo phận Kon Tum, ngày Thứ Sáu Thánh, ngày 06/04/2012.
TOÀ GIÁM MỤC KONTUM
Office of the Bishop – Diocese of Kontum
146 Trần Hưng Đạo – Kontum – Việt Nam
Số 34/VT/’12/Tgmkt

Kontum, Thứ Sáu Tuần Thánh, 06.04.2012
THƯ MỤC VỤ 
TAM NHẬT THÁNH – PHỤC SINH 2012
Kính gửi: Lm Phêrô Nguyễn Vân Đông
                Tổng Đại Diện
                 cùng toàn thể Gia đình Giáo phận Kontum.
                Anh chị em thân mến,
“Bình An của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh ở cùng anh chị em!”. Chúng tôi mời anh chị em cùng suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đang diễn lại nơi cộng đoàn anh chị em Turia Yôp, thuộc tỉnh Kontum cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.
1. Turia Yôp :
Như anh chị em đã biết Turia Yôp là một họ đạo thuộc xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kontum. Số giáo dân vùng này cũng tới cả mấy ngàn giáo dân, nếu kể cả địa sở Kon Hring có tới 12.655 giáo dân. Vì thiếu linh mục, nên Linh mục địa sở Kon Hring, Lm Bá Năng Lý, phải kiêm nhiệm cả vùng rộng lớn thuộc huyện Đăk Tô và một phần huyện Đăk Hà. Có các linh mục mới thụ phong, Lm Khanh và Lm Hoa, làm phó xứ. Ngày 23.02.2012, Lm Hoa đến dâng lễ an táng cho một bà già sêđăng nghèo tại đây trên đường về đã bị đánh trọng thương. Và dịp lễ Phục Sinh này, chúng tôi đã nộp đơn xin Xã, Huyện, Tỉnh cũng không được chấp thuận, cho dù đã có nhiều gặp gỡ trao đổi! Đâu là lý do từ chối sâu xa nhất?
Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, người kitô hữu có được một đức tin tuyệt vời. Đức tin này có thể tóm gọn trong 3 cái một :
•    Một chân lý căn bản: “Sự sống đời đời là nhận biết Cha Thiên Chúa độc nhất và chân thật và Đấng Cha đã sai, Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Chỉ có một Thiên Chúa là Cha, mọi người là anh em.
•    Một giới luật yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 15,12). Yêu Chúa yêu người là một. Yêu người như yêu Chúa và yêu bằng tình yêu của Chúa.
•    Một lệnh truyền: “Hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân” (Mc 16,15). Tin mừng đó là chính Đức Giêsu, chính nhờ Ngài chúng ta biết và đi giúp mọi người biết tất cả là anh chị em với nhau cùng nhau xây dựng một thế giới văn minh của tình thương!
Cứ để ý mà xem: Ai yêu nước bằng người Công giáo chân chính? Ai hiếu thảo cha mẹ tổ tiên bằng người Công giáo đích thực? Vì hiếu thảo bằng chính tình yêu của Thiên Chúa và như thể yêu mến Chúa vậy (x. Mt 22,34-40). Nơi nào có nhà thờ, có linh mục, có tu sĩ, nơi đó có nhân nghĩa hơn, có huynh đệ hơn, có tin nhau hơn! Thiên hạ có sai trái đều dễ dàng được cảm thông, còn người có đạo mà sai lỗi, thiên hạ đều trách “Công giáo mà thế à! Có Đạo mà thế à!” . Cứ coi các nhà trẻ do các nữ tu chăm sóc: Những ai đưa con cái tới trước nhất? Tại sao phải xin giữ chỗ cả năm trước?  Nhưng sao có thời người kitô hữu lại bị xếp xuống công dân hạng hai hạng ba vậy? Sao vẫn bị hiểu lầm, bị kỳ thị?
2. Đâu là lý do sâu xa của việc cấm đoán, kỳ thị, bất công?
Anh chị em thân mến,
2.1.    Lý do thứ nhất : Tại người có đạo không sống Đạo!
Tin Đạo mà không sống đạo là một cản trở lớn và là một nguyên do gây hiểu lầm trong xã hội. Tin Đạo mà không biết truyền đạo lại còn là một lý do trầm trọng hơn làm cho người khác không những xa Giáo Hội, mà còn ghét nữa! Tại sao đến giờ này nhiều người cứ mãi xin chuẩn khác đạo? Vâng chính những gương mù gương xấu như chè chén say xưa, như ly dị phá thai, như mắc các tệ nạn đã làm méo mó khuôn mặt tươi xinh của Giáo Hội. Chính chểnh mảng không truyền giáo hoặc truyền giáo lệch lạc làm cho nhiều người hiểu lầm và ghét Giáo Hội. Chính việc các gia đình kitô giáo không quan tâm đủ để lo cho con em ăn học và tận hiến cuộc đời cho Chúa và xã hội mà chúng ta thiếu trầm trọng các vị chủ chăn và các nhà thừa sai. Cứ gẫm coi, nếu vùng Turia Yôp có đông con em ăn học và làm linh mục tu sĩ thì đâu cần tới Lm Hoa từ Pleiku lên phục vụ và cũng không cần nhiều phép tắc thủ tục. Hãy tự trách mình trước. Thánh Phaolô đã từng cảnh báo “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng”(1Cr 9,16).
2.2.    Lý do thứ hai : Do chính Đạo.
Cứ ngẫm nghĩ mà coi! Nhiều khó khăn đến từ chính Đạo. Đừng ngạc nhiên. Hãy hiên ngang về niềm tin tuyệt vời này.
Một tôn giáo như kitô giáo dạy “một vợ một chồng” đâu dễ được đón nhận tại một đất nước mà vua chúa thì cả 1000 cung phi còn quan quyền thì năm thê bảy thiếp? Nhiều người ghét cũng dễ hiểu!
Một tôn giáo như kitô giáo dạy “không được ly dị, không đồng tính luyến ái, không phá thai”, đụng chạm tới quyền lợi làm ăn của bao người, hẳn sẽ bị phản đối, bị dèm pha hoặc gây khó khăn đến bắt bớ, cấm cách. Cứ theo dõi các cuộc tông du của Đức Thánh Cha trên thế giới: tới đâu cũng có những đám người tụ họp phản đối, đả đảo đấy! Trước “những hiểu lầm hay bất công” này, chúng ta càng cần ý thức hơn sứ mạng “được sai đi loan báo Tin Mừng yêu thương” bằng lời nói, bằng đời sống phục vụ hết tình!
Anh chị em thân mến,
Cảnh anh chị em Turia Yôp cũng như nhiều nơi chưa được hưởng cái quyền sống Đạo có khác gì cảnh nô lệ của dân Israen xưa? Ông Mai Sen đã bỏ cuộc sống cung điện ra đi chia sẻ kiếp lầm than của dân (x. Xh 2,11-15), còn chúng tôi phải làm sao cho phải Đạo?  Là con người, chúng tôi cũng muốn sống, cũng sợ chết. Nhìn thấy dùi cui, roi điện, chó nghiệp vụ hoặc nòng súng, tự nhiên chúng tôi cũng muốn chạy trốn! Nhưng “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người thời nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ – cụ thể ở đây là của anh chị em Vùng Turia Yôp – cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Hc Mv số 1),  nên tiếng kêu của dân Turia Yôp càng thúc bách và nhắc nhở người mục tử chúng tôi nhớ tới lời phát biểu của Chú Yao Phu A. H. năm 2010 trước đông đảo các cán bộ ở huyện Đăk Tô: “Kính thưa quý vị, Tôi, một yao phu, tôi xin phát biểu. 1. Ở đây không có tự do tôn giáo. Ở nơi khác tôi không biết. Nhưng ở đây suốt hơn 30 năm nay. Không có. Không có nhà thờ. Không linh mục. Không bí tích. 2. Đã có yao phu bị bắt vì đạo. Bị tù ở Pleibông vì đạo. Bị chết vì đạo. Số phận chúng tôi là yao phu, cũng sẽ không hơn gì cha ông. Chúng tôi cũng sẵn sàng để được chết vì đạo”. (trích Văn Thư 51/VT/’10/Tgmkt, ngày 22.11.2010, gửi Ông Chủ Tịch Tỉnh Gia Lai). Thánh Phaolô đã từng nói: “Không ai được sống cho mình, cũng không ai được chết cho mình. Có sống và chết là sống và chết cho Đức Kitô” ( Rm 14,7-8). Đức Kitô ở đây đang hiện thân nơi anh chị em đạo hữu ở Turia Yôp cũng như ở khắp nơi chúng tôi được trao phó chăm sóc và phục vụ! Cụ thể chúng tôi đã báo chính quyền chương trình đến thăm mục vụ và dâng lễ cho anh chị em ở Turia Yôp từ 09g đến 10g sáng Chúa nhật Phục Sinh.
Xin toàn thể gia đình giáo phận cầu cho chúng tôi có đủ ơn khôn ngoan và lòng can đảm của Chúa Thánh Thần để phục vụ quê hương cũng như Giáo Hội, cho trọn vẹn đôi bề. Cầu mong qua vụ này, quý cán bộ sẽ hiểu người Công giáo chúng ta hơn, sẽ yêu thương hơn và mối quan hệ đôi bên không bị tan vỡ nhưng được cải tiến hơn! Tất cả vì hạnh phúc của giáo dân. Tất cả vì ích quốc lợi dân! Tất cả cho vinh danh Thiên Chúa, là Cha mọi người, là Chủ lịch sử!
Hiệp thông trong niềm vui mừng Chúa Phục Sinh,

+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám Mục Giáo Phận Kontum

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét