Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

HỒI ỨC KON TUM 8: MỘT THOÁNG NHÌN GIÁO XỨ TÂN HƯƠNG TỪ 1963 - 1972




Lm Giuse Phạm Thiên Trường
(1923 - 19/10/2010)

Xin trân trọng giới thiệu hồi ức của Linh Mục Giuse Phạm Thiên Trường, nguyên cha sở gx Tân Hương (Kon Tum) từ 1963 - 1972. Bài viết vào tháng 10/2006, trước 4 năm ngày ngài qua đời. 
----------------------------------------

MỘT THOÁNG NHÌN GIÁO XỨ TÂN HƯƠNG 
TỪ 1963 - 1972

                                              Lm Giuse Phạm Thiên Trường



Cuộc sống con người cá nhân cũng như tập thể luôn thay đổi: cả tinh thần lẫn vật chất. Qua năm tháng ngày giờ, người trưởng thành thì sống những gì mình đã học tập từ nhỏ, người trẻ thì học tập để sống những ngày sắp tới.


          I. Đối với tuổi trẻ thì Giáo xứ quan tâm hàng đầu về Giáo lý.
           
 Nhắm những chặng đường tuổi trẻ đi tới mà áp dụng việc dạy Giáo lý:
           - 3 năm học giáo lý vỡ lòng để được xưng tội rước lễ lần đầu
           - 3 năm học chuẩn bị Bí tích Thêm sức
           - 3 năm học để được Rước Lễ trọng thể
          - 3 năm sau cùng thì 2 năm học Thánh Kinh nhập môn Cựu ước - Tân Ước,
   1 năm giáo lý Vào đời (tất nhiên có chuẩn bị Hôn Nhân).

         II.Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể.
         
Tuổi trẻ không phải chỉ phát triển về đời sống Đạo, nhưng còn về cả nhân bản và xã hội nữa. Vì thế cần hồi sinh Hội Tông Đồ Cầu Nguyện: nghành Nghĩa Binh Thánh Thể, ngày nay là phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Đối với giáo xứ Tân Hương, Nghĩa Binh Thánh Thể đã có khởi đầu 50 năm về trước. Quý Ông Bà từ 70, 80 tuổi vẫn còn nhớ cách làm “Kho Thiêng Liêng”.
          Thiếu Nhi Thánh Thể tại Tân Hương được tổ chức theo lứa tuổi căn cứ vào các lớp giáo lý: Ấu nhi, Thiếu nhi và Nghĩa sỹ.
          Để hướng dẫn phong trào có các Cha tuyên uý và điều hành có các Anh Chị Huynh Trưởng. Tân Hương đã sớm tổ chức các Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng , gọi là “ĐUỐC RỪNG I, II, III...”. Thường là tổ chức trại tại PARAĐI. Huynh trưởng các Xứ đạo trong Địa phận cũng được mời tham dự.
          Nội qui và tài liệu sinh hoạt cho Phong trào T.N.T.T do Tân Hương soạn thảo và được các Cha Tuyên uý Phong trào Toàn quốc hiệu chính và chấp thuận dùng cho toàn quốc.
          Huynh trưởng Tân Hương và các bạn quý xứ trong Địa phận Kon Tum đã cùng đi tham dự  Đại Hội Phong trào Thiếu Nhi Toàn Quốc  tại Sài gòn năm 1972, và  được đặc biệt chú ý.
          Còn tại Tân Hương thì Huynh trưởng và các em thiếu nhi không thể quên “Hội Chợ Thiên Quốc”. Đó là phương thức khích lệ các em thi đua học tập, sinh hoạt, làm việc bác ái, làm việc lành, hy sinh, làm tông đồ...Mỗi việc tốt đều có vé. Cuối năm tổng kết vé đổi thành Đô la Thiên quốc. Trong Hội Chợ có nhiều cửa hàng, bán đủ thứ. Ai càng nhiều Đô la thì càng mua được nhiều. Các em có thể dẫn người thân và bạn bè ngoài xứ vào Chợ, nhưng muốn mua đồ thì cần phải có Đô la Thiên quốc. Còn Đô la (Mỹ kim) thì Hội Chợ Thiên quốc không xài. Ngay khi các em mời bạn bè vào quán nước hằng sống SAMARI, hay quán bún riêu SARA hoặc quán phở GIACÓP...cũng phải bao bằng Đô la Thiên quốc. Các em hãnh diện và thú vị lắm...!!!

          III.Vấn đề truyền giáo.
         
Tân Hương không quên cái tên cúng cơm của mình là GÒ MÍT. Mà ngay đường trước nhà xứ còn mấy cây Mít Cổ Thụ, đã luống tuổi, không phát triển nữa mà cũng chẳng chịu tàn lụi, như cố gắng sống để làm chứng bước chân đầu tiên của Thầy Sáu DO (sau là Cha DO) gọi là “BOK DO” đem Tin Mừng lên Miền Cao Tây Nguyên.
          Vâng lệnh Chúa, và theo gương BOK DO, Tân Hương hằng ngày không quên cầu xin CHỦ RUỘNG sai nhiều thợ đến, và còn dâng chút hy sinh như mỗi ngày nhín chút tiền chợ, quý bà ăn trầu thì nhín một miếng trầu, các ông hút thuốc thì nhín một điếu thuốc, trẻ em bớt chút tiền quà...lấy tiền đó bỏ vào “Bùng Binh Truyền Giáo” (con heo đất) mà Ban Truyền Giáo của giáo xứ đã gởi đến mỗi gia đình. Hằng năm đến lễ Truyền Giáo thì mỗi gia đình đem đến nhà thờ, đặt dưới chân bàn thờ, Chầu Phép lành xong thì đem ra trước sân nhà thờ, đập Bùng Binh ra, đếm được bao nhiêu, đem lại góp vào Quỹ Truyền Giáo của giáo xứ, để sẽ nạp về Toà Giám Mục.
          Lệnh của Chúa: Hãy đi khắp nơi...Tân Hương năm ấy tổ chức đi xuống Plei-O-Plei-Op. Đây là nơi đồng bào Dân tộc nhiều làng từ những vùng sâu, vùng xa vì chiến tranh tàn khốc đã tụ họp về đây, dưới chân núi Chư-Pao, Chư-Thới. Tân Hương vận động tất cả mọi gia đình, mọi nghành nghề trong Thị xã Kon Tum họp nhau đi làm việc bác ái xã hội để truyền giáo: -nhóm vệ sinh môi trường, có  giới Gia Trưởng; giới Hiền Mẫu chuẩn bị chổi giẻ, đinh, dây chì, kìm búa...-Nhóm hớt tóc cùng với đồ nghề. Có Giới trẻ, chuẩn bị savon, khăn tắm sau khi hớt tóc các em nhỏ được tắm rửa chải đầu sạch sẽ...-Nhóm y tế: mời số bác sỹ, y tá, công giáo lẫn ngoại giáo, chỉ dẫn cách giữ gìn sức khoẻ, khám bệnh, phát thuốc...-Nhóm thợ may vá, có các bà các cô có sở trường việc may vá cùng cộng tác.-Nhóm sinh hoạt ngoài trời: huynh trưởng trong Phong trào T.N.T.T đảm trách cả việc dựng lều trại và hướng dẫn các trẻ em sinh hoạt vui chơi...
          Ngày lễ Truyền Giáo, các nhóm tề tựu đầy đủ cùng các loại xe: xe hơi, xe gắn máy, xe đạp, sắp xếp thứ tự sẵn sàng, lần đầu tiên này mời chính Đức Giám Mục đến ban lời khích lệ và ban lệnh như Chúa sai các môn đệ. Lệnh xuất phát ban ra, cả Đức Giám Mục (Đức Cha Kim) cùng đi với phái đoàn. Đoàn tới nơi, mọi người già trẻ nam nữ, bỡ ngỡ vui mừng, vì chưa bao giờ thấy nhiều xe đủ loại lại đông người như thế. Đức Giám Mục ban lời thăm hỏi. Sau đó Ban tổ chức  nói ý nghĩa cuộc viếng thăm hôm nay...Và từ nay trở đi, mỗi Chúa nhật đều có  các tiểu ban đến phục vụ bà con trong làng.
          Các nhóm công tác bắt đầu hoạt động...

          IV.Tuần san “HUYNH ĐỆ”.
         
Giáo hữu Tân Hương không đông, chỉ hơn kém hai ngàn có ghi trong sổ. Nhưng số người không ghi danh khá đông. Đó là gia đình công chức, gia đình quân nhân, những người buôn bán...
          Một điều phức tạp nữa là một phần sống trong phố xá, còn một phần sống ven biên thị xã lại còn chung lộn với anh em Dân tộc.
          Giáo xứ muốn có sự liên lạc mật thiết và sinh hoạt thống nhất trong cộng đồng, cho nên đã có Tờ Tuần San “HUYNH ĐỆ” ra mỗi chiều thứ  bảy, chỉ in Roneo dùng trong nội bộ. Trong đó có Lời Chúa với ít dòng suy niệm, có các sinh hoạt trong xứ, có những biến cố vui buồn cùng chia sẻ...Anh chị em công chức và  quân nhân rất nhiệt tình trong hình thành tờ HUYNH ĐỆ này.

          V.Hội trường BOK DO (cũng gọi là Rạp Hát BOK DO).
         
Tân Hương cho đến lúc ấy chưa có Hội trường thích hợp. Tân Hương sẵn có mặt bằng khá tốt nằm ngay cạnh nhà thờ. Do nhà Đệ tử Dòng Mến Thánh Giá mà Đức Giám Mục đã di xuống Ban mê Thuột, chuẩn bị cho Địa phận mới, để trả lại cho giáo xứ khu đất ấy. Tân hương có đất ruộng mà không trực canh. Lúc ấy luật Nhà nước ra: Người Cày có ruộng. Vừa khi Công Đồng Vaticanô II thảo luận rất sôi nổi về Truyền Thông Xã Hội. Đức Phaolô VI đã ký ban hành Sắc lệnh Truyền Thông Xã Hội 2/4/1964, ngay trước khi bế mạc Công Đồng một năm.
          Trong bối cảnh ấy, Hội Đồng Giáo Xứ  được hướng dẫn đệ đơn lên Đức Giám Mục địa Phận, xin phép bán ruộng nhà thờ đi để lấy tiền xây Hội Trường cũng là Rạp Hát, làm phương tiện Truyền Thông Xã Hội.
          Được phép rồi, Tân hương cấp tốc xây Hội trường với tiện nghi y như một Rạp Hát: âm thanh, ánh sáng, hai máy chiếu phim hạng tốt nhất...
          Ban quản trị cho thuê Rạp với điều kiện: khi nhà thờ cần sử dụng thì báo trước một tuần, và chỉ được chiếu phim lành mạnh.
          Tân Hương đã sử dụng Hội trường thoải mái và rất có lợi. Có ít ai quên mỗi dịp lễ cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu, vì kết quả ngày nay vẫn tồn tại.
                                                                                 
                         Người nhận Tân Hương làm quê Hương thứ  2
                                      Lm Giuse Phạm Thiên Trường

(Trích Kỷ Yếu Giáo xứ Tân Hương 10/2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét