Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Et Đông (Et Đing Dieng) - Tết Dúi của người Ba Na Jơ Lưng




Người Ba Na Jơ Lưng hay còn gọi là Ji Lâng là một nhánh của người Ba Na sống tập trung chủ yếu ở xã Tân Lập và xã Đăk T’Re, huyện Kon Rẫy tỉnh Kon Tum. Cũng như các dân tộc khác sống trên vùng Trường Sơn Tây Nguyên, với tín ngưỡng đa thần, “vạn vật hữu linh” họ có rất nhiều lễ hội liên quan đến vòng đời con người, cây trồng, vật nuôi. Et Đông (Tết Dúi) là một trong những lễ hội đặc sắc như vậy của họ.

Ý nghĩa: Được biết ngày xưa,“người Jơ Lưng thờ Thần rắn. Sau thời gian chiêm nghiệm, họ thấy rắn có lúc rất no nhưng đôi khi lại rất đói, không có nguồn thức ăn thường xuyên, ổn định. Trong khi đó, thức ăn của Dúi lại rất đa dạng, nó có thể ăn rễ tre, rễ cỏ và bất cứ hoa quả nào gặp phải. Nên quanh năm suốt tháng chẳng bao giờ Dúi sợ thiếu thức ăn. Loài Dúi lại không phá hoại mùa màng của người dân như lũ chuột đồng nên mọi người càng kính trọng. Vì vậy, họ đã chuyển sang thờ Thần Dúi, xem Dúi là con vật thiêng, biểu tượng của sự cần cù và siêng năng nên cả năm sẽ không bị đói”.
 
 
Lễ Et Đông thường được tổ chức 02 ngày vào đầu tháng Mười dương lịch hàng năm, khi cây lúa bắt đầu trổ bông, ngậm hạt. Lế hội là để cầu mong một năm thu hoạch mùa màng thuận lợi, mọi gia đình trong cộng đồng làng được ấm no, hạnh phúc, là ngày tổ tiên ông bà về thăm con cháu và là ngày gắn kết thêm tình cảm của cả cộng đồng làng. Đặc biệt là chỉ sau khi ăn Tết Dúi, người Ba Na Jơ Lưng mới được phép triển khai những việc lớn của gia đình, như làm nhà mới, sửa nhà cũ, cưới hỏi, mua trâu, bò.v.v.
 
Lễ vật: Sau khi ngày lễ Et Đông được ấn định bởi hội đồng già làng, mỗi gia đình khi đi rừng hay lên nương rẫy đều chú ý tìm cho được ít nhất là một con Dúi, mang về làm sạch ruột, ướp muối, luộc chín rồi treo lên giàn bếp để dành. Đồng thời họ cũng chuẩn bị một ghè rượu thật ngon. Đây là hai lễ vật bắt buộc, không thể thiếu để dâng lên Yàng trong ngày lễ.
 
Mặc dù lễ Et Đông chỉ diễn ra có hai ngày đêm nhưng mọi gia đình đều khẩn trương chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Mọi thứ được chuẩn bị công phu và cẩn thận.Con Dúi sau khi luộc chín, được cắm vào một que tre nhọn, từ đầu đến đuôi được trang trí bằng những  hạt cườm đủ màu sắc và bằng những vật liệu cách điệu, tượng trưng cho nền sản xuất nông nghiệp, nương rẫy: Trên đầu que được cột một ngọn đèn làm từ sáp ong, trên cây que còn có biểu tượng của cây cung “để xua đuổi những điều không may mắn”, một ít bông gòn “cầu mong sự phồn thịnh cho gia chủ” ngoài ra còn có những biểu tượng của bông lúa... Bên cạnh đó, họ cũng chuẩn bị một cây cỏ tranh bỏ vào ống tre, một ít lá chuối tươi và một ghè rượu ngon nhất, đựng trong chiếc ghè quý nhất.
 
 
 Người chủ gia đình cúng nơi góc bếp mời ông bà tổ tiên về dự lễ Et Đông.
 
Tiến trình lễ hội: Vừa sớm tinh mơ, người chủ nhà đã lấy lễ vật chuẩn bị sẵn, thắp đèn sáp ong có cột con dúi lên cùng một chén cơm quay vào góc bếp và cây cột giữa nhà - nơi thờ tổ tiên ông bà, khấn và mời về ăn Tết Dúi. Sau đó, họ chia đều bát cơm cúng cùng với thịt dúi đã chuẩn bị sẵn cho tất cả thành viên trong gia đình và mỗi thành viên cũng lấy một nắm cơm kèm một miếng thịt dúi bỏ vào bát cơm của người chủ gia đình với hy vọng mọi người sẽ được khỏe mạnh và gia đình được sung túc. Trước khi ăn, mỗi người lấy một hạt cơm để trên đầu vì “hạt lúa chính là Mẹ lúa đã nuôi sống họ hàng ngày…”
 
Mặt trời vừa nhô lên phía đằng Đông là lúc một hồi trống dài vang lên từ phía nhà rông báo hiệu chuẩn bị lễ hội Et Đông. Không ai bảo ai như một thông lệ từ xưa, người chủ gia đình chọn một trẻ nhỏ nhanh nhẹn cùng mình mang phẩm vật đã chuẩn bị tiến về nhà rông “theo quan niệm của người Jơ Lưng, trẻ em cái miệng không biết nói những lời tục tĩu, cái đầu chưa nghĩ tới những việc xằng bậy nên để trẻ mang vật thiêng dâng cúng các vị thần linh và ông bà tổ tiên là hợp lẽ hơn cả”. Ngoài ra, đây còn là dịp để cho lũ trẻ hiểu thêm, tiếp nhận những trao truyền của thế hệ đi trước về phong tục tập quán của dân tộc mình.
 
 
 
Đứa trẻ nhanh nhẹn mang lễ vật đi cùng bà đến nhà rông.
 
Già làng là người đến sớm nhất, Ông đã nhanh nhẹn buộc ghè rượu quý có cắm con Dúi của gia đình mình vào cây cột chính ở giữa nhà rông và những hộ trong làng cứ theo thứ tự đã quy định, buộc xen kẽ phần lễ của mình vào những cây cột được bố trí thành một hàng dài chính giữa nhà rông. Khi đặt ghè rượu đồng thời họ cũng đặt vào dưới đáy ghè số hạt gạo tương ứng với số người trong gia đình. Sau khi tan lễ, họ sẽ kiểm tra lại nếu thấy dư hoặc thiếu là báo hiệu điềm không tốt cho gia đình trong năm đó.
 
Sau khi mọi người đã tề tựu đông đủ, già làng lại đánh lên một hồi trống dài báo hiệu lễ hội bắt đầu. Mọi người đồng loạt mở nắp ghè rượu, đổ nước vào bình. Già làng ngồi tại vị trí trung tâm nhà rông tay cầm cuộn chỉ, Ông cột sợi chỉ từ ghè rượu của mình rồi từ đó mỗi nhà chuyền tay nhau kéo sợi chỉ đến từng ghè rượu cũng như cây cột được dành riêng cho gia đình mình rồi họ cẩn thận lấy lá chuối tươi bó sợi chỉ lại đề phòng lửa bén làm đứt chỉ. Điểm cuối của dây được buộc vào cây nêu lớn của làng. Nó vừa là một sợi dây thông linh chuyển thông điệp của chung dân làng tới các vị thần, tới ông bà tổ tiên, vừa là sợi dây đoàn kết tạo nên sự bền vững, sẻ chia, gắn bó giữa các gia đình trong cộng đồng làng.
 
 
Lễ vật đã sẵn sàng dâng lên ông bà tổ tiên.
 
Khi trang trí và chuẩn bị xong những lễ vật cần thiết, già làng sẽ tiến hành cúng Yàng và ông bà tổ tiên.“MờiYàng, ông bà tổ tiên xuống xem thử rẫy nương có được tốt hay không, cầu mong tổ tiên phù hộ cho cây lúa trổ bông đều, chắc hạt, phát triển khỏe mạnh như cây cỏ tranh trong rừng cũng như xua đuổi các loài sâu bệnh phá hoại”.Tiếp đến, già làng làm một số nghi thức như: Lấy rượu trong từng ghè đổ vào một ống nứa, đồng thời lấy một miếng da trên đỉnh đầu của mỗi con dúi, đem xâu lại thành chuỗi rồi cột vào góc thiêng của của nhà rông để dâng lên Yàng; Sau đó ông tiếp tục lấy rượu trong từng ghè đổ vào một cái chén làm bằng lá chuối, mỗi người trong làng đều đến nhúng tay vào chén rượu ấy và mong sự may mắn cũng như sức khỏe đến với mình. Kế đến, mọi gia đình đồng loạt thắp sáng ngọn đèn sáp ong lên “để cho ông bà thấy đường mà về” rồi lại tiếp tục khấn vái, cầu cho mọi nhà khỏe mạnh, no đủ, mùa màng bội thu…
 
Muốn biết được làng có bao nhiều nóc nhà, sự thịnh vượng của làng này đến đâu và hoàn cảnh của từng gia đình như thế nào? Điều này căn cứ vào hai vật: Ghè rượu và con Dúi của gia chủ. Làng có bao nhiêu nóc nhà, chắc chắn sẽ có bấy nhiêu nghè rượu. Ghè rượu càng to, càng ngon, con Dúi càng lớn, được trang trí càng đẹp chứng tỏ gia chủ là những người giàu có và ngược lại.
 
Sau nghi lễ cúng Yàng là phần hội bắt đầu.Già làng uống cang rượu cần đầu tiên rồi đến các hộ gia đình, họ mời nhau nếm thử hết một lượt rượu của các gia đình xem ai ủ rượu ngon nhất, bắt được con Dúi lớn nhất, chuẩn bị món ăn đặc sắc nhất …ai nấy đều vui tươi, hồ hởi, họ vừa ăn uống vừa nói chuyện mùa màng, con cái, chia sẻ kinh nghiệm canh tác, sản xuất, săn bắn…rồi họ hát hò, đánh chiêng, diễn xướng những trò chơi dân gian, kể Khan, nhắc lại thời ông bà tổ tiên đã từng dựng làng, khai đất cứ như thế cuộc vui kéo dài hết đêm bên ghè rượu cần ngây ngất hay bên bếp lửa bập bùng đến tận sáng hôm sau.
 
Tết Dúi dù thế nào cũng phải ăn được một miếng thịt Dúi. Điều khá lạ là trong Et Đông, người ta không thịt vật nuôi trong gia đình, như trâu, bò hay lợn gà.v.v. Hầu hết thực phẩm đều được lấy từ tự nhiên, như rau rừng, cá suối, thú rừng… Gần trưa ngày hôm sau, mọi nhà xẻ thịt dúi chia đều cho tất cả các thành viên trong cộng đồng và khách tham dự. Mọi người lại cùng ăn uống, trao đổi với nhau về việc chuẩn bị Nhà Đầm để chứa lúa, về sửa soạn nhà cửa sau khi thu hoạch vụ mùa và cùng bàn với nhau về dựng vợ gả chồng cho con cái.
 
Et Đông là thời khắc đánh dấu năm cũ đã hết. Năm mới với những hi vọng mới, niềm vui mới bắt đầu. TrongEt Đông, mỗi người đều tự rũ bỏ phiền não, mọi hiềm khích trong cuộc sống hàng ngày của năm cũ đều được hòa giải, xóa bỏ.
 
Lễ hội Et Đông là một lễ hội độc đáo, lôi cuốn hiếm thấy và mang tính triết lý nhân văn sâu sắc. Thông qua lễ hội hàng năm, người Ba Na Jơ Lưng muốn giáo dục con cháu mình phải biết giữ gìn truyền thống, nhớ ơn tổ tiên ông bà, đoàn kết thương yêu nhau và chăm chỉ làm ăn mới mong có cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
 
 Tường Lam



(Nguồn: CTTĐTTKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét