Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

TRỞ LẠI LÀNG XÔ MAN TÌM RỪNG XÀ NU


                                                                             Văn Công Hùng
                                                                   (Theo Blog vanconghung)

Có một thực tế là thế này: Rất nhiều thầy cô giáo khi dạy tác phẩm "Rừng xà nu" của Nguyên Ngọc đã... không biết cây xà nu là cây gì, kể cả một số người ở Tây Nguyên. Trong đoàn làm phim của báo Mực Tím do nhà thơ Nguyễn Thái Dương "cầm đầu" cũng có vài người không biết, mà đoàn làm phim này đi làm phim trong chương trình Từ tác phẩm ra cuộc đời, những là về "Ai đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường, "Đàn ghi ta của Lorca" của Thanh Thảo, "Rừng xà nu" của Nguyên Ngọc...
Tớ thì tớ biết, nhưng chưa có dịp nói, nay nghe anh Nguyễn Thái Dương gọi một phát, thế là hăm hở đi hộ tống các bác ngay...
-----------------------



"Chúng tôi" đây, đang trên đường lên Đăk Glei- VCH, NGuyễn Thái Dương, Tạ Văn Sĩ, Vũ Hùng

        Chúng tôi trở lại Đăk Glei trong tâm trạng vừa thắc thỏm, vừa hồi hộp. Mà không hồi hộp sao được khi cái tên vùng đất nổi tiếng như thế mà đến mấy chục năm rồi mới trở lại. Thực ra từ hồi đường Hồ Chí Minh thông thương thì cái sự đi qua Đăk Glei là thường xuyên. Nhưng đi qua với dừng lại nó khác nhau như nước với lửa, như rượu với... nước lọc. Đăk Glei nổi tiếng bởi nó có "Rừng xà nu" ở làng Xô Man, và là nơi nhà văn Nguyên Ngọc đã tạc nên một nhân vật văn học vừa kỳ vĩ vừa có vẻ hoang đường bí ẩn là cụ Mết. Mà, điều kỳ vĩ ấy càng hấp dẫn là bởi cụ Mết là một nhân vật có thật.
        Có một sự thật là thế này, rất nhiều thầy cô giáo dạy văn cấp ba, biết tôi ở Tây Nguyên và có tìm tòi một chút về mảnh đất này, vẫn hay hỏi tôi rằng xà nu là loại cây như thế nào, nó có thật không, hay lại cũng do nhà văn Nguyên Ngọc "sáng tạo" ra như cái tên làng Kông Hoa và Xô Man nổi tiếng. Làng Kông Hoa thì tôi đã nhiều lần viết trên báo rồi, tên thật của nó là làng S'tơ, thuộc xã Tơ Tung, huyện K'bang, Gia Lai. Làng Xô Man thì tí nữa nói, trước hết "giải trình" về cây xà nu đã.
        Có nhiều khi sự thật nó đơn giản vô cùng. Khi lên Tây Nguyên tôi đã tìm hiểu về cây Kơ nia và biết nó là cây cầy (hoặc là cậy) ở đồng bằng, tìm hiểu cây Pơ lang thì biết nó là cây hoa gạo, mộc miên ở miền Bắc... sự thật nói ra nhiều khi nó mất đi sự thiêng liêng và cả cái bí ẩn dẫn dụ sự mê tưởng của con người, khiến nó không còn lung linh huyền ảo, nhưng biết làm sao được, chả lẽ lại cứ giữ mãi để rồi thiên hạ lao xao hỏi nhau, nó là cây gì.
        Thì cái cây xà nu ấy nó chính là cây... thông đấy ạ. Thông có 2 loại, thông 3 lá và thông 2 lá. Thông hai lá mới là thông lấy nhựa, nó có thể cho 6kg nhựa/1 cây/1 năm, từ nhựa ấy người ta làm ra colophan, còn gọi là tùng hương và dầu thông người ta hay dùng để quang nón cho bóng. Còn cái cây xà nu ta đang nói đây nó là thông ba lá, nhựa rất ít, chủ yếu để lấy gỗ vì gỗ nó nhẹ, phổ biến là làm vỏ thùng đạn. Người dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt vùng người Dẻ Triêng ở Đăk Glei chỉ sử dụng của xà nu một thứ, một thứ duy nhất, ấy là nhựa của nó để thắp sáng ban đêm. Họ tước những mảnh nhựa, đốt thay đèn. Và điều ấy lý giải tại sao da người Dẻ Triêng luôn ám khói mồ hóng. Còn chúng ta, chỉ ngủ một đêm ở làng, sáng mai ra, lỗ mũi, vành tai, các nếp nhăn, các góc khuất... đều đầy muội nhựa thông. Tôi nhiều lần đi về các làng người dân tộc, chưa bao giờ thấy họ sử dụng gỗ cây xà nu làm nhà hoặc sử dụng vào đời sống thường nhật, kể cả củi, có lẽ do thời ấy rừng còn nhiều loại gỗ tốt hơn cây thông nhiều mà lại không có nhựa, khói, không bị hăng... Mà có điều này chúng tôi mới phát hiện trong chuyến về Đăk Glei kỳ này, ấy là người Dẻ Triêng ở đây không gọi cây thông ba lá này là xà nu, mà nó lại là loong nuhkia, thế tức là, có khi, ngay cả tên gọi xà nu cũng là của nhà văn khai sinh cho nó?...
        Hồi ấy, trong "Rừng xà nu" của Nguyên Ngọc, xà nu còn là rừng, xum xuê và cổ thụ. Tôi nhớ lần đầu tiên lên Đăk Glei là năm 1982, từ Pleiku lên phải đi ba ngày bằng xe zin ba cầu, xà nu vẫn còn là rừng, cây nào cây ấy to cỡ hai người ôm, cao vời vợi, trên ngọn sóc, khỉ chuyền cành... đến nỗi chả biết ai tham mưu, nhà nước cho làm hẳn một nhà máy chế biến nhựa thông ở đấy. Nhưng sau đấy thì nhà máy bỏ hoang vì... xà nu tức thông ba lá này không phải là loại lấy nhựa. Bây giờ về lại, chả thấy xà nu cổ thụ đâu nữa, chỉ toàn là thông non, mà nó cũng lùi lên tít trên núi cao, còn làng trơ trọi cây, lợp ngói và tôn, phau phau nắng. Và bụi, và khô khốc, và hoang dã...
Bây giờ trở lại, rừng xà nu như thế này?...

        Khoảng cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, cái hồi ông Tư Đành với cái công ty công nông lâm nghiệp Đăk Glei đang còn nổi đình nổi đám, ông Tư Đành có tổ chức cho một tốp nhà văn lên thăm công ty. Sướng nhất là trong số khách mời có nhà văn Nguyên Ngọc. Tôi tháp tùng ông đi chuyến ấy. Ông Tư Đành bố trí một xe U oát mới tinh, hai cầu, một cậu lái xe tên Ngọc Anh, vào loại giỏi nhất trong đội ngũ lái xe của công ty và gần như của cả tỉnh khi ấy. Và Ngọc Anh đã chứng tỏ là một tay lái lụa thật sự khi đưa chúng tôi leo lên tận đỉnh Ngọc Linh, lên Mường Hoong, Đăk Choong, Đăk Nhoong... giữa mùa mưa mù mịt, cách mấy mét không nhìn thấy phía trước, đường đất, nhiều đoạn sụt lở, có đoạn chỉ có thể tiến hoặc lùi, không thể quay đầu, nhiều lúc xe rệ đít chênh vênh trên bờ vực... Tay lụa đã đành với động tác xoay vô lăng nhoay nhoáy như múa, chân Ngọc Anh cũng như một vũ công khi thoăn thoắt và liên tục lúc phanh lúc côn lúc ga, có lúc bàn chân nằm ngang, cùng lúc đè cả thắng cả côn... Ông Nguyên Ngọc ngồi ghế trên, mặt không biến sắc, mắt đảo liên tục vừa dò đường, vừa tìm đường.
        Vâng, ông đang tìm đường về làng Xô Man của ông.
        Làng Xô Man chính là cái làng trong tác phẩm "Rừng xà nu", nơi có già Mết, có T'nú, có Mai, có bé Heng, có lũ làng của ông với tinh thần quật cường và lòng dũng cảm vô song, với những trái tim nhân hậu và tình yêu vừa đằm thắm vừa dung dị của những con người tập trung và tiêu biểu của khí phách Tây Nguyên, tâm hồn Tây Nguyên, do Nguyên Ngọc sinh ra, đặt tên cho nó, giống như ông đã khai sinh ra làng Kông Hoa từ cái làng thực có tên là S'tơ của anh hùng Núp...
        Cái làng ấy đã từng tồn tại cách đây gần trăm năm, và nó tiếp tục hiện diện trong văn học, hiện diện mãi trong tâm thức người đọc, trong lòng học sinh bao thế hệ, bởi "Rừng xà nu" được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa.
        Nhưng lần ấy ông Nguyên Ngọc và chúng tôi đã không tìm ra làng. Đơn giản là vì cái làng cũ thì ở cách nơi ở bây giờ 70 cây số, vào làng mới thì cầu bị gãy, xe không vào được. Chúng tôi xuống xe đi vơ vẩn dưới tán rừng thông cổ thụ và nghe nhà văn Nguyên Ngọc kể chuyện. Ông kể về cụ Mết, về ông Núp, về văn hóa Tây nguyên, về những ngày ông sống với họ, hòa trộn mình vào với đời sống của đồng bào để trước hết là chiến đấu, tồn tại, và viết được hai tác phẩm để đời là "Đất nước đứng lên" và "Rừng xà nu", sau nữa là ông trở thành một nhà văn hóa am hiểu Tây Nguyên sâu sắc... Ông Nguyên Ngọc có biệt tài biến những nhân vật có thật trong cuộc đời như Núp, như Mết, như Thào Mỷ... thành những nhân vật văn chương lung linh kỳ ảo, đầy hấp dẫn và cũng đầy thắc thỏm xen lẫn tự tin chân thật, cao vút tính tráng ca mà cũng thăm thẳm trữ tình, thật đấy ảo đấy, làm thổn thức và cũng vất vả bao thế hệ người đọc và thầy trò nước Việt ta...
        Lần này đi cùng báo Mực Tím trong một chương trình vô cùng lý thú là làm những bộ phim về những tác phẩm có trong sách giáo khoa, từ cuộc đời vào trang viết và từ trang viết trở lại cuộc đời.     Chúng tôi đã tìm về được làng Xô Man xưa của cụ Mết. 
 

Làng Xô Man hiện tại, phía sau, rất cao là xà nu non

Nhà rông của làng, giản dị như làng và cũng... nhỏ bé như làng
 Trường học và... bò

Theo anh Đinh Như Rươn, con trai cả của cụ Mết, người được đưa ra bắc từ năm 3 tuổi, sau đó cùng vợ trở về Đăk Glei theo lời khuyên của bí thư tỉnh ủy thời ấy là Sô Lây Tăng rằng vợ chồng mày về phục vụ quê hương 10 năm rồi tao cho chuyển về tỉnh, thế mà rồi ở đấy từ thuở đầu xanh đến nay đã về hưu, thì là làng Xô Man cũ có thể tên thật là Xã Đoàn thuộc Tu Dốp ở cách làng bây giờ đến 70 cây số, và hình như nó đã lẫn đâu đó vào rừng già mà nghe đâu ngay cả khi còn sống thì cụ Mết cũng chưa bao giờ trở lại được nơi ấy kể từ sau năm 75. Nguyên do là người Tây nguyên bình thường đã thường xuyên du canh du cư, thay đổi nơi ở và nơi canh tác, thế mà lại còn chiến tranh, giặc giã, còn bao yếu tố khách quan chủ quan khác xảy ra trong gần một thế kỷ biến động kia. Làng mới Xô Man bây giờ mà chúng tôi vào lần này, ở cách thị trấn huyện 30 cây số, nhưng đường đi rất khó, chúng tôi phải xuống xe đi bộ khá xa, có tên là làng Xốp Nghét, xã Xốp, ở đấy còn ba người con của người vợ thứ 2 của cụ Mết, có cháu dâu và cả chắt nội ngoại. Họ sống khá chật vật... Anh Rươn con trai cả cụ Mết nguyên là giám đốc trung tâm y tế huyện, có vợ làm cùng cơ quan là người Thái Bình, cưới nhau từ hồi ngoài Bắc rồi đưa nhau về quê chồng, sinh được ba con, con trai cả đang là trưởng phòng kinh tế huyện, có vợ là hiệu phó trường dân tộc nội trú tỉnh, con trai thứ hai đang học bác sĩ tại Huế, có vợ người Hà Tĩnh là giáo viên mầm non và con trai út là công an xã, cũng đã có vợ con.


Di ảnh cụ Mết, chụp lại từ ảnh thờ trên bàn thờ nhà anh Đinh Như Rươn

Con trai cả cụ Mết, anh Đinh Như Rươn, người con của bà vợ thứ nhất, hiện về hưu ở tại thị trấn Đăk Glei, nguyên giám đốc trung tâm y tế huyện


 Và  vợ ông, người Thái Bình, học Trung cấp Lâm Nghiệp ở Lạng Sơn, lấy ông rồi cùng về Đăk Glei, rồi cùng đi học trung cấp y Gia Lai- Kon Tum, rồi cùng về trung tâm y tế huyện-

 

 


 Chắt cụ Mết, con của con của con bà vợ 2 của ông, đang ở làng  Xô Man, tức Xốp Nghét.

Đoàn trước ảnh cụ Mết tại nhà anh Rươn ở thị trấn  Đăk Glei


 A Phim và Y Hanh, 2 người con của cụ Mết với bà thứ 2 tại làng Xốp Nghét. Còn một người con trai nữa, nhưng anh đang... say rượu, nằm ngủ. Các người con của bà hai (Đều  đã có gia đình) bảo:Ông bố cứ đẻ xong rồi đi, đánh giặc ,rồi... chết, chả biết đứa nào là con, đứa nào sống đứa nào chết... Nói thẳng ra là hiện nay họ đang sống dưới mức nghèo khổ...
        Cụ Mết tên thật là Đinh Môn. Mất năm 2000. Từ thời chiến tranh, ông nổi tiếng đến mức Pháp đã từng mời về giao chức và phong hàm thiếu tướng nhưng ông không về. Ít người biết rằng ông không biết chữ, là trung đội trưởng tuyên truyền vũ trang khi được Pháp mời về phong thiếu tướng. Sau này làm đến chủ tịch Mặt trận Huyện, ông chỉ biết mỗi một chữ Mết khi ký vào văn bản, còn tất cả ông chỉ truyền đạt bằng... nói. Có nhiều dị bản về việc tại sao ông không được phong anh hùng từ thời cùng với ông Núp dù ông là người tham gia bộ đội trước, có uy tín hơn, và thực sự là người trực tiếp giết được giặc Pháp chứ không chỉ "bắn Pháp chảy máu" như ông Núp. Bây giờ thì theo anh Rươn, tỉnh Kon Tum đang làm hồ sơ đề nghị nhà nước phong anh hùng cho ông. Thôi, muộn còn hơn không, mong rằng ông cũng không lấy thế làm vì, cũng như ông đã sống một cuộc đời bình dị và lặng lẽ cho đến khi Giàng gọi dù nhắc đến tên ông, gần như con dân nước Việt ai cũng phải biết bởi sự chắp cánh của nhà văn Nguyên Ngọc...
        Chuyện về cụ Mết, cả hư và thực, thì tác phẩm "Rừng xà nu" đã trình bày, nói thêm những chuyện "ngoại biên" ở đây sẽ không có đất, thôi dành một dịp khác...
                                                                Pleiku 17/4/2010
                                                                        V.C.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét