Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

PHỐ NÚI DẠI KHỜ

                                                                                              



Cứ theo cách tách từ để hiểu nghĩa, Tây nguyên sẽ được hiểu là cao nguyên ở phía tây. Ai cũng biết như thế, nhưng sẽ có một số người chưa, không và không bao giờ biết đấy là tên của tôi.
Minh họa: La Nguyễn Quốc Vinh
Nguyễn Tây Nguyên, cái tên mà khi giới thiệu trước đám đông, người ta hi vọng sẽ thấy một thằng con trai mang dáng dấp của núi rừng đứng lên chào hơn là một đứa con gái da trắng, tóc cột đuôi gà và đôi mắt hiền hiền.
Tôi tự hào về cái tên của mình, có khi tôi tủm tỉm cười thầm trong bụng trước ánh mắt ngạc nhiên, những lời thì thầm của họ khi nghe thấy tên tôi. Tôi cười, bởi đơn giản ba má đã đặt cho tôi một cái tên  “rất khó phân biệt được giới tính”.
Cái cụm từ trong ngoặc kép ấy là câu mà tôi vẫn thường nói với má khi kể cho má tôi nghe về việc người ta đã “bàng hoàng” như thế nào khi tôi chào họ ở buổi họp mặt hay trong những buổi học đầu năm. Những lúc ấy má tôi chỉ cười rồi bảo cứ để cho người ta hình dung và tưởng tượng đến một vùng đất của Tổ quốc với trập trùng đồi núi, bạt ngàn đất đỏ và đuềnh đoàng tiếng cồng chiêng, cả những phố núi lấp ló trong sương khi người ta nghe đến tên tôi. Má bảo biết đâu như thế người ta lại thấy yêu hơn đất nước của mình.
Tôi sinh ra và sống ngót nghét gần hai mươi năm bên dòng Dakbla, mặc dù quê nội ở miền biển Quy Nhơn, còn quê ngoại ở Huế. Dòng Dakbla chảy ngược, tiếng Ba Na có nghĩa là dòng sông ăn thịt người. Dakbla dòng sông tình tứ vì ngoằn ngoèo, nhẹ nhàng mà hung dữ, dòng sông dài khoảng hơn một trăm năm mươi kilômet, uốn khúc ôm trọn thị xã Kon Tum vào lòng, và trước khi xuôi theo dòng Mekong đổ ra biển, Dakbla đã kịp du ngoạn sang nhà hàng xóm Campuchia, vì thế mà người ta thấy nó chảy ngược.
Câu chuyện tình yêu của ba má tôi là một cuốn tiểu thuyết tình yêu chiến tranh vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Một tình yêu nhiều đa đoan với niềm hi vọng và sự thất vọng luôn nằm trên lằn ranh của sự sống và cái chết, giữa những chờ đợi vô biên. Nhưng tháng năm cứ theo thời gian đi qua, còn tình yêu thì tạo nên phép mầu và ở lại, nối những con người tưởng chừng như chẳng bao giờ biết nhau lại thuộc về nhau.
Chiến tranh qua đi, những người lính suốt đời cầm súng bây giờ đã biết thêm cầm hoa để tặng cho người mình yêu. Ba má tôi cưới nhau, mặc dù chuyện lấy chồng xa với những cô gái Huế thời ấy là một điều còn nhiều trắc trở.
Má tôi kể rằng nhờ ba tôi kiên trì nên mới cưới được má, chứ bà ngoại nhất quyết không chịu gả má đi xa, lúc nào mắt ngoại cũng rưng rưng nước mắt và nói câu: “Gả bây đi xa biết khi mô bây mới về thăm mạ”. Những lúc ấy, má tôi bảo lòng má se thắt, chộn rộn và thương ngoại lắm, nhưng biết làm sao, chờ đợi ba tôi bao năm chỉ mong ngày có đôi có cặp, cái duyên cái số của má phải lấy chồng xa thì cũng đành chịu. Cuối cùng, thương con ngoại cũng chấp nhận, ngậm ngùi nhìn má tôi về làm dâu xứ người.
Phải mất năm năm sau ngày cưới má tôi mới mang bầu, lúc bấy giờ ba má tôi đã chuyển lên vùng Tây nguyên làm ăn theo chính sách đi vùng kinh tế mới của Nhà nước. Má có mang, ai cũng mừng, nhất là bên nội, vì đã có không ít người nghĩ thầm trong bụng rằng ba má tôi “điếc” rồi. Và đã có lúc ba má tôi cũng buồn rầu chấp nhận cái số hiếm muộn đường con cái, bởi những người lính từ chiến trường trở về bao giờ cũng mang vác trên cơ thể mình những vết thương. Có người bị thương thể xác và cũng có không ít người bị tổn thương tinh thần.
Chiến tranh đã cướp đi quá nhiều thứ từ những gia đình, bao nhiêu đạn bom, chất độc hóa học vẫn còn nằm lại đó từ núi rừng đến thành phố, từ những ruộng đồng đến cao nguyên, chúng đã thấm vào đất, vào nước, vào máu của không biết bao nhiêu người, nhất là những người lính.
Chờ đợi mãi rồi tôi cũng cất tiếng khóc chào đời. Và Tây nguyên hiển nhiên trở thành tên của tôi như một trong những kế hoạch mà ba má tôi đã vạch ra, đã mơ ước từ ngày mới cưới. Tây nguyên với ba tôi là chiến trường xưa, là gia tài lớn vì đây là quê hương thứ hai ông chọn để lập nghiệp. Tây nguyên là những cao nguyên đất đỏ trù phú, những núi, những đồi, những dốc nối liền dốc, và cả những đôi mắt dài dại của những đứa trẻ con bản xứ mà nhìn vào đó ta thấy cái hoang dã, hoang dại, cái chân chất của núi rừng. Nó khác hẳn với cái chân chất toát ra từ ruộng đồng, của những người dân quê lam lũ, suốt đời gắn mình với mái đình, giếng nước, gốc đa. Và Tây nguyên là tôi đây, đứa con mà ba má tôi đã mong chờ mòn mỏi.
Ba tôi kể rằng ngày gia đình tôi mới lên đây, đồi núi vẫn còn nhiều, dân cư thưa thớt không đông đúc như bây giờ. Người mới đến được địa phương khoán đất, khoán rừng để canh tác. Dần dần những gia đình bìu ríu lên đây ngày càng nhiều và tập trung lại nên mới thành buôn, thành làng, thành xã, huyện, thị xã.
Thế đấy, hầu hết những người dân ở đây là dân nhập cư, họ ra đi từ những mái nhà của những vùng miền khác nhau, như ông chủ tịch thị xã có gốc Nghệ An, còn bác Huynh, hàng xóm nhà tôi, ra đi từ một miền quê bên sông Thạch Hãn… Cũng có người quê xa đến tận Lào Cai, Bắc Kạn vào Tây nguyên lập nghiệp, dần dà giọng nói của họ cũng rơi bớt những âm nặng và trở nên dễ nghe hơn.
Còn má góp vào câu chuyện bằng cái nhìn đầy chất văn. Má bảo Kon Tum không có nhiều hoa dã quỳ như những nơi khác của Tây nguyên, Kon Tum chỉ có dòng Dakbla buồn buồn, trầm ngâm, có nhà rông, cầu treo, nhà thờ gỗ. Rồi má bảo má thích nhất là ngắm hoàng hôn dưới chân cầu Konklor, và ngắm những rừng cà phê mùa hoa nở trắng muốt...
Kỷ niệm tuổi thơ tôi là câu chuyện về truyền thuyết dòng Đakbla má kể, tôi như nhìn thấy trước mắt những chiếc thuyền độc mộc của người Ba Na, những chiếc thuyền hình chiếc lá vẫn cứ xuôi ngược hằng ngày. Dòng sông ăn thịt người bởi năm nào cũng có người chết đuối, nhưng tôi vẫn thích người ta gọi Dakbla của tôi là dòng sông chảy ngược… Chảy ngược như là tình yêu cứ chảy ngược vào tim, để mà đọng lại, để mà thắp lên những nồng nàn.
Và kỷ niệm tuổi thơ là đôi mắt má rơm rớm khóc khi má kể về huyền thoại sông Hương quê ngoại. Con sông và lần đầu tiên tôi nghe tên, tôi đã ngây ngô hỏi má rằng: “Con sông quê ngoại thơm như hoa hả má?”, để rồi thấy má trầm ngâm. Má kể ngày xưa trên thượng nguồn con sông ấy có rất nhiều hoa mọc ven hai bên bờ sông, mùa hoa nở hương thơm ngào ngạt, và nhờ gió hương hoa nương theo dòng nước chảy về xuôi. Thế nên sông Hương mới có tên như bây giờ. Những lúc như vậy, đôi mắt má nhìn xa xăm và dù chưa đủ lớn để hiểu sự phức tạp của cảm xúc, tôi vẫn biết má đang nhớ ngoại, nhớ Huế…
Chẳng mấy chốc tôi đã thành thiếu nữ, phố núi của tôi cũng thay đổi từng ngày. Những con đường đất đỏ mùa hè đầy bụi, mùa mưa lầy lội đã được nhựa hóa, hai bên đường đã tím ngắt những bằng lăng. Rồi dòng Dakbla được xây kè, được cải tạo và xây thêm “con đường nhỏ nhỏ” cho những người muốn nán chân lại đôi chút để cảm nhận. Tôi cũng đã tròn trịa cảm xúc để biết yêu phố núi những ngày nắng tinh nghịch, những ngày mưa hiu hắt và bắt đầu biết lang thang qua những con dốc khi thấy buồn buồn trong lòng. Tôi yêu hoa bằng lăng, tôi yêu cái màu tím dịu dàng mỗi sáng, khi phố núi còn ngập trong sương, và tôi thích cái rực rỡ màu vàng tươi của những chùm hoa muồng bò cạp. Cũng như má, tôi cũng yêu luôn những cánh rừng hoa cà phê trắng tinh khôi.
Vậy đấy, tất cả những gì đọng lại trong tôi thuộc về nơi tôi sinh ra và lớn lên, nó có chút gì đó làm con người ta nhẹ lòng khi nghĩ đến, đó không phải là những thứ xa hoa lộng lẫy mà cuộc sống hiện đại đem lại. Với tôi, những điều gắn bó lâu nhất với tâm hồn con người là những điều bình dị và gần gũi nhất. Và cái hình ảnh đọng lại, làm ám ảnh tôi đó là những buổi chiều nhìn dòng Dakbla đỏ rực dưới hoàng hôn, tôi thấy phố núi của tôi buồn chi lạ, và tôi có cảm giác như nó nhỏ xíu, nhỏ như Huế trong trí nhớ của má. Cái màu man mác của những chiều phố núi làm tôi bâng khuâng không thể gọi thành tên…
Tạm biệt những ngày áo dài dắt bộ mỗi trưa, mỗi chiều qua những con dốc để về nhà, tạm biệt những ngày tháng mộng mơ trên cao nguyên đầy hương và đầy hoa, tôi giã từ phố núi vào một ngày mùa thu nhiều lá và gió. Má rất ủng hộ khi tôi chọn Huế là nơi để bước tiếp những bước trên hành trình của cuộc đời mình, bởi với má chỉ có Huế mới hợp với một đứa con gái đa sầu đa cảm như tôi. Nhưng hơn hết về Huế tôi sẽ có ngoại, má sẽ đỡ lo hơn.
Tôi nhảy lên chuyến xe cuối cùng của ngày để về quê ngoại. Má bảo chỉ cần lên xe con ngủ một giấc thì đến. Xe lăn bánh qua bao nhiêu con đường của đất nước và dừng chân ở Huế vào buổi sáng. Thế là tôi đã chui tọt qua hầm đèo Hải Vân khi tôi đang ngủ… Huế dang tay đón đứa con gái có nửa dòng máu Huế trong người bằng cái nắng dở dang của một sáng mùa thu. Má nói đúng, Huế giống tôi, hay tôi giống Huế tôi cũng không rõ nữa. Huế đỏng đảnh bởi những ngày nắng - mưa, Huế bình yên và hiền lành, Huế dịu dàng và nhiều suy tư.
Bốn năm đại học, tôi trở về cao nguyên của tôi vào những ngày nghỉ hè và những kỳ nghỉ tết. Người dân Huế nói rằng: “Huế đông người và giàu lên nhờ sinh viên”. Và tôi hiểu cái không gian thiếu vắng, trông trống của Huế những ngày hè. Có lẽ Huế đã buồn lắm khi thiếu vắng lũ sinh viên chúng tôi. Những ngày trở về với dòng Dakbla, về với ba má, em trai, tôi biết ở Huế có người nhớ tôi vô cùng. Quen và yêu Phong đã làm tôi yêu và gắn bó với Huế hơn.
Tôi yêu hơn những chiều hạ, hồ Tịnh Tâm ngan ngát hương sen, tôi thích ngắm hoàng hôn trên đê sông chùa Thiên Mụ. Phong lớn hơn tôi một tuổi, học quản lý đất đai, bên trường nông lâm. Tôi gọi là “bên trường” bởi trường ấy ở bên bờ Bắc, trong Thành nội… Và vì tôi nhớ ca khúc Huế xưa của Châu Kỳ có câu “Ở bên ni qua bên nớ, cách con sông chuyến đò chẳng xa, nhỏ sang thăm có tôi đợi chờ…”, nhưng đó là Huế của ngày xưa, còn bây giờ hai bờ sông Hương đã có ba cây cầu nối nhịp.
Phong là một chàng trai Huế, cao hơn tôi một cái đầu, khuôn mặt lạnh, ít nói, nhưng ở anh, tôi nhìn thấy có cái gì đó hay hay, nó cuốn hút tôi có lẽ vì cái “hay hay” mà tôi đã cắt nghĩa ấy. Phong thường gọi tôi là bé. Bao giờ cũng bé và lúc nào cũng bé. Nếu anh có nói câu “Anh yêu em” thì cũng sẽ biến thể thành “Anh yêu bé”. Những ngày tháng xa nhà, tôi mất đi hay phải cố tình bỏ quên vài thứ ở lại sau lưng thì thêm vào đó tôi có tình yêu, mối tình đầu của một cô em phố núi là tôi đây và một chàng trai Huế. Yêu anh, tôi như yêu và gắn bó nhiều hơn với đất và người xứ Huế, bởi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng nói: “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”.
Phong ra trường trước tôi một năm. Anh quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp.Anh bảo đất Huế đẹp với những người đa tình, nhưng đấy cũng là mảnh đất khó sống với những ai muốn bon chen, muốn làm giàu… Và dù thế nào đi nữa anh cũng phải đi kể cả việc bỏ tôi lại một mình. Đành chấp nhận, tôi chẳng biết mình lấy tư cách gì để giữ anh lại bên tôi, điều đó là không thể và cũng không cần thiết.
Phong đi rồi, những ngày tháng dài đằng đẵng từ từ trôi qua, và có một ngày nào đó trong chuỗi ngày “không còn là định mệnh” ấy, tôi đã lấy những bức thư anh gửi tôi những ngày tôi vắng Huế ra đọc. Trong những lá thư ấy bao giờ anh cũng tặng tôi một bài thơ, và dù ở bài thơ nào thì cũng có câu “Ừ thôi, em về… Phố núi đợi em...”. Tôi thấy cay xè nơi khóe mắt và ước gì tôi có thể viết lại một câu khác để gửi cho anh, có lẽ tôi sẽ viết: “Này anh hãy về! Phố núi đợi anh…”. Nhưng đó chỉ là giấc mơ thôi, và tôi chẳng bao giờ làm như thế. Tất cả đã trở thành hư không, trống rỗng hết cả rồi…
Học xong đại học, tôi chẳng quay trở về phố núi mà nán ở lại Huế với hi vọng sẽ tìm thấy một cái gì đó dành cho tôi, có thể là công việc, hay có thể là một điều gì đó đang nằm ở thì tương lai…
Huế đang là mùa hè, những ngày hè nóng nực và oi bức. Mọi năm, giờ này tôi đã về với cao nguyên của tôi, sẽ ngồi nhâm nhi cà phê cao nguyên ở một quán nào đó lồng lộng gió… Về để thấy mình lớn hơn, để thấy phố núi nhộn nhịp hơn, hay để thấy tôi già đi trong từng tế bào cảm xúc… Huế mùa này, tôi không bao giờ gọi Huế mùa hè mà gọi là “mùa Huế nhiều hoa”. Có lẽ đúng như thế thật. Huế rực rỡ nhất vào mùa hè, hoa rực rỡ, nắng rực rỡ và rực rỡ cả những mùa lễ hội… Đang lang thang ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ngắm hoàng hôn trên sông Hương thì tôi nhận được tin nhắn của má. Má tôi bảo ba đang bệnh, và kết thúc tin nhắn bằng câu hỏi: “Tây nguyên! Bao giờ con về… Tây nguyên?”.
Tôi đứng dưới chân cầu Konklor ngắm sông ĐakBla trôi lờ lững, tôi nhớ về những gì đã trải qua từ khi tôi giã từ phố núi. Tôi nhớ Phong, tôi nhớ Huế và tôi nhớ cả cách người Tây nguyên đi qua những chiếc cầu treo chòng chành mà không hề ngã, bởi người đi trước và người đi sau không bao giờ bước lạc nhịp bước chân.
Tôi nghĩ đến tình yêu, và tôi thấy tình yêu na ná giống điều đó, bởi có thể người ta sẽ mất nhau suốt đời nếu người ta bước những bước lạc nhịp. Tôi sẽ tìm ai đó hay sẽ chờ ai đó cùng tôi xây một cây cầu, và dù đó là kiểu cầu treo của miền Tây nguyên, dù nó có chòng chành và khó đi đến đâu đi nữa, tôi cũng sẽ cố gắng bước từng bước, từ bước đầu tiên đến bước cuối cùng không lạc nhịp… 

NAM GIAO (Huế)
                                                                                                                     (Tuổi Trẻ online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét