Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

HỒI ỨC KON TUM 1: THAY ĐỔI - ĐỔI THAY

Bạn thân mến,
Nhân dịp chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Kon Tum (9.2.1913 - 9.2.2013), tôi xin post lên một số hồi ức về Kon Tum, do các bô lão từng là những nhân chứng sống trên mảnh đất Kon Tum yêu dấu kể lại. Những hồi ức được kể lại trước đây, hay mới đây, hoặc sắp tới đây.v.v., sẽ góp phần soi sáng quá khứ, giúp kẻ hậu sinh hiểu biết thêm về quê hương đất nước, để thêm yêu Kon Tum quê mình. Chỉ đơn giản thôi, một dòng sông ĐăkBla uốn mình có cù lao ở giữa; ngôi trường tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm, nếu không kể lại chắc chẳng ai còn biết nó từng có mặt trên đời... Xin các bậc cao niên từng sống ở Kon Tum có những hồi ức về quê hương xứ sở, hãy kể lại để con cháu am tường, để mà được tự hào, được vui sướng vì đã trót sinh ra làm người...Kon Tum. 

Hôm nay, xin các bạn hãy sống lại với hồi ức một thời của chú NGUYỄN LÀI, một người dân Kon Tum chính gốc, hiện đang sống cùng gia đình tại Mỹ. Xin cám ơn chú Lài đã cho phép post bài.


HỒI ỨC KON TUM 1:

THAY ĐỔI – ĐỔI THAY

                                                                                                            Petrus NGUYỄN LÀI 
Fort Smith, A.R, USA.
(Sinh 1941 tại Kon Tum)
  
“Từ đây đến đó có biết bao nhiêu nước chảy qua cầu!”...
Đó là cách nói ám chỉ những sự thay đổi – đổi thay xảy ra trên đời này.
Và 100 năm đã qua, có tất cả bao nhiêu nước đã chảy qua cầu Đakbla của làng Tân Hương, thị xã Kontum ngày nay?

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm, ngày xây dựng Nhà thờ họ đạo Gò Mít nay là Giáo xứ Tân Hương- Kon Tum (1906-2006), tôi xin ghi lại một vài thay đổi- đổi thay trong và ngoài Giáo xứ Tân Hương hoặc những thay đổi- đổi thay quanh thị xã Kon Tum để như gợi nhớ lại ký ức của một thời đã qua...

Họ đạo Gò Mít:
Họ đạo được mang tên Gò Mít vì nơi mà Nhà thờ Tân Hương toạ lạc hôm nay, xưa kia là một Gò Mít (Gò có nhiều cây mít). Hai cây mít cuối cùng còn sót lại từ thuở ban đầu là ở ngay đầu dốc đối diện nhà thờ (chỗ nhà Ô. biện Hồ Đình Hớn). Hai gốc mít ấy về sau đã đựơc đào lên không còn vết tích.

Cây cà chít
Cây cà chít là một loại cây rừng khá nặng và rất bền chắc. Gỗ cà chít có màu đen sậm, không sáng và bóng như gỗ hương, trắc, cẩm lai hay gỗ mít. Cây cà chít bền chắc đến độ người ta có thể dùng nó làm trụ rào chịu đựng mưa nắng, bão táp đến 5-7 chục năm. Còn đồ dùng trong nhà bằng gỗ cà chít thì có thể nói là vĩnh viễn vì mối mọt chê, không hề đụng đến. Đinh đóng vào cũng khó mà rút ra cũng khó. Tuy nhiên, ngày nay không còn cây cà chít để dùng làm trụ rào, cột kèo hoặc vật dụng trong nhà như xưa nữa. Cây cà chít trở thành loại cây rừng gần
như “tuyệt chủng” trên địa bàn thị xã Kon Tum.

Voi và con đường voi kéo gỗ: 
Xưa kia giáo dân họ đạo Gò Mít đã phải dùng voi để kéo cây, kéo gỗ như gỗ cà chít từ vùng núi rừng Chư Hreng, bên kia sông DakBla về làm nhà thờ Tân Hương. Tất cả nét gỗ của nhà thờ Tân Hương gồm cột, kè và ván lót sàn..v..v… đều làm bằng gỗ cà chít. Voi ngày nay hầu như đã bị diệt chủng trên địa bàn tỉnh Kon Tum hay đúng hơn voi đã di chuyển về các vùng khác như Buôn Mê Thuột để sống. Theo thống kê mới nhất hiện nay voi chỉ còn trên dưới 100 con trên toàn quốc.

Vết tích duy nhất còn lại của con đường voi kéo gỗ là cái dốc bên cạnh quán tạp hoá của ông biện Hớn phía trước mặt nhà ông Nên (ông Tiếng ). Dốc này nối liền con đường xóm sũng (xóm thấp sau lưng Hang đá Đức Mẹ) từ làng Kon Hơ Ra chót với đường Nguyễn Huệ (Khúc đường voi kéo gỗ không phải là khúc đường qua giữa làng Kon Hơ Ra chót hiện nay nhưng nó là con đường sát làng về phía Tây Tây Nam, dọc theo bờ sông Dak Bla (đường ra ô Kon Hơ Ra chót) nay đã mất hẳn dấu vết vì dòng sông đã chuyển ra xa làng, tạo thành đám đất bồi để dân làng và dân xóm sũng trồng rau như hiện nay. Cái dốc vết tích của con đường voi kéo gỗ này cũng khó nhận ra được vì nó không được ghi tên, hơn nữa nó đã được cán đá trãi nhựa. Vì dốc này trước kia rất đứng xe nên một dốc khác đã được tạo nên lài lài hơn dọc bên hai cây mít. Ngày nay dốc lài lài này đã  bị xoá mất hẳn dấu vết.

Dòng sông DakBla chảy ngược: 
Khúc sông trước mặt nhà thờ Tân Hương đã uyển chuyển khi bồi khi lỡ từ bờ phía Nam hoặc lên bờ phía Bắc; có khi lỡ đến sát chân đồi Gò Mít nơi nhà thờ Tân Hương hiện nay toạ lạc. Vào thập niên 30-40 dòng sông đã chảy sát hừng xóm sủng (xóm trước nhà thờ ) và làng Kon Hơ Ra chót hiện nay. Vào thập niên 40-50, dòng sông này lại chia ra thành hai nhánh tạo thành hai cù lai (đồn cát) – cù lao ông Kiểm Thương ( cha của ông Khiêm) nằm trước nhà thờ và cù lao ông Xã Muồi (cha của cha Sự ) nằm phía dưới cầu DakBla khoảng 100-150 mét. Nhờ cù lao này (cù lao ông Xã Muồi) mà trứơc kia người ta đã bắt được một cây cầu bằng gỗ thấp và cong nối liền hai bờ Bắc Nam. Hai cù lao này đã bị xoá đi sau cây lụt lớn vào năm 1972. Theo truyền tụng cứ mỗi chu kỳ 20 năm, Kon Tum có một cây lụt lớn ( 1932-1952-1972….). Dường như chu kỳ này nay đã lệch vì sinh thái ở Kon Tum đã đổi thay khi mật độ dân số gia tăng và nạn phá rừng để làm nương rẫy trở nên phổ biến.

Cầu Dakbla:
Tiền thân của cầu Dakbla hiện nay là cây cầu sắt Eiffel được xây cất vào cuối thập niên 50. Vào đầu thập niên 30, chính quyền Pháp thuộc đã xây một cầu đúc băng ngang qua sông từ bờ phía Bắc nằm ngay trước khách sạn 5 sao hiện nay. Cây cầu này đã bị cây lụt 1932 phá vỡ trước khi khánh thành. Vết tích của cây cầu này chỉ còn lại là “hòn bi” (trụ cầu xi măng) hiện nằm dưới mặt nước. Vào mùa khô, trước khi có đập thủy điện Yaly, người ta có thể thấy được ‘hòn bí” để nhảy cắm xuống sông bơi lội, chơi giỡn. Tuy nhiên tại đây “Hà bá-ma gia” đã cướp đi nhiều sinh mạng trẻ. Khi cây cầu này bị phá vỡ, chính quyền Pháp thuộc đã xây dựng một cây cầu khác bằng gỗ, thấp và hình cong nằm phía dưới cầu DakBla hiện nay khoảng 100-150 mét. Một dày dài, cong nối liền bờ phía Bắc với “cù lao” (cồn cát) của ông Xã Muồi và một dày ngắn nối liền ‘cù lao’ này với bờ phía Nam. Cây lụt lớn 1952 đã xoá đi nhà thương cũ và trại lính của người Pháp cùng một sở nuôi la (giống lai giữa ngựa và lừa, to xác và khoẻ hơn) và một sở dâu (dâu nuôi tằm) ở khu Vườn Giông ( cây Vông) nay là rẩy mía nằm ở bờ phía Bắc dưới cầu Dakbla hiện nay khoảng 500-600 mét. Một xóm người chài lưới, khoảng 10 gia đình ở phía dưới cầu Dakbla hiện nay khoảng 100 mét tại bờ phía Nam cũng bị xoá đi. Số gia đình này sinh sống bằng nghề chài lưới và phụ trách chống đò (xà lang) nay đã di chuyển về sống ở ngã ba đường Kơpakơlơng và đường Trần Hưng Đạo lập thành xóm lưới hiện nay. Sau cây lụt 1952, sông hiện nay chỉ còn lại một dòng.

Việc thờ phượng: 
Vào thời Cha Thủ lễ sáng và giờ kinh chiều không còn nữa nhất là sau năm 1975, khi mà việc làm ăn sinh sống trở nên phức tạp, bận rộn và khó khăn hơn. Cha Thủ đã cử hành lễ Misa vào buổi chiều nên việc chầu tháp như thói quen sau khi đọc kinh chiều cũng không còn.
Hàng năm, vào sáng mồng một Tết Nguyên Đán, Giáo dân Tân Hương có thói quen hát kinh “Lạy Cha nhân ái” để mừng tuổi Chúa. Việc mừng tuổi Chúa nay không còn duy trì. Kinh lễ đèn trong ba ngày tuần thánh cũng bớt dài dòng và buồn tẻ. Sau công đồng Vatican II, lễ bằng tiếng latinh đã được thay thế bằng tiếng địa phương. Các linh mục cũng không còn làm 3 thánh lễ liên tục ngay sau thánh lễ nửa đêm.

Lễ phục của giáo dân
Phái nữ vẫn còn mặc áo dài để đi lễ nhưng áo dài phụ nữ ngày nay đã cải tiến rất nhiều. Nam giới không còn mặc áo dài đen, đầu đội khăn đóng(các ông già, các chức sắc) nữa. Bắt đầu vào cuối thập niên 50 phái nam đã mặc âu phục. Guốc gỗ cũng đã được thay thế bằng dép nhật (dép lào), sandal hoặc giày da.

Lễ phép ngoài đường (phép lịch sự) và kỷ luật: 
Vào cuối thập niên 50 việc khoanh tay, cúi đầu chào người lớn hoặc cấp trên, thầy cô ở ngoài đường hoặc khách vào nhà hầu như không còn nữa. Ngày nay giới trẻ xem việc chào hỏi ngoài đường, nơi công cộng không còn là điều bắt buộc mặc dầu sự kính trọng người lớn vẫn được giới trẻ trang trọng nhưng không quá rụt rè hoặc khép nép như khi xưa.

Trong thập niên 40 - 50, nền quân chủ đã mất dần vị thế, nền dân chủ đang thành hình và phát triển nên việc giáo dục quá khắc khe đối với trẻ con bắt đầu giảm dần. Trước đó học sinh hoặc trẻ con ở nhà có thể bị phạt quỳ, bị quỳ xơ mít hoặc đá sỏi hay bị nằm sấp đánh đòn bằng roi mây hoặc ngủ trảu. Điển hình là lớp trẻ thuộc lứa tuổi 1938-1948 như các ông Mai Tự Cường ( Thầy Cường ), ông Tín (con bà Sành) Các ông Lài, Khoái (Cha Khoái) và ông Tường (con ông biện Hiếu) …v…vv… đã từng bị Thầy Thanh (ông biện Trinh) đánh bằng roi ngủ trau khi Thầy còn dạy lớp 3 của trường Micae và từng bị các sr Têrêxa cũ phạt quỳ. Riêng ông Lài đã bị sr Sang(Florence) phạt quỳ trước nhà thờ suốt giờ kinh chiều khi việc ăn cắp chuối của trường Têrêxa cũ bị lộ (ông Tín và ông Tường được thoát nạn vì đã không bị tố giác). Tuy vậy lớp trẻ Tân Hương thuộc lứa tuổi 1938 trở về sau đã được đối xử phóng khoáng hơn, không còn cảnh mặc áo dài đen nữa nên chiều nào cũng vậy, sau giờ kinh chiều và chầu tháp, thường chia thành hai phe xóm trên và xóm dưới. Xóm trên do Tín và Tường chỉ huy. Xóm dưới do Khoái và Lài. Lũ trẻ đánh, vật nhau chí choé. Xóm dưới hầu như lần nào cũng thắng vì Lài can đảm đã xông vào ôm chặt Tín hoặc Tường để Khoái đánh Tín và Tường bằng roi ngủ trảu. Thế là phe xóm trên phải thua chạy tán loạn về nhà.

Sáng nào cũng vậy lớp trẻ đều dậy sớm để đi lễ nhưng thực tế là kéo nhau chạy tập thể dục, la ó, hát vang dậy làng dậy xóm. Vào mùa trái cây thì dùng cây hoặc đá, gạch ném rụng ổi, xoài dọc đường.

Những đêm sáng trăng thì không về nhà liền mà ở lại nhà thờ hoặc lên xóm trên tập trung trước nhà thầy Thanh (ông biện Trinh) để nô đùa, u quạ đến 8-9 giờ tối mới về. Dĩ nhiên khi về nhà trể cũng bị kỷ luật nhưng nhẹ nhàng hơn. Thật là một thơì tuyệt đẹp đầy kỷ niệm của tuổi trẻ hồn nhiên. Tuổi trẻ ngây thơ, lại dễ quên nên không còn hận thù gì sau khi bị phạt hoặc bị đòn trái lại giờ này vẫn kính trọng, thương mến các thầy cô và các Sơ như nhau.

Nhà thờ Tân Hương và vài cơ sở chung quanh:
Các cơ sở chung quanh nhà thờ Tân Hương trước kia gồm có:

1. Nhà xứ cũ là một nhà rầm bằng gỗ cà chít, cao cách mặt đất khoảng hơn 2 mét được cất theo hình chữ I (tính từ đường Nguyễn Huệ nhìn vào ). Hai cánh hơi dài hơn dùng làm hai lớp học ( lớp nhì) (5) và lớp nhất (6). Mỗi lớp có thể chứa tối đa khoảng 20 học sinh. Phần đầu là phòng họp và là phòng khách, phần chân đến cuối là phòng ngủ, phòng làm việc và phòng vệ sinh của cha xứ. Trước phòng khách và 2 lớp có một cái hiên dài nới liền ba phòng . Phía sau hơi lệch về bên phải có một nhà trệt làm bếp và nơi chú giúp ở và một giếng nước. Bên trái nhà xứ có một đường rầm bằng gỗ cà chít cách mặt đất hơn 1 mét có mái ngói che, nối liền hông nhà thờ với nhà xứ.

2. Trường Têrêxa cũ nằm ngang mặt tiền nhà thờ về phía trái tính từ đường Nguyễn Huệ. Gian nhà bên nhà thờ là một lớp học trệt bằng gỗ, mái ngói chứa tối đa khoảng 50 học sinh vì đây là lớp năm ( lớp 2) và lớp sáu (lớp 1) học chung . Từ lớp tư (lớp 3) đến lớp nhất (lớp 6) nam, nữ không còn học chung. Tuy nhiên vào giữa thập niên 60, học sinh các trường đều bắt đầu có nam nữ học chung, chỉ trừ trường Têrêxa chỉ nhận học sinh nữ mà thôi. Chính giữa là nhà xây hai tầng, mái ngói dành cho các Sơ ở và sinh hoạt. Trên nóc, mặt tiền có cây thánh giá phía dưới Thánh giá có tượng Thánh nữ Têrêxa, sát bên phải nhà xây chính này có một hang đa nhỏ, xây bằng đá sỏi lấy từ sông Dakbla. Bên trái giáp đường Phan Thanh Giản (Trần Phú) là một nhà rầm cao bằng gỗ nối liền với gian nhà xây chính giữa dùng làm lớp học cho các học sinh nữ từ lớp tư (lớp 3) trở lên. Trường Têrêxa cũ này cách xa hông nhà thờ khoảng 10-15 mét và có một hàng rào ngủ trảu chạy dài từ đường Nguyễn Huệ đến lớp ba (lớp 4) trường Micae nằm phía sau bên hông nhà thờ, cách đuôi nhà thờ khoảng 15 mét, ngăn cách nhà thờ với trường Têrêxa.

3. Phía sau nhà xứ cũ có một sân banh khá rộng. Đó là nơi sinh hoạt thể thao của trường Micae( Trường cố). Cuối sân banh là vườn chuối của các sr Têrêxa. Phía cuối sân banh, cách đuôi nhà thờ khoảng 100 mét có một nhà trệt 2 gian dùng làm lớp học lớp tư (lớp 3). Một gian dùng làm nơi cho vợ chồng thầy Thái, con nuôi Đức cha Seitz (Kim) ở và dạy lớp nhất (lớp 6) vào năm 1954-1955.

4. Nhà thờ Tân Hương: Nhà thờ được Cha Thủ tân trang nhiều. Bậc cấp vào nhà thờ trước kia chia làm ba. Hai bậc cấp hai bên rộng để vào hai cửa hông. Bậc cấp chính giữa hẹp hơn để vào cửa giữa. Để cho đẹp hơn và thuận lợi cho việc hành lễ ngoài trời, cha Thủ đã xây bậc cấp lại theo hình vòng cung bao gồm cả ba bậc thành một. Ba bậc cấp cũ đã được xây vào năm 1932.
Tháp nhà thờ đã được sơn phết lại nên mất đi màu ximăng nguyên thuỷ cổ kính, che khuất mất các mảnh (chén) sứ được cẩn dọc ngang theo các đường chỉ và mép của tháp. Những mảnh sứ này sáng lấp lánh như xà cừ mỗi khi phản chiếu ánh mặt trời. [Vào thời Nhà thờ Tân Hương được xây cất, dân Việt Nam đặc biệt là dân Kon Tum chưa làm được chén sứ, bát sứ mà chỉ làm được chén sành (đất nung chưa tráng men). Mảnh chén, bát có tên là ‘sứ’ có lẽ là vì chén, bát loại này vào thời kỳ đó do các người Pháp đi sứ đem sang. Hơn nữa lúc ấy dân Kon Tum còn rất nghèo, không có khả năng mua chén sứ, bát sứ để ăn thì làm sao có mảnh bể để góp cho nhà xứ để cẩn tháp. Thật ra bát, chén sứ’ do người Trung Hoa làm ra đầu tiên.]
Giàn gỗ lòng bên trong tháp chính để treo 2 chuông đã được Cha Trường xây lại bằng xi măng từ nền nhà thờ trở lên đến chót tháp.
Hai bên hông nhà thờ nguyên thuỷ là hai hiên để vào hai cửa nách nay đã được nới ra. Tường hai bên đã được dời ra đến sát mép sát đuôi ngón.

Ngoài việc dời hai vách hai bên ra ngoài để cho nhà thờ rộng ra, chứa được nhiều người hơn, Cha Thủ đã cất các bục quỳ giữa hai hàng ghế nên giáo dân hôm nay chỉ đứng và ngồi khi tham dự Thánh lễ hoặc khi đọc kinh.
Mái nhà thờ nguyên thuỷ bằng ngói (đất nung) có màu đậm đen, nay được lợp bằng tôn màu cà rốt đậm.

Nhưng tất cả những thay đổi – đổi thay trong đời này đều do sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. 100 năm, tạ ơn Chúa và  tin tưởng cầu xin cho những đổi thay luôn theo chiều hướng tích cực.

(Petrus Nguyen Lai, 2006)


























2 nhận xét:

  1. Cám ơn bài viết của Chú Lài đã cung cấp rất nhiều thông tin . Cháu cũng là được sinh ra tại Kon Tum và rất vui khi có những thông tin này ,mong Chú có sưc khỏe và thời gian để viết thêm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những hồi ức như thế này rất tuyệt! Vì do những nhân chứng sống kể lại. Họ mắt thấy tai nghe và cảm nghiệm theo suy nghĩ của thời đại họ đã từng trải qua. Cám ơn Chú Lài thật nhiều!

      Xóa