Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

Thi Phẩm “Giáo Nạn Trong Quốc Biến” Của Linh Mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (?)

19-08-2024

 

THI PHẨM “GIÁO NẠN TRONG QUỐC BIẾN” CỦA LINH MỤC GIOAKIM ĐẶNG ĐỨC TUẤN (?)

 

1. Thi phẩm của một giáo dân sống sót sau những ngày khói lửa.

Trong tác phẩm “Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam” có hai thi phẩm mang tên “Đại loạn năm Ất dậu 1885” và “Giáo nạn trong quốc biến” (Dậu- Tuất niên gian phong hỏa ký sự) được in chung và được các tác giả chú giải (xem: Lam Giang và Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, tác giả tự xuất bản, 1970, tr.461- 570).

Thi phẩm “Đại loạn năm Ất dậu 1885” gồm có 8 bài: 1. Cảm nghĩ của một giáo dân trước thời cuộc; 2. Quyền thần loạn chính; 3. Việc biến loạn ở kinh thành; 4. Văn thân khởi binh; 5. Thân hào sát Tả; 6. Giáo dân cự chiến; 7. Quân Pháp đánh dẹp; 8. Thanh minh trước công luận.

Thi phẩm “Giáo nạn trong quốc biến” (Dậu-Tuất niên gian phong hỏa ký sự) gồm có 6 bài: 1. Loạn căn và việc thất thủ kinh thành; 2. Những vụ thảm sát và chiến trận ở Quảng Ngãi; 3. Chiến trận ở Bình Định; 4. Biến loạn ở Phú Yên; 5. Chiến trận ở Quảng Nam; 6. Khánh-Thuận và những ngày tàn của phong trào sát Tả bình Tây.

Về “Đại loạn năm Ất dậu 1885” các tác giả cho rằng: “Thi phẩm trường thiên này theo bút pháp Đặng Đức Tuấn, dùng thể đối liên vận, diễn tả, tường thuật cuộc biến loạn sát Tả bình Tây, những ngày lưu huyết nhất trong lịch sử Việt Nam”.

Còn “Giáo nạn trong quốc biến” thì được bình phẩm: “Thi phẩm trường thiên này, cũng như thi phẩm “Đại loạn năm Ất dậu 1885”, tường thuật việc “bình Tây sát Tả” do các thân hào chủ xướng, gây nên những cuộc tương tàn khủng khiếp, thảm thương”“Lập trường sáng tác là lập trường một giáo dân sống sót sau những ngày khói lửa”.

Như vậy, hai thi phẩm này được in trong trong “Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam” vì có liên quan đến biến cố Văn Thân 1885-1886, chứ không phải do Lm Đặng Đức Tuấn sáng tác. Điều này cũng dễ hiểu, vì theo cách loại suy, cha Đặng Đức Tuấn đã qua đời vào ngày 11 tháng 6 năm Giáp Tuất (1874), theo các tác giả (xem: Lam Giang và Võ Ngọc Nhã, sđdPhần I: Gia thế họ Đặng Đức).

Trong sách “Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam”, Tủ sách Nước Mặn ấn hành dịp Tọa đàm 23/9/2023, hai thi phẩm này được xếp vào phần Phụ lục A: Một số bản văn liên quan đến sự kiện Văn Thân, với ghi chú tác giả: Khuyết danh (xem: “Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, Tủ sách Nước Mặn 23/9/2023, tr. 444).

2. Một chú thích của linh mục Phaolô Lê Đình Ban trong báo “Lời Thăm”, Địa phận Qui Nhơn, 15-22 Avril 1943.

Trong một bài viết in trong báo “Lời Thăm”, Địa phận Qui Nhơn, số ngày 15-22 tháng 4/1943, Lm P. Ban (quê quán Suối Nổ, Bình Định, thuộc hàng giáo sĩ Địa phận Kontum) có tựa đề: “Tử đạo tại Truông Dốc (Nhà Đá)”, kể về “tấn kịch thảm thiết ở Truông Dốc hồi năm Ất Dậu” (1885), khi đề cập đến cuộc chạy nạn của giáo dân theo Cố Hamon (Lựu) ra đến Qui Nhơn, Lm Phaolô Lê Đình Ban (P. Ban) viết: “Tới Qui Nhơn thì mới mừng, song rất đỗi thảm thương: như trong vãn cha Khâm có câu rằng:

Giữa bãi cát che trại che chòi thảm thay,

nhờ của bố thí hằng ngày,

thảm sầu thân thể đổi thay ngậm ngùi”.

(Xem bài ‘Tử đạo tại Truông Dốc” tại địa chỉ: gpquinhon.org/)

Trong sách “Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, Tủ sách Nước Mặn 23/9/2023, tr. 466, các câu này được viết là:

Giữa cát che trại, che chòi khổ thay,

nhờ của bố thí hằng ngày,

thảm sầu thân thể đổi thay ngậm ngùi!

Vãn cha Khâm (tức thơ của cha Gioakim Đặng Đức Tuấn), và ba câu thơ trích từ bài “Giáo nạn trong quốc biến” (Dậu-Tuất niên gian phong hỏa ký sự), ở phần 3, Chiến trận ở Bình Định.

Ghi chú của cha P. Ban trên đây chắc chắn cần phải xác minh, đối chiếu thêm mới đi đến kết luận. Tuy nhiên nếu như cha P. Ban, người đã dịch “Tân cựu Sấm truyền lục bát kinh văn” của cha Đặng Đức Tuấn từ tiếng Nôm sang tiếng Việt vào năm 1933, in trong “Chức dịch thơ tín” địa phận Kontum, nếu như ngài đúng thì thi phẩm “Giáo nạn trong quốc biến” đúng là của cha Khâm – Lm Đặng Đức Tuấn.

Và như vậy, cha Đặng Đức Tuấn thực ra vẫn còn sống đến thời điểm ít là năm Ất Dậu 1885 (chứ không phải đã qua đời năm 1874!?).

 

Lê Minh Sơn

16/08/2024

Nguồn: vanthoconggiao.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét